Liên quan đến lãnh vực giáo dục ở Việt Nam, vào cuối tháng 5 vừa qua, có một sự kiện thu hút sự chú ý của quần chúng: cuộc hội thảo quốc tế về chống tham nhũng tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 5.Cuộc hội thảo do hai đơn vị cùng đứng ra tổ chức: Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Hà Nội. Đọc các bài tường thuật đăng tải trên báo chí Việt Nam về cuộc hội thảo ấy, chúng ta bắt gặp một sự mâu thuẫn khá thú vị: trong khi các quan chức Việt Nam, từ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Thanh tra Chính phủ đều khẳng định vấn đề tham nhũng trong lãnh vực giáo dục tại Việt Nam không có gì trầm trọng, ý kiến của các chuyên gia cả Việt Nam lẫn quốc tế đều ngược lại.
Ông Rolf Bergman, Đại sứ Thuỵ Điển thì cho “tham nhũng vẫn tràn lan”; Đại sứ Úc thì cho biết tham nhũng làm thất thoát khoảng 1-2% tốc độ tăng GDP mỗi năm của Việt Nam; Đại sứ Thuỵ Sĩ thì nhắc nhở mọi người là theo “chỉ số công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế năm 2009, Việt Nam được 2,77 điểm, đứng thứ hạng không cao trong số 180 nước so sánh.”
Các quan chức Việt Nam, ngược lại, cho các vụ tham nhũng trong lãnh vực giáo dục “không nhiều và quy mô không lớn”: “Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2006 đến nay có 8 hành vi tham nhũng tại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; 2 hành vi tham nhũng tại các cơ sở thuộc quản lý của Bộ, ngành khác; 13 sở GD&ĐT có phát hiện hành vi tham nhũng tại một số cơ sở do mình quản lý. Những hành vi này đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.”
Ngoài các số liệu chắc chắn là không đáng tin nêu trên, một trong các lập luận mà giới chức Việt Nam đưa ra để biện hộ cho nhận định của họ là ngân sách giáo dục, sau khi trừ tiền lương, còn lại rất ít. Mà tiền cấp ít thì cơ hội tham nhũng cũng ít.
Thật ra, lập luận như thế hoàn toàn không thuyết phục. Thứ nhất, không có chứng cứ nào cho thấy ngân sách ít thì tham nhũng ít cả. Đã đành là không có cán bộ nào trong lãnh vực giáo dục có thể bỏ túi cả mấy chục triệu đô la như các cán bộ trong lãnh vực đầu tư hay xây dựng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngân sách ít thì có ít người tham nhũng. Tham nhũng vài trăm ngàn đô, vài chục ngàn đô, thậm chí, vài ngàn đô thì cũng vẫn là tham nhũng.
Thứ hai, ngân sách giáo dục thường phân tán, ở nhiều cấp và nhiều trường khác nhau; tính chất phân tán ấy là điều kiện thuận lợi cho tham nhũng: mỗi nơi cắn xé một ít. Rất khó kiểm soát và kiểm tra.
Thứ ba, nói đến tham nhũng, không thể giới hạn trong số tiền của nhà nước. Vòi vĩnh một cách bất chính tiền bạc của phụ huynh học sinh cũng là tham nhũng. Buôn bán bằng cấp, học vị, học hàm và chức tước trong ngành giáo dục cũng là tham nhũng. Mà ở khía cạnh này, cơ hội để tham nhũng lại nhiều vô cùng: không có lãnh vực nào có nhiều người tham gia như là trong lãnh vực giáo dục.
Ở Việt Nam hiện nay có hơn 22 triệu học sinh. Cộng với hàng trăm ngàn sinh viên đại học và hậu đại học. Rồi còn số lượng cực lớn các giáo viên và giáo sư nữa. Tất cả đều là những nguồn tiền, dù nhỏ, cho những kẻ tham nhũng.
Bởi vậy, tham nhũng trong lãnh vực giáo dục khá phổ biến và cũng khá đa dạng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử thuộc Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông, có đến 9 hình thức tham nhũng khác nhau: “chạy trường (năm 2006, muốn vào học trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn, TP.HCM, mất 2000 USD); chạy điểm (vụ chạy điểm 553 triệu đồng ở Bạc Liêu); tham nhũng qua dạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng (kiên cố hoá trường học phát hiện 14% phòng học gây thất thoát hơn 27 tỷ đồng); xà xẻo khi mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí dự án giáo dục.”
