Pages

Monday, May 10, 2010

Nữ Trung Tá Quân Lực Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên - http://www.calitoday.com

Trung Tá Lục Quân Phạm Phan Lang là phu nhân của một cựu Thiếu Tá Hải Quân VNCH

Phạm Tín An Ninh, May 10, 2010 Người Việt hải ngoại, có lẽ ít ai được biết: Người phụ nữ Mỹ gốc Việt mang cấp bậc Trung Tá đầu tiên của Quân Lực Hoa Kỳ, là phu nhân của một cựu Thiếu Tá Hải Quân VNCH, di tản sang Mỹ cùng chồng và ba đứa con vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam : Trung Tá Lục Quân Lang Phan Phạm (đã nhận thông báo sẽ thăng cấp Đại Tá, trước khi xin về hưu).



Phạm Phan Lang sinh ra và cả một thời tuổi thơ sống cùng gia đình ở Nha Trang, theo học tại trường Nữ Trung Học và Võ Tánh. Nha Trang là thành phố biển thơ mộng, nơi có hai quân trường nổi tiếng: Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và Hải Quân, với những chàng trai hào hoa theo nghiệp kiếm cung, chọn cuộc đời bay bổng và hải hành. Những chàng trai này đã một thời khốn khổ trái tim bởi bao nhiêu người đẹp của Nha Trang. Thời ấy, dường như những cặp tình nhân SVSQ Hải Quân và Nữ Sinh Trung Học Nha Trang là những đôi tình nhân làm đẹp phố phường nhất.

Trong số đó có đôi uyên ương Phạm văn Diên và Phan Thị Lang. Ngày ấy Lang là một cô bé khá xinh, tính tình hiền dịu dễ thương, nên mới học Đệ lục là đã làm mê mệt chàng SVSQ họ Phạm. Cuộc tình kéo dài mãi đến khi Lang đậu xong tú tài 2 (năm1969) hai người mới làm đám cưới.

Anh Phạm văn Diên tốt nghiệp khóa 14 HQ (Đệ Nhị Kim Ngưu), trước ngày 30/4/75, mang cấp bậc Thiếu Tá và chỉ huy một chiến hạm PGM615 (loại nhỏ).

Vào nửa đêm 29.4.75, Thiếu Tá Diên đưa chiến hạm rời khỏi Việt Nam, mang theo vợ, 3 đứa con nhỏ, 1, 3 và 5 tuổi, cùng cha mẹ già trên tuổi 70 và cậu em vợ, đang theo học đại học Luật Khoa Sài Gòn. Ngoài gia đình, trên tàu còn có thủy thủ đoàn và khoảng hơn 150 người tị nạn khác. Chiến hạm của Thiếu Tá Diên vừa tham dự các cuộc hành quân tàn khốc cuối cùng tại Huế, Quảng Trị,Vùng I, chưa kịp sửa chữa, bảo trì, nên lúc ra khơi bị hư hỏng và nước tràn vào, nhưng may mắn đã được cứu bởi một tàu HQ khác mà Thiếu Tá Diên đã liên lạc được. Cũng trên chuyến đi này, gia đình bị mất hết tư trang, vàng bạc mang theo, nên lúc lên bờ chỉ còn hai bàn tay trắng.

Cũng như nhiều gia đình khác, thời gian đầu đến Mỹ rất vất vả, vợ chồng Thiếu Tá Diên phải làm đủ nghề để sống: thợ mộc,thợ hồ, rửa bát đĩa cho nhà hàng, tiệm ăn, dạy Anh ngữ cho trẻ em Việt Nam ở một trường Tiểu Học, nhổ cỏ trong những cánh đồng cà, hái trái cây, trông nom một trại gà với hơn 60.000 con. Với tính kiên nhẫn và nghị lực, cả hai vợ chồng và cậu em vừa làm vừa theo học chương trình đại học tại University of Maryland, Eastern Shore.

Đường Vào Binh Nghiệp
Năm 1980, chị Phạm Phan Lang đậu được cùng lúc hai bằng Cử nhân, trong đó có bằng Nutrition and Dietetics (Dinh Dưỡng Học). Muốn làm việc trong ngành này, cần phải qua một khóa Thực Tập Dinh Dưỡng ( Dietetic Internship). Chị Phạm Phan Lang đã nộp đơn xin thực tập ở một số trường đại học, trong đó có cả Chương Trình Thực Tập Dinh Dưỡng của Lục Quân Hoa Kỳ (US Army Dietetic Internship).

