Saturday, January 23, 2010

Phật ở đâu?


     Phật ở đâu?  


Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, hầm hố gian nguy hiểm trở... Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả.

"Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng. "

Một hôm tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, mừng quá, chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.

Ông lão mĩm cười:

- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...

- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao...

- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không...

- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.

Chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.

Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: "Ôi Đức Phật yêu quí của con. "

 ---------------------------------------


ĐIỀU NGHỊCH LÝ CỦA NGÀY NAY
The Paradox of Our Age by Dr. Bob Moorehead
NGUYỄN DUY NHIÊN phỏng dịch




        Điều nghịch lý của thời đại ngày nay là chúng ta có những tòa building cao hơn nhưng sự kiên nhẫn của mình lại ngắn hơn, ta có những đại lộ rộng lớn hơn, nhưng cái nhìn của mình lại nhỏ hẹp hơn. Chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng có được ít hơn, mua sắm thêm hơn, nhưng thưởng thức lại kém hơn. Ta có căn nhà to rộng hơn, nhưng gia đình nhỏ bé hơn, có nhiều tiện nghi hơn nhưng thời giờ ít ỏi hơn. Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng hiểu biết lại giảm đi, ta dư thừa kiến thức, nhưng lại thiếu sự xét suy, ta có thêm nhiều nhà chuyên môn và cũng thêm bao nhiêu là những vấn đề, có thêm thuốc men nhưng sự lành mạnh lại càng sụt giảm.

        Thời đại ngày nay chúng ta uống rượu và hút thuốc quá nhiều, tiêu pha không tiếc nuối, thiếu vắng tiếng cười, lái xe quá nhanh, nóng giận rất dễ, thức rất khuya, đọc sách rất ít, xem ti vi quá nhiều, và hiếm khi nào ta biết ngồi lại trong tĩnh lặng! Tài sản của ta tăng lên gấp bội phần, nhưng giá trị chúng cũng sụt giảm theo. Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít, và thù ghét thì lại quá thường.

        Chúng ta biết cách kiếm sống, nhưng không mấy ai biết sống. Một đời người được kéo dài hơn, nhưng chỉ là cộng thêm những năm tháng mà thôi. Chúng ta đã lên đến mặt trăng và trở về lại trái đất, nhưng rất khó bước qua bên kia đường để chào người hàng xóm mới. Ta chinh phục được thế giới bên ngoài, nhưng không biết gì về thế giới bên trong. Chúng ta đã làm được rất nhiều những việc rất lớn lao, nhưng rất ít việc tốt lành.

        Không khí chung quanh ta được trong sạch hơn, nhưng tâm hồn ta lại càng thêm ô nhiễm. Chúng ta chia cắt được một hạt nguyên tử, nhưng chưa phá được thành kiến của chính mình. Chúng ta viết nhiều hơn, nhưng học được ít hơn. Chúng ta có nhiều dự án hơn, nhưng hoàn tất lại ít hơn. Chúng ta biết cách làm việc thật nhanh chóng, nhưng không biết cách để đợi chờ. Chúng ta thiết kế nhiều máy điện toán, chứa thật nhiều dữ kiện, in ra bao nhiêu tài liệu, nhưng sự truyền thông giữa con người lại càng sút kém đi.

        Ngày nay là thời đại của mì ăn liền, tiêu hóa chậm, con người to lớn nhưng chí khí rất nhỏ, lợi nhuận thì rất sâu mà tình người thì rất cạn. Đây là thời đại của hai đầu thương nhưng trăm ngàn ly dị, nhà cửa khang trang nhưng đổ vỡ trong gia đình. Đây là thời đại của những mặt hàng trưng bày ngoài cửa tiệm thì rất nhiều, nhưng trong nhà kho lại không có một đồ vật nào. Đây là thời đại mà kỹ thuật có thể mang lá thư này đến thẳng với bạn, và bạn cũng hoàn toàn có tự do để chọn đọc nó hay xóa bỏ đi...

        Nhưng xin bạn hãy nhớ bỏ thì giờ của mình ra với người thương, vì họ sẽ không có mặt với ta mãi mãi. Hãy nhớ chọn những lời dễ thương với những ai đang ngước nhìn bạn nhiều ngưỡng phục, vì cô hay cậu bé đó rồi cũng sẽ lớn lên và rời xa ta. Hãy nhớ ôm chặt người gần bên, vì đó là một món quà vô giá mà ta có thể ban tặng cho người khác, khi nó được xuất phát từ đáy tim mình. Hãy nhớ nắm tay nhau và trân quý phút giây này, vì biết rằng thơi gian sẽ không ở với ta mãi mãi. Hãy có thì giờ để thương nhau, để lắng nghe nhau, và nhất là hãy chia sẻ với nhau những ý tưởng đẹp nhất trong tâm mình.

        Và nhất là bạn hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống không phải được đo lường bằng con số hơi thở của mình, mà bằng những giây phút kỳ diệu trong cuộc đời đã mang hơi thở ấy bay cao. 

