Friday, May 28, 2010

Một chế độ điên khùng --http://www.nguoi-viet.com

Ngô Nhân Dụng
Mỹ và Nam Hàn đang tổ chức thao diễn quân sự gần biên giới Bắc Nam và tập luyện chiến thuật chống tàu ngầm gần đường giới tuyến, để chứng tỏ Mỹ vẫn đứng bên cạnh đồng minh Hàn Quốc. Ngoại Trưởng Hillary Clinton hứa với Ngoại Trưởng Nam Hàn Yu Myung Hwan (Lưu Minh Hoàn) hoàn toàn ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn; sau khi một ủy ban điều tra quốc tế cho biết chính Bắc Hàn gây ra vụ đánh đắm chiến hạm Cheonan khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Chính phủ Nam Hàn quyết định chấm dứt các công tác viện trợ kinh tế và nhân đạo cho miền Bắc. Ðể đáp lại, Bắc Hàn cũng ngưng mọi cuộc tiếp xúc với chính phủ miền Nam, đuổi các nhân viên Nam Hàn trong ủy ban liên lạc, và ra lệnh quân và dân miền Bắc chuẩn bị chiến tranh toàn diện nếu bị Liên Hiệp Quốc phong tỏa kinh tế. Mỹ sẽ tham khảo Nam Hàn và các nước trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Cộng Sản ở Bình Nhưỡng.
Ðây không phải là một cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa hai mảnh đất Hàn Quốc, miền Nam tự do dân chủ và miền Bắc độc tài Cộng Sản. Sau thỏa hiệp “đình chiến” chấm dứt cuộc chiến tranh Cao Ly 1950-1953, hai nước vẫn chưa ký hòa ước, trên nguyên tắc lúc nào họ cũng ở tình trạng chiến tranh. Ðường ranh giới trên biển mà chính phủ Nam Hàn vạch ra chưa bao giờ được Bắc Hàn công nhận. Cho nên, lâu lâu một chiến thuyền Bắc Hàn vượt qua lằn ranh, hải quân Nam Hàn yêu cầu rút đi không nghe, và hai bên nổ súng. Năm 1999, một cuộc hải chiến đã xảy ra, khiến 17 thủy thủ Bắc Hàn chết trên một chiếc tầu tuần duyên. Từ đó tới nay đã có 10 lần hai bên bắn nhau trên mặt biển. Tháng Hai năm 2002, một vụ chạm súng trên biển làm 4 thủy thủ Nam Hàn chết và 18 người bị thương. Sau biến cố này, Kim Chính Nhật đã bầy tỏ thiện chí bằng cách gửi đội đá bóng Bắc Hàn tham dự vào Á Vận Hội, do Nam Hàn đóng vai tổ chức. Giới ngoại giao giải thích đó là một cử chỉ ngụ ý “xin lỗi” của “Lãnh tụ Kính yêu” miền Bắc.
Tại sao Bắc Hàn gây ra vụ đánh đắm chiếc tầu Cheonan vào ngày 24 Tháng Ba vừa qua?
Một giả thuyết cho rằng Kim Chính Nhật muốn gây sự để ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu ở Nam Hàn vào tháng tới. Gây ra tình trạng căng thẳng có thể khiến dân chúng Nam Hàn sợ và không ủng hộ đảng cầm quyền, vì Tổng Thống Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) đã chấm dứt nhiều chương trình viện trợ cho miền Bắc mà hai đời tổng thống trước đã bắt đầu. Kim Chính Nhật có thể tín toán rằng có gây căng thẳng thêm cũng chẳng mất gì, nhưng có thể thúc đẩy các đảng đối lập ở miền Nam tỏ ra ôn hòa hơn để tranh cử. Nhưng nếu tính toán như vậy thì Kim Chính Nhật không thành công. Dân chúng Nam Hàn đã quá mệt mỏi với những cố gắng hòa giải và “hàn gắn” của các vị tổng thống cũ, và họ sẽ ủng hộ đường lối cứng rắn của đương kim tổng thống.
