( NGUYỄN DUY-AN )
Nguyễn Duy An là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm 30 tháng Tư năm nay, ông góp thêm 2 bài viết đặc biệt. Một, đã phổ biến, là chuyện 32 năm sau của đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ cuối cùng đến Việt Nam để di tản Tòa Đại Sứ và nhân viên Hoa Kỳ ở Sàigòn vào cuối Tháng 4, 1975. Và hai, dành cho ngày 30 tháng Tư 2007, là truyện kể về đứa con của người tù cải tạo vượt ngục.
Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia , hiện là Senior Vice President của National Geographic phụ trách Information Technology. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ 2005, ông gửi một tự truyện bắt đầu từ Bình Giả, địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Hiện nay, trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất trên Vietbao Online, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới .. 6 bài, với số lượng hơn 30,000 lượt người đọc. "Mái Tóc Thề" là một chuyện tình mùa xuân, vẫn bắt đầu từ làng quê Bình Giả ra đi, và nối dài tới Springfield , Massachusetts .. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Tuất 2006.
----------ooOoo----------
Vì chiều cao "rất khiêm nhường" của mình, tôi cứ phải loay hoay điều chỉnh cái máy video cầm tay, cố gắng thâu lại hình ảnh của Tuân đang từ từ bước lên khán đài nhận bằng kỹ sư để mai mốt mang về Việt Nam "vinh quy bái tổ".
Tuân là đứa con "rất đặc biệt" của chúng tôi. Vợ chồng tôi mới cưới nhau được 10 năm nhưng Tuân năm nay vừa tròn 22 tuổi ! Gia đình bên vợ và người ngoài cứ nghĩ nó là con riêng của tôi mang theo từ Việt Nam ; và chúng tôi nghĩ Tuân cũng tin như thế, vì mỗi lần gọi điện thoại về Việt Nam nó vẫn gọi mẹ tôi là bà nội. Tuy nhiên, Tuân vẫn một lòng kính trọng Oanh như mẹ ruột, và vợ tôi cũng rất thương yêu và lo lắng cho nó ngay cả trước khi chúng tôi nên vợ thành chồng.
Sau bao nhiêu lần thử nghiệm và biết chắc chắn tôi không thể có con; thay vì buồn phiền, Oanh lại săn sóc cha con tôi nhiều hơn. Đã mấy tháng nay nàng chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục giấy tờ để tuần sau chúng tôi về Việt Nam nhận một đứa cháu gái của tôi làm con nuôi. Ngày nhận được kết quả thử nghiệm xác định tôi không thể có con, Oanh đã âu yếm nhìn tôi thỏ thẻ: "Ngay từ đầu em vẫn tin anh. Em không buồn đâu anh ạ ! Em chấp nhận số phận, nhất là chúng mình đã có Tuân .. Tuy nhiên, em nghĩ chúng mình cũng nên nhận thêm một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Nếu anh đồng ý, em sẽ lo giấy tờ để chúng mình nhận một đứa con của chú Khang làm con nuôi. Mình nuôi cháu vẫn tốt hơn .." Đó là lý do Oanh sắp xếp để ngay sau khi Tuân ra trường, chúng tôi sẽ về Việt Nam thăm gia đình và nhất là đưa Tuân về thăm lại mộ Trang, người mẹ ruột của Tuân đã ra đi trong tủi nhục ngày nó mới được 3 tháng tuổi, và Tuân trở thành "con trai" của tôi từ hơn hai mươi năm về trước tại Bình Giả, Việt Nam.
*
Ngày đó tôi cũng khoảng tuổi của Tuân bây giờ. Tôi trở về Bình Giả năm 1979, sau mấy năm gồng mình cầm cự với nghề "gõ đầu trẻ" tại một vùng kinh tế mới ở Sông Bé. Tôi thương đám học trò nghèo đói nhiều lắm nhưng chính tôi cũng không chịu nổi cảnh đói nghèo vì lương không đủ ăn nên đành phải bỏ trường về quê ăn bám gia đình sống qua ngày. Sau bốn năm trời vừa dạy học, vừa làm rẫy sống lây lất qua ngày, sức tôi đã kiệt quệ ! Tôi đã "cắt hộ khẩu" ở trường cũ, nhưng không xin "nhập hộ khẩu" tại Bình Giả vì tôi trở về với ý định tìm đường vượt biên. Đã mấy năm rồi, bà con trong làng ai cũng biết tôi đi dạy học ở vùng "Kinh Tế Mới", và thỉnh thoảng vẫn về quê thăm cha mẹ cũng như xin thêm gạo, bắp .. nên không ai thắc mắc hay hỏi han giấy tờ tạm trú. Mùa mưa năm đó, ngoài việc chuẩn bị dầu nhớt cho chuyến vượt biên chung với một số bạn bè ngoài Láng Cát, tôi vẫn theo các em làm rẫy, làm ruộng, và nhất là vào rừng kiếm măng tre. Trong một dịp mò mẫm giữa rừng tre, tôi đã gặp lại anh Thành, một người trốn trại cải tạo, đang lẩn trốn trong rừng để tìm cách liên lạc với người vợ mới cưới được mấy tuần trước ngày anh đi học tập. Hôm đó trời trở cơn giông đột ngột, tôi chạy vội tới một gốc cây bằng lăng để trú mưa vì lúc đi rừng tôi quên không mang theo áo mưa. Lúc tới được gốc "cây cổ thụ", tôi đã "hồn vía lên mây" khi nghe tiếng gọi tên mình vọng xuống từ ngọn cây:
- Toàn. Toàn phải không ?
Tôi ngơ ngác kiếm tìm xem ai đã gọi mình, nhưng trời đã tối mịt vì cơn mưa trong rừng nên chẳng thấy gì. Tôi sợ quá, đang định chạy trốn thì một sợi giây thòng xuống từ một cành bằng lăng rậm rạp phía trên đầu .. Một bóng người trùm kín trong chiếc áo mưa cũ kỹ, vừa tuột xuống vừa lên tiếng:
- Mình đây. Thành đây.
Anh Thành đã xuống đất. Tôi đứng chết sững ngó đăm đăm người "đàn anh" nổi tiếng đẹp trai và hào hùng của mấy năm về trước, bây giờ ốm yếu da bọc xương, đen đủi hốc hác đang run cầm cập vì đói và rét. Tôi ngập ngừng:
- Trời ơi ! Đúng là anh Thành đây mà. Sao anh ra nông nổi này ?
- Mình trốn trại cải tạo về đây đã mấy tuần rồi nhưng không dám về nhà, sợ bị bắt lại. Trời xui đất khiến cho mình gặp được Toàn ở đây. Đúng là số mình chưa chết.
- Anh đừng nói gở. Bây giờ anh tính sao ?
