Friday, August 20, 2010

Mỹ và Trung Quốc đối đầu

Ngô Nhân Dụng -- www.nguoi-viet.com

Trung Quốc có lý do để than phiền với Mỹ. Cả hai nước trong tháng qua đã biểu diễn sức mạnh quân sự ở vùng biển phía Ðông lục địa Á Châu. Nhưng hiển nhiên là vùng này nằm sát bên nước Tầu và rất xa nước Mỹ. Thử tượng tượng nếu Tầu hay Nga đem một hạm đội tới vùng biển Trung Mỹ thao diễn cùng với Hải Quân Cuba, dân Mỹ có ngồi im ngó hay không? Phải to tiếng!
Như vậy, liệu hai nước sắp đụng độ nhau chăng? Trong ngắn hạn thì chuyện đó khó xảy ra. Vì nếu đánh nhau cả hai đều sẽ thiệt hại nhiều hơn là được lợi. Hồi 1960 Nga đem hỏa tiễn sang Cuba, tình trạng gay cấn hơn nhiều. Nhưng không ai có thể đoán chắc trong 25 hoặc 30 năm nữa sẽ không có chiến tranh. Cũng như năm 1910, Dân Biểu Anh Quốc Norman Angell đã in một cuốn sách quả quyết hai nước Anh và Ðức không thể nào đánh nhau được vì không được lợi gì về kinh tế. Cuốn sách “Ảo tưởng vĩ đại” của ông được tái bản nhiều lần trước khi hai nước lăn vào cuộc giết chóc năm 1914.
Mà hiện nay thì Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều xung khắc. Vào tháng 7, 2010, ba tầu ngầm của Mỹ mang theo tổng cộng 452 hỏa tiễn Tomakawk đến ba hải cảng vùng Á Châu chung quanh nước Tầu. Cuối tháng, bà ngoại trưởng Mỹ nói tại hội nghị ASEAN ở Hà Nội về chủ trương bảo vệ quyền lợi của Mỹ trong vùng biển Ðông nước ta, khuyến cáo không nước nào nên dùng vũ lực. Mấy ngày sau, Hải Quân Trung Quốc đã mở cuộc thao diễn ngay trong vùng biển này. Ðó là một cuộc tập dượt lớn nhất từ trước đến nay của quân đội Trung Hoa. Bộ ngoại giao Trung Quốc phản đối Mỹ có ý quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Ðông và cảnh cáo chính quyền Việt Nam về hùa với Mỹ trong âm mưu quốc tế hóa này, cũng như việc ký kết hợp tác nghiên cứu nguyên tử.
Cùng lúc đó, Hải Quân Mỹ và Nam Hàn thao diễn trong biển Nhật Bản, với hàng không mẫu hạm USS George Washington đóng vai chính. Mỹ còn báo trước lần sau sẽ tập diễn trong biển Hoàng Hải. Biển này nằm giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, máy bay F 18 từ mẫu hạm có thể bay tới Bắc Kinh rồi trở về. Bắc Kinh lại lên tiếng phản đối lần nữa.
Sau cuộc tập trận ở phía Bắc, hàng không mẫu hạm USS George Washington đi về phía Nam, tới ngoài biển Ðà Nẵng. Nhiều viên chức quân sự Việt Nam lên thăm chiếc tầu này trong lúc nó lượn vòng qua các đảo thuộc Hoàng Sa. Nhiều người Việt Nam yên tâm hơn khi thấy Hải Quân Mỹ vẫn có mặt trong vùng Biển Ðông của nước ta. Vì ai cũng ghi nhớ, Hải Quân Trung Cộng vẫn không ngừng tấn công các tầu đánh cá Việt Nam, bắn thuyền, cướp của, bắt cóc các ngư phủ đòi tiền chuộc; và không biết trong tương lai sẽ còn làm gì nữa. Indonesia, Malaysia, Phi Luật Tân cũng thường xuyên lo Trung Cộng gây sự về chủ quyền trên các đảo. Ít nhất, bây giờ có tầu chiến Mỹ ở đó, vùng này không thể là cái “ao nhà” của người Trung Hoa.
