SÀI GÒN (NV)- Hàng tỉ đô la được Việt kiều hải ngoại gửi về nước mỗi năm, giúp xây dựng thêm nhiều nhà cửa, mở rộng kinh doanh và trợ giúp cho gia đình, theo
Tiền gửi về nước là đường dây sinh tử giữa những người bỏ nước ra đi với người ở lại, và ngày càng phổ thông hơn để Việt kiều đầu tư nơi quê nhà.
Theo Daniel Ayala, trưởng dịch vụ chuyển tiền toàn cầu của Wells Fargo, ‘điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam là người ta gửi về cho cả ‘tông chi họ hàng’ chứ không phải chỉ cho những người ruột thịt. Ngoài ra còn dùng tiền để giúp phát triển kinh doanh nữa.’
Mark Sidel, một giáo sư ngành luật ở University of Iowa , người chuyên nghiên cứu về sự luân lưu tiền tệ theo lối này nhận xét rằng, trong những năm gần đây, càng có thêm nhiều Việt kiều gửi tiền về nước vì tính cách từ thiện, gồm cả việc liên hệ đến y tế và giáo dục.
Tiền Việt kiều gửi về nước phần lớn không những từ Hoa Kỳ, mà còn từ Úc, Pháp và Canada .
Theo dữ kiện của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trong thời gian từ 2001 đến 2008, số tiền gửi về tăng gấp ba, lên đến $7.2 tỉ, tương đương với 8% tổng sản lượng quốc gia. Tuy nhiên năm ngoái tiền gửi về chỉ khoảng $6.8 tỉ do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Cũng theo USA Today, tính chung, tiền gửi về các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam dự trù sẽ tăng 6.2% trong năm nay, và lên đến 7.1% trong năm 2011. Các nước có mức thu nhập từ thấp đến trung bình, trong năm 2008, số tiền gửi về nước là $335 tỉ, số tiền này không những cải thiện được mức sinh hoạt mà còn trợ giúp cho việc nhập cảng của quốc gia, bù lấp được những thâm thủng ngân sách.
Khi việc gửi tiền nở rộ, các nhà tư bản cung cấp dịch vụ tài chánh quan trọng cũng bắt đầu nhảy vào làm ăn. Ở Hoa Kỳ, Wells Fargo cung cấp dịch vụ này đến với 15 nước ở Á Châu và Nam Mỹ.
Trong số các nước mà ngân hàng này phục vụ, mức gửi về nước tính trung bình cho mỗi lần gửi được coi là cao nhất là Ấn Ðộ, với $1,662, kế đến là Việt Nam với $1,369. (TP)
=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy ------- Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !
Chuyện "Đi Ra Đi Vào'' của Khúc Ruột Ngàn Xa
Trong mười năm tôi trở lại Việt Nam để làm việc cho công ty của Thụy Sĩ tại Hà Nội. Hàng năm dịp nghỉ thường niên tôi rất ít khi về Úc. Phần vì lúc đó tôi không có gì ràng buộc ở Úc, không tài sản nhà cửa, không gia đình vợ con nên chẳng có ai thôi thúc tôi phải lấy cả tháng nghỉ của mình để về Úc. Những lúc này tôi quảy ba lô lòng vòng mấy tỉnh thành trong nước từ bắc đến nam đến những nơi mà lúc nhỏ tôi chưa có dịp đi qua, đi như vậy cho nó đã cái ý muốn khám phá thêm nhiều nơi của quê mình còn hơn là về Úc cái chỗ mà tôi đã ‘‘oải chè đậu’‘ cũng có hơn 10 năm, trước khi trở về VN làm việc.
Chuyện đơn giản chỉ có vậy thôi mà tôi phải cố gắng rất nhiều để giải thích cho bạn bè ở trong nước hiểu là tôi đi lâu như vậy thì có rắc rối gì với ‘‘nhà nước’‘ (Úc ) của tôi hay không? Tôi nói cách mấy người ta cũng không tin là khi tôi, hay bất cứ người nào, cầm cái passport Úc rồi thì ra khỏi nước Úc muốn đi đâu thì đi, miễn chỗ mình đến cho nhập vào thì cứ đi, ở ngoài nước Úc bao lâu thì ở, miễn chỗ nước nào đó cho ở thì cứ ở. Ở đến… trăm năm khỏi cần về Úc cũng được, nhưng bất cứ lúc nào khi tôi trở lại Úc, thì tôi vẫn là công dân Úc, chẳng cần đơn từ xin xỏ cho hồi hương hồi tịch gì ráo.
Dĩ nhiên là passport nào cũng có thời hạn. 5 năm, hay 10 năm … và số trang trên passport cũng có giới hạn, khi xài hết tôi chỉ cần vào sứ quán Úc ở bất cứ nơi đâu, Việt Nam, Thái, Tàu gì cũng được, miễn tiện đường chỗ nào tôi đang ngang qua thì cứ ghé vào để làm cuốn khác. Vậy là xong!
Nghe tôi nói mà mọi người, nhất là bạn bè cánh ‘‘trà bắc’‘ (Hà Nội ) của tôi, họ cho tôi nói ‘‘điêu’‘ (xạo ke ) thế nào ấy chứ. Sao lại có chuyện đi trăm năm trở về, chẳng cần khai từng ấy năm đã đi đâu làm gì, mà không bị ‘‘dzắc dzối’‘ gì với nhà nước của mình hết… Một vài anh ra vẻ rành luật pháp (của VN ) tranh cãi với tôi rằng ‘‘hộ chiếu nào, dù là công vụ, hay du lịch, khi ra nước ngoài, cũng phải có ‘‘thời gian và mục đích’‘, nếu quá hạn không về thì sẽ đụng bao nhiêu chuyện phiền đến ‘‘rách việc’‘ chứ mà có đâu như tôi nói…’‘. Câu chuyện cứ thế mà đi đến vô cùng… thôi thì đành để một ngày nào đó, tôi mong rằng các bạn trong nước của tôi sẽ tự biết không phải ở nước nào nhà nước của họ cũng ‘‘khó’‘ và ‘‘kỹ’‘ như nhà nước… ta.
Nói đến chuyện ‘‘thời gian và mục đích’‘ tôi lại đang nhớ đến một chuyện dzui dzui khác. Hôm đó, tôi có người bạn đồng môn thời trung học lúc nhỏ, anh này bây giờ có chiếc xe van mười hai chỗ cho thuê ở Sài Gòn, loại xe chở khách mướn mà ở Việt Nam gọi là xe ‘‘cá mập’‘. Ai kêu thì chở chứ không bến bãi gì hết, một dạng xe đò nhỏ ‘‘chạy chui’‘ cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Lúc có mối thì rủng rỉnh chút tiền chợ cho vợ con, gặp lúc ế độ thì nằm phơi ‘‘củ cải’‘ mà ngáp. Một bữa nhằm ngày cuối tuần gặp lúc anh đang ngáp (đến héo củ cải luôn ) thì cả nhóm bạn cũ hùn nhau thuê chiếc xe của anh, cho anh có việc làm, rồi lấy theo chai rượu ngon mà tôi đã mua ở duty free khi đi ‘‘business trip’‘ cho công ty ở Hongkong lần trước còn để dành, chúng tôi kéo nhau đi Phan Thiết định kiếm tôm cá tươi nhậu chơi. Vũng Tàu thì gần nhưng đi nhiều lần quá nên dễ đâm nhàm.
Đến Phan Thiết ra biển ngồi bày rượu ra thì mới được nhà quán cho biết tôm cá ngon đã đi Sài Gòn để xuất khẩu hết rồi, ở Phan Thiết giờ chỉ còn thứ sắp… sình mà thôi. Không tin, chúng tôi lấy xe chạy ra tận chợ để tìm thì quả y như rằng, kiếm hết thành phố Phan Thiết chỉ có vài ký lô tôm đã ngả màu đen thùi, loại này ở Sài Gòn thì chỉ có vứt cho gà ăn chứ người ăn gì được. Lỡ rồi cũng đành phải kêu nhà quán đi bắt gà mà nhậu chứ chẳng lẽ đổ hơn hai trăm cây số nữa để đi về… Thiệt là không có gì chán bằng chạy từ Sài Gòn đánh xe ra biển để nhậu với… gà xé phai.
