Pages

Monday, June 14, 2010

Nhân ngày Father's Day -- mời đọc truyện ngắn của Duyên Anh:


Love me now
----oOo---
If you are ever going to love me,
Love me now, while I can know
The sweet and tender feelings
That from true affection flow.

Love me now
While I am living.
Do not wait until I'm gone
And then have it chiseled in marble,
Sweet words on ice-cold stone.

If you have tender thoughts of me,
Please tell me now.
If you wait until I am sleeping,
Never to awaken,
There will be death between us,
And I won't hear you then.

So if you love me, even a little bit,
Let me know while I am living,
So I can treasure it.


--Robert Paul Moreno-- 


ÔNG BỐ ĐẢM ĐANG.



Nguyễn Thị Thanh Dương

Ba giờ sáng, chị khều chồng:
- Em đang đau bụng lâm râm, anh dậy chở em đến bệnh viện.
Anh mở choàng mắt, làu nhàu:
- Sao lại đau bụng vào giờ này?
Tuy nói thế, anh đã biết điều nhanh chóng ngồi dậy, vội vàng thay quần áo, và đánh thức hai cô con gái Tabi và Betsy dậy. Một người đi sinh đẻ mà cả nhà cùng đi, vì không thể để hai đứa nhỏ ở nhà mà không có người lớn được.
Chị xách giỏ đồ ra xe ngồi trước, ôm bụng nhăn nhó. Anh tay bế con Betsy còn ngủ vùi và tay kéo con Tabi đi cho nhanh, lên xe sau.
Bệnh viện không xa nhà, sáng sớm đường vắng nên chỉ 15 phút là tới, anh đưa chị vào bên trong thì chị giục anh đưa các con về cho chúng ngủ tiếp, anh ở đây cũng chẳng ích lợi gì, vì ba bố con không thể vào phòng sinh với chị được. Khi nào sinh xong chị sẽ gọi.
Anh đồng ý:
- Ừ, sáng ra anh sẽ gọi hãng xin lấy 4 tuần vacation bắt đầu từ hôm nay để ở nhà chăm sóc vợ đẻ.
- Em cũng sẽ gọi hãng xin nghỉ đẻ một tháng. Vậy thì anh gọi day care cho Tabi và Betsy nghỉ 4 tuần luôn, nhân dịp này để các con ở nhà, quây quần với bố mẹ, và ngủ thêm tí nào hay tí ấy. Tôi nghiệp, trẻ con ở Mỹ cũng vất vả, sáng sớm phải thức dậy và lên đường như bố mẹ.
Anh cảm động:
- Anh sẽ là một người bố đảm đang chăm sóc các con, đền bù cho chúng trong 4 tuần lễ em ạ. Hay để anh đăng báo tìm người đến nhà trông 3 đứa trẻ cho tiện, em nhỉ? Nay mai chúng mình sẽ khỏi phải mang con đi gởi nữa.
- Anh đăng thì cứ đăng, nhưng không dễ đâu, cô bạn em cũng có 3 con, thuê được một bà Việt Nam và chiều bà hơn cả chiều mẹ chồng khó tính mà còn không giữ được lâu dài. Có điều không vừa ý, nó đã khéo léo nhẹ nhàng phê bình thế mà bà cũng giận, bà tự ái, tự nguyện xin “lay off” bất thình lình làm nó đỡ không kịp, phải nghỉ làm một ngày, bôn ba đi tìm day care cho con. Chủ thì lập luận trả lương 1,200 đồng một tháng, bằng những đồng tiền họ làm ra sau khi đã trừ thuế là cao rồi, lại còn bao ăn ở, bà chỉ việc cất trọn tiền lương vào túi. Còn bà trông trẻ thì có lập luận của bà, cái khoản bao ăn ở tại nhà mới là tai hại đấy, thà tôi đến đây sáng đi chiều về, còn có thời gian riêng tư, nghỉ ngơi. Ở lại, công việc như vô tận, khi chủ nhà đi làm về, vợ chồng con cái rối rít, bận rộn chẳng lẽ tôi lại làm ngơ? Cho nên coi như tôi làm việc trọn gói từ sáng sớm cho đến giờ đi ngủ, hậu hỉ gì mà ham?.
- Hèn gì anh thấy mục rao vặt tìm người giữ trẻ đầy cả ra, gía cả từ 1,000 đến 1,200 và thậm chí 1,400 đồng một tháng, tiền càng cao chắc càng nhiều việc? Bên nào cũng có những toan tính có lợi cho mình, chẳng ai tử tế cho không ai đâu.
***************
Về tới nhà ba bố con ngả lăn ra giường ngủ tiếp không khó khăn gì, đến khi anh tỉnh giấc thì đã 7 giờ sáng, anh vội vàng gọi Tabi dậy và chở nó đến trường, cách nhà một block đường, dĩ nhiên cũng phải mang con Betsy theo. Một tiếng sau thì nhận được phone của chị từ bệnh viện, chị đã sinh xong, mẹ tròn con vuông. Thằng cu Tí dài 21 inches, nặng 7.4 ounces, đạt tiêu chuẩn một đứa bé khỏe mạnh bình thường của Mỹ.
Anh lại mang Betsy lên đường đến bệnh viện. Anh sung sướng vì sau hai cô con gái là một thằng con trai, vợ chồng anh không coi trọng con trai hơn con gái, nhưng có nếp phải có tẻ, phải thay đổi cho hào hứng. Thử tưởng tượng lần này chị đẻ con gái nữa, vài năm sau trở thành một cô bé đỏng đảnh, nhõng nhẽo như hai bà chị và mẹ nó, thì anh chịu sao nổi?
Thằng bé đang nằm trong nôi, quấn mình trong lớp khăn bông trắng tinh, để lộ ra một khuôn mặt xinh xẻo chỉ nhỉnh hơn qủa cam một chút. Hai mắt nó nhắm nghiền, chưa thèm nhìn đời, nhân trung nó dài và sâu là phúc hậu và sống lâu, sách tướng số bảo thế. Anh hân hoan nói với vợ:
- Nó đẹp trai giống anh.
- Ừ, giống cả cái trán gồ lì lợm nữa. Chị bổ sung thêm.
Betsy ngồi trên giường với mẹ để nhìn em bé với vẻ thích thú, nhưng khi thấy bố đang nâng niu trìu mến thằng em thì Betsy ghen tị, chồm ra ôm chầm lấy bố:
- Bố ơi, bố có thương Betsy không?
Lại câu hỏi quen thuộc của Betsy, luôn bắt bố phải khẳng định tình yêu dành cho nó, mỗi ngày nó hỏi tới mấy chục lần, dù đang chơi, hay đang ăn uống cứ chợt nhớ ra là nó hỏi, và anh cũng trả lời nó mấy chục lần như cái máy đã được ghi âm sẵn: “ Có, bố yêu Betsy”.
Những đứa trẻ luôn cảm thấy bị tổn thương khi chúng có em bé. Ngày xưa vợ chồng anh đã yêu thương chiều chuộng Tabi, hai năm sau đẻ Betsy, con bé Tabi đã ghen tức, hờn dỗi, và nay đến lượt Betsy ganh tị với thằng cu Tí. Cuộc chiến ganh tị giữa Tabi và Betsy chưa bao giờ chấm dứt, nay có thêm thằng cu Tí lại càng gay cấn.
Sau một đêm ngủ ở bệnh viện, hôm sau chị đã trở về nhà, để giám sát và chỉ huy chồng con tại chỗ.
Ba phòng ngủ đều ở trên lầu, tầng dưới là hai phòng khách và nhà bếp. Thằng cu Tí được đặt nằm giữa chiếc giường rộng thênh thang cho thoải mái trong căn phòng ngủ của bố mẹ, những lúc đói nó khóc ọ ẹ như tiếng mèo rên, và những lúc ấy nó mới hé mở cặp mắt bé nhỏ ra, cái nhìn vẫn còn khờ khạo. Hai bà chị dành nhau nhìn em và đưa cho nó đồ chơi, dù thằng bé nào đã biết gì, thế là hai đứa lại cãi nhau như đã từng cãi nhau:
- Bố ơi, con Betsy làm rơi con gấu bông vào người em bé.
Betsy đổ lỗi:
- Tại Tabi đụng vào tay con mà.
Anh đang nấu cơm dưới nhà vội phóng ngay lên lầu để phân xử, nếu không cuộc cãi cọ sẽ kéo dài và làm điếc tai người khác. Hai đứa luôn cạnh tranh nhau từng tí một, nên mua cái gì cho hai đứa cũng phải giống nhau, cùng màu, cùng kiểu, nếu khác nhau thì bao giờ đứa này cũng thấy món đồ của đứa kia đẹp hơn của mình.
Mới lúc nãy, mỗi con ngồi vào cái bàn nhỏ của mình, Tabi đang học mẫu giáo, có thể đọc được vài cuốn sách truyện bằng tranh đơn giản, còn con Betsy mới hơn 3 tuổi đang hí hoáy với hộp bút chì màu, với giấy trắng để vẽ lên những hình ảnh ngộ nghĩnh. Tabi đụng vào bàn của Betsy và làm rơi những cây bút chì xuống đất, cô em đanh đá khóc thét lên, anh đã phải kê lại cho hai bàn cách nhau xa hơn, và bắt Tabi xin lỗi em. Nhưng anh vừa quay đi thì Tabi hậm hực kêu lên:
- Bố xem kìa, con đã xin lỗi rồi mà Betsy còn nhìn con với cái nhìn đầy vẻ độc ác.
Thì ra con em vẫn đang nhìn con chị với ánh mắt chưa hề tha thứ.
Nhưng con bé mau quên lắm, chốc nữa hay ngày mai có hỏi Betsy yêu ai thì nó sẽ hớn hở kể từ bố mẹ, chị Tabi đến thành viên mới là thằng cu Tí, chỉ có một thứ không bao giờ nó yêu nổi là…con bug. Mỗi lần nhìn thấy con bug bò ngoài khung kính cửa sổ là nó sợ hãi ôm chầm lấy bố cần sự che chở.
Ngoài ra Betsy còn mau mồm mau miệng, đứng chơi ngoài sân thấy con chó nhà hàng xóm đi qua cũng hớn hở chào “ Hi, doggie”. Con bé khôn khéo, biết xã giao, mai mốt không sợ ế chồng.
Còn Tabi nếu hỏi nó cùng câu hỏi như đã hỏi Betsy thì lúc nào nó cũng giữ vững lập trường trước sau như một, yêu mọi người trong nhà trừ Betsy. Ấy vậy mà tuần trước Betsy bị dị ứng, mặt , hai mắt sưng vù và đỏ lựng lên trông thật thảm hại, Tabi đã lo lắng hỏi bố với nước mắt ràn rụa:
- Bố ơi, Betsy có chết không?
Anh trấn an nó, Betsy sẽ khỏi sau khi đi khám bác sĩ và uống thuốc, thế là Tabi mừng rỡ, hôm ấy nó thương em ra mặt, cái gì cũng chiều và nhường em.
Dàn xếp cho hai con gái xong anh lại chạy xuống bếp tiếp tục. Chợt nhớ ra món cá chưa kho, anh lại tất tả lên lầu để hỏi ý kiến vợ:
- Em ơi, làm ơn chỉ anh cách kho cá.
Như một bà mẹ chồng ra oai trước mặt con dâu, chị lên mặt:
- Anh từng ăn cá kho, từng nhìn em kho cá mà không học hỏi ra được điều gì à? Này nhé, cá ướp tiêu muối đường cho thấm, cho đường vào chảo thắng nước màu rồi cho cá vào…
Anh làm theo lời vợ, rồi thái rau để chuẩn bị cho nồi canh khi chảo cá đang sôi trên bếp. Một lần nữa anh lại mang thắc mắc lên lầu:
- Em ơi, khi nào thì xong món cá kho?
- Anh cứ để lửa riu riu cho đến khi gần cạn hết nước là thấm cá rất ngon.
Thấy cu Tí đang bú sữa mẹ thật dễ thương, anh cúi xuống nựng nhẹ vào má con thì chị kêu lên làm anh giật cả mình:
- Trời ơi, có mùi gì khen khét kìa anh?
Ôi, anh nhớ ra là chưa hề vặn nhỏ lửa chảo cá kho, và anh lao xuống lầu với một tốc độ khủng khiếp chưa từng thấy để kịp thời nhắc cái chảo ra khỏi bếp. May quá, vừa mới cạn nước, chỉ cháy khét một chút không đáng kể, nếu chậm thêm vài phút là coi như mất cá kho và tiêu đời luôn cái chảo nonstick yêu qúy của vợ.
Cuối cùng ông bố đảm đang cũng dọn được bữa cơm ra bàn, nấu cơm đã cực khổ mà cho hai đứa con gái ăn càng cực khổ hơn, Betsy ăn nhiều và thích tự ăn một mình, nhưng rơi vãi tùm lum, cùng với ly nước cam để bên cạnh, mỗi khi uống vơi nó lại gọi bố, như người ta gọi anh bồi bàn phục vụ bữa ăn trong nhà hàng:
- Bố ơi, rót thêm nước cam cho con. Please!
- Bố ơi, cho con tờ napkin. Please!
Còn Tabi, anh đã từng thấy vợ phải bưng bát cơm chạy theo năn nỉ và chờ đợi từng cơ hội, khi Tabi sơ ý vì mải chơi hay mải làm gì đó để đút được thìa cơm vào miệng nó mà không bị từ chối. Tabi lười ăn, hơn 5 tuổi rồi mà mẹ vẫn phải vất vả đút cơm, người nó chỉ có chiều cao mà không có bề ngang, chị rầu rỉ chỉ sợ con suy dinh dưỡng. Anh an ủi chị:
- Dù sao, vai gầy trơ xương và chân dài như Tabi là tiêu chuẩn ước mơ của các cô người mẫu đấy, và còn là nguồn cảm hứng trong thi ca, âm nhạc. Trịnh Công Sơn đã viết: “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…”. Hay Lê Trọng Nguyễn với :” Qua bến nước xưa, dáng em gầy gầy…” có nhà thơ nào, nhạc sĩ nào mang các cô gái mập over weight vào sáng tác của họ, em nói anh nghe?
Hôm nay đến lượt chính anh phải đút cơm cho cô người mẫu tương lai, anh mới hiểu vợ anh kiên nhẫn biết bao, anh bê bát cơm đi theo Tabi từ chỗ bàn của nó đến chỗ ti vi mấy lượt mà chưa đút cho nó được miếng nào, sốt cả ruột chỉ muốn túm nó lại, quát tháo nạt nộ cho đến khi nó mở miệng ra ăn cơm anh mới hả dạ. Bố đang lên cơn như thế mà con thì vẫn đủng đỉnh, hay nó chê món cá kho của anh không ngon bằng mẹ nó nấu?.
Đối với trẻ con mà nổi giận quát tháo là thất bại, anh biết thế, nên cố nén giận, nở một nụ cười thân ái bất đắc dĩ:
- Con ngoan nào!. Nếu con không chịu ăn thì sẽ gầy và chết như cô người mẫu Brazil đấy.
Tabi sợ chết, ăn liên tiếp mấy thìa cơm. Nhưng anh bị vợ mắng:
- Anh hù dọa, khủng bố tinh thần con bé 5 tuổi như thế à?. Hãy nói những điều vui tươi, tốt đẹp với nó.
Anh vội sửa lại cho vừa lòng vợ con:
- Nói một cách khác, nếu con ăn nhiều con sẽ trở nên xinh đẹp như Cinderella đấy.
Phía bên kia, con Betsy chen vào xí phần:
- Con cũng xinh đẹp như Cinderella nữa.
Ôi, con bé Betsy cưng của bố, chẳng hiểu sao lại khác biệt nhất nhà, xấu nhất nhà: nước da nâu nâu, trán gồ, mũi gẫy, môi vểnh, mà luôn bắt bố mẹ phải khen nó xinh đẹp. Sau này con sẽ là một phụ nữ sống trong ảo mộng đó con ơi.
- Ừ, Betsy cũng xinh đẹp. Anh không thể nào nói khác hơn nếu không muốn nó gào khóc, dỗi hờn.
Vợ anh thì luôn lạc quan phơi phới:
- Một gương mặt như thế mới gây ấn tượng anh ạ, tới tuổi dậy thì trổ mã khối anh mê, cái mặt gẫy mà duyên dáng như bà Jacqueline Kennedy, môi cong vếu càng hấp dẫn giống cô đào Hollywood Angelina Jolie, và làn da nâu nâu mạnh khỏe gợi cảm y chang cô ca sĩ Jennifer Lopez vậy đó.
- Nói tóm lại, theo ý em con Betsy nhà mình đẹp…tòan diện chứ gì.
Thì ra con Betsy ảo mộng di truyền từ mẹ nó. Đàn bà nào cũng thích được khen là đẹp, dù là lời khen giả dối.
Đút xong bát cơm cho Tabi mất hơn một tiếng đồng hồ, đã xuống tinh thần, anh lại còn phải dọn dẹp cái bàn ăn bừa bãi cơm rơi, nước rớt của Betsy và lau lại sàn nhà. “Đời là bể khổ” chắc cũng chỉ thế này?
Đến tối, được ngả lưng trên giường mà vẫn chưa yên, Tabi và Betsy xúm vào với bố để hỏi cùng một câu hỏi:
- Bố yêu ai nhất?
Thì ra chúng đang tranh cãi về vấn đề này, Betsy luôn nghĩ rằng bố yêu nó nhất nhà, nhưng Tabi đã cho nó vỡ mộng, là bố yêu thằng cu Tí nhất nhà, nên chúng muốn bố trực tiếp trả lời.
Betsy đang mở to đôi mắt vốn đã to và cái môi cong vếu của nó ra, thở mạnh và hồi hộp chờ đợi. Anh chậm rãi nói rõ từng chữ một:
- Bố… yêu… Tabi… nhất….
- Không! Không!...Betsy khóc nấc lên.
- Nghe nè, bố chưa nói hết mà, bố cũng yêu Betsy nhất, yêu cu Tí nhất và yêu mẹ nhất. Không ai nhiều hơn, không ai ít hơn, nghĩa là ai cũng nhiều nhất.
Betsy nín khóc ngay. Hai con bé đều hài lòng, mỉm cười sung sướng và ôm chầm lấy bố làm anh muốn ngộp thở.