- Toàn có gì ăn không ? Hơn hai tuần nay mình ..
Tôi chỉ định đi kiếm măng vài tiếng đồng hồ nên chẳng mang theo gì ngoài con dao cán dài để đào măng. Cũng may trong túi còn gói thuốc lá và mấy miếng kẹo cao-su (chewing gum). Sau khi kể cho tôi nghe sơ qua về cuộc đào thoát từ trại cải tạo, anh bẻ một cành hoa bằng lăng mầu tím, khắc một dấu hiệu đặc biệt lên đó và nhờ tôi mang về cho Trang, vợ anh, đang ở với cha mẹ chồng trên Xuân Mỹ, Làng Ba. Tôi vội vàng trở về, hẹn hôm sau sẽ dẫn người nhà của anh vô rừng sớm. Thấy tôi trở về với một cành hoa bằng lăng mầu tím, mẹ và em gái tôi ngạc nhiên lắm, nhưng tôi cũng chẳng giải thích. Tôi dò hỏi đứa em gái về Trang, vợ của anh Thành. Lúc đó tôi mới biết chuyện anh Thành trở về Bình Giả sau năm 1975 với một cô gái người miền Nam, bổn đạo mới. Gia đình anh Thành không chấp nhận nhưng cũng đành xin cha xứ làm phép cưới cho hai người mấy tuần trước ngày anh ấy lên đường đi "học tập". Năm đó Trang mới 17 tuổi, nhưng vì loạn lạc, gia đình chẳng còn ai nên đã theo người yêu là anh Thành trở về Bình Giả. Niềm vui chưa trọn vẹn thì hoàn cảnh ngang trái đã chia cách đôi vợ chồng trẻ hơn bốn năm nay. Trang ở với gia đình cha mẹ chồng như một chiếc bóng cô đơn bên đường, mòn mỏi đợi chờ ngày chồng trở lại !
Tôi mang cành hoa bằng lăng mầu tím lên Xuân Mỹ tìm nhà anh Thành. Hai bác tỏ vẻ khó chịu khi tôi hỏi thăm và muốn gặp Trang. Về sau tôi mới hiểu là ở Bình Giả đâu có ai mang hoa tới nhà cho con gái; hơn nữa, nàng lại là một người con gái đã có chồng ! Từ nhà bếp đi lên, nhìn thấy tôi cầm cành hoa bằng lăng mầu tím trong tay, nàng đứng sững sờ nhìn tôi, miệng ấp úng nói không nên lời. Tôi vội vàng lên tiếng:
- Có người nhờ tôi trao cành hoa này cho Trang. Có dấu hiệu khắc trên đó.
Trang cầm cành hoa rồi bật khóc nức nở:
- Trời ơi ! Anh Thành ! Anh đã gặp anh Thành ..
Bác gái vừa đỡ Trang ngồi xuống bên cạnh, vừa dồn dập hỏi tôi:
- Cậu Toàn gặp thằng Thành nhà tôi ở mô rứa ? Công an đang truy nã nó mấy tuần nay.
Trang nín đi con. Tai vách mạch rừng. Chết ! Chết cả nhà bây giờ ! Ngày nào cũng có người tới nhà hạch hỏi về nó. Ông đóng cửa lại mau đi. Khổ thân con tôi !
Tôi thầm thì kể lại cuộc gặp gỡ anh Thành trong rừng hồi chiều cho hai bác và Trang nghe. Cuối cùng cả nhà quyết định sẽ chuẩn bị một số thức ăn và thuốc men rồi tờ mờ sáng hôm sau Trang xuống nhà tôi đi vào rừng tìm gặp anh Thành. Nếu có ai hỏi thì nói là gia đình tôi thuê nàng đi làm cỏ lúa ở Đồng Tròn. Bác trai cũng muốn đi theo nhưng không dám vì sợ hôm sau công an lại tới nhà làm việc.
Suốt một tuần liền, ngày nào Trang cũng "đi làm thuê" cho tôi để vào rừng gặp gỡ anh Thành. Cám cảnh trước hoàn cảnh hiện tại, sau mấy ngày bàn bạc cùng gia đình, tôi đã quyết định nhường chỗ trên ghe cho anh Thành. Chúng tôi cũng sắp xếp cho anh Thành theo xe bò của một người quen ở Hòa Long đi lấy cọc tiêu để tránh gặp gỡ những người quen, rồi tôi đón anh ấy ra Long Hương "ở nhờ" nhà một người bạn thân của tôi để chờ ngày ra đi. Hơn hai tháng trời, tôi và Trang trở thành những người đi buôn chuyến. Thực ra, tôi chỉ chở Trang ra Long Hương gặp chồng, có khi ở đó một hai ngày trong lúc tôi đi Hố Nai, Gia Kiệm .. lo việc riêng. Người trong làng đã bắt đầu đồn đãi về việc tôi và Trang đi buôn chung với nhau, nhất là còn đi qua đêm nữa ! Mẹ tôi buồn lắm ! Mặc dầu tin tôi, nhưng "lời ong tiếng ve" đồn thổi nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn về chúng tôi nên bà rất khổ tâm. Cha mẹ của anh Thành có vẻ bình tĩnh hơn vì nghĩ rằng những lời đồn đãi đó sẽ làm người ta quên dần chuyện anh Thành trốn trại cải tạo. Tôi vẫn xem Trang như một người bạn thân vì tôi cũng chỉ hơn nàng một tuổi, còn anh Thành thì xem tôi như một đứa em ruột, "một vị cứu tinh" đã dám liều mình cưu mang và giúp đỡ anh trong cơn hoạn nạn.
Anh Thành và một số bạn bè của tôi đã ra đi đột ngột trước ngày dự tính vì công việc "bến bãi" bị đổ bể. Sau một tuần không thấy tin tức gì về chiếc ghe đó, chúng tôi yên chí anh Thành đã ra khơi bằng yên. Tôi lại theo bạn bè tìm cách mua lại một chiếc ghe cũ ở Cần Giờ, đút lót xin giấy tờ tạm trú và bắt đầu công việc sửa chữa chuẩn bị một chuyến đi mới. Công việc bề bộn nên gần ba tháng sau tôi mới trở về thăm gia đình. Mẹ tôi vừa khóc vừa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của Trang. Nàng đã có thai, bụng càng ngày càng lớn. Anh Thành coi như mất tích vì không có tin tức gì. Bà con trong họ chất vấn nàng nhiều lần về đứa bé trong bụng. Lúc đầu cha mẹ anh Thành tin Trang, nhưng không biết làm sao để giải thích. Mọi người đổ tiếng xấu cho tôi và nàng. Dần dà cả gia đình nhà chồng cũng tin lời đồn đãi của thiên hạ, nhất là chờ mãi không thấy tin tức gì của anh Thành nên bắt đầu hạch hỏi và coi khinh nàng. Hai bác đã xuống nhà nói chuyện với mẹ tôi, có vẻ trách móc và đặt vấn đề tại sao chính tôi cũng trốn biệt từ mấy tháng nay. Mẹ tôi chỉ biết ngồi khóc vì tủi nhục ! Em gái tôi cũng nửa tin nửa ngờ nên đã tìm gặp Trang để hỏi cho ra lẽ. Nó tin lời giải thích của Trang nên càng ngày càng thân với nàng.
