Vấn đề nhân sự cầm quyền đang là vấn đề cực kỳ hệ trọng và cấp bách ở nước ta. Đó là vấn đề làm thế nào để phát hiện, lựa chọn những đại biểu tài giỏi nhất vào bộ máy lãnh đạo, cầm quyền các cấp của đất nước. Làm thế nào để trong đảng Cộng sản, có thể phát hiện, lựa chọn được những đảng viên xuất sắc nhất, có đức và tài cao nhất, vào các cơ quan lãnh đạo.
Có thật hiện nay các vị trí Tổng bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, cũng như các Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, các đại biểu Quốc hội… đều là thuộc về những người có tâm và có tầm cao nhất, thuộc về tinh hoa của dân tộc, của nhân dân?
Đúng lý ra là phải như thế.
Được như vậy sẽ là đại phúc cho dân tộc. Tầng lớp cầm quyền, cai trị đất nước sẽ tận tâm phục vụ đất nước, đem hết sức mình ra phục vụ nhân dân, bảo vệ độc lập, lãnh thổ toàn vẹn đất nước, mang lại phồn vinh cho toàn dân cùng hưởng.
Nhưng thực tế nước ta không được như vậy, còn rất xa mới được như vậy. Cho nên vấn đề nhân sự cầm quyền từ thấp lên cao nhất đang là vấn đề hệ trọng nhất, nóng bỏng nhất hiện nay, khi đảng Cộng sản sắp bước vào Đại hội XI để bầu ra Ban Chấp hành trung ương mới, Bộ Chính trị mới, Tổng bí thư mới, và
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cung cách lựa chọn nhân tài hiện nay là yếu kém, là không hiệu quả, mang tính chất bè phái, hạn hẹp, chủ quan, duy ý chí, rất thiếu trách nhiệm. Thành ra bộ máy cầm quyền, lãnh đạo, cai trị quốc gia không gồm những tinh hoa của đất nước; ngược lại, có quá nhiều người tâm thì lạnh, tầm thì thấp, lại ở những vị trí cao nhất, có nhiều quyền lực nhất của đất nước. Tai họa quốc gia bắt nguồn từ đó.
Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nhân tài cầm quyền yếu kém, thậm chí ham lợi riêng, tài năng mỏng manh thì xã hội sẽ mất đà phát triển bền vững, nhân dân sẽ chịu ách bất công, cực nhục trước cường quyền hung bạo, độc đoán.
Vấn đề phát hiện, tuyển lựa nhân tài cầm quyền nên là một đề tài bàn luận, hội thảo rộng rãi trong xã hội, trong giới trí thức, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đại hội đảng các cấp; cần bàn bạc cho ra lẽ, đến nơi đến chốn, coi như một đề tài trọng điểm, một nút chặn lớn cần giải tỏa để đất nước tiến lên. Không vậy tình hình sẽ bế tắc từ gốc. Cả đất nước này sẽ đi xuống; đảng CS sẽ mất thêm uy tín vốn đã sa sút trầm trọng, đang có nguy cơ xuống tận đáy nếu lãnh đạo không tỉnh ngộ.
Đó là vì nếu cứ làm như cũ, Bộ Chính trị hiện đã chọn xong danh sách Trung ương khóa XI, đã trao đổi gần xong danh sách 15 ủy viên Bộ Chính trị mới, còn tổng bí thư đang chọn vòng cuối cùng giữa 4 ứng viên (các ông Trọng, Sang, Việt, Thanh) trong kỳ họp Trung uơng kỳ 13 sắp tới. Nghĩa là vẫn là chọn trước, kín đáo, giữa 4 bức tường trên đường Hùng Vương, do trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt chuẩn bị. Tất cả đều làm trong bóng tối, sau lưng toàn đảng, bịt mắt toàn dân, trước cả Đại hội XI, theo cái nguyên tắc «dân chủ tập trung », nghĩa là dân chủ đảo ngược, dân chủ cắt xén, dân chủ bị phủ định, bất chấp luật pháp, nguyên tắc và điều lệ đảng!
Do tình hình gần đây xấu đi, thói độc đoán quan liêu trở lại nặng nề hơn trước, nên mới có hiện tượng khác thường là cậu con ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn tuy đã bị Trung ương khóa IX kỳ họp cuối bác bỏ đề nghị của chính ông Mạnh, không cho vào Trung ương, lần này lại được cử làm bí thư tỉnh ủy, nhằm cơ cấu lại vào Trung ương khóa XI! Chuyện «cố đấm ăn xôi» này thật ngang ngược, và chứng tỏ Ban Tổ chức Trung ương do Hồ Đức Việt cầm đầu vẫn chứng nào tật ấy, khinh thường toàn đảng, khinh thường dư luận xã hội đến mức nào. Rồi đây người ta sẽ nhận ra là bao nhiêu góp ý cho văn kiện Đại hội về vấn đề nhân sự, lựa chọn nhân tài lãnh đạo… đều bị bỏ ngoài tai, nhân sự mới còn tệ hơn nhân sự cũ vốn đã không ngang tầm trách nhiệm thì tâm lý xã hội đối với đảng sẽ nặng nề ra sao?
Có thể nói một cách thẳng thắn rằng 15 vị trong Bộ Chính trị hiện nay, nếu đưa ra so sánh với hơn 20 cán bộ đảng viên vừa làm cuộc hội luận góp ý với các văn kiện Đại hội (xem bài 'Túi khôn dân tộc' bác bỏ hoàn toàn Cương lĩnh của Bộ Chính trị), hay với một số vị ký tên vào kiến nghị bauxit (kỳ 2), hay cả với các trí thức của Viện VDS, thì rõ ràng họ đều vượt 15 vị ấy cả về đức và tài, cả về tâm và về tầm cao trí tuệ. Vượt khá xa nữa. Đây là bi kịch, có thể nói là thảm kịch của đất nước.
Cuối cùng, nhân nói đến nhân sự lãnh đạo của đất nước, xin kể lại một câu châm ngôn dân gian, nảy sinh ra từ Câu lạc bộ Ba đình, dành cho cán bộ đương chức và về hưu của cơ quan trung ương và Bộ Quốc phòng, một bạn gửi sang cho tôi. Đó là:
Những người đảng ghét, dân yêu,
Ngẫm ra không ít bậc «Siêu anh tài»
Những người đảng đến khoác vai
Xem ra phần lớn là loài bất nhân!
Ngẫm ra không ít bậc «Siêu anh tài»
Những người đảng đến khoác vai
Xem ra phần lớn là loài bất nhân!
Ai đã sáng tác ra 4 câu thâm thúy như thế? Đó là sáng tác tập thể, truyền miệng của quần chúng có lương tri, rất mẫn cảm về chính trị. Mà là quần chúng chất lượng cao đấy!
Họ là xã hội dân sự, là xã hội công dân đang lừng lững bước tới, không một sức mạnh hung hãn nào cản nổi.
15 vị trong Bộ Chính trị đang nắm trọn quyền hành của quốc gia tuy không được dân bầu ra, chỉ do nội bộ một đảng bầu ra với nhau, tự cho mình quyền sinh quyền sát đối với bất cứ người dân Việt nào trong hơn 80 triệu dân, hãy ngẫm nghĩ cho thật sâu về câu châm ngôn lý thú ấy của nhân dân.
Họ là nhân dân, vô danh tiểu tốt, nhưng nâng thuyền là họ, lật thuyền cũng là họ. Xin 15 vị trên thượng đỉnh quyền lực hãy chịu nghe lẽ phải, nghe số đông, nghe quần chúng, nghe số đảng viên lương thiện, và tỉnh ngộ. Hãy có lương tri trong sáng của cả dân tộc, một dân tộc trọng nghĩa tình, yêu nước, thương dân, có đạo nghĩa, biết cố kết để cứu nước trước mọi hiểm họa khi Tổ quốc lâm nguy.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment