Pages

Wednesday, March 23, 2011

Con trai Nông Đức Mạnh và con trai Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên trung ương đảng

HÀ NỘI (NV) Sáng 18 tháng 1 (giờ Việt Nam), Đại hội đảng CSVN lần thứ 11 công bố danh sách 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành trung ương đảng.

Ba nhân vật được cho là sẽ nắm quyền cao nhất là Nguyễn Phú Trọng (gữa), Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Trương Tấn Sang, bỏ phiếu bầu Ban chấp hành trung ương. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Hai trăm nhân vật này sẽ đại diện cho hơn 3 triệu đảng viên từ trung ương xuống địa phương và nắm quyền lãnh đạo gần 90 triệu người dân Việt Nam.
Đáng chú ý là trong danh sách này có ba nhân vật thuộc loại ‘con ông cháu cha’ là Nông Quốc Tuấn (con trai Nông Đức Mạnh), bí thư tỉnh ủy Bắc Giang (ủy viên chính thức) Nguyễn Chí Vịnh (con trai cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh), trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (ủy viên chính thức) và Nguyễn Thanh Nghị (con trai Nguyễn Tấn Dũng), phó hiệu trưởng Đại học kiến trúc thành phố Sài Gòn (ủy viên dự khuyết)
Ba nhân vật quan trọng trong bộ chính trị là Nông Đức Mạnh, 71 tuổi (tổng bí thư), Nguyễn Minh Triết 69 tuổi (chủ tịch nước), Phạm Gia Khiêm 66 tuổi, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, không có tên trong danh sách.
Đúng như lời đồn đoán, Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi (chủ tịch quốc hội), Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi (thủ tướng), Trương Tấn Sang, 61 tuổi (Thường trực ban bí thư), và Nguyễn Sinh Hùng, 65 tuổi (đệ nhất phú thủ tướng) đều có tên trong bản danh sách.
Điều đó cho thấy, 4 nhân vật này mỗi người sẽ nắm chắc một vé vào Bộ Chính Trị khóa 11. Và như dự đoán, Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng bí thư, Trương Tấn Sang: chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng: thủ tướng và Nguyễn Sinh Hùng: chủ tịch quốc hội.
Ở các vị trí thấp hơn, các Ủy viên Bộ Chính trị khóa X tái cử là Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Những nhân vật này sẽ tiếp tục giữ chức vụ đương nhiệm hoặc ở các vị trí cao hơn
Trong bản danh sách không thấy có tên Hồ Đức Việt, 63 tuổi (trưởng ban tổ chức trung ương đảng), Lê Doãn Hợp (Bộ trưởng Thông Tin và truyền thông), và Phạm Khôi Nguyên (Bộ trưởng tài nguyên môi trường).


Thế nhưng, lại có tên Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, người được đoán là sẽ vào bộ chính trị và thay Tô Huy Rứa để Rứa leo lên vị trí cao hơn là thường trực ban bí thư.
Theo danh sách công bố, thấy có tên hai phó thủ tướng đương nhiệm là Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân cùng 11 bộ trưởng (trong số 21 bộ trưởng đương nhiệm) và 20 thứ trưởng
Trong số 175 ủy viên chính thức, có 19 người thuộc Bộ Quốc phòng chiếm số lượng đông nhất, 8 người thuộc Bộ Công an, 3 người thuộc Bộ Ngoại giao.

Người duy nhất tự ứng cử vào Ban chấp hành trung ương là Nguyễn Xuân Kiên (45 tuổi, sinh năm 1966, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Nghiệp Vụ và Tư Liệu Ban Tuyên Giáo Trung Ương) đã không có tên trong bản danh sách. 

Trong ngày 18 tháng 1, Ban chấp hành trung ương mới sẽ bầu bộ chính trị và Tổng bí thư, kết quả này sẽ được công bố vào sáng 19 tháng 1, giờ Việt Nam. (KN)

Con đường của các Thái tử Trung Đông và “Thái tử Đảng” Việt Nam

“Con chó điên Trung Đông” Gaddafi của Libya sau những ngày chui nhủi biệt tăm, không còn thấy vung tay múa chân theo nhịp điệu của cuộc chơi bunga-bunga, tối thứ Ba ngày 22 tháng 3 xuất hiện trở lại trên TV (rất có thể phim video phát lại) nói: “Chúng tôi sẽ thắng!”, “Tôi ở lại Tripoli vì lều của tôi ở đây”, hay “Một lũ phát xít sẽ chết trong đống rác lịch sử”…
Rõ ràng, còn nhiều tiền chi dụng cho lính đánh thuê trên mặt đất, Gadafi không dễ dàng đầu hàng nhanh chóng.
Giữa sự lựa chọn cái sống và cái chết hoặc phải đứng trước vành móng ngựa tại Toà án Hình sự Quốc tế, chắc chắn Gaddfi sẽ còn kháng cự quyết liệt, chống lại các cuộc tấn công của Liên quân và quân nổi dậy, cho đến khi nào có thể.
Một điều chưa lý giải được vì sao trong những giờ khắc nước sôi, lửa bỏng, từ nhiều ngày nay tuyệt nhiên không thấy bóng dáng các thái tử của Gaddafi trước ống kính của giới báo chí truyền thông như trước.
Trong bối cảnh đó, cùng ngày 22 tháng 3 năm 2011, lực lượng an ninh của Syria đã bao vây hơn một nghìn người tham gia biểu tình chống chính phủ từ nhiều ngày qua tại thị trấn Dara, nằm ở phía Tây Nam đất nước – Hãng AFP, ghi lại lời của một nhà hoạt động nhân quyền đang có mặt tại chỗ.
“Hơn một ngàn người tụ tập trong nhà thờ Hồi giáo al-Omari và đứng xung quanh nhà thờ hét vang những khẩu hiệu chống chế độ. Họ bị bao vây bởi lực lượng an ninh và một số đàn ông mặc thường phục được vũ trang” – Nhà hoạt động nhân quyền nói.
Ông nói thêm rằng những người biểu tình thiết lập một giây xích bằng người quanh nhà thờ Hồi giáo vì sợ một cuộc tấn công của các lực lượng an ninh.
Theo nhà hoạt động nhân quyền, Dara cho cảm tưởng một “doanh trại quân đội”. Trong ngày thứ Hai binh lính triển khai ở các vùng ngoại ô của thành phố.

Đã một thời huy hoàng và thân thiện gữa Gaddafi và Assad con - Ảnh: Life
Suốt những ngày gần đây đã diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Syria làm thiệt mạng 6 dân thường. Trước đó người ta thông báo có 5 nạn nhân, nhưng vào ngày thứ Hai con số được tăng lên sau khi một trẻ em 11 tuổi bị chết vì nhiễm độc hơi cay của lực lượng an ninh đàn áp biểu tình vào ngày trước đó.
Những cuộc biểu tình tại Syria chống Tổng thống el-Assad Bashar kéo dài từ giữa tháng Ba. Trên “Facebook” một trang mang tên “Syrian Revolution 2011” (Cuộc cách mạng Syria 2011) kêu gọi dân chúng biểu tình để tiến tới một nước Syria “không có bạo chúa, không có tình trạng khẩn cấp (có hiệu lực từ năm 1963) và không có các tòa án đặc biệt”.
Trong tình hình nóng bỏng khắp Bắc Phi, nhà cầm quyền Syria có vẻ bắt đầu biết sợ. Để làm dịu tình trạng căng thẳng của xã hội, nhà chức trách Syria công bố hôm Chủ nhật rằng sẽ trả tự do cho số sinh viên bị bắt giữ trong tháng này vì tội viết lên các bức tường nhà ở thành phố Dara những khẩu hiệu ủng hộ dân chủ.
Tổng thống độc tài Assad của Syria, người 11 năm trước đây nắm quyền kế tục cha, đã từ chối những đòi hỏi cải cách chính trị và ném vào nhà tù tất cả những ai phê bình chế độ. Thực chất thì nhóm quyền lợi của ông ta nắm quyền suốt từ năm 1963 đến nay.
Syria là một nước nằm trong vùng biển Địa Trung Hải (như Libya, Ai Cập, Tunisia…), có biên giới với Lebanon, Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, diện tích bằng khoảng phân nửa Việt Nam, dân số gần 20 triệu.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Syria năm 2010 đạt hơn 105 tỷ USD (4.700 USD trên đầu người), tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8-9%, tăng trưởng kinh tế khoảng 4%, dân số sống dưới mức nghèo đói khoảng 10%.
Năm 1970, Assad cha lên nắm quyền, đã thông qua một hiến pháp vĩnh viễn bảo đảm cho mình quyền lực tuyệt đối.
Cũng giống như chế độ độc đoán chuyên quyền tại Việt Nam hiện nay, Assad cha và con không thiếu những người bất đồng chính kiến với mình, nhưng họ đã nhanh chóng dập tắt từ trứng nước.
Phản đối chính phủ thế tục, các tổ chức Hồi giáo mà tiêu biểu là tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” trong những năm 70 và 80 đã mở cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ của Assad cha.
Trong tháng hai năm 1982 một cuộc nổi dậy nổ ra và những người ly khai tuyên bố Hame là thành phố tự do.
Chính quyền Syria đã ngay lập tức điều động quân đội tới, dưới sự chỉ huy của Rifaat al-Assad, em trai của Tổng thống Assad cha. Thành phố này bị đã phá hủy nghiêm trọng và ít nhất có mười mấy nghìn người thiệt mạng!
Năm 1984, Assad cha xuất viện sau vụ nhồi máu cơ tim. Em trai ông (tức vị chỉ huy Rifaat nêu trên), lợi dụng cơ hội định đứng lên nắm quyền. Mặc dù sức khỏe kém, Assad vẫn duy trì được quyền lực của mình và sau đó đã đẩy em trai đi lưu đày.
Tổng thống Assad cha, Hafiz al-Assad, chết trong năm 2000, sau khi đã sắp xếp ổn thoả việc trao quyền lại cho con trai còn rất trẻ, sinh ngày 11 tháng 9 năm 1965, tức là lúc đó ở tuổi 35, Bashar al-Assad, Tổng thống Syria hiện nay.
Bối cảnh ở Syria dường như y hệt Bắc Triều Tiên, nước đang có quan hệ hữu nghị đặc biệt với Syria.
Báo chí cho rằng trong cuộc gặp gỡ giữa các quan chức hai nước vào tháng 10 năm 2010, Bắc Triều Tiên có ý định giúp Syria thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân.
Con trái út của Kim Jong Il là Kim Jong Un, mới 27 tuổi, mặt chưa sạch hết lông măng, đã được cha “đặc cách” phong hàm đại tướng năm sao, chuẩn bị tiến trình rải thảm bước lên ngai vàng nối tiếp ông nội và cha.

Vua cha Kim Jung Il và và Thái tử Kim Jung Un Bắc Triều tiên - Ảnh: AG
Tham vọng quyền lực cha truyền con nối rất “lãng mạn cách mạng” cũng xảy ra ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa!
Trong đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 vào tháng Giêng vừa qua, các nhà lãnh đạo Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Chi đã “đặc cách” lèn bằng được các thái tử của mình vào tầng cấu trúc thượng tầng quyền lực là Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, các “Thái tử Đảng” ở Việt Nam giành cơ hội lên ngai vàng khó hơn các Thái tử của Trung Đông hay Bắc Triều Tiên, bởi vì sự cạnh tranh lớn hơn, do triều đại cộng sản Việt Nam không trị vì dưới bàn tay của một bạo chúa, một ông vua, mà là một nhóm của mười mấy vị vua – “Vua Tập Thể” (lời của cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An) – tức Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự tranh giành quyền lực trong nhóm này không hề kém phần khốc liệt, tàn nhẫn, nếu so sánh với Tổng thống Assad cha đã từng triệt hạ em trai của mình bên Syria. Chỉ khác về tính chất và màu sắc.

Bức ảnh ghép "Thái tử Đảng" Nông Quốc Tuấn trên cái nền của hoạn lộ công danh
Các “Thái tử Đảng” cộng sản Việt Nam còn khó hơn nữa khi xu thế chống lại chế độ độc đoán, chuyên quyền đã kéo sụp hệ thống cộng sản cuối thập niên 80, đầu 90 ở Đông Âu và Liên Xô, sau hai thập niên tái nổi cơn sóng dữ tại Trung Đông.
Cơn sóng dữ của khát vọng dân chủ, cùng với hương thơm của cách mạng Hoa Nhài rồi sẽ tới Việt Nam. Vấn đề chỉ còn là thời gian, khi dân chúng Việt Nam trong nước có ý thức rõ ràng về các bất công xã hội đang diễn ra hàng ngày, về kiếp sống tủi nhục của thân phận giun dế bị dày xéo và tính hơn hẳn của các giá trị dân chủ, trước nhất là quyền tự do bầu cử để chọn những người lãnh đạo chính quyền, quyền sở hữu đất đai tài sản của cá nhân được hiến pháp bảo hộ và quyền tự do phê phán chính quyền về những sai lầm trong việc điều hành đất nước.

© 2011 Lê Diễn Đức

No comments:

Post a Comment