Pages

Thursday, June 23, 2011

Sinh viên du học VN biểu tình chống TQ ở San Francisco - Kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc lần 4

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

SAN FRANCISCO (NV) - Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc do sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ tổ chức, diễn ra trước cửa tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại San Francisco hôm Thứ Ba.
Sinh viên du học treo biểu ngữ bằng tiếng Anh trên đường trước mặt tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại San Francisco. (Hình: Nguyễn Tuấn Anh)


Số người đi dự không đông như dự tính ban đầu, vì “ngại” một số lý do.
Cuộc biểu tình diễn ra suôn sẻ. Có một người Việt Nam đi ngang, tỏ thái độ chống lại nhóm sinh viên biểu tình này.
Cuộc biểu tình kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi, được chọn làm vào trưa Thứ Ba, được xin giấy phép trước, và được thực hiện với mục đích “làm ngày thường” thì “lãnh sự quán [Trung Quốc] mở cửa mới thấy mình biểu tình.” Hồ Quang Phương, một sinh viên du học, nói với Người Việt.
Tuy nhiên, khi tới nơi, trước cửa tòa lãnh sự có dán tờ giấy đóng cửa trong ngày.
Mặc dù “đối tượng” đã biến mất, nhóm sinh viên này vẫn ở lại biểu tình. Họ trưng biểu ngữ bằng tiếng Anh, hô khẩu hiệu bằng tiếng Anh, dùng cả loa phóng thanh:
“Paracel Islands belong to Vietnam” (Hoàng Sa là của Việt Nam).
“Spratly Islands belong to Vietnam” (Trường Sa là của Việt Nam).
“China government stop harassing Vietnamese fishermen” (Chính quyền Trung Quốc ngưng sách nhiễu ngư dân Việt Nam).
“We Vietnamese will stop China's invasion of Vietnam's islands” (Người Việt Nam sẽ chặn Trung Quốc xâm lược đảo của Việt Nam).
Rồi họ hát, những ca khúc “Tổ Quốc Nhìn Từ Biển,” “Khúc Hát Trường Sa...”
Họ phất cờ đỏ sao vàng, cờ của chính quyền CSVN hiện nay. Một người Việt Nam đi ngang qua, chĩa ngón tay giữa vào nhóm này.
Cuộc biểu tình có 11 du học sinh tham dự, chỉ qua sự rủ rê lẫn nhau trong số các du học sinh quen nhau, không có những phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhóm du học sinh này bắt đầu rủ nhau biểu tình ngay từ sau tuần biểu tình đầu tiên của thanh niên trong nước. Lúc đó, có tới 30 người nói sẽ đi.
Nhưng, sau tuần biểu tình thứ nhì trong nước, khi “có tin sinh viên trong nước đi biểu tình bị kỷ luật, bị đuổi học, thì nhiều người rút ra,” Phương kể lại.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Anh, đang học cao học Quản Lý Hành Chánh Công, nói với Người Việt rằng lý do rút ra không liên quan tới những gì xảy ra trong nước.
“Do biểu tình vào ngày Thứ Ba, nên đa số các bạn kẹt giờ học, hơn nữa đây là mùa Hè nên nhiều bạn cũng đã về Việt Nam. Chỉ có số ít ngại vì những lý do cá nhân như nhà xa, không có phương tiện di chuyển.”
Một sinh viên du học khác, cũng tham gia biểu tình, yêu cầu không nêu tên, đưa ra lý do khác. Sinh viên này cho rằng nhiều người rút ra vì sợ những gì sẽ xảy ra tại Việt Nam. “Em là du học sinh nên rất là sợ có chuyện gì đó đụng tới ba cái chính trị này.”
“Ba mẹ em có biết và cũng có dặn em nên cẩn thận rồi coi chừng bị tấn công rồi bị Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh đuổi về nước.”
“Nhìn các tấm gương anh dũng lần lượt phải đi ngồi bóc lịch và mất tích không chứng cứ đã làm cho người Việt Nam mình trở nên sợ hãi rồi,” sinh viên này nói tiếp. “Cho nên nếu nói các bạn khác không đi biểu tình không hẳn vì các bạn hèn nhát, mà vì cái tâm lý 'thôi sống yên ổn cho rồi.'”
Không đông người tham dự, các sinh viên vẫn tỏ ra “phấn chấn” với kết quả biểu tình. Tuấn Anh miêu tả: “Những người đi đường, đa số là người Mỹ, chạy ngang bóp kèn ủng hộ. Một số người giơ ngón cái lên và nói, 'Việt Nam number 1.'”
“Nói chung là rất vui và phấn chấn. Tụi em thấy xúc động.”


Kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc lần 4
HÀ NỘI (TH) - Trên mạng Internet đang có lời kêu gọi đi biểu tình chống Trung Quốc lần thứ tư trong tháng này. Trong khi đó công an thành phố Sài Gòn cho hay sẽ ra mắt thêm “6 phòng” mới trong guồng máy hàng ngàn nhân viên.
Biểu tình chống Trung Quốc lần 3 ở Hà Nội diễn ra ngày Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011. (Hình: Dân Làm Báo)

Thay vì chỉ diễn ra ngày Chủ Nhật, 26 tháng 6, lời kêu gọi đề nghị biểu tình cả ngày Thứ Bảy, 25 tháng 6.
Một số blogs đề nghị “hành quân” biểu tình tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Nha Trang, Bình Thuận, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cần Thơ.
Ðể tăng cường lực lượng và gia tăng trấn áp quần chúng, theo tờ Tuổi Trẻ, Sở Công An thành phố Sài Gòn tổ chức “lễ tuyên thệ và ra mắt 6 phòng thuộc Công An Sài Gòn gồm: Phòng Bảo Vệ Chính Trị 6; phòng An Ninh Kinh Tế; phòng An Ninh Tài Chính Tiền Tệ, Ðầu Tư; phòng An Ninh Xã Hội, phòng Cảnh Sát Truy Nã Tội Phạm và phòng Cảnh Sát Thi Hành AÔn Hình Sự và Hỗ Trợ Tư Pháp.”
Ðây là các bộ phận mới thêm vào với các bộ phận cũ đã có cho thấy guồng máy đàn áp nhân dân ngày một lớn mạnh dù ngân sách nhà nước thiếu hụt.
Bản tin của tờ Tuổi Trẻ không giấu diếm lý do tăng cường lực lượng khi viết rằn: “Trong những năm qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch và tội phạm không ngừng gia tăng hoạt động, gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Sài Gòn được coi là ‘vùng trũng’ để những nhóm tội phạm tập trung hoạt động.”
Bản tin này cũng không che đậy khi viết: “Khối các phòng an ninh mới có chức năng giúp giám đốc Công An Sài Gòn quyết định các chủ trương, chương trình, kế hoạch nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước về chính trị, kinh tế, tài chính tiền tệ, đầu tư và các vấn đề xã hội.”

Bạn hay Thù

Ngô Nhân Dụng

Ðối với mỗi cá nhân, các nền đạo lý đều khuyên chúng ta hãy coi mọi người khác như bạn. “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” là lời Khổng Tử nói, hoặc Chúa Giêsu dạy ngay cả những kẻ đã “tát vào một bên má” của mình cũng không nỡ ghét bỏ.
Ðó là những châm ngôn rất đáng theo. Nhưng đối với các dân tộc thì sao? Một quốc gia có thể coi “mọi người như bạn” đối với một nước khác hay không?
Trong việc bang giao, có một quy tắc đã được nhắc tới nhiều lần: Một quốc gia không có kẻ thù và cũng không có bạn; giao thiệp với các nước khác chỉ cần biết đến quyền lợi của mình mà thôi. Các quyền lợi được chia sẻ theo những bản hiệp ước, sòng phẳng giống như các hợp đồng thương mại. Người kinh doanh thương thuyết với nhau về quyền lợi, không cần phải yêu nhau người ta mới ký các hợp đồng; những ai làm trái hợp đồng sẽ bị trừng phạt. Việc bang giao nên làm như theo lối đó.
Trong lịch sử nước ta, nước láng giềng lớn nhất là Trung Quốc. Nước Việt Nam thường coi Trung Hoa là bạn hay là kẻ thù? Hầu như Tổ tiên chúng ta không bao giờ chọn Trung Quốc làm bạn vàng; cũng không ai gọi họ là kẻ thù vĩnh viễn. Lúc nào người Việt Nam cũng sẵn sàng cư xử với họ, như bạn hoặc như thù, tùy theo hoàn cảnh. Bạn: Giống như các dân tộc Á Ðông khác, người Việt qua bao đời vẫn học hỏi phương pháp trị quốc, tổ chức giáo dục, và văn hóa Trung Hoa. Thù: người Việt không bao giờ quên đề phòng quân phương Bắc xâm lăng.
Mỗi lần đánh đuổi quân xâm lăng từ phương Bắc xong, các người lãnh đạo nước Việt Nam đều xin “giảng hòa,” vì biết chiến tranh sẽ chỉ làm chết dân. Không bao giờ người dân được nghe chính quyền gọi cả nước Trung Hoa là kẻ thù của nước mình. Lý Thường Kiệt khi mang quân sang đánh chiếm các vùng trên biên giới cũng không tuyên bố đi đánh một quốc gia láng giềng để “cho nó một bài học,” mà lại nêu chính nghĩa là đem quân giúp người dân phương Bắc hạch tội một chính quyền đang làm hại cho dân chúng của họ. Bản Bình Ngô Ðại Cáo nêu danh quân địch là “Cuồng Minh tứ ngược,” dùng tên hiệu nhà Minh, một chính quyền đang cai trị, chứ không gọi chung họ là “quân Hán.” Vua Trần Nhân Tông sau khi thắng trận đã khiêm tốn tự xưng là “vi thần” khi “dâng sớ” gửi tới vua nhà Nguyên. Lê Thái Tổ không những đã “xin hòa” theo lối xưa mà còn xin bồi thường thiệt hại nữa. Quang Trung thắng trận rồi, chịu thần phục và đưa một người giả làm mình đi sang chào kính. Vua nhà Trần đã cấp thuyền bè, lương thực cho tàn quân nhà Nguyên về nước. Lê Thái Tổ cũng vậy đối với quân Minh. Chỉ có một thời chính quyền Việt Nam nhất thiết coi Trung Quốc là “nước bạn” để dựa dẫm, là vào nửa cuối thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn cố bám lấy “thiên triều” cầu mong họ giúp chống lại quân Pháp, rồi không thành. Và một lần nữa, từ giữa thế kỷ 20, khi chính quyền miền Bắc Việt Nam muốn nhân dân phải coi Trung Quốc là nước bạn quý, là đàn anh vĩ đại của nước mình; rồi sau đó có lúc lại coi họ là kẻ thù tuyệt đối, để mươi năm sau thì đổi ngược lại. Những sai lầm vì dốt nát hay vì nông nổi của một nhóm người lãnh đạo đều dẫn đến những hậu quả tai hại, các thế hệ sau còn phải chịu đựng.
