Saturday, February 19, 2011

* TỰ THIÊU TRƯỚC MẶT UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG


Tai nạn hay “tự thiêu” trước trụ sở UBND TP Đà Nẵng ?

danlambaoKhoảng 12h30”, trưa ngày 17/02, trước trụ sở UBND TP Đà Nẵng (trên đường Bạch Đằng) bất ngờ xuất hiện một chiếc xe máy bốc cháy dữ dội, bên cạnh là thi thể nạn nhân đã cháy đen. Ngay lập tức, lực lượng công an, cơ động… được huy động nhằm phong tỏa hiện trường. Nạn nhân được xác định là anh Phan Thanh Sơn, 31 tuổi, nhà ở đường Ngô Quyền – Quận Sơn Trà, hiện là kỹ sư CNTT tại công ty cao su Đà Nẵng.
Theo ghi nhận tại hiện trường, đám cháy khiến chiếc xe chỉ còn trơ lại khung sắt, nạn nhân chết ngay tại chỗ trên vỉa hè cách chiếc xe 2m. Công tác cứu hộ và dập lửa diễn ra rất chậm chạp, lực lượng công được huy động chủ yếu để phong tỏa hiện trường.
Tại bệnh viện và nhà riêng của nạn nhân trên đường Ngô Quyền, ít nhất có trên 20 công an mặc sắc phục túc trực xung quanh.
Theo đại tá Nguyễn Viết Lợi, chánh Văn phòng CA Đà Nẵng : sự việc diễn ra vào thời điểm đường vắng người, ít có người chứng kiến sự việc trên. Theo lời kể, họ chỉ nghe một tiếng rầm và nhìn thấy đám cháy. Ngay khi phát hiện, lực lượng Công an bảo vệ tại UBND thành phố báo ngay cho các đơn vị chữa cháy và sử dụng bình xịt chữa cháy nhưng vẫn không dập tắt được đám cháy. Tuy vậy, các hình ảnh do người dân chụp lại cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động dù đã được huy động nhưng không hề có nỗ lực nào để dập tắt đám cháy.
CA Đà Nẵng sau đó cũng xác định : nguyên nhân khiến chiếc xe bốc cháy là do “nổ bình xăng”
Nguồn tin từ bạn đọc danlambao tại Đà Nẵng cho biết, hiện dư luận tại phường An Hải Đông – nơi nạn nhân cư ngụ – đang bàn tán xôn xao  về việc có khả năng đây là một vụ “tự thiêu” để phản đối việc giải phóng mặt bằng. Được biết, gia đình anh Phan Thanh Sơn đang có bất đồng với chính quyền TP xung quang việc giải tỏa, đền bù khu đất tại Cầu Rồng.
Cũng theo nguồn tin này, trước những lời bàn tán như trên, chính quyền địa phương đã phản ứng lại bằng cách cho rằng nạn nhân Phan Thanh Sơn là người mắc bệnh tâm thần.
Hiện những đồn đoán vẫn được bàn tán xôn xao về nguyên nhân dẫn đến đám cháy chết người trước trụ sở UBND Đà Nẵng, trong khi công an vẫn thường xuyên túc trực xung quanh nhà nạn nhân khiến người dân càng nghi ngờ thêm về việc bưng bít thông tin.
danlambao