Để không khí đấu hót thêm sinh động, một người bạn trong nhóm gọi nhà quán tìm hộ cho vài cô nào biết nhậu nhẹt đến cùng uống với chúng tôi, để mấy anh vừa uống vừa ‘‘gác tay’‘ cho nó vui!. Ông chủ quán vẫy anh xe ôm (cò ) chạy đi gọi. Hồi sau anh này dẫn về ba cô chân ngắn (thấp lùn ) cũng mặc váy đầm như ai, nhưng…. Thôi thôi! Tôi ít khi dám bình phẩm về nhan sắc phụ nữ nên xin quý bạn đọc bỏ qua cho đoạn tả chân dung mấy cô gái gái ‘‘hoa đồng cỏ nội’‘ này, chỉ biết đại khái là mấy cô (chắc là ) đang lội ruộng bắt ốc ở đâu đó, được anh (cò ) xe ôm gọi chở đi. Gấp rút quá nên quên chưa… rửa chân. Họ mang dép lào phơi rõ mấy ngón chân còn dính đầy sình bùn. Đã vậy trên bắp đùi của các nàng còn điểm thêm vài cái ‘‘hột xoàn’‘ bự chãng, chắc là chứng tích của mấy con đỉa trâu hay vắt ruộng gì đó giờ đã thành sẹo thâm đen…
Thôi đành ‘‘nhậu chay’‘ sáu thằng đực với nhau, chúng tôi cho mỗi cô trọn số tiền ‘‘boa’‘ như đã ‘‘hợp đồng’‘ với anh cò, rồi cho các cô về chứ không ai có hứng mời mấy cô ở lại để ‘‘gác tay’‘. Bạn tôi lấy kinh nghiệm phán chắc như đinh đóng cột. ‘‘Mai mốt có đi chơi tỉnh nào thì đi nhớ chừa tĩnh (đựng )… nước mắm này ra đừng đến nữa nghe’‘.
Lúc đó là năm 1992, bây giờ 2010 Phan Thiết khác xưa nhiều lắm rồi, cô em xứ biển đã lột xác, mấy cái holiday resort lộng lẫy của nước ngoài đầu tư vươn mình lên thi nhau móc túi du khách bằng tiền đô khi đến đến Phan Thiết. Bước vô mấy khu này sẽ có một cảm giác lạc lỏng như đang ở đâu đó nơi "xứ người" ngay trên quê hương ta. Thành phố Phan Thiết và biển Mũi Né hôm nay là một điểm đến quyến rũ cho du khách cả trong lẫn ngoài nước. Biển đẹp và sạch chắc là nhất nước. Tôm cá hải sản tươi nguyên phục vụ cho các đại gia từ Sài Gòn ra chơi cuối tuần. Xe cá mập, tàu cánh ngầm cao tốc phóng như phi cơ bay trên biển, xe nhà đời mới ra vô nuờm nượp suốt ngày đêm… Và dĩ nhiên lực lượng ‘‘gác tay’‘ trong các quán bia ở Phan Thiết bây giờ toàn là hàng ‘‘chân dài’‘ có ‘‘đẳng cấp’‘, ví tiền (đô ) mà mong mỏng thì đừng hòng được các em liếc mắt cho nửa cái nữa chứ nói gì đến mơ ước được các em cho mượn bờ vai làm chỗ gác tay… Còn đâu mấy cô ‘‘hoa đồng cỏ nội’‘ bắt ốc như năm xưa như lúc chúng tôi đến nữa.
Trở lại chuyện ngày xưa bữa đó. Định nhậu chơi một lúc rồi chiều về, nhưng đến chiều thì lười, vả lại cũng đã khá nhiều rượu thịt rồi nên tôi đề nghị tối đi tìm khách sạn ngủ lại Phan Thiết. Loanh quanh trong phố chỉ lèo tèo vài căn ‘‘nhà nghỉ’‘ quốc doanh, còn mấy cái resort sang trọng sau này như CoCo Beach, Pansea, Novotel Sofitel, Sea Lion v.v… ở Phan Thiết lúc đó chưa xây. Cuối cùng cả đám sáu đứa đực rựa trên chiếc van cũng tìm được một khách sạn mini gần biển. Vào khách sạn (lúc đó ) thì các bạn biết rồi, dù quốc doanh hay tư nhân cũng phải điền một tờ đơn đăng ký xin tạm trú lại địa phương qua đêm, và tờ khai này sẽ được nộp cho công an địa phương theo thủ tục.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như chúng tôi là những cán bộ nhà nước đi công tác… Đàng này, đọc mẫu đơn với những lời khai khá lạ lùng mà chúng tôi không biết phải khai làm sao. Bỏ trống không khai thì anh nhân viên trực khách sạn không chịu, mà khai thì quả thật tờ đơn này đang làm cho chúng tôi gặp nhiều ‘‘rắc rối’‘. Ngoài tên tuổi giới tính nam nữ… còn có mấy câu thiệt là ‘‘vô duyên bà cố’‘ luôn như - Từ đâu đến – Ai mời đến - Đến làm gì, Ở lại bao lâu v.v… (nguyên văn )
Từ đâu đến thì dễ rồi – tôi điền vô là từ Sài Gòn đến – Ai mời đến – Câu này tôi thành thật khai báo là - Không có ai mời hết tự mình ên đến thôi - Đến làm gì - tôi càng thật tình hơn nữa khai gọn ơ có một chữ "chơi", còn ở lại bao lâu thì anh bạn tôi chú giải thật rõ ràng là – Chừng nào "chơi" xong thì... dzìa.
Con bà nó! Thưở đời nay là một thành phố du lịch biển, (lúc đó ) cả nước đang cổ súy nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, du lịch là một ngành ‘‘công nghệ không khói’‘ cái mốc xì gì đó. Vậy mà đến một tỉnh thành du lịch lại phải khai báo đến làm gì? Thì đến để… ‘‘chơi’‘ chứ đến làm gì nữa! ‘‘chơi’‘ xong rồi về chứ ai thèm ở luôn trong cái tĩnh (đựng )nước mắm này chi? (tôi xin lỗi quý “bạn mình” ở cái tỉnh nước mắm này nhen, trong nhà tôi cũng có một bậc trưởng thượng làm rể ở tỉnh này, tôi không dám khiếm nhã với "bạn mình" ở đây đâu ).
Tờ khai được anh trực khách sạn nhăn mặt năn nỉ chúng tôi điền lại tờ khác dùm. Cậu chàng ỉ ôi giọng biển ‘‘Các en (anh ) thông cổm’‘ , mấy tờ khe (khai ) này ơm (em ) phẻ (phải )nộp cho công ơn (an ) mấy en khe (anh khai ) như vầy túi ne (tối nay) họ xét khách soạn để xem chư’‘ (chơi ) ai thì không chừng cả ơm (em) và các en (các anh )… cùng chết chét (chết chắc )’‘
Một người bạn trong nhóm chúng tôi trại giọng anh này cãi… ‘‘Chết chét” cái mẹ gì mòa (mà ) chết chét… , tụi tao đi chơi thì khai ‘‘chơi’‘ chứ có khai ‘‘chơi gái’‘ đâu. Xét thì xét chứ sợ… cứt gì ai…’‘.
Nói cho phách tướng sướng miệng vậy thôi, cuối cùng chúng tôi cũng theo gợi ý của anh trực khách sạn chữa lại câu hỏi đến làm gì được điền là đến để… du lịch.
Những chuyện đơn từ ngô nghê của Việt Nam thì nói đến vô cùng. Trên máy bay vô Việt Nam, cho đến ngày nay nếu đọc phần câu hỏi để điền trong phiếu nhập cảnh bằng tiếng Việt mà hiểu họ hỏi gì cho… chết liền. Thí dụ như câu hỏi ‘‘Hộ chiếu loại gì…’‘. Tôi xin đố quý vị ‘‘người Việt nước ngoài’‘ ai biết passport (hộ chiếu ) của mình ‘‘loại’‘ gì thì tôi xin được quỳ xuống bái làm sư phụ ngay? Passport thì là passport chứ lật mãi quyển passport cũng chẳng thấy chỗ nào ghi passport của mình ‘‘loại’‘ gì thì biết điền thế nào đây?