************

Ba tuần lễ đã trôi qua, cu Tí lớn lên từng ngày, sự thay đổi thấy rõ, người nó mập hơn, gương mặt nó to tròn, phúng phính hơn. Cu Tí mở mắt nhìn cuộc đời bé nhỏ trong căn phòng này nhiều hơn.
Ba tuần lễ trôi qua, đều đặn sáng anh đưa Tabi đến trường, chiều đón về. Anh nấu cơm, đút cơm cho con lớn, hầu đứa con thứ hai, lăng xăng với thằng con thứ ba bé bỏng, và làm đủ thứ chuyện nhà để vợ nghỉ dưỡng sức.
Ông bố đảm đang tuy đã quen với công việc nhà nhưng trong thâm tâm chỉ mong mau tới ngày trở lại đi làm, dù sao 8 tiếng làm việc ở hãng cũng êm đềm gấp bội so với việc nhà. Ở hãng anh chỉ đối diện một ông boss, ở nhà boss lớn boss nhỏ làm anh tối tăm cả mày mặt.
Anh đã đăng mẩu rao vặt tìm bà trông trẻ bao ăn ở tại nhà, trên báo Việt Nam từ ngày sinh thằng cu Tí đến giờ chỉ có hai bà gọi, bà nào cũng hỏi han cặn kẽ từng chi tiết và thoái thác sẽ gọi lại sau.
Các bà giữ trẻ rất có gía, nên tha hồ kén chọn. Anh luôn cầu mong một trong hai bà gọi lại và đồng ý nhận việc để ba đứa con anh đỡ vất vả và để anh thoát khỏi cái cảnh nội trợ bất đắc dĩ này càng sớm càng tốt.

Nguyễn thị Thanh Dương.
( Father’s day, 2008)



Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ
Bến đò Đồng Đức càng ngày càng nhiều khách tới lui. Bây giờ không còn mùa đông mưa phùn rây mờ sông nước, không còn họ hàng lũ ruồi nhặng sợ rét, lười biếng đậu trên sợi dây lòng thòng để treo chuối, treo ngãn bám vào liếp, vào tường tròn ba tháng rét mướt đìu hiu. Dân thành phố tản cư về đồng ruộng. Họ mang theo niềm vui và cuộc sống mới mẻ khiến quê ngoại nhà tôi tấp nập, ồn ào. Nằm nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa, tôi cảm thấy bớt buồn tẻ. Kỷ niệm tràn lụt đầu óc tôi bằng những bộ mặt sáng sủa, những điệu cười hồn nhiên của đám trẻ nhỏ thành thị trạc tuổi em Mai. Tôi nghĩ, giá anh em tôi không phải sống hẩm hiu ở quê ngoại thì lúc này đây, chúng tôi cũng biết tung tăng dắt tay nhau chuyện trò dưới ánh trăng đồng nội. Chứ đâu chịu lạc lõng trong đêm tối, nhìn bóng mẹ gầy yếu run rẩy cơ hồ chiếc lá sắp lìa cành. Bất giác, tôi nhớ cha tôi và nước mắt phủ mờ…