Bài toán Cách Mạng – trước và sau

Nguyễn Hoài Vân (danlambao)Đối với người Việt chúng ta thì một cuộc cách mạng khởi đầu bằng một màn tự thiêu, có một nét quen thuộc nào đó… Việc quân đội nắm vai trò quyết định cũng thế. Thế còn dân chúng? Người dân Tunisia hay Ai Cập có lẽ không phải là những người bị áp bức hay nghèo khổ nhất hoàn cầu. Vì sao làn sóng đấu tranh lại nổi lên ở những nơi này, và vì sao dân chúng tại đây lại chọn những ngày mới đây để đứng lên chống lại các chính quyền đã quyết định vận mạng của họ trong suốt nhiều thập niên qua?
Phải chăng vì kinh tế thị trường đã đẻ ra một giai cấp trung lưu đủ mạnh để đòi hỏi tự do cùng với những an toàn pháp lý cho công việc làm ăn của họ, điều mà Marx gọi là “tính khai phóng của Tư bản Chủ nghĩa”? Nhận định này có vẻ không phù hợp với sự kiện những người biểu tình là những người nghèo khổ, tuyệt vọng. Vì thế, nếu một giai cấp trung lưu mạnh có thể là một yếu tố quan trọng trong dài hạn, điều này dường như không có tính quyết định đối với một sự đột phát đấu tranh cụ thể.
Như thế, phải chăng chính sự tuyệt vọng của những người không còn gì để mất đã khiến họ lao vào một cuộc đấu tranh nhiều bất trắc? Nhưng tại sao điều ấy lại xảy ra vào lúc này? Có thể nghĩ đến ba lý do:
- Thứ nhất: Những người khởi phát đấu tranh là những người trẻ, không nhìn thấy lối thoát cho cuộc đời, nên, không còn gì để mất, họ luôn sẵn sàng chống đối, và chỉ chờ một biến cố có tính biểu tượng là lập tức đứng lên.
-Thứ hai: Những người trẻ ấy quen thuộc với những phương tiện truyền thông hiện đại, như Face Book, Twitter… để điều hợp những hành động đấu tranh quy mô, khi có một biến cố có tính thúc đẩy mãnh liệt.
-Thứ ba: Trong trường hợp Tunisia, người ta không thể không nghĩ đến một cuộc đảo chánh nội bộ, trước khi, hay cùng lúc với những đấu tranh ngoài đường phố. Điều này cắt nghĩa sự ra đi nhanh chóng của Tổng thống Ben Ali, so với thái độ lì lợm của một nhà độc tài “bình thường” trước áp lực của quần chúng, điều mà chúng ta vẫn quen thấy, từ Miến Điện đến Iran, qua nhiều nước khác …
Một yếu tố cũng cần phải nghĩ đến là bối cảnh quốc tế thuận lợi cho sự thay đổi thể chế. Ngoại trừ một sự can thiệp kín đáo của một cường quốc nào đó, người ta không thấy có những yếu tố quốc tế thuận lợi cho một sự thay đổi chính thể ở Bắc Phi và Trung Đông. Các nước phương Tây vốn không thích can thiệp cụ thể để loại trừ các chế độ độc tài. Trong trường hợp các nước Hồi giáo, họ lại càng ngần ngại hơn vì sợ nạn thần quyền quá khích. Những gì đang xẩy ra đặt phương Tây trước một vấn nạn khó khăn. Đứng ngoài, hay tham gia một cách tích cực? Nếu đứng ngoài thì không khác gì không tin tưởng vào chính những giá trị nền tảng của mình, và sẽ càng bị người dân các nước liên hệ thù ghét. Còn nhập cuộc thì là một chính trị phiêu lưu, vì không ai tiên đoán được thế lực nào sẽ thắng cuộc sau thời kỳ tranh đấu hỗn loạn. Có lẽ các chính quyền phương Tây sẽ chọn một thái độ dung hòa, ủng hộ một cách chừng mực và một cách “chung chung”, để chờ chạy đến bắt tay người chiến thắng thực sự.
Bối cảnh quốc tế cũng là bối cảnh kinh tế. Trong nhiều tháng tới Tunisia sẽ nghèo đi do sự tụt giảm đầu tư, tụt giảm du lịch… Người dân sẽ càng thêm thiếu thốn, sẽ thấy kỳ vọng lớn nhất đã thúc đẩy họ đấu tranh, tức một đời sống đầy đủ hơn, sẽ không xẩy đến. Phải tự hỏi giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, các nước giàu mạnh có chịu sẵn sàng nâng đỡ nền kinh tế của Tunisia, của Ai Cập, và của nhiều nước khác đang cố gắng ra khỏi thể chế độc tài hay không?
Một quan tâm khác là vấn đề lãnh đạo. Ngoại trừ một lãnh tụ Hồi giáo mới từ nước ngoài quay về, người ta không thấy một lãnh tụ nào nổi bật tại Tunisia. Đảng Hồi Giáo lại cho biết sẽ không cho người ra ứng cử nguyên thủ quốc gia (chỉ tranh cử quốc hội).
Như thể họ dự trù trước một tình trạng hỗn loạn, và tự lùi ra phía sau, chờ cho người dân kêu cầu đến họ như những cứu tinh dân tộc. Tại Ai Cập, thế lực có tổ chức duy nhất ngoài đảng cầm quyền và quân đội, là nhóm “Huynh đệ Hồi giáo”. Nhóm này đang có những thương thuyết với chính quyền, có lẽ để được hợp pháp hóa, với viễn tượng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đặt vấn đề lãnh đạo chính là đặt vấn đề một chính thể độc tài mới sau giai đoạn dân chủ. Thật ra, chế độ độc tài thường chỉ lập lại những gì phong trào dân chủ đã hứa hẹn nhưng không thực hiện được. Sau một giai đoạn trong đó người dân phát biểu mạnh mẽ những nguyện vọng của mình, nhà độc tài xuất hiện như một phương tiện để kết hợp ý dân với quyền hành, một cách toàn diện, trong một thể chế toàn trị… Nhà độc tài nào cũng tự cho là mình gánh trên vai những ước nguyện của “nhân dân”, cai trị với sự ủy thác và sức mạnh của “toàn dân”. Cần nhận xét là họ thường được sự ủng hộ của người dân, như những vị cứu tinh, sau một giai đoạn hỗn loạn. Tóm lại, để quyết định sự thành bại của một cuộc cách mạng vì dân chủ chúng ta có thể ghi nhận những yếu tố sau:
1. Vai trò hợp tác của quân đội là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn khởi đầu.
2. Sự hiện hữu của một giai cấp trung lưu đủ đông đảo, đủ mạnh, đủ kiến thức, là yếu tố nền tảng, ảnh hưởng ở chiều sâu.
3. Sự dấn thân của giới trẻ có hiểu biết, tuyệt vọng trước những bế tắc của xã hội, là yếu tố phát động đấu tranh.
4. Môi trường quốc tế là yếu tố trợ lực (nhưng cũng có thể là yếu tố chủ động nếu cuộc cách mạng được “khuyến khích” từ bên ngoài).
5. Môi trường kinh tế chung, là yếu tố nuôi dưỡng, bảo trì, để giai đoạn trì trệ hay suy thoái khó tránh khỏi có hy vọng được nâng đỡ bởi những thế lực kinh tế tài chính toàn cầu.
6. Sự cấu thành một nhóm lãnh đạo có tinh thần dân chủ thực sự, có khả năng xây dựng một cấu trúc dân chủ hữu hiệu, là yếu tố chỉ đạo, dẫn dắt cuộc cách mạng theo một chiều hướng thuận lợi.
Những gì xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông đặt ra nhiều bài toán hơn là đem lại những giải đáp. Tuy nhiên, giải được các bài toán ấy sẽ là cơ may khai phóng những khả năng của mọi con người, ở khắp mọi nơi, để có thể cùng nhau góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nguyễn Hoài Vân
bạn đọc Dân Làm Báo. Tựa đề DLB đặt.
danlambao1.wordpress.com