Một nguyên nhân khác, có thể là do chính trị nội bộ của chế độ Cộng Sản Bắc Hàn. Từ khi có tin ông Kim Chính Nhật bị bệnh nặng, cuối năm 2008, Bắc Hàn đã tỏ ra có thái độ gây hấn nhiều lần; chỉ cốt cho thế giới bên ngoài không để ý tới tình trạng suy yếu của ông ta. Ðồng thời, họ muốn cho thế giới thấy không ai có khả năng tiên đoán các hành động của lãnh tụ Cộng Sản này. Trong mấy tuần lễ, Tháng Tư và Tháng Năm năm 2009, Bình Nhưỡng đã phóng hỏa tiễn tầm xa và cho thử một vụ nổ nguyên tử lần thứ nhì. Sau khi Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc làm nghị quyết lên án, Bắc Hàn tìm cách xoa dịu dư luận, bằng việc trả tự do cho hai người Mỹ gốc Hàn Quốc và một người Nam Hàn. Sau đó, họ lại khiêu khích ngay lập tức bằng quyết định tịch thu tài sản của công ty du lịch tại vùng núi Kim Cương (Geum Gang), vốn là một vụ đầu tư nhắm mở cánh cửa thân thiện do chính phủ Nam Hàn khởi xướng. Chính phủ Bình Nhưỡng vừa mới ngỏ ý sẽ tham dự một cuộc đàm phán về năng lượng nguyên tử, thì vụ đánh tàu Cheonan xẩy ra. Vào Tháng Mười Một 2009, một chiếc tàu Bắc Hàn vượt qua lằn ranh giới trên biển, hải quân Nam Hàn ngăn chặn, gây ra một cuộc hải chiến; sau đó tàu Bắc Hàn phải bỏ chạy, một thủy thủ bị chết.
Sau nhiều năm ngoại giao lúc nóng, lúc lạnh chế độ Bắc Hàn đã làm cho thế giới nghĩ rằng các lãnh tụ họ Kim, từ đời bố Kim Nhật Thành, đến đời con Kim Chính Nhật có thể hành động điên rồ, khó hiểu, thậm chí phi lý. Họ không cần quan tâm đến cuộc sống kinh tế cũng như sinh mạng của nhân dân, cho nên không thể đoán trước họ sẽ làm gì.
Chính quyền Cộng Sản Bắc Hàn có thể gây hấn qua vụ Cheonan chỉ để làm cho thế giới chấn động, gây tiếng vang và các phản ứng đối nghịch, rồi tuyên truyền với dân chúng rằng họ đang bị Nam Hàn và Mỹ đe dọa. Trong một chế độ Cộng Sản bưng bít tin tức, họ sẽ thành công. Ðấy là một cách làm cho dân quên đói. Tháng trước, đã có tin nạn đói đang đe dọa nông dân Bắc Hàn; vì chính sách quản lý nông nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa vẫn thất bại như xưa. Bao nhiêu tài nguyên được chế độ Cộng Sản đổ hết vào việc chế vũ khí và nuôi quân đội, cho nên những nông dân làm ra lúa gạo là những người đầu tiên bị đói, trong khi đó dân thành thị lại nếm mùi thiếu thốn nhu yếu phẩm. Không khí chiến tranh là một phương tiện để điều khiển dư luận dân chúng, như Bắc Hàn đã từng sử dụng nhiều lần.
Một giả thuyết khác là các hành động gây hấn nhắm tạo uy tín cho người kế vị mà Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) chỉ định là Kim Chính Vân (Kim Jong Un), đang được bố chuyển giao quyền hành. Trong khi bố đang chờ chết, ông con thứ ba mới 26 tuổi muốn tỏ ra là người cứng rắn hơn hai người anh lớn tuổi hơn. Cậu Chính Vân là con một người thiếp yêu của bố, hồi nhỏ đã được đưa qua Thụy Sĩ sống, giả làm con một nhân viên ngoại giao Bắc Hàn để mỗi ngày được xe đưa đi học trong trường Thụy Sĩ. Kim Chính Vân có thể chủ trương đánh đắm chiếc tàu Cheonan của Nam Hàn để trả thù cuộc đụng độ vào cuối năm ngoái. Chính cậu ta có thể đặt kế hoạch đánh chìm một tàu thủy Nam Hàn để trả thù vụ thất bại năm ngoái. Cầu muốn chứng tỏ mình có khả năng điều khiển lực lượng quân sự một triệu người, thử đặt các tướng lãnh già nua trong bàn tay kiểm soát của mình. Trong chế độ Cộng Sản, các lãnh tụ muốn ngoi lên hàng đầu vẫn phải tìm cách kiểm soát quân đội. Chức vụ duy nhất trong những năm sau cùng của Ðặng Tiểu Bình chỉ là chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Những giả thuyết trên có thể đều đúng một phần. Nhưng đó là một điều đáng lo ngại cho cả thế giới. Vì chế độ Cộng Sản Bắc Hàn sẽ còn tiếp tục để cho dân bị đói, và phải tiếp tục làm sao cho dân quên đói. Vấn đề kế vị sẽ còn kéo dài, ngay cả khi Kim Chính Nhật chết và Kim Chính Vân lên nối ngôi rồi, thì cũng phải mất nhiều năm mới yên vị được. Và chế độ Bắc Hàn sẽ còn gây không khí chiến tranh để có lý do chế tạo thêm vũ khí. Bắc Hàn đã thí nghiệm bom nguyên tử 2 lần và không ai biết họ có trái bom nào nữa hay không! Nhưng hàng ngàn hỏa tiễn vẫn sẵn sàng bắn tới Hán Thành (Seoul) trong vài phút và các hỏa tiễn tầm xa có thể phóng sang tới Nhật Bản. Với đóng vũ khí lớn lao đó, các thế hệ lãnh tụ Bắc Hàn sẽ tiếp tục đóng vai trò điên khùng của họ để làm ông “Ngáo ộp” đe dọa các nước chung quanh.
Trung Quốc là nước có khả năng làm áp lực với Bắc Hàn. Ba phần tư nhiên liệu và gần nửa số thực phẩm của Bắc Hàn là do Trung Quốc cung cấp. Gần 40% số ngoại thương của Bắc Hàn là với Trung Quốc (1.60 tỷ Mỹ kim). Có gần nửa triệu người Bắc Hàn sống ở Mãn Châu, trong đó hơn 100 ngàn là những người tị nạn, có thể tuyển được một đạo quân gián điệp và phá hoại. Nhưng bề ngoài, Bắc Kinh vẫn không bao giờ tỏ ý hăm dọa ông Kim. Vì các chế độ Cộng Sản Á Châu có cách nói chuyện khác với thế giới bên ngoài!
Ngày 5 Tháng Năm, Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào đã khuyên chính quyền Cộng Sản Bắc Hàn nên cải tổ kinh tế và mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Theo kinh nghiệm Bắc Kinh, đây là con đường duy nhất để “cải tổ chế độ” ở Bình Nhưỡng. Một khi con cháu các lãnh tụ Cộng Sản được tư bản hóa thì họ sẽ bớt hiếu chiến. Và họ sẽ tỏ ra bình thường hơn, không còn những cử chỉ và hành động điên rồ, khó hiểu nữa! Kim Chính Vân đã thấy cuộc sống thịnh vượng ở Thụy Sĩ, chắc sẽ được thuyết phục dễ hơn ông bố nhà quê!
Ðối với Trung Quốc, con đường tư bản hóa Cộng Sản Bắc Hàn sẽ có lợi hơn là hiểm họa chiến tranh. Nếu Bắc Hàn gây chiến, khi bộ đội của gia đình họ Kim tiến vào miền Nam, thấy cảnh sống trù phú ở đó, chắc chắn họ sẽ đào ngũ hết. Và quân Mỹ và Nam Hàn sẽ tiến đến gần sông Áp Lục, điều mà Mao Trạch Ðông ngày xưa đã lo sợ và hàng triệu lính Trung Cộng được gửi sang Hàn Quốc chết để ngăn cản. Nhưng hiểm họa lớn nhất đối với Trung Quốc là khi chiến tranh xảy ra hàng trăm ngàn dân Bắc Hàn tị nạn sẽ tràn qua biên giới vào nước Tàu. Ðó là cảnh tượng nhất định Bắc Kinh không cho xẩy ra!