Mẹ tôi bảo thoạt tiên cha tôi đánh đàn thập lục cho ban hát cải lương lưu động. Dạo ấy danh từ nghệ sĩ còn xa lạ nên ông bầu coi cha tôi ngang chức anh lao công. Làm việc từ tám giờ tối tới hai giờ khuya. Tiền thù lao dè xẻng mới đủ nuôi một vợ, một con. Trong gánh hát, cha bị bạn đồng nghiệp chê bai tài đàn non nớt hay tâu hót với ông bầu vài điều lầm lẫn của cha tôi. Thì cha tôi hậm hực nguyền rủa thói đời đen bạc. Chán rồi, cha tôi trách ông phó Nhị. Giá ông phó truyền đủ ngón trứ danh, chắn chắn sự nghiệp cha tôi đỡ méo mó. Tôi cố mường tượng cái cảnh hậu trường sân khấu giữa mùa hè nóng nực, cha tôi cởi trần biểu diễn tài nghệ, dìu điệu ca cho đào kép ngọt giọng. Mồ hôi, có khi cả nước mắt, rơi rụng trên mười sáu sợi tơ đồng đổi miếng cơm hẩm manh áo thô. Về sau có lần giận đời, cha tôi đập đàn giải nghệ.
Khi tôi hiểu biết, thấy đời cha tôi lẩn quẩn trong hai câu thơ của bài hát nói cha tôi khai bút nhân dịp năm mới: “Ông Lái thuốc bắt đầu, ông Phó, ông Ký, ông Chủ, ông Thầu, ông Lang… ” Mỗi chuỗi nghề nghiệp quàng vào cổ cha tôi. Lên voi xuống chó, xuống chó lên voi… Tội nghiệp cha tôi, người còn chút tâm hồn để không nỡ gọi tài đánh đàn là nghề kiếm cơm.
Từ ông lái thuốc bắc đến ông lang băm chế thuốc cao đan hoàn tán. Chao ôi, tôi phải viết thế nào đây cho thật linh động từng cảnh cha tôi ngồi chế thuốc cam bằng thuyền gang, ngồi thái thuốc sống bằng dao cầu, ngồi xao thuốc bổ bằng nồi rang đất và hoàn và viên thuốc tễ? Làm sao ai chứa chất được trọn vẹn ngần kia mẫu đời. Thế mà cha tôi, trời ơi! Tôi muốn làm một khán giả vô tư nhỏ lệ tiếc thương gã nghệ sĩ sinh nhầm xứ sở.
Có bận túng bấn quá, cha mẹ tôi phải chia nhau mỗi người một chợ đem thuốc hoàn, thuốc tán trị các bệnh cam sài thai đẹn, ho hen, giun sán ra bày ngổn ngang trên manh chiếu hẹp dưới quán chợ. Mẹ tôi bán quanh quẩn mấy chợ gần miền bể như chợ Tiểu Hoàng… Sáng sớm mẹ đi, xế chiều mẹ về săn sóc anh em tôi. Còn cha tôi xách chiếc va ly lớn lễ mễ sang mãi tận Thần đầu, Thần huống. Cha tôi đi hàng tuần mới trở lại, nói là vừa bán thuốc vừa thăm dò xem bên sông Trà Lý có dễ kiếm ăn thì cho gia đình sang.
Những chuyến cha tôi vắng nhà, mẹ tôi xuôi ngược tần tảo, anh em tôi nương bóng nhau cầu nguyện. Nghe mẹ tôi bảo sóng sông Trà dữ tợn. “Sóng cửa Trà, mà cửa Hộ”, em Mai chỉ sợ phà đắm.Tôi dỗ dành em tôi rằng cha tôi sống tới tám mươi tuổi để xem anh em tôi khôn lớn. Em Mai thường khóc tỏ vẻ lo ngại. Khốn nạn, cha mẹ tôi nghèo nàn, còn tình thương mến nhưng tình thương mến không nuôi sống được con nên muốn con no lành đã phải xa con, cực nhọc. Tôi cứ nghĩ đến lúc cha mẹ tôi ngồi dọn hàng khi chợ chiều tan vắng. Ánh nắng vàng vọt quê mùa chiếu vào khuôn mặt thê thảm vì nhớ con, vì ế hàng của cha tôi chắc đau thương lắm.
Ít tháng sau cha tôi bỏ nghề lang thuốc. Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng… ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi “lắc lê” nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi… Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.
Tò mò, tôi hỏi cha tôi học nghề sửa xe bao giờ, cha tôi mỉm cười: “Cái khó sinh ra cái không con ạ!”. Tôi nghi ngờ rồi phỏng chừng cha tôi học lỏm hay cha đã từng làm thợ phụ cơm nhà việc người. Lại thêm hình ảnh thui chột của chú “học nghề” nữa!
Hồi gia đình tôi ở Hà Nội về Thái Bình rồi dọn xuống miền bể, em Mai bé bỏng nên em chưa cảm được nỗi buồn biển động cuối mùa đông. Dường như, bể giận dữ tận ngoài khơi bãi Đồng Châu. Tiếng gầm gừ vọng tới nghe ghê rợn. Cha tôi khởi nghiệp chữa xe tại đây, tại ngã ba chợ huyện Tiền Hải, dưới gốc cây gạo to lớn, sù sì, gai góc. Những buổi chiều rét mướt, cha tôi ngồi co ro khâu mép lốp đứt “tanh” hay phồng mang trợn mắt thổi than hồng trong lò máy vá chín. Cha tôi nhặt nhạnh từ năm hào bơm thuê cho anh phu xe tay, chẳng nề hà việc dầu mỡ. Bởi vậy, cả sau lúc ngưng làm để vuốt ve anh em tôi, tay cha tôi, dẫu rửa sà phòng, vẫn còn đầy vết dầu lem luốc. Em Mai hay kéo đôi tay cha tôi đùa bỡn:
- Tay cha tôi đen như nhọ nồi.
Cha tôi cười:
- Trắng như bông mà con dám bảo đen. À, đố con biết tại sao tay phải cha dài hơn tay trái?
- Con chịu.
- Tại tay phải cha vặn “lắc lê”. Cha vặn mạnh quá nên xương nó giãn ra.
Em Mai ngớ ngẩn:
- Con không thích tay phải cha dài đâu, cha làm cho nó ngắn bằng tay trái đi cha. Có được không hở, cha?
Cha tôi suy nghĩ giây lát, đoạn vỗ về em:
- Khó gì, rồi cha bỏ vặn “lắc lê” thì nó hết dài.
Tôi thương cha tôi, dĩ nhiên, nhưng thương bao nhiêu mới vừa? Cha tôi ít nói. Chắc chắn nỗi ray rứt vì mẹ con nheo nhóc ám ảnh cha tôi, làm cha tôi uất nghẹn: sự uất nghẹn của người không câm song không nói được. Dạo ấy, gạo kém, mẹ tôi phải chạy vay đong từng bữa một. Thoạt đầu, sáng ăn cầm dạ, chiều ăn no. Sau, sáng cha mẹ tôi nhịn chỉ thổi niêu nhỏ cho anh em tôi. Em Mai ăn xong còn thòm thèm. Cha tôi nhìn em, mắt đỏ ngầu. Mẹ tôi chạy vội xuống bếp. Tôi thương hại em, tập nhịn để em được ăn nhiều. Hôm thứ nhất, em bảo tôi:
- Sao anh không ăn?
Tôi nói dối:
- Tại anh đau bụng.
Em tôi tưởng thật:
- Thế em để phần anh vậy nhé?
Tôi cười xua tay:
- Đau bụng ăn cơm nguội thế nào được. Em ăn đi, ăn nhiều chóng lớn.
Hôm thứ hai, tôi cũng bỏ bữa sáng ân huệ của con nhà nghèo. Em tôi hỏi han vớ vẩn. Tôi phải trả lời tôi ăn sáng với em thì trưa ăn mất ngon. Nghĩ sao, em tôi giận tôi, em chẳng thèm ăn nữa. Em bắt chước nhịn đến trưa. Mẹ tôi mắng em. Em khóc, em kêu đau bụng. Như thế, em tôi hiểu chuyện rồi. Em tôi rủ tôi ra đường cái, ghé sát vào tai tôi thì thầm:
- Thật anh nhỉ, ăn bữa sáng, trưa ăn mất ngon.
Chúng tôi nhìn nhau. Chua xót. May mắn là tình cảnh ăn đong thiếu thốn rất ngắn ngủi. Gạo dần dần hơn. Nhà tôi lại tiếp tục hai bữa no nê. Đấy là những câu chuyện buồn của gia đình tôi. Nhưng chuyện khiến tôi nhớ mãi là chuyện sau đây:
Hôm cha tôi đang đánh nháp miếng lốp nổ thì một bà sang trọng tới gần. Bà ta nhìn cha tôi lúc lâu rồi mới ngại ngần hỏi:
- Bác làm ơn chỉ giùm tôi ông lang…
Bà ta quên tên ông lang. Cha tôi ngừng tay, lễ phép nói:
- Thưa bà, bà cho biết tên ông lang là gì ạ?
Móc trong túi mảnh giấy nhỏ ghi bút chì lờ mờ, bà ta lẩm nhẩm đọc:
- Ông Mai Viên bác phó ạ! Bà bạn tôi mách rằng ông Mai Viên chữa bệnh giỏi. Tôi từ phủ Kiến Xương xuống xin ông cái đơn. Bà bạn tôi trước là chỗ quen thân ông Mai Viên.
Như cái lò xo, cha tôi đứng thẳng dậy, trịnh trọng giới thiệu tựa hồ anh hề trên sân khấu giây phút sắp mở màn.
- Thưa bà… tôi là Mai Viên…
Bà khách lạ tròn xoe mắt. Bây giờ, cha tôi mới kịp để ý cái hình hài tiều tụy của lão phó chữa xe đạp dưới gốc cây gạo ngã ba chợ huyện Tiền Hải. Quần đùi đen, áo sơ mi ngắn tay nham nhở dầu mỡ mồ hôi. Chân tay sần sùi, thô lỗ… Còn giữ được đôi mắt, vầng trán rộng. Nhưng xấu hổ quá, tê tái quá, đôi mắt vội mờ đi và vầng trán lâm râm những giọt mồ hôi, những giọt mồ hôi tình cờ toát ra một buổi trời lạnh nhất. Cha tôi cúi xuống, nói rất nhỏ:
- Thưa bà tôi giải nghệ… lang thuốc rồi. Song nếu bà…
Cha tôi muốn nói thêm “nếu bà bỏ qua hình ảnh bác thợ chữa xe thì tôi sẵn lòng tiếp bà”. Khốn nỗi, dù đã từng phen trầy trụa với cuộc đời, cha tôi vẫn tự ái để cứu vãn chút liêm sĩ tuy chẳng cần cứu vãn. Bà khách hình như cảm thông sự lên bổng xuống trầm của kiếp người, bà ta ngượng ngùng mãi mới thốt gọn ba tiếng “xin lỗi ông”. Cha tôi mời bà ta vào nhà.
- Bà ở phủ Kiến chắc quen gia đình ông Phán Lâm?
- Thưa ông, bà Phán chỉ đường tôi mới rõ, chứ dễ chi.
- Trước kia…
- Vâng ạ! Bà Phán đã nói nhiều về ông. Tôi xin lỗi ông lần nữa vì cử chỉ vô lễ ban nãy.
- Thưa bà không hề gì ạ! Bà đừng bận tâm.
Cha tôi kê tặng bà khách ấy đơn thuốc bổ theo đúng lời viết quảng dán tường ngày xưa “xem mạch kê đơn không lấy tiền”. Khi về, bà khách rút tiền cho tôi. Tôi từ chối, bỏ chạy mất. Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu lạc tẩm bấc thắp đĩa, đêm dầy đặc, suy tư. Tôi nghe từng hơi thở dài sầu hận của cha tôi. Bất giác, tôi òa lên khóc khiến em Mai cũng khóc. Cha tôi xoa đầu anh em tôi an ủi:
