Wednesday, February 15, 2012

Suy nghĩ cùng bác Lê Hiền Đức

Dân sẽ 'vùng lên' nếu 'có trình độ  ?


Vụ cưỡng chế Tiên Lãng
(Nhân bài Thế thiên hành đạo) [1]
PHẦN 1: Suy nghĩ về “phương pháp đòn bẩy”.
Nhân vụ án/ vụ xung đột Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, bác Lê Hiền Đức [2] đã viết một bài, nhan đề “Thế thiên hành đạo”. Bài viết rất ngắn, nhân một vụ việc ở một địa phương nhưng mang sức nặng ngàn cân, bởi trong đó kìm nén những áp lực mang tính hệ thống, trải dài nhiều năm và trải rộng suốt mọi miền đất nước. Một trướng ngại khổng lồ như vậy lại đè lên vai một phụ nữ đã ngoại 80 (do bà tự nguyện gánh lấy), lại còn bị trói bởi đủ thứ dây vô hình (nào là đảng viên tham gia từ ngày đầu cách mạng, nào là mật báo viên thân cận của “bác Hồ”, nào là cái tên Hiền Đức cũng do cụ Hồ đặt cho…). Một người nhỏ thó muốn bẩy một tảng đá khổng lồ, nếu không thể dùng mìn dùng bom, đương nhiên phải biết dùng đòn bẩy.
Chẳng riêng gì bác Hiền Đức mà trong tương quan toàn xã hội hiện nay thì phe CHÍNH còn quá nhỏ yếu so với phe TÀ (thơ Nguyễn Duy: Người tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?), nếu không biết dùng đòn bẩy thì những người tử tế chỉ còn cách ngồi mà khóc. Về lý thuyết đòn bẩy, một người có thể nâng cả Trái đất nếu có một điểm tựa chịu nổi sức tỳ và có một cánh tay đòn đủ dài vả đủ cứng. Bác Hiền Đức, do đơn thương độc mã nên đã buộc phải dùng kiểu đòn bẩy này và dùng rất tài.
Vụ Tiên Lãng cũng như bao vụ oan sai khác đều là xung đột giữa CHÍNH QUYỀN và DÂN QUYỀN. Một bài rất ngắn bênh cho DÂN QUYỀN mà dẫn ra toàn những lời, của những người thuộc hệ CHÍNH QUYỀN [3]. Dùng đến hai phần ba bài viết chỉ để thiết kế cho xong chiếc đòn bẩy, có đòn bẩy rồi bác Hiền Đức chỉ cần dùng một lực rất nhẹ, chỉ mấy dòng thôi mà đủ dồn đối phương (tức quốc nạn tham nhũng cửa quyền) từ tư thế những quan cách mạng chuyển thành tự thế các phạm nhân, bị ép sát vào cái vành móng ngựa cứng như thép của toà án đạo lý và pháp lý:
Mới trên các báo “lề phải” thôi, y sì, không suy diễn mà đã rõ mười mươi chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng cố ý vi hiến, vi phạm pháp luật, bất chấp luật pháp, có nhiều cái sai, vừa trái luật vừa trái đạo lí, vô liêm sỉ, lèo lá, tráo trở tới mức không còn giới hạn, cố tình cưỡng đoạt, tước bỏ quyền lợi của người dân, hủy hoại tài sản của công dân, không nhằm vào lợi ích của quốc gia và nhân dân, không xứng đáng đại diện cho dân, lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi của nhân dân, đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng và biến họ thành tội phạm…
Phương pháp đòn bẩy này còn được gọi một cách hình ảnh là “gậy ông đập lưng ông” , mà “ÔNG” to nhất là ông Hồ và ông Mác. Nhưng đòn bẩy là con dao hai lưỡi, như chiếc đòn sóc có hai đầu, có tác dụng hay phản tác dụng, hại cho đối phương hay hại cho mình là do bản lĩnh và trình độ của người sử dụng.
