Bà Trần Khải Thanh Thủy bị một nhóm người tay sai của công an hành hung, đánh vỡ đầu buổi tối ngày 8 tháng 10, 2009 nhưng lại bị chế độ Hà Nội vu cho tội “cố ý gây thương tích” để bỏ tù 3 năm rưỡi, nhằm trả thù lại những bài viết vạch trần cái ác, cái sai quấy của chế độ Hà Nội. (Hình: gia đình TKTT phổ biến trên Internet) |
HÀ NỘI (NV) - Bà Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn nhà báo tự do bị tù vì viết báo, viết sách “lề trái” bị hành hung ở trong tù một cách dã man, ông Ðỗ Bá Tân, chồng bà, cho báo Người Việt hay như vậy trong một trao đổi mới đây.
Ông nói rằng cả bà Thủy cũng toàn gia đình ông “thật hoang mang” về sự việc xảy ra với những biểu hiệu đáng ngờ.
Bà Trần Khải Thanh Thủy, 49 tuổi và chồng Ðỗ Bá Tân, 51 tuổi, bị một nhóm người của công an hành hung buổi tối ngày 8 tháng 10, 2009 ngay trước cửa nhà. Bà Thủy đã bị tên tay sai của công an cầm cục gạch đập vỡ đầu nhưng trong sự đạo diễn của nhà cầm quyền, hai vợ chồng bà đã bị lôi ra tòa vì bị vu cho tội “cố ý gây thương tích.”
Bà Thủy bị kêu án ba năm rưỡi tù trong phiên xử ngày 5 tháng 2, 2010 dù vợ chồng bà đều là nạn nhân. Luật Sư Trần Vũ Hải nêu ra các mâu thuẫn của kẻ vu cáo vợ chồng bà (Nguyễn Mạnh Ðiệp) và các sai trái hiển nhiên về luật tố tụng hình sự của phiên tòa, nhưng bản án vẫn chụp lên đầu của hai nạn nhân.
Sau khi có án, bà Trần Khải Thanh Thủy đã bị đưa từ nhà tù tạm giam ở Hà Nội tới nhà tù số 5 ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Nơi đây cũng đang giam giữ cô Phạm Thanh Nghiên và trước đây là nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân.
“Ngày 3 tháng 8, 2010 sau khi được gặp gỡ tiếp xúc với chồng và em trai về, tối 3 tháng 8, 2010 Thủy đã được cảnh báo có phạm nhân tên là Cúc (tội phạm ma túy) tuyên bố sẽ ‘táp lô’ TKTT - từ lóng của ‘hành hung.’ Thủy đã rất lo sợ và báo cho cán bộ trinh sát trại giam tên là Mai biết tới 3 lần. CA Mai đã trả lời sẽ xác minh nguồn tin này và có biện pháp ngăn chặn.”
Ông Tân kể với báo Người Việt như vậy và kể tiếp: “Xong vào tầm 21 giờ ngày 5 tháng 8, 2010, tên phạm nhân Cúc đã đột nhập vào phòng giam TKTT và bắt đầu hành hung! TKTT không dám chống cự và không dám kêu. Các phạm nhân khác cùng phòng thì im lặng không dám lên tiếng, tên phạm nhân Cúc đánh rất thâm hiểm và tàn nhẫn. Hắn dùng củi trỏ tay thúc vào ngực vào bụng, dùng gối thúc vào bụng và hạ bộ Thủy! Vừa đánh vừa chửi bới tục tĩu! ‘Tao đánh mày vì can tội viết tin trong trại chuyển ra ngoài, và tố cáo tiêu cực trong trại giam.’!?!”
Qua trao đổi vừa kể của ông Tân, người ta thấy thứ nhất, không thể có chuyện tù nhân ở phòng này có thể vào được phòng khác nếu không do cán bộ nhà tù dẫn vào, mở cửa cho vào vì tất cả các phòng giam đều bị khóa, ra vào đều có cai tù kiểm soát chặt chẽ. Kẻ nào vi phạm luật lệ đều bị trừng trị khắt khe, thường là các trò biệt giam rất khủng khiếp.
