Ngô Nhân Dụng
Nhân dịp Hội Nghị APEC, các nước
Châu Á và Thái Bình Dương tại Bắc Kinh, Trung Quốc mới ký thêm một thỏa
ước thứ nhì mua khí đốt của Nga. Tháng Năm vừa qua, Nga đã thỏa thuận
bán mỗi năm 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm; hợp
đồng trị giá 400 tỷ mỹ kim. Lần này, mỗi năm Nga sẽ bán thêm 30 tỷ mét
khối, được trả 284 tỷ đô la Mỹ. Với hai hợp đồng trong vòng sáu tháng,
Nga sẽ cung cấp 17% số lượng hơi đốt Trung Quốc cần dùng từ nay đến năm
2020.
Khí đốt từ miền Đông nước Nga sẽ được đưa
qua ống dẫn dầu khí chạy xuyên qua các nước Trung Á, chung quanh con
đường lịch sử gọi là Con Đường Tơ Lụa. Con đường này từng được khai phá
từ hai ngàn năm trước, đã nối liền Trung Quốc với các nước Ấn Độ, Tây Á,
Trung Đông và Châu Âu; từ Venetia nước Ý sang kinh đô Trường An của nhà
Đường. Đường Tơ Lụa chỉ mất vai trò thương mại quan trọng từ thế kỷ 16,
17, khi ngành hàng hải thế giới phát triển, hàng hóa được chuyển qua
đường biển nhanh chóng, chi phí rẻ hơn.
Nhưng tháng Chín năm
2013, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm sống lại con đường trên,
ông đề nghị một “Vòng Đai Kinh Tế Đường Tơ Lụa” trong một chuyến viếng
thăm các nước Trung Á. trong chuyến đi này, Tập Cận Bình đã ký các hợp
đồng dầu khí trị giá 30 tỷ đô la, với các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan,
và hứa đầu tư ba tỷ cho hạ tầng cơ sở. Vòng đai Đường Tơ Lụa, (Ty Thao
chi lộ Kinh tế đới) là một hệ thống các trục giao thông và đặc khu mậu
dịch tự do sẽ nối kết vùng Đông Châu Á với Nam Á, Trung Đông, kéo dài từ
bờ Tây Thái Bình Dương tới biển Baltic, với ba tỷ người, gần bằng nửa
dân số thế giới. Đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Châu Âu đã hoạt
động, đi qua Kazakhstan, Nga, vân vân, cho tới hải cảng Duisburg tại Đức
quốc. Trong Tháng Chín vừa qua, chuyến hàng đầu tiên chở xe hơi xuất
cảng từ Châu Âu sang Trung Quốc đã tới nơi trên đường sắt. Hàng hóa di
chuyển suốt con đường này chỉ mất 15 ngày, so với 40 ngày nếu đi đường
biển.
Sang Tháng Mười, Tập Cận Bình bay sang Indonesia cũng đưa ra dự án một “Đường Tơ Lụa trên biển thế kỷ 21.” Ông nhắc lại tấm gương Đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15 đã dẫn đầu hàng ngàn thương thuyền đi khắp vùng biển Nam Á. Đường Tơ Lụa trên biển sẽ mở ra các thương cảng, khu công nghiệp, từ Đông Nam Á, cho tới Sri Lanka, Kenya và Hy Lạp. Để tài trợ cho các chương trình phát triển trên, một Ngân Hàng Phát Triển của Khối BRIC (Brazil, Russia, India, China và Nam Phi) đã ra đời, với số vốn 100 tỷ Mỹ kim; trụ sở đặt tại Thượng Hải. Một công ty Trung Quốc đã hợp tác với Malaysia xây dựng một khu công nghiệp, một hải cảng nước sâu chuyên chở container, và đầu tư một tỷ đô la vào một nhà máy thép. Hai bên coi đây là một phần trong Đường Tơ Lụa trên biển. Du hành ở Nam Á cũng vào Tháng Chín, Tập Cận Bình đã cắt băng bắt đầu công trình xây một thành phố cảng ở Colombo, thủ đô Sri Lanka.
Sang Tháng Mười, Tập Cận Bình bay sang Indonesia cũng đưa ra dự án một “Đường Tơ Lụa trên biển thế kỷ 21.” Ông nhắc lại tấm gương Đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15 đã dẫn đầu hàng ngàn thương thuyền đi khắp vùng biển Nam Á. Đường Tơ Lụa trên biển sẽ mở ra các thương cảng, khu công nghiệp, từ Đông Nam Á, cho tới Sri Lanka, Kenya và Hy Lạp. Để tài trợ cho các chương trình phát triển trên, một Ngân Hàng Phát Triển của Khối BRIC (Brazil, Russia, India, China và Nam Phi) đã ra đời, với số vốn 100 tỷ Mỹ kim; trụ sở đặt tại Thượng Hải. Một công ty Trung Quốc đã hợp tác với Malaysia xây dựng một khu công nghiệp, một hải cảng nước sâu chuyên chở container, và đầu tư một tỷ đô la vào một nhà máy thép. Hai bên coi đây là một phần trong Đường Tơ Lụa trên biển. Du hành ở Nam Á cũng vào Tháng Chín, Tập Cận Bình đã cắt băng bắt đầu công trình xây một thành phố cảng ở Colombo, thủ đô Sri Lanka.