Trong bài viết nói trên đã hai lần Lê Hiền Đức mượn lời Hồ Chí Minh làm vũ khí.
Lần thứ nhất: “Trong bối cảnh ông(Vươn) càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới,…thử hỏi ngoài vùng lên, có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” ông Đoàn Văn Vươn còn cách nào khác?”
Câu nói chẳng những xoá toẹt lời buộc tội cho Đoàn Văn Vươn là kẻ “giết người” mà đặt ông Vươn vào vị trí tự vệ bất khả kháng như dân Việt Nam đã phải vùng lên chống lại Thực dân xâm lược Pháp vậy. Từ phi nghĩa trở lại tư thế chính nghĩa. Bác bênh vực luôn cả hành động dùng súng hoa cải, vì trong tay có gì buộc phải dùng nấy (súng hoa cải là thứ để ngăn, để doạ, để tự vệ). Lại gợi ý cho toàn xã hội một phương châm thiết thực mà nhiều người chưa hiểu. Thật vậy,“…vùng lên, có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” có nghĩa là hiện nay bất cứ ai cũng có thể góp phần chống quốc nạn, chống cái Ác, dù là người ngoài đảng hay trong đảng, cán bộ hay dân thường, ngoài nước hay trong nước, có tư duy triệt để hay còn tư duy cải lương, có Internet hay chưa có Internet, đang tại vị hay đã thành “nguyên”, đã bị bỏ tù hay còn là tù dự khuyết…vân vân…, ở vị trí nào thì dùng “vũ khí” ở chỗ ấy mà đánh “giặc”! Nghĩa là đừng đòi hỏi phải “nhất thể hoá” các lực lượng đánh “giặc” (nội xâm) hay phải thống nhất một phương thức đánh. Dùng “lời Bác” làm đòn bẩy như vậy chẳng tuyệt lắm sao? Lời hô hào này của cụ Hồ đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt khi những người tử tế còn chưa có lực lượng mà phía cái Ác thì trùng trùng điệp điệp như bọn Thực dân!
Lần thứ hai dẫn lời cụ Hồ: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”, Câu này khẳng định DÂN QUYỀN dứt khoát cao hơn CHÍNH QUYỀN, Dân quyền là chủ, Chính quyền là công bộc của Dân, Chủ nhân thay công bộc là chuyện bình thường! Thế mà đã bao năm nay người dân cứ thấy bị quy tội “chống chính quyền” là sợ run như cầy sấy. Chính quyền là quyền thật sự, do dân bầu ra mà dân còn có quyền chống thì việc chống lại một đảng nào đó , dân chưa hề bầu, là việc nhỏ hơn nhiều, tại sao phải sợ? Người đảng viên lão thành Nguyễn Văn Trấn trong cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” đã nói thẳng: Đảng là gì mà không được chống? Chính lời cụ Hồ cho Dân “quyền đuổi Chính phủ” chỉ ra cho thấy tình trạng Dân chúng sợ Đảng, sợ Chính phủ là vô lý, Cụ Hồ đã cho ta chiếc đòn bẩy tuyệt vời.
Song, việc dẫn câu này của cụ Hồ cũng là con dao hai lưỡi. Cụ Hồ nói “dân có quyền đuổi chính phủ”, hay quá, nhưng muốn thực hiện quyền ấy Dân cần một điều khoản trong Luật, và cần một xã hội dân sự đủ mạnh nằm ngoài bàn tay của đảng và chính phủ để có thực lực, có hai điều kiện ấy Dân có thể “đuổi” một chính phủ rất ôn hoà chỉ bằng lá phiếu. Thực tiễn thế giới Cộng sản cho thấy, đã theo con đường Cộng sản thì hai điều kiện nói trên là cấm kỵ, chẳng nên trách gì riêng cụ Hô. Mong ước tốt đẹp mà không tạo được cơ chế dân chủ để thực hiện thì điển hình là danh ngôn của Mạnh Tử nói “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nghe thì sướng mà thực tế thì thần dân và xã tắc muôn đời cứ là tài sản của vua, nô lệ của vua, đã mấy đời có được Minh quân ?. Yêu mến câu của Mạnh Tử là đúng, nhưng “trở về với Mạnh Tử” thì thật là điên.
