Pages

Friday, May 13, 2011

Tại Hà Nội bàn đổi mới chính trị

Ngô Nhân Dụng

Một bạn ở Hà Nội cho biết anh cứ tưởng mối lo lớn nhất của nhà nước trong hai ngày qua là vụ cái hầm cầu ở phi trường Nội Bài. Sau trận mưa hầm cầu bị nứt, nước nhơ bẩn tràn ra, ngập cả sân bay.
Nguyên do là vì nước mưa ngập không có lối thoát, chất phế thải từ dưới hầm chui lên, máy bay đang chờ khách phải đóng cửa cho đỡ ngửi mùi xú uế. Nhờ báo chí loan tin vụ này, với tựa đề, “Sân bay quốc tế Nội Bài bục bể phốt” mà dân ta học thêm được một tên gọi cái hầm cầu, tên chữ gọi là cái Bể Phốt. Chữ Phốt có lẽ do chữ Pháp fosse, cái hầm, cái hố, tiếng Tây gọi hầm chứa các chất phế thải là fosse septique, dịch sang tiếng Anh là septic tank. Cái sân bay của thủ đô, giống như cái cổng chính ngôi nhà mở ra thế giới, tại một nước Việt Nam đang tìm đường tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội, không lẽ lại để nước dơ chảy đem mùi hôi xông lên nồng nặc như vậy! Chắc Bộ Chính Trị phải quan tâm đến tai nạn này.
Nhưng người dân đoán lòng đảng bị sai hoàn toàn. Ngay trong lúc nhà nước chưa xử lý xong vụ nước lụt từ cái hầm, cái “phốt” tại sân bay, thì đảng đã nhanh tay chuyển mục tiêu sang một điểm mới, bắt buộc dân chúng phải quay mắt (hoặc mũi) về hướng khác, vào mục tiêu mới, rồi tha hồ bàn tán với nhau. Ðề tài mới đang được dân chú ý là một cuộc “tọa đàm” do tạp chí Cộng Sản tổ chức với đề tài lớn vô cùng: Ðổi mới chính trị! Cuộc hội thảo ngày Thứ Ba, 10 Tháng Năm 2011 vừa qua, góp mặt “nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện lớn!” Có thể coi đây là một cái bể, cái phốt chứa đầy những bộ não siêu việt nhất của đảng và nhà nước, một cái bể tư duy!
Mạng Việt Nam Net thuật lời ông Vũ Văn Phúc, tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, nói trong cuộc tọa đàm rằng nếu không đổi mới chính trị cùng với đổi mới kinh tế “đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp” thì chúng sẽ cản trở lẫn nhau. Nói cách khác, đổi mới kinh tế không đi song song với đổi mới chính trị thì kinh tế sẽ ngừng tiến bộ. Ðây là một ý kiến đã được ký giả nêu lên trên tạp chí Thế Kỷ 21 từ 20 năm trước, trong một bài đặt câu hỏi “Ði Một Chân Ðược Bao Lâu?” Ý chính là: Không đổi mới chính trị thì sẽ tới lúc các tiến bộ kinh tế sẽ ngưng lại, vì các chế độ độc tài chuyên chế không tạo được khung cảnh để sử dụng hết các sức mạnh của kinh tế thị trường. Bây giờ đảng Cộng Sản Việt Nam mới cho mở cuộc hội thảo về đổi mới chính trị, nhưng lại chỉ cho các cán bộ nói chuyện với nhau và nghe lẫn nhau, trong một cái bể khép kín mà thôi!
Tại sao họ lại chậm trễ đến 20 năm như vậy? Một vị từng làm lớn trong Viện Báo Chí là ông Dương Xuân Ngọc nói rằng ở Việt Nam việc “đổi mới kinh tế được nghiên cứu kỹ” còn “vấn đề về đổi mới chính trị lại chưa được đề cập nhiều, thậm chí đôi khi né tránh.” Ðây là một nhận xét được người dân Hà Nội đánh giá là “tuyệt vời,” vì nó chứng tỏ người phát biểu ra câu nói đó không hề biết ở ngoài đường, trong tiệm cà phê dân chúng đang nói những chuyện gì với nhau!