Thứ hai, lời chửi mắng của tù nhân tên Cúc xác nhận nữ tù này đã nhận lệnh của công an đến đánh Trần Khải Thanh Thủy để trừng phạt bà Thủy cái tội đã lén gửi một bức thư cho con gái đang ở bên Pháp hồi tháng 6 vừa qua, gián tiếp tố cáo nhiều chuyện độc ác bất nhân của chế độ Hà Nội.
Ông Tân thuật lại lời bà Thủy nói với chồng về trận đòn mà bà chịu đựng ở trong tù: “Nó đánh rất lạ! Một phụ nữ nhưng đánh rất chuyên nghiệp và hiểm hóc; sau một tuần rồi em vẫn còn đau và rát phần hạ bộ!”
Theo lời ông Tân kể: “Sau khi bị phát giác tên Cúc chối bay cãi biến là không đánh!? Các nhân chứng cùng phòng thì không dám ho he...!? vì ai cũng sợ tên phạm nhân Cúc này!”
Ngoài những gì ông Tân được vợ kể cho nghe, một nữ tù được thả sớm (đợt đặc xá 2 tháng 9 vừa qua) từng ở cùng phòng với bà Trần Khải Thanh Thủy tới nhà ông kể và ông thuật lại với báo Người Việt lời của bà này: “Chị TKTT bị đánh rất dã man, rất nhiều người biết trước, nhưng không ai dám báo trước cho chị Thủy vì rất sợ phạm nhân Cúc. Sau khi hành hung chị Thủy xong, phạm nhân Cúc nói: ‘Sau vụ này tao không được giảm án, thì tao sẽ tố cáo tên cán bộ đã chỉ huy tao đánh TKTT!? ’ ’”
Theo lời ông Tân thật lại lời của nữ tù được thả sớm, phòng giam bà Thủy có 45 người thì “có tới 40 tù nhân bị ép buộc theo dõi hành vi chị Thủy và báo cáo cán bộ hàng ngày!? Cứ hễ viết gì là liền bị khám và tịch thu.”
Theo lời ông Tân, khi ông đến trại tù số 5 thăm vợ: “Hôm thăm gặp 1 tháng 9, 2010, Công an trinh sát tên Chại và Lượng (giám sát cuộc thăm gặp giữa Thủy và người thân), cũng thừa nhận sự việc xẩy ra, đã xử lý phạm nhân Cúc - phạm nhân Cúc đã nhận lỗi là hiểu lầm Thủy!?”
Có hay không, không có gì kiểm chứng được.
Ông Tân cho hay TKTT đã khẩn khoản với chồng và em trai: “Anh hãy ra sức kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế, các hội đoàn như Văn Bút Quốc Tế Anh, Văn Bút Thụy Sĩ Ý Thoại, Hội Văn Bút Hoa Kỳ, anh em bạn bè trong gia đình, v.v... hãy lên tiếng cứu em ra khỏi nơi đây, em không thể tiếp tục sống như thế này, bằng mọi cách cho em được tị nạn có thể với mọi hình thức!
Em bị họ cưỡng bức bạo hành về thể xác và tinh thần rất thâm độc: ngày 29 tháng 4, 2010 họ chuyển em từ Hỏa Lò vào đây, ngay ngày hôm sau, họ khóa cổng trại, và phao tin bất bình thường, làm cả trại tù, mấy trăm con người phạm nhân nữ, họ tru tréo, chửi bới... ‘Vì con phản động mà cửa trại bị khóa, từ xưa ở đây vào những ngày lễ 30/4, 1/5 có bao giờ bị đóng cửa trại đâu!? ’ ’”
Ông Tân nói tiếp: “Thế rồi, Thủy bị cách li với Phạm Thanh Nghiên, Tr.Ng Anh, không được tiếp xúc với ai, cứ hễ phạm nhân nào gần TKTT, giao tiếp với TKTT vài câu là ngay ngày hôm sau bị gọi lên thẩm vấn và hăm dọa. Những lúc Thủy bị ốm đau có muốn nhờ bạn tù múc hộ gầu nước từ giếng sâu lên để đánh răng rửa mặt, thì những người giúp TKTT bị gọi lên và trừng phạt!?”