USS George Washington là chiếc tầu lớn nhất của Hải Quân Mỹ, hoạt động trong vùng biển từ Nhật Bản tới Singapore; có đường bay diện tích 18,000 mét vuông và dài hơn 300 mét. Tầu có sức chở 6,250 quân; nhà bếp có thể dọn 18,000 bữa ăn mỗi ngày với bốn máy lọc nước sản xuất 1.5 triệu lít nước; 4 thang máy dùng vào việc đưa 80 chiếc máy bay từ hầm lên sân bay hoặc ngược lại. Mẫu hạm này có mặt thường xuyên ở phía Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang học chế tạo hàng không mẫu hạm, chiếc đầu tiên mua lại của Ukraina đang được cải thiện để người Trung Hoa học phương pháp chế tạo. Phải mất một vài thế hệ nữa họ mới có được một lực lượng hải quân tương đương với Mỹ. Trong khi chờ đợi, họ chế các vũ khí nhằm hạn chế khả năng hành động của Mỹ. Trung Quốc đang sản xuất một loại hỏa tiễn Ðông Phong mới, Dong Feng 21D. Ðến cuối năm nay thì sẽ được bắn thử lần cuối cùng, hỏa tiễn này bay với tốc độ gấp 10 lần ánh sáng và có khả năng bắn trúng chính xác một hàng không mẫu hạm đang di chuyển ở cách xa 1,500 cây số. Tầm bắn này sẽ ngăn chặn tầu chiến ngoại quốc từ khoảng cách rất xa, trước khi tới gần bờ biển Trung Quốc 18,000 kilô mét. Tháng 9 năm 2009, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đã nói trước một đại hội Không Quân rằng Hải Quân Trung Quốc còn lâu mới có thể so sánh với Mỹ, nhưng ngay bây giờ họ có thể đe dọa trên sự vận chuyển và giảm bớt ưu thế chiến lược của Mỹ. Năm 2007 họ cũng đã bắn hỏa tiễn phá vỡ một vệ tinh đang bay ngoài khí quyển trái đất. Từ đầu năm 2010, Trung Quốc đã thí nghiệm thành công loại hỏa tiễn phòng thủ có thể bắn hạ những hỏa tiễn đang bay tấn công họ. Cả hai loại vũ khí đó đều nhắm vô hiệu hóa vũ khí Mỹ khi hai nước xung đột vì Mỹ muốn bảo vệ Ðài Loan. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng vẫn bán hỏa tiễn Patriot cho Ðài Loan có thể bắn hạ các hỏa tiễn Trung Quốc đang bày hơn một ngàn chiếc trên bờ biển Phúc Kiến nhắm vào Ðài Loan.
Trên mạng Xinhuanet.com của Tân Hoa Xã, một bài không ký tên gần đây đã tưởng tượng cảnh một ngày nào đó Trung Quốc tấn công Ðài Loan và Mỹ đưa USS George Washington tới bảo vệ hòn đảo này. Trong câu chuyện giả tưởng này, Trung Quốc phóng một trận mưa Ðông Phong 22D, mấy đầu đạn chọc thủng sườn chiếc tầu Mỹ, phá hỏng sân bay làm tê liệt các phi cơ Mỹ. Ðợt phóng DF 22D thứ nhì phá hư động cơ tầu, cùng lúc đó phi cơ Trung Quốc từ lục địa bay ra tấn công. Các hỏa tiễn đợt thứ ba đưa chiếc USS George Washington chìm xuống đáy biển.
Ðó là chuyện Tầu. Ở Mỹ cũng có người viết truyện giả tưởng. Cựu sĩ quan hải quân James Kraska viết một bài trên tạp chí Orbis, số đầu năm (Winter) 2010, nhan đề “Nước Mỹ đã thua trận hải chiến năm 2015 như thế nào?” Kraska tưởng tượng vào năm 2015 một ngày USS George Washington, trong lúc đang di chuyển về hải cảng Yukosuka thì bị hỏa tiễn DF 22D đánh đắm. Hơn 4,000 thủy thủ và phi công thiệt mạng, mất 80 chiếc phi cơ. Từ đó, Trung Quốc làm bá chủ phía Tây Thái Bình Dương và cả Châu Á! Bài báo này cốt kêu gọi các nhà chính trị Mỹ phải quan tâm tăng cường sức mạnh hải quân, không nên chỉ chú tâm vào việc chống khủng bố và những trận chiến tranh nho nhỏ như Iraq và Afghanistan!
Hai câu chuyện giả tưởng trên đây cho thấy trong cả 2 nước Mỹ và Trung Quốc có người đã lo có ngày, một ngày không xa, hai nước sẽ đụng độ! Nhưng trong vòng 20 năm nữa, đó là chuyện khó xảy ra. Trước hết, cán cân quân sự vẫn nghiêng về phía Mỹ, trên toàn thế giới và trong vùng Á Châu. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc chưa đủ mạnh để gây chiến với Mỹ dù trong phạm vi địa phương Á Châu.
Tuy đến cuối năm nay Trung Quốc có thể bắt đầu chế tạo DF 22D nhưng tốc độ sản xuất vẫn còn hạn chế. Việc chế hỏa tiễn không giản dị như việc may quần áo hoặc ráp máy móc điện tử. Với ngân sách quân sự chỉ lớn bằng một phần mười của Mỹ (một phần năm, nếu nghi ngờ họ che giấu ngân sách) thì phải mất nhiều chục năm số tầu thủy, máy bay, hỏa tiễn của nước Tầu mới có khả năng so sánh với lực lượng của Mỹ ở trong vùng Á Châu, Thái Bình Dương. Ngay việc hoàn thiện một loại hỏa tiễn tối tân như FD 21, cũng phải mất hàng chục năm mới tiến đến các bộ phận điện tử phức tạp để tìm mục tiêu và tránh đạn, tinh xảo như Mỹ.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc lên tới gần 80 tỷ đô la Mỹ, nhưng cũng chưa lớn bằng ngân sách quốc phòng của ba nước Nhật Bản, Nam Hàn và Ðài Loan cộng lại. Riêng một vụ bán vũ khí cho Ðài Loan mà Tổng Thống Obama mới ký cũng trị giá trên 6 tỷ đô la rồi. Sức mạnh vũ khí của Không Quân Trung Quốc chỉ bằng một phần 10 của Mỹ, và xấp xỉ bằng Nhật Bản. Chính phủ Mỹ mới giảm bớt một chiếc hàng không mẫu hạm cho “về hưu” chỉ còn 10 chiếc, nhưng vẫn gấp 10 Trung Quốc. Số tầu ngầm của Trung Quốc ít hơn của Mỹ, tuy rằng lớn gần gấp đôi tổng số của Nhật, Nam Hàn và Ðài Loan. Với tương quan lực lượng như vậy, chắc những người lãnh đạo Trung Quốc không nghĩ tới chiến tranh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Hiện nay không ai tin Mỹ và Trung Quốc phải đánh nhau. Tháng 4 vừa qua, chiến hạm U.S.S. Fitzgerald, 6,800 tấn, thuộc Ðệ Thất Hạm đội đã tới Thanh Ðảo cùng hải quân của 21 nước khác tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Hải Quân Trung Cộng, khi mấy chiếc tầu chiến của Quốc Dân đảng đào tẩu sang phía địch, năm 1950, thay vì chạy sang Ðài Loan!
Nhưng lý do lớn nhất để hai nước không đánh nhau là các quyền lợi kinh tế của họ gắn bó chặt chẽ. Mỗi ngày công ty Wal Mart nhập cảng một tỷ Mỹ kim hàng hóa từ Trung Quốc để bày bán khắp nước Mỹ. Tiền do dân tiêu thụ ở Mỹ trả không được đưa tới tay người lao động Trung Hoa mà một số lớn lại được đem trở về Mỹ. Vì Bắc Kinh đang cầm trong tay những giấy nợ trị giá 800 tỷ Mỹ kim của chính phủ Mỹ, chưa kể các món đầu tư vào các ngân hàng và công ty của Mỹ. Bắc Kinh không thể nào rút hết các “món nợ” đó về, vì chính họ sẽ bị mất hàng trăm tỷ Mỹ kim nếu các chứng khoán đó mất giá trên thị trường khi đem bán nhiều quá.