Dẫn những lời nói đẹp của cụ Hồ làm đòn bẩy cho cuộc đổi mới hôm nay là khôn ngoan, nhưng thật sự muốn “trở về với Hồ Chí Minh” như một mô hình, một nền móng thì chỉ là lặp lại một vết xe đổ, lặp lại một ảo tưởng, giúp cho cái Ác luân hồi.
Những mơ xoá Ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi, thay bằng cực thiện
Tháng ngày biến hoá, Ác luân hồi
(Trần Độ)
Tháng ngày “biến hoá”? Hiểu “biến hoá” là sự tha hoá của những kẻ thiếu tu dưỡng đạo đức cần lên án thì thành anh Cải lương, hiểu “biến hoá” là sự tuột dốc nhân quả không thể khác của một sự chọn đường sai lầm mới là nỗi đau Trần Độ.
Thiết tưởng viết lời bình cho bài “Thế thiên hành đạo” của bác Lê Hiền Đức không gi đích đáng bằng bốn câu thơ “Ác luân hồi” này của vị Trung tướng quá cố.
Đòn bẩy cũng là trò chơi bập bênh, hai mặt, nhận thức không thấu đáo nhiều khi phản tác dụng. “Gậy đập lưng ai, gậy chống lưng(cho) ai?” là điều phải tính.
PHẦN 2: Suy nghĩ về “Lỗi hệ thống”…
Trước những vấn nạn của xã hội hiện nay, đã là người hiểu biết ắt không ai coi đó là những mụn nhọt ngoài da, mà phải coi đó là căn bệnh trầm kha nên phải tìm nguyên nhân từ gốc rễ, từ “lỗi hệ thống”, từ cội nguồn….
Trong một chế độ Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm nền tảng để đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước một cách “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” thì LỖI HỆ THỐNG không tìm ở trong Chủ nghĩa, trong lòng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thì tìm ở đâu? Nếu khuyên nhau coi đây là vùng không nên chạm đến thì xin im lặng cho khoẻ, đừng bày vẽ phản biện phản biếc làm chi cho mất thì giờ? Phải giải quyết ngay những vụ việc là cần thiết, nhưng khoanh giới hạn nhận thức trong những vụ việc cụ thể, trong một chính sách cụ thể, một thói hư tật xấu cụ thể chẳng những không chữa được “bệnh căn” mà vô tình còn che khuất tầm nhìn, hoặc tự bịt mắt, làm cho xã hội cứ bùng nhùng như chơi ú tim, chữa chỗ này hỏng chỗ khác, ngày một nặng thêm.
Hãy xem bác Lê Hiền Đức, một người hoạt động thực tiễn, chỉ đối mặt với những vụ việc cụ thể, mà thực tiễn tự nhiên dẫn bác đến những phản đề hết sức tổng quát, hoàn toàn ngược với các quan điểm tuyên huấn của chế độ.
Để đối phó với những bê bối, thối rữa của hệ thống, các quan tuyên huấn một mặt làm giảm mức nghiêm trọng bằng cách gọi đó là những thiếu sót, khuyết điểm…, mặt khác coi những khuyết điểm ấy chẳng qua là của cấp dưới, của những cán bộ thoái hoá, không chịu tu dưỡng rèn luyện, trái với đường lối chung, càng lên trên thì càng “trong sạch vững mạnh” hơn, lên đến lãnh tụ và chủ nghĩa thì vẫn cao đẹp, thiêng liêng như chiếc kim chỉ nam vậy. Đấy là quy trình che dấu khuyết điểm ở tầm vĩ mô.
Bác Hiền Đức thì khác. Về độ trầm trọng bác gọi thẳng những tội lỗi của cấp xã cấp huyện đang diễn ra khắp nước bằng đúng tên của nó là nạn “CƯỚP NGÀY”, sau đó bác chứng minh sự “cướp ngày” này gắn liền với cấp thành phố, cấp tỉnh. Bác viết:
“Con ơi nhớ lấy câu này – Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Đối với ông Đoàn Văn Vươn và rất nhiều người dân lao động cần cù, chân chính khác, chính quyền huyện Tiên Lãng, thậm chí cả chính quyền thành phố Hải Phòng thật sự là bọn cướp ngày.
“Nhưng tôi nói rằng chính ‘thằng’ TỈNH là ‘thằng’ cướp đất, chính ‘thằng’ TỈNH là ‘thằng’ ăn đất của dân (trả lời đài BBC).
Quan trọng hơn, từ đó bác phóng chiếu bọn Cướp ngày ấy lên cấp Trung ương bằng đoạn viết như sau:
chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự PHÓNG TO của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi”.
Về cơ bản, thực tiễn đang và sẽ còn diễn ra đúng như giả thiết mà bác lo ngại.
Khi cái đơn vị dưới cùng đã là một đám CƯỚP NGÀY thì nếu “phóng to” lên cấp Tỉnh và cấp Trung ương ắt phải là những bọn CƯỚP NGÀY to lớn hơn, không hơn không kém. Vế thái độ, nếu trước bọn Cướp ngày nhỏ ta đã phải “uất ức-căm thù” (chữ của LHĐ) thì đối với bọn Cướp ngày lớn, lòng “uất ức-căm thù” đương nhiên phải lớn lên theo chứ không thể giảm. Bác Hiền Đức mới “phóng to” đến cấp Trung ương thôi, chưa phải nơi cội nguồn, nhưng “nhà thực tiễn” nói như vậy cũng sáng lắm rồi.
Các quan chức Hải Phòng-Tiên Lãng đánh giá nhân dân vùng này rất tốt rất “thuần” (như cừu chứ gì nữa), gây gổ bất trị như gia đình anh Vươn chỉ là cá biệt. Cứ trong ý ấy mà suy, nếu cái thiểu số anh Vươn được giáo dục tốt theo “mấy điều Bác dạy” chẳng hạn thì toàn dân là tốt cả và xã hôi ổn định. Bác Hiền Đức phản pháo bằng một nhận định rắn như thép:
“Sáu mươi ba tỉnh thành phố ở Việt Nam thì có lẽ trong tay tôi phải đến từ 50 đến 52 tỉnh thành phố có dân bị mất đất.
“[Những vụ mất đất] giống như Đoàn Văn Vươn rất nhiều, nhưng Vươn là một kỹ sư, có trình độ cho nên anh ấy đi theo con đường như vậy.
“Vì bây giờ người ta chưa có trình độ, chứ nếu người ta có trình độ như ông Vươn thì sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn nữa chưa không phải là một Đoàn Văn Vươn đâu (trả lời BBC)
Bác Hiền Đức khẳng định hiện tượng nhân dân nổi lên chống bọn chính quyền “cướp cạn” là phổ biến khắp nơi chứ không cá biệt, càng ngày sẽ càng tăng lên chứ không giảm đi, dân trí ngày càng có trình độ sẽ càng “vùng lên”(chữ của LHĐ) quyết liệt như anh Vươn chứ không ôn hoà như lâu nay được nữa. Luận điểm này chống lại sự tuyên truyền của Đảng đến từng chi tiết, mặc dù bác Hiền Đức chỉ cảm nhận từ thực tế, không định lý luận gì hết.