Tuổi trẻ bồng bột và nhiều tự ái nên tôi đã lên gặp cha mẹ anh Thành đôi co và cãi vã với cả gia đình và giòng họ anh ấy để bênh vực cho Trang, nhưng rồi mọi người lại càng khinh bỉ và ghét bỏ Trang nhiều hơn trước. Quá tủi nhục và hổ thẹn, Trang đã liều mình tự tử ! Cũng may người nhà phát giác kịp thời và cứu chữa cho nàng và bào thai trong bụng. Mặc dầu được cứu sống nhưng Trang trở nên lầm lì ít nói, sống vật vờ như một cái xác không hồn giữa sự khinh ghét của giòng họ nhà chồng.
Lúc bấy giờ em gái tôi cũng mới mang thai nên đã bàn với mẹ xin cho Trang về ở chung cho đỡ buồn và cùng đỡ đần giúp đỡ nhau trong lúc bầu bì cho có chị có em. Chính vì lòng tốt của em gái tôi mà cả làng đều nghĩ đứa con trong bụng Trang là của tôi. Mỗi lần tôi về thăm, Trang khóc nức nở không phải vì nỗi tủi nhục khi bị mọi người phỉ báng, nhưng nàng khóc vì đã làm hại danh dự của gia đình tôi. Lại một lần nữa, mẹ tôi gọi hai đứa lên hỏi han ngọn nguồn, và khi nghe chúng tôi thề thốt không hề có tà ý với nhau, mẹ tôi đã "ngồi xổm trên dư luận" để nhận Trang làm con tinh thần trong khi mọi người nghĩ rằng mẹ tôi làm thế để tránh tiếng vì bà đã biết chắc chắn bào thai trong bụng Trang là cháu nội của bà. Mẹ tôi âm thầm ngậm đắng nuốt cay để an ủi vỗ về Trang, mong cứu vớt một linh hồn vì mẹ tôi sợ rằng Trang lại liều mình tự tử như mấy tháng trước. Ôi ! Mẹ đã hy sinh chịu nhục vì con và vì thương một người côi cút trong cơn hoạn nạn. Con xin cúi đầu bái phục lòng can đảm của mẹ cho đến trọn đời.
Trước ngày ra đi, tôi đã trở về để từ giã gia đình. Ngay khi biết tin tôi sắp sửa ra đi, Trang đã khóc nức nở và chuyển bụng sinh con. Vì bao nhiêu biến cố xẩy ra dồn dập suốt thời kỳ mang thai, Trang đã trải qua một đêm dài đau đớn, quằn quại đến kiệt sức nên y tá trong làng đề nghị phải đưa nàng đi cấp cứu ở bệnh viện để mổ. Đáng lẽ sáng hôm sau tôi phải trở lại Cần Giờ để chuẩn bị ra đi, nhưng tôi đi không đành nên đã lỡ một "chuyến đò". Tôi theo mẹ và Trang ra bệnh viện. Trong lúc làm thủ tục giấy tờ trước khi đưa Trang lên bàn mổ, người ta đòi phải có thân nhân ký tên trong giấy tờ nên tôi đã đứng ra lo liệu .. Cũng có thể vì lầm lẫn, và cũng có thể do số phận an bài nên các bác sĩ và y tá đã ghi tên tôi là "chồng" của Trang trong hồ sơ bệnh lý. Đó là lý do tại sao Tuân trở thành con tôi ! Khi nghe tin Trang đi mổ, cha mẹ anh Thành cũng ghé thăm và xin lỗi mẹ tôi vì những hiểu lầm trước đây. Mẹ tôi cũng không chấp nhất gì nên mọi người đều vui vẻ.
Sau hai tuần Trang được xuất viện, trở về nhà với mẹ tôi. Mẹ tôi bàn qua với hai bác việc lên cha xin rửa tội cho cháu, và chính tờ giấy bệnh viện ghi tên tôi là cha đứa nhỏ đã gây nên sóng gió ồn ào cả xứ đạo. Cha xứ lắng nghe, nhưng Ban Hành Giáo và bà con trong họ anh Thành quyết liệt phản đối. Họ đến nhà hạch hỏi mẹ tôi đủ điều. Tuổi trẻ háo thắng nên tôi đã nổi nóng đuổi hết mọi người và quyết định chẳng thèm xin rửa tội cho Tuân nữa ! Tôi chỉ muốn mọi người để cho chúng tôi yên nhưng miệng người không phải dễ "khóa" ! Tôi ngang tàng chấp nhận sự dèm pha của mọi người và cứ hiên ngang ngẩng đầu tiếp tục chạy mánh tìm ghe lo chuyện vượt biên lần nữa. Lần này tôi quyết định sẽ đưa mẹ con Trang cùng đi. Tôi có thể "đạp dư luận xuống bùn đen" để sống, nhưng Trang phải âm thầm than khóc từng đêm, nức nở đè nén "nỗi oan Thị Kính" từng giờ từng phút nên đã bị băng huyết cho đến chết, và chết trong tủi nhục vào một đêm tôi vắng nhà ! Tôi trở về nhìn xác Trang nằm im bất động mà thấy lòng muốn nổi loạn. Tôi biết chắc chắn những phút cuối đời Trang đã phải quằn quại trong đớn đau tủi nhục ! Tôi đã thực sự thù ghét mọi người trong xứ khi biết tin "người ta" không muốn cho tôi chôn Trang ở nghĩa địa giáo xứ vì bà con trong làng nghĩ rằng Trang đã tự tử ! Tôi không hiểu tại sao cả xứ lại lên án và "trừng phạt" thân xác một người đã chết trong khi hằng tuần ở nhà thờ vẫn đọc kinh "Thương Người Có 14 Mối, Thương Xác 7 Mối", trong đó có ghi rõ việc "chôn xác kẻ chết" ! Đâu có ai hiểu được nỗi đau đớn và tủi nhục đã gặm nhấm tim gan Trang từng giây từng phút vì bị cả làng, cả xứ kết tội oan ức, và nhất là sự dằn vặt nàng phải gánh chịu vì đã "gieo họa" cho gia đình tôi ! Đâu có ai ở gần kề bên Trang trong những giây phút cuối đời của nàng để "kết án" nàng đã "liều mình tự tử" !!! Mẹ tôi muốn lên xin cha xứ giúp đỡ nhưng tôi đã điên lên phản đối. Tôi nhờ bạn bè ở xa về đào huyệt chôn Trang trong một góc rẫy của gia đình tôi ở mép rừng. Tôi đã bỏ xưng tội, bỏ lễ cả mấy năm trời vì lòng thù hận vẫn chưa nguôi ! Đã nhiều đêm tôi gục đầu dưới tượng chịu nạn van xin lòng nhân từ hay thương xót của Chúa thay đổi trái tim "thù hận" của tôi, và tôi cũng xin Ngài thương tha cho những người đã kết tội "oan" cho chúng tôi ! Tôi chỉ thật sự trở về với Chúa như "một con chiên lạc" mấy tuần trước ngày vượt biên ..