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, trong lúc người dân miền Bắc đang phải hát bài ca ngợi Tình Bạn: “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông.” Trung Quốc lại đánh chiếm thêm một số đảo ở Hoàng Sa năm 1988 trong lúc dân Việt được nghe chính quyền gọi họ là Kẻ Thù truyền kiếp! Các chính sách coi Trung Quốc là bạn hay là thù, đều đưa người Việt Nam đến chỗ bị thiệt thòi. Những cuộc thảo luận và điều đình về biên giới và hải phận đầu thập niên 1990 càng khiến cho người dân Việt thêm căm giận khi thấy nước mình bị lấn áp để mất mát nhiều quá. Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đang biểu hiện rõ ràng sau những vụ tầu Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò đáy biển của Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2011 khiến chúng ta nên suy ngẫm thêm một lần nữa để áp dụng một quy tắc trong mối bang giao với Trung Quốc: Không nên coi một quốc gia nào là kẻ thù hay là bạn! Thước đo duy nhất trong việc ngoại giao là quyền lợi quốc gia. Tại sao cứ phải nhắc lại quy tắc trên? Vì nó có hiệu quả, nghĩa là nó mang lại lợi ích thiết thực nhất khi biết áp dụng. Các quốc gia tồn tại được lâu đời lúc nào cũng cư xử theo quy tắc này.
Dân Mỹ đã đánh đuổi quân Anh để giành độc lập vào cuối thế kỷ 18; đến thời Nội Chiến Mỹ chính quyền Anh vẫn còn muốn can thiệp. Nhưng trong thế kỷ 20, ít có nước đồng minh nào gắn bó với nhau như Anh và Mỹ. Tuy vậy, các chính phủ này họ không hành động theo “tình bạn” mà chỉ theo quyền lợi quốc gia. Năm 1956, liên quân Anh Pháp tấn công Ai Cập, đến khi bị Mỹ đề nghị triệu tập đại hội đồng Liên Hiệp Quốc làm nghị quyết phản đối, và dùng cả IMF làm áp lực, Anh Pháp phải rút lui nhục nhã. Ngay trong Ðại Chiến Thứ Hai, hai nước chắc chắn là bạn nhưng quyền lợi vẫn khác nhau. Tháng 8 năm 1941, sau hai năm tìm cách thúc đẩy chính quyền Mỹ tuyên chiến với Ðức, Ý và Nhật mà không được, Thủ Tướng Anh Winston Churchill bí mật gặp Tổng Thống Mỹ Franklin Roosevelt ở ngoài khơi Canada trong Ðại Tây Dương. Hai người bắt đầu trở thành đôi bạn tâm đắc, họ đồng ý với nhau là phải ngăn cản những bước tiến của quân Ðức ở Nga và quân Nhật ở Á Châu. Nhưng khi trở về nói chuyện với dân Mỹ, các nhà báo hỏi, “Nước Mỹ có sắp tham chiến hay không?” Roosevelt trả lời: “Tôi nghĩ là không.” Churchill thấy bị ông bạn quý bỏ rơi!
Ðầu tháng 12 năm đó, Churchill gặp Ðại Sứ Mỹ John G. Winant ở London, hỏi: Ông có nghĩ là Nhật sẽ gây chiến hay không? Thưa thủ tướng, có! Churchill quả quyết: Nếu Nhật Bản tuyên chuyến với nước Mỹ, chúng tôi sẽ tuyên chiến với họ ngay lập tức, ông biết không? Dạ tôi biết, thủ tướng đã nói điều đó nhiều lần. Churchill: Nếu Nhật Bản tuyên chiến với nước Anh, thì chính phủ Mỹ có tuyên chiến với họ hay không? (Lúc đó Churchill đang lo Nhật, sau khi vào Việt Nam, sắp tấn công các thuộc địa Anh ở Hồng Kông, Singapore, Miến Ðiện, Mã Lai). Ðại sứ Mỹ đáp: Thưa thủ tướng tôi không thể trả lời được. Vì theo Hiến Pháp chỉ Quốc Hội Mỹ mới có quyền tuyên chiến!
Nỗi thắc mắc của Churchill sau được giải quyết, nhờ Nhật Bản. Ngày 7 tháng 12 năm 41, Nhật tấn công Pearl Habor, Quốc Hội Mỹ biểu quyết tham dự vào cuộc Ðại Chiến Thứ Hai - vì quyền lợi của nước họ, tuy nhiên vẫn có một phiếu chống!
Nhưng trong thời gian sau đó, chính phủ Mỹ luôn luôn tỏ ý muốn ngăn cản không cho nước Anh trở về thống trị các thuộc địa cũ. Họ tìm cách hạ thấp vai trò của Anh tại Thái Bình Dương. Bộ chỉ huy quân Mỹ ở không cho Hải quân Hoàng gia Anh tham dự các trận đánh Phi Luật Tân hay Okinawa, mặc dù Tướng Mountbatten ngỏ ý muốn giúp. Khi quân Nhật đảo chính Pháp ở Ðông Dương, Anh Quốc yêu cầu quân Mỹ giúp vũ khí cho mấy ngàn quân Pháp đang chạy qua trú ở Trung Quốc để họ quay về đánh Nhật. Bởi vì nếu để một xứ Việt Nam trở về tay chính quyền do người Việt Nam cầm đầu (chính phủ Trần Trọng Kim), thì sẽ có hại cho nền cai trị của Anh ở Miến Ðiện, Mã Lai sau này. Nhưng quân đội Mỹ, đang có mặt bên cạnh Tưởng Giới Thạch, đã từ chối không giúp tàn quân Pháp; ngược lại họ còn giúp các người Việt chống Pháp. Cố vấn chính trị của Tướng Mountbatten than rằng chính quyền Mỹ coi nước Anh như “tiểu bang thứ 49” của họ! Tại Paris, Tướng De Gaule than phiền với Ðại Sứ Mỹ Jefferson Caffery, “Tôi không hiểu các ông muốn cái gì! Các ông có muốn nước Pháp sẽ thành một nước trong Liên Bang Xô Viết hay không?” Ngày 19 tháng 3, hơn hai tuần sau cuộc đảo chính Nhật, Churchill đánh điện kêu gọi chính phủ Mỹ hãy giúp vũ khí cho tàn quân Pháp. Ngoại trưởng Mỹ chuyển qua cho Tướng Wedemeyer ở Trùng Khánh, nhưng quân Mỹ bất động, chỉ lo gửi hai máy bay qua Việt Nam cứu các điệp viên OSS của họ. Sau khi Nhật đầu hàng, quân Anh được phép vào miền Nam Việt Nam, nhưng khi họ để cho quân Pháp trở lại Sài Gòn thì đại diện quân đội Mỹ rút ra khỏi Ủy Ban Kiểm Soát, không tham dự vào đạo quân đồng minh ở đó nữa.
Hai nước Anh và Mỹ từ đầu đến cuối Ðại Chiến Thứ Hai vẫn là đồng minh, nhưng mỗi nước vẫn chỉ lo cho quyền lợi của chính mình. Mà không phải chỉ có hai nước đó. Nga và Ðức đã ký hiệp ước không đánh nhau trước khi Ðức tấn công Pháp (Bạn). Nhưng sau đó, Ðức đã đánh sang Nga (Thù). Nhật Bản và Nga đã kết bạn, ký thỏa ước bất tương xâm năm 1941, nhưng sau khi bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống nước Nhật, Nga tuyên chiến và tiến quân vào Mãn Châu. Nếu không có Mỹ ngăn cản thì Nga đã tiến chiếm lấy đảo Hokkaido ở phía Bắc nước Nhật.
Trong việc ngoại giao, các quốc gia không thể coi một nước khác hoàn toàn là bạn, hay là kẻ thù. Chính quyền mỗi nước phải theo quy tắc đó, không nên bắt dân chúng tụng đọc mỗi ngày những bài tuyên truyền ca ngợi các nước bạn vĩ đại, hoặc phỉ nhổ nước khác là kẻ thù man rợ! Khi cả nước tỉnh táo, người ta không cần yêu quá mà cũng không ghét quá, thì lòng người không thù hận mà cũng sợ hãi.
Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tháng 6 năm 2011 có một điều đáng mừng là người Việt Nam đi biểu tình ở khắp nơi chỉ hô hào chống lại những hành động sai trái cụ thể của chính phủ Bắc Kinh mà không bày tỏ lòng thù hận với người dân Trung Hoa ở lục địa. Thế giới sẽ nhìn vào thái độ đó mà kính trọng người Việt Nam, nước Việt Nam. Nhờ thế, chúng ta mới có thể kêu gọi các nước khác giúp nước ta tránh khỏi bị nước láng giềng tiếp tục lấn áp.
Các cuộc chiến thường xẩy ra giữa các nước khi chính quyền của một nước muốn gây chiến mà người dân không được quyền quyết định cũng như không biết những tai hại của chiến tranh. Các chính quyền độc tài thường sử dụng một khí cụ để gây chiến, là kích thích lòng ái quốc, thúc đẩy thù hận bằng lối tuyên truyền một chiều. Cuối cùng thì sau mỗi cuộc chiến tranh, người dân luôn luôn bị thiệt hại. Nếu được tự do chọn lựa, dân chúng các nước đều không muốn chiến tranh. Chỉ có thể giảm bớt chiến tranh khi người dân các quốc gia đều được thông tin đầy đủ. Khi nào hai quốc gia đều theo chế độ tự do dân chủ thì chính quyền khó nói dối người dân để đưa họ vào vòng chinh chiến.
Chỉ khi nào hai nước Việt Nam và Trung Hoa đều sống trong thể chế tự do dân chủ thì chúng ta mới hy vọng giảm bớt được những xung đột trên mặt biển hiện nay. Trong khi chờ đợi, người Việt Nam cứ phải luôn luôn bày tỏ thái độ kịch liệt phản đối những hành động lấn áp, có lúc tàn bạo, của chính quyền Trung Quốc, để chứng tỏ dân Việt Nam không chịu khuất phục.

DIỄN TRÒ “CHỐNG TÀU BẰNG MỒM” ĐỂ BỊP MỸ – VGCS LÒI ĐUÔI “BÁN NƯỚC TỪ KHUYA”

Tổng Hợp Tin Tức ngày 19-6-2011 – Trích Diễn Đàn Paltalk VietnamExodus
            Suốt một tháng qua, từ ngày xảy ra vụ tàu Bình Minh 2 của VC bị tàu giám hải Trung Cộng cắt giây cáp – 26-5-2011 – Biển Đông VN bỗng “nổi sóng” một cách “khác thường”, từ diễn biến trước mắt đến cách cắt nghĩa,  cũng như đáp án cho vấn đề quyền chủ quyền – sovereignty – và quyền tự do hải hành – freedom of navigation – trong vùng này. Hai vấn đề nêu trên ở Biển Đông không phải là mới. Ngày 7-5-2009, TC có văn bản gửi LHQ, kèm theo bản đồ – được gọi là Bản Đồ Lưỡi Bò – xác định chủ quyền trên biển này, sau vụ tàu bay và tàu thủy TC quấy nhiễu tàu Impeccable (tháng 3-2009), trước vụ tàu ngầm TC đụng chạm chiến hạm John McCain của Mỹ (tháng 6-2009). Cũng trên Biển Đông, TC đã nhiều phen giằng co với các công ty dầu hỏa Mỹ trên thềm lục địa mà Tàu bảo là vùng đặc quyền kinh tế của Tàu, còn Mỹ thì buộc VC phải tranh chấp với Tàuchủ quyền, nhiên hậu mới mong trở thành đối tác với Mỹ. Suốt mấy năm qua, VGCS “chết chẹt” trong thế giằng co Mỹ/Tàu, với tư thế mà tục ngữ VN gọi là “voi đấu, chó chạy quanh”, hay “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Năm 2011, VGCS có 2 cơ hội “thoát thân”, là đại hội XI của đảng CS, và quốc hội XIII, nước CHXHCN Việt Nam. TC đã thành công, trói buộc chặt chẽ đến nỗi VGCS phải buông trôi cả hai cơ hội ấy, quay về với Cương Lĩnh 1991, chui trở lại vào cái “cũi sắt”, làm “một bộ phận” của cái gọi là “cách mạng XHCN với đặc thù Trung Quốc” do Tàu chủ trì. Cương lĩnh này, dù sao cũng chỉ là “cái đuôi” của việc bọn chóp bu VGCS kéo nhau sang Thành Đô năm 1989-1990 “bán nước cho Tàu để chuộc tội phản chủ” (sau 30-4-1975 đánh sang Kampuchea, diệt chế độ tay sai Tàu của Pol Pot; năm 1979 bị Tàu mở chiến dịch “giáo trừng” – dạy cho bài học – ở biên giới phía Bắc; năm 1982 ghi vào Hiến Pháp : “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất, v.v…). VGCS đã phải trả giá bằng “chủ quyền quốc gia” để “đổi mới” tám chữ “kẻ thù trực tiếp và nguy hiềm nhất”“mười sáu chữ vàng” của thân phận mỹ miều “láng giềng bốn tốt”. Với thân phận ấy, VGCS trở thành cái bao cát tập đấm – the punching bag – mỗi khi Tàu cần diễu võ giương oai. về thành
            Hàng năm, Tàu ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông; VGCS riu ríu tuân theo, không dám hó hé. Thường xuyên, ngư phủ VN bị Tàu săn đuổi, bắt giữ, tịch thu cá, đòi tiền phạt, đòi tiền chuộc; VGCS chỉ dám ú ớ vài lời “góp ý” hay ‘đề nghị”, không dám phản kháng. Bởi những gì VGCS đã “cúng cụ” Tàu đều thuộc về “bí mật quốc gia”, ngư dân đánh bắt nơi những ngư trường truyền thống làm sao biết nơi nào “cúng cụ” rồi, nơi nào chưa, để mà tránh tai vạ. Chưa hề có một lần, VGCS bắt ngư dân Tàu “xâm phạm lãnh hải Việt”, dù chỉ để “cảnh cáo” rồi “lễ phép tiễn đưa”. Tâm lý “ghét Tàu” từ lâu bị dồn nén, âm ỉ lan truyền ra mọi giới người Việt. “Bàn tay lông lá” Tàu xâm thực ngày càng lộ liễu, nuôi tâm lý ấy lớn lên như thổi. Tâm lý ấy lên cao thêm sau những vụ Bauxite ,“cho thuê rừng”, thao túng nguồn nước Mekong, di dân bất hợp pháp, nhất là biến Hoa Kiều thành “tay trong” thao túng mọi mặt, từ trong đảng cộng sản ra ngoài dân, từ kinh tế, văn hóa giáo dục, đến xã hội và chính trị.
            Năm 2001, Mỹ đã sẵn sàng đưa Tàu lên hàng “mục tiêu đối phó”, nhưng lại bị Bin Laden “dụ khị” sang Trung Đông, gián tiếp – rất có thể “trực tiếp” – giúp Tàu 8 năm bằng vàng, ngoi lên hàng “đại cường”. Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn thế giới tư bản năm 2007-2008 có lẽ đã “thuyết phục” Tàu rằng, một lần nữa, “tư bản giẫy chết đến nơi”, khiến Tàu mạnh dạn chấm dứt giai đoạn “nín thở qua sông”, ra mặt đòi “chia thế giới với Mỹ”. Riêng ở Biển Đông, Tàu nỗ lực phá, không cho ASEAN hình thành “kết khối chống Tàu”, và đã thành công một nửa : 1/3 chủ trương song phương “đối thoại” với Tàu; 1/3 lưng chừng “nửa nạc nửa mỡ”, chờ xem ngả bên nào có lợi hơn; 1/3 chủ trương “đa phương hóa” theo phương án Mỹ, trong đó có VGCS “chân trong chân ngoài”, vì không muốn “lòi đuôi” bán nước cho Tàu “từ khuya”.
            Ngay khi đắc cử, đầu năm 2009, chính quyền Obama của Mỹ đã có kế hoạch tích cực “đối phó” với Tàu. Vừa kiên trì phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, Mỹ vừa từng bước thu gọn, đẩy lui ảnh hưởng Tàu trên khắp thế giới; ưu tiên vùng Trung Á, Trung Đông, và châu Phi. Học thuyết Obama – The Obama Doctrine – dựa trên “cường lực trí khôn” – smart power – khiến cho những màn diễu võ giương oai của Tàu, trong vòng vây của Mỹ, trở thành trò “Sơn Đông mãi võ” rẻ tiền. Cho dù Tàu tiếp tục “ném đá giấu tay”, quấy rối khắp nơi, mong khiến Mỹ tiếp tục“sa lầy” – theo lối nói của Tàu – ở Iraq hay Afghanistan, kế hoạch “lấy lại thế ưu thắng” của Mỹ vẫn cứ triển khai như dự liệu, chậm nhưng rất chắc. Cách mạng “Lòng Dân thắng Bạo Quyền” nổ ra ở Tunisia rồi Egypt, được dư luận đặt tên là “Cách Mạng Hoa Nhài”, nhưng Mỹ chỉ khiêm nhượng gọi đó là Mùa Xuân Ả Rập. Mùa Xuân ấy lây lan mau chóng khắp Trung Đông và Bắc Phi. Rút kinh nghiệm bài học Iraq vả Afghanistan, với “cường lực trí khôn”, Mỹ chủ trương “không ai làm cách mạng giùm cho ai”, tôn trọng tính tự phát của Mùa Xuân Ả Rập, để xem nó “biến tướng” cách nào – kể cả bị “ném đá giấu tay” mà “lệch đường bay” – sẽ tùy cơ ứng biến.
