Saturday, July 31, 2010

Phải độc tài vì biết bất tài - Tâm lý độc tài chỉ có thể tồn tại nhờ phương tiện sử dụng bịt miệng, vu khống và bạo lực trấn áp. Biết không đủ sức đấu trí, đấu lý trước công bằng, công lý, lẽ phải nên tâm lý độc tài chọn thủ đoạn và phương tiện bạo lực bịt miệng, khoá tay để đè đầu cỡi cổ dân và ăn trên ngồi trốc. ==>Thứ Sáu, 30 tháng 7 2010 Dân Chủ (Việt Nam)----- Độc tài là cha đẻ của mọi tệ nạn trong guồng máy chính phủ và xã hội. Độc tài trong một chế độ độc đảng lại càng dữ dằn hơn hết. Thể chế độc tài thì mới tồn tại lâu dài (?) nhưng thời cuộc luôn luôn xoay vần cho nên không có một thể chế nào trường tồn mãi mãi cả. )

Tâm lý độc tài  
Nguyễn Hưng Quốc---VOA

Tôi nghe, không phải một lần, mà là khá nhiều lần; từ không phải một người, mà là khá nhiều người, chủ yếu là những Việt kiều, vì thiện chí, về Việt Nam làm việc và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới lãnh đạo, than thở: “Nói chuyện với giới lãnh đạo Việt Nam khó lắm. Khen thì mấy ổng cười toe toét. Nhưng chê, dù là chê những chuyện có vẻ hiển nhiên và với giọng điệu nhẹ nhàng nhất, mấy ổng cũng sa sầm mặt xuống ngay tức khắc. Sau đó muốn gặp lại cũng khó. Khó lắm!”

Khi tôi kể lại những lời than thở trên cho một số bạn bè từ Việt Nam sang; mọi người - tất cả đều thuộc giới trí thức khá cao cấp, có người còn nắm giữ những chức vụ khá cao trong guồng máy hành chính - đều xác nhận. Họ thừa nhận, là, họ, chính họ, các trí thức và cán bộ trong nước, cũng không thể nói thẳng và nói thực với cấp trên: Không ai muốn nghe cả. Không những không muốn nghe, người ta còn giận. Nghĩ là mình lập trường không vững hay có ý đồ gì không tốt.

Nhưng, tôi để ý là, sau khi than thở hoặc thừa nhận như thế, tất cả, từ Việt kiều đến những người trong nước, đều cố biện minh: “Cũng tại mấy ổng già quá rồi. Người già thường khó tính.”

Tôi không tin và cũng không thích những lời biện hộ kiểu đó. Tôi cho đó chỉ là một nguỵ biện. Lại là thứ nguỵ biện nguy hiểm. Nguỵ biện: Không phải người già nào cũng không thích nghe sự thực. Vả lại, phần lớn giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng không thực quá già. Trên thế giới có vô số nhà lãnh đạo lớn tuổi mà vẫn thoải mái tiếp nhận những sự phê phán từ người khác. Nguy hiểm: Chính những sự nguỵ biện kiểu như thế đã dung dưỡng cho thái độ nhắm mắt và bịt tai của những người đang cần được nghe nói thực nhất.

Tôi muốn gọi đúng tên cái chứng không thích nghe về cái xấu, cái dở ấy: độc tài.

Lâu nay, nói đến độc tài (authorianism), chuyên chế (dictatorship) hay toàn trị (totalitarism), chúng ta thường nghĩ ngay đến cơ chế (mechanism), đến bộ máy khép kín và nặng nề của đảng và nhà nước. Đành là đúng. Độc tài (hay những thứ cùng loại đã kể), trước hết, là một cơ cấu quyền lực chỉ cho phép một người, hoặc một nhóm nhỏ, được quyền quyết định tất cả. Không có đối lập. Thậm chí, không có gì được độc lập, kể cả hai thành phần cần được độc lập nhất: tư pháp và truyền thông.

Tuy nhiên, độc tài không phải chỉ là vấn đề cơ chế.

Độc tài còn là vấn đề tâm lý. Tâm lý độc tài là tâm lý chỉ tin vào chính mình, chỉ muốn sử dụng quyền lực để bảo vệ niềm tin của mình, và từ chối nghe bất cứ một ý kiến gì khác với mình. Người độc tài, như thế, ở một trạng thái khá mâu thuẫn: một mặt, họ tự tôn, cho mình, chỉ có một mình mình, là đúng; nhưng mặt khác, lại thiếu tự tin: họ sợ những thách thức đến từ người khác; họ tránh đương đầu; họ không muốn hoặc không dám sử dụng lý trí để thuyết phục người khác và bênh vực cho quan điểm của mình.

