David Koh
Số liệu trong bài dựa trên giá trị đồng đô la Mỹ, tổng hợp từ BBC. Nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam ở thời điểm đầu 03/ 2011 là 29 tỉ, hơn 42% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Quốc gia này đang rơi vào tình trạng thâm thủng kép cả về thương mại và ngân sách chính phủ. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam có thể đi tới tình trạng phá sản, nếu diễn dịch theo các số liệu dưới đây.
Dự trữ của chính phủ, tức khoản tiết kiệm, hiện có không tới 50% so với công nợ. Nếu phải trả nợ 29 tỉ đô la ngay vào ngày mai, chính phủ Việt Nam sẽ không thể có đủ tiền để trả một lần. Nếu có chuyện các chủ nợ kêu đòi ngay một lúc thì nguồn tài chính của chính phủ sẽ không đủ để thanh khoản. Điều này có thể không xảy ra nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng đó, nói tỉ như nếu có một sự cố khủng hoảng chính trị kiểu Ai Cập 2011 hay một thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng như trận động đất trong tháng này ở Nhật, hay xuất hiện một mối hoang mang bất thần trong số các nhà đầu tư và các chủ nợ nước ngoài.
Tình hình này có vẻ không khả quan hơn trong thời gian ngắn. Tình trạng thâm hụt ngân sách vẫn tiếp diễn và chính phủ cũng dự tính 5% thâm hụt nữa cho năm tài khóa này. Thâm hụt mậu dịch cũng cho thấy không có dấu hiệu cải thiện nhanh, trong tháng Hai là gần 1 tỉ. Chính phủ lập kê hoạch hạn chế tình trạng thâm hụt mậu dịch của năm 2011 là khoảng chừng 18% kim ngạch xuất khẩu, tức khoảng 14,2 tỉ. Nhưng số này vẫn là tăng nhẹ so với năm 2010.
Do vậy, trong tình thế thâm hụt kép vẫn tiếp diễn, thì việc tiếp tục vay nợ là điều cần thiết, sau khi đã cân đối với nguồn thu từ đầu tư trực tiếp ngoại tệ và kiều hối của người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, nguồn kiều hối này sẽ đi thẳng vào túi người dân hơn là vào hầu bao của chính phủ. Người dân Việt Nam có khoảng vài tỉ đô la giữ làm của bằng các cách tiết kiệm khác nhau, chủ yếu là đô la Mỹ và vàng. Lý do chính là do họ thiếu tin tưởng vào giá trị của đồng tiền Việt Nam, và vào khả năng chống lạm phát của chính phủ.
Năm 2011, chính phủ cần 4 tỉ để trả lãi suất cho phần nợ nước ngoài. Khoản này chiếm chừng 12% ngân sách của chính phủ. Càng ngày càng có nhiều chủ nợ của chính phủ Việt Nam sẽ phải xem chuyện gom nợ dài hạn và khả năng thu thuế của chính phủ là yếu tố quan trọng để cân nhắc chuyện cho vay trong tương lai. Trong bối cảnh đó thì các con nợ đặc quyền [nhà nước] có xu hướng có lợi thế hơn các bộ phận vay mượn tư nhân, và như thế điều phân vân là liệu xảy ra nguy cơ tráo trở (moral hazard) trong hệ thống tài chính quốc tế hay không?
Nếu dự trữ ngoại tệ của chính phủ Việt Nam rớt xuống dưới mức 4 tỉ, là số tiền cần phải trả lãi suất hàng năm, thì điều gì sẽ xảy ra? Nguồn dự trữ ngoại tệ của chính phủ đã và đang có xu hướng đi xuống từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Việt Nam vào năm 2008, xảy ra trước cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Phản ứng của khu vực sẽ như thế nào nếu Việt Nam trở thành một Iceland hoặc một Hy Lạp của Đông Nam Á?
Hiện đang có một động lực để giảm thiếu hụt ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu. Việc cắt giảm đã được lên kế hoạch nhưng chỉ giảm chừng được 0,5% so với năm 2010. Còn nhiều việc khác nữa cần phải làm và chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng cần phải tự làm gương cũng như các lãnh đạo các cơ quan của họ phải đi đầu trong việc này. Vài năm trước, người dân Việt Nam rất lấy làm ấn tượng, khi có một nhà lãnh đạo chính phủ ngoại quốc rời khỏi Hà Nội bằng một hãng hàng không giá rẻ. Ngược lại, trong các chuyến thăm cấp quốc gia, các nhà lãnh đạo Việt Nam lại đem theo cả tùy tùng của mình trên một chuyên cơ đặc biệt của hãng hàng không quốc gia. Đi lại theo kiểu ít phô trương có lẽ là hữu ích hơn. Các thí dụ khác về tình trạng lãng phí thì đầy rẫy.