            Tình báo Mỹ, từ lâu đã có thông tin về nơi ẩn náu của trùm khủng bố Bin Laden, và bằng chứng về những kẻ chứa chấp hắn, nhưng đúng ngày 2-5-2011 mới ra tay. Hành quân biệt kích Mỹ vào Abbottabad, cách thủ đô Pakistan 75 miles, sát nách một căn cứ quân sự lớn, giết Bin Laden ngay trong một dinh thự 3 tầng, tường cao rào kín, sinh hoạt đông người một cách không giống ai, trong một thời gian khá lâu mà không bị phát giác, không gây nghi vấn, chứng tỏ có sự chứa chấp của nhà cầm quyền sở tại. Ngay khi Bin Laden bị giết, thủ tướng Pakistan hoảng hốt sang Bắc Kinh cầu cứu, được chủ tịch Hồ Cẩm Đào vỗ về, an ủi với câu “láng giềng bốn tốt” – vô tình hay cố ý – gián tiếp thú nhận Tàu Cộng đồng lõa – hay ít ra cũng “đồng tình” – với Pakistan chứa chấp Bin Laden. Đồng loạt, các báo thuộc loại Nhân Dân, từ Bắc Kinh sang Hà Nội hô hoán, cảnh báo nguy cơ “thế lực thù địch nước ngoài” thế nào cũng sẽ “chĩa mũi dáo” vào “các nước XHCN còn lại, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam”. Tiếp theo, những hô hào “xuống đường” hay “cách mạng hoa nhài” trên Internet, càng thúc giục cho Bắc Kinh và Hà Nội ra tay “đối phó sảng”, bắt bớ hàng loạt, bỏ tù, xử án vung vít, kèm theo “diễn tập chống tụ tập đông người” khắp nơi. Từ đầu chí đuôi, Bắc Kinh và Hà Nội, từ hơi thở đến nhịp tim đập, phản xạ cũng như phản ứng, giống nhau như đúc.
            Trong khung tình hình như thế, vụ tàu Bình Minh 2 của VC bị cắt giây cáp đã xảy ra, và phản ứng của đôi bên tranh chấp được coi là khác thường. Trước hết, tàu Bình Minh 2 không phải tàu đánh cá, mà thuộc công ty PetroVN, công ty dầu hỏa, có quyền lợi dính líu đến quyền lợi Mỹ. Tiếp theo, vụ xảy ra với tàu Viking 2 sau đó ít ngày cũng tương tự, dính líu đến dầu hỏa. Khác trước, hai vụ này do Hà Nội chủ động gây ồn ào. Đối lại, Bắc Kinh dùng hệ thống truyền thông ngoài luồng quậy cho náo nhiệt tối đa. Cả hai vụ cắt cáp xảy ra khi Tàu Cộng và VGCS sắp dự hội nghị Shangri-la – đối thoại an ninh cấp cao Châu Á Thái Bình Dương. Người ta chờ đợi diễn biến hội nghị này để xem thực sự chuyện gì đã xảy ra giữa hai “đồng minh truyền thống” Tàu Cộng/Việt Cộng, “vừa là đồng chí vừa là anh em” này. Mọi người đã thất vọng. Hai bên đã họp riêng. Thông cáo chung sau đó rất lơ mơ những ngôn từ quen thuộc : không bạo động, đối thoại ôn hòa, không để xảy ra nữa, v.v… Sau đó về nhà, hai bên lại tiếp tục “mắng mỏ” qua lại ồn ào hơn trước. Rồi VGCS “tập trận bắn đạn thật”, cùng lúc Mỹ “tập trận” với Phi Luật Tân ở vùng biển Trường Sa. Tiếp đó, tại hội thảo an ninh Biển Đông, Mỹ ủng hộ thái độ “cứng rắn bảo vệ chủ quyền” của VGCS mà không nhắc nhở gì về “nhân quyền”, đồng thời GS Su Hao của Tàu Cộng, sau khi quả quyết về “chủ quyền không thể chối cãi” của Tàu trên Biển Đông, không quên “nhắc khéo” VGCS “thận trọng”, khi Tàu tạm thời nhân nhượng giải pháp đa phương ở Biển Đông, quyền lợi Mỹ được thỏa mãn, tình nghĩa “đồng chí anh em” Tàu/Việt sẽ ra sao ?
            Bất chấp “đèn xanh, đèn đỏ, hay đèn vàng”, tinh thần “chống Tàu cứu nước” trong tuổi trẻ VN lên cao vùn vụt. VGCS tuy tạm thời “đồng lõa với Tàu”, bày trò “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” bịp Mỹ thành công, nhưng chân tướng “bán nước cho Tàu từ khuya” đã lõa lồ lộ ra. Ngay sau khi tưởng là bịp được Mỹ “chôn chân vào Biển Đông”, để rồi phải đối thoại đa phương với Tàu về chuyện ở ngoài nước Tàu, lơ là việc “chĩa mũi dáo vào nội bộ đầy mầm biến loạn đang mọc lên ở cả “bên Tàu” lẫn “bên Ta”, lập tức Tàu và “Ta” đã có ngay một cuộc tuần tra chung trên biển ở Vịnh Bắc Bộ, tiếp theo là hai chiến hạm “ta”quá cảng thân hữu thăm 2 cảng biển Tàu. Ba lần biểu tình “chống Tàu cứu nước” các ngảy 5-6, 12-6 và 19-6, lần sau yếu hơn lần trước, vì bị ngăn chặn tinh vi đến chi tiết, nhưng chính những “đối phó nguội” của công an đã tố cáo minh bạch hơn tội “bán nước cho Tàu từ khuya” của đảng cộng sản VN, hướng “chủ điểm đấu tranh” vào đích chính xác, là phải đánh đuổi “nội xâm” trước, rồi mới đánh đuổi được ngoại xâm. Dù chưa đủ “sức bật” vật ngã được VGCS vào lúc này, nhưng sau đợt đấu tranh vừa qua, tuổi trẻ VN chín chắn hơn, chờ đón đợt “vào trận” sắp tới với khí thế  hào hùng hơn, chính nghĩa sáng ngời hơn. Chắc chắn, đợt sau không thể vắng mặt Thành Phố Vinh và những tỉnh thành khác.




