Một sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí trong tuần qua là Đại hội (ĐH) lần thứ 8 Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) diễn ra tại Học Viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Chỉ riêng cái nơi diễn ra ĐH cũng đã cho thấy tư thế phụ thuộc của Hội NVVN vào đảng, nhà nước rồi. Cùng với cái nóng và mất điện luân phiên, những tin tức do các nhà văn tham dự ĐH truyền ra ngoài làm cho không khí ở “xứ thiên đường” dường như thêm oi ả.
Định bụng, cuối tuần sẽ làm cuộc điện đàm phỏng vấn nhà văn Trần Mạnh Hảo, người đã làm ĐH thêm “hot” ngay từ ngày đầu tiên nhưng nhà văn bị khản giọng, không nói chuyện được. Mà lạ thật, bị bịt miệng từ đầu tới cuối mà khản giọng thì có kỳ không? Hay uất quá mà trở nên … cấm khẩu?
Thôi, đành dùng cách tiếp cận kiểu “Tuổi Teen” với nhà văn vậy. Dưới đây là cái text chat dài lê thê được copy nguyên từ Yahoo Messenger để độc giả đọc chơi dịp cuối tuần.
———————————————–
Mạc Việt Hồng (MVH): Có thể gọi anh là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học và cả nhà báo nữa, vậy xin anh cho biết, anh muốn được gọi là nhà gì trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay, thưa anh?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo (THM): Thưa, xin gọi tôi là nhà văn bị bịt mồm ạ.
MVH: Chúng tôi được biết, anh vừa mới tham dự Đại hội Nhà Văn Việt Nam (ĐHNVVN) lần thứ 8 về, không khí ĐH lần này hình như rất nóng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, còn cảm nhận của anh ra sao, thưa anh?
TMH: Cảm giác của tôi rất chán vì mình đã mất thì giờ đi xem một vở tuồng rất nhạt.
MVH: Nghe nói, anh khi anh len chân lên phát biểu thì ngay sau đó micro đã bị tịt, thực hư chuyện này thế nào, anh có thể cho độc giả Đàn Chim Việt biết thêm chi tiết?
TMH: Vâng, tôi bị cúp micro tới ba lần, nên hầu như chưa nói được gì…
MVH: Và ông chủ tịch Hữu Thỉnh sau đó đã có lời giải thích gì với anh?
TMH: Ông Hữu Thỉnh xin lỗi đại hội vì micro bị trục trặc kỹ thuật lúc anh Hảo nói. Nhưng khi chúng tôi đang trên đường bước xuống ghế ngồi từ bục diễn đàn đại hội thì micro lại vang lên mời người khác phát biểu.
MVH: Anh đã gửi lên một số trang mạng bản tham luận trước ĐHNV, có thể vì những lời lẽ “nhạy cảm” trong đó mà ban lãnh đạo hội không muốn anh phát biểu trước ĐH?
TMH: Vâng, có lẽ thế ạ.
MVH: Có người nhận xét rằng, đây là một cách “kiểm duyệt” giống như việc bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý hay làm loa rè đi khi Trần Huỳnh Duy Thức phát biểu trong phiên xử “âm mưu lật đổ chế độ” mấy tháng trước, anh nghĩ sao?
TMH: Quả đúng như chị nói. Tôi bị cúp micro thẳng thừng, còn nhiều anh lên nói bị vặn nhỏ âm thanh, hoặc cố tình làm âm thanh méo đi, không ai nghe rõ…Nhiều nhà văn gọi nó là cái micro đểu.
MVH: Chuyện “rất nhạt” của ĐH có thể dự đoán từ trước, vậy liệu có phải mất công tới tận nơi để rồi bị bịt mồm như vậy không?
TMH: Biết nó nhạt, nhưng ai ngờ nó lại “nhạt vượt chỉ tiêu trên giao”
MVH: Các cuộc họp Quốc hội gần đây có chiều hướng cởi mở hơn, chất vấn khá gay cấn và còn được truyền hình trực tiếp, xem ra hội nhà văn lại kiểm duyệt chặt hơn cả ĐCS?
TMH: Hội nhà văn chỉ bằng ngón chân Quốc Hội, bì sao được, một bên phượng hoàng diễn tuồng, một bên cào cào châu chấu diễn tuồng, so sánh sao được người ơi.
MVH: Vở tuồng có tới 700 người xem trực tiếp (số hội viên Hội NV tham dự ĐH) và cả triệu người từ trong nước tới hải ngoại xem gián tiếp thì đâu có tồi?
TMH: cùng nhau diễn, cùng nhau xem. Gớm chen nhau tí bẹp ruột để chụp hình với bác Sang (Trương Tấn) phóng to bằng cái mẹt về treo nhà, bố thằng nào dám khám hộ khẩu lúc một giờ sáng
MVH: Đại hội lần này nội dung có gì khác trước không, thưa anh?
TMH: Chả khác gì mấy đại hội trước, cũng ý đảng lòng dân, cũng phản ánh khí thế đang lên như diều của cách mạng ta, đảng ta, đất nước ta là gấm hoa trên đời, đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ, rực cờ chiến công hà ha…
MVH: Chuyện bầu bán không có gì bất ngờ, nhà văn Hữu Thỉnh tiếp tục khóa chủ tịch thứ 3 với số phiếu cao nhất trong BCH 15 người. Vậy có thể nói đa số tín nhiệm ông Thỉnh?
