Saturday, September 4, 2010

Trung Quốc sẽ khủng hoảng địa ốc

Ngô Nhân Dụng ---  www.nguoi-viet.com
Công nhân Trung Quốc làm việc tại một công trình xây dựng ở Hefei, tỉnh An Huy, miền Trung Trung Quốc. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Bây giờ nhớ lại cơn sốt nhà cửa lên giá ở California trong mấy năm trước 2008, nhiều người vẫn rùng mình. Hồi đó mỗi năm giá nhà có thể tăng lên đến 20% ở nhiều khu vực, trong 5 năm giá lên hơn gấp đôi. Nhiều người đi mua nhà để tính bán lại kiếm lời tức thì, không cuộc đầu tư nào lợi bằng. Phần lớn tin tưởng một cách ngây thơ là giá nhà chỉ có lên, vĩnh viễn không thể nào xuống được. Nhiều người khôn hơn, biết là giá lên quá nhanh thế nào cũng sẽ xuống “tàn bạo,” nhưng vẫn lạc quan tin chắc chắn có nhiều kẻ còn liều lĩnh hơn hoặc dại dột hơn mình, lúc mình bán vẫn có người mua. Khi giá sập, bao nhiêu người vỡ nợ.
Nhớ lại tình trạng cũ ở Mỹ rồi ngó xem thị trường địa ốc bên Tầu, người ta không những rùng mình mà có thể “rợn tóc gáy!”
Muốn so sánh với tình trạng ở Mỹ dăm năm trước đây, chỉ cần biết giá các căn hộ trong chung cư (apartment) ở những thành phố lớn bên Trung Quốc đã tăng với tỷ lệ 20% MỘT THÁNG! Tháng 6 vừa qua, Giáo Sư Lý Ðạo Quỳ (Li Daokui) trả lời một cuộc phỏng vấn ở Nhật Bản đã tiên đoán mối rủi ro về địa ốc ở Trung Quốc đang trầm trọng hơn tình trạng ở Anh Quốc và Mỹ trước cơn khủng hoảng năm 2008. Vị giáo sư Ðại Học Thanh Hoa (Tsinghua) là một thành viên trong hội đồng tiền tệ của Ngân Hàng Nhà Nước, nói rằng Trung Quốc không phải sẽ chỉ đối đầu với một vụ bong bóng phồng to bùng nổ mà còn có những hậu quả xã hội nữa. Một vụ bể vỡ quả bong bóng địa ốc sẽ có hậu quả chính trị, “Nhất là đối với giới trẻ, họ đang thăng tiến nhưng bị chặn lại không bước vào được thị trường địa ốc.”
Trong ba tháng đầu năm 2010, giá các căn hộ chung cư, người mình gọi là “áp” tăng lên gần 70% so với cùng thời kỳ năm trước. Trong quý thứ nhì giá lại tăng hơn 12% so với quý thứ nhất. Từ tháng 7, năm 2010 giá địa ốc không tăng nhanh như trước nữa, nhưng vẫn tăng. Và những người mua nhà hoặc đang làm chủ các căn hộ trong chúng cư vẫn chưa tin rằng quả bong bóng địa ốc sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. Vì họ tin ở số mệnh, hoặc tin rằng chính phủ sẽ không bao giờ để cho giá xuống. Ðây là niềm tin có căn cứ, vì nhà nước thường vẫn đem công quỹ can thiệp vào thị trường để tránh bất ổn xã hội. Nhưng mỗi lần can thiệp như vậy là đem tài nguyên chung của quốc gia đổ vào những cái thùng không đáy, phí phạm bao công sức lao động mà người dân tạo ra rồi đóng thuế.
Cơn sốt nhà cửa diễn ra theo trình tự thế này: Tiền công quỹ được đưa cho các ngân hàng do nhà nước quản lý, các ngân hàng đem cho những công ty xây cất vay. Khi nào xây xong một khu cao ốc lại có người đặt mua liền, thì họ cứ việc xây tiếp. Ðối với chính quyền thì đó là một chính sách để “kích thích” kinh tế. Họ cần tạo công việc làm cho các công nhân dư thừa, nhất là đám nông dân đang lên các thành phố tìm việc làm. Có hơn 100 triệu “di dân nội địa” lêu bêu như vậy, không thể để họ thất nghiệp dài dài!
Một hậu quả là khi đi qua các thành phố lớn ban đêm, các du khách thấy nhiều căn áp trong các cao ốc tối om, ở ngoại ô nhiều cao ốc hoàn toàn không người ở. Trong tháng trước người ta biết khoảng 65 triệu áp ở các thành phố không hề dùng tới điện trong 6 tháng liền, tức là đã bỏ trống không người ở suốt nửa năm. Cứ 4 áp ở các thành phố lớn lại có một căn áp bỏ trống, tính ra đủ chỗ chứa 200 triệu người! Ðó là những căn hộ do các tay đầu cơ làm chủ, mua chỉ để chờ ngày bán lại. Không riêng gì cá nhân, mà nhiều công ty quốc doanh có tiền cũng đem mua nhà để “đầu tư” vì không biết dùng vào việc gì! Tổng số các căn hộ bỏ trống ở bên Tầu trị giá khoảng 750 tỷ Mỹ kim, bằng 15% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa.
Hiện các ngân hàng thương mại khi cho vay để xây nhà hay mua nhà đều tính lãi suất theo dự trù là 60% các món nợ sẽ không trả được. Cũng các ngân hàng này đang tiên đoán 20% những món nợ cho các cấp chính quyền địa phương vay để mua xe hơi sẽ không trả được. Tổng số tiền cho vay về xe cộ này lên tới 7 ngàn 7 trăm tỷ đồng nhân dân tệ, tức là hơn 1.1 ngàn tỷ Mỹ kim! Tưởng tượng có 220 tỷ đô la tiền nợ sẽ tan ra mây khói để các quan chức địa phương mua xe. Bao nhiêu tiền của dân bị nhà nước đem tiêu phí như vậy!