Khi nói “vấn đề về đổi mới chính trị chưa được đề cập nhiều” có nghĩa là ông này không hề biết đến những vụ bắt giam, bỏ tù các nhà trí thức đòi đổi mới chính trị, như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Ðài, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ðan Quế, vân vân, cho tới Cù Huy Hà Vũ! Ai đã bịt mắt bịt tai các ông mà quý ông lại nghĩ rằng người Việt Nam không bàn đến đổi mới chính trị? Chỉ những bộ óc tự nhốt trong cái hầm, cái “phốt tư duy” của đảng Cộng Sản mới có thể phát ngôn như thế!
Hàng chục năm qua, bao nhiêu người Việt Nam lên tiếng đòi đổi mới chính trị, đòi dân chủ hóa. Gần đây, một thanh niên 21 tuổi là sinh viên Nguyễn Anh Tuấn quê ở Ðà Nẵng cũng mạnh dạn thách thức chính quyền bằng cách gửi thư cho Viện Kiểm Sát Tối Cao, xin họ bắt giam và đem anh ra xử, về những “tội” giống hệt Cù Huy Hà Vũ! Anh Nguyễn Anh Tuấn còn trưng trên mạng bức hình chụp anh đang cầm những bài do Cù Huy Hà Vũ viết, những bài được gọi là chứng cớ buộc tội trong vụ xử án cấp tốc tháng trước! Anh Tuấn thách thức rằng nếu trong 20 ngày mà không bắt anh, tức là nhà nước công nhận các tài liệu do Cù Huy Hà Vũ viết ra không “phạm tội,” tức là chính Cù Huy Hà Vũ cũng vô tội!
Một thanh niên 21 tuổi yêu cầu cơ quan công tố cao nhất nước phải trả lời mình theo quy tắc minh bạch, công khai; hành động đó có nghĩa anh đang đòi nhà nước thay đổi từ quan niệm chính trị đến định chế tư pháp. Như vậy thì nói rằng không ai đề cập đến đổi mới chính trị làm sao được? Ngoài đường, trong quán, người ta nói chuyện đổi mới chính trị từ hai, ba chục năm nay, các ông cứ sống trong cái hầm tư duy đóng kín của đảng, không biết gì hết! Ðáng lẽ các ông phải mời những người đã thảo luận vấn đề này từ 20 năm qua, như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Mai Thái Lĩnh, tới “tọa đàm” với các ông mới phải! Tại sao cứ tự nhốt mình trong cái hầm tư duy kín mít như thế? Người dân chỉ biết là cuộc tọa đàm này gồm toàn các “nhà khoa học” của đảng, họ nói cho nhau nghe trong một cái hầm của đảng, không cho người ngoài được tham dự, cũng không ai được vô dự thính! Cuối cùng chỉ có một bản tin tóm tắt trên mạng lưới của đảng, coi như hé cửa cái hầm cho người ngoài được ngửi một chút cho biết bên trong có những gì!
Nhưng người dân còn thắc mắc thêm, là tại sao bỗng dưng, trời không mưa dầm, nước không ngập lụt, mà Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam lại cho mở hé cái hầm tư duy để cho các “nhà khoa học” của họ lên tiếng nói với nhau và nghe lẫn nhau như vậy? Nhưng nếu ai tinh ý một chút thì thấy ngay đã có một tín hiệu được phát ra, báo trước “vụ mở cửa hầm” bàn về đổi mới chính trị, phát ra từ năm ngoái rồi. Không, không phải một tín hiệu loan ra trước đại hội đảng Cộng Sản. Trước, sau Ðại Hội XI, họ vẫn nói đi nói lại là không bàn vụ thay đổi chính trị, cấm ngặt! Cho tới khi đại hội đó bế mạc, đảng ta vẫn cương quyết đi một chân cho tới cùng!