TMH: OK, tín nhiệm nên mới đa số phiếu. Nhưng có nhà văn bảo: bố ai biết ma ăn cỗ ở chỗ nào. Đám kiểm phiếu là người của ông Thỉnh…cứ để ý mà xem, sau lần kiểm phiếu toàn thắng, mấy nhà văn kiểm phiếu đều có thưởng, được ông Thỉnh cho đi thăm nước ngoài, gọi là thưởng cho tinh thần kiểm phiếu hết sức bí mật, hết sức trung thực của các đồng chí. Các đồng chí kiểm phiếu tuyệt, tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, tốt tốt tốt
MVH: Nếu không tín nhiệm thì ít nhất, họ cũng cần tới vai trò lãnh đạo của ông Thỉnh, vì nghe nói, ông xin được tới 20 tỉ tiền tài trợ một năm của nhà nước cho hội NVVN?
TMH: Có thể nhiều hơn số tiền 20 tỷ đấy. Một mình ông Thỉnh chi tiêu, chẳng bao giờ kinh tế công khai trước đại hội…Giữ chức chủ tịch hội thích thật đấy: chẳng ma nào dám đòi ông hạch toán kinh tế cả…Vừa đá bóng, vừa thổi còi vừa lĩnh giải là vậy.
MVH: Chắc anh biết, vừa rồi có một bức thư kiến nghị của một số nhà văn v/v xóa bỏ bao cấp với hội NVVN, ý của anh như thế nào?
TMH: Tôi thấy bức thư ấy là đúng, là chính nghĩa, nhưng mà khi đưa cho tôi, mời ký. Tôi lắc đầu. Ông đưa kiến nghị ngạc nhiên: ông còn dám ký vào ủng hộ khối 8406, sao chỉ xin ông tí tẹo chữ ký kiến nghị nhà nước đừng bao cấp cho hội nhà văn mà sao không ký hở ông kia ? Vì khi ra Hà Nội, vợ tớ và con tớ cùng dặn: thầy mày ra ngoài chốn ấy, nếu có ai mời ký vào bản kiến nghị nào, dù chính nghĩa mấy cũng tuyệt không được ký nhá. Tôi thề: tuyệt đối không ký kéo gì hết. Rút kinh nghiệm bạn tôi trước có uống rượu say, bỗng ký vào bản kiến nghị chính nghĩa: bản ấy viết: Ông Nguyễn Minh Tèo đã làm em có chửa gần chín tháng. Hôm sau ông ấy tỉnh ra, bị vợ bóp cổ lè lưỡi ra nửa thước không chết. Đời tôi đã ký vào hàng chục văn bản chính nghĩa mà giờ đây nó lại đếch còn tí chính nghĩa nào, mới là chơi khăm nhau đến thế, giời ôi.
MVH: “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” là lẽ thường. Phải chăng, kính phí lớn cho Hội Nhà văn chính là 1 trong những lý do khiến nhiều nhà văn phải hót theo đảng?
TMH: Tuyệt đối đúng, gớm sao chị Mạc Việt Hồng đoán ra lý do theo đảng của các nhà văn ta đung sắc đúng thế ?
MVH: Nhà văn Võ Thị Hảo, người không tham dự kì ĐH này vì lý do “đi nghỉ mát” có gọi ĐH là phường “giá áo túi cơm”, anh có bình luận gì không?
TMH: Võ Thị Hảo là thần tượng của Trần Mạnh Hảo. Gớm dây được tí Hảo nọ vào Hảo kia, làm tôi thật vinh dự. Chị Hảo là một trong vài nhà văn nữ viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay nhất nước. Chị nói như trên là chí phải, chí phải. Tôi cám ơn chị Hảo nhiều. Không biết chị Hảo xơi món gì mà nói ra cái nào cũng đúng cũng hay. Cầu trời Phật cho chị (và cả chị Mạc Việt Hồng) trẻ mãi không biết già là gì
MVH: Từng phê Hội NVVN rất nhiều, tại sao anh không xin ra?
TMH: Ồ, tôi vừa xin ra khỏi hội nhà văn cách đây năm phút, chị hãy vào TALAWAS đọc bài : “GOOD BYE ĐẠI HỘI BỊT MỒM” vừa post lên mạng thì biết liền à, gớm ý đảng lòng dân gặp nhau cứ khít khìn khịt như cậu nằm với mợ ấy.
MVH: (Vừa đọc bài của TMH trên Talawas vừa chat tiếp)…
Giời ạ, nếu biết nhà văn viết một bài tường thuật thế này rồi thì “nhà em” xin đăng cho nhanh, chat làm chi cho mệt ra?
TMH: Ô hay, bài chát này là bài tôi cho là hay nhất của đời tôi đấy, chị cứ chát đi, sẽ còn nhiều trò hay ta chưa kịp diễn mà.
MVH: Thành phần BCH hội lần này nghe nói được trẻ hóa, tất nhiên, trừ chủ tịch Thỉnh, vậy có kỳ vọng gì ở những thành viên mới lần này không?
TMH: Chả có trẻ hóa tí tẹo nào, BCH này mà cộng tuổi lại chia bình quân thì đúng là tuổi của BCH già nhất (già chát) từ trước tới nay
MVH: Tôi cũng không rõ tuổi của các vị đó, nhưng có đọc 1 bài bình luận trên trang Vietnamnet, thấy nói vậy.
TMH: Anh Nguyễn Trọng Tạo, bạn thân tôi đã chia tuổi bình quân BCH, già khiếp đảm nhá. Có vị chấp hành như nhà thơ Nguyễn Hoa bệnh tật rất nặng, vợ anh ấy bảo anh ấy cầm bát thuốc bắc uống mà không cầm nổi; nhưng anh ấy lại cầm nổi vận mệnh nặng nề của hội nhà văn đấy.