Thì ra câu này chỉ dành cho ‘‘người Việt nước… trong’‘ (chứ hỏng phải nước ngoài ) mới hiểu và điền trúng. Là vì hộ chiếu Việt Nam của họ quả có nhiều loại khác nhau. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu du lịch, du học, lao động, hộ chiếu phổ thông v.v… nên mới có câu hỏi này, và từ đó tôi mới biết thêm ở Việt Nam cũng có đến hai loại ''thị thực'' (tức là visa hay chiếu khán nhập cảnh, nhưng bây giờ không gọi chiếu khán nữa mà đổi thành "thị thực'' ), đó là thị thực nhập, và thị thực xuất, mỗi loại ‘‘xuất’‘ hay ‘‘nhập’‘ lại chia làm nhiều ‘‘phân loại’‘ với nhiều lý do xuất - nhập khác nhau nữa… Xuất công vụ, hay du lịch. Nhập thăm thân nhân, hay đầu tư, hội nghị v.v…
Tại sao họ lại chia và đặt ra nhiều thứ vô ích lợi, và vô cùng rắc rối phứt tạp như vậy để làm gì chứ? Có trời biết! Hay đúng ra phải nói theo ngôn ngữ thời đại là - Biết… chết liền! (lần nữa ).
Bởi vậy! khi người Việt ‘‘nước trong’‘ ra ‘‘nước ngoài’‘ không phải cứ ai có hộ chiếu (passport ) là leo máy bay mà đi… Người đi cần phải ‘‘xin’‘ thị thực xuất nữa, và phải được cấp nghĩa là phải được ‘‘nhà nước’‘ của mình cho phép đi, thì mới được đi.
Đơn xin thị thực đi, phải khai rõ thời gian đi (xuất ) bao lâu, mục đích gì v.v… Quá hạn (cho phép xuất ) mà không về là có ‘‘dzắc dzối’‘ đấy nhá! Vì thế mấy người bạn ‘‘in water’‘ của tôi lúc trước cứ cãi hăng là thế.
Cũng may chuyện ''visa xuất'' từng lần (mỗi lần đi mỗi lần xin ) đã hủy bỏ để đổi thành ''thị thực'' nghĩa là được rút gọn lại đâu được chừng vài phần trăm mi li mét. Bây giờ không cần phải ‘‘xin’‘ phép cho mỗi lần xuất nữa nhưng vẫn phải khai ‘‘đi đâu’‘ ‘‘làm gì’‘ khi làm hộ chiếu, và mỗi lần đi vẫn phải… ‘’thị thực’’ (một dạng “xin visa xuất” được rút gọn), vẫn có giới hạn thời gian. Cho nên quá hạn ''thị thực'' cho phép mà không về, dù hộ chiếu vẫn chưa hết hạn, cũng gặp ‘‘dzắc dzối’‘ là cái chắc.
Nói nào ngay, đến hôm nay, Việt Nam mình thật sự đã ’‘bứng’‘ cho cái ‘‘thời bao cấp’‘ lúc trước cho nó văng luôn vào dĩ vãng rồi để bước qua ‘‘thời hội nhập’‘ mà tìm cách sinh tồn cùng thiên hạ.
Tôi nghĩ rằng các bạn trong nước của tôi bây giờ đã biết, không chỉ riêng nước Úc là cho phép thần dân ‘‘downunder’‘ của họ đi ‘‘tỷ năm’‘ cũng chẳng việc gì mà tôi tin rằng chắc còn nhiều nơi khác cũng tương tự. Đừng nói đâu xa, ngay ở Thailand sát nách Việt Nam mình đây thôi, tôi có đọc được trong thông tin dành cho khách du lịch đến thăm viếng xứ này trong một lần đến Tháiland.
Nước Thái dù hôm nay có thể khá hơn Việt Nam mình chút đỉnh, nhưng vẫn là một quốc gia còn đang phát triển, và chính sách kinh tế của Thái vẫn nhắm đến nguồn ngoại tệ lớn lao từ những Thái kiều của họ ở bên ngoài.