Trong khi đó, các nhà xây cấy vẫn tiếp tục đầu tư! Giang Tân (Zhang Xin), 44 tuổi, vốn làm thợ trong các xưởng may, đã trở nên một tỷ phú nhờ quay sang xây nhà. Cô đã ký nhiều hợp đồng xây cất tại Bắc Kinh và Thượng Hải đang sắp xây cất, trị giá vài trăm triệu Mỹ kim. Cô trả lời nhật báo Nam Trung Bưu Báo Buổi Sáng (South China Morning Post) ở Hồng Kông là cô không thấy dấu hiệu nào là sẽ có vụ giá nhà sẽ sụp đổ! Vay được tiền lãi suất thấp thì cứ việc xây. Nếu vỡ nợ thì các ngân hàng nhà nước chịu thiệt. Các cấp chính quyền địa phương cũng đi xây thêm cao ốc, sắp xây khoảng 20 tới 30 triệu căn áp, so với con số 20 triệu do các công ty xây dựng lên; đồng thời các xí nghiệp sản xuất cũng xây thêm chúng cư cho công nhân. Số cung cứ thế tăng lên, dù chưa trông thấy số cầu đâu.
Tháng 4 năm nay, trước cảnh đầu tư nhiều quá trớn, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh các ngân hàng của nhà nước giảm bớt số tiền cho vay vào việc xây dựng. Trong tháng 6, hội đồng chính phủ chuẩn y đánh một thứ thuế gia cư, lần thứ nhất ở Trung Quốc, đó cũng là một biện pháp để làm nguội bớt thị trường địa ốc. Quyết định này làm cho thị trường chứng khoán sụt giảm ngay 2.4%. Nhưng các người đầu cơ địa ốc vẫn tin rằng chính phủ sẽ không thi hành việc kiềm chế ngân hàng một cách gắt gao. Và chắc lệnh cấm đó sẽ được rút lại dần dần, để kinh tế tiếp tục gia tăng với tỷ lệ trên dưới 10% một năm. Chính ông Ôn Gia Bảo mới nói là các nước đều cần tiếp tục kích thích kinh tế! Mức độ phát triển này đạt được phần lớn là nhờ đầu tư vào các tích sản cố định: nhà cửa, đường sá, phi trường, vân vân, cùng với thị trường xuất cảng; nhưng chỉ có một phần nhỏ dựa vào dân chúng gia tăng tiêu thụ. Ðó là một nhược điểm lớn của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng các nhà đầu tư địa ốc Trung Hoa có thể sẽ bị thất vọng. Chính phủ Bắc Kinh sẽ khó thả lỏng cho nền kinh tế tiếp tục gia tăng bằng những vụ đầu tư không mang lại hiệu quả nào ngoài việc tạo công việc làm ngắn hạn. Lệnh giảm bớt số tiền ngân hàng cho vay có thể được thi hành một cách gắt gao hơn. Niềm tin của giới đầu cơ vào sự can thiệp của nhà nước cũng không có căn cứ vững chắc. Như Andy Xie, một nhà kinh tế từng làm cho ngân hàng Mỹ nhận xét: Thị trường vẫn lớn mạnh hơn nhà nước. Nhà nước có thể làm trì hoãn ảnh hưởng của luật cung cầu, nhưng không thể viết lại luật cung cầu được. Sớm hay muộn, khi cung quá lớn và cầu quá nhỏ, tình trạng mất thăng bằng sẽ phải được thị trường tính sổ, khi đó giá nhà sẽ sập đổ, như bất cứ thị trường nào ở bất cứ đâu.
Lý do quan trọng nhất là lợi tức của đa số dân lao động không tăng, hoặc không tăng lên kịp so với giá nhà. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc (GDP) gia tăng với tốc độ ngoạn mục 9% đến 10% mỗi năm, giới lao động luôn luôn chịu thiệt thòi, không được chia phần xứng đáng trong nồi cơm kinh tế quốc gia. Trong 10 năm từ 1995 đến 2004 chẳng hạn, lương bổng công nhân trong các xí nghiệp lớn đã tăng lên được 3 lần, nhưng năng suất của người lao động thực sự đã tăng lên gấp 5 lần; đó là một lý do giúp các xí nghiệp có lời mau còn người dân vẫn chưa tăng số tiêu thụ theo cùng một nhịp với GDP. Cho nên, trong tổng cộng sản lượng quốc gia, phần lương bổng trả cho người lao động đã giảm xuống; từ tỷ số 61% của GDP vào năm 1990, chỉ còn 53% vào năm 2007 (So với ở Mỹ, tổng số lương bổng chiếm 67% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa).
Vì lương bổng không tăng cùng nhịp với cả nền kinh tế, nhiều người lao động không thể mua nhà. Ký giả Gordon G. Chang viết trên tạp chí Forbes kể chuyện đi taxi ở thành phố Thẩm Quyến đầu tháng 8 năm nay, nghe anh tài xế tâm sự: “Dù tôi cố nhịn ăn suốt 50 năm cũng không đủ tiền mua một căn hộ trong chung cư ở thành phố này!” Anh tài xế kiếm mỗi tháng 4,000 nhân dân tệ (khoảng 600 đô la Mỹ) nhưng một căn áp cho hai vợ chồng và 2 đứa con anh phải tốn đến một triệu, gấp 250 lần lợi tức một tháng.
Ðúng như Giáo Sư Lý Ðạo Quỳ suy luận, khi cơn khủng hoảng địa ốc xẩy ra, hậu quả sẽ là biến động xã hội. Hiện nay giới lao động Trung Quốc đang bắt đầu “giác ngộ quyền lợi giai cấp” của họ. Theo một tuần báo, trong năm 2008 tòa án Trung Quốc đã phải xử 280,000 vụ tranh chấp về quyền lợi lao động; và trong nửa đầu năm 2009 số các vụ kiện tụng đó đã tăng thêm 30% so với năm trước. Nhật báo China Daily, bản tiếng Anh của nhật báo Nhân Dân, Bắc Kinh, công nhận trong 48 ngày, từ 25 tháng 4 đến 12 tháng 7 năm 2010, riêng tỉnh Quảng Ðông có 36 cuộc đình công. Ðây là một đề tài sẽ được đề cập trong một bài sau.