Điều mà chính phủ cần là kiện toàn các phương thức kiểm soát vĩ mô và ngăn ngừa việc chi tiêu quá mức. Tựu trung là, cần phải ấn định một giới hạn mức độ thâm hụt mà không một chính phủ nào có quyền thay đổi hoặc chi tiêu nếu không được 80% đại biểu Quốc hội đồng ý, và Chủ tịch nước cũng phải được cho phép rà soát ngân sách của chính phủ một cách kỹ càng hơn và được quyền yêu cầu chính phủ phải có những điều chỉnh bắt buộc theo đúng luật. Chủ tịch nước cũng cần phải được quyền phủ quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách ngay cả khi 80% đại biếu Quốc hội đồng ý – nếu không đem lại lợi ích gì cho quốc gia. Tiết kiệm có tính bắt buộc ngân sách hàng năm của chính phủ cần phải trở thành một việc làm thường quy.
Có lẽ cũng nên thể chế hóa việc kiểm soát các bộ phận có tính cụ thể. Chẳng hạn như, trong khi các đơn vị như quốc phòng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục không phải là đối tượng để siết chặt, thì ngân sách cho các bộ ngành khác và các doanh nghiệp nhà nước cần phải được giám sát chặt chẽ và cần phải đặt trong lộ trình giảm dần ngân sách chi trong vòng 5 năm tới, cho tới khi tình hình tài chính được cải thiện rõ rệt. Nếu là các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ, trừ khi có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia, thì có lẽ không nên để sống bằng tiền nhà nước bơm vào, mà cần phải giải thể.
Một điều nghịch lý, lúc này cũng chính là thời điểm cho các quốc gia tài trợ cần phải cân nhắc việc cắt giảm viện trợ, dù là dần dần, để gây áp lực buộc chính phủ này phải đương đầu với những lựa chọn quyết liệt trong vấn đề dự chi ngân sách để đảm bảo cho Việt Nam sống một cách tự lực. Với tình trạng tài chính hiện nay, thì câu chuyện phát triển của Việt Nam là không bền vững và có thể bị sụp đổ.
Nguyên Đình dịch theo đường link giới thiệu của Viet-Studies
(*) Tựa đề do người dịch đặt lại. Nguyên văn: Vietnam’s poor government
Tác giả David Koh là Chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông nam Á
Theo BVN
Việt Nam nợ nước ngoài bao nhiêu?
Nguyễn Văn Tuấn
Phải nói ngay rằng bài này không có mục đích bàn về kinh tế, nhưng chỉ mượn bài viết của bác Vũ Thành Tự Anh để bàn về cách trình bày con số thống kê kinh tế và ý nghĩa của những con số đó. Đọc bài của Tự Anh mấy lần, nhưng tôi không cách gì hiểu được bởi vì những con số trong đó cứ nhảy nhót tứ tung cả.
Giới kinh tế gia là bậc thầy của thống kê. Họ nói cái gì cũng có con số kèm theo. Họ rất thích con số phần trăm. Phần trăm tăng trưởng. Phần trăm GDP. Nhưng thú thật, nhiều khi đọc qua những con số quá lớn, tôi không có cảm giác gì cả. Chẳng hạn như có con số nói rằng các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam đang nợ 300,000 tỉ đồng (chỉ là ví dụ), thì làm sao tôi có thể hình dung ra qui mô đó lớn như thế nào. Thành ra, phải qui ra con số phần trăm của GDP thì dễ hiểu hơn. Hóa ra, con số tỉ trọng nợ trên GDP là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá nguy cơ một quốc gia sẽ vỡ nợ. Do đó, con số của nhà kinh tế rất quan trọng, cần phải xem xét cho thật kĩ để hiểu vấn đề.
Theo báo chí thì Việt Nam là nước có nguy cơ cao bị vỡ nợ vì các doanh nghiệp thuộc Nhà nước quản lí thiếu nợ nhiều quá. Một cách để biết qui mô thiếu nợ là thể hiện số tiền thiếu nợ nước ngoài như là một tỉ lệ của GDP. Tuy nhiên, đọc bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì tôi vẫn chẳng biết Việt Nam thiếu nợ bao nhiêu, vì cách trình bày con số quá rối rắm, và có khi không hợp lí. Dưới đây là vài lí giải tại sao có những con số không hợp lí:
1. Chúng ta thử đọc xem năm 2008, các doanh nghiệp Nhà nước nợ bao nhiêu. Vào đầu, Tự Anh viết “[…] tính đến 31-12-2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 287.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.” Câu này thì tôi hiểu như sau: đến cuối năm 2008, số tiền mà các DNNN nợ chiếm xấp xỉ 24% GDP của Việt Nam. Nhưng 24% là bao nhiêu USD? Theo nguồn này thì GDP của Việt Nam năm 2008 là 84.98 tỉ USD. Như vậy, tính đến cuối năm 2008 các DNNN nợ 20.31 tỉ USD.