Tín hiệu về đổi mới chính trị được phát ra từ năm ngoái, nhưng phát ra ở bên Tầu! Tháng Tám năm 2010, ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đi thăm thành phố Thẩm Quyến, đã đề cập tới vấn đề này. Thẩm Quyến là nơi thí nghiệm đầu tiên chương trình cải tổ kinh tế của Cộng Sản Trung Hoa. Nhân dịp họ kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, ông Ôn Gia Bảo tới thăm đã báo động rằng việc đổi mới kinh tế mà Thẩm Quyến đi tiên phong, sẽ bị ngưng trệ, nếu Trung Quốc không bước đi thêm cái chân thứ hai, là thay đổi chính trị!
Tháng Ba năm nay, sau khi bế mạc phiên họp của Quốc Hội ở Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo nhắc lại một lần nữa. Trong một cuộc họp báo, ông Ôn Gia Bảo còn nói rõ hơn về nhu cầu cải tổ chính trị, gia tăng các quyền tự do cho dân chúng. Ông nói chỉ có thay đổi chính trị mới giải quyết được những nỗi oán than của dân về lạm phát, tham nhũng, môi trường sống bị hủy hoại, và sự chênh lệch về giầu nghèo mỗi ngày một lớn hơn.
Trong một cuộc bút đàm trên mạng, ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh tới vấn đề hạn chế quyền lực của nhà nước. Ông nói quyền hành của các quan chức lớn quá, mà không có định chế nào kiểm soát các giới hạn cả; đó là một nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Cái gì của Ôn thì trả lại cho Ôn, cho nên trong cuộc tọa đàm ở Hà Nội ông Phó Viện Trưởng Viện Chiến Lược Bùi Tất Thắng đã nhắc lại những ý kiến của ông Ôn Gia Bảo, tức là “nếu không có sự đảm bảo về cải cách thể chế chính trị thì các thành tựu cải cách kinh tế sẽ biến mất.” Ông Ôn Gia Bảo còn nói: “Muốn trừ bỏ cái đất sống của nạn tham nhũng, chúng ta cần thay đổi những định chế và hệ thống chính trị.” Cho nên, các ông khác ở Hà Nội cũng nói giống hệt như vậy, như khi nói cần đổi mới chính trị để “hạn chế được tầm ảnh hưởng của một vài cá nhân đến lợi ích toàn cục” (Dương Xuân Ngọc) hoặc để “khắc phục tình trạng tha hóa, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có trọng trách cao ở các cấp” (Thiếu tướng Lê Văn Cương).
Tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa Học, Bộ Công An cũng nói giống hệt như ông Ôn Gia Bảo: “Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Ðó là tất yếu và không có ngoại lệ.”
Như ta thấy, những lời Ôn gia Bảo nói ở Thẩm Quyến, Bắc Kinh, đã được lập lại ở Hà Nội trong cái “hầm tư duy” do Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam cho phép mở ra. Ðây là một truyền thống lâu đời của đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ năm 1950, Hồ Chí Minh đã theo đường lối đó. Khi Bác Mao hô “chỉnh huấn” thì Hồ cũng hô chỉnh huấn. Khi Mao hô “lao cải” thì Hồ cũng thành lập các trại tù “cải tạo lao động.” Mao đấu tố địa chủ thế nào thì Hồ cũng cải cách ruộng đất như vậy. Khi Mao hô “Bách hoa tề khai, bách gia tranh minh” thì Hồ cũng phát động “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.” Tóm lại, cho đến nay đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn trước sau như một tiếp tục sự nghiệp “ăn theo, nói theo” đã được Hồ Chí Minh mở đường từ 60 năm qua! Bác đã nói theo Mao, giờ các cháu cũng biết nói theo Ôn!
