Saturday, September 18, 2010

Nước Việt của ai?



Comment:
Nguyễn tuấn Tú
California
( Tài năng người Việt chúng ta không thiếu, tính theo % dân số  thì nhân tài VN của chúng ta đang ở hải ngoại còn nhiều hơn cả Trung quốc. Cách đây hơn 20 năm tôi có gặp một số du học sinh TQ tốt nghiệp và làm việc tại những hãng điện tử lớn tại Silicon valley R&D, trong buổi tiệc tiễn anh về nước, anh cho biết được  mời về làm General Manager cho một công ty viễn thông tại Shanghai, nhà nước cấp cho Anh căn hộ cao cấp và trả lương gần bằng ở Mỹ .... Đây là lý do đưa kinh tế TQ từ hạng thứ 104 trên 183 quốc gia từ năm 1987 đến hạng 2 trên thế giới vào 2010 ...chẳng những họ về nước mà con lôi kéo nhiều công ty Mỹ qua TQ đầu tư. Chúng ta có hơn 2 triệu người Việt trên khắp thế giới, từ kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia,  giáo  sư , bác học chúng ta đều có mặt khắp nơi trên địa cầu .... Nếu VN có tự do dân chủ  nhiều nhân tài người  Việt khắp  nơi trên  thế giới sẽ quay về xây dựng VN, được vậy tương lai VN sẽ sớm bắt kịp Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
Mong lắm thay.....
)

Nước Việt của ai?

Lê Phú Khải
image Sẽ có người phẫn nộ muốn mắng ngay vào mặt kẻ viết bài này khi đặt một vấn đề như thế! Nhưng xin quý vị hãy bình tĩnh để cho tôi “được mở mồm” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để cho dân được mở mồm”).
Xin thưa: trong suốt chiều dài lịch sử, khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, những kẻ cầm quyền đất nước đồng lòng với nhân dân đánh giặc giữ nước thì người Việt Nam là những thiên thần của lòng yêu nước. Lịch sử đã chứng minh điều này bằng những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... Nước Việt chúng ta ở ngay bên cạnh kẻ xâm lăng thường trực 4000 năm, còn được đến hôm nay là nhờ xương máu của những người yêu nước đó.
Nhưng khi giặc xâm lăng đã cút rồi thì với chủ thuyết Khổng giáo, nước là của vua, yêu nước là phải trung với vua (trung quân ái quốc) – dân ta cứ hồn nhiên nhiễm phải tà giáo này suốt chiều dài lịch sử. Tất nhiên vua chúa thì minh quân rất hiếm, đa số là hôn quân bạo chúa, có ông vua là thằng bé con mồm còn hơi sữa, mẹ nó buông mành nhiếp chính đằng sau, làm bao điều hại nước hại dân, thế thì nhân dân đâu có thể yêu cái nước của vua ấy được. Nhân dân phải đi tìm một con đường yêu nước kiểu khác cho mình. Kẻ sĩ có liêm sỉ thì đi ở ẩn! Còn dân thì “quan có cần nhưng dân không vội, quan có vội quan lội quan sang!”.

Nhà nước với nhân dân hiện thân trong câu ca dao như thế nên nước yếu! Nước yếu thì giặc ngoại xâm lại tới! “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”! Đó là lỗi tại vua chúa, vì chức năng của đàn bà là sinh con đẻ cái, không phải để đánh giặc! Giặc đã đến nhà rồi thì còn gì nữa, nó đốt phá giết chóc, cướp bóc tha hồ! Nếu nước mạnh thì phải đánh giặc khi nó mới lấp ló ở biên cương kia!
Đọc những câu ngạn ngữ như thế, chúng ta thấy thương người phụ nữ Việt Nam quá! Thấy đau cho dân tộc Việt Nam quá! Thấy bà mẹ Việt Nam trong lịch sử ngàn đời của đất nước vĩ đại quá, vừa làm lụng, vừa nuôi con và đánh giặc. Còn có phụ nữ nào trên trái đất này gian truân như các bà mẹ Việt Nam .
Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một vị tướng ở Hà Nội đã nói với người viết bài này rằng: Không phải chỉ có Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... là anh hùng, mà tất cả các chiến sĩ Điện Biên Phủ đều là anh hùng, vì họ đã xung trận mà không tiếc xương máu!
Nhưng sau trận đánh “không tiếc xương máu” đó, là đấu tranh giai cấp, là cải cách ruộng đất, là cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, là đấu tố Nhân văn Giai phẩm... từ đó đất nước là của Đảng, của Chủ nghĩa Xã hội. Cái CNXH phải xếp hàng cả ngày ấy, bắt nhân dân “Yêu nước là yêu CNXH” thì nhân dân lảng tránh!
Ngày xưa vua chúa dạy dân “Trung quân ái quốc”. Vua ở trên nước. Nay khẩu hiệu của Cụ Hồ: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân” người ta đổi là: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, thì dân hiểu ngay nước bây giờ là của Đảng! Cơ quan công an còn trưng khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” thì sự trắng trợn đã lên đến tột đỉnh! Đảng đã thành vua, dân là đầy tớ cho Đảng! Đất nước lại suy vi! Sau năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Công cuộc đổi mới, mở cửa để Đảng tự cứu lấy mình đó, mở đầu bằng cải cách kinh tế. Đất nước như người bệnh được hồi sức. Nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dẫn đất nước đến tình trạng tiền maphia. Đất nước không còn là của nhân dân nữa. Đất nước bây giờ là của các nhóm lợi ích, của Tập đoàn Than và Khoáng sản để dẫn người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, của Tập đoàn Vinashin ném hàng núi tiền của dân xuống biển, của dự án đường sắt cao tốc toan bắt dân khoác lấy cả một hàng núi nợ nần... Trong lúc các bệnh viện hai, ba cháu thiếu nhi phải nằm một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất mà ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khoa tay, lớn tiếng trên diễn đàn Quốc hội rằng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” thì nhân dân biết rõ, đất nước này không phải là của mình nữa rồi. Vì thế, mạnh ai người ấy sống, mọi chính sách của Nhà nước họ bỏ ngoài tai. Vì thế người người trốn thuế, nhà nhà trốn thuế. Đến nỗi nhà xã hội học Nguyễn Trần Bạt phải đau xót thốt lên rằng, trốn thuế là “sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam!”. Ở các nước văn minh, trốn thuế là một tội rất lớn, cầm chắc ra tòa và ngồi tù. Ở nước ta, lần đầu tiên có một người phải ra tòa vì tội trốn thuế là anh Điếu Cày! Khi xử anh, công an gác bốn bề, khiến nhiều người rất ngạc nhiên! Vì tội chính của anh là “tội” biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa! Vì tội chính của anh là “tội” yêu nước Việt Nam của mình! Lịch sử Việt Nam bây giờ lại có “tội danh yêu nước”!
Năm 2001, tôi có hỏi một thanh niên Pháp ở Paris rằng, vì sao một năm nay anh không về quê thăm bố mẹ? Anh ta trả lời rất tự tin: Tôi mải làm ăn, và tôi đóng thuế rất đầy đủ cho Chính phủ, như thế là tôi có hiếu với cha mẹ tôi, tôi đã làm đầy đủ bổn phận của một người con!
Ở các nước dân chủ, người ta biết rằng, tiền thuế của mình đóng cho nhà nước thì quỹ phúc lợi xã hội sẽ chăm sóc người già yếu bệnh tật, chăm sóc cho chính gia đình, cho bố mẹ họ, nên họ không trốn thuế. Ở các nước đó, đóng thuế là biểu hiện rõ rệt nhất của lòng yêu nước.
