- Thu
đi, thu về... bốn mùa thay lá, bốn mùa vẫn trôi. Ngoài kia, con nắng
yếu ớt đang cố vươn mình xuyên qua một đám mây đen, le lói trên nền trời
ảm đạm, u buồn. Đâu đó một vài thân cây xương xẩu, nằm trơ trọi xen kẽ
giữa những hàng cây vàng lá úa. Những hàng cây trơ trọi ấy đã đem tôi về
một thời quá khứ, trong đó có hình ảnh Mẹ tôi với chiếc khăn mỏ quạ,
đôi chân trần nặng gánh trên vai. Bố tôi quanh năm ngoài chiến trường,
một năm chỉ ghé nhà đôi lần rồi vội vã ra đi. Anh em tôi lớn lên bằng
đôi quang gánh trên vai Mẹ, dù trời nắng hay mưa, bất kể giông gió, đôi
chân Mẹ vẫn miệt mài bước đi trong bão tố. Hơn hai mươi năm chiến tranh
đã cướp đi của Mẹ một thời xuân sắc, ba mươi mấy năm cuối đời là những
đau thương cho đến ngày nhắm mắt. Mẹ tôi chỉ là một trong những hình ảnh
tiêu biểu của muôn triệu người phụ nữ Việt đã khiến nhà thơ Hồ Dzếnh
phải thốt lên trong bài thơ Cảm Xúc...
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Hình
ảnh người phụ nữ Việt Nam hôm nay không còn nằm ở hai chữ “Hy Sinh” mà
nhà thơ Hồ Dzếnh đã trân trọng nạm vàng. Người phụ nữ ngày nay vẫn bôn
ba, vẫn thân cò lặn lội, nhưng có mấy ai “trân trọng nạm vàng” như Hồ
Dzếnh? Xưa kia, giá trị của người phụ nữ bị gò bó trong khuôn khổ “Tam
tòng, Tứ đức”. Ngày nay theo đà phát triển của nhân loại, sự thay đổi về
chính trị, văn hóa, tôn giáo... qua đó những giáo điều xưa kia cũng
được tháo gỡ, và người phụ nữ không còn phải nép mình trong khuôn mẫu
của “Tam tòng”, nhưng “Tứ đức” vẫn là nền tảng căn bản cho nhân cách
sống ở đời.
Tôi
muốn nói đến sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên đất nước Việt Nam đã làm
đảo lộn mọi nền tảng Nhân Văn trong đời sống vốn dĩ đã có từ ngàn xưa,
dù trải qua nhiều dâu bể, thăng trầm... nhưng bản chất Việt chưa bao giờ
bị tha hóa, tồi tệ trầm trọng như hiện nay. Từ nguyên nhân chính đã đưa
đẩy con người đi vào những nghịch cảnh không được xã hội chấp nhận,
thương cảm mà đôi khi còn “khinh bỉ” một cách vô thức.