Ðiều đáng chú ý là bữa Tháng Ba vừa qua, ông Ôn Gia Bảo đã lập lại các ý kiến về đổi mới chính trị sau khi đã nghe ông Ngô Bang Quốc, chủ tịch Quốc Hội, nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc khóa họp, rằng đảng Cộng Sản Trung Hoa không chấp nhận cải tổ chính trị! Ông này còn dọa các đại biểu Quốc Hội rằng nếu thay đổi thì sẽ sinh loạn! Ngô Bang Quốc nói Trung Quốc không thể “sao chép” các thể chế chính trị dân chủ, mà ngược lại, phải “củng cố và nâng cao quyền lãnh đạo của đảng, phải làm cho quyền lãnh đạo này thêm chặt chẽ và hoàn hảo hơn!”
Như vậy thì đảng Cộng Sản Trung Quốc theo Ôn Gia Bảo hay theo Ngô Bang Quốc? Có lẽ họ theo cả hai. Nói theo Ôn, làm vẫn theo Ngô! Nên nhớ, Ngô Bang Quốc đứng hàng thứ hai trong Bộ Chính Trị, trên Ôn Gia Bảo và chỉ dưới Hồ Cẩm Ðào!
Ở Việt Nam, cái hầm tư duy của đảng cũng biết giữ mồm giữ miệng. Khi nói về đổi mới chính trị, ông tướng công an Lê Văn Cương không quên nhấn mạnh rằng “…đổi mới chính trị mạnh mẽ là để góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Ðảng!” Ðó là tóm tắt mục đích cuộc hội thảo trong hầm này: Ðổi mới chính trị làm sao cũng được, miễn là vẫn chỉ có một đảng thống trị!
Cái hầm tư duy được mở hé ra cho dân ngửi chút mùi “đổi mới chính trị.” Nhưng người dân Hà Nội vẫn chỉ ngửi thấy một thứ mùi từ bên trong cái hầm đó. lúc nào cũng vẫn một mùi cũ: Bên Tầu nói sao, bên ta nói vậy! Và mục đích vẫn là: Củng cố đảng!

Trung Quốc lo lạm phát

Ngô Nhân Dụng

Phái đoàn hai nước Mỹ, Trung Hoa mới họp với nhau hai ngày liền ở Washington trong Cuộc Ðối thoại Chiến lược và Kinh tế, một thông lệ hàng năm. Nhưng họ nói rất ít về chuyện kinh tế.
Hai bên chắc chỉ có dịp nghe những lời than phiền, trách móc về các vấn đề khác. Mỹ sẽ than tại sao Bắc Kinh tiếp tục ngăn cản không cho dân tự do thông tin, và vẫn bắt giam những người có chính kiến độc lập, như họa sĩ Ngải Vị Vị. Trung Quốc sẽ trách tại sao Mỹ cứ khuyến khích dân Tầu chống chính phủ của họ. Mỹ sẽ phản đối Trung Quốc ngăn cấm không cho các giáo sư Mỹ đến dự mấy cuộc hội thảo khoa học, chuyên môn, và bác bỏ 60 hoạt động bên ngoài của tòa Ðại Sứ Mỹ trong 3 tháng qua. Trung Quốc sẽ phản đối tại sao ông Ðại Sứ Jon M. Huntsman Jr. lại đến quán ăn McDonald vào đúng ngày 20 tháng 2, mà trên mạng đã có lời kêu gọi dân Bắc Kinh đến đó biểu tình Cách Mạng Hoa Lài đòi dân chủ?
