Monday, March 12, 2012

Đói lay lắt miền Tây Thanh Hóa

clip_image001
Đói đến nỗi anh Kiếp phải đếm từng củ sắn trên gác bếp để phân chia cho 4 miệng ăn được 3-5 ngày tới
* Huyện Quan Hóa gửi công văn hỏa tốc đề nghị được cứu đói
Nhiều nông dân xứ Thanh lại đối mặt với cái đói. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 huyện với 66.537 nhân khẩu đang thiếu lương thực. Ước tính, số gạo cần được cứu tế cho đồng bào thiếu đói là 1.522 tấn. Các hộ đói tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Trong đó khu vực miền núi chiếm số đông.
Bà Phạm Thị Hoa - PCT UBND huyện miền núi Quan Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị được cứu đói cho nhân dân trong thời kỳ giáp hạt tháng 3. Công văn này cho biết, toàn huyện hiện có 18 xã, thị trấn có số hộ đói đến mức báo động đỏ với tổng số 922 hộ (4.610 nhân khẩu). Trước tình hình cấp bách người dân hết gạo ăn, các loại lương thực khác như khoai, sắn, ngô cũng đang cạn kiệt dần nên lãnh đạo huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh cứu tế cho nhân dân 207.450 kg gạo trong thời gian 3 tháng với 1 khẩu 15kg/tháng.

Theo PCT Phạm Thị Hoa thì tình hình đói của nhân dân vượt quá khả năng cứu tế của huyện nên rất cần sự cứu trợ của tỉnh. Tuy nhiên, đã sau 10 ngày, hiện công văn này chưa nhận được phúc đáp từ phía cấp trên, đồng nghĩa cái đói của đồng bào cứ thế kéo dài thêm.
Có mặt tại các xã Thanh Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Sơn, Nam Tiến và Nam Động của huyện Quan Hóa những ngày này mới thấm thía được cái đói đến lay lắt biết nhường nào của đồng bào. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất để có thể tự túc lương thực. Như xã Thanh Xuân có gần 8 ngàn ha đất tự nhiên nhưng chỉ có 30ha đất nông nghiệp. Vậy thì rất khó để đảm bảo nguồn lương thực cho 2.450 nhân khẩu trong xã hiện nay.
Bên cạnh đó là địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, con em ít được học văn hóa và học nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; thêm vào đó là đẻ nhiều đã khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi rẻo cao này khó khăn chồng chất. Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp là thực trạng chung ở hầu hết các xã ở huyện Quan Hóa. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong các năm 2010-2011 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng nên bà con nông dân chưa thể tự túc được lương thực.
Vượt hơn 180km từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã đến được với đồng bào dân tộc bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa. Con đường từ trung tâm xã vào bản chỉ có 4km nhưng đi mất nhiều thời gian. Xe máy cứ lên số 2 về số 1 gầm rú, qua hết chỗ cua khúc khuỷu này lại qua chỗ cua tay áo kia. Cứ thế sau nhiều đoạn cua thót hết cả tim vì suýt ngã, chúng tôi mới đến được bản Tân Sơn. Ông Hạt - PCT xã thở phào sau khi xe đỗ trước nhà trưởng bản: “Hôm nay trời nắng còn đi vào được sớm chứ gặp phải trời mưa thì sáng đi, chiều mới tới nơi vì không những không chạy được xe máy mà đi bộ cũng hết sức khó khăn”.
Cũng với câu chuyện về đường sá, trưởng bản Phạm Bá Cập bày tỏ: “Ở miền xuôi các xã có điều kiện lại được DN tham gia góp kinh phí cùng nhân dân xây dựng nông thôn. Ở đây vốn dĩ khó khăn, không có DN tài trợ, năm vừa rồi, cả bản quyết tâm mãi mới góp được mỗi hộ 200 ngàn để thuê máy ủi vào đây tạo hình hài một con đường để có chỗ đi lại”.
Rít điếu thuốc lào, mịt mù khói bay, trưởng bản Cập tâm sự: “Đất ít, đá nhiều đã hạn chế rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của đồng bào. Cả bản có 57/138 hộ đói nghèo và riêng thời điểm này có 30 hộ đói lay lắt không thể kiếm đâu ra lương thực mà ăn”.
Được trưởng bản dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà anh Phạm Bá Kiếp, 45 tuổi, một trong những gia đình khó khăn nhất hiện nay của bản.

clip_image002
Căn nhà tuềnh toàng của anh Phạm Bá Kiếp
Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát ấy, bố con anh Kiếp đang chuẩn bị bữa tối bằng việc lấy sắn trên gác bếp xuống để nấu. Anh Kiếp cho hay: “Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn”. Theo lời anh Kiếp thì mỗi bữa, một người chỉ được một củ sắn luộc mà thôi. Nếu như vậy thì chừng ấy sắn trên gác bếp của nhà anh may chỉ đủ kéo dài 3-5 ngày nữa là cùng. Trong khi nhà không còn thóc, gạo, chẳng có ngô, khoai gì cả. Ở cái tuổi trung niên ấy, ở dưới xuôi người ta khỏe mạnh có thể làm được nhiều việc nặng nhưng với anh Kiếp chỉ việc đứng dậy lấy mấy củ sắn mà lập cập không vững. Thiếu gạo, ngày ngày ăn sắn đã làm sức lực anh ngày một kiệt quệ.
Chúng tôi đến nhà anh Cao Văn Nhâm cùng bản với anh Kiếp. Ngôi nhà sàn lợp bằng lá cọ đã dột nát của anh Nhâm rộng chừng vài chục mét vuông nhưng trong đó có 6 người sinh sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái lớn đã bỏ học, ở nhà trông em, giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Quần quật quanh năm với một sào ruộng lúa và mấy sào sắn, ngô nhưng lương thực vẫn không đủ cho cả gia đình ăn. Anh Nhâm cho hay, gia đình chỉ có thể tự túc được gạo trong khoảng 2-3 tháng. Thời gian còn lại trong năm là sắn và ngô.
clip_image003
Anh Cao Văn Nhâm đang bón từng miếng sắn cho hai đứa con nhỏ ăn thay bữa cơm tối
Mỗi bữa ăn của những gia đình nghèo đói ở miền tây Thanh Hóa như bản Tân Sơn mà tôi bắt gặp luôn chỉ có màu bàng bạc sắn và khoai lang. Than ôi, so hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trong những vụ bê bối liên quan bọn tham nhũng, bọn cơ hội, những đám cưới xa xỉ, những nhóm lợi ích con ông cháu cha dây mơ rễ má mà báo chí vẫn liên tục, liên tục đề cập - chúng ta sẽ thấy một nỗi đau cứa vào thịt da mỗi người. Và không bất ngờ khi đồng nghiệp của tôi phải ngồi sụt sùi khóc với câu hỏi tương lai của đám trẻ nơi đây sẽ ra sao. Đâu là cái văn hóa vì cộng đồng, cái lý của lối sống bác ái bật ra từ nỗi ám ảnh ấy, từ phép so sánh ấy...
Thương nhất là lũ trẻ, chúng chẳng có đủ cơm. Đứa con út của anh hơn hai tuổi, mắt vàng như củ nghệ cắt đôi, ho hanh hách nước mắt choèn ra nhoẹt ướt đôi má xanh phù, ọng nước. Thấy có người lạ, chúng cứ trố mắt ra nhìn. Trong gian nhà bé nhỏ ấy hiển hiện góc bếp choán gần hết nửa diện tích. Căng mắt lên một chút có thể thấy nồi niêu, dao rựa lổn nhổn giữa đống hòm xiểng lăn lóc ở xó nhà. Mùi cứt gián, mùi ẩm mốc, mùi nước đái trẻ con khai khai.
Xung quanh bếp lửa, các con của anh đang háo hức chờ đợi một sự sống nào đó từ trong cái nồi có vẻ to bự kia. Ngọn lửa bốc cháy cao hơn, mùi sắn chui qua khe hở của vung thơm ngọt làm bụng tôi cũng cồn cào huống hồ chi bọn trẻ.
- Sắn cháy. Tôi buột miệng.
Cháy một chút mới ngon, anh bảo thế và nhắc nồi xuống rồi đổ úp vào một cái rổ con con. Anh Nhâm nói: “Nhà hết gạo lâu rồi, cả tháng nay lũ trẻ đều ăn sắn như thế cả. Mời các chú ăn sắn cùng với bố con tôi”. Đồng bào dân tộc vậy đó, đói nhưng sẵn sàng san sẻ. Tôi nhìn bọn trẻ, khuôn mặt của chúng như sáng hẳn lên trong ánh lửa. Thấy lũ trẻ hì hục vừa thổi phù phù vừa cắn ngốn ngấu những miếng sắn mới luộc tôi thấy thương chúng cả tháng nay không biết hạt cơm tròn hay méo. Nhìn chúng hì hục ngốn từng miếng sắn mà lòng tôi quặn thắt và thầm nghĩ biết lúc nào thì dân Tân Sơn có đủ cơm gạo ăn hằng ngày, áo quần ấm áp quanh năm?!
Ước ao có một bữa cơm no của mấy đứa trẻ ở bản Tân Sơn thật khó khăn. Các cháu còn nhỏ, bố mẹ vẫn lam lũ nhưng không đủ gạo. Tôi dám chắc rằng sẽ còn có rất nhiều đứa trẻ ở nơi này đang có những khát khao như thế, chúng không ước ao gì khác ngoài được bữa cơm no thay cho khoai và sắn. Chẳng lẽ cái dạ dày và sự háu đói của các cháu đã quen với sự đạm bạc mãi thế sao? Ăn vẫn ngon, vẫn hết vèo cả củ sắn lớn hơn tay chân của chúng. Những năm tháng thơ ấu vẫn có vẻ như an bình dù các cháu hầu như không biết đến thịt, trứng, sữa hay thứ lương thực, thực phẩm nào khác ngoài cơm trắng một vài tháng, trong khi khoai, sắn lại cứ dài dài...
V. H.
Nguồn: nongnghiep.vn

Những bữa ăn nghìn đô thời 'bão giá'

Trong mùa 'bão giá', 'mức độ' ăn chơi của người giàu không hề giảm. Cận cảnh những bữa tiệc 'vàng' giá hàng nghìn USD, tôi đã sốc vì độ xa hoa vượt xa trí tưởng tượng.
Bữa ăn nghìn đô

Lối đi lên phòng vàng nổi tiếng sang trọng, huyền bí của nhà hàng L.Đ (Hà Nội) được trải thảm. Bước vào phòng, tôi choáng ngợp bởi màu vàng đầy vẻ vua chúa ánh lên từ bức rèm pha lê lộng lẫy, tranh thủy mặc tô điểm thêm không khí hoàng cung, ánh sáng từ bộ đèn chùm giữa phòng tỏa ra dịu nhẹ.
Màu trắng sang trọng của chiếc bàn ăn càng làm nổi bật những cốc chén, thìa dĩa mạ vàng 24K tinh xảo. Muốn được ngồi ăn với cảm giác đế vương ở phòng vàng thì hóa đơn thanh toán phải trên 1.000 USD (chưa bao gồm thuế VAT). Hóa đơn thanh toán 50 - 100 triệu đồng cho một bàn dăm thực khách VIP với “một bữa no” ở L.Đ trở thành chuyện thường ngày.
Muốn ngồi phòng vàng ở nhà hàng này phải thanh toán
hoá đơn ít nhất 1.000 USD .
Bảng giá trên thực đơn ghi, một bát súp khai vị tổ yến gạch cua có giá 46 USD, súp tổ yến thịt gà 65 USD, súp Bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD. Bát súp bào ngư Nam Phi sốt dầu hào ấy nếu quy ra tiền Việt thì khoảng 2,1 triệu đồng...
Cô nhân viên phục vụ đưa cho tôi cái thực đơn, nói: “Nhà hàng chúng em có khoảng 300 món, món nào quy ra thóc thì cũng phải cỡ tạ thóc. Một gói hạt điều nho nhỏ cũng 800 nghìn rồi”.
Bất chấp giá cao ngất, L.Đ vẫn đông khách. Muốn có chỗ ở phòng vàng thường phải đặt trước. Nhà hàng này của ông chủ người Hồng Kông, giá niêm yết bằng đôla Mỹ, nhưng thực khách đa số là dân ta. Những đại gia, ông chủ, sếp lớn xem ra không bị “xiêu vẹo” gì trong cơn bão giá, khi vẫn thường xuyên có những bữa ăn với giá hàng nghìn đô.
Trong phòng bếp của L.Đ, bếp trưởng cần mẫn nhặt từng sợi lông tơ ra khỏi tổ chim yến trắng quý giá và đắt đỏ. Các món cao lương mỹ vị như bào ngư vi cá đều qua bàn tay chế bến của anh.
Bát soup bằng hai tấn thóc và bát phở bạc triệu
Những con tôm hùm to cỡ bắp chân, càng dài, lưng ánh màu xanh biếc đang chen chúc trong bể kính của nhà hàng S.H trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) sẽ sớm bị đưa vào nhà bếp để chế biến thành nhiều món ăn được giới thiệu trong thực đơn.
Mỗi ngày, nhà hàng tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm nên loại hải sản từ Nha Trang đưa về chưa kịp “ấm chỗ” đã bị giết thịt. Ở nhà hàng S.H, mỗi cân tôm hùm giá 3,2 triệu đồng, nhưng khách đã đến đây thường gọi món này. Có nhiều thực khách thanh toán khoảng vài chục triệu riêng tiền tôm hùm.
Một ngày ở nhà hàng S.H tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm như thế này.
Cô T. nhân viên của nhà hàng cười bảo: “Như thế cũng chẳng nhằm nhò gì, bởi nhà hàng em có những món soup khai vị như soup vi cá hồng xíu cua gạch đã 1,5 triệu đồng, soup yến vi cá 1 triệu đồng, soup cá bào ngư Úc 1 triệu đồng”.
Chưa hết choáng vì giá bát soup nhỏ xíu, tôi đã lại giật mình vì số tiền phải trả cho một bữa tiệc gồm nhiều món hảo hạng cho 6 người ăn mà cô nhân viên “tư vấn” giúp lên tới 30 triệu đồng không bao gồm đồ uống và thuế VAT. Đồ uống ở đây, chai rượu vang hảo hạng để đưa mồi cũng trên 20 triệu. Có thể mang rượu từ nhà đi, nhưng vui lòng trả 15 USD/chai gọi là phí mở rượu cho rượu nhẹ và 20 USD cho rượu mạnh.
Bảng giá trên thực đơn ghi, một bát soup khai vị tổ yến gạch cua có giá 46 USD, soup tổ yến thịt gà 65 USD, soup bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD. Bát soup bào ngư Nam Phi sốt dầu hào ấy nếu quy ra tiền Việt thì khoảng 2,1 triệu đồng... 
T, cô nhân viên mặc áo dài màu vàng, bảo: “Mỗi ngày, nhà hàng đón khoảng trên trăm thực khách, họ thường đến đây vào ngày thường, thứ bảy và chủ nhật ít hơn. Họ chủ yếu đến đây bàn công việc, thanh toán mỗi bữa ăn vài ba chục triệu đồng mà mặt không biến sắc, em đoán phần lớn là từ tiền chùa mới vung như thế, chứ các gia đình ít đến đây lắm”.
Bão giá có khiến lượng khách đến nhà hàng giảm đi không?”, T. lắc đầu: “Không hề giảm. Bão giá đâu không biết chứ ở đây chỉ có “bão ăn”, nhà hàng em mỗi ngày thực khách vẫn xơi nửa tạ tôm hùm đều như vắt chanh”.
Khách sạn Vườn Thủ Đô vào những buổi sáng cuối tuần thường khó tìm chỗ đậu xe ôtô vì nhiều người đánh xế hộp tới ăn phở bò. Món phở bò Kobe 850 nghìn đồng/bát rất đắt khách, bất chấp nỗi lo phóng xạ ở Nhật Bản. Cách đây chưa lâu, bát phở bò Kobe loại Gyu này chỉ 750 nghìn đồng, dường như để “hưởng ứng” cơn bão giá, người ta tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi bát nhưng không vì thế mà số người ăn giảm xuống.
Phở bò Kobe có gì đặc biệt mà giá khủng như vậy? Anh Phạm Văn Sơn, bếp trưởng khách sạn Vườn Thủ Đô, cho hay: “Bò Kobe được nuôi ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản với quy trình hết sức đặc biệt. Bò được xài toàn những thứ hảo hạng như ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được xoa bóp bằng rượu Sake hằng ngày và nghe nhạc Mozart, Chopin. Phở bò Kobe được chế biến theo công thức riêng, đặc biệt là món nước dùng không thể bắt chước”.
Tôi cũng liều gọi một bát phở bò Kobe. Đĩa thịt đỏ tươi được máy cắt ra mỏng dính, phải tự tay nhúng vào bát phở. Miếng thịt giòn tan trong miệng. Có thể ăn sống vẫn ngon. Nhưng chớ có kiểu suy nghĩ “quy ra thóc” sẽ đắng miệng.
Dĩ nhiên thịt con bò Kobe nuôi theo kiểu cung đình như vậy phải khác với thịt con bò nuôi bằng rác ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng theo GS-TS Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thành phần dinh dưỡng của bò nội hay bò ngoại cũng không cách xa nhau là mấy, chỉ hơn kém nhau về độ khoái khẩu.
Nhiều người Hà Nội cứ đều đặn tuần 3,4 lần đến đây ăn sáng bát phở bò Kobe gần triệu bạc. Riêng tiền ăn sáng mỗi tháng đã trên 10 triệu đồng mà không hề phải bận tâm đến bão giá hay nhập siêu. Dường như thắt lưng buộc bụng là chuyện của người khác.
50 triệu đồng ăn một con rùa
Nhưng những bữa ăn xa hoa ấy của dân Hà thành nếu so với bữa tiệc rùa vàng của những đại gia ở vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh) thì còn “giản dị”. Bạn tôi, người vừa được dự bữa tiệc rùa vàng, bây giờ kể lại giọng vẫn hơi run: “Một đại gia chuyên đánh hàng qua cửa khẩu Móng Cái mời tôi và một chiến hữu nữa vào nhà hàng vùng biên. Nhìn vẻ bề ngoài không có gì sang trọng nhưng ở đây có những món cực độc mà ngay ở Hà Nội cũng khó tìm.
Đại gia quát gọi ba con rùa vàng nhỏ bằng cái bát ăn cơm, bảo tôi: “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay. Chú có biết một con rùa nhỏ thế này bao nhiêu tiền không?”. “Chắc vài triệu”, đại gia cười ha hả, vỗ vai tôi: “50 triệu một con đấy. Thiên hạ gọi rùa vàng là “vàng sống”, không có mà bán cho các đại gia Trung Quốc, Hồng Kông” .
Choáng váng. Bữa tiệc vùng biên chỉ riêng tiền rùa đã lên tới 150 triệu đồng, chưa kể mấy chai Chivas 25 năm ngự trên bàn. Đại gia lại “bồi” thêm: “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng”.
Trong cơn bão giá, nhiều người giàu “bật mí” rằng, có thể duy trì lịch sinh hoạt đế vương như thế này: sáng ăn phở bò Kobe, trưa xơi tôm hùm, tu hài Mexico, ốc vòi Canada, chiều chén rùa vàng và khuya điểm tâm bát bào ngư Nam Phi sốt xì dầu hay soup yến cua gạch...
(Theo Tiền Phong)

Bản đồ những nước (màu đỏ)  bị RSF xếp  là «kẻ thù của internet »
VIỆT NAM - INTERNET

2012: RSF duy trì Việt Nam trong danh sách các nước kẻ thù của internet

Hôm nay, 12/03/2012, nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet, tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF( Reporters Sans Frontieres), đóng trụ sở tại Pháp, đã ra một bản báo cáo 2012 về những quốc gia kẻ thù của internet và vẫn giữ nguyên Việt Nam trong danh sách này. Bahrain và Belarus gia nhập danh sách đen, trong khi đó, Venezuela và Libya được xóa tên.

"Chúng tôi muốn đối thoại với Việt Nam"

Đại diện tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói báo cáo xếp hạng tự do Internet 2012 có mục đích mở ra đối thoại với Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF - Reporteurs Sans Frontier) trao đổi với BBC xung quanh nội dung và mục đích của bản báo cáo và danh sách mới công bố của Tổ chức này về các quốc gia trên Thế giới "thù địch" với Internet từ góc độ tự do ngôn luận.
Trong bản danh sách loan bố nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt mạng Internet (12/3/2012), Việt Nam được xếp thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, trong nhóm 12 nước 'thù địch' nhất với tự do Internet, gồm Miến Điện, Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Syria, Turkmenistan, Uzbekistan, Bahrain và Belarus.
Bà Lucie Morrillon, Giám đốc văn phòng truyền thông của RSF từ Paris cho BBC Việt Ngữ hay tổ chức này đang hết sức quan ngại vì "chính quyền Việt Nam liên tục có những đợt thắt chặt kiểm duyệt, sách nhiễu các blogger, các nhà hoạt động mạng dân chủ, nhân quyền trên Internet".

Tuy nhiên, bà cũng khẳng định mục đích của RSF là để giúp đỡ Việt Nam "cải thiện dân chủ, nhân quyền" một cách thực sự, đồng thời bản báo cáo là sự "gợi mở đối thoại" với Việt Nam, chứ không phải là "một cái gì đó đóng" như một dấu chấm hết.
Bà Morrillon cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "tiếp tục quan tâm" và có các hành động hiệu quả, cụ thể giúp đỡ Việt Nam cải thiện thành tích trong lĩnh vực mà RSF quan sát thấy có những dấu hiệu "ngày một quan ngại" và "khó lường" trong những năm qua.



No comments:

Post a Comment