Pages

Saturday, February 12, 2011

Thời khắc lịch sử đến với nhân dân Ai Cập - cũng sẽ đến với nhân dân Việt Nam - Thụy Sĩ phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Ai Cập

Cập Nhật: Mubarak đã từ chức – Thời khắc lịch sử của nhân dân Ai Cập

Dân Làm Báo (tin cập nhật) 
Cuối cùng, Mubarak đã phải chấp nhận ra đi, đầu hàng trước sức mạnh của nhân dân Ai Cập. Phó TT Suleiman vừa tuyên bố trên đài truyền hình: “Tổng Thống Mubarak đã từ nhiệm vị trí tổng thống”.
Chế độ độc tài 30 năm đã chính thức chấm dứt từ giây phút lịch sử này.
Cập Nhật – 8:50 PM (giờ Ai Cập): Chính phủ Thụy Sĩ vừa tuyên bố phong tỏa toàn bộ tài sản của cựu Tổng Thống Mubarak và gia đình của ông ta tại Thụy Sĩ.
Hàng trăm ngàn người tại quảng trường Tahrir, khắp thủ đô Cairo, trên toàn nước Ai Cập đã túa ra đường nhảy múa, ca hát.  Họ ôm nhau, khóc, và hét lớn: “Chúng ta đã lật đổ được chế độ độc tài”.

Người dân Ai Cập như nổ tung trong niềm vui sướng
Cả nước Ai Cập đang lên trải qua giây phút xúc động lịch sử lớn lao, mọi người như nổ tung trong niềm vui suớng. Lần đầu tiên họ được hưởng sự tự do, không còn phải sợ hãi.  Những nỗi áp bức được nổ tung thành những tiếng la hét trong sung sướng.  Cả đất nước như một ngày hội chưa từng thấy trong lịch sử.
Những người biểu tình đã nói trong nước mắt: “Đất nước Ai Cập đã lấy lại được niềm tin”.  “Ai cập đã lấy lại được sự tự hào cuả dân tộc.” “Người dân Ai Cập đã thực sự làm chủ được vận mạng của mình”.
Một lãnh đạo đối lập, ông Mohamed ElBaradei nói rằng “đây là một giấc mơ đã thành sự thật, nhân dân Ai Cập đã phục hội lại nhân phẩm… tự do và độc lập“. Ông Ayman Nour, một lãnh đạo đối lập khác tuyên bố “đây là ngày trọng đại nhất của lịch sử Ai Cập… Đất nước đã hồi sinh, nhân dân Ai Cập đã hồi sinh và đây là một Ai Cập mới!
Dina Magdi – một nhà đấu tranh dân chủ đang có mặt tại dinh tổng thống Heliopolis nói: “Tôi đã chờ đợi. Tôi đã tranh đấu trong suốt quãng đời thanh niên của tôi để thấy quyền lực của nhân dân bùng lên. Giây phút lịch sử này không chỉ nằm ở sự ra đi của Mubarak mà còn thể hiện ở sức mạnh quần chúng đem lại những đổi thay mà trước đó không ai nghĩ có thể đạt được…
Tin cập nhật – Chính phủ Thụy Sĩ vừa tuyên bố phong tỏa toàn bộ tài sản của cựu Tổng Thống Mubarak và gia đình của ông ta tại Thụy Sĩ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ cho biết đã có lệnh phong tỏa các trương mục ngân hàng ngay lập tức nhưng không cho biết chi tiết về những tài sản khác.  Lời tuyên bố này đã được đưa ra ngay sau khi tin tức ông Mubarak từ nhiệm chức vụ tổng thống sau 30 năm cai trị Ai Cập.
Bộ Trưởng Kinh Tế Thụy Sĩ Widmer-Schlumpf, cũng không trả lời vào chi tiết khi được báo chí hỏi về số tiền gia đình ông Mubarak đang gửi tại Thuy Sĩ.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Ngân Hàng Quốc Gia Thụy Sĩ, chỉ riêng trong năm 2009, ngân hàng đã nhận được 3.6 tỷ đồng Thuỵ Sĩ, tương đương với 3.5 tỷ Mỹ Kim từ Ai Cập.
(theo hãng thông tấn AP)
*
Dân Làm Báo (tin cập nhật) Ngày 11 tháng 2 – 1:30 PM (giờ Ai Cập)
Ngày hôm nay, tất cả phe đối lập đều dồn sức kêu gọi toàn dân Ai Cập cùng xuống đường để áp lực Tổng Thống Mubarak phải ra đi, và cũng là thử thách lòng trung thành của những tướng lãnh Ai Cập đối với chế độ.
Sáng nay, quân đội đã ra thông báo cho biết đạo luật quân sự khẩn cấp sẽ được huỷ bỏ  ngay khi tình hình cho phép.  Quân đội sẽ bảo đảm cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ được tổ chức một cách tự do và công bằng và khuyến cáo người dân hãy trở về nhà.
Phó Tổng Thống Suleiman cho biết đã ra lệnh cho Thủ Tướng chỉ định một nhân sĩ trí thức ngoài đảng (đảng Dân Chủ Quốc Gia của ông Mubarak) làm phó thủ tướng với trách nhiệm đối thoại với phe đối lập.
Những lời tuyên bố hứa hẹn trên không đáp ứng đúng ý muốn của người dân.  Tại quãng trường Tahrir số lượng người tham dự cuộc xuống đường vô cùng đông đảo, hiện chưa có một con số ước tính chính xác.  Đồng loạt hàng ngàn người cũng đã biểu tình ỏ các thành phố lớn Mahala, Tanta, Alexandria, Ismailia, và Suez .  Khẩu hiệu “Mubar phải ra đi” được hô vang liên tục một cách giận dữ như muốn nhắc chế độ đây mới là đòi hỏi cần được đáp ứng ngay tức khắc của nhân dân Ai Cập.
Trong buổi cầu nguyện trưa nay, các lãnh đạo tôn giáo đã thúc giục mọi người hãy vững bước và kiên trì trong các đòi hỏi.
Cuộc xuống đường từ ngày hôm qua đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới công nhân toàn quốc.  Tất cả sinh hoạt kinh tế bị đứng lại.
Tình hình giữa quân đội và dân biểu tình vẫn yên, chưa có dấu hiệu gì quân đội sẽ đàn áp cuộc xuống đường.  Một sĩ quan quân đội phụ trách tại quãng trường Tahrir đã rời hàng ngũ nhập vào cùng đoàn biểu tình.  Người sĩ quan này cũng cho biết đã có 15 sĩ quan chỉ huy trung cấp đã nhập với đoàn biểu tình như anh ta.
(Tin cập nhậtt) Bây giờ đang là 6:30 sáng tại Ai Cập.  Hàng ngàn người đã di chuyển suốt đêm từ khắp nơi bao vây khu vực dinh Tổng Thống, ngay khu vực sang trọng Heliopolis, trung tâm của thủ đô Cairo và đài truyền hình, truyền thanh quốc gia.  Cả hai nơi đang được các đơn vị quân đội với xe tăng bảo vệ.  Chung quanh dinh tổng thống còn có thêm một hàng rào kẽm gai ngăn cách quân đội và người biểu tình.  Những người biểu tình giận dữ cho biết “Mubarak không chịu ra đi thì chúng tôi sẽ đến tận nơi để buộc ông ta phải đi”.
Tình hình tại các nơi này rất căng thẳng, tuy nhiên chưa có dấu hiệu đụng độ nào giữa quân đội và người biểu tình.
Tại khu vực quãng trường Tahrir, dân chúng đã lập các chướng ngại vật ngăn chận các lối vào toà nhà Quốc Hội bên cạnh quãng trường.
Cả Ai Cập đang nóng chờ cuộc xuống đường toàn quốc khởi động để lật đổ chế độ độc tài tham nhũng của tổng thống Mubarak.  Cả thế giới cũng hồi hộp chờ đợi những gì sắp xảy ra.
Tiến sĩ Mohamed ElBaradei, một lãnh tụ đối lập nói : “Ai Cập sắp nổ tung” vì sự ngoan cố của ông Mubarak.
Ngày 11 tháng 2 – 4:25 AM : Tổng Thống Mubarak cương quyết không ra đi
Tổng Thống Mubarak sẽ không ra đi.  Ông ta chỉ chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng Thống Omar Suleiman. Ông tuyên bố những đòi hỏi của nhân dân là chính đáng và hứa sẽ không trừng phạt bất cứ người biểu tình và sẽ trừng phạt những người nào đã có những hành động sai trái đối với nhân dân.
Ông sẽ ở lại để theo dõi và bảo đảm những bước chuyển tiếp trong chính phủ để những đòi hỏi của nhân dân được tiến hành.  Hiến pháp sẽ được sửa đổi trong đó những điểm quan trọng như giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống, tổ chức bầu cử công bằng,….  Đạo luật “thiết quân luật khẩn cấp” cũng sẽ được sửa đổi.
Những lời tuyên bố này không có gì khác với những điều đã được phó Tổng Thống Suleiman đã tuyên bố những ngày trước.
Những người biểu tình đã thất vọng, không khí phấn khởi trước đó đang chuyển thành giận dữ.  Họ đã tức giận đưa giầy lên khi nghe những lời tuyên bố của ông Mubarak.  Nhiều người la lớn “Tại sao ông ta không hiểu, chúng tôi muốn ông hãy ra đi”.Những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục những cuộc biểu tình và đình công toàn quốc cho đến khi Tổng Thống Mubarak hiểi được ý muốn của nhân dân.
Tại thành phố Alexandria, đoàn người biểu tình đã giận dữ rời khỏi quãng trường tụ họp, tiến ra đường lớn về hướng các văn phòng chính phủ.  Tình hình trở thành căng thẳng một cách bất ngờ.Sự giận dữ của đám đông lên cao và đang có hướng tràn ra khỏi quãng trường Tahrir.  Theo các nhà bình luận có thể bạo động sẽ xẩy ra vì sự giận dữ của dân chúng đã lên đến mức cao độ.