-----------------------------------


NGÀY LỄ CỦA MẸ... VỚI CUỘC ĐỜI TÔI !
(Trang Hạ dịch)

Tôi sợ ngày Lễ của Mẹ, Mother's Day, từ khi tôi còn nhỏ, vì tôi chào đời chưa bao lâu đã bị mẹ tôi vứt bỏ.
Mỗi năm tới Mother's Day, tôi lại thấy ngại ngần. Trước và sau dịp Lễ của Mẹ, ti vi thường chỉ phát những ca khúc ca ngợi tình yêu thương của mẹ. Đài phát thanh cũng thế, có quảng cáo bánh quy đi chăng nữa, thì cũng cố lồng vào khúc nhạc ca ngợi tình mẹ, mà đối với tôi, mỗi khúc ca lại gợi nỗi buồn.
Tôi đầy tháng thì bị người ta bỏ rơi ở ga xe lửa Tân Trúc. Các bác cảnh sát trong đồn cạnh ga túm lại lo cho tôi. Những người đàn ông này tìm ra được một bà đang nuôi con bú, giá mà không tìm được bà, có phải tôi đã khóc tới mức phát bệnh không. Đợi tôi bú no rồi ngủ ngon lành, các bác cảnh sát này mới nhẹ nhàng ẵm tôi tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Đức Lan ở thôn Bảo Sơn, huyện Tân Trúc (Đài Loan). Tôi được trao cho các bà sơ hay cười ở đó.
Tôi chưa từng gặp mặt mẹ tôi, hồi nhỏ tôi chỉ biết có các sơ nuôi tôi lớn. Mỗi tối, khi các anh các chị ngồi học bài, tôi chả có việc gì làm bèn túm lấy các sơ. Họ vào giáo đường đọc lễ tối, tôi cũng vào theo. Có lúc chui xuống gầm bàn lễ chơi đùa, có lúc làm mặt quỷ doạ các sơ đang hành lễ, thường xuyên nhất là tôi dựa vào một sơ nào đó ngủ gục, và bà sơ tốt bụng không đợi xong buổi lễ, khẽ bế tôi về đưa lên lầu đi ngủ. Tôi cứ cho rằng các bà sơ yêu tôi là bởi tôi giúp họ có cớ trốn sớm ra khỏi các buổi lễ.
Những đứa trẻ như tôi đều là con của những gia đình không may mắn, nhưng đa số họ đều còn gia đình. Tết đến, chú bác đều tới đón họ, chỉ có mỗi mình tôi, tôi không gia đình, nhà ở đâu tôi không biết.
Cũng vì thế, các nữ tu đối xử với đứa trẻ vô thừa nhận như tôi rất tốt, họ không bao giờ để cho ai bắt nạt tôi. Tôi học giỏi, các sơ vẫn tìm thêm người đến tình nguyện dạy tôi thêm.
Bấm đốt ngón tay, đã rất nhiều người làm gia sư cho tôi, đều là những nghiên cứu sinh, thậm chí giáo viên đại học các trường Thanh Hoa, Giao Thông quanh vùng, cả các kiến trúc sư, nên tôi từ nhỏ cũng rất giỏi tiếng Anh.
Các nữ tu ép tôi học đàn, năm lớp bốn tôi đã chơi phong cầm trong nhà thờ. Tôi tham gia các cuộc thi hùng biện, được làm đại diện học sinh của trường, nhưng từ nhỏ tôi tôi không muốn tham gia bất kỳ chương trình nào kỷ niệm ngày Lễ Của Mẹ.
Tôi yêu đàn, nhưng tôi kỵ phải chơi những bài hát tặng mẹ. Có những lúc tôi cũng nghĩ, mẹ mình là ai? Tôi đọc tiểu thuyết, tôi đoán tôi chính là một đứa con hoang. Cha tôi chơi bời chán thì bỏ rơi mẹ, và mẹ tôi còn quá trẻ chỉ còn biết mang tôi đi vứt bỏ.
Tôi đỗ vào cấp Ba trường Tân Trúc, rồi vào đại học, tôi đỗ khoa Xây Dựng của Đại học Thành Công (Đài Nam).
Thời sinh viên, tôi vừa học vừa làm. Đôi khi bà Tôn, người nữ tu nuôi tôi lớn cũng đến thăm tôi. Những cậu bạn cùng phòng thô lỗ của tôi vừa trông thấy bà đã vội trở nên lịch thiệp nhã nhặn. Rất nhiều bạn bè sau khi biết câu chuyện cuộc đời tôi đều an ủi, nói rằng, nhờ được các bà sơ nuôi dạy, tôi mới lịch lãm, bặt thiệp và giỏi giang như bây giờ. Ngày tốt nghiệp, bạn bè ai cũng có cha mẹ tới mừng. Tôi chỉ có một người thân duy nhất là bà sơ họ Tôn, chủ nhiệm khoa, vì thế đến chụp ảnh chung với bà.
Khi tôi đi lính nghĩa vụ, tôi tranh thủ về thăm trung tâm Đức Lan. Lần này bà Tôn bỗng đột ngột trở nên nghiêm trang, bà gọi tôi ra, lấy từ ngăn kéo một phong bì, bảo tôi hãy xem bên trong có gì.
Trong phong bì có hai chiếc vé. Bà Tôn cho tôi biết, khi cảnh sát ẵm tôi đến, trong áo tôi nhét hai tấm vé tàu này. Rõ ràng mẹ tôi đã dùng hai chiếc vé này để đi từ nhà tới ga Tân Trúc, một vé là đi từ phía Nam lên Bình Đông, tấm vé tàu còn lại là đi từ Bình Đông lên Tân Trúc. Đó là một tấm vé tàu chợ, tôi bỗng hiểu ra mẹ tôi là một phụ nữ nghèo.
Bà Tôn cho tôi biết, các bà sơ thường không thích đi dò hỏi tìm hiểu về gia cảnh những em bé sơ sinh bị vứt bỏ, vì thế họ cứ giữ hai tấm vé này, chờ bao giờ tôi lớn sẽ tính. Họ đã quan sát tôi rất lâu, cuối cùng kết luận tôi là người lý tính, đã có đủ năng lực để xử lý việc này. Họ đã từng đi qua thị trấn ấy, thấy nơi đó rất nhỏ, nếu thực lòng tôi muốn tìm người thân, có lẽ sẽ không khó khăn.
Tôi luôn mơ ước được gặp cha mẹ tôi một lần, nhưng giờ đây cầm hai tấm vé, tôi lại do dự. Giờ đây tôi đang sống rất tốt, có bằng đại học, có một cô người yêu sắp tính chuyện trăm năm, vì sao tôi lại phải đi ngược về quá khứ,đi tìm kiếm một quá khứ hoàn toàn xa lạ ? Hơn nữa tới tám chín phần là sẽ tìm được một sự thật không vui vẻ gì.
Bà Tôn ngược lại đã khích lệ tôi. Bà cho rằng tôi đã có một tiền đồ xán lạn, không lẽ nào để bí ẩn về cuộc đời tôi trở thành một bóng đen u tối phủ lên tâm hồn. Bà khuyên tôi nên chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, cho dù phát hiện ra sự thật là những gì tồi tệ, cũng nên giữ lấy niềm tin vào bản thân mình trong cuộc đời phía trước.
Và tôi đã lên đường.
Đó là một thị trấn bé xíu trên vùng núi, tôi chưa từng nghe qua tên gọi. Từ Bình Đông còn phải ngồi ô tô hơn một tiếng mới tới. Dù là phương Nam nhưng vì đang mùa đông, nơi đây lạnh lẽo. Thị trấn đúng là rất nhỏ, chỉ có một con đường nhựa, một đôi cửa hàng tạp hoá, một đồn cảnh sát, một văn phòng của chính quyền thị trấn, một trường tiểu học, một trường trung học, ngoài ra không có gì nữa.
