Pages

Sunday, October 31, 2010

Một thư ngỏ mang nhiều sức nặng - VOA - Bùi Tín Blog


Bức thư ngỏ ngày 11 tháng 10-2010 của 23 nhân vật từng có vị trí cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đang được dư luận toàn thế giới quan tâm phổ biến, bình luận khá là sôi nổi.

Đây là một bức thư rất quan trọng, được dự thảo công phu, trao đổi kỹ trong và ngoài nước, giữa lục địa và Hồng Kông, Macao, được dịch cẩn thận ở Hoa Kỳ sang tiếng Anh, có ngay những bản dịch sang tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và được tung ra vào một thời điểm đặc biệt, cho nên càng gây chú ý cho dư luận Trung Quốc cũng như dư luận toàn cầu.

Đây là thời điểm ngay trước Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XVIII sẽ họp vào năm 2012, bàn cả về đường lối chính trị - kinh tế và nhân sự trên cao nhất, là thời điểm khá bất thường là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhân vật số 2 của chế độ, nhiều lần bày tỏ quan điểm công khai mạnh mẽ là Trung Quốc cần thực sự thực hiện cải cách chính trị sâu rộng, thực hiện dân chủ rộng rãi thì mới giữ được đà phát triển kinh tế và giữ được an ninh xã hội, nhưng 3 lần phát biểu của ông về nội dung này đều bị cơ quan tuyên huấn và công an trung ương kiểm duyệt, cắt bỏ, không cho Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh và Tân Hoa Xã đăng tải. Lại cũng là lúc nhà ly khai Lưu Hiểu Ba được thưởng Giải Nobel Hòa bình trong khi đang ở trong tù, bất chấp sự ngăn cản, đe dọa của Bắc Kinh đối với chính phủ Na Uy, làm cho bản Hiến chương 2008 nổi tiếng của ông được phổ biến rộng rãi thêm ở ngay Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Điểm đặc biệt của Thư ngỏ này là ngắn gọn, súc tích, chỉ tập trung vào một điểm là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, trong khi khái niệm đầy đủ về dân chủ theo tài liệu của Liên Hợp Quốc bao hàm đến 27 quyền tự do của công dân, ngoài quyền tự do nói trên còn có các quyền tự do bầu cử, ứng cử, đi lại, xuất ngoại, tôn giáo, tổ chức, lập hội, tuần hành, biểu tình, học hành không mất tiền, quyền hưởng phụ cấp ốm đau, thất nghiệp, khi cao tuổi, về hưu, khi tàn tật, bị tai nạn, thiên tai, quyền được có nhà ở v..v…

Bức thư tập trung vào mũi nhọn đòi tự do báo chí, tư do xuất bản là vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là tự do số một, tự do đi đầu, tự do mở đường cho mọi quyền tự do khác.

Nhà văn kiêm triết gia Pháp nổi tiếng trong thế kỷ Ánh sáng (17) Voltaire từng nhận định rắng «tự do báo chí là linh hồn của nền dân chủ».

Do đó Thư ngỏ yêu cầu với Quốc hội 8 điểm rất cụ thể là:

1- Giải thể cơ chế các báo phải có cơ quan đỡ đầu bảo trợ; các nhà xuất bản có toàn quyền tự lập. Thực hiện nghiêm chế độ chủ nhiệm và tổng biên tập chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình;

2- Tôn trọng nhà báo, giúp cho nhà báo làm việc có hiệu quả. Nhà báo phải được xem là những «ông vua không ngai». Chấm dứt ngay việc chính quyền, công an địa phương bắt giữ nhà báo;

3- Xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc điều tra dư luận của các báo tại các địa phương, bảo đảm cho nhà báo làm công việc đưa tin, viết phóng sự trong phạm vi cả nước;

4- Internet là nơi quan trọng để đưa thông tin, thảo luận về những quan điểm trong xã hội công dân. Cơ quan quản lý internet không được xóa bỏ một cách độc đoán nội dung và lời bình trên mạng, trừ khi có liên quan đến bí mật quốc gia hay xâm phạm đời tư của công dân;

5- Từ nay không có vùng cấm nào liên quan đến lịch sử đảng Cộng sản; công dân Trung Quốc có quyền biết về những sai lầm của đảng khi cầm quyền;

Tuần báo Hoa Nam và Viêm Hoàng Xuân Thu cần được phép khôi phục như là một chương trình tư nhân của một cơ quan đại chúng độc lập. Việc tư nhân hóa các báo chí, tuần báo phải được coi là hướng đi tự nhiên trong cải cách chính trị;

7- Cho phép phát hành tự do trên lục địa những sách, báo từ Hồng Kông, Macao. Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế, đã hội nhập kinh tế toàn cầu, không thể cứ khép kín về văn hóa. Nhân dân chào đón và tỏ ra tin cậy những sách báo đến từ Hồng Kông, Macao;

8- Thay đổi chức năng của các cơ quan tuyên truyền, từ việc đề ra những điều cấm kỵ, chuyên cản trở một cách lỗi thời sự giao lưu thông tin, còn hỗ trợ cho quan chức tham nhũng, kiểm duyệt những bài viết nói lên sự thật… sang thành cơ quan hỗ trợ, tiếp sức cho nhà báo, phản đối cường quyền, bảo vệ thông tin đại chúng và nhà báo.

Tám đề nghị rất cụ thể trên đây liên quan đến tự do báo chí, quyền tư nhân làm báo và xuất bản là những đề nghị mũi nhọn, mang tính mở đường cho quyền tự do công dân và dân chủ trong xã hội ngày càng rộng rãi về sau.

Các nhân vật ký tên vào Thư ngỏ nói lên tầm quan trọng, giá trị của những đề nghị và sức nặng của Thư ngỏ đang được phổ biến rộng và bàn cãi trong thời gian tới.

Chỉ xin nhắc đến một số tên tuổi để chứng minh sức nặng ấy. Đó là các ông: Lý Nhuệ, nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức Trung ương đảng CS TQ; Hồ Tích Vỹ, nguyên Chủ nhiệm Nhân dân Nhật báo, từng là Uỷ viên Ban thường trực Quốc hội khóa 7; Giang Bình, nguyên Viện trưởng Đại học chính trị và Luật học, từng là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội khoá 7; Lý Phổ, nguyên Phó Giám đốc Tân Hoa Xã; Chu Thiệu Minh: nguyên Vụ phó Vụ Chính trị Quân khu Quảng Châu; Chung Bái Chương, cựu Chánh văn phòng Cục Tuyên truyền trung ương; Vương Vĩnh Thành, giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải; Trương Trung Bồi, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Trung Quốc; Đỗ Quang, cựu giáo sư Trường Đảng trung ương; Quách Đạo Huy, cựu Biên tập báo Khoa học Pháp lý; Tiêu Mặc, cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia; Trang Phổ Minh, nguyên Phó Giám đốc Nhân dân Nhật báo; Hồ Phủ Thần, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Lao động; Vũ Hạo Thành, cựu Giám đốc nhà xuất bản Quần chúng; Trương Thanh, cựu giám đốc Trung tâm Điện ảnh Trung Quốc; Sa Diệp Tân, cựu giám đốc Trường Nghệ thuật Nhân dân; Tân Tý Lăng, cựu Giám đốc báo Đại học Quốc phòng...

Một vấn đề được nhiều blogger tự do trong nước trao đổi với nhau sau khi nhận được tin này là Trung Quốc và Việt Nam, ai là nước sẽ để cho báo chí tự do, để tư nhân làm báo và xuất bản sách báo? Ai là nước sẽ thực hiện dân chủ thứ thật là dân chủ bầu cử, tự do lập hội như hiến pháp công nhận, để có nền dân chủ đa đảng theo luật pháp như đông đảo các nước khác? Có bạn nêu tại sao ta cứ phải theo đuôi Trung Quốc, trong khi Việt Nam ta nhỏ hơn, gọn hơn, dễ đạt đồng thuận dân tộc hơn, để chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và văn hoá, hòa nhập sớm và trọn vẹn với nhân loại tiến bộ. Sao cứ hủ lậu hoài!