Cháu Tuân tuy mồ côi mẹ nhưng được bú nhờ sữa của em gái tôi cũng mới sinh được vài tháng nên cháu vẫn lớn lên theo ngày tháng trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình tôi. Tôi vẫn đi đi, về về tìm mối làm ghe vượt biển. Những hôm ở nhà, thỉnh thoảng tôi bế Tuân ra rẫy, đến ngồi bên mộ Trang khấn nguyện. Công việc làm ghe càng ngày càng khó khăn nên mãi 4 năm sau tôi mới thành công. Trước khi lên đường, tôi đã vô rừng tìm kiếm và đào được một cây bằng lăng nhỏ đem trồng bên mộ Trang để làm kỷ niệm. Lúc bấy giờ Tuân đã chạy nhanh, nói sõi và lúc nào cũng quấn quít bên tôi những ngày tôi về quê. Cuối cùng tôi quyết định sẽ dẫn Tuân cùng đi mặc dầu mẹ tôi can ngăn nhiều lần.
Tôi đã đi và tôi đã đến.
Chính nhờ sự liều lĩnh của tôi mà Tuân có được ngày hôm nay. Tôi hãnh diện vì sự thành đạt của Tuân. Tôi mang ơn Oanh vì nàng đã tận tình yêu thương săn sóc "cha con" tôi từ bao nhiêu năm qua. Nếu không có tình yêu và lòng vị tha thông cảm của Oanh, tôi đã ngã quỵ trong cô đơn nơi xứ lạ quê người, và Tuân lại một lần nữa thành trẻ "mồ côi" !
Nhìn hình ảnh Tuân hiên ngang bước lên khán đài, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Tôi không khóc khi Trang chết. Tôi không khóc khi phải chôn nàng ở mép rừng thay vì chôn ở nghĩa trang của giáo xứ. Tôi không khóc khi từ giã mẹ già và gia đình ra đi, nhưng giờ này tôi khóc vì biết chắc chắn Tuân đã trưởng thành, và mấy ngày nữa sẽ về thăm mộ mẹ đang nằm cô đơn hiu quạnh dưới gốc cây bằng lăng "cha con" tôi đã trồng trước ngày "biệt xứ".
Oanh đứng nép sát vào người tôi, run run cảm động nhìn Tuân đốt hương cắm lên mộ Trang rồi quỳ xuống gục mặt khóc thật to. Tôi dìu Oanh đến cạnh gốc cây bằng lăng đã bị đốn từ mấy năm trước, chỉ còn một số chồi non mới lên được vài mét. Tôi kinh ngạc khi khám phá ra một cành bằng lăng mới chớm vài nụ hoa mầu tím. Tôi với tay bẻ rồi cùng Oanh đến quỳ bên cạnh Tuân, nhẹ nhàng đặt cành hoa mầu tím trên ngôi mộ của Trang.
Tuân ngẩng mặt lên nhìn hai chúng tôi khẽ nói:
- Con biết mẹ con đang mỉm cười bên kia thế giới. Con xin thay mặt cha mẹ quỳ lạy ba má đã nuôi con nên người.
Vậy là Tuân đã biết về tờ giấy thử nghiệm mẫu DNA xác định nó và tôi không phải "cha con." Chắc Oanh thấy đã tới lúc có thể cho Toàn biết điều này.
NGUYỄN DUY AN
Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Senior Vice President của National Geographic phụ trách Information Technology. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ 2005, ông gửi một tự truyện bắt đầu từ Bình Giả, địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Hiện nay, trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất trên Vietbao Online, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới... 6 bài, với số lượng hơn 30,000 lượt người đọc. “Mái Tóc Thề” là một chuyện tình mùa xuân, vẫn bắt đầu từ làng quê Bình Giả ra đi, và nối dài tới Springfield, Massachusetts... Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Tuất 20006. * Trời đã vào Xuân. Cây cối thức giấc trỗi dậy sau mùa đông dài ở Bắc Mỹ. Lá cây chưa xanh nhưng hoa đã bắt đầu ươm nụ. Một buổi chiều Thứ Sáu tôi đi làm về sớm. Tắm rửa xong, tôi định viết mấy chữ để lại cho anh chị Dũng chủ nhà rồi lái xe sang Boston thăm Hùng, một người bạn cùng quê Bình Giả đang theo học Đại Học tại đó. Lúc đầu tôi cũng không thân Hùng cho lắm, chỉ tình cờ gặp nhau trong những lần sinh hoạt Hội Sinh Viên Việt Nam lúc tôi chưa ra trường. Mặc dầu là người cùng quê nhưng chúng tôi không quen nhau từ trước vì tôi ở cuối Làng Ba, còn hắn quê đâu mãi trên Vĩnh Phước, Làng Một. Nhưng rồi gặp nhau nơi xứ lạ quê người, càng ngày chúng tôi càng thân hơn vì cả hai vẫn còn nói giọng Nghệ Tĩnh nghe "nặng như cối đá!" Linh, cô bồ của Hùng vẫn thường chọc ghẹo mỗi khi bắt gặp hai đứa tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa ở Bình Giả. Thêm vào đó, Linh còn có một cô bạn thân tên Thy, tuy không xinh lắm, nhưng nàng vẫn còn để tóc thề. Mái tóc thề của Thy đã gợi lại trong tôi kỷ niệm thật đẹp của những ngày mới lớn ở Bình Giả cùng với hình bóng người con gái tôi vẫn "trộm nhớ thầm thương" cho đến bây giờ. Oanh, tên người con gái với mái tóc thề óng ả của những ngày mới lớn ở thôn Bình, không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu. Mấy năm trước, sau bao nhiêu lần ngập ngừng do dự, tôi đã làm liều viết cho Oanh một lá thư tình, gởi về Việt Nam nhờ cô em gái trao lại cho nàng. Ba tháng sau em gái tôi gởi lại lá thư, đồng thời báo cho biết gia đình nàng không còn ở Bình Giả nữa, và em gái tôi đã không tìm được địa chỉ mới. Thế là "xôi hỏng bỏng không!" Ngày xưa tôi chỉ biết theo nàng xa xa để ngắm mái tóc thề mỗi sáng trên đường đi lễ về. Sau gần một năm "theo nhau đường dài" tôi mới dám giáp mặt làm quen, nói được vài câu vớ vẩn và được nàng chiếu cố: "Hôm nào rảnh, mời anh Hoàng đến nhà Oanh chơi." Chưa có dịp "đi cưa" nhà Oanh tôi đã phải xuống tầu vượt biển. Gần 3 năm ở đảo, rồi 6 năm vừa làm vừa học tôi mới lấy được mảnh bằng đại học và kiếm được việc làm tương đối ổn định. Mẹ tôi viết thư sang "bắt" tôi phải ráo riết kiếm vợ vì "Mẹ không muốn tới ngày về với ông bà cũng chưa có được một đứa cháu nội!" Bây giờ không làm sao liên lạc được với "Mái Tóc Thề" ngày xưa, tôi đành đi tìm bóng hình của Oanh qua Thy vì nàng cũng để tóc thề, mặc dầu suối tóc của Thy không đẹp như người trong mộng của tôi từ 10 năm trước. Tôi cũng không biết rồi mình có yêu Thy hay không, nhưng mỗi lần nhìn ngắm mái tóc thề của nàng, tôi lại thấy lòng mình xao xuyến không làm sao diễn tả được. Tôi vẫn mang tiếng "cù lần" từ những ngày mới lớn; bây giờ đã 30 rồi, nhưng mỗi lần gặp Thy tôi vẫn còn lóng ngóng như "mán rừng"... Tôi sửa soạn chưa xong thì anh chị Dũng đi làm về. Lại phiền rồi đây! Anh chị ấy thì không sao, nhưng thằng cu Huy chắc lại đòi đi theo chú Hoàng. Tôi không hiểu sao thằng bé lại mết "ông chú hờ" hơn bố ruột của nó. Chị Dũng đã có lần chọc tôi là tại nó mê giọng nói "nặng như chì" của chú Hoàng đó. Mới hơn 4 tuổi đầu, nó đã biết rằng đi với chú Hoàng được cưng chiều hơn là đi với bố mẹ. Tháng 9 vừa qua, khi mới dọn tới vùng Springfield, Massachusetts để nhận việc làm, tôi được công ty đài thọ cho ở khách sạn tháng đầu trong lúc đi kiếm nhà. Tôi tình cờ quen anh Dũng là người đang làm việc bảo trì và sửa chữa tại khách sạn. Sau vài lần nói chuyện, tôi đã quyết định dọn về ở chung với gia đình anh chị Dũng. Ngoài việc ăn chung ở chung, anh chị Dũng còn sắp xếp giới thiệu cho tôi với những người Việt Nam quen biết trong vùng để giúp tôi kiếm vợ. Anh Chị ấy rất khó chịu khi có cô bạn Mỹ nào gọi điện thoại đến nhà kiếm tôi, anh ấy đã có lần nhắc nhở tôi: "Trâu ta ăn cỏ đồng ta, chú đừng làm bà cụ thất vọng". Anh Chị Dũng lo lắng về việc vợ con của tôi còn hơn tôi tự lo cho chính mình nữa! Sống chung với gia đình anh chị Dũng mấy tháng nay, tôi trở thành một đứa em lúc nào không biết. Anh chị ấy cũng coi tôi như em ruột chứ không phải là người thuê nhà. Nhìn cảnh gia đình anh chị Dũng, tôi chỉ mơ ước mai sau gia đình mình cũng được như thế. Anh chị ấy cưới nhau vội vàng trước ngày vượt biên, do sự sắp xếp của gia đình hai bên sau khi anh Dũng đi cải tạo về... Sang đây anh đi làm công nhân ở khách sạn, chi đi bán hàng ở siêu thị, vợ chồng con cái hoà thuận, thương yêu nhau. Được như thế bên Mỹ này là nhất rồi. Tôi ở chung cũng được hưởng nhờ không khí đầm ấm của một gia đình Việt Nam đúng nghĩa nơi xứ lạ quê người nên cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương; nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn còn tiếc nuối hình bóng một "mái tóc thề" của những ngày mới lớn ở thôn Bình và mơ ước viển vông! Vừa vào tới nhà, thằng bé Huy đã chạy vô phòng tôi. Khi thấy tôi đang xếp đồ vào va-li, nó mếu máo: - Chú Hoàng, Huy về nè. Chú lại đi công tác à? Huy hổng thèm chơi với chú nữa! Tôi chưa kịp trả lời, thằng bé đã ù chạy ra ngoài mách mẹ. Đúng là trẻ con! Tôi vội vàng ra bếp phụ giúp anh chị Dũng làm cơm chiều. Anh Dũng lên tiếng trước: - Hoàng sắp đi đâu hả? - Em định qua Boston chơi cuối tuần. Tối Chúa Nhật em về. - Đi thăm con bé tóc thề hả? Chú không thương nó thì qua lại làm gì? Anh mới tìm ra một cô... được lắm, có điều không phải tóc thề. Anh lỡ hẹn ngày mai đi cắt tóc ở tiệm cô ta, hay chú ở nhà tuần sau đi Boston được không? - Thì buồn buồn em đi chơi vậy thôi. Ở nhà cũng không sao. Chị Dũng đang xào rau, quay sang vừa cười vừa nói: - Không biết ông Dũng chấm cho chú hay cho ông ấy nữa... Suốt đường về cứ khen con bé hoài làm chị phát ghen lên được. - Em nói gì lạ vậy? Cả vùng này ai cũng biết anh "kính vợ" số một mà! Anh chỉ kiếm cho chú Hoàng thôi. Với lại thấy cái tiệm mới mở "đại hạ giá" nên anh muốn rủ Hoàng đi cắt tóc rồi làm quen đó mà... Anh đã đi qua, đi lại ngắm kỹ rồi. Thằng cu Huy cũng chen vào: - Chú Hoàng cho Huy đi cắt tóc đẹp với nhé. Bố chẳng bao giờ dẫn Huy đi cắt tóc tiệm hết, cứ để mẹ cắt hoài hổng đẹp. - Huy hư quá, sao lại chê mẹ cắt tóc xấu? Huy xin lỗi mẹ rồi mai chú cho đi. - Dạ. Huy "sorry" mẹ. Tại Huy muốn đi với chú Hoàng nên nói sai. Mommy đừng giận Huy... Đúng là cha nào con nấy. Anh Dũng đã nhanh nhẹn, thằng con còn lẻo mép hơn bố nữa. Mai mốt lớn lên chắc cũng lắm cô "đau tim" vì miệng lưỡi của nó. Tôi vẫn còn nhớ mãi lần đầu tiên tôi hẹn tới xem phòng ở nhà anh chị Dũng. Tôi đến bấm chuông vào khoảng 9 giờ sáng Thứ Bảy. Thằng bé Huy ló đầu qua khung cửa mở nửa chừng với giây khóa an toàn, trợn mắt nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên lắm. Vì đã nghe anh Dũng nói về Huy nên tôi hỏi nó bằng tiếng Việt: - Có bố mẹ ở nhà không cháu? Cháu Huy giỏi quá, biết giữ nguyên khóa cửa an toàn... Thằng bé dõng dạc lên tiếng: - Các hạ cần chi? Song thân còn an giấc. Xin mời trở lại "later"... Tôi bật cười vì nghe thằng bé nói tiếng Việt cứ như đang xem phim kiếm hiệp chuyển âm vừa Việt vừa Mỹ! Tôi đang định kiếm vài câu kiếm hiệp đối thoại với nó cho vui thì anh chị Dũng xuất hiện. Tôi khen nó nói tiếng Việt giỏi làm anh chị ấy cũng bật cười. Về sau tôi mới hiểu là từ bé anh chị ấy vẫn gởi Huy cho một bà cụ trong vùng, tối ngày bà ấy mở phim bộ Hồng Kông cho nó xem. Anh Dũng nịnh vợ: - Mẹ con em lên tắm rửa, nghỉ ngơi cho khỏe. Chú Hoàng với anh lo xong cơm tối sẽ... - Anh đuổi khéo mẹ con em để dễ bề khoác lác với chú Hoàng về cô chủ tiệm cắt tóc chớ gì. - Em cứ nói thế! - Không đúng sao? Anh chỉ lợi dụng việc tìm ý trung nhân cho chú Hoàng để ngắm hết cô này sang cô kia. Người ta đi guốc trong bụng anh từ khuya rồi... Vừa nói chị Dũng vừa dẫn con đi tắm, nhưng anh ấy đang rửa rau nên không biết, cứ tiếp tục phân trần: - Thôi thôi, cho anh xin người đẹp mà. Anh đâu dám ngắm ai ngoài vợ anh. Anh chỉ "vâng lời bà xã" để mắt tìm ý trung nhân cho chú Hoàng thôi. Tôi lên tiếng cho anh Dũng khỏi ngượng: - Chị với cháu lên nhà trên rồi. Sao? Anh mê cô chủ tiệm nào vậy? - Mày nữa! Chỉ làm khổ ông anh già này thôi. Chị mày ghen khủng khiếp lắm, chớ có "đổ dầu vào lửa!" Anh chỉ ngắm dùm chú thôi. - Vậy sao? Vùng này đâu có bao nhiêu người Việt, sao bây giờ anh mới tìm ra? - Cô bé này mới ở California dọn qua mấy tuần nay. Hồi chiều đi đón bà xã anh thấy cái tiệm mới mở nên ghé vào hỏi thăm. Hình như nó là bà con gì đó với nhà ông bà Khanh, chung nhau với vợ chồng anh Hiếu mở tiệm. Anh không dám hỏi thăm nhiều, sợ người ta hiểu lầm, và cũng sợ bà xã nổi cơn tam bành nên chỉ dám lấy hẹn 10 giờ sáng mai ra cắt tóc mở hàng thôi. - Vậy anh là người "xông đất" tiệm người ta rồi. - Ấy... Anh lấy hẹn cho chú đấy chớ. - Cô bé tên gì? - Có biết đâu! Anh chỉ nói chuyện với anh Hiếu thôi. Trông cô bé có cặp mắt buồn buồn thấy thương lắm. Anh nghĩ rất hợp với tính tình chú mày. - Anh chưa nói chuyện làm sao biết? - Kinh nghiệm "chiến trường" mà. Chỉ cần liếc qua là biết rồi. Chú cứ để đó anh sắp xếp cho. Ngày mai chỉ việc ra ngồi cho người đẹp xởn tóc rồi tính sau. Bữa cơm tối kéo giằng dai tới khuya vì anh chị Dũng cứ chọc ghẹo tôi đủ chuyện, rồi hỏi chuyện cô bé với mái tóc thề ngày xưa ở thôn Bình; rồi so sánh với mái tóc thề bên Boston... Sau vài lon bia, anh Dũng hăng tiết vịt lên, ăn nói rất bạo mồm bạo miệng, khoe hết bao nhiêu mánh lới làm quen với các cô từ những ngày còn đi lính bên Việt Nam nên bà chị nổi cơn ghen! Lại phân trần, năn nỉ... Thằng cu Huy bị mẹ dụ dỗ đi ngủ sớm để mai theo "chú Hoàng" ra tiệm cắt tóc đẹp nên không mè nheo như mọi ngày. Ba chúng tôi ngồi tâm sự đủ chuyện tới nửa đêm mới xong bữa cơm tối. Trước khi lên phòng ngủ, anh Dũng còn nói nhỏ vào tai tôi: - Sáng mai nhớ gọi anh nha. Tình hình thế này chắc tối nay phải "trả bài", làm "over time" nên sợ ngủ quên. - Vậy bao giờ cu Huy có em bé đây? - Có rồi. Đã 2 - 3 tháng gì đó. Hy vọng là con gái. - Sao anh chị im lặng thế? Phải cho cu Huy biết để nó mừng chớ. Cả em nữa. Hình như chị Dũng nghe được nên quay lại lườm anh em tôi một cái sắc như dao cạo, rồi đỏ mặt bước vội lên lầu. Đêm hôm đó tôi trằn trọc mãi không làm sao dỗ được giấc ngủ... Những kỷ niệm ngày xưa lại trở về như một cuốn phim chiếu chậm trong tâm trí. * Mười năm trước tôi chỉ là một đứa con trai mới lớn, thi rớt đại học, có thể sẽ bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Mẹ tôi buồn lắm! Bà tìm cách móc nối tìm đường cho tôi vượt biển và bắt tôi mỗi sáng phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi lễ, cầu nguyện cho gặp chỗ tin tưởng và chuyến đi được thuận buồm xuôi gió. Chính trên quãng đường đi lễ về mỗi sáng tôi đã tình cờ khám phá ra "Mái Tóc Thề" của tôi. Phải tốn bao nhiêu nước bọt năn nỉ cô em gái mới cho tôi biết tên nàng là Oanh, khoảng 16 - 17 tuổi gì đó. Gia đình nàng chỉ có mấy mẹ con dọn về Bình Giả trước