Phó tổng thống Omar Suleiman
Phó Tổng Thống Suleiman đã xuất hiện trên đài truyền hình cam kết sẽ thực hiện những đòi hỏi của nhân dân đã được tổng thống Mubarak tuyên bố trước đó.  Ông hứa sẽ đối thoại với các phe đối lập đễ xây dựng lại niềm tin của nhân dân.  Ông kêu gọi nguời dân hãy trở về nhà.  Không nghe những đài nước ngoài, hãy nghe chính lương tâm để biết những gì cần làm tốt cho tương lai đất nước Ai Cập.
Cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập sẽ bắt đầu ngày mai. Nhân dân Ai Cập sẽ xuống đường, một cuộc xuống đường chưa từng thấy trên đường phố Ai Cập” – John Bradley, tác giả cuốn sách Inside Egypt: The Land Of The Pharoahs On The Brink Of A Revolution.
Danlambao – cập nhật lúc 4:25 sáng 11/02/11*

Mubarak có thể sẽ từ nhiệm nội trong ngày hôm nay

Dân Làm Báo (tin cập nhật) Ngày 11 tháng 2 – 3:30AM


Có xác xuất Mubarak sẽ tuyên bố ra đi. Quân đội Ai Cập tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia là sẽ bước vào vai trò “bảo vệ an ninh đất nước” và trấn an những người biểu tình rằng tổng thống Hosni Mubarak sẽ đáp ứng những yêu cầu của người dân. Đây là chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy Mubarak đã mất quyền lực sau một thời gian dài cai trị.
Theo phóng viên Alan Fisher của hãng thông tấn Al Jazeera thì Hội đồng Quân sự Tối cao đã họp mở rộng để thảo luận về tình hình đất nước. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử Ai Cập Hội đồng này nhóm họp. Hai lần trước là vào năm 1967 và 1973.
Vào 6:44 chiều giờ Cairo, Phóng viên Sherine Tadros của Al Jazeera cũng tường thuật rằng quân đội đã gia tăng sự hiện diện tại trung tâm thành phố Cairo với nhiều chiến xa.Trong khi đó, từ Hoa Thịnh Đốn, thông tin của Tòa Nhà Trắng cho biết tình hình Ai Cập đang “êm xuôi” và giám đốc trung tâm tình báo CIA, ông Leon Panetta, đã nói rằng có xác xuất cao là Mubarak sẽ từ nhiệm nội trong ngày hôm nay. Điều này cũng được Tổng thư ký của đảng cầm quyền Dân Chủ Quốc Gia – ông Hassam Badrawi xác nhận với BBC và kênh truyền hình số 4. Ông Hassam nói rằng ông dự phóng tổng thống Mubarak sẽ trao quyền lực cho phó tổng thống Omar Suleiman
Từ tiểu bang Michigan, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã tuyên bố trực tiếp trên đài truyền hình lúc 8:30 tối (giờ Ai Cập) :”Điều rõ ràng nhất là chúng ta đang chứng kiến lịch sử đang chuyển mình.  Nhân dân Ai Cập đang đòi hỏi thay đổi.  Mọi người từ già đến trẻ, từ mọi tầng lớp xã hội, nhưng đứng đầu là những người giới trẻ, một thế hệ mới, thế hệ của các bạn, đang đòi hỏi tiếng nói của mình phải được lắng nghe.  Và chúng tôi muốn những người trẻ đó biết rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ tiến trình dân chủ ôn hoà (của nhân dân Ai Cập)”.
Truyền hình quốc gia của Ai Cập cũng thông báo rằng tổng thống Mubarak sẽ lên TV nói chuyện với toàn dân vào tối nay (giờ Ai Cập). Tuy nhiên cũng đang có tin đồn Tổng Thống Mubarak đã lén lút rời khỏi Ai Cập. Hình ảnh ông Mubarak sẽ được đài tuyền hình quốc gia phát đi trong khoảng 20 phút nữa từ băng đã được thu trước…
Đã có sự chuyển hướng rõ rệt trong cách đi tin tức của đài truyền hình quốc gia. Từ giọng điệu buộc tội những người biểu tình là bị kích động bởi thế lực thù địch nước ngoài, tay sai của CIA, là thành phần bất hảo… được chuyển thành những người tiến bộ muốn thay đổi xả hội, những người yêu nước…  Lần đầu tiên hình ảnh đông đảo trung thực của đoàn biểu tình được chiếu di trên toàn cõi Ai Cập.  Đài cũng đã phỏng vấn những người biểu tình, những nhà trí thức công khai chỉ trích và tố cáo chính phủ tham nhũng, lạm dụng quyền lực, đàn áp nhân dân…
Tại quãng trường Tahrir, người biểu tình hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của Tổng Thống Mubarak trên hệ thống tuyền hình quốc gia.  Các máy truyền hình đã đượng dựng lên. Dây cable được nối kết từ các toà nhà chung quanh quãng trường. Hệ thống bắt sóng vệ tinh cũng được dựng lên.  Mọi người chờ đợi giây phút chiến thắng:  Mubarak tuyên bố ra đi !
*
Dân Làm Báo (tin cập nhật) Ngày 10 tháng 2

Wael Ghonim “sẵn sàng chết cho Ai Cập” – Công đoàn Ai Cập đình công ủng hộ.

