Pages

Wednesday, April 28, 2010

Pam Baker - Trịnh Hội Blog

Pam Baker
Pam Baker bên ngoài tòa án
Pam Baker bên ngoài tòa án
Mới thấy đó mà đã gần 18 năm từ hôm đầu tiên tôi gặp Pam bên cạnh cảng cầu Victoria ở Hồng Kông tấp nập người qua lại. Lúc ấy tôi chỉ mới học xong năm thứ ba trường luật ở Melbourne và lần đầu tiên có dịp sống xa nhà vì tôi vừa tìm được cho mình việc làm thiện nguyện ba tháng hè trong các trại cấm ở Hồng Kông qua cơ quan ALRI (Australian Lawyers for Refugees Inc.). Họ phái tôi sang Hồng Kông để làm trợ lý và thông dịch viên cho Pam với số tiền phụ trội là 500 đô mỗi tháng kể cả tiền ăn. Bởi vậy trong khoảng thời gian ấy tôi thường ăn McDonald’s nhiều hơn là ăn cơm vì như một số bạn có thể đã biết, ăn cơm ở Hồng Kông mắc lắm. Vào một tiệm cơm bình dân bạn sẽ phải tốn ít nhất là 20 đô thì ăn mới no. Còn nếu không thì tốt nhất là bạn nên ăn một tô mì, hủ tiếu bên đường hoặc vào McDonald’s như tôi để ăn cho no bụng.

Buổi sáng hôm ấy đứng bên cảng để chờ Pam cùng với một thiện nguyện viên khác tôi vẫn còn nhớ là trời đã bắt đầu se lạnh. Vì tuy đó là mùa hè ở Úc nhưng lại là mùa đông ở Hồng Kông. Nó không lạnh xuống đến 0 độ như ở Melbourne nhưng cũng đủ lạnh để bạn cần phải có một chiếc áo ấm mặc vào mỗi buổi sáng khi bạn ở ngoài đảo xa mỗi ngày phải bắt phà vào thành phố làm việc.

Thế vậy mà hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi về Pam lại là hình ảnh của một người đàn bà không cao lắm nhưng ốm tong ốm teo, mặt nhìn già hơn tuổi và người thì mặc chỉ độc nhất một chiếc áo sơ mi tay lửng kiểu ba tàu mỏng manh tưởng chừng như nếu có một cơn gió mạnh từ biển thổi vào thì bà sẽ là người đầu tiên rơi ngay xuống nước. Trên miệng vẫn còn phì phào điếu thuốc hiệu Dunhill.

Thế đấy. Hình ảnh đầu tiên của tôi mỗi khi nghĩ về Pam là thế. Không chậm chạp như một bà già mặc dù lúc ấy Pam đã gần 70 tuổi. Không có vẻ gì từ tốn, chậm rãi nhìn hiền như bà ngoại của tôi. Tóc cũng không búi cao, chân lại luôn nhún nhảy trên đường, cười nói luôn miệng. Nếu lấy tiêu chuẩn Việt Nam để đánh giá Pam thì chắc chắn có người sẽ cho Pam là một bà già… không nên nết. Nhất là bởi cái tội hút thuốc phì phào từ sáng đến tối mỗi ngày ít nhất cũng phải hết một bao.

Thế vậy mà tôi mê. Mê như điếu đổ. Tôi mê bà và công việc của bà đến độ sang hè năm sau và năm sau nữa, sau nữa, sau nữa – tất cả là 5 lần hè – tôi đã tự bỏ tiền túi để được sang làm việc với bà. Để có thể chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống của Pam và của hơn 100 ngàn người Việt tỵ nạn lúc ấy đang bị giam cầm trong những trại cấm hôi hám, chật chội, thiếu thốn và thiếu cả sự tôn trọng tối thiểu mà luật pháp quốc tế lẽ ra phải mang lại nếu như không có sự giúp đỡ của Pam.

Văn phòng luật sư của Pam lúc ấy là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất ở Hồng Kông luôn sẵn sàng trợ giúp miễn phí cho các hồ sơ tỵ nạn của người Việt cho dù đó là hồ sơ xin chính phủ Hồng Kông cho tỵ nạn, hay hồ sơ kháng cáo lên Cao Uỷ, hay nếu cần, kháng cáo lên đến Tối Cao Pháp Viện (House of Lords) ở Anh Quốc. Có thể nói lúc ấy Pam là người đứng đầu ở Hồng Kông luôn chỉ trích mạnh mẽ chính sách thanh lọc khắc nghiệt bất công của nhà cầm quyền thuộc địa và từ đó bà luôn sẵn sàng thách thức tất cả mọi quyền lực kể cả quyền lực của chính phủ bằng cách thưa họ ra tòa xem ai đúng ai sai.

Và không ngờ văn phòng Pam là văn phòng đã thắng vụ án cuối cùng tại Tối Cao Pháp Viện ở London trước khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày văn phòng nhận tin thắng kiện và tôi đã cùng Pam vào tận trại tỵ nạn Pillar Point để thông báo cho mọi người lúc ấy vẫn chưa biết là tương lai của họ sẽ ra sao. Sẽ bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, bị tiếp tục giam cầm vô hạn định, hay là sẽ được thả ra tự do theo đúng như luật pháp đã quy định. Các bạn phải có mặt vào lúc ấy, phải thấy được từng gương mặt ngạc nhiên đến thẫn thờ của những người vừa được thông báo, thấy được những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt của những người vợ, nghe được tiếng cười, tiếng vỗ tay của đám trẻ đứng bên cạnh và cảm nhận được từng cái nắm tay của những người chồng đang cầm chặt lấy hai tay Pam không nói nên lời, các bạn phải tận mắt thấy được từng cảnh ấy thì lúc ấy các bạn mới có thể thông cảm cho tôi tại sao đã gần 18 năm trôi qua mà tôi vẫn không thể nào quên được.

