Pages

Sunday, January 2, 2011

Đại hội XI ĐCSVN: “Cẫn như vũ”?

Hồ Cương Quyết (André Menras)

Áp phích tuyên truyền được nhìn thấy khắp nước VN trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào đầu năm 2011. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Bạn Hồ Cương Quyết (André Menras) là ai, tù tội ra sao vì chống chiến tranh và ủng hộ Việt Nam, cớ sao lại mang tên Việt họ Hồ… hẳn bạn đọc Việt Nam đều biết cả.
Đọc bài viết sau đây của anh, ta còn thấy rõ tấm lòng của anh với số phận tương lai của một dân tộc được anh yêu thương và xin nhận họ.
Đọc bài viết sau đây của anh, ta còn thấy một tầm nhìn sâu sắc khi phân tích mối nguy ảnh hưởng to lớn khó cưỡng và tác động trơ trẽn của anh bạn láng giềng khiến cái ảnh hưởng kia dường như thành định mệnh đối với người Việt.

Làm gì? Làm thế nào? Đó là câu hỏi lớn đang đặt ra cho những ai đang bận túi bụi bàn thảo trả lời chính câu hỏi ấy: Làm gì? Làm thế nào?

Hồ Cương Quyết gợi ý rồi đó: Làm gì cũng được, miễn là làm với tinh thần trách nhiệm, không đạo đức giả, và làm thế nào cũng được, miễn là huy động được trí tuệ thực sự của dân tộc thay cho cái trí tuệ chỉ mang tính phe phái.  

Bauxite Việt Nam
Vài ba ngày nữa, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ chia nhau những vị trí cầm đầu mới của Đảng. Người ta thường nói rằng cái mới bao giờ cũng đến từ cái cũ. Nhưng Lịch sử lại cho thấy rằng cái cũ bao giờ cũng có xu hướng bóp nghẹt cái mới. Giời đất ạ, xét theo góc độ này, sự thay đổi sắp tới không hề là một ngoại lệ của quy tắc chung. “Ván đã đóng thuyền rồi”. [Nguyên văn:  les carottes sont cuites, thành ngữ Pháp nghĩa đen là “Cà rốt ninh nhừ rồi” (còn đổi món sao được ?) – Người dịch].  Về những “người mới” thì chẳng có gì làm ta tròn mắt ngạc nhiên hết: ngay cả vài ba cơ quan thông tấn nước ngoài như đài BBC cũng đã công bố các dự đoán và kết quả cuộc đua rồi. Còn về nội dung các đổi thay, văn kiện trù bị Đại hội chẳng đưa ra điều gì mới mẻ ngon miệng hết. Vậy là sẽ có sự kế tục, chuyện này vẫn xảy ra mặc cho có những chuyện ầm ào ở Quốc hội hồi mấy tháng qua khiến cho rất nhiều công dân lại phần nào thấy bất bình, phẫn nộ và lo âu. Kế tục dĩ nhiên sẽ làm yên lòng những người giàu nhất, những người làm ăn ở nước ngoài và trong nước, những người đã được chính quyền cũ nuôi dưỡng, bao che và đặt vào các vị trí để trụ giữ cho chế độ, những người coi ghế ngồi quan trọng hơn sứ mệnh (gửi vào cái ghế đó).
Áp phích tuyên truyền được nhìn thấy khắp nước VN trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào đầu năm 2011. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Có vẻ như chuyện kế tục này đã được xác định và trở lại nhận trách nhiệm về những định hướng đã khẳng định từ trước rồi nhưng đã bị đình hoãn liên quan đến sự phát triển của đất nước: những siêu dự án được quyết định từ cấp cao nhất theo lối bí mật và triển khai theo cung cách quân sự hoặc cảnh sát bên ngoài mọi sự giám sát chân chính của người dân; vô vàn dự án hạng nhỏ và hạng vừa hoàn toàn chẳng có kết hợp phối hợp thực sự nào đôi khi dẫn tới những thảm họa cục bộ và trách nhiệm thì được hòa loãng chia cho nhiều người hoặc dẫn tới những phung phí của công mà cái lợi duy nhất dành cho một vài ba người đề xướng.
Trên bình diện quyền công dân, chẳng có gì gây hy vọng là Hiến pháp sẽ được bổ sung phong phú thêm những yếu tố có lợi cho thông tin tự do, sự lên tiếng, sự giám sát và tham gia của người dân. Cũng giống như thần Zeus (1) toàn quyền toàn năng cai trị trên ngai, điều 4 sẽ vẫn tiếp tục áp đặt sự thống trị toàn diện của Đảng đối với Hiến pháp và trong tay thần Zeus sẽ luôn luôn có điều 88 sấm sét để đốt thành than những kẻ chống đối dám ngẩng đầu quá cao. Cũng chẳng có gì mới mẻ nữa liên quan đến việc làm lành mạnh một hệ thống giáo dục điên cuồng chạy theo kinh doanh và hoàn toàn chẳng có mục tiêu một nền “giáo dục quốc gia” nào hết.
Vậy là, hàng triệu người Việt Nam và bè bạn nước ngoài có nguy cơ bị thất vọng khi họ trông chờ cái mới mẻ cho một dân tộc thanh xuân, trông chờ cái nghiêm túc nơi một quốc gia tuổi đời già giặn, trông chờ cái tường minh và trong sạch nơi một xứ sở cởi mở. Và người ta rồi sẽ trở lại với câu châm ngôn khôn ngoan từ xưa mà các người yêu nước sáng suốt và đủ thông tin biết tỏng từ lâu: sự thay đổi, nếu điều đó là tất yếu, thế nào cũng được chuyển giao qua lòng dũng cảm chứ không thông qua việc nhượng quyền do mặc cả với nhau và qua những cú phôn, cho dù chúng có được chính danh hóa bởi bất kỳ Đại hội nào.
Nhưng trước thềm Đại hội XI, có một tác nhân càng lúc càng thấy hiện rõ ở mọi lĩnh vực đời sống của Việt Nam, mà trong một tương lai gần, tác nhân này vẫn thấy ung dung. Cả tác nhân này cũng biết rõ kịch bản phôn đi phôn lại của Đại hội và những gì liên quan đến cung cách đó. Tác nhân này đã từng thực hành điều đó từ lâu rồi. Tôi muốn nói đến ông bạn láng giềng to đùng phương Bắc, ông bạn đã nghĩ ra những “4 tốt” và “16 chữ vàng”. Với ông bạn này, cái Đại hội XI chẳng có gì đáng quan tâm vì cuộc hội họp đó chẳng đe dọa việc tiến hành ngày càng mạnh những tiến công êm ái của nó vào nước Việt Nam. Có thể ngay cả những nhà lãnh đạo  của Bắc Kinh cũng sẽ xoa tay tự chúc tụng nhau vì Đại hội này tiên báo chuyện môi Việt Nam sẽ mở rộng hơn cho răng của họ đang dài thêm. Cán cân thương mại Việt Nam đại thâm thụt, bàn tay Bắc Kinh ngày càng thò mạnh vào khu vực năng lượng, xây dựng và ngay cả khu vực du lịch; sự xâm lăng của hàng hóa, công nghệ và đồ tiêu dùng thường ngày; sự hiện diện cụ thể ngày càng to lớn các ông người Hoa đóng vai công nhân thật hoặc giả trên hàng nghìn hecta đất “thuê” trong một thời gian nửa thế kỷ; những cuộc vận động hành lang gây áp lực ở tất cả các cấp ra quyết định chính trị và kinh tế: tất cả các sự việc không còn gì để bàn cãi nữa đó cho thấy nước Trung Hoa đã trở thành mối nguy số 1 cho nền Độc lập của Việt Nam. Thậm chí nhìn vào đó ta còn có thể nói rằng Việt Nam đã từng phần bị cúng cho Trung Hoa! Cuộc xâm lăng thầm lặng đó nằm trong một chiến lược thực thụ đã được hoạch định từ lâu rồi.
Cái đường lối chính trị sờ sờ đó được biểu diễn tỏ tường trên biểu kế thời tiết lên xuống trên Biển Đông. Hoàng Sa, vốn là của Việt Nam theo lịch sử và theo pháp lý thì nay các đảo và vùng biển ở đây đã bị bỏ rơi hoàn toàn vào tay quân đội và ngành du lịch Trung Hoa rồi. Và trong khi cả trăm chiếc tàu đánh cá Trung Hoa liên tiếp gia tăng thâm nhập vào khu vực này thì thuyền đánh cá Việt Nam vào đó là bị đánh chìm, bị xua đuổi, bị bắt bớ, bị giam giữ. Những tàu cá này không được Hải quân bảo vệ trong khi họ dùng hoa đón tiếp các tàu chiến Trung Hoa đang cùng họ tuần tra nhân danh hữu nghị và hòa bình, công việc làm tẩy trắng mọi tội ác xâm lăng và củng cố bộ mặt “ông anh lạ” với hai vẻ, vẻ mặt của kẻ đốt nhà hàng xóm và vẻ mặt của anh lính cứu hỏa. Trường Sa với 21 hòn đảo Việt Nam đã được Bắc Kinh tuyên bố là “vùng lợi ích cốt lõi của Trung Hoa”… ở đó Quân Giải phóng Trung Hoa đang tiếp tục xây các ngọn hải đăng trên những hòn đảo nhỏ mới, đặng phô trương sức mạnh trong các cuộc tập dượt càng ngày càng mạnh hơn, dày hơn và rộng hơn… Những chuyện này chỉ có thể càng ngày càng nghiêm trọng lên mà thôi, và sẽ là vô trách nhiệm và ngây thơ nếu vẫn cứ tin vào điều ngược lại. Còn đối với Trung Hoa, họ chỉ coi luật lệ của họ mới là luật, và mọi cuộc thương lượng đều được tiến hành một cách hình thức chứ không thực chất. Khi thương lượng với nước này, chỉ còn là vấn đề xem họ muốn chấm món ăn đã nấu xong vào món nước xốt nào nữa mà thôi.
Không! Nước Trung Hoa ngày nay mà họ vẫn vỗ ngực xưng là cộng sản có mối quan hệ đạm nét đế quốc với Việt Nam cũng như với vô số nước khác. Được lãnh đạo bởi một Đảng vừa là ông chủ vừa là cảnh binh lại vừa là cai ngục xây dựng trên sự thống trị bằng bạo lực và không chia sẻ cho ai hết, Trung Hoa đi theo cái lô-gich của chủ nghĩa tư bản dã man bóc lột tối đa các nguồn tài nguyên tự nhiên và những người lao động. Một chế độ như thế chỉ có thể đẻ ra bạo lực và nguy hiểm đối với các nước láng giềng. Cái ảo ảnh nước Trung Hoa phồn vinh hôm nay có vẻ cám dỗ và bịp bợm đấy, song ta chớ khi nào quên rằng cái phồn vinh đó là do nó hút các thứ cả từ bên trong lẫn bên ngoài đất nước ấy. Cũng đừng ảo tưởng gì hết với những chuyện liên quan đến “quyền lợi chung của cả đôi bên”: cái bơm hút là bơm Tàu. Các quốc gia mà họ tuyên bố là “nuớc bạn” trên thực tế là  các mục tiêu. Và Việt Nam là một trong những mục tiêu căn bản ấy. Về điểm này, những người cầm đầu nước Trung Hoa vô cùng trung thành với những nhòm ngó của tổ tiên họ từ biết bao nhiêu thế kỷ đã qua. Họ đang mơ biến nước Việt Nam thành một tỉnh phía Nam đầy khả năng làm chư hầu, làm đồn điền thuê và làm phu dịch cho họ. Họ không chỉ ngồi mà mơ đâu. Họ thậm chí đã rất nhanh chóng vượt nhiều chặng trong cuộc tái chiếm đó nhờ những phương tiện khổng lồ trong tay, nhờ vào sự gần gụi địa lý và văn hóa và nhờ vào bọn cánh hẩu không chối tội được ở một số người đứng đầu nước Việt Nam từ trong quá khứ cho tới hôm nay. Chiến lược thống trị của Trung Hoa đã cụ thể hóa khá rõ tại các nước trong vùng, trong đó có Miến Điện, Lào và Campuchia… (2) và sự kháng cự chính yếu đối với cái chủ nghĩa đế quốc mới đó chỉ còn là Việt Nam, một pháo đài mang tính quyết định họ phải chiếm cho được. Thật vậy, đối với Bắc Kinh, tấm bia Việt Nam có tầm quan trọng cao hơn cả vì Việt Nam ở gần họ, vì nước này có nguồn lực thiên nhiên vô cùng to lớn, vì trữ lượng nguyên liệu, vì lối thông ra đại dương sung túc dài 3200 km bờ biển, và bởi vị trí địa lý chiến lược của nó… Sau cùng, và nhất hạng là vì người Trung Hoa rất gắn bó với hình ảnh một nước Việt Nam bị Bắc Kinh thống trị, vì họ coi đây là một tấm gương hành xử và thử nghiệm đích thực trong công cuộc người Hán lấn chiếm toàn vùng. Thật vậy, đè bẹp được anh láng giềng có bản lĩnh với quá khứ độc lập vẻ vang này hẳn sẽ cho các “đối tác” của Trung Hoa trong khối ASEAN thấy rằng, như đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội đã tuyên bố ngang ngược trên Tivi quốc gia Việt Nam rằng: “Hợp tác với Trung Hoa thì tốt đẹp, chống lại thì thế nào cũng thua”.
Trước thềm đại hội XI ĐCSVN  “người lãnh đạo” dân tộc và quốc gia, các nhà lãnh đạo cao nhất và những đại biểu của Đảng họp lại liệu có thấm nhuần những điều hiển nhiên kia và gánh nặng trên vai họ không? Liệu họ có cảm thấy họ là những người thừa kế thực sự và trung thực của quá khứ? Liệu họ có nhận rõ thực tại là thế nào không? Liệu họ có lường được mối hiểm nguy đè nặng lên tương lai đất nước không? Nếu câu trả lời là “Có”, thì liệu họ có dám công khai xem xét các vấn đề nằm ngoài các công thức đạo đức giả vẫn dùng? Liệu họ có quyết định không chần chừ nữa tạo ra những điều kiện mới mang tính hiến định và tạo ra những điều kiện cụ thể và dân chủ nhằm kết chặt họ với nhân dân, mà nếu thiếu điều đó thì không thể bảo vệ được quốc gia? Nếu câu trả lời là “Không”, họ sẽ chịu thua hay là trong cái bong bóng của mình và kệ cho những đòn vọt họ vẫn sẽ mơ tưởng đến “tình anh em cộng sản” đã từ lâu tan biến. Trong vài ngày nữa, ta sẽ bắt đầu nghe thấy câu trả lời. Mà chẳng quá mộng mơ.
H. C. Q. (A. M.)

No comments:

Post a Comment