Chuyện ‘ngọn đuốc Phạm Thành Sơn’


Liêu Thái/Người Việt

Vụ tai nạn hay 'tự thiêu' trước trụ sở Ủy Ban TP Ðà Nẵng?

ÐÀ NẴNG - Chuyện anh Phạm Thành Sơn, kỹ sư công ty cao su Ðà Nẵng chết cháy trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, số 42 Bạch Ðằng, thành phố Ðà Nẵng vào giờ chính ngọ, ngày 17 tháng 2 năm 2011, là một câu chuyện đau lòng, gây xôn xao dư luận khắp nơi.

Nhiều giả thiết được đặt ra về cái chết của anh như chết vì tai nạn, cháy xe (như các báo trong nước đã đưa tin) hay chết do tự thiêu?

Câu trả lời, có lẽ chỉ do chính anh Sơn trả lời là chính xác nhất. Và thứ đến là những người thân của anh, những người chứng kiến lúc anh bị cháy, những người đã trò chuyện với anh trước lúc anh thành “ngọn đuốc Phạm Thành Sơn” sẽ rõ được ít nhiều.


Những người dân Ðà Nẵng, qua báo chí trong nước vốn chẳng biết được gì hơn ngoài chuyện anh Sơn đã chết cháy, năm nay anh 31 tuổi, anh là một kỹ sư tin học...


Nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm một số tin tức khác, trên mặt dư luận, trên tâm tư, tình cảm của hàng xóm về quá khứ và thân thế, sự nghiệp của anh Sơn.


Ðương nhiên những thông tin này cũng không “chính lề,” đó là những thông tin có được qua những buổi cà phê tình cờ với một số người hàng xóm của anh Sơn.

Anh Phạm Thành Sơn bốc cháy trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, trưa 17 tháng 2, trước sự thờ ơ của công an và người qua đường. (Hình: Chụp lại từ youtube)

Anh Sơn từng là giáo viên



Theo lời kể của một cụ ông gần nhà anh Sơn: “Chú ấy (Phạm Thành Sơn) có ba chị em, một chị cả, tới chú Sơn và còn đứa em út. Trước đây chú Sơn học Ðại Học Sư Phạm, hình như ngành toán tin học thì phải. Sau khi tốt nghiệp, chú về dạy trường Ngô Quyền-Ðà Nẵng. Và dạy một thời gian, chú xin nghỉ việc vì một vụ đụng độ với học trò...”