Tôi không thể quên được Pam, không thể quên được nghĩa tình của Pam đã dành cho những người Việt tỵ nạn không nhà, không cửa nhưng trên hết tôi không thể nào quên được giọng nói khàn đục, tiếng cười sảng khoái và tư tưởng tự do cá biệt của riêng bà. Đối với Pam trong bất cứ công việc gì chúng ta làm điều cần thiết nhất không phải là đánh giá xem việc ấy là việc đại sự có đáng làm hay không mà là bạn có thật sự thích nó không. ‘If you stopped having fun, then you’d better stop doing it’. Pam đã thường nói thế.

Và bà còn nói nhiều câu đáng nhớ nữa mà tôi không thể nào kể hết ra đây được. Chỉ biết là nếu như để lớn nên người tôi đã phải nhờ vào ơn sinh dưỡng dục của ba mẹ tôi thì để trở thành một luật sư đúng nghĩa tôi đã rất may mắn gặp được Pam từ những ngày tôi vẫn còn đi học. Nếu không có Pam chắc chắn tôi đã không thể nào làm được những việc tỵ nạn mà tôi đã bắt chước Pam làm. Cũng chắn chắn rằng tôi không thể nào là tôi. Không thích quan trọng hóa vấn đề, không thích câu nệ quá mức, ghét sự độc đoán kinh khủng và luôn biết phải tự nhắc nhở mình học thuộc nằm lòng câu nói của Pam: We judge how civilized a society may be not by looking at how it treats the wanted but rather the unwanted - Chúng ta đánh giá sự văn minh của một xã hội không phải bằng cách nhìn xem những người có quyền lực, giàu có được đối xử ra sao mà phải xem những người bị ruồng bỏ bị đối xử như thế nào.

Tôi đã nghĩ về câu nói này ngày tôi đến nhà Pam lần cuối ở gần Scotland để làm lễ tang tiễn Pam đi và ba năm sau tôi cũng vẫn mãi nghĩ về câu nói này khi gia đình bạn bè Pam cùng tôi trở lại Macau để rải tro Pam ra biển Đông theo đúng như ý nguyện của Pam để lại. Lúc sinh tiền cũng tại bãi biển này bà từng bảo là một mai chết đi bà muốn được trả về nơi mà nhiều người Việt tỵ nạn đã không gặp được may mắn.

Mới thấy đấy mà đã đến ngày giỗ lần thứ tám của Pam. Ngày hôm nay, 24 tháng 4 năm 2010.

Ý kiến (12)

Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 phuc (usa) Khi doc bai nay toi khong cam duoc nuoc mat , phuc ba vi thuong dan viet nam , du ba ta khong la nguoi viet nam. cam on trinh hoi va Pam
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Trần Tư Bình (Sydney, Úc) Một bài viết lôi cuốn đầy tình cảm và thật sống động. Cảm ơn tác giả.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Lê Nam (Việt nam) Một tấm gương sáng chói về tính nhân văn.Xứng đáng được đưa vào môn Đạo đức của học sinh VN
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Vân Anh (Ba Lan) Cảm tạ bà Pam! Sẽ luôn tưởng nhớ! Người Việt chịu ơn nhiều người không phải người Việt! Thật đáng trân trọng.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Tra dao (Uc) TH viet bai nay doc cam dong vo cung. Cai tinh thuong nguoi ty nan cua ba gia Scottish nay sao ma sau dam vay. Neu nguoi tung lam viec voi ba yeu quy ba bao nhieu, thi nguoi duoc ba giup do co le se nho on ba suot doi.Toi hy vong su that se dung nhu vay, vi nguoi Viet co truyen thong tran quy nhan nghia. Nhung bai viet ve nhung nguoi ban tot, da bang moi cach cuu mang chung ta tren buoc duong ty nan, chac chan ai cung muon duoc doc lai va doc mai de cung nhau khong bao gio quen.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Theo nhu loi TH ke, Pam Baker dung la mot Bo tat song, den de cuu do chung sanh. That vo cung kinh phuc !. Mot nha xa hoi tren nhung nha xa hoi !.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Thank you for sharing.... keep up the good work
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 ha cam (usa) Cam on, TH da chia se bai viet hoc hoi quy bao nay. Toi mong nhung nguoi vo cam CSBV hoc & doc duoc bai viet nay cua anh de lam thuoc khung de do cach cu su va bao ve moi mot cong dan VN noi chung dung muc can quang tam.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 pho (usa) Trinh Hoi cu lam nhung viec nhu truoc ,nay va sap toi voi tat ca tam long ,chac TH cung khong mong su "den dap"cho rieng minh,tuy nhien moi chuyen tren doi deu co su cong binh,moi chuyen tot dep nhat se den voi TH,va voi ai co Tam Long nhu Anh.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 thuy Nguoi ta chi co mot doi de song va ba Pam Baker da song tron ven cua mot kiep nguoi. TH da may man duoc gap ba, va chung toi da may man co duoc TH.
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 ngo dong (usa) TH oi ! minh that su xuc dong khi doc nhung dong chu nay .
Thứ Tư, 28 tháng 4 2010 Yen (USA)
Thành kính nghiêng mình trước một tâm hồn cao thượng ! Là một người VN , tôi xin cúi đầu tri ân trước những cống hiến và đóng góp cao quí mà bà Pam Baker đã từng cứu giúp và cưu mang cho những người Việt tỵ nạn chúng tôi năm xưa ! cầu xin hương hồn bà an nghỉ trên cõi vĩnh hằng ! Không quên gởi lời cám ơn tới TH !


=>  35 năm nhận ra nhiều điều

2010-04-28

No comments:

Post a Comment