Có bạn nêu vấn đề quyết định là ở trí thức và tuổi trẻ nước ta có còn trí tuệ và tâm huyết với nhân dân, dân tộc hay không? hay đã kiệt quệ về ý chí, bị bả hư danh, hưởng thụ vật chất cổ hủ cầm tù mất rồi? Xin mở rộng cuộc tranh luận lý thú và hệ trọng này.

Câu chuyện con Thiên nga Đen 
- VOA - Bùi Tín blog

Mấy ngày nay dư luận toàn cầu xôn xao về chuyện Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thử bom hạt nhân. Ảnh vệ tinh cho thấy những hoạt động khác thường xung quanh căn cứ Punggye Ri trong tỉnh Bắc Hamgyong, nơi đã diễn ra cuộc thử thứ nhất – năm 2006, và cuộc thử thứ hai – năm 2009.

Cái chế độ cộng sản độc đảng còn sót lại này có kiểu xử sự không giống ai. Họ cứ rêu rao thử bom hạt nhân mỗi khi muốn lên gân dọa nạt dân trong nước và làm giá cao với thế giới, khi thì muốn ăn vạ, mặc cả với thế giới để vòi vĩnh viện trợ cho không.

Hai lần trước, sau khi tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng úp mở không hề nói kết quả thử ra sao, bom to hay nhỏ, nhưng đều gián tiếp chịu ngừng thử để được nhận 2 triệu tấn lương thực và 2 triệu tấn dầu thô cho các nhà máy cạn dầu và cho hàng hàng chục triệu bụng dân đói.

Lần này, cảm thấy lòng dân, binh sỹ, nội bộ đảng cầm quyền không yên khi lãnh tụ Kim Jong Il phong cho con thứ 3 mới 27 tuổi cùng cô em gái làm đại tướng 4 sao, thấy cả thế giới đàm tiếu về chuyện nhố nhăng này, cho đến ông bạn láng giềng lớn cũng lúng túng khó xử, chế độ Bắc Triều Tiên lại dở ra chuyện thử bom hạt nhân để dọa dân họ và làm giá để thương lượng với thế giới.

Lần này thì công luận quốc tế rất lo âu. Một số báo lớn ở Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp…cho rằng đây không phải là chuyện nhỏ, không thể coi thường được.

Một số nhà bình luận nổi tiếng nhất nhắc đến lý luận và hiện tượng Thiên nga đen – Theory and Event of Black Swan - để bàn luận về bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trong các Bách khoa Toàn thư, từ điển Wipikedia mấy năm nay xuất hiện danh từ kép Thiên nga đen, với định nghĩa và dẫn chứng ngày càng phong phú.

Nội dung chính của Thiên nga đen là để chỉ một hiện tượng cực kỳ hy hữu, đơn lẻ, rất khó phán đoán và báo trước, bất ngờ xảy ra thật, rồi biến mất.không theo một quy luật nào cả.

Hiện tượng như thế có thể diễn ra cả trong chính trị, kinh tế, tàì chính, nghệ thuật…Các nhà nghiên cứu cho rằng việc bùng nổ Thế chiến I năm 1914, cuộc khủng bố 11-9-2001, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây là những hiện tượng Thiên nga đen.

Sở dĩ đặt ra cái tên ngộ nghĩnh Thiên nga đen vì từ thượng cổ đến nay, đã là thiên nga thì đều là thiên nga lông trắng toát hoặc lông màu hồng nhạt. Đã có biết bao bài thơ văn, điệu múa, bài nhạc tả con Thiên nga, bầy Tuyết nga hay bầy Hồng nga làm đẹp cho cuộc sống văn hóa của thế giới.

Thế mà hồi thế kỷ 17, vào năm 1697 một con thiên nga lông đen nhánh xuất hiện ở một địa điểm phía tây của nước Úc, để lại vết tích rõ ràng, rồi biến mất.

Năm 2007 nhà văn kiêm triết gia người gốc Li Băng Nassim Nicholas Taleb (sinh năm 1960) viết một cuốn sách dày bàn về lý luận và hiện tượng Thiên nga đen, rât được chú ý.

