Pages

Tuesday, November 23, 2010

Chống tham nhũng cần vạch mặt chỉ tên

Đình Văn (danlambao) - Tham nhũng và hệ lụy của nó? Đối tượng tham nhũng? Cơ chế gây ra tham nhũng? Xử lý tham nhũng? Ai chịu trách nhiệm? Đó là 5 câu hỏi lớn về tình hình tham nhũng khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Muốn chống tham nhũng như Đảng và chính phủ mong muốn để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Xây dựng nền kinh tế lành mạnh có sức cạnh tranh quốc tế thì xin hãy trả lời những câu hỏi trên là mọi chuyện sẽ rõ ràng ngay.
Tham nhũng và hệ lụy của nó?
Theo thiển ý của tôi, tham nhũng đó là những người có quyền chức trong xã hội lợi dụng công việc, chức vụ, quyền hạn của mình được xã hội giao để trục lợi cá nhân mà những khoản lợi đó không được xã hội công nhận một cách chính thức. Theo cách hiểu đó thì tất cả các khoản thu nhập ngoài bảng lương và các thu nhập chính đáng bằng sức lao động của mình bỏ ra đều coi là tham nhũng. Vậy tham nhũng là biểu hiện tiêu cực xã hội, hệ luỵ của nó là làm băng hoại đạo đức xã hội, sói mòn thuần phong mỹ tục xã hội, là kẻ gây ra sự phân hoá xã hội, là kẻ thù của người lao động và nguy hiểm hơn nó là kẻ thù của cả nền kinh tế, làm sản xuất đình trệ, chi phí sản xuất bị đội lên cao, hàng hoá sản xuất ra có giá thành cao không cạnh tranh được với hàng hoá nhập khẩu dẫn đến nền sản xuất tê liệt, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu và sản xuất sẽ ngày càng teo tóp tiều tuỵ hơn.
Đối tượng tham nhũng?
Theo cách định nghĩa tham nhũng như trên thì đối tượng tham nhũng là những người có chức quyền trong xã hội được xã hội giao phó cho quản lý mọi mặt hoạt động xã hội. Nói một cách cụ thể thì đối tượng tham nhũng là tất cả các công chức nhà nước có chức quyền (nhiều công chức nhà nước không có chức quyền nhưng cũng dính đến tham nhũng do cơ chế ăn theo). Họ tranh thủ vơ vét tài sản nhà nước (tức là tài sản của nhân dân) và cả tài sản cá nhân của những người dân lao động thông qua tiêu cực trong các thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền hay hiện tượng công an giao thông ăn tiền mãi lộ, hiện tượng công an trịnh thượng quát tháo và hiếp đáp nhân dân, nhũng nhiễu doanh nghiệp, các tiêu cực khi thực thi các thủ tục hải quan, thuế vụ, đất đai và các tiêu cực trong lĩnh vực y tế, giáo dục thông qua việc vòi tiền của bệnh nhân, sự quá tải của bệnh viện, hiện tượng dạy thêm, học thêm trong giáo dục và việc cung cấp các dịch vụ giá cao cho học sinh cũng là một biểu hiện, sự lộng hành của các cơ quan bảo vệ luật pháp và muôn vàn các tiêu cực xã hội khác gây lên tham nhũng toàn xã hội.
Chính những kẻ tham nhũng cũng là những người dân, nhưng khi được trao chức quyền họ quay lại bóc lột tiền của, sức lao động của nhân dân để hưởng lợi bất chính và sống sung sướng trên nỗi khổ của biết bao con người lương thiện. Người dân chính là đối tượng bị bóc lột hay có thể gọi là “bị tham nhũng”. Những kẻ tham nhũng còn lợi dụng chính sách nhà nước, phong toả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước để tìm cách hợp lý hoá tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, bán rẻ tài nguyên quốc gia cho nước ngoài để ăn tiền hoa hồng, nâng khống giá các hợp đồng kinh tế, ăn hối lộ để làm ngơ cho cac doanh nghiệp nước ngoài xả chất thải bị cấm làm huỷ hoại môi trường sống của nhân dân, kết bè, kết cánh bao che nhau tạo ra “nhóm lợi ích” khép kín mà hệ thống luật pháp cũng phải bó tay và còn nhiều thủ đoạn ma mãnh khác mà không thể kể hết ở đây.
Cơ chế gây ra tham nhũng?