Sau
ngày cưỡng chiếm Miền Nam, để chứng tỏ “bản lĩnh” của kẻ thắng, nhà cầm
quyền cộng sản đã không biết ngượng khi sử dụng sức mạnh của con voi
đặt trong tủ kính, bất chấp sự đổ vỡ tàn phá đến tận cùng của mọi giá
trị trong đời sống xã hội, đẩy con người xuống tận đáy vực điêu linh
cùng cực. Những thân cò miền Nam không chỉ lặn lội bờ ao mà còn phải
“lên non, xuống biển tìm mồi” để nuôi con, thăm chồng trong các trại tù
từ Nam ra Bắc. Biết bao nhục tủi, biết bao uất hận, người phụ nữ miền
Nam vẫn đứng thẳng người đối diện cùng nghịch cảnh. Có ai biết khi đêm
về, nỗi cô đơn thống khổ ấy chỉ được chia sẻ bằng những giọt nước mắt
của chính mình. Ký ức có thể nguôi ngoai cùng năm tháng, nhưng chứng
tích nỗi đau một thời làm bưng mủ trái tim ấy đã trở thành vết thẹo đời,
ray rức cùng nỗi đau chung của dân tộc. Tha thứ là một điều không khó
đối với những trái tim nhân hậu được giáo dục trên nền tảng bác ái,
nhưng quên lại không nằm trong khả năng của con người. Làm sao quên được
khi cái ác vẫn tồn tại và tiếp tục đọa đày trên nỗi đau của cả một dân
tộc, ngày càng thêm khốc liệt. Thân phận người phụ nữ Việt sau gần bốn
mươi năm “thống nhất” đã không còn là sự khác biệt của ý thức hệ mà tất
cả bị ném chung vào cái thùng “thống nhất” bịp bợm, lộ rõ bản chất tàn
bạo của chế độ chuyên sống trên xương máu của đồng loại, gieo oán than
khắp nơi, đâu đâu cũng thấy cảnh nhà tan cửa nát. Chính sách “bần cùng
hóa” đã khiến người phụ nữ rơi vào nghịch cảnh không lối thoát. Có biết
bao những thân cò Việt Nam phải lặn lội bôn ba khắp nơi mong tìm một lối
thoát cho gia đình, cái giá phải trả đôi khi bằng chính mạng sống mà hệ
lụy là cả một nỗi đau dài của những người thân yêu phải cam chịu suốt
quãng đời còn lại.
Bốn
mươi năm là một chặng đường dài mà nhà cầm quyền cộng sản đã bỏ hết tâm
huyết phá hủy cho bằng được dân khí của dân tộc. Có biết bao thiếu nữ
như loài thiêu thân đốt giai đoạn đời qua những ánh lửa đam mê cuồng
vọng, “người ta” vội vã kết luận hành động ấy như một điều hư hỏng không
thể chấp nhận. Nhân cách ư? Lòng tự trọng ư? Đừng đòi hỏi lòng tự trọng
một khi nền giáo dục nằm trong bàn tay của những kẻ thống trị, độc tài
muốn nghiền nát thân phận người phụ nữ trong lối sống vô vọng mà định
hướng tương lai chỉ là chiếc bánh vẽ đầy những sắc màu của tội lỗi, ích
kỷ, vô cảm. Họ là nạn nhân của thời cuộc, nạn nhân của một chế độ cường
quyền thối nát. Làm sao có thể làm một con người tử tế khi các quan hệ
xã hội đều được xây dựng trên sự dối trá. Một sự dối trá lên đồng tập
thể để không còn ai biết ngượng vì tất cả đều cùng một khuôn mẫu như
nhau.
Người
phụ nữ ngày nay đã bị “ đồng hóa” trên thị trường quốc tế như một món
hàng rao bán. Chỉ cần nghe một cuộc đối thoại ngắn trong bộ phim “Hàn
Quốc” mới vừa phát hành vào tháng 10/2014 có thể hình dung được giá trị
người phụ nữ Việt Nam rẻ rúng đến xúc phạm lòng tự trọng của những người
may mắn không nằm trong nghịch cảnh nói trên.
“Con uống rượu cả ngày thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu”.(1)
Đây không còn là nỗi nhục cá nhân mà nó đã trở thành nỗi nhục quốc thể.
Một ngày buồn.
Chờ hoài - đợi mãi... một ngày mai
Quê hương tràn ngập... bóng đêm dài
Ngước mặt kêu gào... cao xanh thấu?
Cuối xuống nghe lòng... nặng trĩu đau.