Tôi chạy đi chạy lại giữa đồn cảnh sát và văn phòng chính quyền. Rốt cuộc cũng tìm thấy hai thông tin có vẻ liên quan, một là dữ liệu của một đứa trẻ sơ sinh, một là thông tin gia đình báo mất tích con trai, thời gian mất tích là ngày thứ hai sau khi tôi bị bỏ rơi, đứa bé ra đời trước đó một tháng. Theo ghi chép của các sơ, khi tôi được phát hiện tại ga Tân Trúc, tôi cũng chỉ khoảng đầy tháng tuổi. Xem ra đây có vẻ là thông tin về tôi.
Vấn đề là : Bố tôi đã chết rồi, bố tôi qua đời sáu năm trước, mẹ tôi cũng chết cách đây mấy tháng. Tôi có một anh trai, anh đã bỏ thị trấn, không biết đi đâu.
Dù sao cũng là thị trấn nhỏ, ai cũng quen biết nhau. Một cảnh sát trong đồn bảo tôi, mẹ tôi làm nhân viên trong trường tiểu học, rồi ông dẫn tôi tới gặp hiệu trưởng.
Hiệu trưởng là một người đàn bà vô cùng nhiệt tình. Bà nói, đúng là mẹ tôi đã phục vụ lâu năm tại trường, là một người đàn bà vô cùng tốt bụng, còn bố tôi thì vô cùng lười biếng. Tất cả đàn ông trong thị trấn đều ra ngoài kiếm việc làm, bố tôi không chịu đi xa, chỉ quanh quẩn trong thị trấn làm thuê công nhật, mà thị trấn nhỏ lấy đâu ra việc mà thuê người làm, vì thế cả đời bố tôi chỉ ăn bám vào tiền mẹ tôi làm nhân viên tạp vụ. Vì không chịu làm việc, tâm trạng ủ rũ, ông đành mượn rượu giải sầu, say rồi có lúc đánh đập mẹ tôi, đánh anh tôi. Tỉnh rượu thì cũng hối hận đấy, nhưng thói xấu quen rồi, mẹ tôi và anh tôi khổ sở cả đời vì ông. Anh trai tôi lúc học lớp bảy đã phẫn chí bỏ nhà ra đi, từ đó không bao giờ quay trở lại đây.
Người đàn bà này rõ ràng có đẻ đứa con trai thứ hai, nhưng được một tháng tuổi thì đã mất tích bí ẩn.
Bà hiệu trưởng hỏi tôi mọi chuyện, tôi tình thực kể hết. Khi bà biết tôi được lớn lên trong một cô nhi viện ở miền Bắc, bà bỗng xúc động lấy từ ngăn kéo ra một phong bì. Đây là phong bì bà tìm thấy sau khi mẹ tôi mất, giấu dưới gối mẹ tôi. Bà cho rằng những thứ trong đó chắc chắn phải có ý nghĩa rất quan trọng, nên bà quyết định giữ lại, đợi người thân của mẹ tôi tới nhận.
Tôi run rẩy mở ra, thấy bên trong có rất nhiều vé tàu, từng tập vé tàu khứ hồi đi từ thị trấn miền Nam này tới Tân Trúc, tất cả được giữ gìn cẩn thận.
Bà hiệu trưởng cho tôi biết, nửa năm một lần mẹ tôi xin nghỉ đi miền Bắc thăm họ hàng, chả ai biết họ hàng nào, chỉ thấy mỗi khi về bà vui lắm. Cuối đời mẹ tôi theo đạo Phật, điều bà hạnh phúc nhất là đã quyên góp các tín đồ Phật giáo được một triệu Đài tệ để tặng cho cô nhi viện của đạo Thiên Chúa. Ngày trao tiền bà cũng đích thân đi.
Tôi nhớ lại, có lần một chiếc xe bus lớn đưa một đoàn thiện nam tín nữ từ phía Nam lên cô nhi viện. Họ trao tấm séc trị giá một triệu Đài tệ, quyên góp cho Trung tâm Đức Lan chúng tôi. Các bà sơ cảm động vô cùng, bắt tất cả bọn trẻ mồ côi phải đứng vào chụp ảnh kỷ niệm, tôi đang đánh bóng rổ cũng bị gọi vào chụp với mọi người một tấm ảnh. Giờ đây tôi bỗng dưng tìm thấy tấm ảnh ấy trong chiếc phong bì của mẹ. Tôi hỏi mọi người mẹ tôi là ai, họ chỉ vào người đứng cách tôi không xa.
Nhưng làm tôi cảm động hơn là cuốn sổ lưu niệm ngày tốt nghiệp của lớp tôi, có một trang được photocopy lưu lại trong phong bì này. Đó là trang chúng tôi đội mũ áo tốt nghiệp, có hình tôi ở trong đó.
Mẹ tôi, người mẹ đã vứt bỏ tôi, đã vẫn cứ đến thăm tôi, thậm chí có thể bà đã từng tham dự lễ tốt nghiệp của tôi.
Giọng hiệu trưởng nhẹ nhàng: " Anh nên cảm ơn mẹ anh, bà đã vứt bỏ anh, là để anh được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu anh vẫn ở đây, cùng lắm là hết phổ thông anh lên thành phố làm thuê, ở đây hầu như rất ít người đỗ được vào Trung học. Mà nếu không may, không chịu nổi đòn roi của người cha, biết đâu anh cũng đã sớm bỏ nhà đi phiêu bạt như người anh trai, ra đi mãi mãi chả biết lưu lạc phương nào nữa."
Những giáo viên khác trong trường cũng đến, đều chúc mừng tôi đã tốt nghiệp đại học Quốc lập. Họ nói thị trấn này từ xưa tới nay chưa từng có học sinh nào thi đỗ được vào trường đại học Quốc lập.
Tôi bỗng nhiên rưng rưng, tôi hỏi bà hiệu trưởng ở đây có cây đàn nào không. Bà nói, có đàn piano nhưng không tốt lắm, chỉ có đàn phong cầm thì mới mua.
Tôi mở nắp cây đàn, tôi hướng ra vừng mặt trời mùa đông ngoài cửa sổ, tôi chơi bản nhạc dành tặng mẹ trong những dịp Lễ Của Mẹ. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi tuy là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong trại mồ côi, nhưng tôi không mồ côi, vì tôi có những bà sơ tốt bụng nuôi dưỡng tôi như mẹ, vì tôi có một người mẹ đẻ ra tôi luôn thương tôi. Bà quyết đoán và bà hy sinh để tôi có môi trường tốt lớn lên, để tôi có tiền đồ sáng sủa.
Những thầy cô trong trường hát theo tôi. Tiếng đàn lan toả trong không trung, trong thị trấn vùng núi lạnh lẽo, trong ánh mặt trời chiều. Những cư dân trong thị trấn nhất định sẽ ngạc nhiên hỏi, vì sao hôm nay lại có giai điệu ngợi ca người mẹ?
Vì hôm nay với tôi là ngày Lễ Của Mẹ. Chiếc phong bì đựng những tấm vé tàu cũ này làm tôi từ hôm nay không còn là một đứa trẻ mồ côi sợ hãi ngày Lễ Của Mẹ nữa.

