Lại thư của nông dân: về việc bị công an thẩm vấn vì “phát tán tài liệu” trên Bauxite Việt Nam
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-0-
Bình Dương ngày 10 tháng 8 năm 2010
CÔNG AN TỈNH BÌNH DƯƠNG, QUÊ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT, TRUY BỨC, SÁCH NHIỄU NGƯỜI DÂN VÌ ĐỌC BÀI CỦA TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ TRẢ LỜI ĐÀI TIẾNG NÓI HOA KỲ ĐĂNG TRÊN BAUXITE VIỆT NAM
Kính gửi: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Bauxite Việt Nam
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – VPLS Cù Huy Hà Vũ
Tôi là Kim Văn Vũ, cư ngụ tại ấp 2, xã Tân Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, xin kính chào các Ông.
Tôi là người ít học nhưng thường xuyên truy cập trang Bauxite Việt Nam. Tôi nhận thấy đây chính là Tiếng nói của người dân Việt Nam vì có kiến nghị, phát biểu, bài viết của rất nhiều lão thành cách mạng, trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước đấu tranh quyết liệt chống các tiêu cực, suy đồi, tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia của các quan chức Đảng và Nhà nước.
Trong các thông tin mà Bauxite Việt Nam đã đăng, tôi rất tâm đắc với việc Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do Thủ tướng đã cho Trung Quốc khai thác trái pháp luật bô-xít ở Tây Nguyên và cùng một số bà con hàng xóm tôi mòn mỏi trông chờ sự công minh, bình đẳng của pháp luật trong vụ kiện này.
Mới đây, Bauxite Việt Nam đăng bài của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trả lời phỏng vấn đài Tiêng nói Hoa Kỳ - VOA có đầu đề “TS Cù Huy Hà Vũ: từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp”. Tôi đọc và rất thích bài này nhưng do bài này rất dài nên tôi đã in ra để lúc rảnh rỗi thì đọc. Bạn bè, hàng xóm đến chơi thấy bài này thì tranh nhau mượn đọc. Thế là tôi đã photo thêm một ít bản để cho họ đọc. Không ngờ đó lại là cái cớ để cho công an truy bức, sách nhiễu, làm tình làm tội tôi và những người đã đọc hoặc nghe đọc bài trả lời phỏng vấn đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Việc công an truy bức, sách nhiễu tôi diễn ra như sau.
Đầu tiên Công an huyện Bến Cát gọi tất cả những ai đã đọc bài trả lời đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đến Ủy ban xã Tân Hưng để họ điều tra, người nào không đến thì công an gồm 7 người đến tận nhà người đó làm việc. Có người sợ quá trốn chui, trốn lủi nhưng cuối cùng vẫn cứ phải đến Ủy ban xã để công an điều tra; có người biết chữ nhưng cũng giả là mù chữ để khỏi bị rắc rối; có người đọc rồi cũng khai là chưa đọc. Sau đó công an đi đến các địa phương nơi người thân của tôi cư ngụ để điều tra. Thế rồi công an tung tin tôi là “phản động” vì “tán phát tài liệu”, làm cho nhiều người xa lánh, không dám tiếp xúc với tôi.
Cuối cùng công an huyện Bến Cát có giấy mời tôi đến trụ sở Công an huyện để làm việc nhưng hai lần đầu tôi không đi vì giấy mời không ghi nội dung làm việc là gì. Hàng xóm tốt bụng đến nói với tôi rằng nếu tôi không đi công an sẽ đến cưỡng chế vì đây là quê của Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước và Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch huyện Bến Cát là cháu gọi Ngyễn Minh Triết bằng cậu ruột trong khi bài trả lời đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ lại đụng chạm đến Nguyễn Minh Triết.
Sau đó, tôi đã làm đơn khiếu nại gửi ông Trưởng công an huyện Bến Cát nói rằng hai lần trước tôi không đi vì giấy mời ghi không đúng quy định của pháp luật. Thế là công an huyện lại gửi giấy mời lần thứ ba và ghi rõ “làm việc về việc phát tán tài liệu” vào ngày 21/7 tại trụ sở công an huyện. Mặc dù nội dung của giấy mời lần này của công an huyện Bến Cát chẳng rõ gì hơn nhưng tôi đành phải đi vì lo sợ bị cưỡng chế. Tất nhiên tôi và gia đình tôi biết rằng đến trụ sở công an là gặp tai ương vì dân ở đây có câu: “Công an làm việc theo nguyên tắc “không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa!”.
Làm việc với tôi có ông Bửu, công an tỉnh Bình Dương mặc thường phục, ông Chí đội trưởng và ông Dũng đội phó an ninh huyện Bến Cát ngồi trước mặt tôi. Còn 3 ông nữa không giới thiệu tên thì ngồi phía sau lưng tôi. Trước khi làm việc họ yêu cầu tôi tắt chức năng ghi âm của máy điện thoại mặc dù tôi đòi được quyền ghi âm vì đây là buổi làm việc bình đẳng giữa hai bên. Cuối cùng tôi cũng phải tắt ghi âm vì họ nói đây là luật tuy không nói là luật nào.
Ba ông công an kể trên nói rằng việc tôi làm là vi phạm pháp luật vì:
Bài trả lời phỏng vấn đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ có nội dung chống đối đường lối của Đảng và Nhà nước ta, xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Trang Bauxite Việt Nam là trang mạng có nội dung đi ngược đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Đài Tiêng nói Hoa Kỳ - VOA là đài xấu, có nội dung chống đối đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Rồi các ông công an đưa ra một cuốn sách luật, chỉ vào và nói rằng tôi đã vi phạm điều này khoản kia nhưng vì việc làm của tôi chưa gây tác hại nghiêm trọng đến xã hội nên nếu tôi hứa không làm như vậy nũa thì sẽ chỉ cảnh cáo hành chính tôi. Lúc đó tôi sợ quá nên ký vào biên bản cam kết như vậy. Sau đó các ông công an hỏi tôi về tâm tư nguyện vọng. Tôi nói là trong thời gian vừa qua do nghe dư luận địa phương đồn tôi là kẻ phản động và tôi sẽ bị bắt đi tù nên bố tôi đã ngã bệnh, các con tôi hoang mang, sợ hãi, vợ tôi buồn bã, lo lắng. Các ông công an hứa ngày hôm sau sẽ về thăm hỏi để cho gia đình yên tâm. Rồi các ông công an cũng làm việc đó. Nhưng chỉ vài ngày sau, các ông công an lại mời tôi lên trụ sở công an huyện Bến Cát để làm việc tiếp về vụ “phát tán tài liệu”.
Ngày 28-7, tôi lại nhận được giấy mời của công an huyện Bến Cát và khoảng 8giờ 20 phút ngày 30-07-2010 tôi nhận được điện thoại của ông Chí đội trưởng an ninh công an huyện báo cho biết hôm nay Bộ Công an vào làm việc. Khoảng 9 giờ tôi có mặt tại trụ sở công an huyện Bến Cát. Bắt đầu buổi làm việc ông Chí đội trưởng an ninh giới thiệu là có ông Tuấn (mặc thường phục) là ngưòi của công an tỉnh chứ không phải của Bộ Công an về làm việc. Ngoài ông Chí, ông Tuấn còn có ông Dũng, đội phó an ninh huyện và 3 công an khác nữa không giới thiệu tên.
Công an Tuấn hỏi: Anh biết trang Bauxite Việt Nam lâu chưa?
Tôi đáp : Từ khoảng giữa năm ngoái.
Công an Tuấn hỏi: Tại sao anh vào trang này?
Tôi đáp: Tôi nghe nói Bauxite Việt Nam đăng 2 lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề nghị dừng ngay việc cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Vì vậy tôi tìm đến trang Bauxite Việt Nam.
Công an Tuấn hỏi: Anh hiểu gì về trang Bauxite Việt Nam?
Tôi đáp : Bauxite Việt Nam là trang mạng yêu nước.
Công an Tuấn hỏi: Tại sao anh nói Bauxite Việt Nam là trang mạng yêu nước?
Tôi đáp: Khi vào trang mạng này tôi nhìn thấy hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Công an Tuấn nói: Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ai đưa vào chẳng được. Tôi mở trang web rồi đưa hình của Đại tướng vào cũng được.
Tôi đáp: Tôi đố ông mở trang web rồi đưa hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đó!
Công an Tuấn cười rồi nói: Trang mạng Bauxite Việt Nam này có nội dung đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước ta!
Tôi đáp: Ông hãy ghi vào biên bản những gì ông vừa nói, là Bauxite Việt Nam là trang mạng có nội dung đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước rồi ký vào đó!
Nhưng công an Tuấn không dám ghi vào biên bản.
Tôi nói: Mặc dù tôi không ký vào bản Kiến nghị của Bauxite Việt Nam phản đối việc Chính phủ cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên nhưng trong lòng tôi luôn đồng tình và hưởng ứng việc làm đó của trang mạng này.
Hồi tôi còn nhỏ, ông cố của tôi, ông nội của tôi và cả bố tôi thường bảo rằng thằng giặc Tàu nó thâm độc và nguy hiểm lắm, nó đã gây nhiều tội ác chống dân tộc Việt Nam mình, bây giờ Hoàng Sa nó lấy mất rồi, Trường Sa nó cũng chiếm một số đảo rồi, Ải Nam Quan cũng bị nó lấy mất rồi mà bây giờ Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại rước nó về Tây Nguyên thì thật là hiểm họa khôn lường.
Tôi nói cho các ông công an nghe này, Mất Nước là Mất Hết, chẳng còn cái gì đâu, chẳng còn Đảng, Nhà nước, chẳng còn chế độ để cho các ông bảo vệ nữa đâu!
Công an Tuấn hỏi: Quan hệ của anh với ông Cù Huy Hà Vũ thế nào? Anh có biết gia đình ông Vũ không?
Tôi đáp: Trước kia tôi không hề quen Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ nhưng tôi biết phụ thân của ông là nhà thơ, Bộ trưởng Cù Huy Cận, người đã thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tước ấn, kiếm của vua Bảo Đại và bác ruột đồng thời là cha nuôi của ông là nhà thơ Xuân Diệu. Các ông đi học, đọc mãi thơ của Huy Cận và Xuân Diệu rồi còn gì!
Nhưng từ khi các ông công an đe dọa tôi và tất cả những người đã đọc bài trả lời phỏng vấn đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì tôi mở Bauxite Việt Nam, vào trang đăng Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lấy số điện thoại của Tiến sĩ và gọi cho ông ấy thông báo vụ việc nghiêm trọng này.
Sau đó công an Tuấn hỏi rất nhiều về nội dung các cuộc điện thoại giữa tôi và Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Thế nhưng tôi từ chối và yêu cầu công an Tuấn không hỏi nữa vì đây là quan hệ cá nhân.
Tôi cũng yêu các ông công an làm việc với tôi nói rõ là việc tôi đã cho mọi người đọc bài trả lời phỏng vấn đài VOA của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ có vi phạm pháp luật hay không, và nếu vi phạm thì vi phạm điều nào, khoản nào của luật nào nhưng các ông công an ấy không trả lời.
Công an Tuấn hỏi: Anh có biết ông Cù Huy Hà Vũ đã từng ứng cử Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ứng cử Đại biểu Quốc hội nhưng không được Đảng và Nhà nước ta chấp nhận chưa?
Tôi đáp: Tôi biết. Nhưng ở cái chế độ cộng sản này khỏi cần nói các ông cũng hiểu tại sao việc ứng cử của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ không được chấp nhận!
Công an Tuấn hỏi: Theo anh, nếu như ông Cù Huy Hà Vũ được làm Bộ trưởng và Đại biểu Quốc hội thì liệu ông Vũ có trả lời phỏng vấn của đài Mỹ như vậy không? Chẳng qua ông Vũ không ăn được thì đạp đổ, vậy thôi!
Tôi đáp: Theo tôi, một con người có trí tuệ, có lòng dũng cảm và lòng yêu nước như Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì ở cương vị nào ông ấy cũng sẽ làm những việc có lợi nhất cho Dân, cho Nước.
Công an Tuấn hỏi: Anh tôn thờ ông Cù Huy Hà Vũ hay sao?
Tôi đáp: Tôi không tôn thờ bất cứ ai ngoài cha mẹ, ông bà và tổ tiên tôi. Còn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì tôi kính nể vì ông có đủ tài, trí, lòng dũng cảm và lòng yêu nước. Việc Tiến sĩ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa án đã chứng minh rất rõ những phẩm chất này. Đáng tiếc là Đảng và Nhà nước đã không dám giải quyết đơn khởi kiện Thủ tướng của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Điều đó chứng tỏ rằng ở Việt Nam không có chuyện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật!
Công an Tuấn hỏi: Anh đã đọc bài mới nhất của ông Cù Huy Hà Vũ trả lời đài VOA nói Việt Nam phải liên minh quân sự với Mỹ cũng đăng trên Bauxite Việt Nam chưa? Ông Vũ biết gì mà bàn về quân sự!
Tôi đáp: Đương nhiên là tôi đã đọc. Cứu nước khỏi họa xâm lăng của Trung Quốc thì bất cứ người Việt Nam yêu nước nào dù thất học hay ít học như tôi đều phải bàn huống hồ ông Cù Huy Hà Vũ có học vị Tiến sĩ và sinh trưởng trong một gia đình yêu nước và cách mạng đến như thế!
Kết thúc buổi làm việc các ông công an còn hỏi tôi đã đưa bài trả lời đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cho những ai để công an đi thu lại.
Tôi nói rằng không có văn bản nào của Nhà nước, của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết luận rằng bài của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trả lời đài VOA vi phạm pháp luật nên công an không có quyền hỏi tôi như vậy.
Sau đó các ông công an cho tôi đọc biên bản làm việc. Biên bản rất sơ sài, không ghi hết tất cả những gì hai bên đã trao đổi trong buổi làm việc. Tuy nhiên tôi vẫn ký biên bản ấy.
Trước khi ra về, tôi nói với các ông công an rằng khi nào các ông có kết luận chính thức của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là bài trả lời đài VOA của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là vi phạm pháp luật thì mời tôi làm việc. Việc các ông liên tục mời tôi làm việc mà không có cơ sở pháp lý nào để kết luận tôi vi phạm pháp luật đã gây phiền nhiễu cho tôi rất nhiều và gây hoang mang cho gia đình tôi, đặc biệt cho các con tôi. Vì mỗi lần công an mời bố chúng nó đi làm việc là các con tôi chỉ sợ công an sẽ đánh chết bố chúng nó như nhiều vụ mà thông tin đại chúng đã đưa tin. Từ nay trở đi nếu các ông công an muốn gặp tôi thì hãy về Ủy ban xã Tân Hưng và lúc đó người thân của tôi phải cùng có mặt để đề phòng các ông công an giết tôi.
Ngày 5-8, công an huyện Bến Cát lần thứ 5 lại gửi giấy mời, yêu cầu tôi đến trụ sở công an huyện tiếp tục làm việc “về việc phát tán tài liệu”. Lần này tôi từ chối thẳng thừng vì tôi còn phải đi làm để kiếm cơm, kiếm gạo nuôi vợ, nuôi con.
Tôi cam đoan những sự việc tôi trình bày ở trên là hoàn toàn có thật.
Tôi xin kính chúc các Ông và Bauxite Việt Nam dồi dào sức khoẻ vì sự trường tồn của Tổ quốc và hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam .
Kính thư,
KIM VĂN VŨ
Thư trả lời của người điều hành Bauxite Việt Nam
Hà Nội ngày 11-8-2010
Kính gửi ông Kim Văn Vũ
Thưa ông,
Nhận được thư ông cả mấy chúng tôi đều rất xúc động. Về phần Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chắc sẽ có thư trả lời ông nay mai, riêng những người khởi xướng trang mạng Bauxite Việt Nam cho phép tôi được thay mặt ba anh em phúc đáp thư ông.
Những câu trả lời của ông về trang mạng Bauxite Việt Nam trước công an huyện Bến Cát là hoàn toàn chuẩn xác, chúng tôi rất hoan nghênh. Xin nói thêm để ông yên lòng: vào ngày 13 tháng Giêng năm 2010 cơ quan an ninh trung ương có cử một nhóm người đến gặp tôi, yêu cầu tôi cho xem nội dung ổ cứng máy vi tính mà tôi vẫn dùng để điều hành trang mạng, đồng thời mời tôi đến Tổng cục An ninh làm việc một số buổi, nhưng cuối cùng người lãnh đạo Tổng cục đã có kết luận cụ thể: trang mạng này là một tiếng nói nhiệt huyết với đất nước của giới trí thức, người điều hành trang mạng cũng là một trí thức uy tín, từ đời ông đời cha cho đến bản thân đều giữ vững truyền thống yêu nước và cách mạng, tuyệt đối không có liên hệ với lực lượng thù địch trong nước cũng như nước ngoài. Vì thế, ngày 8-2-2010 cơ quan an ninh đã mang ổ cứng đến lắp lại đầy đủ cho tôi, ngay sau đó, nhóm khởi xướng chúng tôi, gồm Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng đã làm đầy đủ thủ tục theo luật định là thông báo tên miền của trang mạng: boxitvn.net đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (thay cho tên miền cũ Bauxitevietnam.info bị bọn tin tặc phá hoại không thể truy nhập được nữa) và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp nhận và phản hồi nhanh chóng. Không những thế, chúng tôi còn lập ra hai trang blog là boxitvn.blogspot.com và boxitvn.wordpress.com để phổ biến một cách rộng rãi đến bạn đọc mọi tin tức thời sự cần thiết cũng như tiếng nói phản biện nhiều mặt của giới trí thức đối với các vấn đề nóng bỏng đang diễn ra trên đất nước. Và cho đến nay cả ba trang vẫn đang hoạt động suôn sẻ, được bạn đọc khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước hào hứng đón đọc hàng ngày.
Bởi vậy, xin ông cứ đàng hoàng vào trang Bauxite Việt Nam đọc những điều xét thấy bổ ích cho mình và cho bà con làng xóm của mình. Thêm nữa, nếu ông còn gặp những ai, bất kỳ người dân hay người chức việc Nhà nước, có ý kiến hiểu lầm về nội dung của nó thì mong ông thẳng thắn cải chính giúp chúng tôi. Còn trong trường hợp có người nào cản trở việc những người dân như ông đọc trang mạng này, có bằng chứng cụ thể, chúng tôi nhất định sẽ khởi kiện họ trước cơ quan pháp luật.
Nói vậy để ông thấy tính chính danh của trang mạng của chúng tôi là điều không ai có thể bác bỏ. Tất nhiên, sau một lần người điều hành trang mạng được an ninh thăm hỏi, tâm lý người đọc có thể có chút băn khoăn lo sợ khi vào đọc nó, hoặc hiểu lầm ngay bản thân tôi, cũng là điều thường tình. Sự thực sẽ đâu có đó. Xin được kể với ông một câu chuyện mới vừa xảy ra với tôi. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong kỳ họp Đại hội Hội Nhà văn khóa VIII mới vừa qua, tôi có đến dự họp. Rất nhiều bạn quen đều tỏ ý mừng rỡ chay đến tay bắt mặt mừng, hoặc tuy không quen nhưng được anh em nói tên cho biết, nhiều người cũng tìm đến nắm lấy tay tôi. Có lẽ họ mừng vì tưởng tôi không còn cơ hội được gặp một ai nữa. Nhưng rồi một trong số các bạn bè đó kéo tôi ra một góc thầm thì: “Tớ vừa hỏi thăm cậu qua một hội viên thuộc ngành an ninh thì anh ta bảo: Lẽ ra đã bắt cậu vào tù rồi, bởi cậu nhận của Đảng Việt Tân đến 15.000 USD, lại ăn chia không đều với anh em nên bị tố cáo, nhưng vì thương một trí thức có tuổi nên cơ quan an ninh đã buông tha cho cậu”. Tôi sửng sốt đứng ngây ra một lúc, tuy vậy, cũng chỉ giây lát là trấn tĩnh được, lập tức nói với bạn ý nghĩ chân thực buột thốt từ đáy lòng: “nếu quả thực tớ có nhận tiền của Đảng Việt Tân mà cơ quan an ninh thương hại tha cho thì liền sau lúc được tha, với lương tâm của một trí thức, tớ sẽ làm đơn tố cáo ngay cơ quan an ninh đã để lọt tội phạm, bởi Đảng Việt Tân mà cậu nói, theo tớ biết, là một tổ chức bị liệt vào số những tổ chức khủng bố, lật đổ Nhà nước Việt Nam. Nói thế để cậu thấy những lời hù dọa kia là một cách bôi nhọ người khác khéo làm ra vẻ nhân đạo đó thôi, chứ chỉ cần cầm của cái tổ chức đó 100 đôla cũng đủ tù mọt gông, đừng hòng có mặt ở đây gặp cậu nữa, tuổi tác thì có là gì”. Bạn tôi lặng lẽ gật đầu. Vậy đấy, thưa ông Kim Văn Vũ, chúng ta sống thẳng thắn với lương tâm mình thì không sợ gì cả, dù ai giở trò bôi bác hay đe nẹt, tra vấn đến đâu cũng không mảy may khiến mình phải sợ. “Cây ngay không sợ chết đứng” có phải không ông. Chúng ta chỉ sợ chính sự hành hạ của lương tâm chúng ta thôi.
Xin chúc ông dồi dào sức khỏe và tìm thấy ở Bauxite Việt Nam một người bạn tin cậy, hàng ngày có những bài viết mới góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con nông dân, cũng như góp phần vào cuộc đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước, cho công bằng và phát triển xã hội, và cho lý tưởng dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh là người khai sáng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người noi dõi lý tưởng ấy trong sự nghiệp hiển hách cũng như bản lĩnh kiên cường của ông.
Nguyễn Huệ Chi
http://boxitvn.blogspot.com
http://boxitvn.blogspot.com
http://www.nguoi-viet.com Ngô Nhân Dụng Muốn biết tình trạng đảng và chính quyền Cộng Sản đang cai trị nước ta nó lủng củng lỉnh kỉnh như thế nào, chỉ cần đọc một bản tin ngắn viết về Ðại Học Phan Châu Trinh, Hội An mới đăng trên mạng Bô Xít Việt Cả phái đoàn bị ông bí thư thành ủy Hội An mắng cho một trận và dọa sẽ cho “sinh viên kéo đến hỏi chuyện.” Ông chủ tịch hội đồng quản trị đại học tuyên bố trả lại văn thư cho ông bộ trưởng giáo dục, không thèm nhận. Ông tố cáo những quyết định này chỉ rập theo một “kịch bản” của mấy tay tham nhũng trong Bộ Giáo Dục mà nhà trường đang tố giác mấy người đó! Sau cùng phái đoàn Bộ Giáo Dục đành bẽn lẽn ra về. Các mệnh lệnh trên vẫn được truyền đi qua báo chí, dù biết sẽ không được thi hành. Câu chuyện nóng ngay từ màn đầu: Phái đoàn Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo do bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cầm đầu từ Hà Nội bay vô Hội An, trong phòng họp có các nhà báo chuẩn bị ghi chép, chụp ảnh và quay phim; lúc 8 giờ 15 phút ban giám đốc Ðại Học Phan Châu Trinh mới chào mừng xong bà Nghĩa đã nói ngay rằng bà bận cái hẹn khác lúc 9 giờ rưỡi cho nên chỉ có thời giờ “trao đổi” với họ về 4 đề tài trong vòng một giờ thôi. Vì vậy bà chỉ cho họ nghe các quyết định của bộ, tuyệt nhiên “không đối thoại!” Tức là chỉ “trao mà không đổi!” Bản tin không nói rõ, nhưng chắc ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu phải có mặt tại phòng họp, chuẩn bị nghe tin mình bị cất chức mà ai cũng biết trước. Việc cất chức một vị hiệu trưởng đại học (trong Tôi nhớ hồi dậy học trong phân khoa quản trị (faculty of management) Ðại Học McGill ở Trước phong cách trịch thượng, quan quyền của bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị tỏ ư ngạc nhiên. Ông nói, đây là một vấn đề “nổi cộm” đã lôi thôi từ mấy năm rồi, không phải chuyện nhỏ. Mà Bộ Giáo Dục đã cử cả phái đoàn 10 người vào Hội An làm việc, sao lại chỉ nói một giờ đồng hồ mà không cho đối thoại? Ông nhà văn nghèo hỏi: “Làm (vội vàng cẩu thả) như vậy thì làm làm gì cho tốn thời gian tiền bạc của dân? Bà không biết xót những đồng tiền này à?” Người ngoài cuộc cũng thấy, quả thật, thay vì cả 10 người bay từ Hà Nội vào Hội An, tại sao người ta không gửi một cái email cho đỡ tốn tiền và đỡ mất thời giờ của các quan chức, thời giờ đó đáng lẽ được dùng để phục vụ nhân dân? Việc cất chức hiệu trưởng một trường đại học là một quyết định lớn. Ra lệnh trường phải ngưng việc tuyển sinh viên cũng không phải chuyện nhỏ. Thường ở các nước văn minh, những việc đó là việc nội bộ, thuộc thẩm quyền của đại học chứ không phải của các công chức trong Bộ Giáo Dục. Dù trường đại học là trường công lập thì chính quyền cũng phải tham khảo ít nhất là hội đồng quản trị nhà trường, nếu không phải là các hội đồng giáo sư, trước khi quyết định thay đổi chức hiệu trưởng. Chỉ có thể cất chức hiệu trưởng một đại học nếu ông hay bà ta đã phạm lỗi nặng nề, mà lỗi đó phải được điều tra kỹ lưỡng, phải do một cơ quan tư pháp độc lập phán quyết sau khi người bị buộc tội đã thi hành quyền sử dụng các cơ chế khiếu nại, phúc thẩm, để tự bênh vực mình. Bãi chức người theo lối tùy tiện, cẩu thả, không những khinh thường người đó mà còn coi thường cả chức vị hiệu trưởng nữa. Mà như vậy là coi rẻ luôn cả một đại học, tất cả các giáo sư, nhân viên, các sinh viên, và tất cả những người dân đóng thuế ở Hội An và cả tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam là nơi người dân đã nổi lên chống thuế hồi đầu thế kỷ 20. Người dân biết sợ lẽ phải, dù chết không sợ cường quyền. Năm 1908, sau khi cuộc “dân biến” chống sưu cao thuế nặng bị đàn áp, nhiều nhà Nho bị bắt, bị kết tội xúi giục nông dân. Trong sách Thi Tù Tùng Thoại, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng kể chuyện cụ Châu Thượng Văn, tên tự là Thư Ðồng, nhà ở thành phố Faifo (Hội An) là nơi hào kiệt Bắc Nam lai vãng. Khi bị bắt, cụ khai, “Tôi là người chủ mưu” việc dân chống thuế và việc đưa người sang Nhật học; “không ai khác tham dự vào cả.” Cụ tuyệt thực luôn 20 ngày, từ khi bị bỏ tù đến khi thụ án chung thân; “suốt ngày không ăn một hạt cơm, chỉ uống vài chén nước trà loãng người nhà đem vào.” Một bữa, lính đưa một người tù vào ở cùng phòng với Huỳnh Thúc Kháng: “Người bệnh kia mặt đen như than, tay chưn như ống quyển (cái ống nhỏ để đựng giấy, bút), hai mắt nhắm khít, không còn là hình dạng người, hơi thở (mong manh) như sợi tơ,” giống người sắp chết. Nhìn lâu mới nhận ra, chính là Châu Thượng Văn. Sau khi nghe gọi tên nhiều lần, cụ Thư Ðồng mở mắt nhìn một lúc lâu rồi nói nhỏ nhỏ: “Mính Viên Quân. Tôi làm cái dễ. Còn anh em gắng lấy làm việc khó.” Chiều hôm đó cụ Châu Thượng Văn được khiêng đưa ra xe lửa để lên đường đi Lao Bảo. Ðến Huế thì cụ qua đời. Châu Thư Ðồng là một người Minh Hương (người Việt gốc Hoa). Tuyệt thực đến chết là việc dễ. Tranh đấu đòi tự do, chống lại cường quyền tham nhũng mới là việc khó. Người dân Quảng Nam không quên những tấm gương Châu Thượng Văn. Ðem một cái lệnh cách chức từ Hà Nội vào, đọc cho nghe mà không được hỏi lại, việc không dễ dàng. Sau khi phản đối phái đoàn quan chức Hà Nội, ông Nguyên Ngọc nói thẳng rằng: “Bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và mười thành viên của đoàn công tác Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo đang... chăm chỉ, cặm cụi làm theo kịch bản của Trần Văn Chính, một cán bộ lãnh đạo của bộ đang bị nhà trường tố cáo tham nhũng và hối lộ. Nhân vật Trần Văn Chính đã nổi danh trong vụ Ðại Học Phan Châu Trinh trong mấy năm nay, con gái ông ngồi trong hội đồng quản trị. Trường được lập ra năm 2006. Trong số sáng lập viên có các nhà khoa học, nhà văn hóa có uy tín như các giáo sư Hoàng Tụy, Phan Ðình Diệu, nhà văn Nguyên Ngọc, vân vân, và các giáo sư ở ngoại quốc như tại CNRS Paris, Ðại Học Harvard, Mỹ. Trường đã có quan hệ với các đại học Nam Hàn, Thái Lan, trong năm qua đã tổ chức chiến dịch tình nguyện Hè cho sinh viên về làm việc tại nông thôn Quảng Nam. Những người sáng lập muốn xây dựng một cơ sở giáo dục vô vị lợi. Nhưng ngay khi thành lập, Ðại Học Phan Châu Trinh mang tính cách tư thục, đã gọi người góp cổ phần. Trong số những người rất nhiều tiền để góp vốn và có thần thế để chạy giấy phép có hai anh em. Một người là ông Trần Văn Chính, giám đốc Trung Tâm Hợp Tác Chuyên Gia và Kỹ Thuật với Nước Ngoài thuộc Bộ GDÐT; và người kia từng làm vụ phó Vụ Tổ Chức Cán Bộ của Bộ Giục Dục & Ðào Tạo đã về hưu. Làm sao hai nhân viên Bộ Giáo Dục có nhiều tiền như vậy, là điều không ai thắc mắc. Nhưng “nhà đầu tư” và các nhà giáo dục có quyền lợi xung khắc. Theo ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu, một đảng viên 40 năm tuổi đảng, thì nhóm ông Chính “muốn dùng ngôi trường này làm một cuộc buôn bán”. “Trong các cuộc họp Hội Ðồng Quản Trị họ chỉ bàn chuyện làm thế nào để có thể lời nhanh nhất và nhiều nhất, chứ không hề bàn về giáo dục của trường, vì vậy, nhiều cuộc họp tan vỡ. Không thể triệu tập các cuộc họp theo đúng quy định vì sự khống chế của một nhóm cổ đông.” Những mâu thuẫn không giải quyết được đưa tới việc những người có tiền và có thế phá đám những người đang điều khiển trường. Bộ Giáo Dục cử đoàn thanh tra vào xem, theo lối “không đối thoại.” Và sau cùng đưa tới chuyến đi của bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tuần trước. Bà Nghĩa bị ông Nguyên Ngọc mắng chưa đủ, bà đến họp với các quan chức của thành phố Hội An để công bố lệnh cách chức ông Phan Ngọc Thu. Ở đó, bí thư thành ủy Hội An đã chỉ thẳng vào mặt bà thứ trưởng: Chúng tôi đến đây không phải để ngồi nghe chị lệnh! Ông Thu là bí thư chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này? Ban cán sự đảng của Bộ Giáo Dục là cái gì mà can thiệp vào tổ chức trực thuộc của tôi, vào đảng viên của tôi...? Cái trường này là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam, của nhân dân Hội An chúng tôi, tôi phải bảo vệ đến cùng, hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ đến cùng.” Ðại Học Phan Châu Trinh khi thành lập đã được cung cấp đất công để làm cơ sở, tức là lấy của công dùng cho một tư thục. Ông bí thư Hội An báo tin: “Nếu ngày mai bà thứ trưởng công bố quyết định miễn nhiệm ông Thu, tôi sẽ lập tức cho thu hồi ngay miếng đất này. Thu hồi ngay lập tức còn 1,500 sinh viên kia thì bà thứ trưởng tự đi mà giải quyết!” Ông còn dọa cả phái đoàn Bộ Giáo Dục rằng “các anh có thể sẽ bị khóa trái cổng lại không cho về. Nhà trường sẽ nhốt thứ trưởng lại để sinh viên kéo đến hỏi chuyện. Tôi không dọa đâu vì chuyện này nó đó xảy ra ở Ðiện Bàn mấy tháng trước rồi. Tôi cẩn thận dặn các anh vậy để các anh tính.” Ðọc tới đây thì quý vị độc giả cũng thấy là... hết ý! Trước cảnh bị đối xử bất công, một vị quan chức đang sử dụng luật rừng đối với các quan chức khác. Không thấy có luật pháp nào để dùng cả! Nhân dân Thái Bình, Vinh, Bắc Giang, Thái Hà, đều đã từng bị đẩy vào đường cùng như vậy cả! Những Lỗ Trí Thâm, Dương Chí trong chuyện Thủy Hử cũng chỉ nuôi giấc mộng làm quan, nhưng bị ép bức quá cuối cùng đành phải nổi loạn! Sau khi đọc những chi tiết trong câu chuyện này, chúng ta phải nhìn thấy có mấy vấn đề lớn: Bộ máy quản lý quốc gia không chạy; không biết đâu là giới hạn uy quyền của đảng, còn đâu là quyền hành của cơ quan nhà nước. Nhà nước can thiệp vào nội bộ một cơ sở giáo dục đại học, nhưng thua lý khi bị đảng ủy địa phương chống lại. Ðảng ủy cấp địa phương trong thực tế mạnh hơn quan chức nhà nước cấp trung ương, ít nhất họ có thể ban phát “quyền sử dụng đất” theo ý muốn. Nhà nước cấp đất cho một đại học tư, nhưng nếu nó trái ý mình thì sẵn sàng thu hồi lại. Bí thư một thành phố bảo vệ quyền lợi đảng viên trong khu vực của mình giống như các anh hùng Lương Sơn Bạc bao bọc các thủ túc. Ðọc tất cả những lời đối đáp trong bản tin, chỉ thấy các nhân vật chính tranh cãi về quyền hành của họ mà không thấy nhắc đến quyền lợi của các sinh viên - trừ lúc dùng sinh viên để de dọa. Các bạn trẻ này có thể sẽ là nạn nhân nếu cuộc tranh chấp dẫn tới bề tắc hoặc khủng hoảng. Người ở xa đọc câu chuyện này qua mạng lưới Bô Xít thì có cảm tình với ông bí thư thành phố Hội An, cũng như độc giả ai cũng có cảm tình với các nhân vật Lâm Xung, Lư Quỳ trong Thủy Hử vậy. Ông có vẻ đang bảo vệ những người yếu thế, chống lại cường quyền tham nhũng. Nhưng người ta cũng tự hỏi, nếu đây không phải là chuyện về Ðại Học Phan Châu Trinh mà là một vụ khác, thì sao? Một ông bí thư quyền hành như vậy, nếu ông thuộc loại chủ tịch tỉnh Hà Giang chẳng hạn, thì ông sẽ thi thố quyền năng của mình như thế nào khi bị hỏi về việc lạm dụng tình dục các nữ sinh? Tóm lại, một bộ máy cai trị đặt trên quyền hành cá nhân các cán bộ, không dựa trên luật pháp đầy đủ, minh bạch và công khai, thì làm sao nó cải tổ được để giảm bớt tham nhũng, lạm quyền? Trong câu chuyện này cũng có những vấn đề quan trọng khác, thí dụ như nạn tham nhũng lạm quyền ở Bộ Giáo Dục. Câu chuyện cũng cho thấy cơ cấu tổ chức nền giáo dục rất luộm thuộm vì luật lệ không rõ ràng: Không phân biệt quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng giữa đại học và Bộ Giáo Dục trong việc quản trị. Tính chất nhập nhằng giữa công và tư khiến các cán bộ rất dễ lạm quyền. Tình trạng xung khắc quyền lợi chung và riêng, không được giải quyết dứt khoát từ đầu, sẽ dễ tạo cơ hội nhũng lạm. Những rắc rối này là nguyên nhân gây ra cuộc tranh chấp ở Ðại Học Phan Châu Trinh. Nhưng cả hai vấn đề đó, nạn tham nhũng lạm quyền và tổ chức giáo dục lủng củng, là những chuyện cũ ai cũng biết cả rồi. Chúng ta còn nhìn thấy một vấn đề căn bản hơn và lâu dài hơn, là một quốc gia không có thể thống, không có kỷ cương. Trong một nước có hai cơ cấu quyền lực song hành, đảng và nhà nước trồng tréo lẫn nhau, không tạo được kỷ cương và thể thống. Nhiều lúc không ai biết đâu là quyền hạn, đâu là trách nhiệm của ai nữa. Ðó là đầu mối tạo cơ hội lạm dụng quyền hành. Nói là Loạn cũng không ngoa! Phải chấm dứt tình trạng này. Trước đây gần 30 năm nhà giáo Hồ Ngọc Ðại bàn về guồng máy giáo dục đã chủ trương phải “giở ra làm lại từ đầu”. Ðến nay, món thuốc đó có vẻ quá hiền, khó trị được bệnh trầm kha. Có người ở Việt Nam đã đề nghị bây giờ điều hợp lý nhất là “vứt đi làm lại từ đầu”, thay thế bằng một guồng máy giáo dục khác, hoàn toàn khác. Ðiều này đúng đối với cơ cấu, hệ thống giáo dục quốc gia. Nhưng càng đúng khi nói về tất cả chế độ chính trị ở nước ta. Nát quá. Phải xóa đi làm lại từ đầu mới được. |
No comments:
Post a Comment