- Nín ngay con, rồi các con sẽ sung sướng.
Tôi gục đầu xuống đùi cha tôi, ôm chầm lấy thân thể gầy yếu, ôm chầm lấy tấm lòng thương mến bao la mà rên xiết.
- Cha ơi! Con thương cha.
Giọng cha tôi tha thiết, bao giờ cha tôi cũng tha thiết với vợ con:
- Thương cha thì ngủ đi, sau này đừng giống cha nhé con, giống cha khổ lắm. Nhất nghệ tinh con ạ!
Nhưng anh em tôi không ngủ. Ngọn đèn gió thổi tắt rồi. Căn nhà tối om. Anh em tôi ngồi sát nhau hơn. Chúng tôi cùng im lặng nhìn ngày mai bằng bốn con mắt mờ lệ trong đêm vắng. Khổ thân em tôi, lớn dần để xem cuộc đời cha xuống dốc thảm hại. Em tôi nắm chặt lấy tay tôi như thầm nhủ, như trao gửi niềm tin. Tôi nghe rõ tiếng nước nhỏ giọt xuống chiếu.
Một sớm tháng hai, hoa gạo nở đỏ ối và bắt đầu rụng. Cha tôi vẫn co ro ngồi dưới gốc cây. Trên đầu cha tôi đủ các loài chim thi nhau ca inh ỏi. Chợt một con bậy bạ trúng giữa mái tóc cha tôi trắng xóa. Cha tôi nhìn lên xem có phải phân quạ. Vì nếu phân quạ sẽ gặp niềm rủi ro. Khốn nạn, cha tôi vừa ngẩng mặt nhìn lên thì chiếc hoa gạo to hơn nắm tay rơi giữa mặt. May mắn, cuống hoa ngược chiều nên những cánh hoa nát bét trên khuôn mặt của cha tôi như thể cha tôi bị đạn bắn vỡ mặt. Anh em tôi chạy lại quỳ xuống, cuống quít:
- Cha có đau không hở, cha?
- Cha có mở được mắt không?
Cha tôi nói:
- Đau gì mà đau, cái hoa đó mà…
Giọng em Mai run run:
- Con thấy nó kêu đánh “bốp”. Chắc cha đau, cha nói dối. Con thì con khóc rồi. Cha đau thật hở, cha?
- Cái hoa nhẹ như bấc thì đau nỗi gì. Cha chỉ đau vì…
Tôi hỏi gặng:
- Vì sao cơ ạ?
- Vì… các con khổ sở!
Cha tôi rươm rướm nước mắt. Anh em tôi cúi đầu.
Mặc dù bé bỏng, anh em tôi cũng nhận ra hình ảnh cuộc đời cha tôi. Một hình ảnh bằng bao nhiêu hình ảnh nham nhở khắc khoải, què quặt. Tôi cầm tay cha tôi, nói nhỏ:
- Con sung sướng chứ có khổ đâu?
Em Mai cũng hối hả:
- Con chả khổ gì cha ạ!
Cha tôi mỉm cười gượng gạo:
- Các con nói dối.
Tôi nắm chặt tay cha tôi hơn:
- Lúc nào gần cha mẹ là các con sung sướng rồi.
Em Mai ôm đầu cha thủ thỉ:
- Con yêu cha.
- Yêu cha thì phải chăm học các con nhé, Hữu nhé! Nhất nghệ tinh…
Luôn luôn cha tôi nói “nhất nghệ tinh”… Tôi nhìn cha tôi, thấy má bên trái con dính chút máu hoa gạo. Đưa vạt áo lau sạch vết nhơ ấy, tôi giục:
- Cha vào gội đầu kẻo bẩn.
- Điềm may đấy con ạ! Hoa rơi là sang năm cha con mình giàu. Cha sẽ tậu nhà ngói trên tỉnh, con có cái xe đạp nhỏ đi học.
- Thế mẹ con?
- Mẹ con thì.. Ờ, ờ, khó nghĩ quá. Con chọn quà biếu mẹ xem nào.
- Mẹ con thôi bán xôi chè này, mẹ Ở nhà khâu vá quần áo với lại kể chuyện ma này. Cha cho tiền con mua cái tráp đựng trầu biếu mẹ con nhá! Em Mai muốn mua biếu mẹ xâu tràng hạt để mẹ niệm Phật cha ạ!
- Ừ, ừ con muốn gì cũng được.
- Em Mai có búp bê, có ô tô, có tàu thủy, có nhiều thứ lắm. Em Mai không phải chơi đồ chơi bằng vỏ hến, nút chai…
Em tôi thích chí cười hớn hở. Đôi má núm đồng tiền xinh xinh tệ. Em làm nũng:
- Áo con rách rồi, cha mua áo cho con trước nhất cha nhé.
Cha tôi bỗng giật mình. Đôi mắt đang sáng rực mộng ước, phút chốc mờ đi, buồn. Cha tôi ngắm anh em tôi rồi khẽ gật đầu nói nhỏ:
- Ừ, mai cha mua áo cho con.
Hôm sau, nhằm ngày phiên chợ, cha tôi bỏ việc dẫn anh em tôi đi mua áo. Chợ phiên đông đúc, cha con dắt díu nhau chỉ sợ lạc. Qua hàng nước dừa, cha tôi cho mỗi đứa uống một cốc nhỏ năm hào. Hết quán này, quán khác mà chẳng thấy cha tôi nhắc chuyện áo làm em Mai thấp thỏm. Mãi cha tôi mới kéo anh em tôi đến hàng quần áo may sẵn có vô số người xúm lại mặc cả. Anh em tôi len lọt được vào. Em Mai nhìn những chiếc áo cánh trắng rồi nhặt vài chiếc để ướm thử. Mắt em long lanh nhưng cha tôi thì nét mặt tự nhiên tái chợt, đôi tay run run cơ hồ như sốt rét. Cha tôi hỏi giá, người bán trả lời. Thêm thêm bớt bớt chán chê, rốt cuộc, cha tôi không dám nhất định vì sợ hớ. Em tôi trống ngực đánh thình thịch, nửa mừng nửa lo. Tôi biết giá có manh áo kia, em tôi hả hê vô vàn. “Già được bát canh, trẻ manh áo mới” mà. Cha tôi cũng biết thế, song người bán hàng chẳng thèm biết. Cha tôi đứng tần ngần. Tôi phỏng chừng cha tôi thiếu tiền.
Vuốt mái tóc em Mai, cha tôi an ủi:
- Hai anh em ra kia chờ cha nhé! Ra kia kẻo nó bắt bí. Thế nào cha cũng mua cho con.
Em tôi nuốt nước bọt ừng ực. Cha tôi đưa chúng tôi khuất khỏi hàng quần áo. Dặn dò xong, cha vội vàng đi. Trông theo cha, lòng tôi bâng khuâng tê tái. Anh em tôi đợi hàng nửa giờ mà cha tôi vẫn chưa trở lại. Chợ càng đông, tiếng ồn ào huyên náo. Anh em tôi không nghe rõ nữa. Tâm hồn em Mai hướng về manh áo, còn tâm hồn tôi thì không hiểu vì sao bối rối vô cùng. Em Mai cứ luôn miệng hỏi khiến tôi nóng ruột quá. Nắng mùa xuân hừng hực trên đầu chúng tôi. Nắm chặt tay em, tôi dìu em về phía hàng áo.
Bỗng anh em tôi thấy từ các hàng áo ban nãy người ta xô nhau giãn lối. Người bán hàng tức giận đỏ mặt lên, hét lớn:
- Ăn cắp, ăn cắp! Gớm nhanh như chớp, vừa mới quay đi mà nó đã thó mất rồi.
Tôi hoảng hồn, mắt lơ láo tìm cha. Song cha tôi không có trong đám đông trước mặt. Em Mai khóc bù lu bù loa, dỗ mãi em mới nín. Trong khi đó, người bán hàng quai mồm ra chửi bới hết lời. Hắn dọa nếu tóm được cổ kẻ cắp, sẽ đánh róc xương. Tôi chờ, chờ gần xế trưa thì ngờ rằng cha tôi lo kiếm anh em tôi và chắc chắn, đợi anh em tôi ở nhà. Tôi lớn không sợ lạc nữa nên cha tôi cũng có thể về trước. Nghĩ vậy, Tôi trở lại nhà. Anh em tôi buồn thiu, thẫn thờ bước như hai đứa trẻ ăn mày.
Về nhà, mẹ tôi bảo cha tôi bị cảm đang nằm đắp chăn rên hừ hừ. Anh em tôi xúm tới hỏi han. Cha tôi nín thinh không đáp. Em Mai sợ cha phật ý nên không hỏi đến chuyện áo mới nữa. Cả buổi chiều hôm ấy, không khí gia đình tôi nặng nề, khó thở. Đến tối, cha tôi bớt sốt, cha gọi anh em tôi tới gần xoa đầu, nắm tay như thường lệ. Cha tôi nói mua áo xong thì cha tôi cảm thấy choáng váng mặt mày, quên mất chỗ anh em tôi chờ đợi. Rồi cha tôi cắm cổ chạy về. Nghe cha kể chuyện anh em tôi vui mừng, sung sướng. Em Mai tôi hỏi:
- Cha mua áo cho con rồi hở cha?
- Ừ, đây này.
Cha tôi lật chiếu đầu giường nhấc chiếc áo ra. Em Mai vồ lấy ướm thử. Em thay áo cũ mặc áo mới vào. Em khoe tôi:
- Đẹp không anh Hữu?
- Đẹp lắm.
- Đẹp không cha?
Em Mai chợt nhớ điều gì, khuôn mặt ngây thơ nhí nhảnh phút chốc thoáng buồn. Em nói:
- Áo anh Hữu rách lưng cha ạ!
- Để phiên sau cha mua.
Tôi vội nói:
- Áo con vá được, cha đừng mua tốn tiền.
Giữa lúc ấy, mẹ tôi ở dưới bếp bước lên, em Mai níu mẹ, nũng nịu:
- Cha mua áo cho con mẹ ạ!
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi cha tôi:
- Tiền đâu mà cha mua áo cho con?
Cha tôi thản nhiên:
- Vay của bác Cẩm sáng sớm nay.
- Bác Cẩm đi Thái Ninh từ hôm kia cơ mà!
Cha tôi lặng thinh. Mẹ tôi không hiểu gì cũng lặng thinh. Tôi nhìn cha tôi. Cha tôi nhìn mẹ con tôi. Mắt cha tôi long lanh. Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời. Tôi muốn ôm cha tôi, muốn xé rách làn da ngực để được nói vào trái tim cao cả của cha tôi rằng “Cha ơi! Cha vì anh em con mà phải như thế… Con sẽ làm gì cho xứng đáng sự hy sinh đó của cha!” Nhưng làm sao mà nói? Cảm xúc đã nghẹn cả lời. Tôi òa lên khóc. Cha tôi giật mình hỏi:
- Sao con khóc?
- Con thương cha.
- Nín đi… để dành nước mắt chứ chú bé. Khóc nhiều hết thì sao?
Tôi chưa nín. Vì nghĩ tới suối sầu bắt nguồn từ túp lều tranh bên gốc chuối tiêu chảy róc rách, róc rách qua hồn anh em tôi. Suối sầu này còn chảy mãi. Và còn chảy, nước mắt còn rơi, không lo khô cạn.
Sau đấy, cha tôi bị ám ảnh bởi chiếc áo ăn cắp ngoài chợ, trừ tôi, không ai rõ, cha tôi đau ốm liên miên. Tuy nhiên, cha tôi vẫn vẽ bao ước mộng. Anh em tôi mong ngày tháng lụn dần, sang năm chóng đến. Song sang năm chưa kịp đến với nhà ngói ở tỉnh, với búp bê, với tàu thủy, với xe đạp thì cha tôi nhuốm bệnh thương hàn. Tôi cố nghiến răng giữ kín chuyện nên khi cha tôi chết cha tôi vẫn tưởng sự bí mật theo cha xuống lòng mộ.
Cha tôi chết, mẹ con tôi nheo nhóc bơ vơ. Mẹ tôi năm tháng ngồi đan nỗi buồn ở bến đò Đồng Đức. Anh em tôi nhìn đám trẻ thành thị rồi vội vàng cúi gầm mặt qua sân nhà ông ngoại, làm rơi mất tuổi thơ.
Duyên Anh