2. Bây giờ chúng ta xem qua con số của năm 2009. Bài báo cho biết: “Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỉ đồng, tương đương với 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.”
Tôi hiểu câu này như sau: đến cuối năm 2009, số tiền mà các tập đoàn DNNN nợ là 813,435 + 86,000 = 899,435 tỉ đồng, chiếm 54.2% GDP của Việt Nam. Suy ra, GDP của Việt Nam trong năm 2009 là 1,659,474 tỉ đồng (hay khoảng 83 tỉ USD, tính theo 1 USD = 20,000 đồng), thấp hơn 2008 (84.98 tỉ USD)! Con số GDP [83 tỉ USD] này xem ra không hợp lí, bởi vì chúng ta biết rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 6 đến 8%. Thật vậy, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mĩ GDP của VN năm 2009 là 92.6 tỉ USD. Con số có vẻ hợp lí hơn là 83 tỉ USD, vì nó thể hiện tăng 9% so với 2008. Nhưng chúng ta vẫn phải dè dặt vì con số này không xuất phát từ nguồn chính thức của Việt Nam.
Vấn đề do đó đặt ra là con số nợ là đúng hay con số GDP sai? Giả dụ như con số về nợ là đúng thì tính đến năm 2009, các doanh nghiệp Nhà nước nợ 44.97 tỉ USD. Thử đặt vào một bảng số liệu để dễ hiểu:
2008 | 2009 | Tỉ lệ tăng trưởng | |
GDP (tỉ USD) | 84.98 | 92.60 | 9 % |
Nợ của DNNN (tỉ USD) | 20.31 | 44.97 | 122 % |
Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm mà số tiền nợ của DNNN tăng hơn 2 lần. Có lẽ chính vì thế mà giới tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong 18 nước có nguy cơ vỡ nợ cao.
3. Bài báo có kèm theo một biểu đồ để minh họa, nhưng cách trình bày dữ liệu thì rất rối rắm. Trục tung của biểu đồ là phần trăm (tỉ trọng GDP). Trục hoành là năm. Mỗi bar có 2 phần: phần dưới thể hiện nợ của DNNN, và phần trên là “Nợ của chính phủ”. Con số nợ của DNNN trong năm 2008 và 2009 (23.9% và 54.2%) được đề cập trong bài viết. Nhưng con số nợ của Chính phủ (36.2% bà 44.7%) thì hoàn toàn không được đề cập trong bài viết! Trình bày con số trong biểu đồ mà không có diễn giải là một "đại kị" trong khoa học.
Tôi không hiểu được biểu đồ này nói lên điểm gì. Con số 36.2% và 44.7% đề cập cụ thể đến cái gì? Nếu cộng 2 con số nợ của DNNN và nợ của chính phủ lại thì năm 2009, tổng số nợ chiếm 98.9% GDP sao? Nợ đến mức đó thì vỡ nợ rồi! Khó hiểu quá.
Ngoài ra, đường nối giữa hai con số có nghĩa là gì? Cần nói thêm rằng một qui ước chung trong khoa học là không ai dùng biểu đồ để thể hiện những con số đã đề cập trong văn bản cả, vì làm như thế là thừa.
Bài viết còn có một thông tin mà tôi không cách gì hiểu nổi. Đó là đoạn “Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong năm 2009, khu vực DNNN chiếm không dưới 60% trong tổng tín dụng nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế”. Phần tô đậm là phần tôi không hiểu nổi. “Tổng tín dụng nợ nội địa” là gì? Chắc chắn phải có một cách viết để thường dân có thể hiểu, chứ đâu cần đến cái cụm từ dài như thế. Ngoài ra, mới nói ở phía trên rằng trong năm 2009 nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chiếm 54.2% tổng GDP, vậy mà đoạn này nói rằng “không dưới 60% tổng tín dụng nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế”. Mẫu số của 60% là cái gì?
Nói tóm lại, một bài báo ngắn có nhiều ảnh hưởng, nhưng thông tin thì quá mù mờ. Mù mờ là do cách trình bày và cách dùng những thuật ngữ kinh tế làm cho thông tin càng thêm khó hiểu. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Việt Nam nợ quá nhiều. Chỉ riêng doanh nghiệp của Nhà nước mà đã nợ gần 45 tỉ USD, chưa biết doanh nghiệp tư nhân nợ bao nhiêu. Điều đáng chú ý hay quan tâm hơn là chỉ trong vòng 12 tháng mà số nợ của DNNN tăng hơn 2 lần. Có thể xem đó là khủng hoảng?
N. V. T.
Nguồn: Nguyenvantuan.net
No comments:
Post a Comment