Nguyễn Đình Cử chỉ giới hạn ở cấp phổ thông, từ tiểu học đến trung học. Còn ở đại học thì sao? Thì chắc chắn cũng đầy tham nhũng. Tham nhũng từ khâu tuyển sinh đến khâu tốt nghiệp. Muốn bảo vệ luận án thành công? Phải có quà cáp cho cả giáo sư hướng dẫn đến các giáo sư phản biện. Những điều này báo chí trong nước đã nói đến khá nhiều.
Viết đến đây, tôi sực nhớ một lần, năm 1996, nhà phê bình Đỗ Lai Thuý chở tôi đến chơi ở nhà giáo sư Trần Quốc Vượng. Buổi tối. Hôm đó Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa mới được bổ làm chủ nhiệm Khoa Văn hoá học ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Lâu rồi, tôi hoàn toàn không nhớ tối đó chúng tôi nói chuyện gì với nhau. Mà, thật ra, nói chuyện cũng không nhiều. Cuộc nói chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi các cú điện thoại gọi đến Trần Quốc Vượng. Không biết những người bên kia nói gì. Tôi chỉ nghe giọng Trần Quốc Vượng gắt lên: “Để mai tính, mày!” hay “Bây giờ tao đang có khách!” Sau đó, có tiếng gõ cửa. Trần Quốc Vượng vừa mở cửa vừa la lớn: “Tao đã nói là tao đang có khách mà! Khách Việt kiều đấy nhé! Về đi!” Thế nhưng mấy người kia vẫn vào. Vẫn cười cười. Và vẫn nói chuyện. Từ dáng điệu đến giọng nói đều có vẻ gì vừa nịnh nọt vừa bẽn lẽn.
Qua câu chuyện của họ, tôi biết họ đang vận động cho các chức vụ trong cái Khoa mới vừa được thành lập. Trần Quốc Vượng, tính tình bỗ bã, vừa gắt gỏng vừa xua tay. Mấy người kia vẫn năn nỉ. Đỗ Lai Thuý ngồi cắm cúi đọc cuốn sách anh mang theo. Tôi nhìn mông lung lên kệ sách và mấy bức tranh treo trên tường, nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện với tất cả sự tò mò của một tên Việt kiều lần đầu tiên về nước. Trước, lúc ở Việt Nam, tôi cũng đã từng đi dạy học; nhưng, thú thực, tôi hoàn toàn không biết gì về những kiểu vận động cửa sau như vậy. Dạy học ở ngoại quốc, tôi lại càng không biết những vụ như vậy. Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là “chạy chọt”.
Dĩ nhiên, kể lại chuyện trên, tôi không muốn nói Trần Quốc Vượng dính dáng đến tham nhũng. Không. Tuyệt đối tôi không có ý ấy. Tính cách ông không phải là người như vậy. Ông cũng không cần làm vậy. Điều làm tôi ngạc nhiên và để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là cách thức vận động chức vụ ở Việt Nam: Luồn cúi và đi cửa sau. Trong lãnh vực giáo dục mà còn thế, huống gì các lãnh vực khác béo bở hơn? Trí thức mà còn thế, huống gì những người không phải là trí thức?
Đồng ý số tiền đút lót trong lãnh vực giáo dục chắc không nhiều. Nhưng số tiền nhỏ không có nghĩa là tác hại của chúng cũng nhỏ. Ngược lại. Có thể nói không ở đâu tham nhũng lại có tác hại lâu dài và sâu sắc cho bằng tham nhũng trong giáo dục. Một cán bộ ngành xây dựng tham nhũng, cùng lắm, làm cho công trình giảm chất lượng đi một tí. Giảm thì sửa. Một cán bộ thuế vụ tham nhũng, ngân sách nhà nước sẽ bị giảm đi một tí. Giảm thì bù. Một cán bộ hải quan tham nhũng, một số mặt hàng lậu có thể tràn vào nước; hại thì có hại, nhưng nói thực tình, trừ ma tuý, chúng cũng chẳng làm chết ai cả.