Hai bên chắc không bàn gì đến chuyện nào quan trọng về kinh tế. Chắc Trung Quốc không muốn than phiền Mỹ để cho đồng đô la sụt giá mãi không ngừng, khiến cho số tiền 3 ngàn tỷ dự trữ của họ, trong đó hơn 2 ngàn tỷ đồng bằng đô la Mỹ cứ mất giá trị mỗi ngày mà họ không làm gì được. Giá dầu lửa cùng các thứ nguyên liệu trên thế giới tăng lên vì đô la xuống, là một mối lo khác. Nhưng Mỹ cũng đang cần giữ đồng đô la ở giá thấp để thúc đẩy xuất cảng, khi kinh tế vẫn còn trì trệ, họ sẽ xin Bắc Kinh thông cảm. Mà chính Bắc Kinh cũng đã cưỡng lại đòi hỏi tăng giá đồng nhân dân tệ với lý do tương tự. Ðể đáp lại, chắc Washington cũng không tiếp tục đòi Bắc Kinh phải giảm số hàng xuất cảng sang Mỹ; trong lúc ông Hồ Cẩm Ðào đang lo làm sao đối phó với lạm phát. Phái đoàn Mỹ có thể cho phái đoàn Trung Quốc nghe bài học về cuộc suy thoái kinh tế từ năm 2007 đến nay chưa chấm dứt; nhưng kinh tế hai nước có những vấn đề cơ cấu khác hẳn nhau. Bên Mỹ, tai nạn chính xẩy ra trong thị trường địa ốc, và hệ thống ngân hàng. Bên Trung Quốc, họa lớn vẫn là các doanh nghiệp nhà nuớc.
Lạm phát là mối lo cốt tủy của Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc hiện nay. Trong tháng 4, Ủy Ban Cải Tổ Kinh Tế và Ban Vật Giá Thượng Hải đã quyết định phạt công ty Unilever 2 triệu đồng nguyên (hơn 300 ngàn đô la Mỹ) vì công ty này đã thông báo sẽ tăng giá nhiều món hàng, trong đó có bột giặt. Báo chí loan tin bốn công ty lớn nhất về hàng tiêu dùng, trong đó có Unilever và Procter & Gamble sắp tăng giá tới 15% khiến dân Thượng Hải kéo nhau đi mua trước khi giá tăng thật.
Mối lo lạm phát khiến nhà nước dùng đủ cách ngăn không cho giá cả gia tăng, ngoài những biện pháp tiền tệ do Ngân Hàng Trung Ương ban bố. Chính phủ mới ban hành một văn thư 16 điểm cấm việc mua hàng tích trữ; bỏ bớt nhiều thứ lệ phí cho xe tải chở hàng rau trái; đem dâu tươi từ trong kho dự trữ ra bán, đưa ra thêm các luật cấm các cửa hàng thông đồng làm giá, vân vân. Theo thói quen kinh tế xã hội chủ nghĩa nhà nước đã yêu cầu các công ty không được tăng giá, hay hoãn tăng giá, các món hàng như dầu nấu ăn, mì gói, rượu, bột gạo và bột mì, còn ra lệnh các mỏ than không được tăng giá khi ký hợp đồng mới với các công ty điện lực. Nhưng người dân Trung Hoa biết phương pháp vẫn vâng lệnh nhà nước nhưng theo cách của họ. Các nhà chế dầu ăn đã giảm bớt số sản xuất, nhiều siêu thị thiếu dầu, giá lại tăng lên. Các mỏ than cho pha thứ than xấu vào than tốt, và giao hàng chậm lại, khiến nhiều nơi bị cúp điện. Một công ty ngoại quốc như Unilever thì ngoan ngoãn đóng tiền phạt. Nhưng người dân Trung Hoa đã sống 60 năm dưới chế độ cộng sản nên họ biết đủ cách để “nói vậy mà không phải vậy.” Chống lạm phát theo lối cửa quyền không hiệu quả!
Lạm phát chỉ lên trên 5.4%, bằng một phần ba tốc độ tiền mất giá ở Việt Nam, nhưng vẫn gây hai mối lo chính. Một là dân nghèo càng nghèo hơn khi giá gạo, giá xăng dầu tăng mà đồng lương không đuổi kịp. Còn dân giầu thì gửi tiền trong ngân hàng chỉ được 2 hay 3%, trong khi tiền mất giá 5%, rút tiền ra đi mua vàng, mua cổ phiếu và mua nhà khiến cho thị trường chứng khoán và địa ốc đang phồng lên như những chiếc bong bóng chờ nổ và xẹp. Ngân Hàng Trung Ương đã bắt các ngân hàng thương mại tăng số dự trữ bắt buộc sáu lần trong năm 2010. Cuối năm 2009, các ngân hàng có 100 đồng thì phải giữ lại 15.5 đồng; bây giờ phải giữ đủ 20.5 đồng không được đem cho vay; nhưng vẫn không gây được hiệu quả là giảm bớt số tiền mà ngân hàng đem cho vay, đủ để ngăn bớt lạm phát. Nhưng khi nhà nước lo ngăn lạm phát thì họ cũng phải lo hậu quả của việc ngăn lạm phát, là giảm bớt các hoạt động tiêu thụ và sản xuất.
Những biện pháp tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân như giảm bớt số tiền cho các xí nghiệp vay, và việc giảm bớt chi tiêu của nhà nước để kiềm chế lạm phát sẽ khiến cho tốc độ phát triển kinh tế phải chậm lại. Ðiều đáng lo là, trong cùng lúc đó, tâm lý lạm phát trong dân chúng không thuyên giảm nhanh như trong dòng tài chánh. Tức là dù nhà nước bớt số lượng tiền chảy ra rồi nhưng người dân vẫn tiếp tục đồng lo tiền sẽ mất giá. Người nghèo vẫn chạy đua đi mua hàng để tích trữ còn nhà giầu thì tiếp tục đầu tư vào bất động sản, cả hai đều khiến giá cả tiếp tục leo thang. Tình trạng kinh tế yếu đi trong khi giá cả tăng lên đang đe dọa nước Trung Hoa, như ở Mỹ trước đây 30 năm. Kinh tế học vào đầu thập niên 1980 đã phải chế ra một danh từ mới, Stagflation, để mô tả tình trạng này khi xẩy ra ở Mỹ. Từ đó ghép Stagation, là kinh tế suy yếu trì trệ, với Inflation, là lạm phát, có thể dịch tạm là Suy-Lạm. Chính nước Mỹ năm nay cũng đang lo nguy cơ bị Suy-Lạm; vì trong ba tháng đầu năm nay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ có 1.8% (so với 3.1% ba tháng cuối năm 2010) mà giá sinh hoạt thì tăng đến 3.8% (so với 1.7% ba tháng trước). Ở Âu Châu trong vùng đồng Euro, lạm phát cũng mới tăng lên tới 2.8%, nhưng hy vọng kinh tế phát triển tốt hơn năm ngoái.
Nguy cơ Suy Lạm bắt nguồn từ trong cơ cấu nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc phát triển trung bình 10% trong những năm qua nhờ hai “bộ máy kéo” là việc xây cất ào ạt và những món tiền chi tiêu của chính phủ địa phương. Số tiền lớn đổ vào các công trình xây dựng đường sá, phi trường, nhà cửa, cơ xưởng, đã giúp bảo vệ được công việc làm cho hàng trăm triệu người đáng lẽ thất nghiệp; nhưng không có hiệu quả để đem lại lợi nhuận tối thiểu; cho nên số tiền lưu hành tăng lên nhanh con nền kinh tế thì tăng chậm hơn. Trong năm 2009, tổng sản lượng nội địa Trung Quốc tăng 8.7% trong khi khối lượng tiền tệ tăng thêm gần 28%. Có thể nói, nhà nước in tiền phát cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nuớc chi tiêu, dù lợi suất rất thấp. Ðó là lý do chính gây ra nạn lạm phát hiện nay.