=============


Thêm một chứng cứ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam: Không thể «giữ nguyên hiện trạng»

André Menras, Hồ Cương Quyết
imageMột người bạn là sử gia người Pháp vừa gửi cho tôi tài liệu về Hoàng Sa được đăng trên tờ Le Figaro của Pháp (ngày 5 tháng 7 năm 1938). Tài liệu này một lần nữa khẳng định quần đảo Hoàng Sa (Paracel) thuộc quyền của Việt Nam. Xin lược dịch lại
«Tại Viễn Đông: Chính quyền Đông Dương củng cố việc bảo vệ các hòn đảo Paracel (Hoàng Sa)
Tokio, tháng 7 năm 1938:
Hãng Doméi cho phát một bản tin khẩn theo đó Chính Phủ Pháp đã thông báo cho Chính phủ Anh Quốc rằng họ đã chiếm các hòn đảo Paracel (Hoàng Sa), một nhóm đảo và hòn đảo nhỏ ở phía Đông Nam của đảo Hải Nam, trên Biển Đông (mer de Chine).
Hãng Doméi nghĩ rằng Chính phủ Nhật Bản chưa nhận được một báo cáo chính thức nào liên quan đến thông tin trên. Và theo thông tin duy nhất có thể nhận được từ Tokio, một sở cảnh sát An Nam mới gần đây đã đổ bộ lên một trong những đảo đó, nơi có hơn 20 người Nhật đang làm việc. Hãy nhớ rằng một tuần trước, tại Hạ Nghị viện của Anh, người ta đã báo rằng nước Pháp và nước Anh, qua trung gian của các Đại sứ của họ ở Tokio, đã có những thông báo với Nhật về nguy cơ có thể có nếu có một sự chiếm đóng đảo Hải Nam đối diện với Đông Dương thuộc địa của Pháp. Những cơ quan thẩm quyền Pháp khi được hỏi đã lưu ý rằng các hòn đảo Hoàng Sa đã được vương triều An Nam chiếm giữ từ đầu thế kỷ trước, được xem như một phần phụ thuộc của vương triều này. Để bảo đảm an toàn cho việc lưu thông trong những vùng này, chính quyền Đông Đương đã đặt những ngọn đèn pha thường trực. Những nhóm nhỏ cảnh sát An Nam cũng đã được đưa đến đảo để bảo vệ các công trình nghệ thuật đó. Đồng thời một đài khí tượng cũng đã được dựng lên để phát hiện những cơn giông, bão» (Xin xem bản gốc tiếng Pháp ở dưới).
Như một lời kết luận chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, anh bạn sử gia người Pháp viết: C.Q.F.D. (Ce Qu’il Fallait Démontrer), có nghĩa là một cách được thừa nhận của các nhà toán học, sau khi đã đưa ra dẫn chứng chứng minh cho một định lý rất rõ ràng rằng : Điều đó đã được chứng minh! Nói rõ hơn là mỗi người hiểu biết lẽ phải, biết lý lẽ không thể phủ nhận được. Đây là nguồn tài liệu có tính xác thực và mang tính quốc tế và đã được khẳng định từ thế kỷ trước. Điều này càng khẳng định thêm tại sao lâu nay chính quyền Trung Quốc tuyệt đối từ chối quốc tế hóa vấn đề này. Càng hiểu tại sao họ từ chối đàm phán và tiếp tục chọn giải pháp đe dọa sử dụng vũ lực khi thấy sức ép của dư luận thế giới tăng lên...
Từ tài liệu này, khi đọc một vài bài được dịch từ mạng của họ, tôi không ngạc nhiên khi thấy họ rất sốt ruột bồn chồn, mất sự tự kiềm chế đến mức chửi Việt Nam một cách điên loạn.
Nhưng có một điều tôi chưa rõ là, với Việt Nam, ngoại trừ việc phản đối chính thức hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của mình, chưa ra sức công khai hóa hoàn toàn các tài liệu có lợi cho mình dù đã quyết định quốc tế hóa Biển Đông. Hơn nữa, các tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam đối với Biển Đông đôi khi mâu thuẫn và bất nhất. Chẳng hạn, với nguồn sử liệu được nói đến trên, việc một vị lãnh đạo quốc phòng Việt Nam tuyên bố trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Trung Quốc rằng nên «giữ nguyên hiện trạng» tại Biển Đông là một lập trường mâu thuẫn với tuyên bố và tinh thần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Vì sao? Điểm yếu nhất của Trung Quốc trên lĩnh vực pháp lý và lịch sử là Hoàng Sa. Chứng cứ của họ hiện rất yếu và không được nhiều đồng thuận. Trong khi ta có nhiều nguồn sử liệu chứng minh rõ Hoàng Sa là của Việt Nam (và bài báo trên tờ Le Figaro là một dẫn chứng thêm), nếu chúng ta chấp nhận giữ nguyên hiện trạng, có nghĩa là chúng ta chấp nhận mất Hoàng Sa hay sao?
Các vị lãnh đạo Việt Nam nên giải thích rõ và cụ thể khái niệm «giữ hiện trạng» đối với quần đảo Hoàng Sa.
A.D. HCQ
Nguồn sử liệu được dẫn trong
Bản tin gốc :
« EN EXTREME-ORIENT, Le gouvernement de l'Indochine renforce la protection des îles Paracel.
Tokio, juillet. L'Agence Domei publie une dépêche de Londres selon laquelle le gouvernement français aurait informé le gouvernement britannique qu'il a fait occuper les îles Paracel, groupes d'îles et de récifs situé au sud-est de l'île Haïnan, dans la mer de Chine.
L'Agence Doméi croit savoir que le gouvernement japonais n'a encore reçu aucun rapport officiel concernant cette nouvelle, et que d'après la seule information qu’ on peut recueillir à Tokio, un certain nombre de gendarmes annamites ont, tout dernièrement, débarqué dans une des îles en question, où travaillent une vingtaine de Japonais. On se souvient qu'il y une semaine, on a annoncé à la Chambre des Communes que la France et la Grande-Bretagne avaient, par l'intermédiaire de leurs ambassadeurs à Tokio, fait des représentations auprès du Japon, concernant le danger que comporterait une occupation de l'île Haïnan, en face de l'Indochine française. Interrogés, les milieux autorisés français font observer que les îles Paracel, occupées par l'Empire annamite depuis le début du siècle dernier, sont considérées comme une dépendance de cet Empire. Pour assurer la sécurité de la navigation dans ces parages, le gouvernement de l'Indochine y a fait installer des feux permanents. Des détachements peu nombreux d'agents de police annamites y ont été envoyés afin de protéger ces ouvrages d'art, ainsi qu'une station météorologique destinée à déceler les typhons. »
LE FIGARO 5 JUILLET 1938

========

Việt Nam lại lên tiếng về Trường Sa


Việt Nam một lần nữa lại lên tiếng ‘khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa’.

Lời khẳng định của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga được đưa ra khi bà được hỏi về tin của Tân Hoa Xã, nói rằng ‘Trung Quốc đã chính thức khai thông mạng điện thoại di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa sáng 25/5’.

Bà Nga nói tiếp: ‘Mọi hoạt động của nước ngoài trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’.

Bà Nga dẫn lời quan điểm của chính quyền Hà Nội nói rằng ‘trong khi các tranh chấp chưa được giải quyết, các bên liên quan không nên có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông’.

Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo ở biển Đông mà nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 16/5 tới ngày 1/8/2010 tại một số khu vực trên biển Đông, bà Nga từng nói: ‘Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, do đó hoàn toàn vô giá trị’.

Nguồn: Vietnam Ministry of Foreign Affairs

No comments:

Post a Comment