Nhật Bản cũng không thể xem nhẹ các hành động của Trung Quốc vì lẽ 90% năng lượng và 60% lương thực của Nhật phải nhập khẩu bằng đường biển. Do vậy, chính phủ Nhật phải tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác có liên quan để giải quyết vấn đề.
Trung Quốc kiểm soát Biển Đông để chiếm hữu tài nguyên và ngăn chặn hải quân Mỹ
Biển Đông có hơn 200 hòn đảo và đá ngầm rải rác, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, là sân khấu cho một số tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và các nước khác.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gây ra hiềm khích với các nước khác khi phái chiến hạm vào khu vực trên, viện cớ bảo vệ tàu thuyền đánh cá của họ. Trung Quốc hiện đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn trên đảo Hải Nam ở vùng Biển Đông.
Một loạt hành động như trên trong thời gian gần đây có thể được hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt toàn bộ Biển Ðông dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu hỏa và tài nguyên biển của họ, mà còn vì lý do quân sự, chẳng hạn như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp nào của lực lượng Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.
Biển Đông là nơi quốc tế sử dụng, không thuộc độc quyền của ai
Trung Quốc đã sử dụng khái niệm “quyền lợi cốt lõi" liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng. Gần đây, họ nói rằng cũng coi Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi" của họ, một động thái càng làm tăng những mối lo ngại về ý đồ có thể có của Trung Quốc đằng sau các hành động gần đây nhất.
Biển Đông là nơi đi qua của các tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nối liền Trung Đông với Đông Bắc Á. Không một nước nào được phép độc quyền di chuyển trong khu vực. Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tự kiềm chế.
Việt Nam và các nước châu Á khác đang kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng đa quốc gia. Nhưng Trung Quốc không muốn buông lỏng lập trường theo đó các nước có tranh chấp chủ quyền phải đàm phán song phương một cách riêng lẻ.
Tuy nhiên, nếu tranh chấp lãnh thổ phát triển thành xung đột quân sự, thì chiến sự sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tất cả các nước sử dụng tuyến đường biển của khu vực.
Các nước cùng quan ngại về tình hình Biển Đông cần hợp sức kéo Trung Quốc vào bàn hội nghị
Trên cơ sở đó, sẽ là điều hợp lý khi tổ chức các cuộc đàm phán đa quốc gia giữa các nước có quyền lợi trong khu vực để thảo luận về phương cách giảm bớt căng thẳng và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Cũng có thể là một ý tưởng tốt khi đưa vấn đề này ra xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS, mà Hoa Kỳ cũng đã có kế hoạch tham gia.
Để thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa quốc gia, điều thiết yếu là các nước cùng chung một mối quan tâm phải hợp tác với nhau.
Chính phủ Nhật Bản đã khởi động các cuộc đối thoại về một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ vào cuối năm ngoái và với Việt Nam trong tháng qua, với sự tham gia của các giới chức có thẩm quyền trong cả ngành ngoại giao lẫn quốc phòng.
Chúng tôi yêu cầu chính phủ Nhật Bản chủ động tận dụng lợi thế của các cuộc đối thoại đó để phát huy những hành động chung nhằm giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.
Nguồn: RFI
No comments:
Post a Comment