Sau
một đêm thức trắng theo dõi phiên tòa tại Đồng Tháp. Lòng tự hỏi
lòng... có phải tất cả đã trở thành quá quen thuộc với những lời tuyên
án của những con người mang danh nghĩa "Thượng tôn pháp luật" nhưng lại
chà đạp pháp luật một cách trắng trợn? Chẳng lẽ thế này mãi sao? Biết
mình bất lực và không đủ tư cách để nói lên một điều gì. Ngậm ngùi xót
xa cho một quê hương vẫn mang đầy dấu tích của những viên đạn thù mà âm
thanh của sự chết chỉ là những tiếng thét gào trong vô vọng. Ngồi nghe
lại bản nhạc Tổ Quốc Gọi Tên Mình mà nhục với Tiền Nhân. Muôn vạn lần
xin được thứ tha.
*
Đó
là những cảm xúc mà tôi đã chia sẻ cùng bạn bè trên FB sau khi theo dõi
phiên tòa xử ba người con đất Việt tại Cao Lãnh-Đồng Tháp. Trong đó có
hai người phụ nữ: Chị Bùi Thị Minh Hằng và chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Họ
là những tấm gương sáng tiêu biểu cho người phụ nữ Việt mà tôi tìm thấy
trong tác phẩm “Cô Gái Việt” của nhạc sĩ Hùng Lân.
Và
còn nhiều nữa một Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Thị Bích Khương
v.v... Họ là những bông hoa được vươn lên từ cây đạo đức Triết Lý sống
đã bị vứt vào xọt rác của chủ nghĩa vô hồn để trở thành những cánh sen
tinh khiết của dân tộc. Nhục nhã thay cho những con người sẵn sàng đánh
đến người Việt Nam cuối cùng để đạt được mục đích nhuộm đỏ mảnh đất cong
hình chữ S. Máu người Việt Nam đã đổ xuống thẫm ướt mảnh dư đồ mà cha
ông đã bao đời gầy dựng, họ vẫn dửng dưng, không xót xa cho dù là một
chút lòng thương hại. Còn ngôn từ nào để diễn đạt những con người ấy như
một lũ côn đồ lưu manh mạt hạng.
Cho
dù có khác biệt về thể chất hay tâm lý thì người phụ nữ Việt cũng là
một con người đúng nghĩa đóng góp không nhỏ trong đời sống xã hội. Buồn
thay, người phụ nữ ngày nay ngoài những trách nhiệm quán xuyến, tề
gia... còn phải lận đận cùng mệnh nước điêu linh. Họ không chỉ bị tước
đoạt về nhân phẩm mà ngay cả quyền tự do cũng bị tước đoạt. Tôi chợt
nghĩ đến chị Dương Thị Tân vợ anh Điếu Cầy (Nguyễn Văn Hải). Một người
phụ nữ chấp nhận hy sinh những ngày cuối đời, đơn độc và cô lẻ. Không
biết biển có lặng, sóng có êm hay những cơn bão tố đang trực chờ trước
ngưỡng cửa định mệnh mà thân phận người phụ nữ Việt đã được đặt để trong
ngai vị “chấp nhận” như “Cảm Xúc” của nhà thơ Hồ Dzếnh:
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.
Xin được nghiêng mình trước những hy sinh cao cả của những người con gái Việt Nam… “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Con
đường phía trước còn rất nhiều những gian nan khổ ải. Định mệnh dường
như chưa dừng trên số phận của chị. Niềm an ủi khích lệ tinh thần trong
lúc này là điều cần thiết nhất cho một người đi xa. Không khí giáng sinh
đang tưng bừng khắp mọi nơi, bên ngoài những cơn gió thu buốt lạnh ùa
về làm dâng thêm nỗi nhớ. Noel này... anh có vui?
Vàng thu rớt lá bên thềm
Nhặt thu, đếm lá, đong thêm đợi chờ
Người đi một cõi bơ vơ
Người chờ ôm phận thẫn thờ bên song
Mây đen le lói ánh hồng
Châu về hiệp phố còn không kiếp này
Mong ngày vận nước đổi thay
Khai sinh nỗi nhớ cho ngày đoàn viên.
Paris một ngày buồn 12/12/2014
Hạt Sương Khuya
No comments:
Post a Comment