Trước mối lo đó, khi quả bóng địa ốc xì hơi chính quyền Bắc Kinh chắc chắn sẽ can thiệp bằng cách bỏ tiền ra giúp các nhà đầu cơ địa ốc, cũng như chính phủ Mỹ đã bảo vệ các ngân hàng và công ty xe hơi. Nhưng các ngân hàng Mỹ và hãng General Motors đã bắt đầu sinh lợi và sắp trả lại nợ cho công quỹ, cộng với tiền lãi. Còn tiền trợ giúp các nhà đầu cơ địa ốc ở Trung Quốc, thí dụ bằng cách mua lại các căn hộ để bán chịu cho các công chức, cán bộ, sẽ hoàn toàn tan vào không gian! Chỉ có người dân đóng thuế ở Trung Quốc, đặc biệt là giới lao động, sẽ chịu thiệt thòi. Họ chịu nhịn nhục cho đến bao giờ? Ðiều này khó tiên đoán được, nhưng theo Karl Marx thì phải có ngày họ sẽ “giác ngộ quyền lợi giai cấp!” Lúc đó sẽ có người hát: Vùng lên hỡi những nô lệ...


Kinh tế Trung Quốc thiếu quân bình, tạo bất công

Ngô Nhân Dụng

Hạ tuần tháng 8, 2010, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm Ðặng Tiểu Bình ở thành phố Thẩm Quyến, một nơi phát xuất cuộc cải cách kinh tế. Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc cần phải cải tổ chính trị, nếu không thì những thành quả kinh tế đã đạt được sẽ bị mất.
Một nhóm 15 nhà trí thức đã họp tại Bắc Kinh để thảo luận về ý nghĩa lời tuyên bố trên. Người tổ chức cuộc họp mặt là Cù Vệ Bình, một thi sĩ 54 tuổi, giáo sư Học Viện Phim Ảnh Bắc Kinh, đã từng bị cấm không được sang Mỹ thuyết trình ở Ðại Học Havard đầu năm nay. Cô cho biết hầu hết các nhà trí thức rất hào hứng về lời tuyên bố, nhưng họ không tin ông Ôn Gia Bảo nói vậy có nghĩa là đảng cộng sản Trung Hoa sẽ thay đổi thật. Các nhà trí thức đang bàn luận với nhau thì nhà bị cúp điện, phải giải tán. Ngoài cửa có 2 công an đứng lảng vảng. Không khác gì cảnh ở Việt Nam!
Nhưng nếu Trung Quốc không cải tổ chính trị thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, đó là điều ông Ôn Gia Bảo cũng biết. Nhiều nhà kinh tế đã báo trước như vậy, mặc dù hiện nay các tin tức đều có vẻ ngoạn mục.
Giữa tháng 8, 2010, Tài Chánh Thời Báo ở Anh Quốc (Financial Times) loan tin: “Trung Quốc qua mặt Nhật Bản!” Có gần 1,550 tờ báo khắp thế giới đăng tin này.
Tổng Sản Lượng Nội Ðịa Trung Quốc trong quý thứ nhì đã lên trên 1.34 ngàn tỷ đô la Mỹ, cao hơn Nhật Bản, chỉ có 1.29 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm địa vị của Nhật, vẫn đứng hàng thứ hai sau kinh tế Hoa Kỳ trong 43 năm qua. Có nhà báo coi đây là biến cố lớn nhất trong lịch sử năm 2010.
Thực ra thì sức sản xuất của hơn 1 tỷ 300 triệu người Trung Hoa đã qua mặt 127 triệu người Nhật từ 10 năm trước đây, nếu không tính Tổng Sản Lượng Nội Ðịa bằng đô la dựa trên hối suất chính thức, mà tính theo phương pháp PPP, so sánh khả năng mua hàng (mãi lực) dựa vào giá cả trong nước Tầu thấp hơn ở nước ngoài. Nếu tính theo phương pháp mãi lực PPP thì GDP của Trung Quốc tương đương với gần 9 ngàn tỷ đô la.
Với những tin tức như trên, báo chí khắp nơi say sưa bàn tán cảnh nước Trung Hoa đang vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế cạnh tranh với Mỹ, sẽ có ngày vượt Mỹ. Tuy nhiên, người Việt Nam, nhất là quý vị đang sống trong nước, nên bình tĩnh nhìn lại kỹ hơn, sẽ bớt sợ! Năm ngoái, nhật báo China Daily, ấn bản tiếng Anh của báo Nhân Dân, đã thăm dò ý kiến độc giả, họ cho thấy 91% người Trung Hoa không tin các con số thống kê về Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của chính phủ họ (China Daily nói thêm, năm 2007 chỉ có 79% dân chúng nghi ngờ thôi). Tờ báo cũng tiết lộ khi làm tính cộng các báo cáo về sản lượng nội địa của 31 tỉnh và thành phố thì thấy tổng số này lớn hơn 10% so với Tổng Sản Lượng Nội Ðịa toàn quốc mà chính phủ trung ương báo cáo. Giả thử GDP của nước Trung Hoa là 5,000 tỷ đô la thì Lợi Tức Bình Quân cũng chỉ khoảng 3,800 đô la mỗi đầu người - so với 48,000 đô la cho mỗi người dân Mỹ. Nếu cứ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10% (một điều khó xẩy ra) thì cũng phải mất nửa thế kỷ nữa lợi tức của mỗi người Trung Hoa mới đuổi kịp người Mỹ, trong lúc đó thì lợi tức bình quân dân Mỹ lại tăng lên nữa rồi.
Nhưng các con số trên đây không phải là lý do khiến người ta bi quan khi phân tích nền kinh tế Trung Quốc. Nhìn kỹ sẽ thấy kinh tế Trung Quốc có những nhược điểm có thể gọi là “bệnh nan y” nếu không chữa trị sẽ có ngày cảnh phồn vinh tan như bong bóng. Biết rõ hơn về hiện trạng và tương lai của sự phát triển tại Trung Quốc trong bối cảnh thế giới, người ta sẽ “hạ hỏa,” bớt say sưa ngây ngất và cũng bớt hốt hoảng.