Nhưng lý do quan trọng nhất khiến Trung Quốc không muốn gây chiến tranh là nền kinh tế của họ còn rất mong manh. Ðằng sau những con số về Tổng Sản Lượng Nội Ðịa gia tăng là những chính sách không thể kéo dài được vì thiếu quân bình và quá tùy thuộc thị trường xuất cảng. Chế độ cộng sản bảo vệ các doanh nghiệp nhà nuớc khiến cho tài nguyên đất nước bị phí phạm, trong khi hai nền tảng của sự thịnh vượng hiện nay đang bắt đầu yếu dần. Ðó là số nhân lực rẻ tiền và dân chúng bị cưỡng ép phải tiết kiệm với một tỷ lệ rất cao. Dân số Trung Hoa đang thay đổi, số người trong tuổi lao động giảm dần, số người già tăng lên. Chi tiêu cho những người về hưu sẽ gia tăng, làm giảm bớt số tiết kiệm chung của xã hội. Khi bị mất 2 “lợi thế tương đối” đó, kinh tế Trung Hoa sẽ bước chậm lại. Với tình trạng kinh tế còn đang phát triển và dựa vào xuất cảng, Trung Quốc không thể nào gây chiến tranh mà không bị các nước khác trừng phạt. Chỉ cần Nhật Bản, Mỹ và Âu Châu cấm vận trong một thời gian ngắn là đủ khiến kinh tế Trung Quốc ngưng chạy. Chế độ cộng sản sẽ sụp đổ nếu kinh tế không tiếp tục tăng lên như hiện nay.
Về phía nước Mỹ, họ cũng không có lý do nào để gây chiến với Trung Quốc. Chính sách của Mỹ vẫn là đóng vai ông nhà giầu, buôn bán làm ăn với tất cả các nước trong hòa bình thì có lợi hơn là đánh nhau.
Nhưng nếu giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột quân sự thì có thể đoán chắc lý do không thể nào vì Việt Nam. Có thể nói, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, từ thế kỷ trước đến giờ, Việt Nam không phải là điểm quan trọng nhất, mà chỉ là một quân cờ trong cả bàn cờ Á Châu. Từ năm 1950 Mỹ lo bảo vệ Nam Hàn, Ðài Loan, và Việt Nam vì lo khối cộng sản sẽ bành trướng khắp Á Châu, sẽ lan sang Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan, Ấn Ðộ, v.v... Khi thấy các quốc gia trong vùng này đã đủ mạnh nhờ phát triển kinh tế, và khối cộng sản rạn nứt vì xung đột Nga, Hoa, thì lúc đó Mỹ sẵn sàng buông Nam Việt Nam ngay, không muốn tốn tiền thêm nữa. Có thể nói dân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam trong những năm từ 1965 vì họ thấy Tổng Thống Johnson đã bỏ quá nhiều tiền vốn vào một cuộc đầu tư nhỏ, không tương xứng. Có thể đạt được cùng những mục tiêu địa lý chính trị đó với số đầu tư nhỏ hơn nhiều. Ông Nixon trong khi tranh cử năm 1968 đã báo trước cho Ðại Sứ Nga Anatoly Dobrynin biết nếu đắc cử ông sẽ rút quân, sau đó miền Nam Việt Nam trở thành cộng sản cũng được. Và khi lên làm tổng thống rồi, ông Nixon đã đi Tầu, vấn đề Việt Nam càng trở thành thứ yếu.
Liệu bây giờ, đối với quyền lợi nước Mỹ, Việt Nam có trở thành quan trọng hơn thế kỷ trước hay không? Chắc là không. Liệu bây giờ mối đe dọa của Trung Quốc đối với miền Ðông Á Châu có lớn hơn cuối thế kỷ trước hay không? Chắc là có. Nhưng để đối đầu với Trung Quốc trong vùng này, người ta phải dựa vào những nước mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Indonesia, chứ không phải những nước còn nghèo chưa thực sự phát triển.

No comments:

Post a Comment