=================

NHỮNG CON CÀO CÀO XANH
                                           Dương, Thịnh

Tác giả, 63 tuổi, là cư dân Westminster, thành phố  Little Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện một cựu tù nhân chính trị đến Mỹ theo diện HO-8 đi tìm gặp vợ con sau nhiều cuộc đổi đời.

Đứng trong hàng rào kẽm gai của khu thăm nuôi. Bé Mai cố nhướng mắt để tìm người cha than yêu của mình trong số những đoàn người gầy guộc, xanh xao, vàng vọt đang lếch thếch cất bước trên đường về trại tù. Với ánh nắng trưa hè gay gắt,mọi nguời đi thăm nuôi đều đứng trong mái hiên ngẩng cổ nhìn ra. Riêng bé Mai bất chấp những tia sáng nóng đang rọi trên đôi má ửng đỏ, những giọt mồ hồ đang rịn trên trán. Cô bé cố giơ cao những con cào cào xanh hướng về phía đoàn người đang lần lượt đi qua, hầu mong cha của mình sẽ mau chóng nhận ra. Ông Sinh đã nhận ra con gái , ông giơ cao lon gô vẫy vẫy. Bé Mai sung sướng reo lên :
“Má ơi. Con thấy ba rồi! Con thấy ba rồi !
Đoàn tù vẫn bình thản bước lên đồi. Ông Sinh vừa đi vừa ngoảnh cổ lại đằng sau nhìn con..Khi không còn thấy hình bong cha nữa, bé Mai mới chịu chạy lại bên mẹ thút thít khóc
Thiếu phụ rút khăn tay lau mồ hôi trên trán con, vuốt mái tóc bé an ủi :
“Nín đi con, tí nữa mẹ con mình gặp cha rồi.”
Thời gian thăm nuôi thật ngắn ngủi, chỉ mười năm phút. Ông Sinh chỉ kịp ôm con vào lòng, hôn lên má con. Hỏi han vợ năm ba câu, chẳng nói được gì nhiều, đã gần hết giờ.
Mọi người trong phòng thăm nuôi chỉ biết nhìn nhau khóc và khóc. Đến gìơ. Tên cán-bộ oắt con quơ quơ khẩu súng AK. về phía mọi ngừời:
“ Đã hết giờ, yêu cầu mọi người đứng lên ra về.”
Ông Sinh vôi vàng nắm chặt hai bàn tay vợ và ôm hôn con lần cuối, sách bị gói lương khô cùng mấy con cào cào theo chân mọi người ra cửa.
Ngồi trên chuyến xe lô trở về thành phố, hầu hết là những bà vợ đi thăm nuôi chồng, họ đều mệt mỏi trong cuộc hành trình dài. Phần vì đường xa, phần vì phải thức khuya dậy sớm để nấu thức ăn, giờ đây tất cả đều cố nhắm mắt thiu thiu ngủ dưỡng sức. Riêng bé Mai không tài nào ngủ được, dù rất muốn ngủ và mệt mỏi. Hình dáng của người cha luôn luôn lởn vởn trong trí óc bé, than hình gầy gò, đen đủi cùa ông khác xa với hình dáng trắng trẻo, hồng hào, mập mạp trước kia rất nhiều. Bé là người được cha thương yêu nhất. Đêm nào ông cũng ru bé ngủ, kể truyện cho bé nghe, trước khi rời khỏi phòng ông không quên hôn lên nút ruồi son trên cổ bé, mà ông thgường gọi đùa là : Nốt ruồi mang đến nhiều sự may mắn.”
Ông có đôi bàn tay rất khéo léo và nghệ thuật. Chính ông đã dậy cho bé xếp hình những con thú, đồ vật bằng giấy nhất là thắt hình những con cào cào bằng lá dừa non thật là tuyệt, trông chúng đẹp, hung dũng, oai phong biết bao! Bé rất thích và thường thắt để tặng bạn bè, vì thế chúng thường chọc và gọi bé lá con cào cào xanh.Biệt hiệu này bé rất thích và thường hay kể lại với cha. Ông nói con cào cào xanh với đôi chân cứng cáp, nhẩy xa, biểu hiện cho sự tương lai vững chắc. Cha muốn con gái của cha sau này cũng giống như những con cào cào này.
Riêng ông Sinh, ông không thể không cầm được nước mắt khi nhìn giỏ quà của vợ con. Sau gần hai năm tù cải tạo, đây là lần đầu tiên ông được thăm nuôi. Giỏ qùa dù ít nhưng nó đã gói ghém biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tình thương của gia đình, dù ít nhưng ông rất ấm lòng. Nhất là mấy con cào cào xanh, nhìn chúng ông cảm thấy vui vui và xao xuyến trong lòng. Cô bé không biết đã bỏ biết bao nhiêu công sức, tình thương yêu gói trọn vào đó để dành cho cha. Nghĩ tới đó tim ông như thắt lại
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối ông gặp mặt vợ con. Kể từ ngày thăm nuôi cho tới mấy năm sau này, ông không hề nhận được bất cứ tin tức gì về gia đình. Lòng ông như rối bời, tâm tính như mất trí, thân xác kiệt quệ. Mấy lần ông đã ngã qụy, tưởng không thể sống nổi, may nhờ bạn bè an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần , ông đã qua khỏi.
Cuộc sống tù đầy cứ như thế: Chịu đựng, đau khổ, đói khát. Cho tới cuối năm 1981 ông được thả về.
Ra khỏi tù , ông không còn nơi nương tựa. Theo chòm xóm cho biết : Vợ con ông đã vượt biên năm 1976. Gia đình bên vợ thì đã bán nhà dọn đi nơi khác, không biết biệt tích nơi đâu. Còn bên ông thì không có ai cả, vì ông vô Nam chỉ có một mình khi ông mới mười hai tuổi. Thế là hết ! không biết đâu mà mò.
Điều làm ông lo âu nhất, là vợ con ông có thật sự đi vượt biên không, hay là tin đồn nhảm?! Nếu đúng như vậy, liệu có thoát không? Hay là đã bị…..ông không dám nghĩ tiếp. Nếu thoát, tại sao không gửi thư về để cho ông biết tin Những câu hỏi tại sao ?....tại sao?...làm cho ông điên đầu. Hiện giờ ông mù tịt, và cũng không hiểu vì sao.?!
Ra khỏi nhà tù nhỏ, ông lại vô nhà tù lớn. Cũng lao động thân xác để kiếm miếng ăn, cũng phải học tập, trình diện hàng tháng. Người ông càng ngày càng tiều tụy, nhưng ông phải ráng sống để có ngày gặp lại mặt vợ con
May mắn nhờ một người bạn tù cùng chung một tổ trong trại tù, đưa ông về nhà cho tá túc qua ngày, cùng chỉ ông cách thức vá giầy, dép cũ. Cuộc sống của ông cũng tạm đủ.
Dạo này trời Sài-Gòn hay đổ những cơn mưa bất tử, làm ông Sinh dọn hàng ra, vô muốn bở hơi tai. Hai năm sau này công việc làm ăn của ông đâm khá ra. Giầy dép cũ mới, chôm chỉa gì ông cũng mua tuốt luốt, đem sửa chút ít, dánh bóng lại bán được gía cao.
Một người khách đi đến gian hàng ông. Ngắm nghía lựa một đôi, sỏ vừa chân,, cầm lên hỏi :
“Bác , Đôi này bao nhêu?”
Đang cúi lau giầy, ông vội vàng ngửng đầu lên định trả lời. Nhưng thấy người khách ông bỡ ngỡ, cảm thấy rất quen nên chưa kịp đáp. Người thanh niên thấy mặt ông cũng giật mình lùi lại, trơn mắt như gặp phải ma. Cậu ta định thần nhìn kỹ. Vội hỏi :
“Xin lỗi, xin lỗi. Bác có phải…..phải tên Sinh không?”.
Cũng vừa kịp lúc ông Sinh nhận ra người khách lạ, chẳng ai khác hơn chính là cậu em vợ của mình. Như bắt được vàng. Ông Sinh rối rít dọn hàng không bán nữa.
Hai anh em kiếm một quán cà phê ngồi tâm sự.
Thì ra vợ con ông đi vượt biên thực sự, hiện định cư ở Mỹ. Vợ ông đã có chồng khác và đã có hai con, một trai, một gái. Cha mẹ vợ đã bán nhà ở thành phố, dọn về quê ở. Mấy năm nay ông bà vẫn đều đặn nhân được tiền bạc do con gái chu cấp hàng tháng, và hiện cậu em trai vẫn còn ở với cha mẹ. Không hiểu vì lý do gì, cố ý hay có uẩn khúc gì khác, ông bà lại báo với con gái là ông đã chết trong trại tù.
Ngay ngày hôm sau. Ông Sinh cùng cậu em vợ vội đáp xe đò về thăm gia đình vợ. Chuyến thăm này đã khiến ông Sinh nhận nhiều sự đắng cay tủi nhục. Sự ơ hờ, tiếp đón tẻ nhạt đã làm ông thất vọng. Ông không có địa chỉ cũng như không có tin tức gì về vợ con. Ông chỉ biết đạì khái là : Vợ ông không muốn cho ông biết nơi ở của nàng. Chuyện ông bị chết là do công an tới nhà báo tin.
Nhưng nhờ vào lòng tốt của cậu em vợ, cuối cùng ông cũng có được địa chỉ của vợ con trong tay. Nhưng làm được gì với địa chỉ này ? Đối với vợ, ông có lỗi với nàng chứ không phải nàng có lỗi với ông. Ở vậy chờ chồng nuôi con là việc tốt, nếu không thì đành phải chấp nhận, không thể oán trách. Nhưng với con, ông phải có bổn phận và trách nhiệm. Ông nhớ cô bé vô cùng không kể xiết.
Ông đã viết thơ nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Lại mu tin, mù tịt. Đầu óc ông rối rắm tơ vò. Con ông ra sao rồi ?!
Sau đó chương trình HO được cứu xét, đưa các sĩ quan tù nhân cải-tạo qua Mỹ. Ông sung sướng bán tín, bán nghi. Nhưng sự thật đã đến. Giờ đây ông đã ngồi trên máy bay đến Mỹ theo diện HO.8. Việc đầu tiên của ông dự định là sau khi lo thủ tục giấy tờ xong, ông sẽ đi tìm vợ con.
Đứng trước cánh cổng sắt của căn nhà sang trọng, trong một thành phố thuộc tiểu bang Illonois. Ông Sinh lưỡng lự không dám bấm chuông, lòng ông hồi hộp, tim đập loạn xạ.. Ông đang tưởng tượng hình dáng vợ mình bây giờ thế nào? Con mình đã lớn khôn ra sao? Cô bé giờ đã hai mươi mốt tuổi rồi còn gì, không biết ông có còn nhận ra không?!
Rồi ông tự hỏi có nên vào hay không ? Gia đình người ta đang hạnh phúc, mình vào có đúng lúc không?! Đang lúc suy nghĩ miên man. Chợt ông thấy một thiếu phụ từ trong nhà đi ra, tay cầm bình tưới cây nhỏ, tưới vào những chậu hoa trước cửa. Ông không thể nhầm được, đó chính là vợ mình dù thời gian có thay đổi. Ông tính rướn người lên gọi nhưng kịp ngừng lại.Một người đàn ông tóc vàng từ bên hông nhà đi tới, đến sau lưng người thiếu phụ ôm choàng lấy nàng, hai người hôn nhau thắm thiết. Ông lặng người tê tái, quay gót bỏ đi.
Về quán trọ, ông viết vội vài chữ gửi cho vợ, hẹn nàng cho ông gặp mặt dù chỉ một vài phút. Ngồi trước mặt vợ, ông nhận thấy nàng rất đẹp, đẹp hơn trước nhiều, nhưng cũng không đấu được nhiều nếp nhăn trên trán khóe mắt, vành môi.
Để phá tan bầu không khí ngỡ ngàng. Ông Sinh khen vợ:
“Em. Trông em đẹp lắm !”.
“Cám ơn anh. Anh qua đây từ bao giờ? Trông anh già và ốm yếu quá ! Anh có cần sự giúp đỡ gì không? Chồng em quen biết rất nhiều.”
Ông Sinh thấy nàng tự nhiên qúa, không có nét xúc cảm nào lộ trên khuôn mặt. Ông cũng bình thản.
“Cám ơn em. Anh, chữ nghĩa tiếng Anh, tiếng u còn kém lắm, vả lại mới qua chưa cần gấp. Anh muốn gặp con, nó dạo này thế nào rồi ?”.
Không trả lời vội. Nàng đẩy ly cà phê sữa tới trước mặt ông:
“Cà phê Starbuck này ở Mỹ có tiếng lắm. Em còn nhớ anh thích uống cà phê nên em kêu. Còn con hả, em cũng muốn mong gặp nó đây. Mấy năm nay nó chẳng hề ghé thăm mẹ. Lâu lâu gọi phôn lấy lệ”.
Ông Sinh nhỏm dậy:
“Em đã làm gì nó? Bây giờ nó ở đâu? Cho anh xin số phôn và địa chỉ của nó!
“Nào em biết. Nó không muốn cho em biết bất cứ điều gì.”
Ông Sinh như chết điếng :
“Em nói thật đó chứ?!”.
“Em không dối gạt anh. Dù chúng ta không còn là vợ chồng. Nhưng đối với con em rất mực thương yêu. Có anh đây em rất mừng, anh sẽ lo cho nó. Nó là đứa con rất có hiếu. Sự việc không hay xẩy ra, hoàn toàn do lỗi tại em. Anh đi tìm con dùm em.Cho anh biết thêm là hiện nay nó đang học nghành y-khoa, sắp ra trường. Anh cứ đi hỏi mấy trường đại học xem sao! Em đã dò hỏi khắp mọi nơi rồi, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Anh mới qua chắc cần tiền bạc, em giúp.”