Vậy dân ta trốn thuế thì phải nghĩ thế nào đây? Ai làm nên nông nỗi này với một dân tộc đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ mở đường cho các dân tộc nô lệ vùng lên, chấm dứt một thời đại các dân tộc nhược tiểu còn bị nô dịch ở cuối thế kỷ XX. Đau xót quá! Chính vì biết rõ đất nước không phải của mình nên nhân dân lao động lầm lũi đi tìm con đường sống cho mình ở khắp nơi, kể cả đi lấy chồng, đi làm ô-sin ở ngoại quốc. Chỉ vì biết đất nước không phải của mình nên một số người tìm cách luồn lách, tìm một chỗ yên thân, thậm chí đi định cư ở nước ngoài. Nhưng khi “mất nước trong lòng”, khi nền “độc lập chẳng còn ý nghĩa gì” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!”) thì hạnh phúc của người Việt Nam không bao giờ trọn vẹn, nếu không muốn nói là bi kịch truyền kiếp! Tôi có một anh bạn, có con định cư và nhập quốc tịch nước sở tại. Anh tâm sự với tôi: “Con tôi làm công cho một công ty nước ngoài, phải nhập quốc tịch nước đó để đi lại khắp nơi cho dễ, thế thôi. Chứ nó buồn lắm, và rất muốn về làm ăn tại quê nhà. Tôi cũng mong nó về lắm, và tôi chắc thế nào nó cũng đưa vợ con về nước.” Tôi có một ông bạn vong niên rất thân là nhà báo lão thành Trần Minh Tân ở báo Nhân dân. Ông quê ở Hải Dương, đậu Tú tài toàn phần trước 1945. Ông chỉ có một thằng con trai định cư ở Úc. Vì thế ông đã quyết định dọn cả bàn thờ tổ tiên sang Úc. Rồi vợ ông cũng sang Úc đoàn tụ, ông quyết chết ở bên đó. Nhưng rồi ông lại về nước sống một mình tại Hà Nội. Tôi đến thăm ông, tự tay ông lọ mọ nấu ăn. Lúc ngồi vào mâm cơm dọn ở đầu hè, ông vừa so đũa vừa kể: “Tao đã định chết ở bên đó. Nhưng một hôm tao đang ngồi trong vườn biệt thự của thằng con, bỗng dưng một đàn bồ câu ở đâu sà xuống sân kiếm ăn. Nhìn đàn chim kiếm ăn trong sân tao nhớ nhà quá, nhớ nước quá, thế là đành bỏ vợ con lại, về nước.” Hớp một hớp rượu, rồi mắt ông bỗng rưng rưng, tay vỗ xuống chiếu than với tôi: “Mình không phải là Cụ Hồ mà cũng yêu nước, nên mới khổ thế này!”. Tôi chưa bao giờ thấy ai than thân trách phận một cách xót xa mà lại humour đến thế! Cụ Hồ mà nghe được câu than này, chắc Cụ cũng ngậm cười nơi chín suối!
Ít lâu sau ông lại vô TP HCM thăm cô con gái đầu lòng, rồi đến chào từ biệt vợ chồng tôi để lại sang Úc với thằng con trai. Ông nói: “Vĩnh biệt vợ chồng cậu, mình đành gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người vậy thôi!”. Nói rồi ông già rưng rưng nước mắt.
Bẵng đi một thời gian tôi không có tin tức gì về ông. Tháng Tư vừa rồi, tôi đang ngủ gật trong phòng đợi tại sân bay Nội Bài để về TP HCM, bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ vào bụng tôi. Mở mắt ra thì là anh Tạ Quang Ngọc, con trai cụ Tạ Quang Đạm ở báo Nhân dân. Cụ Đạm xưa kia là bạn thân với bác Minh Tân, cũng là bạn vong niên với tôi. Anh Ngọc kéo tôi vào phòng VIP uống trà rồi nói: “Đã biết tin ông Minh Tân mất chưa?”. Tôi sửng sốt: “Mất ở bên Úc à?!”. Anh Ngọc kể: Lúc lâm chung, cụ Tân nhất định đòi về chết tại Việt Nam. Cụ bảo con trai: “Ở bên này chúng nó đều nói tiếng Anh, tao chết xuống âm phủ không ai nói tiếng Việt với tao cả, buồn lắm, cho tao về quê chết, để còn được trò chuyện với bạn bè!”. Thằng con thương bố nên đã đem cụ về Việt Nam để chết! Nghe đến đây tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong lịch sử nước nhà. Lê Chiêu Thống là một tên vua bán nước, theo quân xâm lược chạy về bên Tàu. Nhưng trước lúc chết còn dặn gia nhân rằng, khi nào có điều kiện thì bốc hài cốt của ông về đất Việt. Riêng chi tiết này, người đời sau có thể ngậm ngùi cho ông vua lỡ bước!
Thì ra lòng yêu nước của thần dân nước Việt chúng ta nó nhiều cung bậc, nhiều gam màu đến như thế. Nó sâu thẳm vô bờ! Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước nạn ngoại xâm biển đảo, nạn thâm nhập đất liền, mà nhân dân lại thấy đất nước càng ngày càng không phải là của mình thì hiểm nguy cho dân tộc khôn lường!
Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước, nhân dân hiểu đất nước là của mình, tiền đóng thuế của dân không phải để rót vào con thuyền không bến Vinashin, không phải để làm đường sắt cao tốc cho ông Nguyễn Sinh Hùng và phe nhóm ông, không phải để mở rộng Thủ đô một cách vô lý và láo xược... thì nhân dân và nhà cầm quyền mới thành một khối, lòng yêu nước của nhân dân sẽ thăng hoa trở lại và không một kẻ thù nào có thể “đến nhà” chúng ta được. Người Việt chỉ biết có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Cụ Hồ năm 1945. Cái XHCN làm cho dân xa nước, nước không phải của dân, nước của một chủ nghĩa đã bị nhân loại ruồng bỏ, ném vào sọt rác lịch sử thì bỏ hẳn nó đi, đừng gắn nó vào hai chữ Việt Nam thiêng liêng của dân tộc nữa, chỉ làm cho nhân dân thêm đau buồn và phẫn nộ, chỉ làm cho thế giới người ta cười cho. Đến nước Tàu cũng đâu có gắn XHCN vào tên nước. Nước người ta là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kia mà! Hồn thiêng sông núi bốn nghìn năm sẽ phù hộ cho dân tộc ta trên mỗi bước đường để vượt qua cơn hiểm nghèo này. Việt Nam dân chủ sẽ tồn tại và hùng cường! Tôi tin là tuyệt đại đa số nhân dân và đảng viên cộng sản Việt Nam đều khát vọng như thế. Đó là điều nhiều đêm tôi không ngủ để suy nghĩ về đất nước tươi đẹp và đau khổ của mình./.
TP HCM 9/2010
L.P.K.

Văn hóa lâm nguy

Mặc Lâm, Phóng viên RFA
clip_image001  
Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Photo courtesy of thethaovanhoa.vn
 
Gần đây, Trung Quốc có chiến lược giúp đỡ các nước đang phát triển bằng nhiều cách, như xây dựng các nhà máy, phát triển ngành nông nghiệp hay cho vay ưu đãi... thế giới gọi đó là quyền lực mềm.
Tấn công thầm lặng
Bên cạnh đó Trung quốc cũng không quên tấn công một cách thầm lặng những quốc gia có hàng rào bảo vệ nền văn hóa của mình một cách yếu kém bằng nhiều cách, để dần dần nước bị tấn công không còn giữ được bản sắc văn hóa một cách nguyên vẹn nữa.
Trên trang báo Hoàn Cầu bằng Anh ngữ, Bắc Kinh xác định Việt Nam khi xưa thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc: "Khi xưa tỉnh này là vùng nằm xa trung tâm nền văn minh cổ của Trung Quốc nằm trong Bắc bình nguyên. Quảng Đông khi ấy là nơi tập trung dân Bách Việt, và Bách Việt chính là Đồng Choang, họ hàng với các sắc tộc Choang tại Quảng Tây ngày nay".
Thông tin này lập tức bị các nhà sử học Việt Nam phản bác với các luận cứ hiển nhiên của lịch sử. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì vài tháng sau trên trang mạng Internet lại rộ lên hình ảnh của các đoàn dân sắc tộc thiểu số người Việt gốc Choang sang Quảng Tây dự lễ kỷ niệm của Mã Viện. Nhiều hình ảnh tôn sùng viên quan Tàu này khiến người Việt Nam hết sức bất bình. Những người Việt thiểu số này sau đó được biết thuộc sắc tộc Choang có liên hệ mật thiết với tỉnh Quảng Tây.
Hình ảnh Hai Bà Trưng trong những buổi tế lễ này thật đáng xấu hổ. Họ đã xem Hai Bà như những phụ nữ Việt Nam bình thường, và đáng trách hơn cả là những người thiểu số sắc tộc Choang này đặt vị trí Hai Bà xuống dưới Mã Viện, kẻ thù chung của dân tộc.
Kết hợp hai sự kiện này lại với nhau người ta không khó khăn gì để nhận ra rằng có một kế hoạch đã được phác thảo tỉ mỉ nhằm tẩy não dư luận quốc tế về chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang từng bước chứng minh phần đất Việt Nam từ xa xưa đã thuộc về họ. Mãi cho đến tận thế kỷ 21, vẫn có các con dân thuộc tộc người Choang tuy sinh sống trong phần đất Việt Nam vẫn hàng năm trở về nguồn cội tại Quảng Tây để tế lễ Mã Viện, một kẻ thù của Việt nam nhưng là người hùng của Bắc phương.
Hình ảnh Hai Bà Trưng trong những buổi tế lễ này thật đáng xấu hổ. Họ đã xem Hai Bà như những phụ nữ Việt Nam bình thường, và đáng trách hơn cả là những người thiểu số sắc tộc Choang này đặt vị trí Hai Bà xuống dưới Mã Viện, kẻ thù chung của dân tộc.
Vẫn biết những hình ảnh này không thể ngày một ngày hai làm cho lịch sử thay đổi, thế nhưng dưới âm mưu "mưa dầm thấm đất", Trung Quốc đã kiên trì tạo mọi vết nứt có thể được trong quá trình di dân từ Bắc xuống Nam để tạo những ngã rẽ có thể làm cho dư luận quốc tế lạc đường khi tham khảo tài liệu chứng thực những gì mà Bắc Kinh dựng nên.
Khi nhìn tấm gương Tây Tạng và Tân Cương, người Việt Nam không thể không lo lắng. Hai dân tộc này có tiếng nói, chữ viết, văn hóa và cương vực hoàn toàn khác Trung Hoa thời cổ đại cũng như Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng vì ở sát nách họ mà hai quốc gia này cam chịu mất nước.
Nỗi đau văn hóa
Bên ngoài thì như thế, còn bên trong Việt Nam thì sao? Chính bản thân người Việt và các cơ quan công quyền tự bảo vệ sự Hán hóa như thế nào?
clip_image002
Văn công VN đóng vai Hai Bà Trưng đang ngồi xem biểu diễn lân sư tại buổi Lễ tế Mã Viện tổ chức ở Đông Hưng hôm 21/3/2010. Photo courtesy of nghiathuc.wordpress.com
Trong đời sống hàng ngày của người dân, khi bật bất kỳ một kênh ti-vi nào của Truyền hình Việt Nam lên, cũng thấy là phim Trung Quốc chiếm đại đa số thời lượng phim. Những hình ảnh vua quan Trung hoa mọi thời đại xuất hiện hầu như hàng ngày, ăn sâu vào tiềm thức trẻ con Việt Nam khiến người lớn có cảm tưởng văn hóa hiện nay không còn là văn hóa Việt Nam nữa. Kiến trúc sư Trần Thanh Vân chia sẻ:
"Tôi cho là dứt khoát sẽ rất ảnh hưởng. Ngay trẻ em Việt Nam chúng nó hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam. Ngồi nói chuyện về Càn Long từng phim một thì chúng thuộc hơn là những phim về Việt Nam cho nên chuyện đó không thể tránh được. Trong khi bản thân cái nền văn hóa như thế, một bài báo của tôi có viết: Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phụ trách văn hóa chỉ là một cô thanh niên không có nghề nghiệp nhưng hăng hái hoạt động phong trào thanh niên, thế rồi được một vài người ưu ái đưa vào thành Phó Chủ tịch thành phố. Với trình độ như thế lại phụ trách một cái mảng rất quan trọng của thủ đô như thế thì cái việc sai lầm như chúng ta đang thấy là chuyện tất yếu thôi".