đó mấy tháng, ở ngoài làng 5. Nhà tôi ở làng 3 nên mỗi sáng tan lễ tôi chờ ở cuối nhà thờ cho tới khi nàng ra về rồi lẽo đẽo theo sau. Về sau tôi tiến bộ hơn một tý, trước giờ đi lễ tôi cũng đứng ở ngã tư chờ nàng đi qua mới theo lên nhà thờ. Tôi ngập ngừng mãi không làm sao mở lời làm quen cô bé được! Gần một năm trời tôi cứ im lặng theo nàng như cái đuôi. Cũng một vài lần bốn mắt chạm nhau, tôi chỉ dám gật đầu và mỉm cười chứ không biết nói gì để làm quen. Khi nghe tin sắp có chuyến đi, tôi sợ lỡ mất dịp làm quen cô bé nên một sáng trên đường đi lễ về, tôi bước vội theo sát bên nàng và “cóc mở miệng”. - Oanh này... Ồ, Mái Tóc Thề... Mình đi chung với được không? - Chẳng phải ngày nào anh Hoàng cũng đi chung đường với Oanh đó sao? Nghe nàng nói, tôi mừng không thể tả. Bước chân tôi đã vững vàng hơn chứ không phải vừa đi vừa run như lúc theo nàng xa xa nữa. Tôi khen mái tóc nàng đẹp, ánh mắt nàng "mơ huyền"... Cô bé cũng lém lỉnh đáo để: - Chắc anh Hoàng đọc sách nhiều lắm nhỉ? Anh nói chuyện nghe cứ như trong tiểu thuyết vậy. Nghe nàng kê một câu như thế, tôi lại càng run thêm, lắp bắp mãi mới dám mở miệng: - Tại mình run quá nên học thuộc lòng vài câu tìm dịp làm quen Mái Tóc Thề. Rứa thôi, không nói nữa, chỉ cần nghe Oanh nói đủ rồi. - Anh Hoàng cứ nói tiếng Trung như thế nghe bùi hơn. Anh đâu cần phải nhái giọng Sàigòn để trêu Oanh. Tôi hoảng quá, sợ người đẹp giận vì tôi vẫn nghe người ta nói "chửi cha không bằng pha tiếng", nên đâm liều: - Nỏ phải mô! Mình mần chi mà dám nhái tiếng của Oanh. Tại sợ Oanh không hiểu... Bỏ qua nha. - Oanh không nhỏ nhen thế đâu. Anh cứ tự nhiên. Hôm nào rảnh mời anh Hoàng đến nhà Oanh chơi. - Sẽ đến. Sẽ đến mà. Dừ chia tay hây. Tới nhà mình rồi, sợ con em gái nhìn thấy lại hét ầm lên là khổ to. Tôi liếc qua thấy Oanh mỉm cười. Tôi cười lại rồi chạy vội vô sân. Tôi thấy tim đập rộn rã hơn bình thường. Tôi định tối hôm đó sẽ lên nhà Oanh "đi cưa". Suốt buổi sáng tôi bồn chồn đứng ngồi không yên. Tôi chỉ mong trời mau tối để tới nhà nàng chơi. Nhưng (lại một tiếng nhưng định mệnh) trưa hôm đó tôi đã rời Bình Giả theo người quen ra Hải Sơn xuống tầu vượt biển. Chuyện tình của tôi và Mái Tóc Thề chỉ có thế. Chấm hết. Nhưng đã 10 năm qua rồi, tôi vẫn nhớ thương nàng! Những năm ở đảo cũng như mấy năm đầu ở Mỹ, hễ nhìn thấy cô nào có mái tóc thề là tôi háo hức chạy theo tìm cách nhìn trộm xem có phải người xưa hay không... Tôi chưa bao giờ gặp may! Cuối cùng tôi định sẽ tìm quên hình bóng của Oanh qua mái tóc thề của Thy, mặc dầu thật sự tôi chưa yêu Thy. Tôi giật mình tỉnh giấc khi anh Dũng đắp chiếc khăn ướt lên mặt gọi tôi: - Chú mày ngủ kỹ thế! Nhanh lên kẻo trễ giờ người đẹp giận bây giờ. Thì ra tôi nằm mơ mộng viển vông rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. - Mấy giờ rồi anh? - Gần 10 giờ rồi. Nhanh lên! Anh em mình đi thôi, thằng Huy đang ngủ nướng với mẹ nó. Đánh răng rửa mặt lẹ lên. Anh pha cà phê rồi mang ra xe đi luôn. - Cho em 15 phút được rồi. Anh làm như đi hỏi vợ cho anh vậy... - Nói tầm bậy. Chị mày mà nghe được thì chết. Lẹ lẹ lên! Anh em tôi tới tiệm trễ mấy phút. Tiệm mới khai trương hôm nay nên chưa có khách. Thêm vào đó, trời mới sang xuân nên còn lạnh lắm, chẳng mấy người chịu khó như anh Dũng. Vừa vào đến tiệm, anh ấy đã bô bô cái miệng:- Anh Hiếu cắt tóc dùm tôi nhé... Để dành người đẹp lo cho chú Hoàng. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ gật đầu chào vợ chồng anh Hiếu rồi theo người đẹp tới ghế ngồi cắt tóc. Anh Dũng và anh Hiếu nói rùm beng đủ thứ chuyện. Tôi chỉ dám nhìn trộm "người ta" trong gương. Đôi mắt nàng nhìn quen lắm. Một ý nghĩ thoáng hiện về trong trí, nhưng tôi gạt nhanh ra ngoài. Không thể được. Cô bé này trông cũng dễ thương, và mái tóc "demi-garcon" của nàng ngó cũng vui mắt. Tôi giả vờ thiu thiu ngủ để dễ nhìn trộm người đẹp. Anh Dũng đâu chịu buông tha: - Hoàng. Chú mày ngủ cả đêm chưa đã sao bây giờ còn gật gù trên ghế thế. Cô ấy cạo trọc đầu làm sư cụ bây giờ. Mà cô em tên gì nhỉ? Chú Hoàng đang đi tìm... Tự nhiên tôi sợ anh Dũng nói lăng nhăng thêm phiền ra nên vội vàng chặn lại: - Anh Dũng. Anh nói chi lạ rứa? Tôi mắc phải cái tật là những lúc lúng túng tôi lại bật miệng nói tiếng Trung. Tôi hơi ngượng khi thấy người đẹp mỉm cười trong gương. Anh Dũng và anh Hiếu cười rộn rã. Hình như anh Dũng đang điều tra lý lịch người đẹp dùm tôi thì phải. Giá như tôi dẻo miệng được như anh Dũng, chắc đây là dịp tốt cho tôi làm quen với nàng vì tiệm đang vắng khách. Tôi không biết nói gì nên lại nhắm mắt giả vờ... cho tới