Hai dự án Đường Tơ Lụa trên
đất liền và trên biển sẽ đánh dấu sự nghiệp của Tập Cận Bình trong lịch
sử Trung Quốc. Trong một cuộc họp thượng đỉnh sau đó với các nước Đông
Á, trong đó có Việt Nam, Tập Cận Bình còn đưa ra một “Khái niệm An ninh
mới” cho Châu Á: “Người châu Á sẽ giải quyết các vấn đề của Châu Á, xử
lý việc Châu Á, và bảo vệ an ninh trong Châu Á.” Thông điệp này rõ ràng
nhắm gửi cho chính phủ Mỹ.
Ai cũng biết rằng cuộc chạy đua giữa
các cường quốc trong thế kỷ 21 sẽ là cuộc đua kinh tế. Trong lúc Tập Cận
Bình vẽ ra giấc mộng hai Đường Tơ Lụa thì Tổng Thống Mỹ Barack Obama
cũng đang mở mặt trận ngoại giao kinh tế. Sau Hội Nghị APEC tại Bắc
Kinh, ông Obama sẽ bay sang Myanmar dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Á Đông, rồi
qua Úc họp khối G-20, gồm 20 nước công nghiệp tiến bộ nhất. Ông Obama có
thể vững tâm nói chuyện kinh tế với các nước khác vì kinh tế nước Mỹ
đang trên đà tăng trưởng lại, phát triển nhanh nhất trong số các nước
kinh tế cao, từ Châu Âu qua Nhật Bản và Úc. Trong khi đó, kinh tế Trung
Quốc đang trên đà trì trệ, và loay hoay chưa tìm ra cách chuyển từ một
nền kinh tế dựa trên lao động rẻ tiền sang việc sản xuất những món hàng
công nghiệp cao cấp hơn.
Đối lại với những Đường Tơ Lụa mới còn
trên giấy tờ, Tổng Thống Barack Obama đang cổ động cho một khối mậu dịch
tự do xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia trong đó không có Trung
Quốc, Trans-Pacific Partnership, hay TPP. Ngay trong thời gian Hội Nghị
APEC ở Bắc Kinh, ông Obama cũng ngồi xuống cùng 11 người đứng đầu chính
phủ khác để thảo luận tiếp về TPP mà ông Tập Cận Bình không được mời dự.
Sự nghiệp ngoại giao của ông Obama sẽ được đánh dấu bằng TPP, nếu trong
hai năm sau cùng ông đạt được một thỏa hiệp.
Điều đáng mừng cho
ông là Đảng Dân Chủ của ông đã thất bại lớn trong kỳ bàu cử vừa qua. Vì
Đảng Dân Chủ đã gây nhiều trở ngại cho TPP vì đòi hỏi những điều kiện
bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như bảo đảm về sinh môi. Năm tới cả
hai viện Quốc Hội Mỹ do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, mà đa số họ đều ủng hộ
mậu dịch tự do.
Một điều ông Obama đã xin Quốc Hội thông qua là
được quyền yêu cầu Quốc Hội dùng thủ tục “biểu quyết nhanh”
(fast-track). Theo thủ tục này, các đại biểu Quốc Hội không được đòi kèm
theo một tu chính nào vào dự luật thỏa ước mậu dịch; họ chỉ được phép
biểu quyết đồng ý hay bác bỏ mà thôi. Trưởng khối đa số Dân Chủ tại
Thượng viện đã từ chối không cho ông Obama quyền đó. Sang năm, đa số
nghị sĩ Cộng Hòa có thể sẽ đồng ý sớm.
Trở ngại lớn sau cùng
khiến TPP gặp khó khăn là chính sách bảo vệ nhà nông của chính phủ Nhật
Bản; vì thế họ đánh thuế nông sản nhập cảng rất cao. Thuế gạo nhập cảng
vào Nhật lên tới 778%, nhập cảng đường 328%. Vì chính sách đó mà dân
Nhật phải chi tiêu đến 14% lợi tức cá nhân cho việc ăn uống, trong khi
dân Mỹ chỉ dùng đến 7%. Thủ tướng Nhật sẽ phải thuyết phục các đại biểu
Quốc Hội và dân chúng Nhật về lợi ích của TPP; nếu không thì chính phủ
Mỹ sẽ phải thuyết phục Quốc Hội và dân chúng tại sao lại khoan miễn cho
Nhật Bản trong vấn đề nông phẩm.