Trong hệ thống tham nhũng phổ biến ở Việt Nam hiện nay, cơ chế sinh ra nó chính là do sự suy thoái về đạo đức xã hội, sự tranh thủ vơ vét của công và nhũng nhiễu nhân dân của hầu hết cán bộ đảng viên có quyền hành trong xã hội. Nguyên nhân gây ra sự suy thoái này chính là cơ chế độc quyền nhà nước trong mọi hoạt động của xã hội.
Sự thiếu dân chủ trong các tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội đã gây nên hiện tượng bè phái và làm nảy sinh “nhóm lợi ích” trong xã hội với qui mô ngày càng lớn bao gồm hết thảy các cơ quan từ Đảng đến chính quyền. Nhóm lợi ích này bao gồm các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành liên đới với nhau tạo ra vòng tròn tham nhũng cực kỳ miên man khó giải, tạo nên một vòng luẩn quẩn đến không thế tìm ra đầu mối để xử lý khi phát hiện mà vụ PMU 18, tập đoàn Vinashin hay vụ đại lộ Đông Tây là ví dụ hết sức rõ nét.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cứ loay hoay (hay cố tình loay hoay) không thể đưa ra xét xử hoặc xét xử qua loa mặc dù chứng cứ phạm tội rõ mười mươi. Từ đó niềm tin của nhân dân với công lý bị sói mòn, dân không còn tin vào sự công minh của luật pháp và gây lên tâm lý hoang mang, chán trường.
Trong xã hội xuất hiện tâm lý tranh thủ trục lợi trong tất cả những người làm công tác quản lý xã hội, họ không còn biết sợ sự trừng phạt của pháp luật và sự tham nhũng ngày càng liều lĩnh hơn. Hiện tượng “nhóm lợi ích” đó còn làm triệt tiêu ý chí đấu tranh phê bình và tự phê bình trong tất cả những cán bộ đảng viên. Nhân dân và những Đảng viên chân chính cảm thấy bất lực trước hệ thống tham nhũng tinh vi và rối ren với qui mô ngày càng lớn hơn, vụ tham nhũng sau luôn có xu hướng lớn hơn vụ tham nhũng trước.
Một nền kinh tế què quặt hiển hiện trước mắt, nhân dân có quyền đòi hỏi một cơ chế quản lý minh bạch, khắc phục những khiếm khuyết (nói chính xác hơn là những lỗ hổng lớn) trong cung cách quản lý của chính phủ mà do cơ chế độc quyền lãnh đạo gây ra. Một khi nền tảng xã hội không có sự kiểm soát minh bạch, rõ ràng thì tham nhũng không thể dẹp bỏ được và tham nhũng chỉ ngày càng phát triển với mức độ ngày càng tinh vi hơn mà thôi.
Sự hô hào chống tham  nhũng với những ủy ban phòng chống tham nhũng được hình thành từ trung ương đến địa phương và cả trong các doanh nghiệp nhà nước như chính phủ Việt Nam đang áp dụng như hiện nay chỉ là bộ máy cồng kềnh, tốn kém tiền của nhân dân để nuôi bộ máy này mà sẽ không có một chút hiệu quả nào được xã hội ghi nhận, mãi mãi sự hô hào đó chỉ là sự hô hào xuông mà thôi.
Xử lý tham nhũng?
Như trên phân tích, muốn xử lý vấn đề tham nhũng hết sức nhức nhối hiện nay đó là phải triệt tiêu nguyên nhân gây lên tham nhũng mà nguyên nhân chính đó là cơ chế lãnh đạo độc quyền nhà nước. Vì vậy, việc làm quan trọng nhất hiện nay là việc cần thiết phải xóa bỏ sự độc quyền này. Sự độc quyền dẫn đến những hệ lụy hết sức tai hại, gây cản trở sự phát triển của xã hội.
Không thể có một xã hội dân sự lành mạnh khi Đảng nắm vai trò chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của nền kinh tế mà lại không chịu trách nhiệm gì khi nền kinh tế nước nhà xảy ra bất ổn nghiêm trọng. Trong các nghị quyết của Đảng đều hô hào Đảng không làm thay chính quyền nhưng thực tế thì Đảng chỉ đạo hết thảy mọi hoạt động kinh tế. Hơn nữa chính thủ tướng chính phủ đồng thời cũng là một thành viên trong bộ chính trị vậy nên khi xảy ra các biến cố thì chính phủ đổ lỗi cho sự chỉ đạo của Bộ chính trị. Vậy là tạo ra cái vòng luẩn quẩn không ai chịu trách nhiệm khiến tính minh bạch của nền kinh tế không có, cơ chế kiểm soát không được chú trọng và quan tâm đúng mức nên ủy ban phòng chống tham nhũng các cấp chỉ là thứ bột mầu rẻ tiền tô vẽ cho bức tranh chống tham nhũng của nhà nước thêm phần lòe loẹt hơn mà thôi.
Ai chịu trách nhiệm?
Chính phủ xác định tham nhũng là quốc nạn. Vậy để xảy ra quốc nạn tham nhũng này có phải nhân dân Việt Nam phải chịu trách nhiệm? Không, không thể là nhân dân chịu trách nhiệm mà nhân dân là người gánh chịu hậu quả thì đúng hơn. Nhân dân đã không nói được tiếng nói của mình, không thể hiện đúng vai trò của mình được pháp luật cho phép.
Nhân dân muốn nói lắm những điều trăn trở, muốn kêu lắm tiếng kêu đau đớn khát khao công lý và lẽ phải. Các nhân sĩ, trí thức muốn nói lắm những điều tâm huyết, những nỗi khắc khoải vì nước vì dân nhưng hỏi rằng có ai nghe họ nói hay không?
Biết bao nhiêu đơn thư kiến nghị, biết bao nhiêu những luận cứ sắc bén, biết bao nhiêu những báo cáo khoa học phân tích, phản biện thấu lý đạt tình của những danh nhân, trí thức, các nhà nghiên cứu độc lập, các lớp lão thành cánh mạng gửi trung ương Đảng, Bộ chính trị hoặc Quốc hội về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, vấn đề chống tham nhũng v.v… đều đã bị bỏ qua mà hơn thế nữa còn qui chụp cho họ là trí thức bất mãn, tiêu cực, là chống Đảng, chống chính quyền nhân dân. Rồi còn chỉ đạo cho lực lượng công an săn lùng bắt bớ, sách nhiễu những người không cùng chính kiến, qui chụp nhiều tội danh, hình sự hóa các vấn đề chính trị và cho họ là bị “các thế lực thù địch kích động”, là “diễn biến hòa bình” v.v…
Bằng các văn bản dưới luật, chính phủ đã không cho người dân được mở miệng như cấm khiếu kiện đông người, cấm hội họp và nhiều cái cấm hết sức vô lý. Các đơn thư tố cáo của dân xếp hàng chồng dày tại các cơ quan công quyền mà không ai giải quyết cho dân, có nhiều vụ việc khiếu kiện được gửi đi gửi lại hàng trăm lần, kéo dài hàng chục năm mà cũng không kết thúc. Chính cái “lợi ích nhóm” ấy đã triệt tiêu quyền được nói của nhân dân. Vì vậy, không ai khác chính là chính quyền hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc để xảy ra tham nhũng tràn lan trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội như hiện nay.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, để có một xã hội dân chủ, triệt để chống tham nhũng thì cải cách chính trị sao cho thực sự dân chủ, người dân được thực sự mở miệng như lời Hồ chủ tịch từng nói: “Dân chủ là người dân được mở miệng” đó là việc làm cần thiết và cấp bách. Chỉ một xã hội dân sự có sự kiểm soát tam quyền phân lập một cách độc lập mới làm nền tảng cho một xã hội dân sự văn minh. Đảng hãy vì dân mà cải cách chính trị theo thể chế dân chủ chính danh thực chất, chứ cứ mải mê chống “diễn biến hòa bình”, chống “chiến tranh tâm lý”, chống “các thế lực thù địch” bên ngoài mà không quan tâm chống lại sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, sự bảo thủ trì trệ, tranh giành chức quyền, mua quan bán chức và đấu đá lẫn nhau, hiện tượng quan liêu, cửa quyền ngay trong nội bộ Đảng. Cần chống lại chính sức ỳ cực lớn trong Đảng thì mới mong vận mệnh nước nhà  không sớm vào bước nguy nan. Tham nhũng hoành hành trong tất cả các mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng chính là con sâu, con mọt cực kỳ nguy hiểm đang đục rỗng nát nền tảng của xã hội của chúng ta hôm nay Đảng và Chính Phủ có biết không hay cứ hô hào bao biện để rồi khi ngoái lại thì đã không còn sửa chữa được nữa.
Hà nội, 23.11.2010
Đình Văn

No comments:

Post a Comment