Người thanh niên Wael Ghonim, đang trở thành biểu tượng đấu tranh của Ai Cập, đã tuyên bố trên trong buổi phỏng vấn của Đài CNN là “sẵn sàng chết để đem lại sự thay đổi cho Ai Cập”.  Cuộc đấu tranh đã tới giai đoạn “không còn gì để thảo luận” với chính quyền Mubarak khi “máu của hàng trăm người đã đổ”.Wael Ghonim, người dấu mặt đứng sau trang mạng facebook “We are all khaled Said”, nơi xuất phát đi lời kêu gọi xuống đường mở ra trang sử mới cho Ai Cập trở lại quãng trường Tahrir ngay sau khi được thả ra.  Khi được mọi người ca tụng như là một anh hùng, Wael Ghonim đã nói “tôi không phải là anh hùng”“Những người đã hy sinh, đã đổ máu, đã xuống đường mới là thật là những anh hùng”.  Sự có mặt của Wael Ghonim tạo ra sự phấn khởi mới cho những người biểu tình và đưa cuộc xuống đường chống độc tài và tham nhũng của nhân dân Ai Cập lan rộng hơn.Một bước tiến quan trọng của phe đối lập là bắt đầu có sự tham gia của giới công nhân.  Lời kêu gọi tổng đình công toàn quốc đã được đáp ứng.  Theo hãng thông tấn Aljazeera, ngày hôm qua, đã có hơn 20,000 công nhân trong các xí nghiệp nhập cuộc bằng cách đình công.
Tại thành phố Suez, cảng quan trọng của Ai Cập, hơn 5000 công nhân thuộc các xí nghiệp đóng tàu đã đình công.  Hàng ngàn công nhân ở các thành phố Mahalla, Port Said cũng đã đình công biểu tình ngay trước các hãng xuởng.  Đòi hỏi của thành phần công nhân là nâng cao đời sống, cải thiện tình trạng làm việc và lương bổng, cụ thể là cũng phải được tăng 15% lương như lời hứa của chính quyền với các nhân viên chính phủ và bày tỏ sự ủng hộ cuộc xuống đường đang xảy ra ở thủ đô Cairo.
Tại thủ đô Cairo, hàng ngàn người đã tụ về quãng trường Tahrir như một ngày hội.  Không còn chỗ, gần một ngàn người đã di chuyển qua bao vây tru sở Quốc Hội làm tê liệt các hoạt động ở khu vực này.  Các dân biểu “bù nhìn” đã phải dọn qua một toà nhà khác gần đó để họp.  Bên ngoài trụ sở Quốc Hội, một tấm bảng được dựng lên với hàng chữ “Đóng cửa cho đến khi chế độ sụp đổ”. Những người biểu tình hô to những khẩu hiệu “Mubarak, tên ăn cắp”, tố cáo sự tham nhũng của gia đình ông Mubarak với tài sản lên tới 70 tỷ mỹ kim, tương đương với 400 tỷ đồng tiền Ai Cập.Để nâng cao tinh thần đấu tranh của dân chúng, trên mạng lưới internet, các thành phần đối lập đang phổ biến một chiến dịch kêu gọi những kiều dân Ai Cập đang ở nước ngoài trở về hỗ trợ và sát cánh cùng nhân dân trong nước đấu tranh.
Những người biểu tình đã cho biết “mỗi ngày đi qua mỗi ngày họ càng thêm can đảm và quyết tâm hơn”. Cuộc xuống đường của họ đang ngày càng mở rộng và có nhiều người mới tham gia.
Về phía chính quyền Mubarak, có nhiều chỉ dấu cho thấy sự kiên nhẫn của họ đang tới mức giới hạn.  Phó Tổng Thống Omar Suleiman đã cảnh cáo “chính phủ không thể chịu đựng mãi những cuộc xuống đường liên tục” và đưa ra viễn tượng quân đội có thể phải can thiệp. Để đáp lại, người đại diện cho 5 nhóm trẻ trong phe đối lập ở quãng trường Tahrir, Abdul-Rahman Samir, cho biết “ông ta (Suleiman) đã hăm dọa sẽ áp dụng thiết quân luật, có nghĩa là tất cả những người đang có mặt tại quãng trường đây sẽ bị nghiền nát.  Nhưng ông ta sẽ làm được gì khi 70 triệu dân Ai Cập sẽ cùng đứng lên với chúng tôi khi đó”.
(Tổng hợp theo CNN, Aljazeera, MENA, AP)Ngày 9 tháng 2
Ngày hôm qua, ngày xuống đường thứ 15.  Hàng ngàn người đã đổ về quãng trường Tahrir để phản đối những đề nghị cải tổ của chính quyền Mubarak.  Đám đông reo hò khi thấy sự xuất hiện Wael Ghonim, một người trẻ 28 tuổi, nhân viên cao cấp của hãng Google Ai Cập, người đã dùng trang mạng facebook của mình để phát động cuộc xuống đường lịch sử của Ai Cập. Wael Ghonim đã bị cơ quan mật vụ của chính quyền bắt giữ chỉ ba ngày sau khi cuộc xuống đường nổ ra.  Anh bị giam giữ 12 ngày và vừa được thả ra ngày hôm qua.
Wael Ghonim là người đã đứng ra thiết lập trang mạng facebook có tên “Tất cả chúng ta là Khaled Said” dựa trên biến cố một thanh niên tên Khaled Said bị cảnh sát đánh chết tại thành phố Alexandria, được giới trẻ ủng hộ đông đảo.  Trang mạng này là nơi đã phát động lời kêu gọi xuống đường đầu tiên ngày 25 tháng 1 vừa qua.
Wael Ghonim đang trở thành biểu tượng của giới thanh niên và sự xuất hiện của anh đã tạo ra một làn sóng mới, thu hút nhiều người lần đầu tiên tham dự cuộc xuống đường.  Đoàn biểu tình vẫn nhất quyết đòi hỏi “Tổng Thống Mubarak phải ra đi ngay lập tức”.
Cùng ngày, Phó Tổng Thống Omar Suleiman tuyên bố Tổng Thống Mubarak đã ký sắc lệnh thành lập Ủy Ban Tu Chính Hiến Pháp cho phép cuộc bầu cử trong tương lai được thực hiện tự do và công bằng.  Ngoài ra, chính quyền Mubarak cũng sẽ mở rộng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.  Để chứng minh thiện chí, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Mahmoud Wagdy đã ký lệnh trả tự do cho 34 tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, những người biểu tình tỏ ra không tin tưởng vào những tuyên bố của chính quyền Mubarak.  Với kinh nghiệm sống dưới chế độ 30 năm, họ cho rằng tất cả những gì chính quyền Mubarak đang làm chỉ là những hành động dối gạt nhất thời để né tránh những đòi hỏi chính đáng của người dân. “Điều đầu tiên mà chế độ nên làm là tổng thống Mubarak phải ra đi”.  “Những thay đổi thực sự chỉ có thể xảy ra sau khi Mubarak ra đi.  Hiến pháp cần được làm lại chứ không phải sửa đổi chỗ này, chỗ kia”.
Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra cùng lúc tại các thành phố lớn của Ai Cập trong ngày hôm qua.  Cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay, ngày thứ 16.Phó Tổng Thống Omar Suleiman đã cảnh cáo “Tình trạng đối kháng bất phục tùng dân sự gây ra nguy hiểm cho xã hội, chính quyền sẽ không chấp nhận tình trạng biểu tình liên tục như vậy”. “ Cuộc biểu tình phải chấm dứt ngay”.
Bắt đầu có những chỉ dấu cho thấy sự bực bội, mất kiên nhẫn của chính quyền Mubarak.  Theo hãng thông tấn MENA, ông Suleiman đã cho biết  “sẽ không có việc chấm dứt chế độ” và cũng không có chuyện tổng thống Mubarak phải ra đi !  Ông cũng cho biết “chính quyền muốn thảo luận với các phe đối lập để giải quyết những đòi hỏi cải cách dân chủ” và “không muốn sử dụng cảnh sát để đối phó với nhân dân”.Những người biểu tình cho rằng những lời tuyên bố của ông Suleiman chỉ nhằm mục đích gây chia rẽ, phân hoá phe đối lập.
Về tình trạng của những người biểu tình, theo giáo sư  Fouad Ajami, chuyên nghiên cứu về Trung Đông, của Đại Học Johns Hopskin, cho biết “Những người biểu tình đang đi vào giai đoạn nguy hiểm của cuộc đối kháng.  Cảnh sát an ninh bây giờ đều biết họ là ai.  Họ đã lộ diện.  Nếu chế độ Mubarak còn tồn tại, hoặc đánh lừa chúng ta để tồn tại, thì những người lãnh đạo cuộc xuống đường này đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm.  Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất cho những người đứng lên chống lại chế độ”.  “Chế độ này chưa sụp đổ, thì sẽ có thể có một cuộc đàn áp năng nề”.
(Tổng hợp theo CNN, Aljazeera, MENA, AP)
Ngày 8 tháng 2 – Cuộc xuống đường đã bắt đầu vào tuần thứ ba.
Hôm qua chính quyền Mubarak vừa tuyên bố sẽ tăng 15% lương và tiền hưu trí cho hơn 6 triệu nhân viên chính phủ bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 tới đây.  Động thái này nhằm giảm bớt sự phẩn nộ cũng như cố gắng lấy lại sự ủng hộ của dân chúng Ai Cập, đặc biệt là thành phần công chức, những người trực tiếp trong guồng máy vận hành của chính quyền.  Hãng thông tấn AP cho biết, những người ủng hộ ông Mubarak tấn công vào đoàn biểu tình trong tuần qua chính là những công chức lãnh lương của chế độ.Sinh hoạt tại thủ đô Cairo đang từ từ trở lại bình thường.  Thời gian giới nghiêm được thu ngắn lại từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng.  Cuộc biểu tình được thu nhỏ hơn vào chu vi quãng trường Giải Phóng (Tahrir).  Dân chúng biểu tình đã dựng lều ngủ qua đêm và chuẩn bị lương thực cho tình trạng kéo dài.  Tinh thần của những người biểu tình vẫn còn rất cao.  Tài tử điện ảnh Ai Cập Khalid Abldalla có mặt trong đoàn biểu tình nói “Những người biều tinh ở quãng trường này muốn giải tán cái chế độ cảnh sát trị này, muốn huỷ bỏ đạo luật quân sự khẩn cấp, muốn giải tán cái quốc hội giả tạo không đại diện dân”.
Thái độ của chinh quyền Mubarak sẵn sàng đối thoại và nhượng bộ một số đòi hỏi của một số thành phần trong phe đối lập, cộng thêm sự phân hoá của phe đối lập và thái độ thụ động của quân đội đã làm cuộc xuống đường chống tham nhũng và độc tài ở Ai Cập thêm khó khăn.  Để gia tăng thêm sức ép lên phe đối lập, Thủ Tướng Ahmed Shafiq, trong cuộc phỏng vấn truyền đi trên đài tuyền hình đã tuyên bố hàm ý có thể bắt giam bất cứ ai đến thăm tiến sĩ Mohamed ElBaradei, một trong những lãnh tụ đối lập từ nước ngoài về: “Cơ quan an ninh chưa bắt giữ một người nào đã tham dự cuộc xuống đường ở quãng trường Tahrir, nhưng nếu có bắt giữ, thì lý do là họ đã đến thăm một người đang tạo khó khăn cho chính phủ và đang bị theo dõi bởi lực lương an ninh”.
Đang có chỉ dấu bất mãn với Hoa Kỳ, khi một số người biểu tình cho rằng chính phủ Hoa Kỳ không đứng hẳn về phía nhân dân Ai Cập.  Họ cho rằng việc chính phủ Hoa Kỳ lo sợ Ai Cập có thể trở thành một quốc gia Hồi Giáo cực đoan như Iran không có căn cứ và sai lầm.  “Đây là cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập.  Không phải của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo”.
Sự việc trớ trêu khi chính tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã vào bàn hội nghị với chính quyền độc tài Mubarak ngày hôm qua, trong khi những người xuống đường vì dân chủ, chống độc tài còn đang hô khẩu hiệu tại quãng trường Tahrir.Chính phủ các quốc gia ở Âu Châu và Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Ai Cập, tuy nhiên những chỉ dấu cho thấy chế độ đang vượt qua cuộc nổi dậy của dân chúng và ông Mubarak có thể ngồi yên trên ghế Tổng Thống cho đến tháng 9 năm nay.