Nghĩ cũng thương cho anh Nguyễn Hoa, từng là bạn của tôi, hôm gặp Hoa ở đại hội, thấy Hoa cứ lừ đừ như ông từ vào đền, tôi chào: chào cậu! Hoa mở to mắt ai đấy? Mình biết là Hoa không còn nhớ nổi người bạn xưa, thương lắm. Vậy mà giờ anh Hoa vẫn sống chết vào được ban chấp hành. Phục thay chí lớn hơn Thái Sơn.
MVH: Nhà văn là tinh hoa của dân tộc nhưng cứ như anh nói, thì dân tộc có khi sắp “ăn mày” đến nơi rồi nên mới có một đội ngũ tinh hoa như thế?
TMH: Thời này khác xưa, tinh hoa phát tiết vào trong, bố ai nhìn thấy.
MVH: “Nhà văn là hơi thở của dân tộc”, tôi cũng không nhớ câu này của ai nhưng hội NVVN đã im tiếng trước sự kiện HS-TS, Bauxite và nhiều vấn đề khác nữa, anh nghĩ sao?
TMH: Nhà văn rụt hết cổ vào để làm con rùa mà yêu đảng rồi chị Hai ui, họ chỉ nhìn xem đảng sắp nói gì để nói theo, hơi đâu nhìn vào nỗi đau đang bị mất nước của dân tộc. Đồng cảm với nỗi đau bị mất biển, mất đảo, dân chài bị Trung Quốc bắn giết như ngóe ngoài khơi có mà ăn cám, có mà tết Ma rốc mới được đảng cho trợ cấp sáng tác mấy chục triệu.
Ví như Bùi Minh Quốc lên diễn đàn kêu gọi chống Trung Quốc xâm lược và kêu gọi tự do, bị cả chủ tịch đoàn có ông trung tướng công an đeo súng sáu bên sườn đuổi xuống. Khổ thân anh, hai vợ chồng đi chiến trường đánh Mỹ cho lắm, chị vợ anh – Dương Thị Xuân Qúy bị lính Nam Hàn ném lựu đạn vào hầm giết chết- giờ được trả công như thế này đây.
MVH: Trong bài tham luận của anh, anh nói “chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước”. Thực tế, sự thật không bao giờ có dưới bất kỳ chế độ CS nào, dù ở VN hay đông Âu (trước kia). Chỉ có giải thể chế độ này thì mọi sự thật sẽ lần lượt được phơi bày ra ánh sáng. Như vậy, anh đã kiến nghị một điều không tưởng?
TMH: Vâng đúng là tôi tôi đã kiến nghị một điều không tưởng, đúng như chị nói, trong chế độ CS, sự thật không có nơi cư trú, sự thật bị chôn vào mồ êm mả đẹp
MVH: (Vẫn vừa chat vừa đọc bài viết của TMH trên TLW, đến đoạn nói về nhà văn Hữu Ước)…
Tôi có đọc cuốn sách của Trần Đăng Khoa “Chân dung và đối thoại” khen nhà văn Hữu Ước hết lời, giờ thấy anh chê dữ quá?
TMH: Trần Đăng Khoa khen cuội đó mà. Khen ai rồi cậu ấy cười khẩy: ông khen cho mày chết.
Công bằng Hữu Ước làm báo giỏi nhất Việt Nam, anh ấy có thể dùng tay không ra một vài tờ báo trong một năm đã có thể hốt bạc tỉ, nhưng viết văn thì chưa hay, không hay.
Hữu Ước bẩm sinh rất thông minh, hoạt bát vô song, hồi cách đây gần 30 năm, anh Hữu Ước là đại úy công an, bị công an bắt tù ba năm, vậy mà giờ này anh leo lên tới cấp trung tướng, lại được phong danh hiệu anh hùng thời đổi mới. Người như thế, thế giới liệu có bao nhiêu?
MVH: Nhưng tờ An ninh thế giới mà Hữu Ước làm chủ bút có nhiều bài báo không trung thực, nhất là các bài liên quan tới những người bất đồng chính kiến ở VN hay những người tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại. Tờ báo đã cố tình bôi đen họ và điều này không đúng với tư cách của một nhà báo. Có thể đó là tư cách của trung tướng công an?
TMH: Vâng cái đó thì có đấy, độc quyền dễ sinh ra bậy bạ là thế: vu oan giá họa cho người ta để đẹp lòng đảng và bán báo kiếm tiền.
Kết thúc đại hội nhà văn, Hữu ước lên diễn đàn bảo TMH và Bùi Minh Quốc là Lý Tống lên quậy phá đại hội. Rồi anh Ước hù dọa chúng tôi. Nhưng Ước đã bị đại hội vỗ tay đuổi xuống..He he he….
MVH: So TMH với Lý Tống, anh không đùa đấy chứ?
TMH: Hữu Ước nói trên đại hội mà, bảo hai chúng tôi là Lý Tống lên phá hoại hội nghị. Lý Tống là một anh hùng nhưng TMH chỉ là con thỏ đế, so sánh thế mà không biết ngượng mồm à chú Ước?
MVH: So sánh như vậy là kỳ vì TMH dùng ngòi bút, chứ đâu có cướp máy bay hay dùng bình xịt?
TMH: Các vụ trước của Lý Tống thì tôi phục lăn, nhưng vụ xịt hơi cay vào mặt cháu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì tôi không phục.
MVH: Thôi mình trở lại chuyện văn học. Có người nói rằng, cứ bỏ kiểm duyệt đi thì Việt Nam sẽ có tác phẩm văn học lớn. Cá nhân tôi không lạc quan như vậy mà cho rằng, đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để VN có tác phẩm văn học lớn, còn ý anh ra sao, thưa nhà văn?
