Tuesday, September 21, 2010

Sao họ lại sợ Trung Quốc đến vậy?



VOA Nguyễn Hưng Quốc Blog
Liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mấy năm gần đây, có hai sự kiện hầu như không ai có thể chối cãi được:

Thứ nhất, Trung Quốc không ngừng lấn hiếp Việt Nam. Lấn trên đất liền, dọc theo các vùng biên giới. Lấn ngoài đảo, từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Rồi lấn cả vùng biển bằng cách dành chủ quyền trên gần 80% diện tích biển Đông, bao gồm không những Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) mà cả Pratas (họ gọi là Đông Sa), bãi ngầm Macclesfield (họ gọi là Trung Sa) và bãi cạn Scarborough (họ gọi là Hoàng Nham) qua hình ảnh “con đường lưỡi bò” ngang ngược mà nhiều người đã biết. Không những lấn mà còn hiếp. Hiếp chính phủ Việt Nam, từ quân sự đến chính trị và ngoại giao. Hiếp cả dân chúng, đặc biệt ngư dân bằng cách cấm đánh cá, bắt rồi đòi tiền chuộc, thậm chí, đánh chìm tàu khiến một số ngư dân phải mất mạng.

Thứ hai, khác hẳn với thái độ ngang ngược trắng trợn của Trung Quốc, về phía Việt Nam, người ta chỉ nhìn thấy sự khiếp nhược.

Nói đến sự khiếp nhược, tôi không căn cứ vào những lời phát biểu công khai, phần lớn mang tính ngoại giao, của giới lãnh đạo Việt Nam. Chuyện ông Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ca ngợi quan hệ hải quân tốt đẹp với Trung Quốc, đồng thời cố ý làm giảm nhẹ ý nghĩa chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ vào đầu tháng 8 và cuộc đối thoại về chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mấy tuần sau đó; cũng như việc ông công bố chính sách “ba không” (“không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; và không dựa vào nước này để chống nước kia”) của chính phủ Việt Nam là điều dễ hiểu. Chuyện phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam hạn chế việc lên án hay phê phán những hành vi xâm lấn ngạo ngược của Trung Quốc cũng là điều có thể hiểu được, phần nào.

Ai cũng biết, trong quan hệ quốc tế, từ xưa đến nay, những lời phát biểu chính thức của nhà cầm quyền thường nhằm che giấu hơn là công khai hóa những điều họ thực sự đang tính toán. Sắp đánh nhau đến nơi, người ta vẫn ngọt ngào với nhau. Gươm đã dí sát tận lưng, đạn đã lên nòng, người ta vẫn có thể cười với nhau được. Ngày xưa cha ông chúng ta cũng thế. Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo, xem Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp (thế thù), không thể đội trời chung, vậy mà, trong các bức thư ngoại giao gửi cho Vương Thông, và đặc biệt, trong bài biểu cầu phong, giọng vẫn đầy khiêm tốn, thậm chí, rất mực hạ mình. Quang Trung, trước và sau khi đánh nhau với nhà Thanh, đã sai Ngô Thì Nhậm tiến hành những cuộc vận động ngoại giao đầy hòa hoãn.

Không căn cứ vào những lời phát biểu mang tính ngoại giao, để tìm hiểu thái độ của chính phủ Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc, chúng ta chỉ dựa vào những việc cụ thể.

Ở đó, chúng ta thấy gì?

– Cũng chỉ có sự khiếp nhược.

Cấm, thậm chí, đàn áp, thanh niên sinh viên và văn nghệ sĩ xuống đường phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc là khiếp nhược. Cấm, thậm chí, dùng những biện pháp bỉ ổi để đánh phá trang mạng bauxite Việt Nam chỉ vì lý do nó vạch trần và phê phán các âm mưu bá quyền đen tối của Trung Quốc là khiếp nhược. Cấm các cơ quan truyền thông trong nước nêu đích danh Trung Quốc trong việc uy hiếp, thậm chí, bắt cóc và giết hại ngư dân Việt Nam là khiếp nhược.

Nhưng sự khiếp nhược ấy, dù sao, cũng vô hình và vô danh. Chúng ta biết có chủ trương như thế nhưng không rõ ai là người quyết định cái chủ trương ấy. Gần đây, qua báo chí trong nước, chúng ta nhận diện ít nhất vài người hoặc vài cơ quan. Mà toàn là những cơ quan văn hóa ở tầm cao nhất. Và có nhiều ảnh hưởng nhất.

Trước hết là sự kiện Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn không dám tham dự festival thơ Đài Bắc năm 2009. Theo bản tin đăng trên vietnamnet ngày 26 tháng 11.2009, nhà thơ Hữu Thỉnh được mời tham dự buổi giao lưu các nhà thơ quốc tế được tổ chức tại Đài Loan ngày 22 tháng 11. Cùng tham dự có một số nhà thơ nổi tiếng ở châu Á khác. Hữu Thỉnh đã nhận lời, nhưng cuối cùng, ông từ chối.

Tại sao từ chối? Bản tin chỉ ghi nhận vắn tắt: “vì nhiều lý do khách quan”.

Nhưng trong bài “Em không phải nhà văn” đăng trên blog của mình, nhà báo Trang Hạ, người làm trung gian giữa Hữu Thỉnh và Ban tổ chức festival ở Đài Loan, kể chi tiết hơn. Theo đó, lý do thực sự mà Hữu Thỉnh nói với Trang Hạ là:

Bác bảo, [...], bác sợ Trung Quốc.

Em bảo, có nhà thơ Trung Quốc sang tham dự bình thường mà.


Bác bảo, bác chỉ đi sang Đài Loan tham dự Festival thơ với điều kiện, cô Trang Hạ giúp Hội Nhà Văn nối lại quan hệ với Hội Nhà Văn Trung Quốc.


Kinh ngạc tột độ!


Bác bảo, từ 2006 đến giờ, chính xác hơn là từ khi Thiết Ngưng lên làm chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, “hội nó” đểu lắm đã lờ “hội của bác” đi. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng bà Thiết Ngưng lên làm Chủ tịch Hội Nhà Văn TQ, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng Quốc khánh Trung Quốc, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tham gia giao lưu văn hóa, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam mở hẳn cả một Hội Thảo cho “nó” tại Hà Nội, “nó” chỉ gửi một công chức bàn giấy chả biết gì về văn chương sang chiếu lệ. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tới 35 nhà văn của “nó” sang Hội nghị quảng bá Văn học VN ra thế giới, mà “hội của bác” đặc cách lo toàn bộ chi phí tàu xe đi lại đủ thứ cho nó, vào tháng 1/2010 sắp tới, nó càng lờ đi coi như câm điếc.

Giờ lỡ nó lấy cớ vì bác đi Đài Loan mà nó không thèm sang Việt Nam, thì hỏng cả việc lớn của bác à? Giờ Trang Hạ liên hệ với Thiết Ngưng để lo liệu vụ này, đảm bảo ăn chắc thì bác mới đi Đài Loan.

Mình bảo, nó không đi đã có một trăm đại biểu nước khác, lo gì? Trang Hạ lấy tư cách gì để mà làm cái việc này?


Bác bảo nhỏ, nhưng khốn nỗi kinh phí của nhà nước chỉ cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc chứ không phải tiền tỷ hàng năm để làm văn làm chương với quốc tế nào khác.
[…].

He he mình hiểu ra bản chất vấn đề.

Chưa hết. Mới đây, nhân những sự cố liên quan đến bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, chúng ta biết thêm nhiều chi tiết “thú vị” khác liên quan đến nỗi khiếp nhược trước Trung Quốc.
Trong bài “Chuyện phim Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ, bây giờ mới kể”, Thiên Sơn cho biết, gần hai năm trước, sau khi dự án làm phim về Lý Công Uẩn gặp bế tắc do những tranh chấp về quyền lợi giữa các phe nhóm và các cá nhân liên hệ, Bộ Văn hóa quyết định làm phim về Trần Thủ Độ để thay thế. Thiên Sơn đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, người ta không làm phim về Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Quang Trung mà lại làm phim về Trần Thủ Độ? Ai lại chẳng biết, Trần Thủ Độ, một mặt, có công xây dựng triều đại nhà Trần, nhưng mặt khác, phạm phải vô số những tội ác tày trời, đặc biệt trong việc tiêu diệt nhà Lý và tạo nên thói loạn luân rất đáng chê trách trong cái dòng họ đứng đầu cả nước.
Vậy tại sao lại làm phim về Trần Thủ Độ mà không phải là ai khác?
Thiên Sơn hỏi. Không ai trả lời cả.
Không trả lời, nhưng người ta biết chọn Trần Thủ Độ thay vì các bậc anh hùng chống ngoại xâm khác là một thất sách về chính trị đối với dân chúng trong nước.  Bởi vậy, mặc dù phim ‘Trần Thủ Độ’, với chi phí ba triệu đô la, đã hoàn tất, nhưng người ta chưa dám cho chiếu. Người ta biết là dân chúng, đặc biệt giới trí thức, không chấp nhận.
Nhưng đã biết vậy, tại sao người ta vẫn cứ làm?
Lý do: người ta giao phim ấy cho người Trung Quốc thực hiện và người Trung Quốc đã “kịp biến ông Trần Thủ Độ thành một nhân vật tựa như em ruột ông Tào Tháo. Cảnh vật, con người và tư tưởng là phiên bản của phim Tàu.”
Còn tại sao người ta từ chối làm một bộ phim về Trần Hưng Đạo, chẳng hạn? Thiên Sơn viết: “làm về Trần Hưng Đạo thì e đụng chạm với hậu duệ của quân Nguyên.”
Thế đấy!
Sợ đến độ không dám làm phim để tưởng niệm chính cha ông của mình!
Còn gì để nói nữa không?

No comments:

Post a Comment