Chính phủ Thái khuyến khích dân Thái của họ ra nước ngoài càng nhiều càng tốt, ở lại nước ngoài lâu chừng nào tốt chừng nấy, tìm cách (nào đó thì cách ) ở luôn đừng về nữa thì càng hay hơn. Nhưng… - xin nghe cho kỹ chỗ này mới là quan trọng nè nhen - Bất cứ lúc nào những Thái kiều về nước, dù về thăm trong giai đoạn, hay về luôn thì họ vẫn là người Thái, được đối xử bình đẳng như người Thái trong nước (về quyền công dân, về an sinh xã hội, về công ăn việc làm, về nghĩa vụ v.v… )
Và bất cứ ở đâu, miễn là nơi đó có sứ quán Thái, bất cứ người Thái nào muốn hồi hương vì bất cứ lý do gì mà họ không tự mình thực hiện được (không tiền, không vé máy bay, không giấy tờ v.v… ) thì Sứ quán Thái sẽ (có bổn phận ) giúp đỡ họ về nước…
Nhìn mấy cha ‘‘Thái kiều’‘ ở nước ngoài được chính phủ của họ ‘‘cưng’‘ như vậy không dưng mà thằng tôi lại có chút tinh thần vọng ngoại, mà lại hơi bị tham nữa, nên muốn mình biến quách thành Thái kiều (mẹ nó ) cái cho rồi chứ chẳng thèm làm ‘’Việt kiều’’ mà làm cái (dog ) gì cho nó... tủi thân.
Chứ còn gì nữa! ‘‘Việt kiều’‘ mình gần 3 triệu người Việt ở nước ngoài hàng năm cũng ‘‘giúp’‘ nhà nước mình ''thu'' ngoại tệ đến gần cả chục xấp tiền tỷ đô chứ bộ ít sao? Vậy mà, trừ những người đã có passport nước ngoài, còn số Việt kiều còn xử dụng hộ chiếu Việt Nam như đi lao động, du học, du lịch v.v… thì thằng ‘‘i-emm’‘ nào cũng phải lệ thuộc cái thị thực xuất. Phải điền các câu hỏi – Ai mời ra nước ngoài. Đi đâu – Đi làm gì – Bao lâu v.v… Không biết có thằng ‘‘i-emm’‘ nào cũng thành thật (hay ngu ngu ) như tôi năm xưa mà điền gọn lỏn một chữ đi ‘‘chơi’‘ không thôi hay không.
Đó là chưa kể khi ra nước ngoài nếu có chuyện gì (giấy tờ xác nhận, hay thị thực… ) phải cần đến ‘‘Đại Sứ Quán’‘ của ‘‘ta’‘ thì nên biết khôn mà chi vài chục nhờ dịch vụ lo dùm chứ đừng có chường cái mặt (mốc ) ‘‘khúc ruột ngàn xa’‘ của mình đến sứ quán, thì có mà vừa uất ức với cái quốc tịch (gốc ) Việt Nam của ta, vừa bị … nhục (mạ ) bởi các viên chức trong “Đại” sứ quán cũng của ‘‘mình’‘.
Chỉ sơ sơ mấy chuyện xuất có "thời gian và mục đích’‘ thôi, còn chuyện đi luôn không về, ‘‘một đi không trở lại’‘ còn nhiêu khê hơn nữa. Dù là đi chui, như vượt biển năm xưa, đi lao động hay du lịch rồi ‘‘bùng’‘ luôn không trở lại quê nhà, hoặc đi chính thức như đoàn tụ gia đình, di dân tay nghề, hôn nhân với người nước ngoài v.v… Không cần biết! Cứ hễ không về là coi như bị nhà nước mình… từ luôn. Y chang như cha mẹ ‘‘từ’‘ đứa con hư đốn không muốn nhìn nó do mình đẻ ra nữa vậy (chỉ có tiền có tiền đô của nó gửi về là không từ thôi ).
Dù là người đi chui, hay chính thức mà thị thực xuất không có ghi thời hạn về (như đi định cư luôn ở nước ngoài ) thì chứng minh nhân dân, đã nộp lúc xin hộ chiếu trước khi đi, bị hủy bỏ, hộ khẩu bị cắt, quốc tịch Việt Nam của mình cũng bị nhà nước thẳng tay xóa cái… rột. Tự dưng cái rồi biến thành "vô tổ quốc".