TMH: Chị chỉ được cái nói đúng!
MVH: Tại sao văn học nước nhà cứ èo uột hoài vậy, dù nhà văn bây giờ đã no cái bụng hơi mấy thập niên trước kia?
TMH: Nó lèo tèo là đúng. Nguyên nhân chính vì nó thiếu tài năng lớn. Thiếu tài mà đổ cho cộng sản không cho tự do sáng tác là không đúng. Tất nhiên, nguyên nhân CS chỉ có một phần nhỏ. Các thiên tài văn học Nga sau năm 1917 đều cho ra đời những kiệt tác trong sự o ép vô bờ bến của nhà nước Xô Viết ví như : Solokhop với :”Sông Đông êm đềm”, ” Đất vỡ hoang”, Boris Paternac với mấy tập thơ kiệt tác và tiểu thuyết :” Bác sĩ Jivago”, Soljenitsin với ” Quần đảo Gulag”…Còn Việt Nam trừ Bảo Ninh và Lê Lựu, hầu như chưa ai có cuốn tiểu thuyết lớn.
MVH: ĐH NV lần này, có kế hoạch gì cho việc sáng tác không, thưa anh?
TMH: Chẳng có kế hoạch gì ráo trọi. Hội chỉ có kế hoạch xin tiền tài trợ mà thôi
MVH: Nhưng tài trợ dùng cho việc sáng tác mà?
TMH: Sáng tác thì ít mà tối tác thì nhiều thưa chị. Nếu Vũ Trọng Phụng ngày xưa mà được đảng tài trợ sáng tác như bây giờ, chắc chẳng viết được cuốn nào giá trị.
MVH: Xin đồng ý với anh, nhận tài trợ đương nhiên là chịu sự định hướng và chính sự định hướng của đảng làm hỏng nền văn học nước nhà.
TMH: Hỏng 100%. Văn học mà phải làm nô bộc cho chính trị thì không phải văn học.
MVH: Bây giờ, các trang mạng lề trái cũng mở ra một cánh cửa để các nhà văn có thể xuất bản những tác phẩm “nhạy cảm” của mình nhưng nó không đem lại được cơm áo cho nhà văn, mà ai cũng phải ăn, phải mặc rồi mới có thể làm việc được. Nên làm sao để nhà văn ít phụ thuộc hơn vào đảng là một câu hỏi. Anh nghĩ sao?
TMH: Nghèo đói không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc viết tác phẩm lớn. Doxtoiepxki, Balzac nghèo đói lắm, thiếu thốn lắm chả có đảng điếc gì cho tiền, mà sao họ viết ra nhiều kiệt tác thế?
MVH: Định chỉ hỏi anh về chuyện bị bịt miệng, dẫn tới việc bị “cấm khẩu” luôn, nhưng mình đang đi vào một câu hỏi rất lớn là: vì lý do gì VN chưa có tác phẩm lớn. Không hẳn vì sự kiểm duyệt, không hẳn vì nghèo đói. Vậy vì văn hóa dân tộc ta?
TMH: Theo tôi, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ta chưa có tác phẩm lớn: văn hóa dân tộc, tính cách dân tộc, các cá nhân cầm bút chưa có tài và tầm lớn. Sao cùng di tản và sống ở nước ngoài mà các nhà văn lưu vong người Tàu, nhưng Nhật người Hàn đã có tác phẩm làm rạng danh dân tộc họ, còn các nhà văn ta ở hải ngoại thừa tự do sáng tác, đủ điều kiện vật chất, sao chưa có tác phẩm lớn?
Cũng là dưới chế độ CS, mà các nhà văn Trung Quốc có nhiều tác phẩm lớn dịch ra thế giới làm vang danh dân tộc, còn ta thì chưa : mấy vụ dịch sách của Dương Thu Hương, Bảo Ninh hay Nguyễn Huy Thiệp chưa gây tiếng vang lớn như các nhà văn bên Trung Cộng.
MVH: Thôi, cho là vận của văn học VN chưa phát.
TMH: OK, do vận mạng văn học dân tộc ta còn ở chỗ thấp so với nước người
MVH: Xin lỗi, đã hành nhà văn một bữa mỏi tay.
TMH: Bị bịt miệng là cái nhỏ, chỉ làm mất uy tín đại hội của hội nhà văn Hữu Thỉnh mà thôi, chứ còn lâu mới bịt được mồm TMH, trừ họ chơi đòn bẩn đẩy mình xuống sông hay định hướng đụng xe. Cám ơn chị nhé, bai bai..
MVH: Cám ơn anh.MVH, TMH
nguồn: http://www.danchimviet.com
Trần Mạnh Hảo – Good Bye đại hội bịt mồm
Trước Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, chúng tôi đã viết bản tham luận: ”Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước” gửi cho blog talawas, website Đàn Chim Việt… Lập tức hàng chục website nối mạng, đặc biệt có hai trang mạng trong nước là website của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và trang Bauxite VN của GS. Nguyễn Huệ Chi cũng post bài tham luận của chúng tôi cho mọi người cùng đọc.
Sáng 05-8-2010, khi tới Học viện Chính trị quốc gia để dự đại hội, đa số các nhà văn đều bắt tay chúng tôi chia sẻ và động viên, rằng bản tham luận ông viết rất được… xin chúc mừng. Một số nhà văn nổi tiếng “yêu đảng vượt chỉ tiêu trên giao” như N.Đ.X., T.T.Đ… cũng bắt tay chúc mừng chúng tôi đã cả gan nói ra những sự thật chết người, mà nói có lý luận, có sự thật bảo chứng…
Có nhà văn động viên chúng tôi hết lời, đoạn dặn rằng: chớ kể ra tên tớ đã ủng hộ cậu nhá, có thể “nó” không bắt cậu nhưng “nó” bắt thằng ủng hộ cậu đấy, tớ hãi lắm; “nó” muốn để cho SỰ THẬT ĐƯỢC MỒ YÊN MẢ ĐẸP”, cậu lại cả gan bốc nấm mộ này lên, mất mạng như chơi…
Các nhà văn đều tin rằng, “nó” đếch cho cậu đọc tham luận này đâu. Nhiều nhà văn còn rỉ tai dặn: tuyệt đối ông không được uống nước có sẵn (chai nước lọc) trong khách sạn Kim Liên nhá, không được một mình đi vào các con phố vắng nhá, ai không thân mời đi ăn uống là tuyệt đối không nhá, đi đâu nên rủ hai ba thằng nhà văn bạn bè đi cùng nhá; rằng ông nhớ vụ cụ Dương Bạch Mai người Nam Kỳ trong cuộc họp quốc hội ngày nào chứ, cụ này mới lên diễn đàn nói thật một tí teo thôi, đoạn xuống uống một ly nước (hay bia gì đó) liền lăn đùng ra chết… Ở đầt nước “tự do gấp triệu lần tư bản”, toàn “đỉnh cao trí tuệ” cầm quyền với chủ nghĩa bách chiến bách thắng… đã bao người mới hé mồm ra nói sự thật như cụ Dương Bạch Mai liền lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử, thì thằng phá trời như mày liều mạng nói toẹt ra sự thật, coi chừng thí mạng cùi đó nghe con!
Nghe bạn bè lo lắng cho tính mạng của mình như vậy, tôi hãi lắm, nếu có làm sao thì cha già ngoài quê Nam Định, vợ con trong Sài Gòn biết cậy vào ai? Nghe anh bạn thân tái mặt bảo: chỉ có thằng điên như mày mới dám viết tham luận như vậy, mày đang là số phận của con cá nằm trên thớt mà dám cãi nhau với cả dao liền thớt thì coi chừng đi họp chi bộ với hà bá đó! Bước vào hội trường, tôi tự dặn mình: im mồm nhé, tuyệt đối câm nhé, đồng chí Hảo ngu như lợn ơi, mua băng keo dán miệng lại nhé… Trước khi ra Hà Nội, vợ con và bạn bè dặn: tịnh khẩu là thượng sách, đóng vai thằng đần là ăn chắc sống, thề đi, xin thề!
Thế mà trong không khí bầu bán “quần ngư tranh thực” rất vô văn hóa của đại hội, nhất là không thể chịu được cách điều hành đại hội rất xách mé và trịch thượng của ông trung tướng công an Hữu Ước (nhạc sĩ mù nhạc, họa sĩ mù màu, nhà văn ít chữ…) chúng tôi đã quên béng lời dặn dò tịnh khẩu của người thân, quên béng mình đã hứa với mình: quyết tâm làm con lợn chỉ ủn ỉn chơi với bạn bè trong đại hội thôi, nghĩa là ngu vĩnh viễn đi là yên… lại ngứa tay, ngứa mồm giơ tay xin phát biểu ý kiến…
Chúng tôi đã giơ tay mấy lần, giơ tay rất lâu mà các vị chủ tịch đoàn tuyệt đối không cho lên, không cho nói. Hàng chục nhà văn ngồi quanh chúng tôi nói lớn: ông Hảo cứ lên đi, cứ lên đi, sao lại không cho một nhà văn hàng đầu của hội phát biểu… Rồi có mấy tiếng quát cô cầm micro: đưa micro cho ông Hảo. Không khí sôi sục làm chúng tôi thêm dũng khí, đứng lên nói: xin cô cho tôi mượn micro. Cô gái cầm micro quyết không đưa; có ai đứng bên cạnh giật được micro giúi vào tay tôi. Cô gái giữ trận địa an ninh của đảng giật lại micro như giật súng, nhưng không giật lại được. Tôi nói vào micro: kính thưa quý vị nhưng micro câm tiếng. Có ai nói: nó cúp điện micro này rồi, nó là micro đểu. Mấy ông nhà văn to tiếng: ông Hảo lên bục đoàn chủ tịch ngay, trên đó có hai cái micro tốt nhất nước đấy…
Tôi hùng dũng lên bục cao chủ tịch đoàn, giúi mồm vào hai chiếc micro như hai miệng súng chĩa vào tôi, đoạn kính thưa, rồi nói. Tôi mừng thầm, micro này vẫn còn chưa bị cúp: kính thưa quý vị, có cảm tưởng tôi đã đến nhầm địa chỉ, hình như đây không phải là đại hội nhà văn, đây là một đại hội chính trị tranh giành quyền lực. Ở đây văn học không có chỗ tồn tại. Hội nhà văn thì phải lịch lãm lịch sự, phải có văn hóa chứ, các vị đang đánh tráo khái niệm chính trị và văn học… Lập tức micro bị cúp… Tôi vẫn nói rất to hi vọng một số nhà văn ngôi hàng đầu nghe được: rằng ông trung tướng nhà văn Hữu Ước không biết viết văn, sao ngồi chủ tịch đoàn điều hành đại hội rất xách mé, trịch thượng, xin ông xuống cho… So với một số nhà văn bậc thầy ngồi dưới, ông Ước chỉ là thằng bé con tập tành viết lách lăng nhăng…
Nhà thơ Hữu Việt đứng lên hét to: không được đối xử với nhà văn như thế, sao lại cúp micro anh Hảo. Rất nhiều nhà văn đứng lên quát: không nghe thấy gì, để cho người ta nói, nối lại micro đi… vô văn hóa, vô văn hóa, toàn micro đểu…
Không có micro, tôi đi đi lại lại trước mặt chủ tịch đoàn một lúc rồi đành đi xuống…
Lập tức micro lại vang lên trong miệng người điều hành đại hội xin mời nhà văn Tô Nhuận Vĩ nói…
Chúng tôi bước xuống, bạn bè đỡ lấy tôi, bắt tay rối rít. Ai cũng bảo “nó” coi nhà văn như súc vật, bịp mồm người ta, không cho người ta nói là khinh bỉ toàn đại hội. Tôi ngồi cạnh nhà thơ hàng đầu Việt Nam Bằng Việt, anh bảo tôi phản đối trò cúp micro vô văn hóa này, đây là vết nhơ không thể xóa nổi của đại hội. Nhà thơ Anh Chi bắt tay tôi bảo: chúng nó thua ông rồi, chưa giao chiến mà nó đã thua một không, bọn khốn nạn, bọn vô văn hóa chứ đâu phải nhà văn, tao sẽ lên chủ tịch đoàn chửi thẳng vào mặt chúng nó: chúng mày cúp micro của thằng Hảo là chúng mày ném bùn vào đại hội đấy, chúng mày đã làm đại hội thất bại vì đây là đại hội bịt mồm… Phạm Đình Trọng bắt tay tôi: chúng nó đã biến ông thành linh mục Nguyễn Văn Lý, ông bị một đại hội lớn bịp mồm.
Giờ giải lao các nhà văn xúm đến bắt tay tôi, chửi bọn bịt mồm. Thanh Thảo cười ngặt nghẽo: chúng nó cho chú Hảo rơi vào cõi im lặng đáng sợ, Hảo ta câm hoàn toàn, dán giấy vào miệng mày, sướng chưa con… Nguyễn Quang Lập chống gậy ra cửa bảo: em vừa quát vào mặt thằng phó ban tuyên giáo: chúng mày súng ống đầy mình sao lại sợ Trần Mạnh Hảo tay không đến thế? Mỹ chúng mày không sợ mà sợ Hảo à, đồ ngu!
Chiều 5-8-2010, sau khi đài RFA gọi điện thoại phỏng vấn chúng tôi về sự kiện bịp mồm, ông Hữu Thỉnh xin lỗi đại hội về sự cố kỹ thuật bị mất điện micro của anh Hảo rất đáng tiếc, chúng tôi xin lỗi và sẽ kiểm điểm sâu sắc những người phụ trách kỹ thuật âm thanh. Cả hội trường ồ lên: cắt micro, bịt mồm người ta rồi sao còn đổ lỗi cho kỹ thật, giấu đầu lòi đuôi.
Các nhà văn bảo tôi: xin lỗi vì trục trặc kỹ thuật nên ông Hảo không nói được vì micro mất điện, nếu quang minh chính đại thì phải mời anh Hảo lên nói lại chứ, bắn không nên đền đạn chứ. Nói dối lòi mẹ cái đuôi định hướng micro, micro đểu rồi còn xoen xoét cái miệng gian trá, bịp bợm. Đúng bọn này là bọn không lương thiện, không tử tế, còn lâu mới thành người mà dám khoác áo nhà văn, khoác áo chủ tịch đoàn, thế giới nó khinh như mẻ, đám ma bùn chứ nhà văn gì chúng nó…
Một số nhà văn đã đi tìm hiểu, hỏi cán bộ công nhân viên học viện chính trị quốc gia rằng hệ thống âm thanh ở đây có bao giờ trục trặc chưa? Họ trả lời, đây là trường đảng của Bộ chính trị, trục trặc âm thanh có mà chết, không bao giờ bị trục trặc âm thanh, dàn âm thanh tốt nhất nước đấy…Với lại, hội trường này không bao giờ bị mất điện, tuyệt đối không bao giờ micro bị tắt tiếng như sự cố hôm nay đâu…
Sau hai ngày ngồi trong hội trường đại hội, chúng tôi và rất nhiều anh em nhà văn phát hiện ra sự thật này: âm thanh micro của đại hội là âm thanh đểu, micro đểu. Vì mỗi lần ông Hữu Thỉnh nói hay các ông trong chủ tịch đoàn nói, hay những ông đọc tham luận y hệt xã luận báo Nhân Dân thì âm thanh rất tốt, rất vang, rất rõ. Rõ đến nỗi tôi ngồi bên ngoài, đi trong sân của hội trường còn nghe rõ mồn một. Thế mà khi nhà văn lên nói hay lên tham luận mà họ không nắm được, họ bèn vặn rất nhỏ âm thanh micro. Tham luận của GS. Phong Lê có nhắc đền Hoàng Sa , Trường Sa, nhắc đến nỗi nguy mất nước thì micro bị nhiễu, rè như kẻ khản đặc tiếng, nghe câu được câu chăng… Các tham luận hay phát biểu của Bùi Minh Quốc, Phạm Đình Trọng… đều bị micro đểu làm méo hết giọng. Đúng là quân đểu, micro đểu, đại hội đểu…
Các nhà văn giờ giải lao xúm vào hỏi tôi, rằng ông định nói gì lúc đó, nạn nhân của micro đểu, tự do đểu, dân chủ đểu định nói gì mà “nó” sợ ông hơn sợ đế quốc Mỹ vậy? Tôi bảo, tôi đâu có cầm trong tay bản tham luận đâu mà “nó” cắt micro của tôi, tôi chỉ xin nói ba đến bốn phút mấy cảm nghĩ như sau:
Thứ nhất, tôi thấy sự thật và đất nước không có mặt tại hội trường này. Dân tộc ta, đất nước ta đang bị bọn giặc phương Bắc xâm lược; chiếm các quần đảo của ta, giết dân ta ngoài biển như giết ngóe, chiếm đất liền ta bằng kế hoạch bauxite thậm độc, trồng rừng đểu, khai quặng đểu để chiếm đất, chiếm rừng rồi ồ ạt di dân Tàu sang đất ta…Họa mất nước đang đến gần sát sạt. Vậy mà ông Hữu Thỉnh lờ đi, chủ tịch đoàn lờ đi, đa số nhà văn lờ đi, tham luận chúng ta lờ đi… Làm như đại hội nhà văn lần thứ tám này đang diễn ra bên Trung Quốc chứ không diễn ra trên đất nước ta. Điều lo lắng quan tâm nhất của 85 triệu đồng bào không hiện diện trong hội trường này; thế thì chúng ta câm mồm để Trung Quốc bóp cổ đất nước, chúng ta đồng lòng với kẻ xâm lược à?
Thứ hai, tôi muốn cải chính dùm cho ông Hữu Thỉnh. Sau khi bài báo động trời của nhà văn Trang Hạ: “Em không phải nhà văn” tung lên các trang mạng trong và ngoài nước, nhiều nhà văn hỏi chúng tôi; rằng có phải nhà thơ Hữu Thỉnh là người của Trung Quốc, do Trung Quốc cài cắm vào từ lâu để nắm hội nhà văn, sao thấy các hành xử quốc tế của ông Thỉnh yêu nước Tàu hơn yêu nước Việt, làm cái gì cũng cốt để đẹp lòng thiên triều phương Bắc? Tôi bèn trả lời rằng, không nên kết luận sớm quá như vậy, chẳng lẽ ông Hữu Thỉnh lại đang tâm làm gian tế cho giặc hay sao?
Xin good bye chủ tịch hội nhà văn Hữu Thỉnh!
Kính xin ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII Hữu Thỉnh (ông Thỉnh đã làm chủ tịch hội ba khóa rưỡi) hãy rủ lòng thương, ban cho tôi ân đức, xin ngài hạ cố gạch tên chúng tôi trong danh sách hội viên. Xin cảm ơn ông trước. Chúng tôi không làm đơn xin ra khỏi hội; vì khi vào hội nhà văn năm 1975, chúng tôi không phải làm đơn, được hội nhà văn tự động đưa vào hội cùng mấy chục nhà văn trong văn nghệ giải phóng từ chiến khu về.
Qua đại hội này, chúng tôi kết luận: Hội nhà văn Việt Nam sinh ra không phải để phụng sự Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam, mà chỉ cốt phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Mà đảng cộng sản Việt Nam thì không phải là dân tộc hay tổ quốc Việt Nam.
Xin good bye đại hội bịp mồm!
Sài Gòn ngày 07-8-2010
© 2010 Trần Mạnh Hảo
© 2010 talawas
Phản hồi
5 phản hồi (bài “Trần Mạnh Hảo – Good Bye đại hội bịt mồm”)
Nhà nước VN hiện nay áp dụng chính sách cai trị theo 3 phương pháp : khủng bố, gây sợ hãi, và tiêu diệt mọi hy vọng manh nha (để làm cho tuyệt vọng). Ba phương pháp này đã và đang được áp dụng tại những nước như Bắc Hàn, Trung Quốc, Cu Ba, Miến Điện và một số các nước Đông Âu trước kia (như Lỗ Ma Ni, Ba Lan…) cũng như một số các nước ở Châu Phi hiện nay.
Khi một nước có quân đội hùng mạnh trong tay, việc bịt mồm không khó. Tuy nhiên, ngày nào có rạn nứt trong quân đội đó, ngày đó có nhiều hy vọng về một sự đổi thay.
Biết đâu một ngày nào đó sẽ có những Trần Mạnh Hảo, những Lê Thị Công Nhân, nổi lên đầy dẫy trong các đơn vị của Quân Đội Nhân Dân VN. Ngày đó một trang sử mới cho quê hương VN sẽ được viết lên khi các chiến sĩ và công an nhân dân từ chối không đi làm chuyện bịt mồm nữa.
Cả nước nói dối và cả nước phải làm xiếc, nước Việt mình đúng là đậm đà bản sắc, đượm mùi nhất thế giới. Nhà văn nào còn tự trọng xin cùng Trần Mạnh Hảo Good Bye cái Hội đáng tủi nhục này đi, ngồi chung vào đấy không sung sướng gì đâu.
Tôi xin post mấy câu về gánh xiếc Nhà văn An nam dưới sự lãnh đạo…
GÁNH XIẾC LÌ QUÊ TÔI
Gánh xiếc này đông đến… cả ngàn
GIÁ ÁO: là Hề khoác áo …quan!
TÚI CƠM: là TÚI THƠ mùi mẫn
Khướu vẹt ngâm thơ, khỉ đệm đàn!
Non nước một mai giông bão nổi
Gánh xiếc quê tôi mới… hạ màn !