Hàng hóa tiêu dùng trong toàn xã hội từ cây đinh cho tới chiếc máy cày đều là sản phẩm Trung Quốc. Nhà nước vô tư treo tranh cổ động cho Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng sử dụng hình ảnh từ quân đội Tàu, tất cả những yếu tố này gộp lại vẽ nên một xã hội Việt Nam hôm nay không còn thuần Việt nữa. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam gọi những hình ảnh này là Nỗi đau văn hóa.
Rồi tiếp đến là việc tổ chức kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long. Tất cả mọi nguồn lực quốc gia từ hai năm nay đã được tập trung vào sự kiện lịch sử này. Không nói đến những tốn kém, bất cập mà báo chí lên tiếng trong thời gian qua, giới trí thức quan tâm nhất về ngày tổ chức lễ, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho biết trăn trở của bà như sau:
... để vực dậy một nền kinh tế tuy là khó, rất khó đấy nhưng sẽ không sao khó bằng vực dậy một nền văn hóa đang bị phôi pha, đang bị mai một. Vậy thì bây giờ 1000 năm Thăng Long là để làm gì?
GS Tương Lai
"Tôi chỉ thở dài nói rằng với cái ngày kỷ niệm ngàn năm ấy, thật ra thì cụ Lý Công Uẩn cụ ấy về Thăng Long rồi. Theo lịch sử thì như vậy cụ di hành qua Đại La vào mùa xuân năm 1010 và cụ chính thức về vào mùa thu, như vậy lúc này đã Trung thu rồi thì cụ đã về rồi nhưng để sang đến tháng 10, tức là đã đầu đông như vậy thì đã muộn rồi. Cho nên cụ đã về rồi, cụ ở bên cạnh chúng ta và thở dài rồi. Bây giờ làm thế nào để giữ được đất nước này, vớt vát lại từ ngày ấy thì tôi nghĩ rằng là một phấn đấu lớn. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất là đất nước này chứ còn những chuyện lặt vặt ấy nó đã thành cái bệnh dịch quá nặng nề tôi không muốn bàn nữa".
Theo chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, thì việc xây cất thành Thăng Long khởi sự vào tháng 7 (âm lịch) đầu thu năm Canh Tuất (1010), tương đương với ngày 10 tháng 8 dương lịch. Như thế Đại lễ kỷ niệm phải được mừng vào mồng 10 tháng 8 năm 2010. Thế nhưng chính phủ đã tự ý chọn thời điểm khai mạc Đại lễ vào ngày 1 tháng 10 là Quốc khánh của Trung Quốc và bế mạc vào ngày 10 tháng 10 cũng là Quốc khánh của Đài Loan.
Liệu việc chọn ngày sai lệch này có nằm trong chính sách 16 chữ vàng hay không thì dư luận không hề được nhà nước thông báo hay ít ra là làm rõ những thắc mắc chính đáng này.
Từ điều được gọi là “Nỗi đau văn hóa”, GS Tương Lai trăn trở về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long như sau:
"Tăng GDP thì rất mừng vì có thực mới vực được đạo, nhưng để vực dậy một nền kinh tế tuy là khó, rất khó đấy nhưng sẽ không sao khó bằng vực dậy một nền văn hóa đang bị phôi pha, đang bị mai một. Vậy thì bây giờ 1000 năm Thăng Long là để làm gì? Là để phục hưng dân tộc, và để phục hồi văn hóa dân tộc. Một dân tộc đã 1000 năm đứng hiên ngang bên bờ Biển Đông vì như tục ngữ có câu có cứng mới đứng đầu gió. Cái dân tộc ấy chưa bao giờ chịu khuất phục".
Trung Quốc hóa?