Không có gì phải lo hoảng trước nước Trung Hoa vĩ đại như báo chí và các đài truyền hình đang làm cho người ta hiểu lầm. Nói như vậy không phải vì chúng ta thù ghét hay coi thường người Trung Hoa ở lục địa. Họ có tiềm năng lớn, tương lai đầy triển vọng, rất đáng kính trọng. Nhưng sự phát triển của họ bị giới hạn vì những nhược điểm từ trong cơ cấu. Tất nhiên trước khi nói đến những nhược điểm của nền kinh tế Trung Quốc, hãy công nhận một điều là họ vẫn tiến bộ hơn Việt Nam rất nhiều. Tìm hiểu các phần yếu kém của họ, chính là rút kinh nghiệm để thấy rõ những sơ hở mà nước ta cần tránh. Bởi vì dù Trung Hoa không tiến mạnh thật như bề ngoài trông thấy, thì họ cũng vẫn tiến hơn Việt Nam. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh có học và chịu học hơn, hiểu các vấn đề kinh tế hơn, có làm việc nhiều hơn giới lãnh đạo cộng sản ở nước ta. Những nhược điểm của họ là do họ cần bảo vệ quyền lợi của giai cấp lãnh đạo, cho nên không muốn đổi mới nhanh và rộng hơn, chứ không phải vì họ không biết.
Một trong những nhà phân tích về Trung Quốc tỉnh táo nhất là Minxin Pei, tên đọc theo lối Việt Nam là Bùi Mẫn Hân. Ông xuất thân từ Ðại Học Thượng Hải và Havard, làm việc cho Viện Carnegie Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế ở Mỹ. Một kết luận mà Giáo Sư Bùi Mẫn Hân đã nhắc đi nhắc lại từ mấy năm nay là kinh tế Trung Quốc lớn lên nhanh thật nhưng không bền vững. Ông nói thẳng: Cảnh suy thoái nặng nề sẽ xẩy ra. Sau đây xin tóm tắt một số điều ông Bùi Mẫn Hân đã nói hoặc viết trên nhiều diễn đàn quốc tế từ mấy năm nay, đặc biệt trong cuốn sách China's Trapped Transition...
Những yếu tố giúp kinh tế Trung Hoa phát triển không còn được như trước nữa, nếu không thay đổi cơ cấu nhiều hơn.
Bốn yếu tố chính giúp cho sự phát triển ngoạn mục của hơn một tỷ người Trung Hoa là: Thứ nhất việc cải tổ đã giải phóng các “lực lượng sản xuất” vẫn bị chế độ cộng sản bó chặt trong ba chục năm trước đó. Khi người dân được tự do hơn thì họ chắc chắn tăng gia sản xuất. Thứ nhì là Trung Quốc được hội nhập vào thế giới trong lúc kinh tế các nước đang toàn cầu hóa, đem lại cho họ nhiều mối lợi nhờ xuất cảng. Thứ ba là giá nhân công rẻ vì dân quá đông và thừa thãi vì chưa được sử dụng đúng, cho nên hàng hóa của họ dễ cạnh tranh trên thế giới. Và sau cùng là tỷ lệ tiết kiệm trong nước rất cao, vì đảng cộng sản theo chính sách ép buộc dân chúng phải chịu nhịn, không được tiêu thụ.
Trong 4 điều trên đây, theo Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, hai yếu tố sau cùng đang mất đi dần dần và khó lòng duy trì được. Thành phần dân số Trung Hoa đang thay đổi, số người già tăng lên, số người trong tuổi lao động giảm; trong tình trạng đó giới lao động đang đòi tăng lương để được chia phần xứng đáng trong nồi cơm kinh tế cả nước. Họ sẽ bớt tiết kiệm đi, khi được bước vào lối sống của giai cấp trung lưu.
Trong khi đó, yếu tố đầu tiên đưa đến thành công là chính sách cởi trói kinh tế đã giảm hiệu lực vì đảng cộng sản không dám thay đổi nhiều hơn nữa. Họ lo sợ mất bớt quyền hành, như bất cứ chính quyền độc tài nào trên thế giới. Hiện trong số dưới 6 triệu đảng viên cộng sản Trung Hoa có hơn 500 ngàn người đang nắm các chức vụ quản đốc xí nghiệp lớn. Không còn đảng cộng sản thì địa vị của họ có thể lung lay. Chắc chắn họ muốn bảo vệ các quyền lợi đang được hưởng. Họ được hưởng lợi tức cao, vượt trên khả năng thực sự của họ nếu phải cạnh tranh trong một thị trường tự do. Do đó họ có khuynh hướng tự nhiên muốn giữ nguyên cơ cấu hiện tại, không thay đổi. Nhưng cơ cấu nửa thị trường nửa chỉ huy đó, sau khi vận dụng hết khả năng trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, sẽ bắt đầu hết hiệu năng, trở thành chướng ngại kìm hãm sự phát triển trong những bước tiếp theo.
Nhược điểm trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc hiện rõ trong tình trạng phát triển không quân bình. Trong một nền kinh tế bình thường, lợi tức chung của một quốc gia gồm nhiều thành phần: Phần dùng cho dân tiêu thụ; phần cho các xí nghiệp và chính quyền đầu tư; và phần để nhà nước chi tiêu vào những việc công ích. Hình ảnh kinh tế mất quân bình ở Trung Quốc ai cũng nhận thấy là kinh tế phát triển nhờ đầu tư quá nhiều vào tích sản cố định, phần dựa vào dân tiêu thụ thì quá thấp. Ðầu tư quá nhiều gây tình trạng dư thừa và phí phạm, như khi xây nhiều nhà mà người dân không được dùng vì lợi tức thấp quá. Kinh tế lệ thuộc vào xuất cảng, cho nên trong ba chục năm qua không mở mang được thị trường nội địa, người tiêu thụ phải nhịn thèm. Cũng vì thế, cơ cấu kinh tế Trung Quốc nghiêng hẳn về các hoạt động chế tạo và không mở mang các ngành dịch cho vụ tương xứng. Trong những nước tiến bộ, các hoạt động về dịch vụ vượt qua lãnh vực chế tạo rất xa. Ở những nước như Ấn Ðộ, Brazil, các ngành dịch vụ gia tăng cùng với ngành chế hóa. Còn ở Trung Quốc thì phần dịch vụ bị lãng quên.