Để rồi, vài năm sau những người vô quốc gia không quốc tịch này, có ai lanh chanh mà tìm cách xoay sở được quyển passport nước ngoài để trở về thăm gia đình, thì họ lại bị ‘‘phân biệt đối xử’‘ một cách rạch ròi so với những người trong nước. Trước hết là ‘‘bị’‘ gọi bằng Việt kiều, hoặc ‘‘ngoại kiều gốc Việt Nam’‘ chứ nhà nước mình không "cho" họ là người Việt Nam nữa. Muốn đi làm (trong nước ) thì nơi tuyển dụng phải có ‘‘chức năng’‘ tuyển nhân sự ‘‘có yếu tố nước ngoài’‘ chứ không phải ai muốn thuê mướn họ làm gì cũng được. Muốn mua nhà để ở phải chờ Quốc Hội họp để ra ‘‘nghị quyết’‘ cho hay không cho mua. Mướn nhà ở cũng bị ‘‘chỉ định cư trú", chỉ được thuê mướn ở những nơi ‘‘có yếu tố ‘‘ dành cho người nước ngoài, chứ không phải muốn thuê của ai, muốn mướn chổ nào cũng được…
Và quan trọng nhất là vấn đề hồi hương về luôn… Nếu ai đó chán sống ở nước ngoài muốn về nước mình mà… chết, thì phải làm đơn xin ‘‘chủ tịch nước’‘ cho hồi hương cái đã, trong đó có phần ‘‘xin’‘ từ bỏ quốc tịch nước ngoài đang có (dù quốc tịch đó không do ông chủ tịch này cấp ), vậy mà cũng phải chờ ‘‘ổng’‘ chấp thuận cho hồi hương, thì mới được ‘‘coi như’‘ có quốc tịch Việt Nam trở lại thôi, chứ còn có quyền lợi và nghĩa vụ ‘‘y như’‘ người trong nước hay không thì chưa biết à nha!
Thí dụ có được mở quán bán cháo lòng kinh doanh như người trong nước để sinh sống hay không, được mướn nhà mua nhà ở bất cứ nơi nào mình muốn, con cái có được đi học ở trường địa phương như mấy đứa nhỏ trong nước, hay là phải tuân thủ những quy định ‘‘có yếu tố nước ngoài’‘ dù chẳng còn ở nước ngoài nữa… thì phải… xét lại.
Chao ôi ơi! Mới đọc sơ sơ về mấy cái ‘‘văn bản pháp quy’‘ dành cho ‘‘khúc ruột từ ngàn xa’‘ đã thấy chóng mặt quay mòng mòng như con gà rót bị chuốt rượu đế, muốn té xỉu cái ạch rồi thì còn nói gì đến chuyện thực hiện cho đúng cách.
Tại sao nhà nước ‘‘mình’‘ không đối xử với mấy ‘‘khúc ruột’‘ của họ trong chuyện ‘‘đi ra đi vào’‘ - một cách đơn giản (và bớt ‘‘vô duyên bà cố’‘ ), như xứ Thái đối xử với kiều bào của họ thì có phải hay hơn không?…
Xin trả lời theo kiểu nhóm bạn ‘‘trà bắc’‘ của tôi là - Đi mà hỏi ‘’ông’’nhà nước í ! Hoặc chính cống ngôn ngữ anh hai lúa Sài Gòn thì - Biết… chết liền!
Quả là Việt Nam mình bao giờ cũng có tỷ chuyện hỏng giống ai (của nhà nước ) loại… Biết chết liền!
Mới đây trong kỳ họp quốc hội lần thứ 7 khóa XII hồi tháng 7-2010 vừa qua có một dự thảo đã làm nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước ‘‘hồ hỡi’‘ chú ý. Đó là việc quốc hội kỳ này đang bàn xem có ‘‘cho’‘ Việt kiều vẫn còn quốc tịch Việt Nam (nghĩa là thị thực xuất của họ khi đi vẫn còn hiệu lực trở về mà không bị rắc rối ) có được dự tuyển làm ‘‘viên chức’‘ ở Việt Nam hay không.