Lúc bấy giờ, chương trình Thực Tập Dinh Dưỡng của Army đòi hỏi khá nhiều điều kiện khó khăn: điểm trung bình tối thiểu là 3.5, phải là công dân Hoa Kỳ, phải dưới 30 tuổi, phải có ít nhất là 3 lá thư giới thiệu, cùng một số điều kiện khác. Trong số những điều kiện này, ít nhất có hai điều chị Phạm Phan Lang không có, đó là quốc tịch Hoa Kỳ và đã trên tuổi 30. Tuy nhiên, do trường hợp khá đặc biệt và có lẽ do thán phục nghị lực và khả năng của một người đàn bà tị nạn, cuối cùng chị đã được chấp nhận vào chương trình này. Đây là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt mà theo chị, mãi đến sau này, vị Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng của Army Dietetic Internship đã cho chị biết.



Mặc dù lúc ấy, chị Phạm Phan Lang cũng được nhận vào thực tập ở một số trường đại học khác, nhưng chị đã chọn Chương Trình Army này. Chị cho biết, chị chọn Army không phải vì chị yêu đời lính, hay “muốn đi lính”, mà chỉ vì những lý do rất đơn giản: chương trình thực tập rất tốt, nổi tiếng, dễ dàng tìm việc làm sau khi rời quân đội, cả gia đình được hưởng quyền lợi, và nhất là chỉ phải “đội mũ lính và mang lon” có 3 năm. Sau đó, nếu muốn, có thể xin giải ngũ. Đã có hơn một trăm đơn xin vào chương trình này, nhưng cuối cùng chị nằm trong số 10 người được chọn. Chị khiêm nhường cho là may mắn, nhưng tất nhiên điều quyết định vẫn là do khả năng, kết quả bao năm kiên nhẫn học hành của chị.

Chị Phạm Phan Lang bắt đầu binh nghiệp bằng cấp bậc Thiếu Úy. Hai tháng đầu tiên được thực tập quân sự tại quân trường Fort Sam Houston (FSH), San Antonio, Texas. Vì là ngành Quân Y, nên những thực tập quân sự rất nhẹ so với những binh chủng khác. Tuy nhiên, chị cũng phải tập bắn các loại súng, trèo đồi, lội suối, tập trận, hành quân, đọc bản đồ, sử dụng địa bàn một mình giữa rừng sâu.

Sau một năm thực tập Dinh Dưỡng tại Brooks Army Medical Center (BAMC), FSH, San Antonio, TX, chị tốt ngiệp, được thăng cấp Trung Úy và nhận nhiệm sở đầu tiên tại Moncrief Army Medical Activity, Fort Jackson, Columbia, SC. Và cũng tại đây một biến cố lớn đã xảy ra mang đến điều bất hạnh lớn lao nhất cho cuộc đời của chị sau này...

Columbia là thủ phủ của Tiểu Bang South Carolina, có khoảng 300-400 người Việt định cư lúc bấy giờ. Thời ấy người Việt sống rải rác trong thành phố Columbia và các thành phố phụ cận như Greenville, Charleston, Myrtle Beach, Charlotte, Atlanta... Mọi người đều cố gắng làm việc để hội nhập và thích nghi với đời sống mới, nên chẳng ai quen biết, tiếp xúc nhiều với ai. Vợ chồng anh chị Phạm văn Diên & Phạm Phan Lang đã cùng một số thân hữu tích cực vận động thành lập Hội Ái Hữu Người Việt đầu tiên ở Columbia, mở trường dạy Việt Ngữ, tổ chức những ngày lễ hội truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán v.v.., gây quỹ cứu trợ thuyền nhân, tranh đấu cho nhân quyền, tự do ở Việt Nam. Cựu Thiếu Tá Diên hoạt động rất hăng say (chị Phạm Phan Lang chỉ hỗ trợ tích cực sau lưng, vì Quân Đội Hoa Kỳ không cho phép quân nhân tham gia vào bất cứ hoạt động chính trị nào). Phu quân của chị, anh Diên, đi khắp các thành phố lân cận, giao kết bằng hữu, giúp thành lập các Hội Ái Hữu địa phương, nêu cao tinh thần chống Cộng…

Biến Cố Lớn Trong Đời
Hôm đó là ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ, July 4, 1985. Lúc này chị Phạm Phan Lang đang ở trong Quân Đội Hoa Kỳ được gần 5 năm và mang cấp bậc Đại Úy. Khi nhận được Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển về lại BAMC, FSH, TX, chị dự định đây sẽ là nhiệm sở cuối cùng của chị. Sau khi chấm dứt quân vụ ở nhiệm sở này, chị sẽ xin giải ngũ. Mấy ngày trước Lễ July 4, gia đình anh chị rất bận rộn tham dự tiệc tùng do các bạn hữu ở Columbia và các thành phố lân cận tổ chức tiễn đưa, hơn nữa chị đang trong thời kỳ học thi tốt ngiệp Thạc sĩ (Master Degree), nên chị khá mệt mỏi. Nhưng vì nể lời mời của một người bạn, cựu Trung Tá HQ ở Charleston, SC, vợ chồng anh chị nhận lời tham dự một buổi tiệc picnic ở bờ biển Foley Beach, SC. Chỗ này cách Columbia, nơi gia đình anh chị ở, khoảng 3 giờ đồng hồ lái xe. Cùng với gia đình anh chị 5 người, còn có 4 gia đình khác. Tổng cộng có 5 cặp vợ chồng và 13 đứa trẻ con, tuổi từ 9-15. Lúc ấy trời còn sớm, khoảng 8 giờ sáng, trên biển không một bóng người, ngoại trừ họ. Và tại nơi đây tại nạn đã xảy ra.

Mười ba đứa trẻ con vừa thấy biển đã nao nức chạy ùa ra bơi lội. Nước bên bờ biển lúc ấy mới cao bằng đầu gối. Các ông bố cũng vội vàng theo mấy đứa nhỏ, vừa để trông chừng vừa sửa soạn mắc mồi câu cua. Đàn bà thì lê mê khiêng thức ăn, nước uống từ trên xe xuống. Bỗng có tiếng kêu cấp cứu từ biển vọng vào, chị hoảng hốt nhìn ra, thì hỡi ôi, 13 đứa trẻ đã bị sóng ngầm (undertow) cuốn ra xa, và mấy ông bố đang vội vàng bơi ra để cứu con. Chị Lang không biết bơi, nên vội vã chạy ngược vào bờ một quãng khá dài, kêu cứu. Nhưng trời còn sớm quá, và khu này vì nổi tiếng nguy hiểm sóng ngầm (sau này mọi người mới biết) nên chẳng có ai ra biển. Kêu cứu một lúc không được, chị vội chạy trở lại biển. Lúc ấy một vài đứa trẻ lớn tuổi hơn đã bơi vào hoặc được mấy ông bố đưa vào bờ. Đang lúc dáo dác tìm kiếm mấy đứa con, chị thấy một người đàn bà Mỹ, không biết ra biển lúc nào, đang hì hục kéo anh Diên, chồng chị, lên bờ. Hai mắt anh nhắm chặt, mặt tái nhợt, môi tím ngắt và dường như không còn thở nữa. Dù kinh hoàng, đớn đau và sợ hãi, nhưng với những kinh nghiệm và bình tĩnh của một người lính, chị đã cố gắng làm hô hấp nhân tạo cho anh, được một người bạn bác sĩ trong nhóm phụ giúp, nhưng phu quân của chị vẫn không hồi tỉnh. Khi đưa vào bệnh viện Charlerston, vị bác sĩ cấp cứu, sau khi khám và thử nghiệm EEG (electroencephalogr am), đã buồn bã cho chị biết : “Ông nhà đã bị chìm xuống biển khá lâu, trên 10 phút, nên não bộ không còn làm việc nữa ( irreversible brain damage), xin chị đừng nuôi hy vọng”.

Một tháng sau, anh Diên đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viên quân sự nơi chị làm việc ở Fort Jackson, SC. Anh ra đi để cho đứa con gái út, lúc ấy 11 tuổi, và hai đứa bé nữa, 9 và 12 tuổi, được sống. Nếu chỉ muốn cứu một mình đứa con gái của mình, anh đã có thể làm được, nhưng anh không nỡ lòng bỏ cả bốn đứa bé đang cố bám víu vào nhau để khỏi bị sóng đánh trôi đi. Anh đã cố cầm cự đưa bốn đứa bé vào gần bờ, nhưng bị các em ôm chặt lấy anh, vì uống nước quá nhiều và sợ hãi đến cùng cực, không chịu buông tay chân anh ra. Cuối cùng, không chống chọi được, anh từ từ chìm xuống lòng biển trước đôi mắt đớn đau kinh hoàng của đứa con gái. Và vì không còn chỗ để bám víu, nên một đứa bé gái khác, 11 tuổi, bị sóng biển đánh dạt ra xa, mãi đến mấy tiếng đồng hồ sau mới tìm thấy xác.

Báo chí đã ca tụng, mọi người đều ngậm ngùi ngưỡng mộ anh như một anh hùng. Thượng Nghị Sĩ South Carolina lúc bấy giờ, ông Strom Thurmond, đã ban bằng tưởng thưởng. Nhưng tất cả những thứ ấy đều vô nghĩa đối với chị Lang, bởi chị đã mất vĩnh viễn người chồng yêu quí của chị, ba đứa con trong tuổi dại khờ của chị đã không còn người cha thương yêu gương mẫu. Không có điều gì có thể thay thế được.

Một khúc quanh trong binh nghiệp:
Chị đã xin hủy bỏ Lệnh Thuyên Chuyển về Texas và xin ở lại Fort Jackson thêm một năm nữa để có thể sớm hôm lui tới mộ chồng. Trong quân đội Hoa Kỳ, kể cả ngành Quân Y, thông thường thì cứ mỗi 3 năm, một Sĩ Quan được chuyển đến nhiệm sở mới.

Chị được ở lại Fort Jackson đến 5 năm. Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt khác. Chị cũng bỏ ý định giã từ quân ngũ. Vì bây giờ, quân đội là nhà của chị, đã che chở và cưu mang chị, cho chị phương tiện tài chánh để nuôi các con ăn học nên người. Quân đội cũng đã rèn luyện chị trở thành một người có can đảm và nghị lực hơn để chống chọi với bao nhiêu thử thách của cuộc đời mà chị vừa mới trải qua cũng như đang chờ trước mặt.

Thời gian thấm thoát trôi qua, chị đã phục vụ trong ngành Quân Y Lục Quân Hoa Kỳ được 22 năm. Trong khoảng thời gian này chị đã thay đổi nhiệm sở 7 lần, Ngoài Fort Sam Houston, TX, và Fort Jackson, SC, chị đã đổi về các bệnh viện ở Fort Gordon,GA; Fort Huachuca,AZ; Fort Ord,CA; Madigan Army Medical Center, WA; Landstuhl Regional Medical Command, Germany; và cuối cùng là Tripler Army Medical Center ở Hawaii. Tại đây, công việc của chị là điều hành Phân Khoa Dinh Dưỡng (Director, Nutrition Care Division) với trên 100 nhân viên dưới quyền, vừa sĩ quan, hạ sĩ quan và dân sự. Ngoài ra, chị còn có nhiệm vụ Cố Vấn và Giám Sát những phần hành Dinh Dưỡng trong các đơn vị Lục Quân trú đóng ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản và Nam Hàn ( Nutrition Consultant, Pacific Region). Và cũng ở nhiệm sở này, năm 2002, chị Phạm Phan Lang nhận được Thông Báo sẽ thăng cấp Đại Tá. Thông thường thời gian từ lúc nhận Thông Báo đến lúc được thực sự “ gắn lon” cho cấp bậc Đại tá trong ngành Quân Y là khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Đến lúc ấy chị đã làm việc tại nhiệm sở Hawaii được 3 năm, nên đã đến lúc phải thuyên chuyển đến một nhiệm sở mới, mà chị biết sẽ là Hoa Thịnh Đốn.

Trung tá Phạm Phan Lang không muốn phải về Hoa Thịnh Đốn, cũng chẳng muốn rời khỏi Hawaii. Bởi ở Hawaii có cây xoài, cây mít, cây mảng cầu, khế, ổi, nhãn lồng…Hawaii cũng có những hàng dừa xanh, biển ấm quanh năm và cư dân rất hiền hòa, hiếu khách. Hawaii đã cho chị sống lại với những hình ảnh yêu dấu của Nha Trang, nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là nơi chị đã gặp, yêu và làm vợ người lính biển lãng mạn nhưng can đảm hào hùng Phạm văn Diên.