**********************

Hãy đọc và suy gẫm....

****
Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ.
Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm n ha i. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô cùng.

****
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy. Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời:
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

****
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?” Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…

****
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”. Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…” Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

****
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…” Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi: - Sao con khóc? - Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng. - Mẹ đâu? Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.

****
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo: - Nhà ngoại ở cuối con đê. Trên đê chỉ có mẹ, có con.
 Lúc nắng, mẹ kéo tay con: - Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra. Con cố.
 Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng: - Đang lúc mát trời, n ha nh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm... ...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

****
Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường. "Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu. "Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy". "Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy... ...Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".

****
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: - Cua rang muối thật đó mẹ. Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: - Còn răng đâu mà ăn?!

****
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt. … Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”. Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”.

****
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: -Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

****
Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!

****
 "Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
- "Má nghĩ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp".
- "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này...". - "Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má...". - "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!". Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường… Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".

****
Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngã tư. Một hôm, bé thắc mắc: - Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả me? - ... Có khi bé góp ý: - Đèn đỏ mà. Sao mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt mẹ thì sao?
Một hôm, mẹ dừng lại ngay ngã tư đèn đỏ. Bé giục: - Không có các chú công an. Chạy luôn đi mẹ!

****

     Nhà không lấy gì làm khá giả. Hai chị em phải ngủ chung một giường. Năm tháng trôi dần, chiếc giường như càng nhỏ lại. Ðêm hè, nóng nực, em trăn trở, khó ngủ. Em ao ước được như nhà nhỏ H, nhỏ D. Gia đình tụi nó giàu, đứa nào cũng có phòng riêng, giường rộng, nằm giang hai tay cũng không hết. Rồi chị lên xe hoa, về nhà chồng. Ðêm đầu tiên, em ngủ một mình. Chiếc giường bây giờ rộng, thoải mái. Nhưng em vẫn trằn trọc, khó ngủ…

Sưu tầm.




BÀ MẸ QUÊ.