Nhân việc bác Hiền Đức khẳng định anh Vươn vì “có trình độ” nên mới biết phản ứng quyết liệt ta cũng hiểu thêm về hai chữ Dân trí. Anh Vươn cũng chỉ là một nông dân có học, đâu phải trí thức uyên bác gì mà sao “Dân trí” nơi anh lại cao hơn nhiều “Trí thức chùm chăn” hay “Trí thức xoa vuốt”? Chị Thương, vợ anh Vươn trước nỗi đau tan cửa nát nhà lại tuyên bố “Gia đình tôi chịu MẤT nhưng để cho xã hội ĐƯỢC”. Ý tưởng mới cao quý làm sao, Dân trí trong gia đình này mới cao quý làm sao? Thực tiễn cho thấy DÂN TRÍ không chỉ ở sự học hành, không lớn lên theo bằng cấp hay huân huy chương, mà trưởng thành trong những cuộc đấu tranh thực tế, bằng óc bằng tim, bằng xương bằng thịt, lấy chính chống tà, lấy thiện chống ác…
Lại bàn về chuyện địch-ta. Một trong những đặc điểm của chế độ Cộng sản là quan niệm địch ta. Bất cứ bài nghị luận chính trị nào của “lề phải” cũng không thể thiếu một kẻ địch, một bè lũ xấu xa nào đó cần phải trừng trị. Ta gọi đó là sự “phân tuyến” địch – ta. Sự phân tuyến càng quyết liệt thì gân cốt của chế độ càng cứng, càng xăn. Phân tuyến không được hay phân tuyến mù mờ thì chế độ lúng túng.
Bác Hiền Đức lại dùng câu ca từ kháng chiến chống Pháp làm điểm tựa:
Trong tay cầm khẩu súng dài
Ngắm đi ngắm lại, bắn ai thế này?
Trong cuộc chiến chống ngoại xâm thì ranh giới địch – ta rất rõ. Đến thời xây dựng đất nước trong hoà bình thì sự phân tuyến khác hẳn, cứ quen quy kết theo quán tính thì hỏng. Nếu chính quyền không dân chủ, không thực sự của dân-do dân-vì dân mà lại còn dung dưỡng nạn “cướp ngày” (để “chú phỉnh” kết với “cô đồn”) thì địch – ta coi chừng lẫn lộn, dễ dàng hoán vị cho nhau.
Người chiến sĩ chống tham nhũng Lê Hiền Đức sống trong thực tế, nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc đấu tranh chống nội xâm bảo vệ dân lành đã phát hiện ra cái điểm nút rất nan giải của lực lượng vũ trang.
Trong những cuộc tranh chấp với dân thì lực lượng vũ trang chủ yếu là công an. Nhưng phía công an thì “chỉ biết còn Đảng còn mình” chẳng coi dân ra gì. Còn dân nghĩ về công an thế nào, bác Hiền Đức nói tiếp: “Các ông cấp cao ngồi ở trong văn phòng, trong cơ quan kín cổng cao tường [có] lính gác, đi xe hơi, về xe hơi, biết đâu rằng ngoài chợ người ta chửi công an như thế nào. “Người ta bảo công an là ‘cướp ngày’ là ‘cướp cạn’.(trả lời đài BBC).
Anh Đoàn Văn Vươn bị phía Chính quyền khởi tố tội giết người, mới bị bắt để điều tra đã bị cạo trọc, mặc áo tù, theo ý công an rõ là tên phản động. Vậy mà bác Hiền Đức và phía dân coi anh Vươn chẳng những vô tội mà có công lớn trong việc trừng trị kẻ phạm pháp cướp ngày, mở mang đầu óc cho dân. Anh chính là người “Thế thiên hành đạo” tức thay trời hành đạo. Mới nghe thấy lạ, vì ông Marx là thuỷ tổ đẻ ra chủ nghĩa Cộng sản chưa bao giờ được gọi tên như thế. Nhưng bác Hiền Đức, một người Cộng sản suy tôn anh Vươn như thế chỉ vì anh là đại diện nổi bật của Dân, mà ý Dân là ý Trời. Tổ tiên vẫn suy tôn như thế, bác Hiền Đức đâu dám bịa ra?