Có phải Ngàn năm Thăng Long là để phục hưng tinh thần dân tộc như mong ước của GS Tương Lai hay không thì còn chờ câu trả lời của ngày bước vào Đại lễ, thế nhưng hồi gần đây, bộ phim truyền hình nhiều tập: “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vừa tung ra mắt một video clip ngắn vài phút trên mạng đã làm dư luận nổi lên gay gắt chống đối, đến nỗi nhà nước phải hoãn lại chưa cho phép chiếu trên hệ thống truyền hình Việt Nam.
clip_image003
Hai Bà Trưng, bà Lê Chân, Thi Sách đang đọc Văn tế Mã Viện. Photo courtesy of nghiathucwordpress.com
Kịch bản bộ phim này được viết bởi ông Trịnh Văn Sơn, một người chưa từng biết viết kịch bản phim truyện là gì, để rồi sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa - tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng: Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính biên tập lại.
Theo báo chí mô tả thì điều đáng nói ở đây toàn bộ ê kíp làm phim từ lớn tới nhỏ đều là người Trung Quốc. Từ đạo diễn Cận Đức Mậu và đạo diễn Triệu Lôi tới các chuyên gia hóa trang cũng là người Trung Quốc; trường quay Hoành Điếm cũng tại Trung Quốc. Gần 700 bộ trang phục cổ được người Trung Quốc bao thầu; thậm chí diễn viên đóng thế và hàng trăm diễn viên quần chúng cũng đều là người Trung Quốc...
Tất cả đều là Trung Quốc nhưng khán giả là người Việt Nam, xem bộ phim lịch sử Việt Nam thì bộ phim này đúng là “phim lạ”.
GS Tương Lai nhận xét về điều này như sau:
"Nếu như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với biết bao nhiêu tiền của đổ vào đấy mà đưa lên trình chiếu một bộ phim lai căng theo Tàu thì nó còn nghĩa lý gì nữa? Đây là nỗi đau văn hóa và nói cách khác đây là sự xuống cấp của văn hóa. Qua cái sự kiện phim Lý Công Uẩn này cũng như biết bao sự kiện khác thì cái nỗi lo lắng của tôi mà không phải bây giờ ông hỏi tôi mới nói mà tôi đã viết từ rất lâu: Cái nỗi đau văn hóa này mới đáng sợ. Đối với tôi cái khẩu hiệu Tổ quốc lâm nguy cũng không có gì quan trọng hơn như cái khẩu hiệu: “Hỡi công dân, văn hóa đang lâm nguy”.
Không phải ai cũng chống bộ phim này với ý thức tinh thần dân tộc. Theo bản tin VTC ghi nhận thì nhiều diễn viên Việt Nam sau khi hoàn thành xong vai diễn đã trở về nhà với sự trầm trồ, thán phục trước công nghệ làm phim dã sử chuyên nghiệp của nước bạn.
Nếu như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với biết bao nhiêu tiền của đổ vào đấy mà đưa lên trình chiếu một bộ phim lai căng theo Tàu thì nó còn nghĩa lý gì nữa? Đây là nỗi đau văn hóa và nói cách khác đây là sự xuống cấp của văn hóa.
GS Tương Lai
Bản tin cũng ghi nhận ý kiến phản hồi từ sự chống đối của khán giả về bộ phim này từ các diễn viên của bộ phim. Có diễn viên khẳng định rằng “Có thể một bộ phận khán giả Việt Nam không thích phim lịch sử Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc, nhưng có một sự thật rõ ràng, cùng một bộ phim lịch sử ấy nếu làm ở Việt Nam chắc chắn sẽ không hoành tráng, không đẹp, không tốt như khi chúng ta thực hiện trong điều kiện ở Trung Quốc”.
Tiếc rằng cái hoành tráng, cái đẹp, cái tốt ấy cũng chỉ là sản phẩm của Trung Quốc chứ nào dính líu gì đến lịch sử Việt Nam? Bỏ ra 10 triệu đô la để mua một bộ phim có vấn đề như vậy thì Nhà nước nên xây một bệnh viện mang tên Đức Thái Tổ. Trong tình cảnh các bệnh viện quá tải, dân khổ sở vì dịch vụ y tế như hiện nay, đây là giải pháp vừa thiết thực vừa ý nghĩa nhất.
Và quan trọng hơn cả, thái độ này sẽ đánh tan mối nghi ngờ rằng nhà nước đang làm ngơ trước sự xâm lăng văn hóa từ phương Bắc.
M. L.
Nguồn: RFA

No comments:

Post a Comment