Dư luận thế giới gần đây không phải chỉ bàn về những cuộc thử bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà vấn đề lớn hơn, đó là sự sụp đổ của chế độ đảng trị kỳ quặc ở nước đó, được ví như hiện tượng Thiên nga đen có khả năng xảy ra trong thời gian sắp tới.

Rất khó phỏng đoán nó sẽ xảy ra bao giờ, và như thế nào. Đây là 2 vấn đề thách đố các nhà bình luận chính trị quốc tế, xem ai có những dự cảm và dự đoán gần với sự thật sẽ xảy ra nhất.

Trong những chế độ mang danh Cộng sản còn sót lại ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên thì Bắc Triều Tiên là mong manh nhất. Nhưng nó sẽ sụp đổ bao giờ thì thật khó phỏng đoán.

Đã có một số dự đoán nó sẽ sụp đổ như thế nào.

Hoặc là khi những «con đê công an, cảnh sát và quân đội» ngăn chặn những dòng người như nước lũ, bị vỡ, hàng triệu nhân dân đói khổ, bất mãn, tràn xuống phía Nam, tràn qua giới tuyến quân sự, vì sức hút tự do, no ấm của Nam Triều Tiên là không có gì cản nổi. Miền Nam có dân chủ, có nhân quyền, có tự do báo chí, tư do tôn giáo. Thu nhập tính theo đầu người trong năm qua của Nam Triều Tiên cao gấp 15 lần Bắc TriềuTiên (27.000 đôla /1.800 đôla).

Nhưng sự kiện như thế có dễ dàng, thuận lợi hay không? Ngay nhà cầm quyền và nhân dân Nam Triều Tiên có trông đợi một diễn biến như thế không? Chế độ Nam Triều Tiên có thừa cơ hội như thế để thống nhất đất nước không? Hay là họ ngần ngại vì nhiều lẽ, sẽ là một gánh nặng ghê gớm, kéo lùi sự phát triển của Nam Triều Tiên xuống hàng chục năm, như ở nước Đức sau khi thống nhất? Phản ứng của Trung Quốc, của Mỹ, của Nhật Bản khi xảy ra sự kiện trên sẽ ra sao? thái độ các nước châu Á, thế giới và Liên Hợp Quốc sẽ như thế nào? Tình hình sẽ ngả ngũ ra sao?

Hoặc là khi sự đói khổ đạt đến tận cùng, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, chết đói hàng loạt, sự bất mãn của dân chúng lên đến cao điểm, dân miền Bắc Triều Tiên theo hướng phía Bắc rủ nhau tràn qua sông Áp Lục, như từng tràn qua hàng chục năm nay, vào đất Đông bắc Trung Quốc và cả phía Đông của nước Nga, không phài hàng vạn mà hàng triệu con người, vì dù sao ở đó cũng dễ thở hơn, no ấm hơn. Khi ấy Trung Quốc có sẽ tận dụng thời cơ để bành trướng và thôn tính Bắc Triều Tiên không? Và thái độ Nam Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, nước Nga và các nước khác sẽ ra sao?

Còn đối với nhà máy hạt nhân và cơ sở sản xuất bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ ra sao? ai sẽ quyết định số phận của chúng, ai sẽ kiểm soát và chiếm lĩnh? Có thể xảy ra xung đột, va chạm quyền lợi giữa những nước nào? và sẽ ngả ngũ ra sao?

Và ngay trước mắt, nếu như Bắc Triều Tiên vẫn cứ ngang ngược thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, kiện toàn bom hạt nhân thì sẽ bị trừng phạt ra sao? nhất là cậu «Ủn» từng liều lĩnh lái xe Mercedès khi lên 7, nốc rựơu mạnh khi lên 10 và và cô «Huổi» từng bướng bỉnh cải lời cha và lãnh tụ tôi cao trong chuyện lấy chồng, nay đã là đại tướng 4 sao nắm vận mệnh quốc gia, với bom hạt nhân trong tay, an ninh thế giới gặp nguy cơ không nhỏ, và thế giới sẽ phản ứng cụ thể ra sao đây?

Đây đúng là một con Thiên nga đen. Hy hữu, khó dự đoán được rõ cho mọi trường hợp, nhưng vẫn có thể xảy ra rất bất ngờ, chưa ai dự đoán được cụ thể diễn biến, kéo dài và kết thúc như thế nào.

