Pages

Tuesday, March 29, 2011

Vụ xử Cù Huy Hà Vũ: Ai tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam?


Bùi Tín Blog 
Việc xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ được hoãn lại từ ngày 24-3-2011 sang ngày 4-4-2011. Phía tòa án giải thích là để chuẩn bị tốt hơn việc biện hộ cho bị cáo tại tòa. Thế là thiện chí của tòa, để cho phiên tòa thêm công minh, tốt quá rồi còn gì. Đây là lần hoãn thứ hai.
Xin chớ vội vui mừng cho bị cáo.
Hãy chờ ngày 4-4, để xem cho kỹ phiên tòa sẽ tiến hành ra sao, có đúng theo mọi điều khoản của bộ luật Hình sự tố tụng không? có thật sự công khai không? có để các phóng viên báo chí trong ngoài nước tham dự hay không? gia đình, người thân, bạn bè anh Hà Vũ có được dự hay không? bị cáo và các luật sư có được trình bày hết ý hay không? việc luận tội và tuyên án có hợp lý, hợp luật, hợp theo Hiến pháp hiện hành hay không?
Cả xã hội ta, nhất là bạn bè, người thân, các chiến sỹ dân chủ như nín thở để theo dõi kỹ phiên tòa, xem chủ tọa Hội đồng xét xử, các thẩm phán, công tố viên, đại diện Viện kiểm sát…là những ai, họ có làm đầy đủ trách nhiệm trước xã hội và nhân dân hay không? có công bằng, vô tư, khách quan, chỉ xét xử theo luật pháp mà thôi hay không?
Phiên tòa này là một thử thách quan trọng đối với nền tư pháp Việt Nam, đối với chế độ chính trị hiện tại, đối với đảng Cộng sản, đối với Bộ Chính trị đang nắm trọn quyền lãnh đạo đất nước. Đây là một xét nghiệm hùng hồn, sinh động, chuẩn xác, phơi bày bản chất của nền tư pháp Việt Nam trong thời gọi là «Đổi mới».
Có một loạt tình tiết của vụ án người dân bình thường muốn nêu lên để mong các quan chức làm nhiệm vụ cầm cân nảy mực trong phiên tòa làm rõ trước công luận.
Trước hết việc cơ quan công an khởi đầu vụ án bằng cách nêu lên chuyện luật sư Hà Vũ vào Sài Gòn chơi gái mãi dâm ở khách sạn, đột nhập bắt giữ, chụp ảnh tại phòng, còn mang ra thủ đô một bao cao su đã qua xử dụng làm bằng chứng … có phải là chuyện đúng đắn, đàng hoàng không? Một việc làm như thế có phải là vô tình «tuyên truyền chống nước CH XHCN Việt Nam» như tên gọi của vụ án không?
Sau đó cơ quan điều tra tịch thu máy điện toán của luật sư Hà Vũ, «khám phá ra» một loạt bài viết và trả lời phỏng vấn công khai với một số đài phát thanh quốc tế, và kết luận rằng những nội dung chính kiến của ông Hà Vũ là phản động, là phạm pháp, là có tội, vậy lý lẽ là ở đâu?
Việc ông Hà Vũ coi chế độ 1 đảng duy nhất độc quyền cai trị là sai lầm gốc, là có hại cho đất nước, việc ông coi khai thác bauxite ở Tây Nguyên là sai lầm, nguy hiểm lớn về nhiều mặt cho đất nước, việc ông cho rằng Việt Nam ta cần «gắn bó, liên minh với các nước dân chủ quốc tế để chống bành trướng xâm lược là mệnh lệnh của thời đại»… có thể coi là những tư tưởng phản động, phản quốc, phản nhân dân được không? Đó là những chính kiến, ý tưởng trong đầu óc, trong tư duy, chưa hề được thực hiện bằng hành động, vậy «quyền tự do tư tưởng», «quyền tự do ngôn luận» được Hiến pháp bảo đảm nằm ở đâu rồi?
Ngay cả việc ông Hà Vũ phát đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương khai thác bauxite khi chưa có đồng thuận của Quốc hội, sao tòa án không xét xử và kết luận? Sao không giải thích rằng ông Dũng không phạm điều luật nào, rằng ông Hà Vũ không có lý để phát đơn kiện. Sao lại đi kết tội ông Hà Vũ? Ông Hà Vũ nói lên sự thật, không bịa đặt, không vu cáo ai. Quyền công dân cho phép ông làm việc ấy.
Theo công luận trong nước tôi được biết, nếu quả là người tử tế, ông Nguyễn Tấn Dũng nên kịp thời tỏ ý kiến yêu cầu chủ tọa phiên tòa 4-4-2011 này ở giữa Hà Nội hãy xử thật công bằng, thật có công tâm vụ án Cù Huy Hà Vũ, để anh tự do trở về với gia đình ngay, sau 5 tháng ngồi tù một cách phi lý, phi pháp và vi hiến. Cả xã hội sẽ vui mừng, nhẹ nhõm.
Không có việc làm nào có thể tuyên truyền tốt đẹp hơn cho nước CH XHCN Việt Nam bằng một việc làm hợp lý, hợp pháp, hợp tình người và hợp thời đại như thế.
Bùi Tín Blog

=====================

Điều hành quốc gia theo kiểu dân chợ búa

Lời người xưa:
Lấy nhân nghĩa chinh phục nhân tâm là kẻ trí
Lấy sức mạnh cự lại sức mạnh là kẻ dũng
Mỗi cái điều dùng sức mạnh là kẻ bất tài

Cách nay ngót nghét chắc cũng hai mươi năm, nhà văn Nhật Tiến -được biết đến với cuốn Thềm Hoang, đoạt giải văn học hồi thập niên sáu mươi của thế kỷ trước- về Vn “thăm dân”, rồi trở qua Mỹ mới “cho biết sự tình”. Ông tuyên bố rằng: tình trạng Vn như nồi cám heo. Đến hôm nay, hai mươi năm sau, “nồi cám heo” đã “bốc mùi”, còn tệ hại hơn nồi cám heo của ông Nhật Tiến thời đó.
Bây giờ cánh cửa căn nhà Vn đã he hé, Internet có sẵn, chỉ cần ngồi một chỗ, người ta dầu ở bất kỳ nơi đâu trên quả địa cầu này cũng đều biết mọi việc từ Bắc chí Nam.
Cũng chính vì mở cửa nên dân nghèo đói vùng nông thôn phân tán, lưu lạc khắp mọi nơi, nạnh ai nấy kéo về nơi có “ánh sáng” của thành phố; đi Tây, đi Mỹ, đi Tàu… , bằng đủ mọi ngành nghề, bằng đủ mọi kiểu cách tìm việc, tìm chỗ nương thân để kiếm sống. Cái gì chứ khi mà con người tập trung nơi phố thị đông đúc thì đương nhiên sinh ra lắm “tật” và cũng nhiều “tài”. Người nghèo đói nhìn kẻ có tiền, nhìn hào nhoáng vật chất nẩy sinh lòng tham, là một trong hàng trăm ngàn nguyên nhân để họ sinh tật. Đó là một trong nhiều trường hợp chính quyền không có khả năng điều hành trong quản lý quốc gia, phân bổ dân số, dẫn đến tệ nạn.
Nói về quản lý đất nước thì phải nhìn nhận rằng chính quyền Vn không có một chút xíu gì khả năng cả. Chính vì không có khả năng nên mới có chuyện: cái gì không ổn thì cấm. Cấm không xong thì tịch thu, bắt nhốt gọi là cải tạo, giáo dục, học tập. Cải tạo xong, thả ra thì cũng vẫn chứng nào, tật nấy. Là một kinh nghiệm sống, nên họ có lắm mưu nhiều kế đối với chính quyền còn tinh vi hơn xưa. Rồi chính quyền cũng lập mưu chống trả. Sự tha hóa cứ thế mà leo thang.
Cái tư tưởng, lòng dạ của con người không thể ép, cấm. Muốn giáo dục con người là giáo dục bắt đấu từ cái tâm. Cái tâm bộc lộ ra bằng lời, tâm địa xấu thì sẽ dẫn đến hành động không tốt. Trước tiên phải trị cái tâm bằng ngôn luận, không ai đi trị bằng roi, bằng đòn thù. Tranh luận để đi tìm mục đích chung nằm giữa cái đúng và cái sai.
Xã hội sa đọa là thuộc về căn bệnh đạo đức nhiều năm biến thái tinh vi, bám trong cơ thể quốc gia ăn lan ra ngoài xã hội. Mà là căn bệnh quái ác của xã hội thì không thể điều trị bằng cách cắt khối u, giải phẫu là xong. Chữa bằng cách cấm, nhốt, đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu và là nền tảng ổn định về lâu về dài. Như thế là đường lối, chủ trương quản lý quốc gia đó sao?! Rồi cưỡng chế. Mà hễ nghe đến hai chữ cưỡng chế (có người còn gọi là ép buộc) thì dầu đúng hay sai người ta cũng coi đó là hành động của những kẻ côn đồ, dân chợ búa. Không thể biện minh cho hành động này.