 Captovan.
          Có nhiều cách gọi về song thân tùy theo địa phương, nhưng ở quê tôi, một vùng thuộc tỉnh Kiến An, Hải Phòng thì con gọi bố mẹ là thầy bu, vì thế tôi xin giữ hai danh từ này cho bài viết về mẹ tôi, một bà mẹ quê.
Thầy tôi qua đời ngày 15 tháng Giêng năm 1947, hưởng dương  41 tuổi! Ông cụ mất đi khoảng sau 2 tháng bị bệnh mà thuở ấy người vùng quê chỉ biết gọi là bệnh “thương hàn”(?). Những ngày thầy tôi lâm trọng bệnh và khi các con tiễn chân ông cụ ra cánh đồng thì nay tôi không còn nhớ gì nữa! Kỷ niệm duy nhất còn sót lại trong đầu tôi là khi ông cụ tháo vai cày ra khỏi cổ con trâu rồi đưa sợi dây thừng cho tôi dẫn nó đi ăn, đang gặm cỏ, khi đến bên bờ hồ trước cửa nhà thờ thì nó nhào xuống nước, ngước mũi lên thở phì phò, còn tôi, một thằng bé chăn trâu mới 6 tuổi, không thể kéo nó lên được nên tôi đành buông dây thừng, đứng trên bờ mà khóc vì sợ con trâu sẽ chết đuối.
          Nhưng với bu tôi, một bà mẹ quê, thì tôi nhớ nhiều, nhưng chưa một lần nhắc lại những kỷ niệm này với anh chị em và con cháu. Khi thầy tôi mất thì bu tôi mới 43 tuổi với một nách bẩy đứa con, tất cả cùng sống trong căn nhà tranh vách đất ba gian hai trái, một mảnh vườn với dăm ba sào ruộng thuộc làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An,thành phố Hải Phòng, và chỉ cách hai nơi này chừng hơn 3 cây số.
Một hình ảnh tuy đã hơn 60 năm rồi mà tôi vẫn còn như đang thấy trước mắt, đó là cảnh vào lúc hoàng hôn, bu tôi đứng ở góc vườn, hướng ra nghĩa trang mà kêu tên thầy tôi trong tiếng nấc sau khi đã chôn cất thầy tôi xong.
Bu tôi cả ngày phải chân lấm tay bùn với ruộng lúa vườn rau, mỗi buổi chiều về, sau khi thổi cơm cho con, nấu cám cho lợn (heo) xong thì mặt trời đã lặn, giữa lúc tranh tối tranh sáng, bà lẳng lặng ra góc vườn, lúc thì ngồi ngắt đọt khoai lang, khi thì đứng hái lá chè mà thút thít khóc trong khi các con không hay biết.
Một buổi chiều tối, khi chim đã về tổ, tôi leo lên cây cau ở góc vườn để bắt ổ chim sáo đen khi nghe chim con “chíp chíp” mà tôi đã rình từ lâu, tôi thất kinh suýt rơi xuống đất khi bất chợt thấy bóng đen đứng khóc góc vườn. Nhưng tôi hoàn hồn ngay khi nhận ra giải khăn tang trắng vấn trên đầu, hai đuôi khăn chạy dọc sống lưng của bu tôi, tôi vội tụt xuống định chạy vào nhà, nhưng rồi khựng lại, ngồi thụp xuống bên gốc cây cau vì nghe tiếng bu tôi khóc:
“Ối ông ơi! Trời đã tối rồi! Ông đi đâu mà sao không về ăn cơm uống nước với các con ông ơi!” .
Tuy tuổi lên 6, tuổi nghịch ngợm của trẻ nhà quê không biết sợ ma nhưng tôi rùng mình nổi gai ốc khi nghe bu tôi kêu lên như thế. Bà khóc trong nấc nghẹn, cố kềm trong họng không cho ra tiếng vì sợ các con nghe được, chắc bà cam chịu đau khổ thương nhớ một mình, không đành chia nỗi buồn với các con. Các anh chị em chúng tôi không ai hay biết việc này, vì sau một ngày quần quật với công việc ruộng lúa vồng khoai thì tất cả đã mệt nhoài, mọi người đi nghỉ sớm để sáng mai, khi gà vừa gáy và tiếng chuông nhà thờ “bính-boong” lúc 5 giờ sáng là đã phải dậy để chuẩn bị ra đồng.
Riêng mình tôi biết bu tôi khóc, tôi chẳng nói cho ai hay, nhưng tiếng khóc của mẹ xoáy vào đầu tuổi thơ khiến tôi cứ đứng sau hè nhìn bu tôi rũ xuống như tàu lá chuối héo, nghe bà nấc nghẹn mà ứa nước mắt theo. Nhiều khi tôi thấy bà vịn cành chè rồi sức nặng của khổ đau kéo cành chè gẫy xuống! Một chiều tối, tôi nghe tiếng nói bên kia vườn, cách bụi tre, vẳng sang:
_ Mẹ Quán sao cứ khóc mãi thế! Hãy để cho Quán nó yên nghỉ.
Đó là tiếng của cụ Dưỡng, chú của thầy tôi, chắc cụ cũng sót ruột vì tiếng khóc mỗi chiều tối ngoài góc vườn. Bu tôi là cháu dâu nên phải vâng lời chú, từ đó bu tôi không đứng khóc ngoài góc vườn nữa. Nhưng nỗi sầu vì nấm mồ chôn chồng chưa xanh cỏ thì làm sao vơi nên nước mắt tiếp tục rơi cùng những tiếng nấc nghẹn trong góc bếp giữa đêm khuya.
Mùa Đông tháng giá, tiết trời khá lạnh ở vùng quê với căn nhà lá có nhiều khe hở để gió lùa vào, anh em tôi nằm ổ rơm, đắp chiếu, kín đầu thì hở đuôi và ngược lại kín chân thì thò đầu, cái lạnh đêm khuya lại thêm dạ dày trống đúng với câu châm ngôn “bụng đói cật rét” nên giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm về sáng, khi gà vửa gáy, tôi thức giấc thấy ánh lửa từ nhà bếp hắt lên, tôi bò dậy và mon men tới để sưởi cho ấm thì thấy bu tôi ngồi nấu cám heo, một tay cầm que, tay kia nắm mớ rơm đẩy vào tiếp cho lửa cháy, bóng mẹ tôi in lên vách bếp, ngả nghiêng theo ánh lửa bập bùng. Đêm khuya, thấy con thức dậy bò xuống bếp thì bà mẹ biết con đang thiếu cái gì. Vừa trông thấy tôi, bà vội kéo vạt áo lau nước mắt, rồi nói:
_ Đói hả? Ngồi xuống đây sưởi cho ấm rồi bu nướng cho con củ khoai.
Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ nên có tiếng nổ lép-bép làm bắn ra những tia lửa tựa pháo bông và kéo theo tro bụi phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro trên tấm khăn tang trắng rồi lấy củ khoai lang ở cái thúng treo sau lưng vùi vào đám tro giữa ba “ông đầu rau”.
Có thể nhiều người không biết “khoai nướng vùi bếp tro” là gì, mùi vị nó ra sao, ngay cả con cháu nội ngoại của bu tôi hiện nay đang sinh sống trên đất Mỹ cũng không biết. Nhưng với tôi, củ khoai lang vùi bếp tro mà bu tôi “ban” cho tôi không có gì so sánh được. Người ta thường dùng chữ “ban” đề nói về những “hồng ân” mà Thượng Đế, Chúa, Phật ban cho con chiên, phật tử, nhưng bu tôi đã “ban” cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm Đông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con.
Bà mẹ khều củ khoai trong đám tro ra, vò nắm rơm chà lên vỏ ngoài cho sạch chỗ cháy đen rồi đưa cho con:
_ Khoai còn nóng lắm, con ăn từ từ.
Đúng rồi, khoai nướng thơm và ngon với trẻ em miền quê, nếu em đói mà vội ăn đến nỗi quên cả bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải hả miệng ra, ngửa mặt lên mà thổi “phù-phù”, ăn vụng mà nuốt vội miếng khoai lang dễ bị nghẹn. Bụng đói, cật rét mà hai tay nắm củ khoai nướng nóng thì thích lắm, nhưng không hiểu sao cái tật tham ăn của tôi biến đi đâu mất, tôi cũng chẳng hiểu chữ “hiếu” là gì, nhưng vẫn cứ bẻ cũ khoai ra làm hai, đưa bu tôi một nửa mà không nói một lời nào cả? Biết nói gì hơn, và dù biết văn hoa chữ tốt thì trong hoàn cảnh ấy, ngàn vạn lời nói cũng bằng thừa, là sáo ngữ. Tôi đưa nủa củ khoai cho bu tôi chỉ vì tôi thấy bu tôi kéo vạt áo lau nước mắt, chỉ vì trong ánh lửa rơm chập chờn giữa đêm khuya mả tôi thấy mắt bu tôi đỏ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu vì tôi biết bu tôi cũng đói nhưng nhường miếng ăn cho con như tất cả các bà mẹ khác.
Cầm miếng khoai trong tay, bu tôi nhìn tôi không nói gì cả nhưng lại choàng tay qua kéo tôi vào lòng. Tôi biết bu tôi đang thổn thức và rồi bà khẽ nói:
_ Con lên nhà đánh thức các anh chị dậy ăn cơm để còn kịp “ra đồng”.
Hai chữ “ra đồng” là chỉ công việc ngoài đồng ruộng như cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, trồng rau, trồng khoai, trồng bắp (ngô) v.v..những công việc của nhà nông để làm ra thực phẩm mà người “thành phố”, nhất là các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt không bao giờ có thể hình dung ra được nó vất vả như thế nào.
Ngày qua ngày, bầy gà một mẹ bẩy con đùm bọc quây quần dưới mái tranh được bao quanh bởi lũy tre, rồi bị chạy loạn vì chiến tranh! Khi hồi cư về làng cũ thì chỉ còn hoang tàn đổ nát nên mẹ con lại chạy theo dòng người di tản. Thấy họ đi thì bà mẹ quê cũng dắt con đi, không biết đi về đâu và làm gì! Những lúc gian nan khốn khổ như thế chắc hẳn bu tôi lại kêu tên thầy tôi và mong chồng chỉ lối đưa đường cho vợ góa con côi được về nơi bình an.
Cuối cùng thì gia đình tôi làm dân di cư trôi dạt vào Nam, về làng Bến Xúc, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 1954. Người nông dân thường có sức chịu đựng như “cỏ dại”, vất đâu cũng sống được với đất, nhưng mẹ con chúng tôi ra đi không mang theo ruộng vườn, chỉ có hai bàn tay nên phải xoay sở, các anh chị tôi lúc này đã trưởng thành nên phiêu lưu về thành phố và gia đình tôi lại di chuyển về 172/41 đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội, quận Bốn, Saigon.
Bu tôi, một bà mẹ quê “lạc” về thành phố, bỏ lại sau lưng xa tít mù khơi mái tranh, lũy tre, ruộng vườn và nhất là mồ chồng mà sẽ không bao giờ được nhìn lại nên bu tôi như tàu lá úa và chỉ hồi sinh sau khi đã có tiếng bập bẹ “bà bà” của các cháu nội ngoại. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của bu tôi cũng như các bà mẹ khác, thương cháu chăm sóc cháu hơn thương con.
Vẫn tưởng bu tôi được vui hưởng thái bình với cháo rau đạm bạc bên con cháu cho tới lúc đầu bạc răng long thì chiến tranh lại tràn về, các con trai con rể của cụ lên đường tòng quân, thằng Cao Nguyên, đứa Đông Hà, con trai út ở núi Sơn Chà thì con trai áp út ở mãi tận mũi Cà Mâu, đâu đâu cũng nghe tiếng súng nổ! “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố” thì bà mẹ quê khốn khổ thức giấc ngồi tựa lưng vào vách, mắt nhắm, tay cầm tràng hạt, miệng đọc thầm chuỗi Mân-Côi cầu xin Thượng Đế ban ơn lành cho đàn con nơi lửa đạn.
Nhưng hằng ngày bu tôi vẫn nhói tim khi nhìn những xe nhà binh GMC trên chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa! Khi nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ là của lính chết trận đó thì bu tôi vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp.