Một vấn đề nóng bỏng của thế giới, liên quan đến an ninh mọi nước, mọi người, rất mong được các nhà bình luận dày dạn kinh nghiệm lên tiếng luận bàn cho ra lẽ.

Xã hội dân sự, Xã hội công dân lừng lững bước tới.

- VOA - Bùi Tín blog
Xã hội dân sự, xã hội công dân là tương lai rất gần trên đất nước ta. Nó đang lớn dần từng ngày, từng ngày.

Xã hội dân sự, xã hội công dân là phép mầu nhiệm, là biện pháp thực tế nhất để cứu dân tộc ta ra khỏi bế tắc, trầm luân hiện tại.

Xã hội dân sự, xã hội công dân là xã hội cởi mở, năng động, vui tươi, đối lập hoàn toàn với xã hội độc đoán, nhàm chán, khép kín tệ hại hiện nay.

Xã hội dân sự, xã hội công dân là xã hội tự do thứ thật, dân chủ thứ thật, trái ngược với xã hội tự do bị thiến, dân chủ bị thui chột, tự do giả vờ, dân chủ giả vờ mấy chục năm nay.

Xã hội dân sự, xã hội công dân là đối tượng ngăn chặn, bóp ngẹt, thủ tiêu của nhà nước độc đảng, của nhà nước cảnh sát.

Nhưng tự do dân chủ là chìa khóa mở cửa cho phát triển, cho bình đẳng, cho công bằng, cho tình thương và hạnh phúc toàn xã hội nên nó bắt rễ từ trí tuệ, trái tim của triệu triệu con người, không có thế lực nào dù hung hãn đến đâu có thể dập tắt nổi.

Vào thời điểm này đây, xã hội dân sự nước ta đang đĩnh đạc, tự tin bước tới. Nó không cần kèn trống, cờ xí, pháo hoa, nó đi vào lòng mỗi người dân Việt yêu nước mình, thương dân mình, vẫy gọi nhau cùng tìm ra biện pháp và bước đi để dân ta là chủ vận mệnh nước ta, độc lập hoàn toàn, lãnh thổ toàn vẹn, không khiêu khích ai nhưng quyết không chịu khuất phục ai, không chịu mất một mảnh đất nào, vùng biển nào, hòn đảo nào cho ngoại bang.

Xã hội dân sự đang lớn mạnh, lên tiếng yêu cầu thế lực cầm quyền phải luôn lấy quyền lợi tối cao của đất nước, cuộc sống bình an tự do của toàn dân làm mục đích, chấm dứt tình hình cai trị bằng phe cánh, theo nhóm lợi ích riêng tư, đang tàn phá đất nước tận gốc, mà nhóm chuyên gia sắc sảo của Đại học Harvard Mỹ ở tại Hà Nội đã nhận diện, chỉ ra với tên gọi là Crony Economy – kinh tế cánh hẩu, kinh tế chia chác cho nhau.

Xin hãy duyệt binh đội quân xã hội dân sự khá là hùng hậu hiện nay, bao gồm nông dân, lao động thành thị, trí thức, văn nghệ sỹ, sinh viên, học sinh, đảng viên kỳ cựu, đảng viên trẻ ở cơ sở, đoàn viên cộng sản, du sinh, thành viên các tôn giáo …, tất cả những người Việt Nam còn có lòng tự trọng, còn có tư duy độc lập, không a dua, không xu thời, am hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của Cha Ông, đồng thời tiếp thu những giá trị tinh hoa của Thời đại mới.

Nếu kể tên từng thành viên, có lẽ phải đến hàng triệu triệu, ghi trong một cuốn sách dày.

Xin điểm qua đội ngũ trùng điệp ấy, chưa cần nêu tên một ai, để có một khái niệm gần với sự thật. Thứ tự trước sau chỉ là tương đối.