Đã không có khả năng điều hành quốc gia mà lại còn cấm kiến nghị tập thể thì chắc ai cũng nhận ra là kẻ ngu dốt đang ngồi trên đầu dân tộc. Đồng thời, nếu người ta góp ý thì bảo thiếu tinh thần xây dựng. Người lãnh đạo mà đã ăn nói theo kiểu này thì ai cũng biết ngay trình độ nhận thức của họ, là người ngu hay khôn? Thử hỏi: nếu lãnh đạo để thất để thoát hơn bốn tỷ Mỹ kim của dân, dầu người dân có hạch sách, chửi cha lãnh đạo đi nữa thì đó cũng là tinh thần xây dựng quốc gia đấy. Mà như thế nào mới gọi là xây dựng nhỉ!? Cái thằng ăn bẩn, phá của quốc gia trực tiếp với một số tiền khổng lồ như thế, nếu tìm ra được bằng chứng tham ô, đương nhiên theo luật Vn là phải đem nó tử hình; còn cái thằng chi tiền cho cái đám tham ô thì kiểm điểm, phê bình, xây dựng, nhận trách nhiệm rồi huề tiền thôi sao!? Ai tin là thằng chi tiền trong sạch? Bây giờ còn giao cho thanh tra -mấy con gà nhà- “làm rõ”, chỉ để làm kiểng. Quốc hội tới mấy trăm thằng, biết thằng nào ngoan, thằng nào chứng mà giao! Điều hành đất nước như thế, một đứa con nít ma lanh cũng làm được. Một thằng tự kiểm; Một thằng bị khóa sổ, giơ cao đánh khẽ rồi mọi chuyện sẽ êm ru thôi! Khỏi cần truy cứu trách nhiệm thêm chi nữa. Làm chi cho lớn chuyện, sợ cái bọn lợi dụng quyền tự do dân chủ sẽ bới móc, đánh phá lòi ra tùm lum thì không đẹp mặt chút nào. Đó cũng là một nguyên nhân bao che mờ ám làm cho xã hội đi đến tha hoá.
Cái dân anh chị trùm đứng đường, bao bến bãi cũng có luật, cũng có “điều 4 hiến pháp”. Đôi khi chúng cũng áp dụng luật bất thành văn. Hễ không đồng ý, chúng dùng đàn em gọi là nhân dân tự phát để “nói chuyện phải quấy” với đối phương; nếu không xong thì ép cho té xe gây tai nạn rồi bỏ chạy. Chúng cũng chơi luật theo cảm tính, lôi bè kết cánh, mạnh thắng, yếu thua; tạo sự đồng thuận để đàn em xum xuê, tâng bốc, cùng ngồi chung bàn dễ chấm mút, có chuyện thì bao che, bênh vực nhau; thích thì để yên, ai đầu phục chúng thì xong chuyên; ngược lại thì trấn áp, cưỡng chế, đánh cho… bỏ mẹ đứa nào mà dám xía vào chuyện nội bộ của chúng.
Vì trong khuôn khổ bài viết, đáng lý ra còn quá nhiều chuyện liên quan đến pháp lý, dài dòng, báo chí lề trái cũng đã đề cập không thiếu. Càng nhắc tới, thì càng làm nóng mặt thêm! Tôi chỉ muốn viết, đem so sánh hai trường hợp, giữa lãnh đạo quốc gia Vn với dân chợ búa, có tương đương nhau không?
Nguyễn Dư

