Pages

Thursday, August 12, 2010

Sự khốn nạn tột cùng của 2 kẻ được gọi là 'công an nhân dân'

Nữ sinh Trà tại bệnh viện, ngày 11 tháng 8. (Hình: VNExpress)
Chuyện Vỉa Hè...........Tạ Phong Tần

Báo Lao Ðộng ngày 10 tháng 8, 2010 ghi lại lời kể của anh Nguyễn Tuấn Hùng (sinh viên năm thứ 4 trường Ðại Học Sư Phạm Thái Nguyên) là người cầm lái xe máy chở người yêu Hoàng Thị Trà (sinh viên trường ÐHSP) ngày 6 tháng 8, 2010.
Diễn biến vụ án cho thấy sự khốn nạn tột cùng của hai kẻ được gọi là “Công an nhân nhân” (sau này được biết đó là Thiếu Úy Trương Ðình Hoàng và Thượng Sĩ Nguyễn Ngọc Hậu công tác tại Phòng CSGT Công An tỉnh Thái Nguyên).









“Tối 6 tháng 8, Hùng chở Trà từ trường ÐHSP về nhà người thân trên đường CMT8, cả hai đều không đội mũ bảo hiểm. Ðến khu vực tượng đài liệt sĩ cạnh khách sạn Thái Nguyên bất ngờ có hai người mặc thường phục ép xe Hùng bắt dừng lại. Không phải người ở thành phố (nhà Hùng ở Sông Công) sợ gặp phải người xấu nên Hùng đã tăng ga bỏ chạy. Hai người lạ vượt lên trước, Hùng quay đầu xe tiếp tục bỏ chạy thì nghe tiếng súng nổ chát chúa.” Thay vì mặc cảnh phục đàng hoàng và ra hiệu cho người vi phạm dừng lại thì 2 CSGT này có hành vi giống y như kẻ cướp (mặc thường phục, săn đuổi, ép xe gây nguy hiểm, bắn súng) thì ai mà không hoảng sợ bỏ chạy trước tình hình xã hội trộm cướp dùng “hàng nóng” nổi lên như rươi này, nhất là khu vực phía Bắc. Sự hiện diện của họ không bảo vệ trật tự an toàn cho dân mà chỉ làm cho người dân kinh hoảng tột độ. Như vậy, trước khi em Trà bị bắn trúng vào đùi, thì 2 CSGT nọ đã bắn trước 2 phát đạn rồi, những phát đạn sau (trúng đích) rõ ràng là cố ý “tiêu diệt” kẻ “cứng đầu” chớ chẳng phải “vô tình” hay “lạc đạn” gì hết.
Không thấy được lỗi của mình, thay vì gọi cho đồng đội mặc cảnh phục, thông báo biển số xe người vi phạm để họ chặn lại thì 2 CSGT này lại cố tiếp tục hành vi nguy hiểm cho nạn nhân là rượt đuổi, ép xe khi xe đang chạy tốc độ nhanh và bắn thẳng vào người nạn nhân. “Càng hoảng, Hùng tăng ga vượt qua đường tròn trung tâm hướng ra đường CMT8. Nhưng chỉ được một đoạn, chiếc xe máy của hai người lạ mặt đã vượt lên ép đầu xe của Hùng khiến chiếc xe đổ nghiêng. Hùng kết thúc đoạn rượt đuổi với nét mặt thất thần: ‘Khi em đang loay hoay chưa kịp dựng xe đã nghe thấy tiếng súng nổ chói tai, ngoảnh lại thấy Trà đã đẫm máu ở vùng đùi. Trà chỉ kịp kêu: Em bị bắn rồi.’
“Ngay sau khi tiếng súng nổ, nhiều người dân quanh đó đã xúm lại. “Hai người mặc thường phục phân bua là công an đang truy bắt tội phạm và vẫn đứng nguyên đó để mặc Trà đầm đìa trong máu.” Hùng tiếp chuyện. Một lúc sau mới có người nói tên Quân đến giúp Hùng đưa Trà vào bệnh viện. Khi hai người thanh niên truy đuổi định nhặt vỏ đạn rơi gần chiếc xe máy, người dân đã không đồng ý và một phụ nữ tên Việt nhà ở gần đó đã tạm giữ chiếc vỏ đạn. Ðược biết, vỏ đạn sau đó đã được giao lại cho cơ quan công an.”
Sau khi nạn nhân Trà bị thương, máu ra xối xả, 2 CSGT nọ đã giở thủ đoạn vu khống cho nạn nhân là “tội phạm” nhằm mục đích ngăn cản quần chúng nhân dân đừng can thiệp vào vụ việc, mặc tình cho họ tự tung tự tác trên sinh mạng đang bị “treo trên sợi tóc” của nạn nhân, không nhanh chóng cấp cứu nạn nhân và phi tang dấu vết phạm tội của mình.
“Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đến chở hai chiếc xe gắn máy đi mà không lập biên bản hiện trường. Tại nơi xảy ra vụ việc, chỉ còn lại vũng máu.” Phải chăng kẻ thủ ác hung hăng kia biết trước hành vi của họ sẽ được “chống lưng” nên mặc sức thể hiện uy quyền, xem thường tính mạng người dân vô tội?
Tuy nhiên, “Thiên bất dung gian,” “có người dân còn khẳng định, biết hai thanh niên truy đuổi là CSGT, biết họ trước từng làm ở khu vực bến xe Thái Nguyên và biết cả tên người đến đưa hai chiếc xe máy ra khỏi hiện trường.” và người dân “ngỏ ý sẵn sàng làm chứng vì nhìn thấy người thanh niên mặc thường phục ngồi phía sau xe gắn máy nổ súng vào Trà.”
“Ðến ngày hôm sau (ngày 7 tháng 8) khi lên CA Thành Phố để ký biên bản vi phạm hành chính vì vi phạm luật giao thông tối 6 tháng 8, Hùng mới khẳng định được hai người truy đuổi mình có chức năng kiểm soát giao thông. Bởi ngoài hai lỗi về không đội mũ bảo hiểm, biên bản ghi lỗi thứ ba là: “Không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông.” Hùng không chấp nhận lỗi này vì: “Không có dấu hiệu gì để phân biệt người đó là người kiểm soát giao thông.”
Người dân ở Thái Nguyên càng bức xúc hơn vì nếu đã là công an kiểm soát giao thông có được phép rượt đuổi và bắn súng trên đường như vậy không? Mẹ của Nguyễn Tuấn Hùng thắc mắc: “Con tôi vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm nhưng có đáng bị bắn không?”
Câu hỏi rất đơn giản, lãnh đạo công an Thái Nguyên chưa trả lời thắc mắc của mẹ anh Hùng, nhưng căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, tôi xin được trả lời với bà ngay rằng:
Hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là vi phạm hành chính thuộc loại nhẹ nhất, được quy định tại Nghị định số 34/2010/NÐ-CP ngày 20/4/2010 của chính phủ. Không có quy định pháp luật nào cho phép công an bắn người vi phạm về an toàn giao thông.
Ngày 23 tháng 7, 2010, anh Nguyễn Văn Khương chở người yêu đi mua sắm bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm, cũng bị CSGT huyện Tân Yên (Bắc Giang) đuổi bắt và đánh chết trong trụ sở công an huyện.
Tin mới nhất, Vietnamnet cho hay, ngày 7 tháng 8, 2010, anh Trần Duy Hải (ngụ phường Cái Kế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) bị công an huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang bắt vì “nghi vấn liên quan đến một vụ cướp giật.” Ngày 8 tháng 8, 2010, gia đình được báo anh Hải đã chết. Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường và mổ tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của anh Hải, nhưng chưa có kết luận.
Hoàng Thị Trà, Nguyễn Tuấn Hùng coi như may mắn hơn các nạn nhân kể trên vì bị hành hung chỗ đông người và có nhiều người dân chứng kiến, nhiều người biết rõ kẻ thủ ác.
Có một nguyên tắc đơn giản mà ai cũng biết là: “Muốn người khác tin mình, trước hết anh hãy chứng minh anh là người đáng tin.” 2 CSGT Trương Ðình Hoàng và Nguyễn Ngọc Hậu không hề chứng minh cho người dân biết họ là CSGT một cách “danh chính ngôn thuận” mà lại thể hiện bề ngoài, hành vi giống y như 2 kẻ cướp hung hãn, bảo sao anh Hùng không lái xe bỏ chạy? Sau đó, đơn vị của 2 CSGT này lại lập biên bản vi phạm hành chính ghi lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông” để lấp liếm, bào chữa cho hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người dân (rượt đuổi, ép xe, bắn người) của đồng đội mình.
Lạm dụng quyền lực nhà nước để thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người dân, xem thường luật pháp, gây án xong lại tiếp tục vu khống cho nạn nhân hòng phi tang chứng cứ tội ác. Hành vi đó chỉ có thể gọi bằng cụm từ “khốn nạn tột cùng” của những kẻ được gọi là công an nhân dân ở Thái Nguyên.
(Blog Sự Thật & Công Lý)

No comments:

Post a Comment