Cuối cùng chị đã không chọn cấp bậc đại tá, mà chọn Hawaii với biển ấm tình nồng, mang bóng dáng miền quê hương thùy dương cát trắng của chị..

Những Chuyện Bên Lề về Tuổi Thơ, Tình Yêu và Cuộc Đời của Cô Nữ Sinh Trường Nữ Trung Học và Võ Tánh Nha Trang.-

Phan Thị Lang chào đời vào một buổi sáng mùa thu năm 1950 tại thành phố Nha Trang. Cha mẹ và đặc biệt là bà nội rất đỗi vui mừng, vì đây là đứa con gái đầu tiên của gia đình và cũng là đứa cháu gái đầu tiên của giòng tộc họ Phan. Cha mẹ muốn đặt tên cho con gái mình là Linh Lan, tên một loài hoa mà ông bà rất thích, nhưng bà nội không chịu, vì bà tin rằng, đặt tên cho con gái bằng tên một loài hoa là không tốt, vì hoa sẽ “ sớm nở tối tàn”, cho nên bà nội bắt phải đổi tên Linh Lan thành Lang, để biến nghĩa thành cũ khoai… lang. Như vậy đời cô cháu gái sẽ tốt hơn.

Cha mẹ Lang sinh tất cả là 7 người con,nhưng mấy ông anh đầu đã mất đi trong chiến tranh loạn lạc, sau cùng chỉ còn lại ba anh em, người anh là Phan Ngọc Châu, cựu học sinh Võ Tánh ( 1B2/VT 63-64), rất chăm chỉ và học giỏi, sau này vào trường Sĩ Quan Thủ Đức và tử trận năm 1968 tại Bình Dương. Anh Phan Ngọc Châu có một chuyện tình thật buồn với một người đẹp ở trường Nữ Trung Học, quê cũng ở Vạn Giã, Hai người không lấy nhau được do một trắc trở về chuyện họ hàng. Anh Châu sống những ngày u buồn và khi chết đi đã mang theo mối u tình này xuống lòng huyệt mộ. Người em trai, Phan Hà, sau khi học xong ở Võ Tánh, theo vợ chồng Lang vào Sài gòn học luật, rồi cùng di tản sang Mỹ vào đêm 29.4.1975. Hiện Hà đang sống ở Columbia, SC.

Ba má Lang là người Vạn Giã. vào Nha Trang làm ăn sinh sống từ thuở thiếu thời, nối nghiệp xây cất của ông nội, rồi làm nghề thầu khoán. Sau này ông trở thành nhà thầu nổi tiếng ở Nha Trang, từng xây nhà cho các tướng Đỗ Mậu, Tôn Thất Đính, và nhiều ngôi biệt thự sang trọng khác trên đường Biệt Thự, Duy Tân.

Cô bé Lang lớn lên trong sự cưng chiều của cả gia đình, nhất là bà nội, nên cô bé rất “hư”, nhõng nhẽo và lười học.Trong nhà, cô bé chỉ sợ có mỗi anh Châu, vì lúc nào anh ấy cũng trầm tĩnh, nghiêm nghị, ít nói và rất chăm học. Cô bé thường cố tình lẫn tránh, vì hễ mỗi lần bắt gặp cô em gái, là anh bắt phải học, một điều mà lúc còn ở tiểu học, cô bé thấy như là một cực hình.

Vì lười học, nên năm lớp Nhì ở trường tiểu học Sinh Trung, cô bé bị ở lại lớp. Cả một năm ở lại lớp Nhì ấy, cô bé thật ê chề và xấu hổ.Vì hễ có một đứa học trò nào lười biếng là cô giáo lại đem Lang ra làm ví dụ. Nhờ vậy mà từ đó, Lang quyết tâm học cho giỏi. Mùa hè đến, Lang theo anh Châu về quê nội ở Vạn Giã, để được ông anh dạy kèm cùng với mấy đứa con ông chú, bà cô, đặc biệt các môn toán đố, hình học..