Theo tường thuật của nhiều báo chí trong nước thì dự thảo này đã ‘‘chia’‘ quốc hội ra làm hai phe, bên thuận bên chống. Bên thuận, chỉ có mấy nghoe, cho rằng nên làm vậy để thu hút chất xám (gốc Việt Nam ) từ nước ngoài về xây dựng đất nước, bên chống (nhiều hơn chiếm đại đa số ) cho là nên lường trước các ‘‘rắc rối’‘ sẽ do những Việt kiều tạo ra trước khi quyết định có cho họ được về nước dự tuyển viên chức hay không.
Bên chống còn cho rằng: Những Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam nhưng cư sống nước ngoài - như đi lao động, du học, nghiên cứu sinh, các chuyên gia được nước ngoài thuê mướn v.v... (không có Việt kiều ''boat people'' trong nhóm này đâu, đừng ai ham nha! ). Dù còn quốc tịch Việt Nam nhưng không gắn liền với đất nước thì không thể là ‘‘viên chức’‘ được và đề nghị nên có chính sách ‘‘đối xử phân biệt’‘ về quyền hạn nghĩa vụ của ‘‘viên chức’‘ khác với ‘‘công chức’‘ như thế nào để (nếu như ) Việt kiều có "được" làm viên chức thì cũng không thể… lấn sân.
Theo các phóng viên từ Thời Báo Kinh Tế, Dân Việt đều cùng một nhận xét giống nhau đó là chuyện viên chức Việt kiều ‘‘còn nhiều rắc rối’‘, việc này ‘‘chưa thống nhất’‘, chuyện Việt kiều viên chức vẫn ‘‘chưa ngã ngũ v.v… (* )
Một số người biết chuyện thì ôm bụng cười lăn thiếu điều muốn rớt răng giả ra luôn. Người ta nói Quốc Hội mình kỳ này họp chắc ‘‘quởn’‘ quá nên kiếm chuyện… giỡn cho dzui.
Ngã ngũ làm sao được mà ngã ngũ với một đề tài ‘‘chàm quàm’’ như vậy, trong khi chuyện ‘‘nhỏ như con thỏ’‘ của những ‘‘khúc ruột ngàn xa’‘ mà từ bao nhiêu năm qua nhà nước ta vẫn chưa ngã ngũ.
Đó là, ngoài chuyện nhà nước muốn dân mình đem thân ra nước ngoài đi cày (đến héo củ cải luôn ) để kiếm tiền đô ‘‘bắn’‘ vào trong nước là được nhà nước ta hoan nghênh và tạo mọi sự dễ dàng tuyệt đối thôi, còn chuyện đi ra đi vào của mấy ‘‘khúc ruột’‘ Việt kiều này thì vẫn bị nhà nước mình hỏi những câu trong phiếu xuất nhập cảnh và ''thị thực'' của họ thiệt là ''vô duyên bà cố'' luôn như mấy câu hỏi trong phiếu tạm trú của khách sạn Phan Thiết năm xưa vậy... ‘‘Ai mời về’‘, ‘‘Về làm gì’‘ ‘‘về bao lâu’‘ v.v...
Về "chơi" chứ về làm gì, "chơi" xong rồi đi (ra ngoài ) cày tiếp chứ ở lại chi...
Ngày nào những ‘‘ngoại kiều gốc Việt Nam’‘ (vượt biên di tản), hay ‘‘Việt kiều khúc ruột ngàn xa’‘ (đi lao động) còn chưa được nhà nước mình đối xử như Thái Lan đối xử với kiều bào của họ thì cãi nhau chí chóe làm cái (son-mother ) gì chuyện dự tuyển hay không dự tuyển, viên chức với lại công chức… cho mất thời giờ quý báu của quý ngài đại biểu quê mình quá đi…
Đúng là Quốc Hội mình ’‘quởn’‘ quá rồi giỡn cho dzui thôi phải không quý dzị ‘’khúc ruột’’ bạn mình?
Ghi chú: (* ) Xin gõ lên bản search của Google mấy chữ ‘’Việt kiều sẽ được dự tuyển viên chức’’ để đọc tin các báo đài trong nước tường thuật về ý kiến các đại biểu Quốc Hội bàn cãi với nhau về chuyện này trong kỳ họp tháng 7 vừa qua.
Phương "N" (Sydney tháng 8-2010)
No comments:
Post a Comment