(theo tin từ Aljazeer,Washington Post,  AlMasryAlYoum News, AP)
Thứ Hai, 7 tháng 2
Cuộc xuống đường vẫn tiếp diễn qua ngày thứ 14.Hôm qua, 6 tháng 2, một cuộc họp mặt lịch sử đã diễn ra giữa một số đại diên phe đối lập và chính quyền Mubarak.  Lần đầu tiên lãnh đạo của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, tổ chức mạnh nhất trong các phe đối lập đã bị đặt ngoài vòng pháp luật từ mấy chục năm qua, trực tiếp đối thoại với Phó Tổng Thống Suleiman…
Một số điểm quan trọng được thảo luận như mở rộng tự do báo chí, tự do ngôn luận, trả tự do tất cả những người biểu tình đã bị giam giữ trong hai tuần qua và việc hủy bỏ đạo luật quân sự khẩn cấp được lập ra từ năm 1981, trong tương lai.
Thành phần phe đối lập tham dự ngoài tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo gồm có đại diện của đảng WAFD,  đảng AHRAR, và 6 thanh niên thuộc tổ chức “January 25” (Ngày 25 tháng 1), tên của tổ chức này được đặt dựa trên ngày đầu tiên của cuộc xuống đường.Tuy nhiên, theo những người đang tiếp tục kêu gọi biểu tình cho biết thì họ không thỏa mãn về buổi họp này vì cho rằng những tổ chức nói trên không đại diện cho họ.
Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã tuyên bố từ những ngày đầu là sẽ không thương lượng với chính quyền cho đến khi ông Mubarak từ chức, nhưng nay họ đã chuyển hướng, còn nhóm “Ngày 25 tháng 1” thì họ chưa được biết tới.  Đối với những người này thì điểm đòi hỏi quan trọng của phe đối lập là Tổng Thống Mubarak phải từ chức ngay tức khắc vẫn chưa được đáp ứng.Ông Mohamed ElBaradei, một trong những lạnh tụ của phe đối lập đã tỏ ý nghi ngờ về thiện chí của chính quyền Mubarak.  Ông cho rằng nếu ông Mubarak vẫn chưa ra đi thì chính quyền có thể lấy sức trở lại và trả thù những người đã chống lại họ.
Trong khi đó những người đại diện tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, ông Mohammed Mursi và ông Mohamed Saad Al Katatni, đã tuyên bố rằng những thoả thuận đạt được với chính quyền Mubarak quan trọng cho tiến trình chuyển giao quyền lực và giải thể quốc hội đương thời.  Họ cũng cho biết những người trách nhiệm trong việc tạo ra cuộc bạo loạn sẽ bị đem ra xét xử thích đáng.  Ngày 1 tháng ba sắp tới, tổ chức này sẽ bắt đầu làm việc cùng chính quyền để sửa lại hiến pháp và cái tổ quốc hội.
Từ phía Hoa Kỳ, tổng thống Obama ủng hộ việc thay đổi chính quyền một cách hoà bình nhưng không tin tưởng vào tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo có thể đại diện cho tất cả các phe đối lập.  Ông nói : “ Họ (Huynh đệ Hồi Giáo) không đại diện cho số đông tại Ai Cập, nhưng họ có tổ chức tốt.  Vẫn còn rất nhiều các phe nhóm khác tại Ai Cập, còn nhiều nhà trí thức và các thành phần xã hội dân sự ở Ai Cập đã cùng đứng ra trong cuộc xuống đường.  Tương lai của Ai Cập hiện đang nằm trong tay của chính nhân dân Ai Cập.”
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng Bí Thư đảng cầm quyền Dân Chủ Quốc Gia đã từ chức.   Con trai tổng thống Mubarak, ông Gamal Mubarak, cũng đã chính thức rút lui khỏi các vị trí trong đảng.(Theo Aljazeera, CNN, AP, Egypt Daily News)
Thứ Bảy, 5 tháng 2 – Ngày thứ Sáu, “Ngày ra đi”, đã qua nhưng cả Tổng Thống Mubarak lẫn phe dân chủ đối lập vẫn giữ nguyên vị trí không bên nào nhượng bộ.  Cuộc xuống đường tiếp tục bước qua ngày thứ 12, dù đã khuya nhưng vẫn có vài ngàn người tụ tập tại quãng trường Giải Phóng Tahrir, có những nhóm vừa hát vừa hô khẩu hiệu.
Những người biểu tình nói “chúng tôi sẽ không lùi bước cho đến khi ông Mubarak bước xuống, chết hay được tự do”.Cuộc xuống đường chống tham nhũng và độc tài của nhân dân Ai Cập đã bắt đầu nổ ra từ thứ Ba tuần rồi.  Trên trang mạng “Tin Ai Cập hàng ngày” đăng tin gia sản của gia đình ông Mubarak lên tới 70 tỉ mỹ kim.
Theo tin của hãng thông tấn Aljazeera, giới “tin tặc” Ả Rập cũng đã nhập cuộc hỗ trợ cuộc xuống đường bằng cách đột nhập vào các trang mạng của chính quyền để dán những tuyên cáo và lời kêu gọi của phe đối lập.
Cũng theo hãng tin trên, đã có hơn một triệu người xuống đường trên các thành phố lớn ở Ai Cập trong ngày thứ Sáu.  Những cuộc đụng độ giữa phe chống và ủng hộ tổng thống Mubarak đã giảm sút nhiều.  Trong khi đó, các nhà báo Ai Cập và nước ngoài vẫn bị xách nhiễu.  Trụ sở hãng thông tấn Aljazeera đã bị cảnh sát Ai cập tấn công, máy móc bị tịch thu.  Trưởng văn phòng Aljazeera tại Cairo cùng với 2 phóng viên bị bắt giam. Bộ Y Tế Ai Cập cho biết đến nay đã có 11 người chết, trong đó có một ký giả Ai Cập và trên 900 người bị thương nhưng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì con số này cao hơn nhiều, có hơn 300 người bị chết và hơn 5000 người bị thương.