Một lý do khiến đảng cộng sản Trung Quốc giữ một chính sách thiếu quân bình nặng đầu tư, nhẹ tiêu thụ, là vì họ muốn tạo ra các hình ảnh cụ thể, ai cũng trông thấy, chứng tỏ họ đang thành công. Cho nên họ chuyên lo xây cất, xây các nhà máy, đường sá, cầu, phi trường, và cao ốc, vân vân. Từ trung ương tới địa phương đều như vậy. Ðặc biệt, các quan chức cũng thấy xây dựng càng nhiều thì càng dễ “rút ruột.” Nhìn nhà cửa lên cao nhiều tầng, phi trường, xa lộ mở mang, dân chúng nghĩ là nước có tiến bộ, mặc dù hiệu năng của các công trình xây dựng đó rất thấp.
Khi đầu tư quá trớn, thì hiệu quả của việc đầu tư thế nào cũng giảm dần, đó là một định luật kinh tế. Nhưng ít có nơi nào mà hiệu quả lại giảm nhanh như ở Trung Hoa. Trong những năm từ 1991 đến 1995, mỗi một 100 triệu nhân dân tệ đầu tư mang lại thêm 66 triệu đồng gia tăng cho Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, tạo thêm 400 công việc làm mới và trả lương hơn 10 triệu cho công nhân. Ðó là những hiệu quả rất cao. Trong những năm từ 2001 đến 2005, mỗi trăm triệu đồng đầu tư chỉ mang lại hơn 28 triệu gia tăng của Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, tạo thêm 170 công việc làm mới, và trả thêm lương cho công nhân được dưới 4 triệu đồng. Những con số trên cho thấy hiệu quả của việc đầu tư đã giảm xuống còn dưới một nửa, trong vòng mươi năm. Tài nguyên quốc gia bị phí phạm, lý do chỉ vì chính sách chỉ nhắm duy trì và bảo vệ quyền lợi các đảng viên lãnh đạo kinh tế mà bỏ rơi khối người lớn là dân chúng.
Trong khi đó thì người dân tiêu thụ, đặc biệt là giới lao động bị hy sinh, chịu thiệt thòi. Ðầu tiên là mạng lưới xã hội tan rã. Khi cải tổ các xí nghiệp quốc doanh, chính quyền cộng sản Trung Quốc không những phải sa thải bớt công nhân (là chuyện đương nhiên) mà đồng thời cũng xóa bỏ các mạng lưới bảo hiểm xã hội trước đó do các xí nghiệp phụ trách, mà công nhân vẫn được hưởng. Người lao động mất bảo hiểm y tế, không được đương nhiên cho con vào trường học trước kia do xí nghiệp cung cấp; khổ nhất là họ phải tự lo lấy về hưu bổng lúc tuổi già.
Nước Trung Hoa có hơn hai ngàn tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, chính quyền lại không sử dụng để lập mạng lưới an toàn xã hội mới. Ngược lại, họ đi cho nước ngoài vay đầu tư bành trướng khắp năm châu. Trung Quốc mua hàng tỷ đô la các trái phiếu của chính phủ, của các ngân hàng và công ty Mỹ; lại bán hàng giá rẻ cho dân Mỹ tiêu thụ, nhờ trả lương công nhân trong nước rất thấp. Mỗi năm trung bình một người Mỹ tiết kiệm được một ngàn đô la nhờ giao thương với nước Tầu, trong lúc các công nhân và nông dân Trung Hoa không được cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục đúng nhu cầu cần thiết.
Những con số bày rõ tình trạng bất công này. Năm 1986, sau khi cải tổ được 6 năm, nhà nước Trung Hoa chi 39% các phí tổn y tế toàn quốc, trong khi các cá nhân chỉ phải đóng góp 26%. Ðến năm 2005, phần góp của nhà nước vào chi tiêu y tế toàn dân chỉ còn 18% trong lúc phần dân phải trả lên tới 52%. Dân đô thị vào năm 1990 chỉ dùng 2% lợi tức cho y tế; đến năm 2006 đã phải dùng tới hơn 7%.
Trong cùng khoảng thời gian đó, tiền chi phí cho việc giáo dục con em mà cha mẹ phải gánh đã tăng lên. Năm 1991 người dân chi 4.5% ngân sách gia đình vào việc cho con cái đi học, đến năm 2004 số chi tiêu đó đã lên tới 19%, tức là cứ có 100 đồng để tiêu pha thì phải dùng 19 đồng vào việc học con em. Vì vậy, học sinh ở thôn quê không học lên được. Năm 1980 có 25% học sinh tốt nghiệp phổ thông leo lên bậc trên, đến năm 2003 chỉ còn 9% có thể tiếp tục đi học như vậy.
Tất nhiên, trong tình trạng đó mọi gia đình phải tiết kiệm nhiều hơn để lo cho y tế và giáo dục. Ðiều đó giải thích tại sao tỷ lệ tiết kiệm của người Trung Hoa hiện rất cao. Nhưng khi một quốc gia không đầu tư vào giáo dục và không chăm lo sức khỏe cho các bà mẹ và cho trẻ em thì quốc gia đó cũng không đầu tư cho tương lai kinh tế. Hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc là Hoàng Á Sinh và Bùi Mẫn Hân đều công nhận là từ thập niên 1990, đầu tư vào giáo dục và y tế ở Trung Quốc không tăng mà còn giảm.
Ðã mất mạng lưới bảo đảm xã hội, giới lao động còn bị bóc lột vì phải chấp nhận lương thấp. Trong 10 năm từ 1995 đến 2004 chẳng hạn, lương bổng trong các xí nghiệp lớn đã tăng lên 3 lần, nhưng năng suất của người lao động thực sự đã tăng lên gấp 5 lần; đó là một lý do giúp các xí nghiệp có lời mau và dùng tiền để đầu tư. Cho nên, trong tổng cộng sản lượng quốc gia, phần lương bổng trả cho người lao động đã giảm xuống, từ 61% vào năm 1990, chỉ còn 53% vào năm 2007. So sánh với tình trạng ở ở Mỹ, tổng số lương bổng chiếm 67% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, tức là cả nước làm ra 100 đồng thì người lao động Mỹ được lãnh 67 đồng; còn dân Trung Hoa chỉ được lãnh 53 đồng. Ðiều này ảnh hưởng đến tiêu thụ.
Tổng số tiêu thụ trong nền kinh tế Trung Quốc chiếm phần rất nhỏ so với lợi tức chung của quốc gia. Tỷ lệ tiêu thụ của tư nhân đã giảm đi, từ 49% GDP vào năm 1990 xuống chỉ còn 35% vào năm 2008. Mỗi năm hơn một tỷ dân Tầu tạo ra 100 đồng thì họ được xài 35 đồng để chi tiêu cho gia đình. Năm 2009 chính quyền đã giảm thuế để khuyến khích dân tiêu thụ, có thể lên thành 36%. Trong khi đó tỷ lệ tiêu thụ tại Mỹ là gần 70% tổng số lợi tức toàn dân. Tại Ấn Ðộ, Brazil, người dân cũng được chi tiêu nhiều hơn bên Trung Quốc, số tiêu thụ chiếm tỷ lệ hơn 60% GDP tức là cứ 100 đồng của chung thì có 60 đồng để cho dân tiêu thụ. Không nên nghĩ người Tầu tiết kiệm nhiều như vậy vì yếu tố văn hóa. Ở hai nước Á Ðông khác là Nhật Bản và Nam Hàn, tổng số tiêu thụ của dân chúng chiếm 55% GDP. Ðiều này cho thấy không phải dân Á Ðông nào cũng có truyền thống ăn tiêu ít đi để cho chính phủ xài tiền thay cho mình! Phải kết luận rằng đảng cộng sản đã ép dân Trung Hoa phải lãnh lương thấp hơn và tiêu thụ ít hơn, theo chính sách của một đảng độc quyền cai trị!
Vì lý do đó, giới lao động ở Trung Quốc đã bắt đầu chống đối các xí nghiệp chủ nhân, gián tiếp chông cả hệ thống xã hội chung quanh. Trong bài tới chúng ta sẽ trở lại đề tài này.

Trung Quốc mất dần lợi thế kinh tế

www.nguoi-viet.com

Ngô Nhân Dụng
Người ta rất dễ hiểu lầm nên sinh ra nhiều ảo tưởng về thực lực Trung Quốc, trong lãnh vực kinh tế cũng như quân sự. Gần đây có một nhà báo rất uy tín và không ưa gì Trung Quốc đã viết rằng trong mươi năm nữa sức mạnh quân sự của nước Tầu sẽ bằng nước Mỹ. Lầm to. Sức mạnh quân sự có thể đếm được bằng số tiền chi trong việc quốc phòng mà suy ra. Hiện nay ngân sách quốc phòng của Mỹ khoảng 700 tỷ Mỹ kim một năm, lớn bằng tổng số ngân sách của các nước khác trên thế giới cộng lại. Giáo Sư Bùi Mẫn Hân đã nghiên cứu về nước Tầu của ông suốt đời, năm ngoái đã tiên đoán trong 72 năm nữa thì ngân sách quốc phòng của “cả Á Châu” mới hy vọng lớn bằng ngân sách Mỹ. Ðến lúc đó thì không biết còn người dân nước nào muốn đánh nhau nữa hay không!
Người ta cũng đầy những ảo tưởng về kinh tế Trung Quốc. Nhân tin tức nói Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của Trung Quốc đã lên hàng thứ hai trên thế giới, trong bài trước, mục này đã viết về các nhược điểm của nền kinh tế nước này. Xin trình bày thêm những chỗ suy nhược khác để quý vị độc giả thấy rõ hình ảnh kinh tế Trung Hoa, để biết con “Cọp Giấy” này chưa có gì đáng sợ.
Một yếu tố giúp Trung Quốc trở thành khu nhà máy chế tạo của thế giới là nhân công rẻ tiền; lực lượng đông đảo các nông dân, công nhân thiếu việc làm, nên họ chấp nhận lương rất thấp. Họ sản xuất hàng hóa tung ra khắp thế giới, đem ngoại tệ về cho ngân hàng trung ương. Hàng trăm triệu thanh niên từ nông thôn lên thành phố sẵn sàng đổ mồ hôi trong xưởng máy, vì dù bị chủ nhân “bóc lột” thì mức sống cũng còn khá hơn là tiếp tục đổ mồ hôi trên đồng ruộng mà không đủ ăn. Họ hoan nghênh tư bản ngoại quốc đầu tư. Năm 1962 nhà kinh tế Joan Robinson người Anh khôi hài rằng: “Nỗi khốn nạn vì bị tư bản bóc lột so ra cũng không thể nào đau bằng nỗi khốn nạn vì không có ai bóc lột!” Các công ty ngoại quốc đã bỏ vô nước Tầu 500 tỷ đô la, đang sử dụng 16 triệu công nhân. Trong số 200 công ty xuất cảng nhiều nhất ở Trung Quốc có 153 công ty do người nước ngoài làm chủ một phần hay hoàn toàn. Trả lương thấp để dễ xuất cảng; toàn dân nhịn tiêu thụ để tiết kiệm, đó là những bí quyết thành công của Trung Quốc trong 30 năm đổi mới kinh tế vừa qua.
Các bí quyết đó đang dần dần biến mất vì dân chúng đang thay đổi. Thành phần lao động trẻ từ 15 đến 29 tuổi giảm đi nhiều, còn lớp tuổi già tăng lên. Một bằng cớ là trong hai năm vừa qua số sinh viên ghi tên vào đại học giảm liên tục. Nhà dân số học Sái Phương (Cai Fang), thuộc Viện Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh, từ 5 năm trước đã báo động nước Trung Hoa sẽ thiếu nhân lực. Có hơn 100 triệu người Trung Hoa ở vào lớp tuổi từ 65 trở lên, chiếm khoảng 8% dân số. Ðến năm 2017, Sái Phương tính toán, lớp tuổi này sẽ chiếm 10% dân số. Trong 25 năm từ 2005 đến 2030 số người trong tuổi làm việc (từ 15 đến 64 tuổi) chỉ tăng trung bình 0.4% mỗi năm. Trong thời gian đó trên toàn thế giới lớp tuổi lao động này gia tăng với tỷ lệ 1.2% một năm, gấp ba lần. Lớp tuổi sắp về hưu (50 đến 64) sẽ tăng thêm 67%.
Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, đang sống ở Mỹ, nêu thống kê của Bộ Lao Ðộng Xã Hội Trung Quốc cho biết người Trung Hoa mỗi ngày già hơn. Vào năm 2005 thì tuổi đứng giữa trong dân số Trung Hoa là 32.5 tuổi (median, tiếng Việt gọi là Trung Số, tức là có 50% già hơn và 50% trẻ hơn tuổi này, khác với số trung bình). Với đà dân số thay đổi hiện nay, đến năm 2020, tức là 10 năm nữa thôi, tuổi đứng giữa ở bên Tầu sẽ lên xấp xỉ 38. Như vậy thì đến năm 2020 gần một nửa dân số nước Tầu sẽ thuộc lớp 40 tuổi trở lên. Một cuộc nghiên cứu gần đây phỏng vấn các nông dân có ý định lên thành phố làm việc hay không; hơn 15% những người trả lời “không” đã nêu lý do vì tuổi đã già; mà thật sự thì họ chưa tới 40 tuổi. Lực lượng lao động năng nổ nhất xây dựng kinh tế Trung Hoa đang trở về già!
Cũng theo thống kê của bộ Lao Ðộng Xã Hội Trung Quốc lớp tuổi từ 60 trở lên chiếm 11% dân số vào năm 2005, đến năm 2020 sẽ chiếm hơn 17%. Tới năm 2030, tức là 20 năm nữa, sẽ có 351 triệu người Tầu già hơn 60 tuổi, chiếm gần một phần tư dân số (23%). Người già không làm việc nữa, bọn trẻ phải nuôi. Vào năm 2005 cứ 5 người làm việc nuôi một người nghỉ hưu; tới năm 2030 vì số người già tăng lên, cứ 2 người làm việc là phải nuôi một người nghỉ hưu. Ít người làm việc hơn thì kinh tế tăng chậm hơn, ai cũng hiểu. Mười năm trước vào năm 2000, lợi tức bình quân tăng 5.3% một năm. Nhưng đến năm 2020 tức là trong 10 năm nữa tỷ lệ gia tăng sẽ chỉ còn 2.9%. Nhìn vào thành phần các lứa tuổi trong dân số thì ở Á châu Nhật Bản cũng giống như Trung Quốc. Còn Việt Nam, Ấn Ðộ trái lại, là những quốc gia trẻ trung đang lên.
Khi tỷ số người trong lớp tuổi già tăng thì số chi tiêu về y tế trong cả xã hội sẽ tăng theo. Do đó, tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm. Chi phí sản xuất sẽ cao hơn vì số công nhân hiếm hoi sẽ đòi tăng lương. Hai lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong mấy chục năm qua sẽ biến mất, là lực lượng nhân công rẻ và tỷ lệ tiết kiệm cao. Hiện nay các công ty ở Trung Quốc đang chuyển cơ sở sản xuất tới những vùng “sâu và xa” để khai thác số nhân lực trẻ chưa chịu đi tìm việc ở những tỉnh gần bờ biển. Trùng Khánh ở tỉnh Tứ Xuyên (82 triệu dân) ở miền Tây đang phát triển rất nhanh. Ngay các tỉnh phía Ðông như An Huy (62 triệu dân) cũng đưa chính sách hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc, trong năm 2009 đã thu hút được gần 4 tỷ Mỹ kim do ngoại quốc đầu tư vì ở đó lương còn thấp và đất giá rẻ. Nhưng các lợi thế đó đang dần dần biến mất.
Khi nhân lực bắt đầu thiếu hụt, người lao động sẽ đòi tăng lương. Chúng ta đã đọc tin các cuộc đình công tại những hãng Honda, Foxcom (của Ðài Loan) khiến ban giám đốc phải tăng lương từ 20% đến 30%. Ðạo luật Lao Ðộng ban hành đầu năm 2008 đã cho phép công nhân được hưởng quyền làm việc theo hợp đồng khiến cho giới lao động có thêm vũ khí đấu tranh. Ðúng như Karl Marx mô tả hơn 150 năm trước, khi giới vô sản có cơ hội tụ tập lại trong các xưởng máy, họ dần dần “giác ngộ quyền lợi giai cấp” của mình. Trong các cuộc đình công tại 3 công xưởng hãng Honda tại Quảng Ðông, thành phần công nhân năng động nhất là các sinh viên trường dậy nghề đến thực tập. Những công nhân có học hơn thì cũng ý thức và đòi hỏi quyền lợi cao hơn. Lớp công nhân trẻ không so sánh lợi tức của họ với đám chú bác, anh chị còn lam lũ cầy cấy ở đồng ruộng, như công nhân trong thế hệ 1980, 90 nữa. Bây giờ họ có những khát vọng cao hơn, muốn được sống như những người dân thành thị; tầng lớp trung lưu mới đang thành hình.
Ai cũng phải thấy là giới lao động ở Trung Hoa đang bị bóc lột. Trong các ngành công nghiệp chế tạo, có 112 triệu công nhân, trong đó 70% làm về kim loại. Lương của họ trung bình được trả chưa đến một đô la (US$ 0.81), chưa bằng 3% lương người thợ làm cùng một việc ở Mỹ. Cho nên, họ đang đứng lên đòi tăng lương. Trong 5 năm từ 2002 đến 2006, lương trung bình đã tăng 9% một năm, ở thành phố tăng 11% vì sinh hoạt đắt đỏ. Chi phí nhân lực ở Trung Quốc đang tăng lên, cao bằng người thợ ở Phi Luật Tân hay Thái Lan. Nhiều thành phố đã tăng lương tối thiểu 20%. Công nhân hãng Honda ở Phật Sơn, Quảng Ðông, đình công đòi hỏi và được tăng lương 47%. Cuộc đình công này xẩy ra trong lúc 25 triệu công nhân “di dân nội địa” mất việc phải quay về làng, và sau khi tỉnh Quảng Ðông trù phú nhất nước đã đóng cửa 670,000 cơ sở sản xuất nhỏ ở Quảng Châu, Ðồng Quan và Thẩm Quyến. Ðiều đó cho thấy trong tương lai giới lao động Trung Quốc sẽ đòi được chia phần xứng đáng trong nồi cơm kinh tế quốc gia. Giá thành trong việc sản xuất sẽ tăng lên, Trung Quốc sẽ mất một lợi thế cạnh tranh trên thế giới. Trong tháng 5 năm 2010 số đầu tư ngoại quốc vào Trung Hoa đã giảm 12% so với cùng thời kỳ năm trước.