Mấy hôm nay, nhóm bauxite lại đưa ra kiến nghị yêu cầu quốc hội khẩn cấp xem xét kỹ lại các dự án khai thác bauxite dưới ánh sáng của sự cố ở Hungary; số này trước đây đã lên đến hơn 4 ngàn. Lần này có thể sẽ vượt, và có thể vượt xa, vì sức thuyết phục sẽ cao hơn trước. Để xem Bộ Chính trị và phiên họp Quốc hội tới xử sự ra sao.

Binh chủng nổi bật trong cuộc diễu hành của lực lượng xã hội dân sự có thể là binh chủng các nhà luật sư và luật học. Từ cụ luật sư già dặn tuổi trên 80 mà tư duy tươi trẻ, từng là hội thẩm Tòa án tối cao vừa cho ra bài luận văn giá trị: «Sự thay đổi đã gõ cửa» đến luật sư tự nguyện cãi miễn phí cho 2 em Hằng và Thúy tại tòa án Vị Xuyên cho đến các em sinh viên luật ở Sài Gòn tập họp trong nhiều nhóm hội thảo với nhau về Hiến pháp, về quyền sở hữu đất đai, về nền tư pháp công minh…Đã có bao giờ ở nước ta một luật sư dựa vào hiến pháp và luật pháp hiện hành phát đơn kiện những người cầm đầu chính phủ về những tội làm sai hiến pháp và luật pháp, có hại cho dân, mà chính quyền không bác bỏ nổi.

Có cả một khối đảng viên tham gia hăng hái vào xã hội dân sự. Từ nhiều ông tướng 50, 60 năm tuổi đảng lên tiếng đòi công khai minh bạch vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục II, đòi chấm dứt cho nước ngoài thuê hàng vạn héc -ta đất rừng, cho đến những đảng viên trí thức văn nghệ sỹ công khai đàng hoàng, tự hào trả lại thẻ đảng viên, có đảng viên trí thức còn tuyên bố sẽ đốt thẻ đảng công khai trước đông đảo bạn bè nếu như đại hội XI không tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa đã mang tai họa khủng khiếp ở Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và ngay ở nước ta.

Trong hàng ngũ chiến sỹ gan góc đấu tranh cho sự hình thành của xã hội dân sự, cần nêu bật những sinh viên thanh niên đã nêu cao biểu ngữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ở ngay trước Lãnh sự quán và Sứ quán Trung Quốc để rồi bị công an bắt và ngồi tù, hay có cô gái tự ngồi tọa thiền trước dòng chữ «Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam» để nay vẫn còn ngồi trong tù một cách phi lý. Đó còn là hàng trăm chiến sỹ dân sự ở Sàigòn, Bình Dương, Huế, Hải Phòng, Hà Nội đi kẻ hàng ngàn lần 6 chữ: HS - TS - VN, còn giăng biểu ngữ lớn ngay trước tượng Lý Thái Tổ giữa thủ đô về hiểm họa bành trướng từ Bắc Triều…

Lại còn hàng vạn hàng chục vạn nông dân mất đất mất ruộng do bị các quan chức các cấp tước đoạt, trong đó có cả gia đình các bà mẹ anh hùng, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân kêu trời không thấu, kêu oan hàng trăm lần không xong, đang bền bỉ đấu tranh cho một xã hội dân sự lấy pháp luật và lá phiếu bầu của công dân làm nền tảng.

Trong đội quân mở đường cho xã hội dân sự có một nhóm 20 vị trí thức – túi khôn của dân tộc trong thời đại mới - trong tổ chức IDS, bị cưỡng bách giải thể, lại càng quật khởi, giáo sư có, tiến sỹ có, nhà toán học – giáo dục học có, nhà kinh tế uyên bác có, nhà văn hóa chuyên về Tây nguyên có, nhà thơ kiêm nhà chính trị có, nam có, nữ có, lập luận đâu ra đấy, ăn đứt cái học viện chính trị quốc gia đông đảo, xô bồ, chuyên nói lấy được, cưỡng hiệp sự thật để ăn tiền.