khi nghe anh Hiếu nói lớn với vợ: - Anh với anh Dũng qua bên kia uống cà phê tý nghe. Tôi mở mắt ra đã thấy hai người vừa đi vừa hút thuốc ngoài bãi đậu xe. Tôi chưa kịp mở miệng hỏi tên người đẹp thì nàng đã lên tiếng: - Anh Hoàng không nhận ra Oanh sao? - Cấy chi? Mái Tóc Thề hả? Tôi bật miệng hét lớn và quay hẳn lại để ngắm nàng kỹ hơn, rồi xuống giọng cho có vẻ cải lương hơn: - Lúc nãy mình cũng thấy quen quen, nhưng mái tóc thề không còn nên không dám nhận. - Cũng 10 năm rồi... Mái tóc thề của Oanh đã chôn vùi theo chuyện tình dang dở. Sao hồi đó anh Hoàng không tới nhà Oanh chơi như đã hứa? - Khổ quá! Hôm gặp Oanh trên đường đi lễ về đó... tới trưa mình đã ra Hải Sơn. Tôi thấy mắt nàng long lanh nên vội vàng đứng lên, quay sang nhỏ nhẹ: - Hay tụi mình nhờ chị Hiếu trông tiệm rồi kiếm chỗ nào nói chuyện được không Oanh? Chị Hiếu đã đứng sau lưng tôi tự bao giờ. Chị nhỏ nhẹ hỏi: - Hai người quen nhau trước hả? Tiệm mới mở nên cũng không có khách đâu. Để chị lo cho, hai đứa đi đâu thì đi. Oanh thổn thức: - Chắc không cần thiết đâu chị à. Mọi sự cũng lỡ làng hết rồi. Gặp lại nhau là quý rồi. Hy vọng anh Hoàng vẫn coi Oanh như một người bạn nhỏ. - Bạn chi? Mình đi tìm Oanh bao nhiêu năm. Nhờ con em ở Bình Giả đi kiếm địa chỉ cũng không được. Răng Oanh trốn kỹ rứa? - Thôi thế này. Chúng em đành làm phiền chị... Oanh và tôi đưa nhau ra công viên ngồi tâm sự. Tôi kể cho Oanh nghe về lá thư tình tôi gởi về Việt Nam cho nàng, rồi em gái tôi gởi qua Mỹ... Tôi cũng không dấu nàng về chuyện người con gái tên Thy với mái tóc thề. Oanh ngồi im nghe tôi kể hết chuyện từ hôm tôi nói chuyện với nàng trên đường đi lễ về cho tới hôm nay, tôi gặp lại nàng... Tôi im lặng đã lâu vì không còn gì để nói; Oanh cũng ngồi im. Tôi run run nắm lấy tay nàng. Tôi nghe hơi ấm chuyền dần vào tim. Nàng vẫn để nguyên bàn tay trong tay tôi rồi bắt đầu thỏ thẻ: "Đời em dang dở hết rồi anh Hoàng ạ. Hồi đó em chờ mãi nhưng không thấy anh đến nhà chơi. Sáng sáng đi lễ về em cũng không còn thấy anh. Về sau em nghe người ta nói anh đã tới Galang... Sau mấy năm làm ăn thất bại ở Bình Giả, mẹ em đưa gia đình trở lại Sàigòn, chung vốn với dì em mở tiệm cà phê sống qua ngày trong lúc chờ đợi ba em vẫn còn học tập ngoài bắc. Rồi hoàn cảnh đẩy đưa, em quen biết Chương và theo chàng vượt biên. Hai đứa chưa chính thức lấy nhau, nhưng sang tới đảo em phải ăn ở với Chương như vợ chồng để trả ơn chàng. Hai đứa định cư ở California, em vừa đi làm vừa nuôi Chương ăn học. Em năn nỉ anh ấy làm đám cưới, nhưng lần nào anh ấy cũng gặt phăng ra... Rồi càng ngày anh ấy càng bê tha! Lúc anh ấy gần ra trường thì em mang thai. Anh ấy bắt em phá, nhưng em không chịu nên anh ấy chửi rủa, đánh đập, hành hạ em đủ điều. Trong một cơn say, anh ấy đã đánh em tới sẩy thai và ngất xỉu. Cũng may mấy người cùng chung cư nghe tiếng đập phá ồn ào đã gọi cảnh sát... Ngày em ra khỏi bệnh viện như một kẻ mất hồn thì anh ấy vẫn còn ở trong tù. Em đi học nghề cắt tóc. Học xong, có việc làm, em cũng dành dụm tìm cách đến thăm Chương, mặc dầu tình đã hết, và lý cũng không còn vì chúng em chưa chính thức là vợ chồng. Gặp anh ấy trong tù em mới biết là anh ấy nghiện ngập ma tuý đã mấy năm rồi. Vô tù thiếu thuốc, lại bị bạn tù hành hạ nên trông anh ấy thảm thương lắm. Đúng là thân tàn ma dại! Các đây mấy tháng em nhận được tin anh ấy đã chết trong tù. Em buồn tủi cho số phận nên liên lạc với anh chị Hiếu để sắp xếp dọn lên vùng này, xa lánh cộng đồng người Việt... Em không ngờ lại gặp anh nơi này. Nhưng tất cả đã lở làng rồi phải không anh? Anh Hoàng có biết là em đã cắt đi mái tóc thề sau cái đêm..." Oanh khóc òa lên. Tôi lấy giấy lau mắt cho nàng rồi vòng tay ôm nhẹ vỗ về: - Khóc đi Oanh. Khóc cho quên hết dĩ vãng đau thương. Mình làm lại từ đầu nhé Oanh? - Em chẳng còn gì nữa anh Hoàng ạ! Em đâu còn là mái tóc thề của mười năm trước. Em chỉ xin được làm một người em nhỏ đứng xa xa... Em đã chôn mái tóc thề của ngày xưa bên trại tỵ nạn để quên anh. Ngày đó em vẫn nghe đâu đó tiếng anh gọi "Mái Tóc Thề... Mình đi chung với được không?" Nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, chúng mình không được chung đường. Số phận đã an bài! Tôi nghe tiếng Oanh nức nở mà thấy tim mình rướm máu. Tôi không biết phải nói gì với Oanh trong lúc này. Tôi chỉ hy vọng thời gian sẽ làm nàng nguôi ngoai, và tóc nàng sẽ lại mọc dài ra... Vòng tay tôi ôm nàng chặt hơn. Tôi hôn nhẹ lên mái tóc "demi-garcon" của Oanh và thầm thì theo hơi thở: "Ôi Mái Tóc Thề của anh!" Nguyễn Duy-An |
No comments:
Post a Comment