Monday, March 8, 2010

Hải Chiến Hòang Sa & Trường Sa 19-01-1974 & KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ HY SINH VÌ SỰ NGHIỆP

Cựu Hải Quân Thiếu Úy Trương Văn Song và Lê Thái Phúc tường trình trận Hải Chiến Hoàng Sa & Trường Sa 19-01-1974   
Một sử liệu quý chẳng những cho thế hệ nầy và cả các thế hệ mai sau.

Luật sư Cu Huy Hà Vũ, tiến sĩ Luật khoa, con của Cụ Huy Cận, kiến nghị Nhà nước chxncn-VN truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi côngcho 58 công dân Việt Nam phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 01 năm 1974.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————————————–

Hà Nội ngày 04/3/2010

KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ HY SINH VÌ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

Kính gửi: Quốc Hội
Chủ tịch Nước
Thủ tướng Chính phủ

Tôi là Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, công dân Việt Nam, hộ khẩu thường trú tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, xin gửi tới Quý Vị Lãnh đạo lời chào kính trọng và kiến nghị với Quý Vị Lãnh đạo về việc xây dựng Đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như trình bày sau đây.

Hiến pháp Việt Nam khẳng định: Tổ Quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm (Điều 13), bảo vệ Tổ Quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân (Điều 77).

Hiến pháp Việt Nam khẳng định: Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật (Điều 52)

Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng khẳng định: Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”; Nhà nước và nhân dân xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ (Điều 11).

Nhà nước Việt Nam khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam, là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân Việt Nam.

Đã có những Công dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.

  • Trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 01 năm 1974, 58 công dân Việt Nam phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Kết thúc trận chiến, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị nước ngoài xâm chiếm.
  • Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 64 công dân Việt Nam phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quần đảo Trường Sa. Kết thúc trận chiến, đảo Gạc – Ma của quần đảo Trường Sa đã bị nước ngoài xâm chiếm.
122 công dân Việt Nam ấy là Liệt sĩ và phải được Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tổn vinh bằng các hình thức: truy tặng Bằng “Tổ Quốc ghi công”, xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ.

64 công dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam công nhận Liệt sĩ, được truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

58 công dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa phải được Nhà nước Việt Nam công nhận Liệt sĩ, truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” theo quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật” của Hiến pháp Việt Nam.

Trước tình hình lãnh thổ Việt Nam trên biển nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng, đang bị nước ngoài triển khai xâm chiếm bằng vũ lực một cách ráo riết và nghênh ngang chưa từng có, Chủ nghĩa Yêu nước của toàn thể người Việt Nam – Nhân tố quyết định Thắng lợi của mọi cuộc Chiến tranh Ái Quốc từ Xưa tới Nay, hơn bao giờ hết phải được phát huy cao độ. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Đài tưởng niệm 122 Liệt sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nhằm biểu thị quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn thể nhân dân Việt Nam bảo vệ và giành lại Chủ quyền biển, đảo và trên hết, bảo vệ Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, là vô cùng cấp thiết!

Với lẽ trên và cũng nhằm tiếp nối Đạo lý “Uống Nước nhớ Nguồn”, truyền thống tôn vinh các Anh hùng, Liệt sĩ của Dân tộc Việt Nam, tiếp nối các Sắc phong Thần của các Hoàng Đế nước Việt, tiếp nối Đàn Âm Hồn do Vua Thành Thái lập năm 1894 để tưởng niệm Đồng bào và Chiến sĩ trận vong trong cuộc chiến chống ngoại xâm tại Kinh Đô Huế ngày 5 tháng 7 (23 tháng 5 âm lịch) năm 1885, tôi trân trọng kiến nghị Quý Vị Lãnh đạo:
  1. Công nhận Liệt sĩ và truy tặng Bằng “Tổ Quốc ghi công” cho các 58 Công dân Việt Nam hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 (*).
  1. Xây dựng Đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (có khắc tên 122 Liệt sĩ) (*).
Tổ Quốc Việt Nam và các Anh hùng, Liệt sĩ Bất Diệt!

(*) Cần rà lại con số Liệt sĩ cho chính xác.

CÙ HUY HÀ VŨ 


 

No comments:

Post a Comment