Vừa nói, nàng vừa mở bóp lấy cuốn chi phiếu.
Ông Sinh nghe vợ nói một hồi như lùng bùng lỗ tai. Không cần nghe thêm, ông xô ghế đứng dậy.
Nhờ những người quen biết chỉ dẫn. Ông Sinh đăng tin tìm người trên báo chí cả Mỹ lẫn Việt, cùng phôn tới tất cả các trường đại học xa gần, vẫn không có kết qủa. Ở nước Mỹ to lớn này gồm năm mươi tiểu bang, có biết bao nhiêu trường đại học mà kể, tìm người như tìm kim đáy biển, biết đâu mà mò. Rồi ông lại suy nghĩ vớ vẩn, nhỡ con bé tự tử. Nghĩ tới, nghĩ lui làm ông rối trí thêm. Cuối cùng ông đành buông xuôi cho số phận thời gian.
Để mưu sinh và cũng để tạo cơ hội tìm kiếm, ông ghi danh đi học khóa đào tạo y công, phụ giúp trong các bệnh viện, hầu hy vọng có một ngày nào đó gặp được con mình.
Thời gian cứ thế trôi qua. Ông đã phục vụ rất nhiều bệnh viện trong tiểu bang California này mấy năm rối, cũng thăm hỏi nhiều rồi, sự hy vọng của ông càng ngày càng giảm, hầu như tuyệt vọng.
Niềm vui thú duy nhất của ông hiện thời là mấy con cào cào xanh, mà ông cất rất kỹ từ khi thăm nuôi tới giờ, dù chúng đã khô héo quắt queo. Mỗi khi nhớ con ông lại mang ra ngắm nghía, tâm hồn ông lúc đó hoàn toàn chìm đắm trên khuôn mặt cuả bé Mai.
*
Jennifer Trần là một bác sĩ trẻ, đẹp, làm việc rất siêng năng, cần mẫn, hay giúp đỡ mọi người. Ai cần việc gì, khó khăn gì hay trong nhà cần chuyện gì, cần người thay thế, bác sĩ vui lòng giúp đở, dù đó là ngày nghỉ của mình.Bác sĩ đã có vị hôn phu cùng phục vụ trong cùng một bệnh viện. Hai người tính làm đám cưới lâu rồi, nhưng không hiểu vì sao cứ lần này rồi lại lần khác, không thể thực hiện được. Bạn bè thúc giục, khuyên nhủ, nàng chỉ cười.. Tuy là người vui tính thích bong đùa, nhưng bác sĩ Trần vẫn không dấu được nét buồn của mình. Nét buồn đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp dịu hiền, mà ai cũng gọi đùa là “nữ hoàng sầu muộn” Dù còn trẻ, nàng vẫn không thích nơi hội hè đình đám, những chỗ đông người, mà chỉ muốn
sống cho riêng mình, nhưng đối với bạn hữu nàng cũng quậy ra trò.
Hôm nay ông Sinh nghỉ không đi làm. Ông rảnh rỗi cùng người bạn gìa đi thăm cháu gái của ông ta bị bệnh nằm trong bệnh viện. Tiện thể ông mang mấy con cào mà ông mới thắt đêm qua, cho cháu gái làm qùa.
Ngày chủ nhật, bệnh viện sao có qúa nhiều ca mổ! Bác sĩ Trần đã thấm mệt, mồ hôi rịn đầy trán. Nàng lấy khăn mui xoa chấm chấm mồ hôi, bây giờ nàng mới thực sự được rảnh tay.
Bác sĩ Trần đi qua dẫy phòng khoa nhi để đến phòng ăn, vì từ sáng đén giờ nàng chưa có cái gì vào bụng. Những tiếng cười khanh khách của một bé gái nào đó vang lên từ phòng khoa nhi. Cảm thấy vui vui nàng ghé lại nhìn thử.Một bé gái, nằm quay mặt vào phía trong, hình như đang giỡn với vật gì đó, làm cho cô bé khoái chí cười nắc nẻ. Tính tò mò thúc đẩy, nàng rón rén lại gần, nhìn vào phía trong.. Bất gíác nàng run người lên , mắt mở trợn trừng. Cô bé dang cho hai con cào cào xanh đá nhau, hai con cào cào được thắt bằng lá dừa xanh , trông thật là đẹp. Nàng run run cầm lên mân mê. Hỏi :
“Ở đâu bé có hai con cào cào này?”.
Như sợ bị la mắng, chơi đồ chơi trong phòng bệnh. Cô bé phân bua :
“Không phải của con mua, mà của ông gìa lúc nẫy cho con”.
Bác sĩ Trần không kềm được xúc động , hỏi dồn:
“Bao lâu rồi ? Ông đi đâu ?”.
Cô bé hốt hoảng :
“Dạ…dạ, con cũng hổng biết. Đã lâu rồi!”
Bác sĩ Trần hốt hoảng bước ra khỏi phòng, dáo dác nhìn quanh. Mặc kệ cho bụng đói, nàng chạy từ phòng nọ qua phòng kia, từ dẫy nọ qua dẫy kia để tìm kiếm. Trước sự lạ lùng đó, mọi nhân viên trong bệnh viện đều vây lại hỏi thăm, Nàng hỏi bâng quơ :
“Có ai thấy ông gìa nào đó trong bệnh viện không?”
Trước câu hỏi ngây ngô đó, mọi người đều không nín được cười, nhưng không ai dám cười trước vẻ nghiêm trọng của bác sĩ Trần.
Trong bệnh viện này, biết bao nhiêu ông gìa, bà cả đi thăm con cháu, người thân. Cảm thấy câu hỏi của mình qúa ngớ ngẩn, nàng cười gượng :
“Thôi. Không có gì, cám ơn các bạn.”
Tuy nói vậy nhưng trong lòng nàng vẫn không yên, tự nghĩ: ”Chỉ có cha mình mới thắt kiểu đó, nhưng ông đã chết rồi mà! Chẳng lẽ vì quá nhớ cha mà đâm ra mê sảng ?.!”
Thôi đi ăn cơm!.
Bác sĩ Trần, chính là bé Mai. Từ khi theo mẹ đi thăm nuôi cha,.trở về nhà, không ngày nào bé không nghĩ đến cha của mình. Ngày vượt biển ra đi, bé nhất định không chịu , đợi ngày cha trở về đi cùng. Vì sự hăm dọa của ông bà ngoại cùng những lời khuyên giải của mẹ, bé đành chịu phép. Sang đến Mỹ bé nhất định phải học giỏi để có tiền gửi cho bà ngọại đi thăm nuôi cha đều đều. Bé sẽ nhẩy cao, sẽ cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha đã từng nói.
Cuộc vượt biên êm xuôi. Sau hơn một năm ở trên đảo, bé cùng mẹ được định cư tại Hoa-Kỳ. Dòng đời đưa đẩy, mẹ lấy chồng khác, một anh chàng Mỹ giầu có. Cô bé có thêm hai đứa em gái.
Giờ đây, bé Mai đã mười chín tuổi, cái tuổi bước vô ngưỡng cửa đại học. Càng lớn nàng càng giống cha. Đã nhiều lần nàng biên thư và gửi tiền cho ngoại để hỏi thăm tin tức, cùng sức khỏe của cha trong trại tù, nhưng không ai trả lời. Có hỏi mẹ, chỉ được biết :
“Cha con đã chuyển đi ra ngoài Bắc rồi. Bà ngoại đã già không thể đi được.”
Nói sao nàng tin vậy. Mỗi lần nhớ ông, nàng lại mang hình hai cha con ra ngắm. Tấm hình nàng đã mang theo khi đi vượt biên.
Sống chung đụng trong cùng một mái nhà. Điều làm cho nàng ghê tởm, xấu xa, bỉ ổi nhất là anh chàng Mỹ kia cứ nhởn nhơ mặc quần lót đi trong phòng khách.. Có lần hắn đã dám xàm xở ôm nàng xờ xoạng khi không có mẹ ở nhà. Từ đó nàng đã bỏ nhà đi sang tiểu bang khác, chỉ biết học và làm việc tự lo cho bản thân, lâu lâu hỏi thăm mẹ qua điện thoại công cộng.
Vào một ngày, khi điện thoại về thăm mẹ, được bà báo cho biết : Cha đã chết trong tù!
Mọi vật như xụp đổ. Nguồn hy vọng bám víu cuối cùng cũng không còn. Thế là hế!
Nàng đã khóc đến khô cả nước mắt, cuộc sống như tẻ nhạt, chán chường không còn tha thiết gì nữa! Nàng chỉ biết vùi đầu vào sách vở cho quên nỗi buồn, và phải chiến đấu, chiến đấu, cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha nàng khi còn sống hằng mong mỏi. Cuối cùng nàng cũng lấy được mảnh bằng chuyên khoa giải phẩu.
Qua tin tức báo chí. Bác sĩ Trần được biết các sĩ quan tù cải tạo được chính phủ Mỹ cứu xét cho định cư tại Hoa kỳ theo chương tình HO.Không hiểu sao nàng hồi hộp lạ thường.
Rồi quyết định bỏ miền đông tuyết phủ, trở về với nắng ấm Cali.
Hôm nay là ngày lễ Thanksgiving day, nàng muốn đi ra biển. Không phải để tắm hay hóng gió mà nàng muốn làm một công việc, công việc này nàng đã dự tính từ lâu nhưng vì qúa bận rộn nên không thể thực hiện được. Nhân ngày lễ tạ ơn nàng phải làm điều gì để nhớ ơn cha. Nàng sẽ thắt thật nhiều, thật nhiều con cào cào thả xuống biển, để chúng mang lời cầu nguyện của nàng đến người cha thân yêu. Nàng tin tưởng rằng ở nơi xa xăm vĩnh cửu nào đó cha nàng sẽ nhận được lời khấn nguyện này.
Nàng rủ bác sĩ Hải (vị hôn phu) cùng đi chơi biển. Chàng rất thích thú lẫn ngạc nhiên về lời yêu cầu này, khác với bản tính trầm lặng không thích nơi ồn ào của nàng từ trưóc đén giờ, bèn okay chấp nhận liền.
Trong khi chờ đợi vị hôn phu đi mua thức ăn. Nàng dã kiếm đựợc khá nhiều lá dừa xanh, cẩn thận chau chuốt tước từng lá và bắt đầu thắt những con cào cào.Nàng để hết tâm trí vào công việc, chìm đắm trong niềm thương nhớ cha.
Ngoài kia. Sau khi đã mua thức ăn, trên đường trở về chỗ cũ nơi bãi biển, chàng thấy một đám con nít đang vây chung quanh một cụ già Việt-Nam, trên tay đứa nào cũng cầm một con cào cào, thấy hay hay chàng cũng xin một con.
Vừa đi vừa ngắm con cào cào, chàng cảm thấy nó rất đẹp và còn có vẻ oai phong nữa. Chàng sẽ cho vị hôn thê, chắc nàng sẽ thích thú lắm! Về đến nơi. Thật, chàng không thể tin vào mắt mình, nàng cũng đang thắt…..con cào cào.
“Em đang làm gì vậy.”
“Thắt con cào cào.”
Chàng cầm con cào cào mới xin được, vẫy vẫy trước mặt nàng.
“Anh cũng có một con.”
Nhìn con cào cào, mặt nàng tái mét, hỏi dồn:
“Ở đâu anh có nó?”
Chàng chỉ về hướng đám trẻ:
“Một cụ già Việt-nam cho anh.”
Chẳng nói chẳng rằng, nàng nắm tay chàng chạy như bay về hướng chỉ. Một ông già, tóc bạc qúa nửa. đeo cặp kiếng lão, Hai tay đang thoăn thoắt thắt những con cào cào. Dù thời gian, tuổi tác có thay đổi, nhưng với hình dáng kia, nét mặt kia đã in sâu vào tâm khảm, nàng không thể nhầm được, chính là cha nàng. Qúa xúc động, nàng ngất xỉu.
Sự việc xẩy ra qúa đột ngột, bác sĩ Hải hoảng hốt la cầu cứu. Ông Sinh (vâng, chính ông Sinh) ở vị trí gần nhất nghe tiếng hét vội vàng nhào tới. Ông vội thọc tay vào túi quần lấy lọ dầu xanh thoa lên hai thái dương cô gái, giựt tóc mai, giựt gân cổ. Bỗng người ông run lẩy bẩy, tim như muốn ngừng đập, khi ông thấy nốt ruồi son trên cổ cô gái, trên tay cô còn nắm chặt con cào cào. Như có linh tính, ông định thần nhìn kỹ khuôn mặt thiếu nữ. Ông gào lên trong tiếng nức nở, nghẹn ngào:
“Trời ơi! Mai….Mai, con tôi.”
Cũng vừa lúc xe cứu thương tới nơi, đưa bệnh nhân lên xe. Ông Sinh, bác sĩ Hải cũng vội vàng leo lên theo. Cầm tay con gái, lòng ông Sinh bồi hồi xúc động, ông không nghờ gặp con trong hoàn cảnh này. Hai hàng nước mắt ngắn, dài chẩy trên hai gò má nhăn nheo. Nhưng ông cảm thấy sung sướng và ấm áp vô cùng.
*
Tin bác sỹ Trần thị Mai gặp lại được cha già sau hai mươi năm xa cách đã loan truyền khắp trong bệnh viện, một vụ trùng phùng đầy đau thương, thích thú, khiến ai cũng mủi lòng. Hôm nay nhà bác sỹ Mai thật đông đảo khách tới thăm, bạn bè, thân hữu nghe tin mang hoa tới chúc mừng. Trong mấy năm qua , bây giờ mọi người mới thấy được nét tươi vui, rạng rỡ thực sự trên khuôn mặt u sầu của vị bác sỹ mà họ mến yêu. Nhưng người sung sướng nhất vẫn là bác sỹ Hải.


=========================




Bố Tôi, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa
Tác Giả : Kiệt   
Thứ Hai, 14 Tháng 6 Năm 2010 07:42
Lời mở đầu: Một vài ngày nữa Ngày lê của Cha lại trở về. Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó!”
 Tình cha nhiều người cho rằng không đằm thắm bằng tình mẹ, có lẽ chỉ vì người cha ít chịu diễn tả mà thôi. Thật ra tình cha như nền móng của căn nhà, giá trị của nó là phần nằm sâu dưới mặt đất.
Nhiều người còn ví tình cha như miếng cam thảo, phải ngậm lâu mới ra chất ngọt.
Riêng người Việt ly hương chúng ta, Ngày Của Cha (Father's Day) thường rơi đúng vào ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH 19 tháng 6 mỗi năm.
Nhớ lại hình ảnh những người trai thời chinh chiến, vừa làm người lính ôm súng gìn giữ quê hương, vừa phải lo cho gia đình chu toàn bổn phận làm cha. Nên người cha trong đất nước khói lửa, hầu như phải hy sinh tình nhà nhiều.
Nhưng không vì thế mà tình cha không đậm đà. Nhân ngày Quân Lực và Ngày Của cha, Hải Lê xin đóng góp một câu chuyện nhỏ kể theo Angie Kucer, nhằm vinh danh những người cha bất hạnh, hy sinh nhiều, nhưng nhận... chẳng có bao nhiêu!
Nhất là những người đã nằm xuống để vợ con, đồng bào mình được sống mãi mãi.
Tôi có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.
Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4 dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim..vv...
Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng  suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.
Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những giòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.
Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.
Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.
“Này Tammy”
Tôi thường trả lời “Dạ, gì thế bố?”
“Bố thương con nhiều.”
“Con cũng thế. I Love You!”
Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)
Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền v.v...
Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người lính bại trận, nhưng quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho hạnh phúc của người dân miền Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai thắng ai.
Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.
Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bình bầu ông là “Người cha thương con nhất trên thế giới này!”
Ngày lễ cha, Father's Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần.”
Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau, những ngày tháng cũ, 68, 70, 71, 72... với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh... Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.
Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho một cuộc chiến đầy chính nghĩa, bảo vệ quê hương.
Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời
Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với giòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, ba thương con nhiều! Vĩnh biệt!”
Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.
Lúc liệm xác, tôi bỏ theo chiếc hộp kỷ niệm đời lính vào hòm cho bố, còn những chiếc khăn giấy tôi sẽ giữ mãi bên cạnh cả cuộc đời tôi.
Bây giờ thì những chiếc khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi.

Happy Father's Day
Mừng Ngày Của Bố
Mừng ngày Quân Lực 19/6/2010


====================
Đôi dòng suy nghĩ...
====================

Sẽ đến một ngày, em cũng sẽ là một trong những đôi mắt sáng mõi mòn ấy.
Trong cái xó xỉnh tối thui nào đó, thì chưa ai biết.

Đây là luật nhân sinh hay nước chảy một chiều như nhân gian thường gọi?

" Nhân chi sơ, tính bản thiện", con người có lòng tốt và tình yêu đồng loại ngay từ lúc mới chào đời.
Xã hội, môi trường sống đã nhào nặn con người trong một tương tác phức tạp với yếu tố di truyền để hình thành nên nhân cách.
Trong đó, sự ứng xử trong gia đình hay những người xung quanh đối với đứa trẻ sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển cá tánh và nhân sinh quan của đứa trẻ về sau này.

Em không nghĩ tất cả những người con trong câu chuyện đều là xấu, cũng như tất cả những ông bố trong câu chuyện là đều là những bậc thiên thần.
Mọi vấn đề đều có it nhất là hai mặt của nó và mỗi kết quả đều phải đến từ một hay nhiều nguyên nhân.

Xót xa cho số phận của những người cha trong câu chuyện, em hy vọng rằng có một điều gì đó khách quan ngăn trở không cho người con đến thăm cha mình như mong ước.
Có thể anh con trai bị một tai nạn bất ngờ, đã không còn nữa hoậc vẫn còn sống nhưng không biết ngay cả bản thân mình là ai?
Có thể anh con trai và người cha có một phút giận hờn gì đó đã đoạn tuyệt một thời gian, và giờ đây đã hoàn toàn mất liên lạc?

Hay cũng có thể là ông bố quá thương con mình mà tranh giành tình yêu với con dâu đã tạo nên sự rạn nứt trong tình cha con?
Có thể cuộc sống đậm phong cách Việt Nam của ông đã không thích hơp trong hoàn cảnh mới và đến một lúc nào đó cô con dâu đã xem người cha chồng như của nợ?
Có thể ông bố đòi hỏi sự chăm sóc của người con mình ở mức độ  như ngày xưa ông đã giành cho cha ông?
Có thể ông đã bị tâm thần sau những những lần vật lộn, sau những cuộc bể dâu trong đời chớ không phải vì bị con bỏ rơi?
Vân vân và vân vân....
Rồi những giọt nước mắt muộn màng, rồi những vần thơ ăn năn từ những đứa con...

Có một điều rõ ràng là con người luôn có khuynh hướng nghĩ tốt về bản thân mình, gia đình mình và dễ dàng tự tha thứ.
Cũng là điều rõ ràng là đối với con ngừơi, tính thù dai là điều cố hữu; nó đặc biệt mạnh ở con nít khi cặp mắt nai tìm tòi, học hỏi và ghi nhận mọi chuyện vào trong một cái đầu chưa trưởng thành.

Trong một cuộc sống bề bộn và đầy lo toan, một người cha có thể mang về nhà điều phiền muộn và làm tổn thương xúc cảm của đứa con bằng sự đối xử không công bằng hay tệ hơn là sử dụng bạo lực hoặc ứng xử thiếu trách nhiệm đối với nó hoậc người thân.

Rồi thời gian qua đi, cuộc sống chất chồng những điều quan trong làm cho người cha quên mất đi những chuyện tưởng như nhỏ nhặt hôm nào, nhưng vết thương lòng ấy vẫn hằn sâu trong ký ức của đứa con.

Khi đến tuổi biết suy nghĩ, đứa trẻ sẽ một lúc nào đó lục lọi về quá khứ và điều chỉnh sự cảm nhận thuở thiếu thời dưới lăng kính của một người trưởng thành. Nó sẽ biết thông cảm, thương yêu đấng sinh thành dù thường là muộn màng.

Dòng đời chảy xuôi.

"Âu cũng là nghiệp" là câu nói tự an ủi khi con người không tìm ra được câu trả lời cho một bài toán tưởng như dễ trước cánh cửa cuộc đời sắp đóng.

Có một câu chuyện ngụ ngôn mà em không nhớ đã đọc hoậc nghe kể tự lúc nào, chuyện kể rằng:

******
Ngày xưa, có một người tiều phu, vợ mất sớm để lại một đàn con nheo nhóc gồm bảy đứa. Đứa lớn nhất  mới 12 tuổi.
Ngày ngày người tiều phu làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều tối mà vẫn không đủ ăn.
Con cái nheo nhóc lại thêm người cha già bại liệt, sáng ốm chiều đau.
Cuộc đời bế tắc.

Sau nhiều đêm không ngủ, một hôm người tiều phu thức dậy sớm mang cha mình ra tắm rửa.
Chuyện bất thường này đã không qua mắt được đứa con lớn.
Đang nằm trằn trọc, đứa bé hỏi : " Sao bữa nay cha đánh thức ông nội dậy sớm vậy?"
Người cha bèn đến sát con mình sụt sùi mà thì thầm : " Ông già rồi, không còn sống được bao lâu nữa. Để ông ở nhà, các con sẽ có đứa chêt đói. Cha lo cho ông lần cuối cùng, rồi cha sẽ gùi ông vào tận rừng sâu, bỏ đó. Ông cũng đồng ý là sẽ hy sinh cho các con."

Sau một phút im lặng, đứa con lặng lẽ nói với cha : " Bỏ ông nội rồi, cha nhớ mang gùi về."
Người tiều phu gạt nước mắt, ngạc nhiên hỏi: " Để làm gì con?"
" Để sau này cha già như ông nội, con sẽ mang cha đi..."

****
Nước mắt chảy xuôi mãi mãi.

Thành


============================

Hỡi những người con còn có trái tim, hãy đi và hãy đến những nơi gọi là “nhà già”, nơi chỉ có cặp mắt là sáng còn mọi vật đều tối đen…

NGÀY LỄ TỪ PHỤ, NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI CHA CÔ ĐƠN.
Chu tất Tiến

Trên một tờ báo điện tử, người ta đọc thấy một câu chuyện xúc cảm đầy nước mắt, tuy không hề nghe thấy một tiếng khóc. Một nhân viên người Việt còn trong giai đoạn tập sự tại một tỉnh trên miền Bắc xa khuất, nhận lời đến giúp một nhà hưu dưỡng hẻo lánh ít người thăm nom. Con đường đi vào căn nhà hưu dưỡng này quanh co và khúc khuỷu, chỉ có tiếng than van rền rĩ của rặng thông già âm u và cằn cỗi. Khi anh thanh niên này đến nơi và bắt tay vào việc, anh nhận ra có một ông già cứ ngồi trên xe lăn mà quay lưng vào trong, với một thái độ im lặng buồn bã. Anh đã đến gần và nhận ra đó là một người Việt Nam đã bước vào tuổi lão niên. Nhận ra anh là người Việt, ông già đó mừng rỡ lắm. Có lẽ không có sự mừng rỡ nào lớn hơn nữa,
vì bao nhiêu năm, ông cụ không có dịp nói chuyện với ai. Cụ không rành tiếng Anh, mà chung quanh cả chục dặm cũng không có một người Việt nào lui tới. Sau khi hàn huyên và làm quen nhau, anh thanh niên hứa hẹn sẽ đến thăm cụ hoài. Anh đã giữ lời hứa trong một thời gian dài. Từ đó, anh mới biết tâm sự của cụ là một người cha đã hy sinh trọn cuộc đời cho một đứa con trai duy nhất.