Thú thiệt, từ trước đến nay tôi chẳng nghĩ đến sự tồn tại và hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam(HNVVN). Gần đây, trước khi có Đại hội HNVVN, nhờ đọc những bài viết trên talawas và rồi từ đó tìm hiểu thêm ở một vài trang blog khác, tôi thấy nực cười thay cái hội ấy và bản thân ông Hữu Thỉnh, hội trưởng. Đúng như một vài bác nhận định, đúng là Hội Nhà … Ăn.. (hại)!
Thế nhưng, những diễn biến trong và sau Đại hội HNVVN khiến cho tôi có nhiều thắc mắc. Cụ thể, đọc bài viết này của nhà văn Trần Mạnh Hảo(TMH), tôi nghĩ TMH cố tạo cho chúng ta cái cảm tưởng có rất nhiều nhà văn ủng hộ TMH (tức là nhìn ra được cái “đểu” của ông Hữu Thỉnh). Tuy nhiên, kết quả bầu Ban Chấp Hành cho thấy ông Hữu Thỉnh đạt số phiếu tín nhiệm rất cao (khoảng 90% thì phải).
Được biết khoảng 700/922 nhà văn đi dự Đại hội (gần 80%) và trong số này có khoảng 90% ủng hộ ông Hữu Thỉnh. Dù thế nào đi nữa, ông Hữu Thỉnh vẫn còn được sự kính trọng và ủng hộ của đa số (ít ra cũng hơn 2/3) các hội viên HNVVN.
- Nếu điều này phản ảnh đúng sự thật , thì hóa ra, nhà văn TMH đã dùng nhiều lời hay ý đẹp để nói quá về mình và sự ủng hộ của các nhà văn tham dự đại hội dành cho mình(TMH)! Chưa kể, lời lẽ phê phán của nhà văn TMH dành cho ông Hữu Thỉnh và Ban Tổ chức Đại hội cũng chẳng phải “dễ nghe”. “49 gặp 50″ chăng?
- Ngược lại, nếu điều này phản ảnh không đúng sự thật, tức là có hiện tượng các hội viên dự đại hội bị một “sức ép” nào đó phải dồn phiếu cho ông Hữu Thỉnh hoặc có sự gian lận trong quá trình bầu cử và kiểm phiếu, thì ông Hữu Thỉnh rất đáng bị chê trách.
Đọc nhiều bài viết liên quan đến việc bầu cử BCH/HNVVN, tôi chưa thấy có bài viết nào nhắc tới “sức ép” hay sự gian lận. Nhân đây, xin được hỏi nhà văn Trần Mạnh Hảo, ông có nghi ngờ hay thấy điều gì đó liên quan tới “sức ép” hay sự gian lận trong quá trình bầu BCH không? Các bác khác có thông tin gì thêm xin cung cấp để tôi có dịp học hỏi.
Những điều các bác chê cười HNVVN và cá nhân ông Hữu Thỉnh thuộc “thẩm quyền” quý bác. Tôi nghĩ rằng phần lớn ý kiến các bác có lẽ là đúng. Riêng việc ông Hữu Thỉnh tiếp tục làm Chủ tịch Hội thêm một nhiệm kỳ , theo tôi, thì chẳng có gì sai. Trong một tổ chức hội đoàn, người ta tín nhiệm ai thì họ bầu người đó , miễn là mọi thủ tục bầu cử hợp lý và hợp pháp. Nếu ông Hữu Thỉnh vận động hội viên và rồi kiếm được đa số phiếu một cách chính đáng thì ông Hữu Thỉnh nên đáng được ngợi khen. Tôi tin rằng có những lý do hợp lý khiến đa số hội viên HNVVN vẫn còn tín nhiệm ông Hữu Thỉnh.
Mới hay, muốn tường tận sự việc mà chỉ đọc báo chí một lề, phải hay trái, đều dễ dẫn đến sự nhầm lẫn.
Kính,
Tôi bổ sung thêm một vài cái đểu – trong nhiều cái đểu đã được nêu ra trong bài viết này – nữa nhé : kịch bản đểu, đạo diễn đểu, biên kịch đểu, diễn viên đểu, vai chính đểu, lời thoại đểu …
Với bộ phim mang tên rất đểu : Hội Đểu !
1/Vụ “micro” đểu : Trong bộ phim danh tiếng “God Father” tập III, có một cảnh trong một phiên họp ở một công ty địa ốc lớn mà gia đình Corléone lăm le vào thao túng, một nhân vật đứng lên cáo buộc gia đình “Bố Già” này những điều nặng nề, mọi người đều đang ngỡ ngàng thì người cháu gọi M. Corleone là chú thản nhiên lên ngắt micro cái “cạch” thật giản đơn, nay ông Hữu Thỉnh so về tư cách thì còn xa mới với đến được tiêu chuẩn Mafia, nhưng xem ra vụ hành xử bịt miệng ông Hảo thì cũng đã học hỏi được một chi tiết ứng xử “đểu” được việc .
2/ Vụ ông H.Thỉnh đổ vấy cho nhân viên kỹ thuật nên mới có sự cố hỏng micro lại làm tôi nhớ lại hình như trước đây có cậu Đào Duy Quát con trai ông Đào Duy Tùng đổ lỗi cho nhân viên đánh máy nên mới có chi tiết thừa nhận quyền hạn thiên triều gì gì đó, nghe đâu cậu Quát vừa được mời về nhà ngồi chơi vấn thuốc rê cùng ông thi sĩ, nguyên Uỷ Viên BCT Nguyễn Khoa Điềm thì phải, me-xừ Thỉnh nghe đâu là một người đồng cô bóng cậu lắm, chẳng biết ông có nghĩ đến cái điềm “hung” (như Đ.D.Quát) sẽ ứng vào trường hợp mình không, ông Hảo nhỉ ?