Cuộc diễu hành xã hội dân sự nói trên xét về bề sâu thực chất có thể được khá đông quần chúng trong xã hội ta vỗ tay hoan nghênh, khuyến khích, tán thưởng hơn là cuộc diễu binh ở quảng trường Ba Đình vừa qua, những cuộc diễu hành, vui chơi chỉ để lại quang cảnh kẹt xe, bụi bặm đầy trời và đường xá ngập đầy rác rưởi, cỏ hoa tan nát tơi bời, phản ánh một xã hội buông thả, quan trí cai trị thấp hơn dân trí trung bình, để lại một vết nhơ kinh hoàng là bộ phim lớn nhất, đắt tiền nhất, gồm 19 tập, chuẩn bị 8 năm trời bị phản ứng của xã hội công dân, đang đi vào nằm trơ dưới bãi rác khổng lồ của lễ hội.

Có gì nức lòng hơn là trong khi xã hội công dân ở nước ta cứ lừng lững bước tới, tự tin, đông đảo, nhiều màu sắc, bất chấp đe dọa, dùi cui của cường quyền thì ở các nước dù chỉ còn cái vỏ cộng sản cũng đang bị xuống cấp, xuống giá thê thảm, nhường bước cho xã hội dân sự cũng đang lừng lững bước tới. Ở Bắc Triều Tiên, trò cười 3 đời hoàng đế cộng sản nối ngôi, với một đại tướng 4 sao 27 tuổi má còn búng ra sữa, với một nữ đại tướng cũng 4 sao chưa hề là lính, chưa một ngày là sỹ quan, chuẩn bị lên làm nữ Nhiếp chính một khi vua anh băng hà, trong tay có bom nguyên tử, làm cho đàn anh cộng sản láng giềng cũng ngần ngại, bối rối khó xử. Còn ở Cuba, chính lãnh tụ Fidel Castro cũng phải thú nhận mô hình nhà nước cộng sản không thọ nổi, ông em Raul Castro phải quay lại kinh tế thị trường, để cho kinh doanh tự do, và buộc phải thả hơn 50 tù chính trị một lúc, chính thức nhượng bộ cho xã hội dân sự cũng đang lừng lững bước tới không có sức nào cản nổi.

Còn ở Trung Quốc? Cái lô cốt cố thủ độc đảng có vẻ hùng hổ thì đang bị nhỡ tàu, những định lôi kéo, chia rẽ các nước Đông Nam Á thì lại bị gần như đơn dộc trơ thân cụ, đành phải xuống giọng nhũn như con chi chi, cam kết «không đe doạ ai», đến mức thủ tướng họ Ôn cũng phải công khai thú nhận là «dân chủ mới thật là động lực của phát triển ».

Vừa đe dọa ngăn cản chính phủ Na Uy tặng giải Nobel Hòa bình cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba thì lo sợ điều gì được ngay điều ấy. Tai họa ập đến thật khôn lường. Hiến chương 2008 của ông Lưu Hiểu Ba vừa được in lại, phổ biến ra 22 thứ tiếng khắp 5 châu, với nội dung đòi xây dựng gấp xã hội dân sự đa đảng thì ngày 13-10 xuất hiện một Bức thư ngỏ gửi Quốc hội Trung Hoa mang chữ ký của 23 công thần cũ, mới của đảng Cộng sản Trung Quốc, đòi tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do thông tin, mỗi công dân phải được tự do nhìn lại và đánh giá các sự kiện lịch sử của Trung Quốc, tư nhân phải được quyền ra báo, lục địa Trung Quốc phải được quyền tiếp nhận, trao đổi sách báo với Hồng Kông và Ma Cao, những thuộc địa thực dân cũ lại văn minh tiên tiến hơn lục địa.

Xã hội dân sự, xã hội công dân ở Việt Nam, Cuba, Trung Quốc đang không hẹn mà chung những bước đi tự tin, vững chãi, có bề sâu, đang cùng nhau vẫy gọi, cộng hưởng trên con đường tự do dân chủ và nhân quyền.

Xin tạm dừng cuộc duyệt binh hùng hậu và lý thú của xã hội công dân. Sẽ xin giới thiệu tiếp trong bài viết sau Bức thư ngỏ rất thú vị của 23 công thần cộng sản Trung Quốc đang nhập vào đội quân của Xã hội dân sự tràn đầy triển vọng trên quy mô toàn cầu.

 







No comments:

Post a Comment