PHILIPPINES XÚC TIẾN KHAI THÁC DẦU BIỂN ĐÔNG. BẮC KINH LỚN TIẾNG CẢNH CÁO

Philippines đã thăm dò và chuẩn bị khai thác m khí đt Sampaguita khu vc Reed Bank, cách qun đo Trường Sa 150 cây s v phía Đông

Đúng một hôm sau khi Philippines xác nhận kế hoạch xúc tiến việc khai thác dầu khí tại vùng Reed Bank gần quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa tất cả các nước có ý định tương tự. Đối với Bắc Kinh, khu vực Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc cho nên không ai có quyền tự ý thăm dò dầu khí trong vùng này nếu không được phép của Bắc Kinh.
Phát biểu vào hôm nay 24/03/2011 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã lại tuyên bố : « Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể chối cãi trên quần đảo Nam Sa và vùng biển tiếp giáp ». Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa : « Bất kỳ hoạt động của các nước hoặc các công ty thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc đều bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, và … bất hợp pháp và vô giá trị ».
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra 24 tiếng đồng hồ sau khi bộ Năng lượng Philippines xác nhận việc Công ty dầu khí Forum Energy, trụ sở tại Anh Quốc, đã hoàn tất giai đoạn thăm dò địa chấn tại vùng Reed Bank ở Biển Đông, ngoài khơi Philippines, và chuẩn bị công việc khoan giếng. Là một công ty nhỏ của tập đoàn Philippines, Philex Mining Corp., Forum Energy đã được trao quyền thăm dò và khai thác mỏ khí đốt Sampaguita ở khu vực Reed Bank, cách quần đảo Trường Sa 150 cây số về phía Đông.
Bà Khương Du đã tuyên bố như trên khi được mời bình luận về kế hoạch nới trên, nhưng không hề nêu đích danh Philippines hoặc công ty Forum Energy, cũng như không nói rõ là khu vực được thăm dò thực sự nằm trong vùng biển của Trung Quốc hay không.
Theo các nhà phân tích, thái độ cố tình mập mờ của Bắc Kinh thể hiện ý muốn lợi dụng trường hợp của Philippines để gởi tín hiệu đe dọa đến toàn bộ năm nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Trường Sa, từ Philippines, Việt Nam, Malaysia, cho đến Brunei và Đài Loan.
Hạm đội của Trung Quốc phóng hỏa tiển trong cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: AP
Lời cảnh cáo cũng nhằm hù dọa các công ty dầu khí quốc tế có hợp đồng thăm dò và khai thác với các láng giềng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, một số tập đoàn dầu khi Anh Mỹ làm ăn với Việt Nam đã từng bị Bắc Kinh dọa nạt, buộc chinh quyền Mỹ phải lên tiếng.
Sau cùng, tuyên bố hôm nay của Bắc Kinh, khi nhắc đến khái niệm « vùng biển tiếp giáp », được cho là cách thức để Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của trên khoảng 80% diện tích Biển Đông, nằm trong tấm bản đồ hình chữ U mà họ đã công khai hóa vào tháng 5 năm 2009. Đòi hỏi này được Bắc Kinh lập đi lập lại cho dù đã bị hầu hết các chuyên gia quốc tế đánh giá là không có cơ sở.
Nguồn: Trọng Nghĩa / RFI

No comments:

Post a Comment