Người độc tài, do đó, không phải là những người mạnh mẽ. Và họ cũng biết họ không mạnh mẽ. Biết, nên họ thích sử dụng những biện pháp phi-lý trí để áp đặt và cưỡng chế người khác bằng cách xây dựng những cơ chế bảo vệ cái quyền không dùng lý trí của mình. Cái cơ chế ấy không cần lý lẽ, hơn nữa, nhằm loại trừ mọi lý lẽ. Trong cơ chế ấy, chỉ có một nguyên tắc được vận hành: bạo lực.

Tâm lý độc tài, do đó, là tâm lý sùng bái bạo lực. Tâm lý độc tài nào cũng tìm kiếm và cố duy trì một cơ chế độc tài: với người chồng hoặc người bố có tâm lý độc tài, cơ chế ấy là quyền gia trưởng; với người lãnh đạo một quốc gia, đó là tính chất độc quyền. Cơ chế thuộc chính trị. Tâm lý thuộc văn hoá. Thay đổi cơ chế độc tài cần có những vận động chính trị mạnh mẽ và quyết liệt. Thay đổi tâm lý độc tài cần những cuộc vận động lâu dài và sâu sắc nhằm thay đổi cách nhìn và cách nghĩ. Trong cái gọi là cách nhìn và cách nghĩ ấy, có hai điều quan trọng nhất: chấp nhận sự khác biệt và chấp nhận đối thoại.

Đối thoại chứ không phải độc thoại.


-----------------------------------------

Cái loa

Trịnh Hội   --VOA

Đọc phần “Ý Kiến” cho bài blog mới nhất của tôi mang tựa đề “Khẩu Hiệu” tôi thấy có một bạn đọc lấy tên là “Try Harder” từ Áo và bạn đọc “Dân Cà Mau” từ Việt Nam nhắc đến những cái loa phường sáng nào cũng được hò hét ra rả từ Bắc đến Nam để dạy dỗ dân chúng sống sao cho xứng đáng là con dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đúng nghĩa.

Nó làm cho tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi về lại Việt Nam để sống và làm việc ở Hà Nội vào giữa thập niên 90. Lúc ấy Hà Nội không giàu có và đường sá không kẹt kín xe hơi như bây giờ. Bước xuống máy bay tại sân bay Nội Bài tôi vẫn còn nhớ là mọi hành khách đều được cho vào một chiếc xe bus cũ như không thể nào cũ hơn được nữa để đến nơi làm thủ tục hải quan. Không những ghế cái thì thủng đáy, cái lại chỉ còn sườn không mà ngay cả tấm sắt to nằm ở phía sau xe để che khuất máy và quạt cũng đã biến mất tự bao giờ. Báo hại mới nhìn vào ai cũng trố mắt ngạc nhiên chẳng biết xe có còn chạy được nữa không!

Và đấy cũng là những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người ngoại quốc vừa đến Việt Nam lúc đó.

Nhưng đối với tôi, điều làm cho tôi nhớ nhất trong khoảng thời gian ấy không phải là một sân bay quốc gia Nội Bài quá cũ kỷ. Hay một thành phố vẫn còn nhiều người dắt con đến từng nhà để xin ăn. Mà là những cái loa sáng nào cũng phát thanh oang oang từ đầu làng đến cuối xóm bất kể người dân có thích hay không. Hay có hiệu nghiệm gì không trong công việc dạy dỗ con dân theo cách nhồi sọ của Xã Hội Chủ Nghĩa.

Đặc biệt là cái loa được treo sát cạnh nhà tôi nằm gần góc đường Bà Triệu và Đại Cồ Việt trong quận Hai Bà Trưng không xa trung tâm thành phố là bao. Hôm thì loa thông báo về lể kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân. Sang sáng hôm sau thì loa lại nhắc nhở mọi người dân cần phải đi…hốt rác.

Nhưng đáng nhớ nhất là lời thông báo dưới đây mà mãi cho đến bây giờ gần 15 năm sau tôi vẫn còn nhớ như in, từng lời, từng chữ và đặc biệt là giọng đọc đặc sệt của người miền Bắc sau này làm cho tôi không thể nào quên được. Vì nó đã được đọc đi, đọc lại ra rả mỗi sáng trong mấy tháng liền làm cho tôi và chắc chắn là rất nhiều người dân trong quận không thể nào ngủ được. Mặc dù lúc ấy trời chỉ vừa tờ mờ sáng.

Thông cáo được đọc như sau (và xin nhớ là phải đọc với giọng nữ miền Bắc chuẩn sau 1975 nhé):

Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo
Hôm nay ngày mồng chín tháng ba
Nhân dân quận Hai Bà Trưng chúng ta
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư
Xin quyết tâm như thế
Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo


….

Thật đấy bạn ạ. Tôi xin thề tôi đã không thêm bớt một chữ nào vào bản thông cáo ấy. Và “quyết tâm” hay “không đẻ” đều là những từ nguyên thủy được dùng để thông báo cho mọi người cùng rõ. Sang hôm sau chỉ có số ngày là được thay đổi. Còn nội dung thì vẫn được giữ y như thế. Không những vậy vài tháng sau có lẽ vì sợ người dân chưa hiểu thấu, các đồng chí lại cho dựng ngay một khẩu hiệu to đùng nằm ngay giữa đường Đại Cồ Việt cũng với nội dung tương tự:

Nhân dân quận Hai Bà Trưng
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư


May là lúc ấy tôi cũng vừa ở độ tuổi hai mươi lăm, lại chưa vợ nên đã chăm chỉ nghe lời chỉ dạy quyết tâm không đẻ! Chứ nếu không (nhất là đối với những ai có vợ đang nằm phơi phới bên cạnh) sáng sớm tinh sương đang ngủ say lại bị loa phóng thanh dựng dậy để nhắn nhủ đôi lời, không chừng bực bội lại không có chuyện gì làm khi trời hãy còn quá sớm thôi thì đành quay qua… làm một cái cho bỏ ghét!

Ý tôi nói phản tác dụng là vì thế.

Cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn thắc mắc không biết hàng xóm tôi ở quận Hai Bà Trưng lúc ấy có ai đã từng quyết tâm… làm một cái cho bỏ ghét cái loa không đẻ sớm hay không?



-------------------------

Khẩu hiệu

Trịnh Hội
“Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do”. “Sống, Lao Động và Học Tập Theo Gương Bác Hồ Vĩ Đại”. ‘Tất Cả Vì Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng, Văn Minh”, v.v… Còn nhớ lúc tôi mới về lại Việt Nam và đọc được những khẩu hiệu như thế này tôi đã bị dị ứng đến độ gặp ai tôi cũng than phiền là tại sao cho đến thời buổi này vẫn còn có một thành phần lãnh đạo cho đăng những sáo ngữ, vô nghĩa, rỗng tuếch như thế?
Chả lẽ họ nghĩ người dân ngu đến độ có thể tin được những điều hoang tưởng đến vậy? Hay là họ chỉ nói cho có nói, tuyên truyền cho có tuyên truyền để hoàn thành công tác đã được giao phó?
Hay là họ thật sự tin nếu như những khẩu hiệu này được giăng lên khắp mọi nơi, ai cũng đọc được, thì trong một ngày gần đây, những lời kêu gọi đó tự động sẽ trở thành sự thật?
Gặp ai, bà con hay bạn bè, tôi cũng đều hỏi cho ra lẽ, nhưng các bạn có biết không, hầu hết mọi người đều cho là tôi quá rỗi hơi, quá dư thời giờ để suy nghĩ về một vấn đề hoàn toàn không cần thiết. Vì họ chẳng bao giờ để tâm đến nó!
Từ đấy tôi mới nghiệm ra được một điều: đó là đối với đại đa số người dân Việt Nam hầu như ai cũng đã bị “chai” với những lời tuyên truyền tẻ nhạt, vô nghĩa được giăng đầy đường nhưng hoàn toàn không có một mảy may hiệu nghiệm nào. Không những họ thờ ơ, lãnh cảm với nó mà đã rất nhiều lần chính mắt tôi thấy họ đã thực hiện những điều hoàn toàn trái ngược với nó. Cứ như đấy là câu trả lời chính xác nhất.
Như ở ngay các khu phố đầu phường, đầu ngỏ thường lúc nào cũng cho sơn lên 4 chử: “Khu Phố Văn Hóa” mặc dù đứng ngay dưới cổng chào là một anh thanh niên đang rất tự nhiên tụt quần đứng đái. Hoặc có một đống rác thật to đang nằm chình ình ngay bên cạnh.
Bởi vậy còn nhớ cứ mỗi chiều chủ nhật khi tôi sang nhà bà Nội tôi ở gần khu chợ Bàn Cờ bên quận 3 để thăm bà thì tôi lại trêu và hỏi bà nếu ở đâu cũng đều là “Khu Phố Văn Hóa” thì không biết bà có biết khu nào được mệnh danh là “Khu Phố Vô Văn Hóa” để tôi có thể đến thăm và xem nó… vô văn hóa đến mức nào.
Mười lần như một cứ mỗi khi nghe tôi hỏi như thế là bà Nội tôi lại cười toe toét khoe cả hàm răng sún và bảo: “Cái thằng này đểu thiệt!”.
Nhưng thật tình mà nói tôi hoàn toàn không có ý… đểu. Tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là nếu như một câu nói hoàn toàn không có một ý nghĩa gì đối với thực tại, một câu nói không một ai thèm đả động đến – khen cũng như chê – thì đăng lên để làm gì?
Thứ nhất là nó chỉ làm trò đùa cho thiên hạ hoặc những thằng quá rỗi hơi như tôi. Thứ hai tệ hơn là nó làm cho người dân ngày càng chai đi đối với những lời kêu gọi thực thi của đất nước. Nếu mai đây lỡ có chuyện gì trọng đại cần mọi người dân thấu hiểu và thông cảm thì lấy cách nào để mà tuyên truyền?
Thiệt là bótay.com, phải không bạn?

No comments:

Post a Comment