Ba thập niên trước đây, Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đặt ra những hạn chế nghiêm khắc nhất thế giới đối với việc hành đạo.
Nhưng những nhà cai trị cộng sản ngày nay đã thay đổi triệt để quan điểm về tôn giáo và dành tự do đáng kể cho các tín đồ Thiên Chúa giáo sẵn lòng thờ phụng trong những nhà thờ được nhà nước thông qua.
Ở bên trong giới hạn này, Thiên Chúa giáo đang phát triển vượt bậc ở Trung Quốc - và còn được hàng triệu đôla hỗ trợ từ chính phủ.
Đài BBC được cho phép tiếp xúc ở mức độ chưa từng có với giáo hội Thiên Chúa giáo và Tin Lành được nhà nước ủng hộ, để giải thích vì sao chính phủ có vẻ quan tâm đầu tư vào tôn giáo như thế.
Hỗ trợ nhà nước
Ở ngoại vi Nam Kinh, có một điểm xây dựng giúp minh họa quyết tâm của nhà nước cộng sản hỗ trợ sự phát triển của Thiên Chúa giáo.
Giới chức địa phương nói tòa nhà đang xây sẽ là nhà thờ lớn nhất được nhà nước cho phép tại Trung Quốc - với diện tích đủ cho 5000 tín đồ.
Mảnh đất - và 20% chi phí xây dựng - được chính quyền địa phương dành tặng.
Sự hỗ trợ tài chính của nhà nước này trị giá hàng triệu đôla và chỉ là một ví dụ về chiến lược khuyến khích phát triển tôn giáo ở Trung Quốc.
Quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản phụ trách chính sách này là Vụ trưởng Vụ Tôn giáo Quốc gia, Vương Tố An.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi, ông bảo tôi rằng hiện có ít nhất 20 triệu tín đồ Tin Lành ở Trung Quốc thờ phụng giáo hội được nhà nước ủng hộ.
Ông nói: "Sự phát triển đó là chưa từng thấy trong lịch sử Thiên Chúa giáo Trung Quốc. Thiên Chúa giáo đang có giai đoạn tăng trưởng đẹp nhất ở Trung Quốc."
Và ông giải thích vì sao nhà nước lại đầu tư cho sự thờ phụng tôn giáo, gồm cả việc cho tiền để xây các trường dòng Công giáo và Tin Lành để đào tạo hàng trăm lãnh đạo Thiên Chúa giáo tương lai mỗi năm.
"Mục tiêu của chúng tôi khi ủng hộ việc giáo dục tôn giáo là vì chúng tôi hy vọng họ có thể đào tạo mục sư đủ tiêu chuẩn để tôn giáo của họ phát triển tốt hơn nữa."
Nhưng khi ta xét việc Chủ nghĩa Cộng sản đi đôi với chủ nghĩa vô thần, thì cũng có sự trớ trêu không nhỏ trong sự nhiệt tình mới nở rộ của đảng khi họ ủng hộ tôn giáo ở Trung Quốc.
Ông Vương nói: "Quanh câu hỏi có Thượng đế hay không, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng không có Thượng đế trên thế giới."
"Đảng Cộng sản tin rằng mình cần tôn trọng và bảo vệ niềm tin tôn giáo. Đảng viên phải tôn trọng tín đồ và không xâm phạm quyền lợi của họ."
Ông khẳng định không có mâu thuẫn giữa việc Đảng buộc đảng viên không theo đạo, nhưng cũng cam kết đầu tư để phát triển tôn giáo.
Ông nói: "Chúng tôi đang làm luật và quy định để bảo vệ tốt hơn niềm tin tôn giáo ở Trung Quốc."
Vai trò xã hội
Tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, một giáo sư nghiên cứu Thiên Chúa giáo tin rằng có nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển của tôn giáo này.
Giáo sư Trác Tân Bình nói đó là sự hấp dẫn tâm linh và tiềm năng gắn kết với phồn thịnh kinh tế.
Nhưng ông cho rằng Thiên Chúa giáo rồi sẽ rũ bỏ được sự quy kết có quan hệ với đế quốc nếu các nhà thờ đồng ý phụng sự xã hội Trung Quốc.
Ông nói: "Nhiều người Thiên Chúa giáo chú ý đặc biệt đến công tác và dịch vụ xã hội. Đây là cách đúng đắn để Thiên Chúa giáo phát triển."
Một linh mục Công giáo đi tiên phong trong công tác này là Cha John Zhang. Tổ chức từ thiện Tấn Đức của ông được sự giúp đỡ của giáo dân toàn thế giới.
Tôi đến thăm ngôi nhà cho người già của ông ở Thạch Gia Trang, và được nghe ông kể vì sao chính phủ hoan nghênh sự đóng góp của giáo hội.
"Nhà cho người già rất cần thiết. Chúng tôi cần nhiều hơn nữa. Chính phủ nhận thức điều ấy."
"Một số viên chức bảo, ngài làm cho xã hội những điều chúng tôi không làm được. Không tham gia chính trị, nhà thờ đang làm công việc tốt, và chính quyền trân trọng điều đó."
Thậm chí Đoàn Thanh niên Cộng sản còn dùng ngôi nhà cho người già làm văn phòng cho một dự án từ thiện.
Tự tin
Nhưng vẫn còn câu hỏi liệu khi người Thiên Chúa giáo thêm tự tin ở Trung Quốc, họ có còn chịu chấp nhận giới hạn tự do hay không.
Tại Giáo đường Cơ đốc giáo Hải Điện ở Bắc Kinh, Mục sư Ngô Vĩ Khánh nói thẳng về những vấn đề gặp phải nhưng cũng hồ hởi về mức độ tự do tôn giáo ông được hưởng.
"Chúng tôi có những vấn đề, vất vả với một số quy định, tôi phải nói thật với ngài. Nhưng vì chúng tôi có đăng ký, vì tuân thủ luật pháp, chúng tôi có nhiều tự do hơn."
"Tôi rất hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi lại khuyến khích những người làm cho cái gọi là nhà thờ tại gia đến nhà thờ này để thờ phụng."
Những nhà thờ tại gia - không đăng ký, hay còn gọi là chui, vốn là nơi duy nhất có thể thờ phụng trong giai đoạn đàn áp của Cách mạng Văn hóa - vẫn là phần quan trọng của Thiên Chúa giáo Trung Quốc.
Nhưng cả nhà thờ Thiên Chúa giáo và Tin Lành được nhà nước chuẩn thuận hiện cũng phát triển ở mức mà ít ai dự đoán hồi thập niên 1980.
Hai sinh viên tôi gặp ở một buổi lễ chiều tại nhà thờ Hải Điện thể hiện rõ sự lạc quan của nhiều người Công giáo Trung Quốc.
Daniel nói: "Chúng tôi thực lòng hy vọng sẽ có thêm nhiều người Công giáo, và lời của Thượng đế sẽ trải dài trên đất nước."
Sinh viên Jesse nói thêm: "Quốc gia này sẽ thay đổi, và Thượng đế đang làm những điều vĩ đại ở Trung Quốc."
Không hề nghi ngờ sự tự tin của những tín đồ này.
Nhưng cũng không có bảo đảm về hình thái tương lai mà chính phủ cộng sản sẽ dành cho các nhà thờ mà hiện họ ủng hộ.
Nguồn: www.bbc.co.uk/vietnamese
Nguồn: www.bbc.co.uk/vietnamese
No comments:
Post a Comment