TKTT thuật lại lời tâm sự của bạn tù với chồng: “Có cháu đến cạnh em nói nhỏ và vội; Cô ơi cháu thương cô lắm, muốn giúp cô lắm, nhưng cháu mà giúp cô là cháu bị cán bộ phạt rất nặng, cháu rất xin lỗi cô!”
Theo lời ông Tân: “Hiện nay Thủy rất hoang mang và lo lắng cho sức khỏe và tính mạng bản thân. Thủy đã viết đơn đề nghị chuyển trại giam, nhưng chưa thấy Ban Giám Thị trả lời.” Và ông nói thêm: “Rất mong được anh em trong gia đình và các hội đoàn lên tiếng giúp đỡ Trần Khải Thanh Thủy!”
Năm ngoái, trước khi vào tù, chỉ vì viết báo, viết sách phổ biến ở hải ngoại phơi bày những sự vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Việt Nam, bà Trần Khải Thanh Thủy từng bị “kẻ xấu” đổ phân đầy trước cửa và mặt tiền nhà gần hai chục lần.
Năn 2007, bà đã bị bỏ tù 9 tháng 10 ngày. Khi bị bắt thì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Luật Hình Sự, nhưng khi xử án thì lại đổi thành “Gây rối trật tự công cộng” vì có sự can thiệp của Liên Âu và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Năm 2007, bà được Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) trao giải thưởng Hellman/Hammett và tổ chức văn bút quốc tế mời làm hội viên danh dự.
*********************
TẤN PHONG PHÓ TẾ TẠI DCCT SÀI GÒN: BÀI CHIA SẺ CỦA ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH
Chân thành cám ơn: conggiaovietnam@gmail.com
HẠNH PHÚC và TỰ DO được diễn tả như thế nào qua bài giảng này. Xin trân trọng chuyển đến người VN để cùng đọc
Ngày 28/8/2010, Thánh lễ phong chức Phó tế cho 6 tân phó tế tại dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, do Đức Cha Micae tấn phong.
Cũng gần đây, khi phong chức linh mục tại đây, có hai vị không được nhà nước đồng ý, vì vậy có Đức cha đã ngại ngần không dám nhận phong chức dù đã nhận lời. Đức cha Micae đã phong chức cho các linh mục này. Sau đó, một số cuộc gặp gỡ của cán bộ với ngài và ngài đã có ý kiến.
Mời quý vị đọc và nghe bài chia sẻ của ĐC Micae trong lễ Tấn phong phó tế ngày 28/8/2010:
Cách đây hai tháng tôi phong chức cho 9 anh em linh mục ở đây, trong đó có hai anh em không được sự chấp thuận của ‘xã hội’. Sau đó chúng tôi có dịp gặp gỡ những vị liên hệ, hôm nay tôi cũng chia sẻ với cộng đoàn một chút không ngoài mục đích để mỗi người chúng ta ý thức rằng chúng ta có ơn gọi, có sứ mạng loan báo Tin Mừng. Khi tôi trình bày ở đây tôi trình bày với tư cách là một người công dân hết lòng với quê hương đất nước này và trong mỗi trường hợp tôi làm thì tôi đặt quyền lợi của quê hương đất nước trên tất cả. Nhưng mà tôi cũng xác tín rằng quyền lợi của quê hương đất nước cũng là quyền lợi của Giáo hội, cũng là quyền lợi của mỗi người chúng ta. Vì thế trước và sau khi truyền chức tôi có dịp gặp gỡ và trình bày với các vị liên hệ rằng bí tích là của Hội Thánh và truyền chức Thánh cho các tiến chức bên Giáo hội Công giáo làm rất thận trọng. Sau nhiều ngày đào tạo, tìm hiểu, điều tra, tham khảo ý kiến cũng như lời cầu nguyện của không riêng một người mà của cả Hội Thánh. Vì thế khi tôi nói chuyện với cá vị liên hệ tôi cũng nói đây là điều mà cần phải tôn trọng lẫn nhau. Trong các tổ chức, có những phạm vi, lãnh vực mà chúng ta phải tôn trọng không có có giơ tay dài quá đụng đến nhau. Chúng ta cần phải nói để cho mọi người hiểu và giúp cho nhau mỗi ngày hiểu nhau hơn. Nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt rất tế nhị, nhảy cảm của Việt Nam chúng ta. Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta cần phải nói lên để giúp nhau ngày càng hiểu nhau và biết tôn trọng lẫn nhau có như thế thì mới có thể gọi là yêu nước, yêu đồng bào, xây dựng cách thiết thực. Cụ thể mỗi khi gặp khó khăn tôi nhớ lại câu chuyện cổ tích mà tôi có nhiều dịp nói lên với quý vị ở trung ương cũng như địa phương trên văn bản cũng như là qua cuộc nói chuyện và qua giảng dạy. Hôm nay tôi xin chia sẻ với cộng đoàn, tôi nghĩ rằng đây là một cách để chúng ta cùng nhau suy nghĩ để làm sao để cho mọi người khi tiếp cận với chúng ta ngày càng sát gần nhau hơn để cùng xây dựng dất nước Việt Nam thân yêu chúng ta. Tôi nhớ câu chuyện cổ tích thế này: Một hôm môn đệ hỏi thầy: thưa thầy, hạnh phúc là gì? Tự do là gì? Ông thầy không trả lời. Mấy ngày sau nhà hiền sĩ gọi người đệ tử đi chơi, đến nhại mồ hôi rồi nhảy xuống khúc sông tắm. Khi đang tắm vui vẻ mát mẻ, nói chuyện trời đất mông lung. Thì ông thầy bất thình lình túm tóc của người học trò dí xuống, nó ngộp thở nó ngoi lên. Dí xuống lần thứ hai, nó ngộp thở nó ngoi lên. Ông thầy dí lần thứ ba nó gần chết, nó đạp ổng một cái. Ông thầy buông nó ra, nó ngoi lên, ông thầy hỏi: Con đã hiểu hạnh phúc là gì chưa? Tự do là gì chưa? Và tôi nói, người có niềm tin tôn giáo cũng như anh đệ tử kia vậy. Người có niềm tin tôn giáo cũng tha thiết được sống với niềm tin của mình. Hệ ai mà ép buộc thì chịu không nổi. Ép lần thứ nhất ráng chịu. Ép lần thứ hai cũng ráng mà chịu. Ép lần thứ ba thì chúng tôi cũng phải đạp (tràng pháo tay dài). Mà khi đạp như thế thì xin đừng ai hiểu là chúng tôi phản động hay là âm mưu lật đổ chính quyền hay diễn tiến này nọ […] Không có đâu, chỉ có muốn thở (…) thôi (tràng pháo tay dài)… Nhiều khi chúng ta không gặp gỡ nhau hay là nói xa nói gần dễ bị hiểu lầm nhau. Và khi gặp gỡ thì cứ nói thật, nói thẳng với nhau đi, nói một cách chân tình và bác ái. […] đây là một cách mình xây dựng quê hương đất nước một cách hữu hiệu, cụ thể nhất. Hôm nay tôi tới Hội dòng, tôi tới với tư cách là một người yêu đồng bào, yêu nước, yêu quê hương. Và tôi cũng cố gắng làm tất cả những gì để giúp cho mỗi người chúng ta hiểu nhau, gần gũi nhau để cùng xây dựng quê hương đất nước này. Chính vì thế, một lần nữa tôi xin cám ơn cha Giám Tỉnh, cám ơn anh chị em. Tôi tỏ bày một chút tâm với anh chị em hy vọng rằng với ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ, mỗi người chúng ta có thể chu toàn sứ mạng của mình một cách tốt đẹp nhất đó cũng là một cách phục vụ quê hương tốt đẹp nhất.
Cám ơn anh chị em
Tác giả: Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Gm Kontum
-----------------------------------------------------
Xin ủng hộ chúng tôi bằng cách phổ biến tài liệu này.Chân thành cám ơn: conggiaovietnam@gmail.com
*********************
THÔNG TƯ 04/2010/TT-TTCP, ĐOẠN TUYỆT CON ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN
Trong bài viết này, tôi không có mục đích chứng minh và phân tích tính vi hiến, vi phạm pháp luật của thông tư 04/20010/TT-TTCP. Vì đã có và sẽ có nhiều người chỉ rõ hoặc khiếu nại về tính chất bất hợp pháp của hành vi ban hành văn bản này. Hiện tại, trong ý thức, trong tâm khảm của nhân dân đã mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước rồi. Những đoàn người dân oan, bất bình khiếu kiện đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, ở khắp các địa phương trong toàn quốc, đối mọi vấn đề liên quan đến đời sống, xã hội của đất nước đã chứng minh điều này. Trước đây, phương tiện đối thoại duy nhất giữa nhân dân và nhà nước chỉ còn là pháp luật, chứ không phải ứng xử với nhau bằng tâm, bằng lý nữa (tức lòng tin và lý lẽ phải, trái). Nhưng bằng Thông tư 04/2010/TT-TTCP Đảng và Nhà nước đã đoạn tuyệt con đường đối thoại cuối cùng này với nhân dân. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/07/2009 về việc “Ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ”, được coi là quyết định “bịt mồm” trí thức thì nay Thông tư 04/2010/TT-TTCP sẽ là thông tư “bịt mồm” nhân dân, tiếp sau đây sẽ là “luật” gì nữa? Điều này đã chứng tỏ đó là những hành động có hệ thống, chứ không cá biệt, không ngẫu nhiên. Âu đó cũng là câu trả lời đích đáng cho nhân dân về những lời hứa của Đảng và Nhà nước. Thông tư này sẽ hạn chế, ngăn cản và trong thực tế là triệt tiêu quyền khiếu nại, tố cáo hợp pháp của nhân dân. Nó gần như đồng nghĩa kết thúc thời hạn thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Ngoài ra nó còn triệt tiêu quyền khiếu nại, tố cáo ngoài tố tụng hình sự của nhân dân. Nó phản ánh một tư tưởng, một lối hành xử bất bình đẳng, mang bản chất của tư tưởng Khổng giáo, lối hành xử của nhà nước phong kiến. Phân chia xã hội ra làm 02 loại, loại quân tử và loại tiểu nhân (quân tử, tiểu nhân không phải theo nghĩa xấu, tốt mà theo khái niệm của Khổng giáo). Quân tử là nhà nước, tiểu nhân là nhân dân; nhà nước có quyền áp đặt luật lệ cho nhân dân mà không cần giải thích, nhân dân có thân phận phải chấp hành. Thời đại đó nay, đã lỗi thời, nhân dân không chấp nhận lối hành xử đó. Lối trị nước, trị dân bằng đạo giáo của kẻ cầm quyền không thể thay thế cho “pháp trị”, tức quản lý xã hội, nhà nước trên cở sở pháp luật, dân quyền. Thông tư không thể tùy tiện hạn chế dân quyền, thu hẹp hiến pháp, đứng trên luật, vượt qua nghị định. Thông tư này sẽ góp phần vào “thành tích” chia rẽ nhân dân, đi ngược đạo lý truyền thống tình làng, nghĩa xóm của người Việt Nam: “sớm lửa tắt đèn có nhau” thành “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” thành “phận ai người ấy chịu”. Nếu một mai nước có giặc dã thì tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể trong nhân dân có dễ lấy lại được không. Với lý lẽ này, thì đây rõ là hành vi phản động, hại nước hại dân, diễn biến hòa bình, thù trong chính là đây. Chính vì truyền thống tình làng, nghĩa xóm mà trong lịch sử nước nhiều lần mất, nhưng làng không mất nên đã giữ cho dân tộc Việt Nam thống nhất còn trường tồn đến ngày hôm nay. Kẻ nào âm mưu phá vỡ truyền thống này sẽ phải đối diện với sức mạnh đã được thử thách trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Giải quyết tốt, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo của nhân dân làm cho pháp luật được thượng tôn trong đời sống xã hội. Trả lại công bằng cho nhân dân, giảm đi oan ức, bức xúc trong xã hội; làm cho nhân dân gần nhà nước, tiến tới tin tưởng nhà nước. Nếu không như vậy hậu quả sẽ là ngược lại dân xa nhà nước, dân không tin nhà nước. Thông qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nó phản ánh bản chất của chế độ, bản chất của nhà nước, nhà nước đó vì dân đến đâu, hoặc nó cho nhân dân biết nhà nước đó có phải của dân không. Tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân nó kết quả của cách điều hành, quản lý xã hội của nhà nước chứ nó không phải là nguyên nhân gây nên bất ổn xã hội. Nó là biểu hiện của căn bệnh ung thư chết người, là kết quả chứ không phải là nguyên nhân, nếu che đậy nó đi, ngăn cản không cho nó bộc lộ thì nó sẽ ăn vào não vào tủy mà không báo trước. Rồi đây, các sai phạm được bao che, được bảo vệ, không bị xử lý; các “quan lại” nhà nước sẽ càng hoành hành trắng trợn hơn, bất chấp nhân dân hơn. Nhân dân sẽ bị coi thường, nếu không tuân phục sẽ bị đối xử thẳng cánh bằng bạo lực. Đội ngũ dân oan, đi khiếu nại, tố cáo sẽ không được giảm bớt mà sẽ tăng lên chóng. Nhưng nhân dân sẽ không còn phải khổ công học cách viết đơn nữa, vì đơn khiếu nại, tố cáo không còn là công cụ nữa. Trụ sở tiếp dân từ địa phương đến trung ương rồi đây sẽ vắng dân; nó sẽ làm nhàn cho “quan”; chức năng nhận đơn sẽ được thay bằng chức năng trả lại đơn. “Bút, nghiên nuốt hờn đành gác lại”, không bất lực, nhân dân không được cách này sẽ dùng cách khác. Kết cục bất công, oan ức của nhân dân vẫn còn nguyên đấy, đã không được giải tỏa sẽ lại càng được nhân lên, dồn nén đến lúc “tức nước vỡ bờ”, khi đó sẽ không còn pháp luật nào để giải quyết nữa. Phải chăng cái gì đến nó sẽ đến, thông tư này có mặt trái, nhưng nó cũng có mặt “tích cực” của nó, làm cho xã hội thối rữa nhanh hơn. Thúc đẩy xã hội sớm đi đến cái điểm bộc lộ rõ cái bản chất của nó; rút ngắn thời gian phí phạm của xã hội vì ảo tưởng, vì huyễn hoặc. Nó giúp cho nhân dân ngày càng thấy rõ cái thân phận, cái địa vị của mình, nhân dân tỉnh ngộ. Nhân dân sẽ nhận ra một chân lý thực tế là khát vọng của nhân dân phải do chính nhân dân giành lấy, không ai là người ban phát và đem đến cho mình cả. Hà Nội 09/9/2010 H. Đ. S. |
No comments:
Post a Comment