Monday, June 21, 2010

Tôi Thương

Tôi Thương -Nhạc và Tiếng hát:  Phan Văn Hưng









Phan văn Hưng và bi phẫn ca

Tác Giả: Trịnh Thanh Thủy


Người nghệ sĩ cúi xuống trên mười ngón tay nhả những thanh âm phừng phừng rực lửa

Khuôn mặt anh chứa chan cảm xúc, rập rờn âm điệu. Thính giác khán giả căng, dãn, đàn hồi, nhảy múa theo hấp lực của từng làn điệu, lời ca. Những ca từ hiện thực, tả chân cuộc sống con người đang ở đáy địa ngục. Những truyện ca có thật tạo năng lực cấu nhoi nhói tim đỏ người nghe. Nếu mỗi người là một cá nhân khác biệt có nhiều điểm khó hoà hợp, thì phút giây hiện tại này, mức đồng cảm giữa người và người ở khán giả đang lên cao nhất. Mọi vật rơi vào thể tĩnh của bất động ngoại trừ anh. Những đôi mắt không kịp nháy, tụ hội về vóc hình người đàn ông có dáng dấp thư sinh. Thế rồi bất chợt họ hiểu ra bài hát đã đến hồi dứt. Tiếng chuyển động rào rào của những bàn tay vỗ nhất loạt oà lên bao vây lấy hội trường, phủ lấp hình hài nhỏ bé của người đàn ông đang ngồi ôm đàn ấy.

Anh cúi chào khán giả với một phong thái nho nhã, điềm đạm. Anh, Phan Văn Hưng, đến từ Úc, đem tiếng hát, dòng nhạc trải dài khắp vòng quay trái đất. Nơi nào mời anh, anh đến, nơi nào đón anh, anh lại. Anh giản dị, chân tình, nhẹ nhàng, thư thái, nhưng khi cây đàn được đặt vào vòng tay bồng bế, nó biến anh thành một con người khác.

Nhắc đến Phan Văn Hưng người ta không nhắc đến một giọng hát điêu luyện, trầm ấm hay đằm thắm mà người ta tưởng tượng ra được một giọng hát thấm đẫm chân thật, xoáy sâu chọc thủng bức tường trái tim con người. Chúng ta cảm được cái hay của nó nhưng không phân tích được tại sao. Bởi anh hát từ tim nên tim ta và tim người giao cảm. Giọng anh không thể lẫn với bất cứ giọng hát nào khác vì anh có một phong cách rất riêng trong lối nhả chữ. Kỹ thuật luyến láy chữ của anh phải nói là “được tinh luyện và rất khác biệt’. Một phong cách rất “Phan Văn Hưng”. Vả lại khi anh hay bất cứ ai hát loại nhạc của anh sáng tác, người ấy không cần một giọng hát thiên phú thật hay mà chỉ cần hát thật có hồn, hát bằng tất cả trái tim của người ấy.

Phan văn Hưng không những mang giọng hát của mình đến với khán thính giả khắp nơi ở hải ngoại mà anh còn đem dòng nhạc rất đặc biệt của mình gieo rải bất cứ nơi nào người nghe muốn nghe. Nhạc của anh phần lớn là phổ thơ nhưng anh nổi tiếng đầu tiên ở những ca khúc chính anh viết như “Bạn bè của tôi”, sau này là “Bài ca tuổi trẻ”, “Dìu nhau”, “Nhớ những dòng sông” ..... Thơ anh phổ nhiều nhất của Nam Dao, “người bạn đời” của anh từ những ngày hoạt động trong các phong trào sinh viên ở Paris . Người bạn đời sát cánh bên anh còn chung lưng cùng anh trong việc sáng tác. Có khi anh phổ thơ Nam Dao, có khi anh viết dựa trên lời thơ ND, rồi từ đó viết cả ca từ và nhạc. Có lúc anh viết cả hai nhưng ND sửa lời và góp ý. Cũng có một vài bài ND viết cả nhạc lẫn lời, anh sửa nhạc.

Ngoài ra anh phổ thơ của nhiều thi sĩ khác trong cũng như ngoài nước. Mối giao cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ trong một bài thơ phổ nhạc như một hôn ước nhịp nhàng, du dương và hoà điệu. Nhưng không phải cuộc hôn phối nào cũng đẹp đẽ và hạnh phúc. Có những bài thơ hay bị giết chết thê thảm khi được phổ nhạc nhưng cũng có những bài thơ khi được phổ nhạc bỗng trở thành vang danh và bất tử. Theo ý riêng của tôi những bài thơ được anh Hưng phổ nhạc là những đứa con may mắn được đặc biệt ưu ái chạm vào van tim của những người nghe biết mở lòng.

Phan Văn Hưng biết chọn cho mình một phong cách riêng trong âm sắc cũng như lối soạn nhạc và chơi đàn của mình. Âm Sắc là thứ màu sắc của âm thanh. Màu Sắc đóng vai trò tối quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật của người hoạ sĩ thì đối với nhạc sĩ, Âm Sắc cũng đóng vai trò tương tự. Nó là chữ ký, ngôn ngữ, âm thanh, tính khác biệt, nét độc đáo, tất cả đúc kết thành phong cách của một nhạc sĩ.

Anh kể cho tôi nghe một thói quen đặc thù khác người. Người chơi guitar classic thường bằng bốn ngón trong khi anh chơi chỉ bằng hai ngón, ngón trỏ và ngón cái.

Thế hệ ngày mới lớn của anh là những thập niên 60, 70, được nuôi dưỡng bằng dòng nhạc của The Beatles, Simon & Garfunkel, Peter,Paul & Mary và Cat Stevens nên một điều không thể phủ nhận là nhạc anh có mang âm hưởng nhạc Mỹ và dân ca Mỹ (Folk Music).

Sau này khi ra ngoại quốc anh lại chỉ chơi nhạc Việt Nam, tuy nhiên, vì sống trong một môi trường đa dạng và phong phú ở hải ngoại nên anh biết cách pha chế rồi tổng hợp nên một dòng nhạc riêng cho mình bằng một tinh thần bạo dạn khai phá của người làm nhạc. Tỷ như trong bài “Những đứa bé” có nhiều gam chõi, lạ, và mang âm hưởng jazz và blues.

“Những đứa bé không chiếu chăn/ Nằm lây lất giữa hè phố
Nằm chui rúc nơi những xó tối tăm, rác rưởi.
Những đứa bé trong quán bia/ Em đón khách nơi phồn hoa

Những đứa bé không cánh tay/ Những đôi mắt không còn thấy
Đời em giam trong ngõ tối/ Hắt hiu, lụt lội
Những đứa bé đi bán rong/ Đạp xe mướn hay lượm rác

Một ngày về trên quê hương
Tôi muốn nấc lên đau thương
Tôi muốn khóc cho tủi hờn
Tôi muốn ôm em vào lòng
(Những đứa bẻ/Phan văn Hưng-Nam Dao)

Nói đến PVH người ta nhớ ngay đến bài hát “Bạn bè của tôi”. “Bạn bè của Tôi” không những là nhân chứng của một thế hệ, hai thế hệ mà có lẽ của các thế hệ tiếp nối. Nó không đơn thuần là một bài hát mà là cuốn nhật ký ghi lại sự thật xảy ra ở Việt Nam , không chỉ của một cá nhân mà cả một dân tộc. Nó gắn chặt tên tuổi anh vào nó hay nói ngược lại nó đã khai sáng một PVH, một dòng nhạc mới ở hải ngoại.

Bạn bè của tôi,
Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc
Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi

Bạn bè của tôi
đi lây lất trong cuộc sống vô vọng

Ai thấu cho oan khiên này
Người có lắng nghe ....
Tiếng ai than dài
(Bạn bè của tôi/Phan Văn Hưng)

Trong một bài phỏng vấn anh Hưng tâm sự:

“Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.”

Anh khóc cho quê hương trong ca khúc “Hai mươi năm”

“Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm
Người hiền khô mang gông cùm
Kẻ mộng du lên bạo chúa
Người ngồi khóc trên sân chùa

Hai mươi năm, những nụ hoa cho người hái
Những thể xác cho ai đầy
Một thầy cô trong nhà chứa
Gặp trò xưa bỗng khóc òa”
(Hai mươi năm/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Anh cũng đã khóc cho quê hương khi khúc đầu, khúc trán, khúc tai, hình chữ S bị xẻo ngang ngày đó, bây giờ lần lượt tới Trường Sa, Hoàng Sa:

“PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc? Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.”

“Ải Nam Quan ơi ta đã mất tên em/ Như một phần hồn tự nghìn năm.
Lòng ta đau như ai đem dao/ Xé nát da non cứa trên thịt gan.

Ai đem hình hài/ Giang sơn đọa đày/ Cho thân lìa cành/ Cho cây lìa đất
Cho ta lìa cội/ Như sông bỏ nguồn/ Ta nghe tủi nhục/ Dâng vào lòng”
(Vọng Nam Quan/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Ba mươi ba năm lưu vong, dòng nhạc Phan Văn Hưng để lại cho kho tàng âm nhạc hải ngoại một dòng nhạc tranh vẽ những thao thức, khắc khoải tâm tư: “Trái tim tôi là bến” phổ thơ Bắc Phong, “Giết một ước mơ” phổ thơ Chế Lan Viên, “Nơi phía bình nguyên” Ý văn Dương Thu Hương, “Kiểm tra” phổ thơ Hà Sĩ Phu, “Khát” ý thơ Thanh Thảo, “Ai trở về xứ Việt” thơ Minh Đức Hoài Trinh. Dòng nhạc truyện kể những mảnh đời bi thảm của “Bài ca cho bé Thảo” phổ thơ Nam Dao, “Em bé và viên sỏi” phổ thơ Trần Trung Đạo, “Em bé lên 6 tuổi” phổ thơ Hoàng Cầm, “Bậu”, “Con bé nhà quê” phổ thơ Thái Sơn, “Tiễn em rời K18”.... và còn nhiều nữa. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1970 cho tới nay, 38 năm anh có tất cả là 121 ca khúc. Bấy nhiêu tâm huyết làm nên dòng nhạc Phan Văn Hưng.

Có người gọi dòng nhạc này là nhạc Tranh Đấu. Nghe kỹ lại những CD anh đã phát hành, từ “Sinh ra là người Việt Nam”, “Khát”, “Có phải em chờ mùa Xuân”, “Hai mươi năm”, cho đến “Nơi phía bình nguyên” ....người ta không thấy một dấu hiệu nào anh gào thét tranh đấu, đòi cái này, cái nọ. Anh không kêu gọi, ủng hộ, hay tuyên dương cho một chủ nghĩa nào. Người bảo nhạc anh là Hưng Ca. Tôi không thấy anh có ý phục quốc, xây dựng một chính thể khác, đòi làm mới hay ẩn dấu trong dòng nhạc một tư tưởng vùng dậy nào cả. Nhưng có lẽ tác động tranh đấu và phục hưng của nó nảy sinh từ trong tâm thức thính giả sau khi nghe các bài nhạc vạch rõ những áp bức, bất công, lầm than, nên người ta đặt tên cho dòng nhạc này như thế chăng? Kẻ góp ý nhạc anh là Dân Ca. Tuy những dòng nhạc anh viết hầu hết cho người dân lầm than nhưng không thể ghép nó vào dòng nhạc dân gian.

Theo giáo sư Trần Quang Hải, Dân Ca nghĩa là:

“Định nghĩa danh từ dân ca, theo tôi, là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, sang các bài hát trẻ em lúc vui chơi, đến các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp lúc lễ hội thường niên.

Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó.
(Trích Dân Ca Việt Nam-Giáo sư Trần Quang Hải)

Nét bi ca và phẫn uất rực lên trong dòng nhạc. Riêng tôi, tôi nghĩ chúng ta nên gọi dòng nhạc này là “Bi phẫn ca” thì đúng hơn. Chữ “Bi” ở đây có thể hiểu là buồn vì cái buồn của người khác và khổ vì cái khổ của người khác.

Bàng bạc trong những ca khúc của anh điều nguời ta phát hiện nhiều nhất, rõ nhất là tính nhân bản của con người. Nghệ sĩ thì nhạy cảm. Họ nhìn thấy trước cái thiên hạ thấy, cảm trước cái thiên hạ cảm. Nên anh cảm và thấy cái khổ đau, thống thiết, bất công, tàn nhẫn, ngược đãi, nghèo đói, bạo lực, lầm than, áp bức, tù tội ... nhan nhản trên đất nước Việt Nam từ thời điểm 1975 cho đến nay. Sự nhạy cảm cấu mềm sự tích cực, lúc ấy người ta chỉ thấy toàn tiêu cực. Khi nước mắt người nghệ sĩ nhỏ xuống cung bậc sẽ lên ngôi. Dòng nhạc hát cho người dân, hát cho đồng bào tôi ra đời. Hầu hết các ca khúc của anh viết cho quần chúng, đối tượng của anh phần lớn là trẻ thơ, người nghèo, anh bạn tù, những thân phận bị vùi dập, những cay đắng, thống khổ triền miên mà những kẻ yếu không thể nói hay không có cơ hội nói lên được. Anh không bao giờ nghĩ rằng chính mình mang sứ mạng của một người đánh chuông, nhưng dòng nhạc thay anh gióng tiếng chuông tỉnh thức tới mọi nơi, mọi nhà, viết dùm, nói dùm nỗi uất ức của những người không nói được. Những nét chấm phá bi thảm cuộc sống ấy pha màu cho những bức tranh màu xám, đầy gai, bấu rách màng tim người nghe. Dòng nhạc vô tình chuyên chở được nhu cầu được nói của kẻ yếu trong cái hữu tình của người soạn nên ca khúc.

Tất cả sự việc vô tình và hữu tình ấy tình cờ kết duyên tao ngộ làm nên dòng nhạc “Bi Phẫn Ca” của Phan văn Hưng.





http://www.youtube.com/user/VongNgayXanh
http://www.youtube.com/watch?v=9a3VvBlu9Qw&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=UZ9VSnFs4l4&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=FK6GXwSYOi4&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=lBH38rK2A2Q&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=gNetHu6PoDI&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=U8Jy-4g_44M&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=U8Jy-4g_44M&feature=related

http://www.youtube.com/watch?v=5uiYVCaNTms&NR=1

No comments:

Post a Comment