Thủ tướng Hy Lạp, George Papandrerau đại diện cho Khối Liên Hiệp Âu Châu, đang trên đường đến Ai Cập để thảo luận với tổng thống Mubarak trực tiếp về nhưng quan tâm của khối này về những diễn biến đang xảy ra và những giải pháp cho giai đoạn chuyển tiếp.Từ Washington, Tổng Thống Obama cùng với Thủ Tướng Canada, Stephen Harper, cùng kêu gọi Tổng Thống Mubarak hãy lắng nghe nguyện vọng của nhân dân Ai Cập và thực hiện việc chuyển giao quyền lực ngay tức khắc để nhanh chóng tái ổn định tình hình xã hội và chính trị.
Trước mắt, theo các bình luận gia, các áp lực ngoại giao từ thế giới và áp lực nội tại từ chính trong thành phần chính quyền sẽ là những yếu tố quyết định tình hình Ai Cập biến chuyển theo hướng nào.(theo tin Aljazeera, CNN)
Thứ Sáu:  Ngày ra đi của Mubarak ?
Tình hình Ai cập đang đến hồi quyết định.  Hôm nay thứ Sáu, phong trào dân chủ đối lập tuyên bố sẽ tăng cường cuộc xuống đường và mục tiêu là dinh tổng thống với khẩu hiệu “Friday:  Freedom is just a Palace Away” (tạm dịch “Thứ Sáu:  Tự Do chỉ còn cách một toà nhà”).  Họ tin tưởng rằng đây là “cú đẩy cuối cùng” để buộc Tổng Thống Mubarak phải ra đi.
Trả lời cuộc phỏng vấn đặc biệt của hãng thống tấn ABC News, Tổng Thống Mubarak nói ông ta đã “chán” làm tổng thống, sau 62 năm “phục vụ nhân dân” ông sẵn sàng bước xuống nhưng ông phải ở lại vì sự ra đi của ông sẽ mang lại nhiều rối loạn cho Ai Cập.  Tuy ông vẫn chưa từ chức nhưng đây đã là chỉ dấu đầu tiên cho thấy đã có nhiều diễn biến lớn trong nội tình chính quyền độc tài Mubarak.   Hiện nay ông Mubarak đang ở trong dinh Tổng Thống được canh giữ chặt chẽ với các đơn vị quân đội, dây kẽm gai và xe tăng bao bọc.
Mặc dù Thủ Tướng Ahmed Shafiq, đã chính thức lên án những hành vi xử dụng bạo lực, những cuộc đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra trên đường phố nhưng với mức độ nhỏ hơn.  Trong khi đó, giới truyền thông nước ngoài đã bị tấn công bởi chính những nhân viên an ninh của chính quyền.  Theo báo cáo của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (Committee to Protect Journalists (CPJ)), trụ sở tại New York, chỉ trong buổi chiều thứ Năm đã có 24 vụ bắt giữ, 21 vụ hành hung và 5 vụ máy móc bị tịch thu hay bị phá hoại.  Trên hệ thống truyền hình quốc gia, Phó Tổng Thống Ai Cập đã nhắc tới vai trò của truyền thông và đổ lỗi cho các nhà báo đã tạo ra cuộc “nổi loạn” của dân chúng.Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Clinton đã lên án việc tấn công vào các nhà báo của chính quyền Ai Cập một cách mạnh mẽ “Đây là hành động vi phạm những hiệp ước quốc tế bảo đảm quyền tự do của báo chí và không thể chấp nhận được dù dưới bất cứ trường hợp nào”.
Một nhân viên Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ cho hay đã có những tin tức người đứng đằng sau việc tấn công các nhà báo là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Ai Cập.Song song, tin từ Nhà Trắng cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang xúc tiến việc đưa ra các giải pháp để cuộc thảo luận giữa các phe đối lập và chính quyền Ai Cập được xảy ra nhanh chóng, thúc đẩy Tổng Thống Mubarak phải từ chức ngay và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời mới với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội.  Chính phủ lâm thời sẽ phụ trách việc tiến hành tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng vào cuối năm 2011.
Tình hình đang biến chuyển nhanh chóng theo chiều hướng thuận lợi hơn cho phong trào dân chủ Ai Cập sau khi họ bị tấn công bằng vũ lực bởi phe ủng hộ ông Mubarak. Tuy nhiên không ai có thể biết trước kết quả sẽ ra sao trong vài giờ tới đây.  Liệu Mubarak sẽ ra đi hay sẽ có một cuộc tắm máu như Thiên An Môn ở Trung Quốc ?
(theo Al Jazeera TV, CNN, AP, CTVNews)
Đụng Độ Lớn Ở Ai Cập
(Tin cập nhật) – Tin từ phóng viên Jon Leyne của hãng thông tấn BBC vừa cho biết “Quân đội quyết định sẵn sàng ủng hộ cuộc xuống đường của nhân dân Ai Cập”.  Dù tình hình vẫn còn căng thẳng nhưng đây là chỉ dấu mạnh mẽ nhất cho thấy chế độ độc tài của đảng Dân Chủ Quốc Gia của ông Mubarak đang đến hồi kết thúc.Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Mubarak vừa tuyên bố con trai của ông, ông Gamal Mubarak, 46 tuổi, người dự định sẽ lên kế vị cha, cũng sẽ không tham gia cuộc bầu cử vào tháng 9 tới đây.
Tuy nhiên, lời tuyên bố này không có kết quả.  Lãnh tụ đối lập, Tiến sĩ Mohamed ElBaradei đã từ chối không chấp nhận thương thuyết cho đến khi tổng thống Mubarak từ chức.Phe đối lập cho hay nếu ông Mubarak không chịu từ chức thì một cuộc xuống đường quy mô sẽ xảy ra và lần này không phải ở quãng trường Giải Phóng Tahrir nhưng ở ngay dinh tổng thống.(Tổng hợp từ CNN, BBC, Egypt News)
Bên cạnh đó, một sự kiện ngoạn mục vừa xảy ra, tân Thủ tướng Ai Cập,  Ahmed Shafiq, người vừa được Tổng Thống Mubarak chỉ định hôm thứ Bảy, đã đứng ra xin lỗi nhân dân về vụ bạo loạn vừa xảy ra ngày hôm qua.  Ông tuyên bố sẽ cho tiến hành điều tra việc tấn công vào dân biểu tình có phải là một âm mưu nhằm phá hoại các nhóm đối lập có tổ chức hay không.

Tân Thủ tướng Ai Cập – Ahmed Shafiq – xin lỗi nhân dân trên truyền hình
Cùng lúc, cựu Bộ trưởng Nội Vụ Ai Cập, Habib Adli, người phụ trách lực lựợng cảnh sát, an ninh toàn quốc và một số nhân viên chính phủ cao cấp trong nội các cũ của ông Mubarak vừa bị phong toả tài sản và cấm rời khỏi Ai Cập cho đến khi trật tự được vãn hồi và việc điều tra kết thúc.Tính đến cuối ngày, đã có 5 người bị chết và 836 người bị thương.  Mặc dù số người của phe ủng hộ thống thống Mubarak đã giảm sút đáng kể nhưng tình hình tại thủ đô Cairo vẫn rất căng thẳng.(theo CNN)
*Thứ Tư, ngày 2 tháng 2 – Không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi của đoàn biểu tình, Tổng Thống Mubarak đã ngầm ra lệnh cho các thành phần ủng hộ tổ chức tấn công vào đoàn biểu tình ôn hoà.  Trên hệ thống truyền hình ngoại quốc chiếu cảnh những người ủng hộ ông Mubarak đã cỡi ngựa, lạc đà, dùng kiếm và bom xăng tấn công vào dân biểu tình không có vũ khí tự vệ. 
Cuộc đụng độ giữa hai bên đã khiến ít nhất 3 người bị chết và hơn 600 người bị thương.   Trong khi đó, các đơn vị quân đội vẫn giữ thế thụ động không can thiệp.  Với vũ khí và thái độ hung hãn sẵn sàng giết người, phe ủng hộ ông Mubarak đã chiếm được quãng trường  Tahrir (Giải Phóng), nơi mà dân chúng đã thực hiện cuộc xuống đường lịch sử một cách ôn hoà trong suốt tám ngày qua.
Trong phần tường thuật của một ký giả Canada Martin Seemungal trực tiếp từ thủ đô Cairo cho biết, một người trong phe chống biểu tình ủng hộ ông Mubarak đã cho hay anh ta là công nhân của công ty xăng dầu quốc gia, được lệnh từ cấp trên đến chống cuộc biểu tình.   Một người khác bị chết vì té từ trên cầu xuống bị nhận diện là nhân viên an ninh, nhưng lại mặc quần áo thường phục.
Những người biểu tình ôn hòa đã tố cáo chính quyền đã ra lệnh cho những thành phần bất hảo được trả tiền để tấn công vào dân chúng (tương tự với hình thức nhà nước Việt Nam xử dụng “quần chúng tự phát”).Việc phe ủng hộ ông Mubarak xuất hiện bất ngờ tấn công vào người dân đang biểu tình đã xảy ra cùng lúc với việc các ký giả ngoại quốc bị tấn công, hành hung khi đang làm việc lấy tin.  Sự việc này chưa từng xảy ra trong suốt 8 ngày biểu tình qua.  Một phóng viên bị giật máy, cuớp tiền bạc, các giấy tờ tuỳ thân và bị đánh trọng thương đang được cấp cứu tại một nhà thương trong thủ đô.
Thế giới đã nhanh chóng lên án việc xử dụng bạo lực đối với những người dân biểu tình ôn hoà.  Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama tuyên bố, Ai Cập phải tiến hành việc cải cách và đổi mới chính trị ngay tức khắc.
http://danlambao1.wordpress.com

Thụy Sĩ phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Ai Cập

Các chuyên viên nước ngoài ước lượng tài sản của gia đình ông Mubarak có thể từ 40 tỉ đến 70 tỉ đô la
Hình: photos.com
Các chuyên viên nước ngoài ước lượng tài sản của gia đình ông Mubarak có thể từ 40 tỉ đến 70 tỉ đô la

Tài sản của Hosni Mubarak

Như Thanh (Danlambao) – Hosni Mubarak vừa rời Cairo, chấm dứt gần 30 năm cai trị dân tộc Ai Cập bằng bạo lực. Từ nay và mãi mãi về sau tên Hosni Mubarak đồng nghĩa với một chế độ độc tài và tham nhũng trầm trọng nhất trong lịch sử của một trong những quốc gia có nền văn minh sớm nhất loài người.
Hosni Mubarak tên đầy đủ là Muhammad Hosni Sayyid Mubarak, tiếng Á Rập là محمد حسني ,sinh ngày 4 tháng 5, 1928. Y đã giữ chức vụ Tổng Thống Ai Cập  từ 14 tháng Mười 1981, sau khi Tổng Thống Anwar El Sadat bị ám sát. Hosni Mubarak là độc tài cai trị Ai Cập lâu nhất sau Ali Pasha. Mubarak bắt đầu con đường chính trị qua ngã quân sự và là Tư Lịnh Không Quân Ai Cập từ 1972 đến 1975.
Từ tháng Giêng 2011, dân chúng, đông nhất là giới trẻ Ai Cập đã đứng lên đòi dân chủ. Phong trào đã mở rộng sang mọi tầng lớp nhân dân và tuần qua công nhân đã bắt đầu đình công để yểm trợ cho cuộc cách mạng dân chủ Ai Cập.
Tối 11 tháng 2 2011, trái với các lời tuyên đoán của các nhà phân tích chính trị, Hosni Mubarak đã không từ chức. Theo các quan sát viên theo dõi tình hình Ai Cập, lẽ ra tối 11 tháng 2 Hosni Mubarak đã từ chức theo kế hoạch nhưng vào phút chót vì nuối tiếc thời vàng son, tuyên bố nhường quyền lại cho phó Tổng Thống thay vì dứt áo ra đi.
Tài sản của Hosni Mubarak khác nhau tùy theo ước tính của các nguồn điều tra. Tuy nhiên dù nguồn nào, cũng vào khoảng từ 40 tỉ đến 70 tỉ đô la.
Theo báo Anh Guardian, của cải của Hosni Mubarak và gia đình ông ta được ký thác vào các ngân hàng ở Anh và Thụy Sĩ cũng như đầu tư vào tài sản cố định tại London, New York, Los Angeles và các khu vực vùng Hồng Hải.
Theo điều tra của hãng tin ABC, “Sự nghiệp tham nhũng” của Hosni Mubarak bắt đầu từ khi y còn là Tư Lịnh Không Quân.  Khi nắm quyền tổng thống, Hosni Mubarak đã khôn khéo phân phối quyền đứng tên tài sản cho các thành viên trong gia đình Mubarak. Vợ và hai con của Mubarak tích trữ một tài sản khổng lồ thông qua các liên doanh đầu tư với các công ty nước ngoài. Giáo sư Christopher Davidson, môn chính trị Trung Đông tại đại học Durham cho biết theo luật đầu tư Ai Cập, các nhà đầu tư quốc tế phải để các nhà đầu tư Ai Câp sở hữu ít nhất 51 phần trăm công ty. Theo báo Á Rập Al Khabar, Hosni Mubarak có tài sản trong khu giàu có Manhattan, New York và Beverly Hills, California.
Trong nước, gia đình Hosni Mubarak sở hữu hay có phần hùn trong gần như các công ty quan trọng, thậm chí cả trong hệ thống nhà hàng Chilli, nhập cảng xe hơi Hyundai, Skoda, khách sạn, chung cư v.v.Không chỉ riêng Hosni Mubarak mà cả con trai của y cũng là tỉ phú. Các cuộc biểu tình phía bên ngoài biệt thự sang trọng của con trai Hosni Mubarak tại số 28 Wilton Place, Belgravia, trung tâm London, cho thấy đời sống vương giả của gia đình Hosni Mubarak.
Theo tác giả Aladdin Elaasar, tác giả của nghiên cứu The Last Pharaoh: Mubarak and the Uncertain Future of Egypt in the Obama Age, chẳng những làm giàu băng xương máu nhân dân, Hosni Mubarak và gia đình còn “tiếp thu” tài sản của các vua chúa và các lãnh đạo trước đã qua đời.
Trong lúc Hosni Mubak và gia đình sống một cuộc đời vương giả, bình quân lợi tức đầu người tại Ai Cập chỉ 2,070 đô la. Nhưng không phải người dân Ai Cập nào cũng may mắn được có 2 ngàn đô la lợi tức, 20% dân chúng đang sống dưới mức nghèo đói.


No comments:

Post a Comment