Nhân vật ngược lại là sĩ quan công an Đỗ Hữu Ca, người chỉ huy cuộc càn quét khu đầm tôm của anh Vươn, với tất cả khoái cảm của viên tướng chỉ huy chiến dịch chống dân, một cuộc hành quân “đẹp tuyệt vời, đáng viết thành sách” thì phía dân coi anh ta là tên tội phạm chính, cần cách chức ngay và khởi tố. Dân quyền và Chính quyền ngược nhau đến thế là cùng.
Trong tình hình “địch-ta” cài răng lược như vậy thì lực lượng vũ trang phải “ngắm đi ngắm lại” thế nào cho trúng kẻ địch? Địch là người dân nghèo khổ mất đất hay lũ cướp ngày chỉ biết còn Đảng? Khó thật nhỉ, với người đang mặc áo công an?
***
Đọc bài “Thế thiên hành đạo” hôm nay, tôi không không khỏi giật mình, như đọc lại bài của chính mình viết ra cách đây 20 năm vậy. Tôi vẫn thường viết ra những luận điểm như vậy, tất nhiên bằng ngôn ngữ của một anh học khoa học tự nhiên. Khác hẳn với bác Hiền Đức, tôi không là đảng viên, chẳng kinh qua một sứ mệnh chính trị thực tiễn nào như bác, mà sự đúc kết sự đời lại giống nhau đến thế? Hoá ra Chân lý rất đơn giản, chỉ con đường nhận thức ra Chân lý là phức tạp, và có nhiều cách diễn tả Chân lý khác nhau.
Nhân sự đồng cảm này, cho phép tôi nhắc đến mấy ý kiến của mình liên quan đến suy tư về “Lỗi hệ thống”:
- Một chủ nghỉa ảo tưởng gồm những “lời có cánh”, người cùng khổ nếm vào như được bay lên, tưởng là thần dược. Nhưng đó là sự GIẢI KHÁT BẰNG THUỐC ĐỘC, sau khoái cảm của cơn khát được thoả mãn, chất độc ngấm vào xương tuỷ, không biết chữa cách nào.
- Chủ nghĩa Mác-Lê xuất phát từ một ảo giác VĨ CUỒNG LƯƠNG THIỆN, muốn làm lại hết thảy trần gian, ôm hết lịch sử và thế giới vào tay, sự “tham lam” của giấc mơ hành thiện tuy không thực tế nhưng thật dễ thương. Nhưng khi áp đặt giấc mơ ấy vào hiện thực thì từ LÒNG THAM DỄ THƯƠNG trong lý thuyết hình thành một LÒNG THAM ĐÁNG GIẬN, đáng ghét trong hiện thực, ngày càng không có đáy, nhất là tham quyền và tham…đất!
Nạn lộng hành và cướp đất đang hoành hành ở Trung quốc và Việt nam hiện nay chính là hiện thân của “LÒNG THAM CỘNG SẢN” không đáy ấy mà thôi.
- Nói như vậy không phải xã hội theo chủ thuyềt Cộng sản không có những thành tựu, công lao, trái lại có nhiều, có rất nhiều, nhất là để chống lại nguy cơ bị lịch sử đào thải. Nhưng như một toà lâu đài chót xây lầm trên cát hay trên núi lửa, thì mọi thiết kế đẹp đẽ ưu việt trong lâu đài ấy sẽ có số phận ra sao, nên dành sức làm gì với lâu đài ấy? Các nước Cộng sản Đông Âu là câu trả lời. Các nước Bắc Phi và Trung Đông có thể là hình ảnh tham khảo.
14/2/2012
© Hà Sĩ Phu
© Đàn Chim Việt
________________
[1] Lê Hiền Đức – Thế thiên hành đạo:

http://danlambaovn.blogspot.com/2012/01/thien-hanh-ao.html
Ngo Bao Chau's homepage

Hiểm hoạ phương Bắc và lựa chọn của Việt Nam

CS bắc kỳ thiết lập một nền đô hộ miền Nam

Hơn 100 người kiện đất đai trước VPCP RFA
 

 



No comments:

Post a Comment