Bây giờ chính phủ trung ương coi chống lạm phát là ưu tiên số một, như các ông Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đều tuyên bố. Các nhà xây cất sẽ vay được ít tiền hơn và các chính quyền địa phương sẽ bớt chi tiêu. Hai nguồn kích động kinh tế đó bị nghẽn, hậu quả là cả nền kinh tế sẽ bị khựng, chạy chậm lại. Hậu quả đó ở Trung Quốc diễn ra rất chậm chạp so với ở các nước như Mỹ, vì các đại công ty và chính quyền ở bên Tầu có quyền thế rất lớn; họ chỉ việc tạm ngưng không trả tiền cho những xí nghiệp mà họ thiếu nợ; các xí nghiệp đó lại trì hoãn không thanh toán ngay cho các công nhân hay con nợ của họ. Không ai phải tuyên bố vỡ nợ và khai phá sản ngay. Tuy hậu quả đến chậm, nhưng cái gì phải đến vẫn sẽ có ngày đến! Ðó là nguyên nhân mối lo tình trạng “Suy-Lạm” sẽ xẩy ra.
Trong ba năm qua, Trung Quốc đã tránh được cơn khủng hoảng đang lan trên thế giới nhờ chương trình kích thích kinh tế bằng tiền của nhà nước, bắt đầu vào cuối năm 2008. Họ sử dụng hai khí cụ trên làm động lực: các chính quyền địa phương chi tiêu hào phóng và cả nước tung tiền vào các chương trình xây dựng, mà các công ty xây dựng lớn nhất cũng thuộc về nhà nước. Khi đồng tiền được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu thụ, bảo vệ công việc làm, giữ tỷ lệ tăng trưởng cao. Nhưng tất nhiên khi nhiều đồng tiền được tuôn ra thì cũng gây ra cảnh vật giá leo thang.
Trung Quốc đang theo dõi bài học ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ bắt đầu từ năm 2007-08 do quả bóng địa ốc phồng lên to quá bị nổ, xẹp, đưa tới hệ quả là kỹ nghệ xây cất ngưng đọng và dân chúng thấy mình nghèo đi vì tài sản xuống giá. (Từ năm 2006 đến 2010, giá nhà cửa ở Mỹ bị tụt xuống 28%, dân Mỹ mất 6,300 tỷ đô la). Khi người tiêu thụ Mỹ thấy mình nghèo đi và lo lắng tương lai, cuộc khủng hoảng tài chánh khiến các ngân hàng run giảm bớt việc cho vay, kinh tế Mỹ trì trệ cho tới bây giờ chưa thoát. Mối đe dọa này đang diễn ra ở nước Trung Hoa.
Trong khi mối lo lớn ở Mỹ là hệ thống ngân hàng thương mại chưa hồi phục, thì vấn đề chính ở Trung Quốc vẫn là các doanh nghiệp nhà nuớc, chiếm một nửa số chi tiêu trong nền kinh tế. Trong mấy năm trước, các doanh nghiệp này đóng vai chi tiêu để kích thích; bây giờ đến lúc mối lo lạm phát khiến phải kiềm hãm tốc độ chi tiêu, chính khối doanh nghiệp này sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế vì hiệu quả rất thấp mà số tài nguyên được sử dụng lại cao. Các ngân hàng trả lãi rất thấp cho người dân gửi tiền, thu thập tiền để dành của dân rồi chuyển phần lớn cho các doanh nghiệp nhà nuớc. Tiền nhà nước giao cho các xí nghiệp của nhà nước không mang lại năng suất cao, trung bình phải chi ra bẩy đồng mới tạo thêm được một đồng cho tổng sản lượng nội địa. Chính tình trạng họ “chi rất nhiều sản xuất chẳng bao nhiêu” là một nguyên nhân chính gây nên lạm phát.
Nhưng Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Hoa không thể kìm hãm đà chi tiêu của các xí nghiệp quốc doanh một cách kiên quyết, vì đó là cơ sở nuôi những công nhân cho có việc làm để sống và các cán bộ có cơ hội làm giầu. Chính sách giảm bớt chi tiêu để ngăn lạm phát hiện đang được chính quyền trung ương công bố, nhưng không chắc các xí nghiệp nhà nước đã thi hành nghiêm chỉnh. Nếu Bộ Chính Trị ngã lòng, nới lòng việc chi tiêu, thì lạm phát phi mã sẽ không thể kìm lại được.

No comments:

Post a Comment