Khi bà vợ đã khuất núi, cụ ở với đứa con trai và bao nhiêu thương yêu, cụ đã dành cho con hết cả. May mắn, cụ đã dựng được một cơ nghiệp đàng hoàng trên xứ Mỹ, có nhà đẹp, có xe tốt và có cả một tương lai thênh thang, hạnh phúc, không thiếu thốn điều chi. Hai cha con êm ấm sống chung với nhau cho đến khi cậu con trai đòi di chuyển đến thành phố lớn để theo đuổi việc học ở một trường danh tiếng hơn. Suy đi nghĩ lại mãi, cụ ông quyết định chiều ý con, mà bán hết cơ ngơi sự nghiệp của mình để đi theo cậu đến một nơi xa lạ. Ở đấy, vì không quen chỗ, cụ cứ phải từ từ tiêu dần tài sản dành dụm của mình cho sự học của cậu con mà không có cơ hội làm lại cuộc đời chi nữa, những mong cho con học thành tài là cụ vui sướng rồi.
Điều cụ mong muốn đã đến. Sau nhiều năm học hành, cậu con ra trường, có việc làm tốt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cậu đi theo tiếng gọi của con tim, bỏ cụ lại một mình, bỏ lại người cha hy sinh suốt đời cho con, bỏ lại bao kỷ niệm buồn vui giữa hai cha con, những ngày tháng xưa cũ đó. Cụ đau buốt tâm can. Nhất là tin tức của cậu dần dần biệt tăm. Quá đau khổ, cụ đã té ngã và bị liệt. Người ta đưa cụ vào nơi hẻo lánh này để chờ chết. Từ đó đến khi anh thanh niên tập sự kia gặp cụ, cũng đã mười năm…
Mười năm cô đơn, mười năm không có dịp nói tiếng quê hương, mười năm không thân nhân, thăm hỏi, mười năm đợi chờ trong tuyệt vọng... Mười năm hay mười thế kỷ?

Thời gian đằng đẵng trôi qua, mọi thứ hy vọng đã tàn lụi, cụ chỉ có một thèm khát duy nhất là một bát bún riêu nóng hổi. Chiều ý cụ, anh thanh niên kia đã lui cui tìm mọi cách để mang đến cho cụ một bát bún riêu theo như ý cụ mong muốn. Cụ đã vui mừng chầm chậm cho một tí mắm tôm vào tô bún, chầm chậm thưởng thức hương vị của bát bún riêu, như thưởng thức một phần đời người đang chết dở mà được sống lại.

Anh thanh niên không quen biết kia đã trở lại vài lần rồi vì công việc mới phải đi xa, nhưng anh hứa sẽ đến thăm cụ bất cứ khi nào tiện dịp. Rồi một ngày, anh nhận được tin báo của nhà hưu dưỡng: ông cụ đã qua đời, đúng ra là đã may mắn chấm dứt được cuộc sống đau khổ, buồn bã, cô đơn mà cụ đã phải gánh chịu nhọc nhằn trong nhiều năm qua. Thằng con trai của cụ, không biết lúc ấy ở đâu, nếu có vợ con, thì đứa bé cũng trên mười tuổi, và mỗi khi đến ngày Từ Phụ, chắc thằng con bất hiếu bất mục, vô ơn, khốn nạn ấy, lại nâng ly rượu đầy ắp, cười đùa vui vẻ khi nghe đứa bé nào đó chúc mừng “Happy Father Day, Dad!”
Hình ảnh người cha bất hạnh không phải là thiếu ở đâu đây. Hãy đến nhà hưu dưỡng ở Garden Grove, gần Trung Tâm Thủ Đô Tị Nạn này, sẽ thấy ngay một cụ ông trên 70 tuổi, còn nhanh miệng lắm, nhưng ngồi trên xe lăn mà nếu thấy ai có lòng, thì thế nào cũng nhờ “Ông ơi! Ông đẩy xe tôi ra bến xe Cần Thơ đi ông! Thằng con tôi nó đang đợi ở đó!” Rồi ông cụ giục “Nhanh lên! Nhanh lên! Kẻo nó không chờ nữa!” Và sau khi được đẩy ra tới cửa, thì ông cụ giơ tay, ngừng lại. “Đây rồi! Bến xe Cần Thơ đây rồi! Ông chờ tôi một tí nhé!” Người đẩy xe thế nào cũng nghẹn ngào, nghe nước mắt trong lòng đang chẩy xuống lặng lẽ. Con của cụ đâu cả rồi? Những đứa trẻ ngày xưa mà ông bồng bế, xi ỉa, tắm rửa, lau mặt, dậy cho nó đánh răng,
dậy cho ngồi bô, ngồi cầu tiêu, dắt tay đi học… Những đứa trẻ hớn hở nhìn những quần áo mới mà bố chúng mới mua cho, ngày lễ, ngày Tết, bố con tung tăng trên đường phố Cần Thơ, hay ra bến Ninh Kiều hóng gió, mua cho con một quả bong bóng, một cây kem… Những đứa trẻ mà khi vượt biên còn đỏ hỏn, hay đã bắt đầu lớn, nhưng sợ hãi lo lắng thì nhiều, chỉ biết bám vào tay bố như một chỗ tựa nương duy nhất trong đời. Chúng nó bây giờ ở đâu? Bố chúng vẫn đợi chúng ở bến xe Cần Thơ ngay tại thủ đô tị nạn đấy…

Hãy vào trong nhà già này, thấy một cụ già ngồi trên xe lăn, không còn nói được, chỉ còn ánh mắt và hai bàn tay xếp những chữ A, B,C thành câu: “Ông bà đến chơi, tôi vui lắm!”

Cụ ông ngày xưa cũng đã một thời thanh niên bay nhẩy tung tăng, đi học, đi chơi với đào, rồi lấy vợ vui vẻ, hạnh phúc, nhìn những đứa con lớn lên với tất cả sự thoả mãn của một người cha trọn vẹn hy sinh. Giờ đây, những đứa con ấy ở đâu? Phương trời xa xôi nào? Có một lần nhớ đến người cha đã từng ẵm bồng chúng không?

Hãy đi thêm một bước nữa, để gặp một cụ chưa tới 80, nhưng chiều nào cũng thế, nhờ người đẩy xe lăn ra cửa, ngồi đó nhìn ra ngoài đường cho đến khi mặt trời lặn sau những mái nhà trước mặt, bóng tối phủ xuống âm u rồi mới chịu cho người đẩy xe vào phòng, nơi những kỷ niệm không bóng không hình chìm chìm ngập ngập, lãng đãng xa gần, những bóng hình thân yêu, người vợ tận tuỵ, mấy đứa con tung tăng chạy nhẩy, đấm đá um nhà…

Hãy đi khắp các nhà hưu dưỡng hay “nhà già” này để thấy đâu đâu cũng có những người cha cô đơn, những tâm hồn kiệt quệ, mà nỗi chết gần kề không đáng sợ bằng ngày tắt hơi không người thân vuốt mắt, không có tiếng khóc nức nở nỉ non, chỉ có âm thầm vài người áo trắng, lăng xăng thu dọn cho lẹ, cho nhanh, gói ghém phủ liệm chỉ trong giây phút, rồi tống ra dàn thiêu…

Thế là hết những người cha, đã có một thời oanh liệt, hoặc thương gia, hoặc quân đội.

Có thể họ đã từng xông pha mũi tên hòn đạn, đã từng gào lên hai tiếng “xung phong!” rồi băng mình về phía trước. Có thế họ đã là những thầy giáo, đứng trên bục giảng, hướng dẫn tương lai cho lớp trẻ lên đường. Có thể họ là những người thợ máy, công nhân, ngày ngày đi làm đổ mồ hôi, chỉ mong về đến nhà trông thấy thằng cu Tý, cu Tèo đùa đùa giỡn giỡn, tung con lên cao và nở những nụ cười hạnh phúc…

Giờ đây, chúng đang ở nơi nào? Trong những căn phòng ấm cúng, có thể chúng cũng lặp lại y hệt những cử chỉ của cha chúng ngày xưa, cũng tung con lên, đùa đùa giỡn giỡn..

Hỡi những người con còn có trái tim, hãy đi và hãy đến những nơi gọi là “nhà già”, nơi chỉ có cặp mắt là sáng còn mọi vật đều tối đen…

Ngày Từ Phụ đang đến.

Chu tất Tiến.



ƠN CHA

Một người phú hộ giàu có nọ, khi đến tuổi già yếu, biết mình đã gần đất xa trời, ông liền gọi những người mắc nợ đến để yêu cầu thanh toán nợ nần. Ông phán bảo những con nợ rằng: nếu các ngươi không thể trả nợ cho ta ở đời này thì các ngươi phải cam kết thề hứa một cách trọng thể là sẽ hoàn trả các món nợ của các ngươi ở kiếp sau, ta sẽ đốt hết các tờ khế ước mà các ngươi đã ký kết với ta. Nghe vậy, người thứ nhất mắc nợ ông 10 lượng vàng đến qùy gối thưa:
- Thưa ông, trong kiếp sau con hứa trả nợ cho ông bằng cách làm con ngựa để ông cưỡi lên và con sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn.
Người thứ hai mắc nợ ông 100 lượng vàng cũng đến qùy gối và thưa:
- Thưa ông, trong kiếp sau con xin chấp nhận làm trâu kéo cày, kéo xe chở đồ cho ông để hoàn trả món nợ đời này.
Người phú hộ ưng nhận lời hứa của hai người này và bằng lòng đốt tờ khế ước xóa nợ cho họ.
Sau cùng, người thứ ba với món nợ cũng rất khổng lồ là 1000 lượng vàng cũng đến qùy gối trước mặt ông và thưa:
- Thưa ông, để hoàn trả món nợ khổng lồ của con với ông từ trước đến nay, kiếp sau con sẽ làm cha của ông.
Nghe vậy, người phú hộ tức giận, ông truyền đem roi sắt đến đánh cho một trận nhừ tử vì tội vô lễ và bất kính, nhưng người này bình tĩnh giơ tay ngăn cản người phú hộ và xin được phân trần sự việc. Ông nói:
- Thưa ông, con vốn biết món nợ của con lớn lao lắm, cho dù kiếp sau con có làm thân trâu ngựa cũng không đủ trả nợ cho ông, nhưng con sẵn sàng làm cha của ông, vì chắc hẳn ông cũng quá rõ trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với con cái mình, con sẽ làm việc ngày đêm để lo cơm ăn áo mặc cho ông. Con sẽ che chở cho ông như cha mẹ che chở đứa con thơ và chăm sóc ông những khi ông đau ốm cho tới tuổi già, con sẽ không ngại bao gian khó hy sinh nào, cho dù có phải hy sinh tính mạng để ông được no ấm và không thiếu thốn gì, và khi chết, con sẽ để lại cho ông tất cả gia tài mà con đã thu tích được với sức lao động và mồ hôi nước mắt của con. Ông thử nghĩ xem đó có phải là cách đẹp nhất để con trả món nợ khổng lồ kia cho ông sao?
Người giàu có lim dim đôi mắt trầm tư lắng nghe. Một lúc sau ông gật gù mỉm cười rồi đứng dậy đốt bỏ khế ước, tha món nợ khổng lồ của hắn như đã tha cho hai người trước.
   
Câu chuyện trên đây tuy phản ánh phần nào thuyết luân hồi của Phật giáo, nhưng đồng thời nó cũng nói lên ý nghĩa sâu xa về trách nhiệm nặng nề và thiên chức cao cả của cha mẹ.
Chấp nhận trở nên người cha, người mẹ của ai là như tự gánh lấy cho mình một món nợ khổng lồ mà chỉ có thể trang trả đầy đủ bằng tình thương mà thôi. Thật vậy, tình thương của cha mẹ là tình thương không tiền bạc nào có thể mua được. Nó là thứ tình thương chân thật và sâu xa, là phản ánh tình thương bao la của Thiên Chúa với nhân loại. Cho đi cách nhưng không và không mong được đền ơn báo đáp.
 

No comments:

Post a Comment