Khi lương bổng được tăng lên thì người lao động trẻ sẽ dùng để tiêu thụ chứ không tiết kiệm như lớp cha anh họ. Vì thế, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Hoa nói chung sẽ xuống thấp; một lợi thế cạnh tranh khác sẽ bị sút giảm. Nhưng các hậu quả kinh tế của sự thay đổi trong dân số không quan trọng bằng những hậu quả xã hội và chính trị. Chính vì vậy mà ông Ôn Gia Bảo mới nói đến cải tổ chính trị như một điều cần thiết, nếu không thì kinh tế sẽ khựng lại.
Giáo Sư Hoàng Á Sinh năm ngoái mới xuất bản cuốn “Kinh tế tư bản với đặc tính Trung Hoa, Capitalism with Chinese characteristics.” Ông là người Trung Quốc, chỉ sang Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học, cho nên hiểu biết về nước Trung Hoa sâu xa hơn nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc.
Cuốn sách này giành một chương viết về Thượng Hải, nơi được coi là lớn lên nhanh nhất nhưng cán bộ bảo thủ nhất và tham nhũng nhất nước. Ông tham khảo tài liệu của chính phủ Bắc Kinh, thấy từ năm 2000 những người nghèo nhất ở thành phố này đã nghèo hơn. Ðây là thành phố được coi là trung tâm kỹ thuật cao, nhưng số bằng sáng chế ở đây ít hơn ở các tỉnh Triết Giang và Quảng Ðông.
Giáo Sư Hoàng Á Sinh thấy thập niên 1980 là giai đoạn Trung Quốc phát triển sâu và rộng nhất, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, chính là nhờ chính trị thay đổi. Số sản xuất trong thập niên 1980 lên cao là nhờ những xí nghiệp tư nhân ở khắp các vùng nông thôn. Những xí nghiệp hương thôn (Township and Village Enterprises, TVE) phần lớn là tư doanh: 10 triệu trong số 12 triệu xí nghiệp đó hoàn toàn do tư nhân làm chủ. Sản năng của họ cao gấp bội các doanh nghiệp nhà nuớc. Chính lớp doanh nhân gốc nông dân đã đẩy nền kinh tế cả nước đứng dậy.
Nguyên do chính là nhờ những thay đổi trong không khí chính trị. Chính trị tự do hơn giúp kinh tế mạnh hơn. Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, một người Trung Quốc khác đang ở Mỹ, cũng nhận xét rằng hầu hết các thay đổi chính trị quan trọng ở Trung Quốc đã diễn ra trong thập niên 1980. Thí dụ quyết định buộc các nhân viên nhà nước và quốc hội đến hạn tuổi phải về hưu, cải tổ hệ thống tư pháp, gia tăng quyền lực cho quốc hội, thí nghiệm cho dân bàu trực tiếp chính quyền hương thôn. Các chính sách đó đều được đưa ra trong giai đoạn 1980, tạo nên một không khí phấn khởi. Cùng lúc đó, nông dân được vay vốn dễ dàng hơn, nhờ thế những xí nghiệp hương thôn mở ra khắp nơi giảm bớt nạn khiếm dụng. Bây giờ thì tiền bạc được đổ vào các doanh nghiệp nhà nuớc.
Biến cố Thiên An Môn năm 1989 đã khiến Bắc Kinh thay đổi. “Ðảng Thượng Hải” cầm đầu nước Trung Hoa! Cộng sản Trung Hoa lo củng cố địa vị, bảo vệ các cán bộ trung thành. Họ bắt đầu bỏ rơi nông dân, xây dựng lớp trung lưu thành thị phần lớn là cán bộ, đảng viên, tập trung dưới sự bảo trợ của đảng. Từ thập niên 1990, đảng cộng sản đã sao lãng giới tư doanh ở nông thôn, không được cấp tín dụng dễ dàng như trước. Tiền bạc được dành cho thành phố, nơi tập trung các cán bộ và gia đình của họ. Chính quyền can thiệp để giữ tỷ lệ tăng trưởng cao gần 10% qua các vụ đầu tư thiếu hiệu quả. Nhưng con đường đó không thể bền vững được.
Nhà nước can thiệp có thể gây hiệu quả trong giai đoạn bắt đầu công nghiệp hóa. Ngay tại Liên xô trong những năm từ 1930 đến 1950, mô hình tập trung chỉ huy cũng có hiệu quả. Nhưng trong những bước tiếp theo thì mô hình đó lỗ rõ nhược điểm không thể cứu vãn. Khi các nước Á Ðông phát triển kinh tế trong thập niên 1970, ở Nam Hàn, Ðài Loan kinh tế phát triển cùng lúc với phong trào dân chủ hóa. Giới lao động Trung Quốc đang tranh đấu để trở thành tầng lớp trung lưu. Họ sẽ có những khát vọng tự do dân chủ. Khi chính quyền cộng sản Trung Hoa chịu thua, cho phép người dân được lãnh lương cao hơn, được tiêu thụ nhiều hơn, thì họ cũng ý thức được rằng họ phải được công nhận là những công dân thực thụ, với đủ các quyền ghi trong Hiến Pháp.
Hiện nay lợi tức bình quân của người Trung Hoa cũng chỉ lớn bằng người dân các nước Alabnia hay El Salvador. Còn lâu mới so sánh được với người Mỹ. Chính nhờ cơ cấu xã hội cởi mở, tự do, nước Mỹ mới sinh ra được những công ty như Microsoft, Google, Apple. Một chế độ độc tài không thể nào khích lệ người dân mở mang sáng kiến, táo bạo đầu tư. Ðó là nhược điểm căn yếu trong nền kinh tế Trung Quốc. Nếu không dân chủ hóa sớm thì sẽ không thể nào vượt qua được chướng ngại này. Biết như vậy, nước Việt Nam chúng ta phải tránh, không nên bước vào ngõ cụt của Bắc Kinh. Phát triển kinh tế phải đi song song với quá trình dân chủ hóa.

=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy ------- Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !

 
 

No comments:

Post a Comment