 Rồi sáng ngày N tháng 6/1966, một xe GMC chạy vào xóm và từ từ dừng lại khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống, nhưng người lính TQLC tìm nhà bà Châu, bà hàng xóm và cũng là người cùng quê, để báo tin con trai bà là thằng Mão đã tử trận! Bà Châu xỉu, bu tôi hoảng hốt lo lắng muốn xỉu theo, vì Mão và tôi là bạn và cùng tình nguyện vàoTQLC. Mão Tiểu Đoàn 1, tôi Tiểu Đoàn 2, cả hai vừa đụng trận tại ngã ba sông Định, thuộc Bích La Thôn Quảng Trị, nó tử thương, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên tôi đã nói với hậu trạm là đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu cứ ở Thủ Đức cứ theo đúng thủ tục mà báo tin nên hai ngày sau lại một xe nhà binh đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả của chúng tôi, người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi không còn biết gì nữa!
Vì bị thương nhẹ nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép. Bu tôi đang nằm trên giường bệnh, thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao? Bu tôi không nói gỉ mà chỉ khóc, có lẽ cụ khóc vì lo âu, cụ khóc vì hạnh phúc còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về, những bà mẹ của lính chiến thấy mặt con lúc nào thì hạnh phúc lúc đó. Tôi xin mượn ý bài thơ MTHS: “không chết người con lính chiến mà chết người mẹ ở hậu phương”, người lính chiến nếu có chết, chỉ chết một lần, nhưng bà mẹ hậu phương thì chết dần chết mòn, chết giấc vì con!
Bu tôi đã chết giấc nhiều lần như thế khi thấy mấy đứa con, đứa cháu trong họ hàng và cùng ở TQLC lần hồi tử trận như Tô Chiêu, Tô Sơn, Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh v.v..Cuối cùng thì ngày 19/6/1969, trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến, nhưng may mắn hơn Chiêu, Sơn, Tuấn, Thanh v.v.., tôi còn nặng nợ, chưa đi được nên khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường bệnh bệnh viện, toàn thân những dây cùng nhợ! Mờ mờ nhìn qua lớp băng quấn đầu, tôi nhận ra bu tôi đang lấy cạy vết máu, vết sình đã khô trên mặt tôi, tôi mấp máy đôi môi, gọi qua hơi thở của bình dưỡng khí:
_ “Mẹ”.
Tiếng “Mẹ” dễ gọi dễ thương là thế nên tôi quen với chữ “Mẹ” từ đó.
Tôị bị trọng thương, bị loại khỏi vòng chiến thì cũng là lúc mẹ tôi bớt được một phần lo âu, thấy tôi lê lết với đôi nạng gỗ kẹp nách thì mẹ lại mỉm cười:
_ “Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo”.
Chưa trả hết nợ nước nên tôi được hạnh phúc quanh quẩn một thời gian bên bà mẹ già nhà quê, bà mẹ không biết viết, không biết đọc mà chỉ biết khóc vì con. Thế rồi đất bằng dậy sóng, các bà mẹ lại tiếp tực vất vả vì các con, lần sau cùng tôi nghe mẹ khóc là khi tôi cáu kỉnh nhìn mẹ rồi vất đôi dép làm bằng vỏ xe hơi mà cụ đã len lén để vào túi xách cho tôi lên đường “vinh quang”.
Sau ngày 30/4/75, ba anh em trai tôi cùng hai người anh rể đều lên đường để “được” cải tạo làm con người! Chẳng cần nói thêm thì ai cũng biết một bà mẹ già trong hoàn cảnh ấy thì “có vui bao giờ”! Nghe hàng xóm xì xào bán tán, mẹ tôi thật thà đi mua quần áo đen và dép râu cho các con để sớm được về đoàn tụ!
Quá khứ đời tôi lính chiến đã khiến mẹ lo âu sợ hãi nhưng chưa lần nào tôi hỗn với mẹ như lần này, tôi lôi đôi dép cao su ra khỏi túi xách và quăng nó vào góc nhà, mẹ tôi nhìn sững tôi và chắc bà tự hỏi tại sao con lại vất những thứ cần thiết ấy, nó sẽ giúp con để sớm được về với mẹ. Làm sao tôi hiểu được tình thương mênh mông của bà mẹ quê trong khi bà cũng không biết được con trai mẹ đang chín từng khúc ruột. Tôi lẳng lặng cầm túi xách với bộ quần áo lên đường, không lời chào từ giã mẹ già đang ngồi tựa lưng vào vách mà mắt nhìn theo gót chân con!
“Cải tạo” tới năm thứ chín thì tôi hay nằm mơ thấy mẹ, linh tính cho biết có điều chẳng lành, tôi hỏi người nhà mỗi khi đến thăm nuôi thì được biết mẹ tôi vẫn bình thường. Nhưng sao vẫn thấy mẹ trong giấc mơ, tôi đem chuyện hỏi lại thì lúc đó vợ tôi đành lôi trong túi xách ra một xấp hình đám tang mẹ tôi mà vợ tôi đem theo nhưng dấu kín. Tôi không còn nước mắt để khóc mẹ vì tôi đã không chào mẹ khi ra đi, không biết rằng đó là lúc chào lời vĩnh biệt, không biết ai vĩnh biệt ai. Mẹ tôi khóc vì các con phải đi xa khi đã thái bình khiến mẹ mù lòa! Mẹ tôi ra đi vĩnh viễn khi tôi chưa quay về!
“Lòng mẹ thương con như biển Thài Bình dạt dào”, lòng mẹ như bị dao chém mỗi khi nghe tin con “thắng trận” trở về, “trở về trên đôi nạng gỗ, trở về hòm gỗ cài hoa”! Lời nào nói cho đủ, viết cho hết trong vài trang giấy! Những bà mẹ dù quê hay thành phố, dù bên này hay bên kia đều là Mẹ Việt Nam. Mẹ VN thì lúc nào cũng vui và khổ đau theo đời sống thăng trầm của các con, không vui khi các con không vui với nhau. Khổ đau biết bao những bà mẹ của các anh lính chiến luôn canh cánh bên lòng, lo sợ phải rên rỉ câu:
 _“Lá vàng đeo đẳng trên cây, lá xanh rụng xuống !!!”
Những ai còn mẹ, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì xin chớ có cử chỉ đáng trách như tôi đã phạm đối với “bà Mẹ quê” để khỏi phải ân hận khôn nguôi./.


Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược


Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả, thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh. Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp.
 
Ðã lâu lắm rồi nhỉ, từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học, hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được.
 
Nhưng khi ấy con còn nhỏ, trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm. Giáo dục học đường ở bên này, mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành.
 
Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa, con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con. Mà vì bận sinh kế suốt ngày, mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con, mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con. Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường, dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng. Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải.
 
Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được, bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con.
Buổi tối, con về, mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn.
Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi.
Thay vì cám ơn, con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng, “mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con, bài vở của con mẹ để đâu hết rồi, mọi khi con vẫn để ở chân giường mà… Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả. Con tự lo lấy được mà.”
 
Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó.
Con ơi, con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không. Mẹ ân hận vì đã làm con không vui! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ. Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình. Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng, người chồng nào chịu cho nổi… Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay.
 
Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ. Bây giờ con ra trường, có công ăn việc làm, con đi về thất thường, có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần. Mẹ cũng chẳng dám hỏi con.
Ðến một ngày, hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day, con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ. Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ. Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu. Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm. Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến. Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con.
 
Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món, con đã thản nhiên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi, ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già, có người trông nom hằng ngày. Mẹ không phải lo gì cả. Ðến bữa có người dọn cho ăn. Ðau ốm có y tá săn sóc. Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ, mẹ nhé.”
Bể hạnh phúc đã vỡ tan. Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm. Nó đó phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó.
Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ, “Nước mắt chảy xuôi, con ạ.”
 
Từ Uyên






















Khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN là có tội?

No comments:

Post a Comment