'Trung Quốc rất ngạc nhiên trước phản ứng của Việt Nam'

Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt tại hội thảo “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” Giáo sư Su Hao của Trung Quốc nói rằng ‘hết sức ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội của Việt Nam, hơn hẳn với truyền thống hành xử của họ.’

Trung Quốc thừa nhận gài 10 triệu quả mìn tại vùng biên giới Việt-Trung trước khi rút quân về nước

Kỷ niệm chiến tranh 1979
Trung Quốc thừa nhận gài 10 triệu quả mìn tại vùng biên giới Việt-Trung trước khi rút quân về nước
Vương Quốc Hiến (Trung Quốc)
Sau năm 1975, người Mỹ đã bỏ nhiều công của sang VN tháo gỡ số mìn họ đã rải trên đất liền và trên vùng biển VN trong cuộc chiến tranh họ tiến hành kéo dài cả chục năm (không rõ là ta yêu cầu hay họ chủ động, và đã gỡ hết 100% chưa?). Còn ông bạn phương Bắc thì nhẫn tâm viết những dòng lạnh tanh như dưới đây, gián tiếp thừa nhận họ sẵn sàng tiếp tục giết hại các thế hệ người VN bằng hàng triệu quả mìn họ để lại. Sao có thể gọi đó là cách hành xử nhân đạo, có trách nhiệm theo thông lệ quốc tế đối với các di họa chiến tranh?
Nguyên Hải
Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc-Việt Nam năm 1979 vô cùng ác liệt và bi thảm. Hai bên đều thương vong nặng nề.
Quân đội Trung Quốc khi rút về nước còn sử dụng thủ đoạn phá hoại tàn khốc. Số lượng mìn chôn xuống dưới đất vùng biên giới Trung Quốc-Việt Nam lên tới cấp số lượng 10 mũ 7 (107, tức 10 triệu quả mìn), cho tới nay vẫn còn nhiều mìn chưa phá dỡ.
Loại vũ khí này nếu không lặng lẽ mọt gỉ thì sẽ lặng lẽ nổ, gây tai nạn trầm trọng cho người dân trong vùng. Nghe nói một xóm 87 người thì chỉ còn 78 chân, bình quân một người chỉ có 0,9 chân. Mìn còn có thể tác động tới vùng biên giới này trong 20 năm.
Nguồn:
Màn mở đầu cuộc chiến tranh với Việt Nam – ghi chép thực tế và suy nghĩ
对越战争的序幕-纪实与思索 王国宪    2009年1月 炎黄春秋网刊外稿
http://www.yhcqw.com/html/kwgnew/2009/118/0911820175400AC241744CE309BDGH9J40D.html

Lược dịch:  Nguyên Hải

No comments:

Post a Comment