Sau hè, trở lại trường, Lang được lên lớp Nhất.Và suốt cả năm lớp Nhất, tháng nào Lang cũng được lãnh Bảng Danh Dự, và cuối năm khi thi vào lớp Đệ Thất trường Nữ Trung Học, cô bé đậu hạng thứ 10 trong số rất đông thí sinh ở Nha Trang và từ các nơi khác về dự thí. Lang vào Đệ Thất năm 12 tuổi. Lên Đệ Tam chọn Ban C. Năm 1968, Lang đỗ Tú Tài I hạng Bình Thứ. Anh Châu từ chiến trường xa xôi, nghe tin, vội vã xin phép về thăm gia đình và chúc mừng cô em gái. Không ngờ đó lại là lần cuối cùng hai anh em nhìn thấy mặt nhau. Anh Châu đã tử trận đúng một tuần sau khi trở về đơn vị. Năm Đệ Nhất C, Lang phải chuyển sang học bên trường Võ Tánh, vì trường Nữ Trung Học không đủ lớp. Sau khi đậu Tú Tài II năm 1969, Lang là người đầu tiên trong đám bạn bè cùng lớp “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Anh Châu, người anh duy nhất và rất thương mến Lang, không còn nữa để dự đám cưới của em mình. Đó là sự mất mát và hụt hẫng to lớn của Lang trong ngày bước theo chồng.

Phạm Phan Lang
Lang gặp anh Diên, Phạm văn Diên, lần đầu tiên vào ngày mồng 6 Tết Âm Lịch, lúc Lang chỉ mới tròn 13 tuổi , đang học lớp Đệ Lục. Hôm đó là ngày Thứ Bảy, nên phố xá đầy dẫy những anh chàng SVSQ Hải Quân và Không Quân. Không hiểu sao lúc ấy Lang “không ưa” Hải Quân, nên khi bị hai anh chàng HQ đi kèm hai bên Lang và một cô bạn, trong lúc dạo phố mua hàng, tán tỉnh, Lang vừa sợ vừa mắc cỡ, vừa ghét nữa, nên không mở miệng nói một lời. Anh Diên đi bên cạnh, biết Lang sợ và e thẹn, nên ôn tồn nhỏ nhẹ gợi chuyện. Anh Diên nói tiếng Bắc, gọi Lang bằng “bé”. Theo Lang về gần đến nhà cô bạn cùng đi, cũng là một tiệm ăn, Diên đã hỏi Lang : “ Bé ơi, đường nào ra biển, hở bé”. Nghe hỏi, Lang bỗng phì cười. Hải Quân mà hỏi đường nào ra biển. Nào ai có biết, đó lại là câu nói định mệnh của đời Diên sau này.

Kể từ hôm ấy, cứ mỗi lần “đi bờ” là anh Diên đến ngồi ở quán của cô bạn, chờ bé Lang đạp xe đi qua. Vì quán ăn nằm ngay góc đường đến nhà Lang. Cứ như thế cho mãi đến năm 1965, anh Diên tốt nghiệp Khóa 14 HQ/ Đệ Nhị Kim Ngưu.

Một hôm, Diên ngỏ ý xin phép Lang được đến nhà thăm ba má và ông anh, làm cô bé Lang hoảng sợ đến muốn khóc, lắc đầu lia lịa, vì nghĩ tới sự nghiêm khắc của cha mẹ, đặc biệt là anh Châu của mình, nên bảo là “Anh mà tới nhà, chắc thế nào Lang cũng bị đòn, không được đâu!” Nghe nói thế, Diên chỉ âu yếm nhìn Lang mỉm cười và bảo là “bé đừng sợ”. Cuối tuần sau, Diên đến nhà thật, gặp ba má và anh Châu của Lang. Và chẳng biết làm thế nào mà Diên thuyết phục được ông anh khó tính của Lang, để được “chính thức” tới thăm gia đình Lang . Dù vậy, Diên cũng chỉ dám tới nhà mỗi tháng một lần và cũng hiếm khi được ngồi riêng để nói chuyện với Lang. Hôm trước ngày tốt nghiệp ra trường, Diên đến thăm để từ giã gia đình Lang. Sau khi nói chuyện với ba má và anh Châu, Diên xin phép được lên lầu để từ giã Lang. Lúc ấy cô bé đang ngồi đan áo trên sân thượng, dưới giàn nho đầy quả chín. Lần đầu tiên, Diên nắm lấy tay Lang, nhìn thật sâu vào mắt Lang, dịu dàng nói “Bé ơi, anh rất yêu bé và muốn cưới bé làm vợ, nhưng bé hãy còn nhỏ quá, nên anh phải đợi cho bé lớn lên. Ngày mai anh đi rồi, không biết bao giờ mới về thăm bé được, nhưng anh sẽ viết cho Bé mỗi ngày một lá thư. Bé ráng đợi anh nghe!”. Nói xong, Diên cúi xuống, nhẹ nhàng hôn lên đôi bàn tay run rẩy và ướt đẫm nước mắt của Lang.

Và chàng đã giữ đúng lời hứa, mỗi ngày một lá thư gởi về cho Lang đều đặn, và chờ Lang lớn lên. Họ đã làm đám cưới vào mùa Thu 1969, sau khi Lang đỗ Tú Tài II. Lúc ấy Lang vừa 19 và Diên đã 27 tuổi đời. Hành trang về nhà chồng của Lang, ngoài một số áo quần, còn lại là một vali chứa đầy những lá thư của Diên.

Hơn mười năm, sau ngày cả nhà di tản sang Mỹ, anh Diên mất đi trong một tai nạn bi thảm, để lại cho Lang ba đứa con dại tuổi chỉ từ 11 đến 15. Lang đã chọn ở lại quân đội để có điều kiện lo lắng cho các con. Sau này cả ba cháu đều thành đạt. Cô gái út, ngày rời Việt Nam vừa đúng 1 năm 1 tháng tuổi. Năm 11 tuổi tận mắt chứng kiến cái chết đau đớn của cha mình. Sau này được vào Stanford University, một đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, và được bầu làm Chủ Tịch Hội Sinh Viên Việt Nam của trường. Sau khi đậu bằng Thạc sĩ ngành Kinh Tế/Phát Triển Điều Luật Quốc Tế (Economics/Internat ional Policy Development) năm 1997, cháu lấy thêm bằng Thạc Sĩ Quản Trị Thương Mại (Master of Business Administration) ở University of California at Berkeley (Haas School of Business). Hiện nay là Senior Product Marketing Manager của Google.

Năm 2002, sau khi chu toàn trách nhiệm của một người mẹ với các con, một sĩ quan cao cấp đối với Quân Lực Hoa kỳ, đúng một ngày sau khi về hưu, Phạm Phan Lang làm đám cưới với người chồng mới. Anh là môt người Mỹ, lớn hơn Lang 7 tuổi. Là một người hiền lành, thật thà và độ lương. Trước kia là một Sĩ Quan Không Quân trong Quân Lực Hoa Kỳ. Rời quân ngũ, anh đi học lại và lấy bằng Ph.D rồi dạy tại trường University of Hawaii, và sau này đã làm việc cho US Navy/Submarine, Pearl Harbor Hawaii trong hơn 30 năm với chức vụ Oceanographer/ Technical Director cho đến ngày về hưu, cách đây hai năm.

Phạm Phan Lang cùng chồng đang sống những ngày tháng êm đềm ở thành phố Kaneohe trên hòn đảo Oahu / Hawaii thần tiên. Mỗi ngày, trong nắng ấm, nhìn biển trời, nghe sóng biển rì rào, Lang da diết nhớ về Nha Trang, về những ngày tuổi thơ cùng với gia đình, thầy bạn, và hồi tưởng về một quá khứ với biết bao thăng trầm biến đổi của quê hương, của gia đình và của cả một đời người.

(Ghi chú của người viết : Khi liên lạc với Phạm Phan Lang để viết bài này, bất ngờ người viết nhận ra Lang chính là cô em gái của Phan Ngọc Châu, người bạn thân cùng quê Vạn Giã, cùng lớp ở trường Văn Hóa Nha Trang, trong những năm đầu trung học.Cứ mỗi mùa hè, người viết lại gặp hai anh em, dắt díu nhau về thăm quê nội. Khi ấy Lang mới chỉ học lớp Nhì, nhưng đã là một cô bé rất thông minh và thật xinh xắn dễ thương)

Phạm Tín An Ninh
(viết theo lời tâm tình của Phạm Phan Lang)

*** Xin đón đọc Hồi Ký viết bằng Anh và Việt Ngữ của Phạm Phan Lang sẽ được xuất bản .

No comments:

Post a Comment