Cuộc chạy đua về ngoại giao bằng
kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Vòng Đai Đường Tơ Lụa và TPP sẽ
tiếp diễn. Một điều hiển nhiên là ông Tập Cận Bình có 10 năm để thực
hiện giấc mộng của ông, còn các ông hay bà tổng thống Mỹ chỉ có chừng
bốn năm!
Nhưng giấc mộng kinh tế của Trung Quốc cũng có khi chỉ
là ảo mộng. Người ta không biết được các nước khác sẽ đáp ứng với những
dự án của Tập Cận Bình ra sao. Các hợp đồng mua bán dầu và khí đốt giữa
Nga và Trung Quốc nằm trong chương trình phát triển Vòng Đai Đường Tơ
Lụa. Tuy nhiên, người ta đã có kinh nghiệm, trong các cuộc gặp gỡ thượng
đỉnh giữa Nga và Trung Quốc, những thỏa hiệp lớn lao chưa bao giờ được
tiến hành vì những bất đồng về chi tiết, giá cả, hai bên không thể thỏa
thuận được.
Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy những nước được Trung
Quốc đem đổ tiền vào đầu tư có lúc cũng lo lắng và nghĩ lại, vì không
biết Bắc Kinh còn có những mưu đồ nào. Năm 2011, Myanmar đã đột ngột đơn
phương cắt đứt hợp đồng xây dựng một đập thủy điện trị giá hơn 3 tỷ
rưỡi đô la. Pakistan đã ký một hợp đồng làm đường xe lửa nối liền với
Trung Quốc, nhưng sau đó dự án đã tạm ngưng. Tháng Tư năm 2014, chính
phủ Iran đã chấm dứt một hợp đồng với Công ty China National Petroleum,
trị giá 2.5 tỷ, ngưng hợp tác khai thác dàu ngoài khơi Nam Azadegan.
Khó
khăn lớn và trở ngại căn bản nhất cho ông Tập Cận Bình vẫn là nền kinh
tế Trung Quốc vẫn nằm trong tay các thư lại được đảng cộng sản bổ nhiệm
chứ không do tư nhân đóng vai chủ động. Trong mấy chục năm qua, các
doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đem đầu tư hàng trăm tỷ mỹ kim khắp
thế giới, nhưng sau cùng hầu hết đều chỉ phung phí tài sản quốc gia. Chủ
tịch hội khai mỏ Trung Quốc ước lượng rằng số tiền đầu tư vào mỏ nguyên
liệu đã tăng từ hơn 8 tỷ năm 2005 đã tăng lên tới hơn 53 tỷ năm 2013;
nhưng 80% các vụ đầu tư ra nước ngoài đã thất bại. Nguyên nhân chính vì
các quản đốc kinh doanh Trung Hoa thiếu kinh nghiệm, nhưng lý do quan
trọng hơn nữa là họ được sử dụng “tiền nhà nước,” giống như “tiền chùa.”
Năm
2010, công ty Trung Quốc Sinopec mua một phần vốn của công ty dầu
Syncrude tại Canada, do Syncrude bán lại. Họ trả 4.65 tỷ đô la, cao 10%
hơn giá thị trường. Nhưng sau đó công ty Canada đã xuống dốc vì chi phí
quá cao trong khi giá dầu lửa trên thế giới xuống.
Công ty Cnooc
của Trung Quốc trả hơn 15 tỷ đô la mua công ty Nexen ở Canada vào năm
2012, năm nay tiền lời của Nexen đã xuống chỉ còn bằng một phần năm thời
2010.
Vụ đầu tư sai lầm gây rắc rối và lỗ lã nổi tiếng nhất
thuộc về công ty Citic, thành lập ra Citic Pacific để khai thác mỏ sắt ở
Australia.
Công ty Trung Quốc đã bỏ ra gần 10 tỷ đô la, vay nợ
thêm 3.6 tỷ. Sau tám năm bây giờ trị giá tài sản chỉ còn 7 tỷ; trong khi
đang phải tranh tụng trước tòa vì không làm đúng những cam kết. Chưa kể
là vụ đầu tư này đã gây ra làn sóng bài Trung Quốc trong nước Úc.
Cuối
cùng, trong các cuộc chạy đua kinh tế ai thắng ai thua là do khả năng
kinh doanh trong thị trường chứ không phải do các lãnh tụ tưởng tượng.
Giấc mộng bành trướng trên Con Đường Tơ Lụa của ông Tập Cận Bình sau
cùng sẽ thành ảo mộng chỉ vì kinh doanh thiếu hiệu quả, chứ không cần ai
ngăn cản.
***********************
*********************
***********************
*********************
No comments:
Post a Comment