Về “vụ đụng độ học trò,” cụ ông kể tiếp: “Học trò trường Ngô Quyền có nhiều đứa rất quậy, thuộc hạng siêu quậy kia, chú ấy bực, thấy học trò quậy quá, kêu lên la nó, không may kêu đụng phải con ‘cớm,’ nó mắng lại chú ấy. Vậy là chú ấy tát tai răn đe, nó đánh lại. Kết quả là chú ấy thất vọng, xin nghỉ việc. Sau này làm qua công ty cao su Ðà Nẵng...”


Ông cho biết thêm: “Mẹ chú ấy là người rất tốt, bà nội của chú là mẹ Việt Nam anh hùng, bác của chú là cán bộ ở Hội An, chú của chú ấy là công an quận Hải Châu, Ðà Nẵng, cha chú ấy là thương binh loại 3, chú ấy làm ăn rất thành công, chú ấy mới mua chiếc xe bốn chỗ ngồi, nghe đâu tám trăm triệu thì phải, chiếc xe vẫn còn để bên nhà đó!”

Nhà anh Phạm Thành Sơn (màu xanh, bên trái), nơi đang thờ anh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

 Anh Sơn có bị thần kinh?


Chúng tôi hỏi một người khác, cùng ngồi chung bàn, “Nghe nói anh Sơn bị khùng phải không chú?”


Người đàn ông này trả lời: “Ai nói anh là chú ấy bị khùng? Có mà thiên hạ này khùng thì có, vì nếu khùng thì sao làm kỹ sư, ăn lương nhà nước, hóa ra nhà nước này bị khùng à? Vả lại tôi cũng từng tiếp xúc chú ấy nhiều, chẳng thấy dấu hiệu nào là bị khùng cả! À, mà sao nhất thiết phải khùng mới bị ‘nổ bình xăng’... Thì báo (trong nước) nói là tai nạn, rồi có tin là bị khùng... Nghe có mâu thuẫn không?”


Ông cho biết thêm: “Có lẽ do có quá nhiều đồn đoán về cái chết của chú Sơn, nên bên ngành an ninh phải chặn lại, hôm đám tang của chú Sơn, công an ngồi dày đặc khắp xóm, riêng các quán cà phê gần nhà chú Sơn thì họ trực từ 3 giờ sáng cho đến mười hai giờ đêm. Họ ngồi khắp...”


Chúng tôi hỏi ông: “Chuyện lời đồn anh Sơn bị khùng có liên quan gì đến công an ngồi trực, vì sao chú có sự liên tưởng kỳ cục vậy?”


Người đàn ông lắc đầu, không trả lời gì. Chúng tôi hỏi tiếp: “Cháu nghe đồn là anh Sơn tự thiêu?”


Nghe nói đến chữ “tự thiêu,” người đàn ông này tái mặt, không nói năng gì nữa. Một lúc sau ông trả lời: “Theo các báo nói thì anh ấy bị tai nạn xe, cháy xe, chết cháy, tôi không biết đúng sai ra sao! Tôi chỉ khẳng định là anh ấy không khùng, rất thông minh và điềm đạm, thế thôi!”


Về sau, hỏi gì thêm, hai người đàn ông này cũng lắc đầu, nói không biết. Ông nhìn chúng tôi có vẻ nghi ngờ, người đàn bà ngồi trong quán nói nhỏ với người còn lại, “Chắc là công an đi điều tra!” Nói xong, bà ta gọi hai người này đi chỗ khác nhằm tách họ ra khỏi chúng tôi.




Những người bạn nhận xét về anh Sơn



Một nhà thơ, nhà ở gần nhà anh Sơn cho biết: “Cái chết của anh Sơn rất ‘ngầu,’ có thể nói là tỏa sáng, vì một thanh niên còn trẻ, thông minh, sự nghiệp và tương lai rộng mở như vậy mà biến thành ngọn đuốc thì nhất định ngọn đuốc đó phải rất sáng, nhất là đuốc được thắp ngay trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố nữa, quá sang trọng!”


Một sinh viên năm cuối đại học Bách Khoa Ðà Nẵng nói: “Nhà anh Sơn đang trong diện giải tỏa, đầu phía Ðông cầu Rồng đi qua bên hông nhà anh. Nghe nói khu vực này đền bù chưa được thỏa đáng cho mấy. Vì cái nhà Tân Tuệ, rộng hơn nhà anh Sơn nhiều, vậy mà nhà nước đền bù giải tỏa có một tỷ ba trăm triệu đồng (tương đương $65,000). Ðất mặt tiền đắt lắm, mua lại giống vậy sẽ không còn đủ tiền để xây nhà như cũ...”


Chúng tôi hỏi anh chàng sinh viên: “Chuyện đất đai, đền bù thì có liên can gì đến cái chết của anh Sơn?”


Sinh viên này trả lời: “Mọi việc đều có mối quan hệ nhân quả cả! Không thể không đặt nghi vấn. Nhưng đó chỉ là nghi vấn, vì nghe đâu anh ấy từng kiện tụng đất đai gì đó, từng năm lần bảy lượt đội đơn lên văn phòng ủy ban thành phố Ðà Nẵng khiếu nại nhưng không được.”


“Theo chỗ tôi biết thì đầu Ðông của cầu rồng không rộng vậy, nhưng nhà nước lại cho giải tỏa thêm bốn căn nhà nữa, trong đó có nhà anh Sơn. Vì sao lại giải tỏa rộng ra như vậy? Vì trước đây, những căn nhà kia xoay mặt về đường Ngô Quyền, bây giờ sẽ lấy đất những căn nhà này, chia lô dọc theo đường Nguyễn Tri Phương (cầu đi qua), lấy bề hông chia thành mặt tiền...”


“Như vậy sẽ bán được một số lô đất mới, ít nhất là bảy lô, mà giá đất mới sẽ đắt hơn nhiều giá đất cũ. Theo tôi biết thì chủ nhà cũ không mua lại được những lô đất ngay tại nền cũ của mình. Họ phải dời đi nơi khác. Trong khi đó họ rất muốn nhận đất đổi mặt dọc thành ngang và xây dựng lại ngay vị trí nhà của mình! Nhưng hình như đất mới đã có chủ...”


“Biết đâu đó cũng là những bức xúc?! Nhưng đây chỉ là giả thiết, vì tui không phải là anh Sơn nên chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh. Có điều theo tôi biết thì anh Sơn là một trí thức...”


Một cô nữ sinh khác nói: “Tám cái bình xịt chữa cháy (theo các báo trong nước viết) mà không chữa nổi ngọn lửa của mấy lít xăng văng ra từ chiếc xe gắn máy là chuyện hài hước, khó mà tin được. Hơn nữa em coi trên youtube thì thấy trong lúc cháy, các công an đứng coi chứ có chữa gì đâu! Lại có chuyện người ta bị cháy mà kêu nhảy xuống sông! Làm sao mà ngô nghê thế? Có ai đang bị cháy, lửa vây tứ bề còn nghe được không hè?!”

Những người như thế này rất đông trong các quán cà phê gần nhà Phạm Thành Sơn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nơi cầu Rồng đi qua



Chúng tôi dạo một vòng về phía cầu Rồng đang xây dựng và giải tỏa mặt bằng. Khu vực sát bên hông nhà anh Sơn đang ngổn ngang đất đá, xe ủi và có vài công an mặc đồng phục đứng trước nhà, đi lòng vòng quanh khu vực này.


Chúng tôi đi tiếp, khi quay lại thì không nhìn thấy họ nữa.


Mùi khói nhang từ căn nhà đóng kín cửa của anh Sơn vẫn còn phảng phất trong nắng gió và bụi đường.


Cầu Rồng là chiếc cầu nối dài đường Nguyễn Tri Phương, giao với đường Phạm Văn Ðồng (con đường dọc bờ biển chạy từ Ðà Nẵng vào Hội An, trên con đường này có khu China beach làm xôn xao dư luận một thời gian).


Và khi xây dựng cầu Rồng, chính quyền đã cho đập phá trường trung học Trần Phú (tức trường trung học Sao Mai trước năm 1975) và một số nhà cửa của người dân. Theo như lời một số bà con Ðà Nẵng thì đáng tiếc nhất trong kiến trúc Ðà Nẵng có lẽ là Cầu Vồng và trường Sao Mai đã bị đập phá. Ðó là những kiến trúc đẹp, đã ăn sâu vào ký ức người dân Ðà Nẵng.


Thậm chí, nghe đâu, người ta còn có dự định đập phá thư viện Ðà Nẵng để xây dựng lại. Chuyện này không biết thực hư ra sao. Nhưng chuyện đập bỏ trường Trần Phú (Sao Mai) để lấy mặt bằng gần cầu Rồng là chuyện có thật.


Và chuyện anh Phạm Thành Sơn đã thành ngọn đuốc giữa ngọ, ngay trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng cũng là chuyện có thật!

No comments:

Post a Comment