Còn tham nhũng trong giáo dục?
Qua cách chạy điểm và buôn bán bằng cấp, người ta sẽ tạo ra vô số những trí thức giả, vừa kém tài vừa kém tư cách, những kẻ sẽ góp phần phá huỷ bất cứ một dự án tốt đẹp nào của xã hội. Dạy học, họ sẽ là những thầy cô giáo dốt. Làm việc, họ sẽ là những cán bộ tồi. Khi cái dốt và cái tồi ngồi cao hơn vị trí vốn có của chúng, chúng trở thành gian.
Nhưng tai hại nhất là ở hai điểm này:
Thứ nhất, chúng tạo ra hoặc khoét sâu thêm các bất công trong xã hội. Nói đến chuyện bình đẳng, hầu như ai cũng thừa nhận: quan trọng nhất là sự bình đẳng trong các cơ hội giáo dục. Có cơ hội giáo dục là có cơ hội thăng tiến. Có cơ hội thăng tiến là có tương lai. Có tương lai là có tất cả. Với sự xuất hiện của tham nhũng, cơ hội giáo dục của rất nhiều người sẽ bị cướp mất: vì nghèo, họ không thể vào học được các trường có chất lượng cao; hay vì nghèo, không thể học thêm ngay với các thầy cô giáo đang đứng lớp, do đó, không thể có điểm cao; và cũng do đó, mất hẳn tự tin, chẳng hạn.
Nhưng tai hại thứ hai này mới thực sự lớn: chúng làm cho trẻ em, ngay từ nhỏ, đã mất hẳn niềm tin vào công lý. Thi tuyển vào trường, các em biết kết quả không thuộc ở khả năng hay sự cố gắng của bản thân mà chủ yếu tuỳ thuộc vào quà cáp của bố mẹ. Ngồi trong lớp học, các em biết rõ thái độ của thầy cô giáo đối với mình sẽ khác hẳn đi không phải do hạnh kiểm bản thân mà do sự hào phóng của bố mẹ các em. Những bài học đầu đời, do đó, là những bài học xấu: mọi chuyện đều, có khi chỉ, được giải quyết bằng tiền. Và đồng tiền khôn luôn luôn là đồng tiền đi cửa sau.
Với những bài học đầu đời như vậy, tương lai các em sẽ ra sao?
Và đất nước sẽ ra sao?
Tôi không dám nghĩ tới.
Xin nhường câu trả lời cho quý bạn đọc.
Ông Rolf Bergman, Đại sứ Thuỵ Điển thì cho “tham nhũng vẫn tràn lan”; Đại sứ Úc thì cho biết tham nhũng làm thất thoát khoảng 1-2% tốc độ tăng GDP mỗi năm của Việt Nam; Đại sứ Thuỵ Sĩ thì nhắc nhở mọi người là theo “chỉ số công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế năm 2009, Việt Nam được 2,77 điểm, đứng thứ hạng không cao trong số 180 nước so sánh.”
Các quan chức Việt Nam, ngược lại, cho các vụ tham nhũng trong lãnh vực giáo dục “không nhiều và quy mô không lớn”: “Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2006 đến nay có 8 hành vi tham nhũng tại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; 2 hành vi tham nhũng tại các cơ sở thuộc quản lý của Bộ, ngành khác; 13 sở GD&ĐT có phát hiện hành vi tham nhũng tại một số cơ sở do mình quản lý. Những hành vi này đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.”
Ngoài các số liệu chắc chắn là không đáng tin nêu trên, một trong các lập luận mà giới chức Việt Nam đưa ra để biện hộ cho nhận định của họ là ngân sách giáo dục, sau khi trừ tiền lương, còn lại rất ít. Mà tiền cấp ít thì cơ hội tham nhũng cũng ít.
Thật ra, lập luận như thế hoàn toàn không thuyết phục. Thứ nhất, không có chứng cứ nào cho thấy ngân sách ít thì tham nhũng ít cả. Đã đành là không có cán bộ nào trong lãnh vực giáo dục có thể bỏ túi cả mấy chục triệu đô la như các cán bộ trong lãnh vực đầu tư hay xây dựng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngân sách ít thì có ít người tham nhũng. Tham nhũng vài trăm ngàn đô, vài chục ngàn đô, thậm chí, vài ngàn đô thì cũng vẫn là tham nhũng.
Thứ hai, ngân sách giáo dục thường phân tán, ở nhiều cấp và nhiều trường khác nhau; tính chất phân tán ấy là điều kiện thuận lợi cho tham nhũng: mỗi nơi cắn xé một ít. Rất khó kiểm soát và kiểm tra.
Thứ ba, nói đến tham nhũng, không thể giới hạn trong số tiền của nhà nước. Vòi vĩnh một cách bất chính tiền bạc của phụ huynh học sinh cũng là tham nhũng. Buôn bán bằng cấp, học vị, học hàm và chức tước trong ngành giáo dục cũng là tham nhũng. Mà ở khía cạnh này, cơ hội để tham nhũng lại nhiều vô cùng: không có lãnh vực nào có nhiều người tham gia như là trong lãnh vực giáo dục.
Ở Việt Nam hiện nay có hơn 22 triệu học sinh. Cộng với hàng trăm ngàn sinh viên đại học và hậu đại học. Rồi còn số lượng cực lớn các giáo viên và giáo sư nữa. Tất cả đều là những nguồn tiền, dù nhỏ, cho những kẻ tham nhũng.
Bởi vậy, tham nhũng trong lãnh vực giáo dục khá phổ biến và cũng khá đa dạng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử thuộc Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông, có đến 9 hình thức tham nhũng khác nhau: “chạy trường (năm 2006, muốn vào học trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn, TP.HCM, mất 2000 USD); chạy điểm (vụ chạy điểm 553 triệu đồng ở Bạc Liêu); tham nhũng qua dạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng (kiên cố hoá trường học phát hiện 14% phòng học gây thất thoát hơn 27 tỷ đồng); xà xẻo khi mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí dự án giáo dục.”
Nguyễn Đình Cử chỉ giới hạn ở cấp phổ thông, từ tiểu học đến trung học. Còn ở đại học thì sao? Thì chắc chắn cũng đầy tham nhũng. Tham nhũng từ khâu tuyển sinh đến khâu tốt nghiệp. Muốn bảo vệ luận án thành công? Phải có quà cáp cho cả giáo sư hướng dẫn đến các giáo sư phản biện. Những điều này báo chí trong nước đã nói đến khá nhiều.
Viết đến đây, tôi sực nhớ một lần, năm 1996, nhà phê bình Đỗ Lai Thuý chở tôi đến chơi ở nhà giáo sư Trần Quốc Vượng. Buổi tối. Hôm đó Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa mới được bổ làm chủ nhiệm Khoa Văn hoá học ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Lâu rồi, tôi hoàn toàn không nhớ tối đó chúng tôi nói chuyện gì với nhau. Mà, thật ra, nói chuyện cũng không nhiều. Cuộc nói chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi các cú điện thoại gọi đến Trần Quốc Vượng. Không biết những người bên kia nói gì. Tôi chỉ nghe giọng Trần Quốc Vượng gắt lên: “Để mai tính, mày!” hay “Bây giờ tao đang có khách!” Sau đó, có tiếng gõ cửa. Trần Quốc Vượng vừa mở cửa vừa la lớn: “Tao đã nói là tao đang có khách mà! Khách Việt kiều đấy nhé! Về đi!” Thế nhưng mấy người kia vẫn vào. Vẫn cười cười. Và vẫn nói chuyện. Từ dáng điệu đến giọng nói đều có vẻ gì vừa nịnh nọt vừa bẽn lẽn.
Qua câu chuyện của họ, tôi biết họ đang vận động cho các chức vụ trong cái Khoa mới vừa được thành lập. Trần Quốc Vượng, tính tình bỗ bã, vừa gắt gỏng vừa xua tay. Mấy người kia vẫn năn nỉ. Đỗ Lai Thuý ngồi cắm cúi đọc cuốn sách anh mang theo. Tôi nhìn mông lung lên kệ sách và mấy bức tranh treo trên tường, nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện với tất cả sự tò mò của một tên Việt kiều lần đầu tiên về nước. Trước, lúc ở Việt Nam, tôi cũng đã từng đi dạy học; nhưng, thú thực, tôi hoàn toàn không biết gì về những kiểu vận động cửa sau như vậy. Dạy học ở ngoại quốc, tôi lại càng không biết những vụ như vậy. Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là “chạy chọt”.
Dĩ nhiên, kể lại chuyện trên, tôi không muốn nói Trần Quốc Vượng dính dáng đến tham nhũng. Không. Tuyệt đối tôi không có ý ấy. Tính cách ông không phải là người như vậy. Ông cũng không cần làm vậy. Điều làm tôi ngạc nhiên và để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là cách thức vận động chức vụ ở Việt Nam: Luồn cúi và đi cửa sau. Trong lãnh vực giáo dục mà còn thế, huống gì các lãnh vực khác béo bở hơn? Trí thức mà còn thế, huống gì những người không phải là trí thức?
Đồng ý số tiền đút lót trong lãnh vực giáo dục chắc không nhiều. Nhưng số tiền nhỏ không có nghĩa là tác hại của chúng cũng nhỏ. Ngược lại. Có thể nói không ở đâu tham nhũng lại có tác hại lâu dài và sâu sắc cho bằng tham nhũng trong giáo dục. Một cán bộ ngành xây dựng tham nhũng, cùng lắm, làm cho công trình giảm chất lượng đi một tí. Giảm thì sửa. Một cán bộ thuế vụ tham nhũng, ngân sách nhà nước sẽ bị giảm đi một tí. Giảm thì bù. Một cán bộ hải quan tham nhũng, một số mặt hàng lậu có thể tràn vào nước; hại thì có hại, nhưng nói thực tình, trừ ma tuý, chúng cũng chẳng làm chết ai cả.
Còn tham nhũng trong giáo dục?
Qua cách chạy điểm và buôn bán bằng cấp, người ta sẽ tạo ra vô số những trí thức giả, vừa kém tài vừa kém tư cách, những kẻ sẽ góp phần phá huỷ bất cứ một dự án tốt đẹp nào của xã hội. Dạy học, họ sẽ là những thầy cô giáo dốt. Làm việc, họ sẽ là những cán bộ tồi. Khi cái dốt và cái tồi ngồi cao hơn vị trí vốn có của chúng, chúng trở thành gian.
Nhưng tai hại nhất là ở hai điểm này:
Thứ nhất, chúng tạo ra hoặc khoét sâu thêm các bất công trong xã hội. Nói đến chuyện bình đẳng, hầu như ai cũng thừa nhận: quan trọng nhất là sự bình đẳng trong các cơ hội giáo dục. Có cơ hội giáo dục là có cơ hội thăng tiến. Có cơ hội thăng tiến là có tương lai. Có tương lai là có tất cả. Với sự xuất hiện của tham nhũng, cơ hội giáo dục của rất nhiều người sẽ bị cướp mất: vì nghèo, họ không thể vào học được các trường có chất lượng cao; hay vì nghèo, không thể học thêm ngay với các thầy cô giáo đang đứng lớp, do đó, không thể có điểm cao; và cũng do đó, mất hẳn tự tin, chẳng hạn.
Nhưng tai hại thứ hai này mới thực sự lớn: chúng làm cho trẻ em, ngay từ nhỏ, đã mất hẳn niềm tin vào công lý. Thi tuyển vào trường, các em biết kết quả không thuộc ở khả năng hay sự cố gắng của bản thân mà chủ yếu tuỳ thuộc vào quà cáp của bố mẹ. Ngồi trong lớp học, các em biết rõ thái độ của thầy cô giáo đối với mình sẽ khác hẳn đi không phải do hạnh kiểm bản thân mà do sự hào phóng của bố mẹ các em. Những bài học đầu đời, do đó, là những bài học xấu: mọi chuyện đều, có khi chỉ, được giải quyết bằng tiền. Và đồng tiền khôn luôn luôn là đồng tiền đi cửa sau.
Với những bài học đầu đời như vậy, tương lai các em sẽ ra sao?
Và đất nước sẽ ra sao?
Tôi không dám nghĩ tới.
Xin nhường câu trả lời cho quý bạn đọc.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment