Sunday, December 21, 2014

Tại sao Tập Cận Bình chống tham nhũng - Ngô Nhân Dụng

Tập Cận Bình muốn chứng tỏ cho dân Trung Hoa thấy ông ta quyết tâm chống tham nhũng và dám áp dụng luật pháp đối với những người quyền thế nhất. Nhưng đằng sau chiến dịch chống tham nhũng này còn những lý do và động cơ nào khác?
Trong tuần qua Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) chính thức bị trục xuất ra khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc và bị truy tố vì tham nhũng. Chu Vĩnh Khang từng nắm trong tay hai thứ, quyền và tiền. Ông ta đứng đầu tất cả ngành an ninh và chi phối tất cả các công ty dầu lửa lớn, nhỏ. Chu kiểm soát cảnh sát công an, tòa án, các trại cải tạo (nhà tù) và hệ thống mật vụ; ngân sách về an ninh cao hơn cả ngân sách quốc phòng và lớn bằng tổng sản lượng nội địa của Việt Nam. Vợ chồng Chu Vĩnh Khang, các con, con dâu, em ruột đã bị quản thúc để điều tra từ tháng Bảy năm nay. Tài sản của gia đình này bị tịch thâu lên tới 90 tỷ quốc gia nguyên, tương đương 14 tỷ rưỡi Mỹ kim. Hơn 20 người cấp bộ trưởng và thứ trưởng đã bị điều tra vì dính tới Chu Vĩnh Khang, một nửa số đó nằm trong “băng đảng dầu lửa.”

Tập Cận Bình (Xi Jinping) đưa một người từng ngồi trong Thường Vụ Bộ Chính Trị ra tòa là xóa bỏ một quy luật bất thành văn vẫn được áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình. Kể từ khi bốn cận thần của Mao Trạch Đông (Tứ Nhân Bang) ra trước vành móng ngựa năm 1976, đây là người đầu tiên ở cấp cao nhất trong Đảng Cộng Sản chính thức bị truy tố.

Chiến dịch chống tham nhũng đang gây những hậu quả bất lợi trước mắt cho hoạt động kinh tế. Tạp chí Tài Kinh (Caixin) cho biết hai phần ba các quan chức và giám đốc các xí nghiệp quốc doanh đã ngưng không dám đưa ra những quyết định quan trọng vì lo không biết có thể sẽ bị tố là tham nũng hay không. Con số lên tới 20 triệu quan chức không muốn làm gì nữa. Những dự án tốn tiền nào có thể trì hoãn được là họ trì hoãn. Sinh hoạt kinh tế có thể bị ngưng trệ. Tại sao vẫn tiếp tục chống tham nhũng một cách rầm rộ như vậy?

Tập Cận Bình từng nói công khai rằng tham nhũng sẽ làm chế độ Cộng Sản sụp đổ nếu không bị diệt trừ. Nhưng đằng sau chiến dịch “bắt cọp” rầm rộ này ai cũng thấy một động cơ của họ Tập là củng cố quyền hành cho chính mình. Những người bị điều tra, bị bắt và truy tố đều nằm trong phe đảng từng được Giang Trạch Dân bảo trợ. Họ Giang đã rời chức chủ tịch từ hơn 10 năm nhưng vẫn đóng vai “thái thượng hoàng” suốt thời gian Hồ Cẩm Đào giữ chức đó. Tập Cận Bình đang chấm dứt các di sản của triều đại Giang Trạch Dân. Để củng cố uy quyền riêng.

Nhưng còn một nguyên nhân sâu xa hơn khiến họ Tập đẩy mạnh một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn và mạnh mẽ. Đó là mối lo chế độ Cộng Sản sẽ tan rã nếu tình trạng hiện nay không thay đổi. Giới lãnh đạo Cộng Sản không sợ dân Trung Hoa trong lục địa vùng lên; chuyện này còn quá xa. Họ lo nhất là chính guồng máy thống trị của đảng thối nát, rạn nứt, và phơi bày trước mắt hơn một tỷ người dân. Công việc “cần làm ngay” là cứu lấy đảng, trong lúc chính các đảng viên từ cao xuống thấp đang mất tin tưởng.

Chế độ Cộng Sản ở đâu cũng vậy, là một hệ thống hàng dọc từ trên xuống dưới. Mỗi cấp chỉ huy chọn người dưới quyền, từ trung ương xuống tỉnh, xuống quận huyện, xuống xã, rồi xuống thôn ấp. Cấp dưới chịu trạch nhiệm với cấp trên, và được cấp trên thăng thưởng hay bị trừng phạt. Hệ thống nhà nước “Lê nin nít” này vẫn chạy đều từ thời Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, cũng được nhập vào áp dụng ở nước Việt Nam.

Tập Cận Bình không phải là người đầu tiên nhìn thấy hệ thống Lê nin nít này không chạy như trước nữa; nhưng ông ta có ý thức là không thể để yên cho tình trạng này kéo dài được. Chính quyền các cấp dưới có những cách không làm theo chỉ thị của trung ương. Đây không phải chỉ là một vấn đề chính trị, mà mặt kinh tế còn đáng lo hơn nữa.

Trong một nền kinh tế thị trường thực sự, mọi quyết định sản xuất, tiêu thụ, cho vay hay đi vay, vân vân, đều do các cá thể phụ trách, với động cơ là lợi nhuận. Nhà nước chỉ đóng vai trọng tài với những quyết định hỗ trợ trên toàn thể, gọi là vĩ mô, qua hai khí cụ là chính sách tiền tệ và chính sách chi tiêu trong lãnh vực công. Đối với một nền kinh tế vẫn còn theo những quy luật, thói quen, tập tục của chế độ chỉ huy tập trung, thì các quyết định vĩ mô không đủ. Guồng máy nhà nước còn chỉ huy trực tiếp nhiều đơn vị sản xuất, tiếp thị, tín dụng; và các giám đốc xí nghiệp hay ngân hàng nhận chỉ thị từ nhà nước. Nếu guồng máy đó không chạy, thì cả nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Tập Cận Bình đã chứng kiến tình trạng các cấp bên dưới nhận được các quy tắc, các chỉ thị từ trung ương rồi giả bộ nghe lệnh nhưng không thi hành. Họ còn cấu kết với nhau để qua mặt cấp trên. Tất cả các hoạt động “bất tuân” đó không cần phải dính đến tham nhũng, lấy của công làm của riêng, cũng làm cho guồng máy bị tê liệt.

Trước năm 2010 chẳng hạn, Trung Quốc đã xây dựng nhiều quá, số nhà cửa, nhà máy, đường sá, vân vân, cứ tăng lên dù không cần, không được sử dụng hết. Cần phải giảm tốc độ ngành xây dựng. Chính phủ Bắc Kinh ra chỉ thị đóng cửa bớt các nhà máy sản xuất thép; chỉ thị nói rõ những nhà máy với khả năng sản xuất dưới 30 tấn phải đóng cửa, để giảm bớt số thép sẽ ra lò. Sau khi chỉ thị được ban ra, đến cuối năm mới thấy hậu quả đi ngược hẳn với mục tiêu của nhà nước.

Thứ nhất, các tỉnh đem gộp hai hoặc ba công ty với nhà máy thép dưới 30 tấn lại, để thành một công ty mới với sản lượng cao hơn 30 tấn. Thứ hai, những nhà máy đang sản xuất gần tới 30 tấn đều được cho vay thêm tiền để mở ra cho lớn hơn. Mà ai cũng biết, những món tiền do ngân hàng của nhà nước cho công ty của nhà nước vay thì không ai lo chuyện có ngày trả nợ. Thế là sau mấy năm nhìn lại, thấy số thép sản xuất trong toàn thể nước Tàu đã tăng từ 700 triệu tấn năm 2010 thành hơn một tỷ tấn vào năm 2013. Kết quả ngược lai với tất cả các ước muốn và chỉ thị của nhà nước trung ương!

Trong nền kinh tế thị trường đích thực, các nhà máy thép không bán được hàng sẽ tự đóng cửa để khỏi mất tiền, dù lớn hay nhỏ, không cần cơ quan nào ở trên ra lệnh. Những nhà máy còn sống sót là những nơi người ta làm việc hữu hiệu nhất, cắt giảm chi phí và giảm cả giá bán, người tiêu thụ cũng được lợi. Người ta đã biết rằng chế độ Nga Xô Viết sụp đổ cũng vì trung ương không thúc đẩy được guồng máy sản xuất trong toàn thể nền kinh tế. Đặt chỉ tiêu sản suất đinh là bao nhiêu tấn, thì nhà máy làm toàn đinh thật to, số lượng nhỏ. Đổi chỉ tiêu bắt làm số lượng đinh cao, thì nhà máy cho ra toàn những đinh loại nhỏ, cho được nhiều. Khoai, bắp của nông trường chất đầy bên đường xe lửa, nhưng không có xe chuyên chở. Cả hệ thống trở thành những sợi dây thừng nối với nhau, mà không ai có thể đẩy được những dây thừng! Trung Cộng hiện nay đã đổi mới, nhưng vẫn chưa thị trường hóa hoàn toàn. Các sợ dây thừng vẫn không làm sao đẩy được. Đó quả là một điều quan ngại.

Một triệu chứng khác Tập Cận Bình đang chứng kiến là nạn “nhân viên ma.” Một cuộc điều tra cho biết riêng trong chính quyền tỉnh Hà Bắc (Hebei) có tới 55,000 nhân viên có tên trong sổ lương mà không thấy đi làm. Nước Trung Hoa có 34 tỉnh và thành phố, suy ra có tất cả một triệu nhân viên ma. Giới lãnh đạo Bắc Kinh lo nhất là tình trạng tham nhũng sẽ làm cho quân đội mất khả năng chiến đấu. Gần đây Tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan) bị bắt vì đã bán đất của quân đội và bán việc thăng cấp bậc. Theo tin Reuters, một đại tá muốn lên tướng phải nộp 30 triệu đồng nguyên (gần 5 triệu Mỹ kim).

Tham nhũng chỉ là một trong nhiều triệu chứng của căn bệnh lớn đe dọa sự sống còn của Đảng Cộng Sản. Chính hệ thống cầm quyền Lê nin nít đã chứa sẵn những thứ vi trùng có ngày làm cho cả guồng máy tê liệt và tan rã.

Hệ thống Lê nin nít khác với cách cai trị trong một nước dân chủ tự do ở chỗ nó không có một cơ chế phản hồi tự giám sát và tự điều chỉnh thường xuyên (routine feedback mechanisms). Cho nên càng lâu ngày guồng máy càng sơ cứng, thối nát, không còn đáp ứng với những mệnh lệnh từ trung ương nữa. Điều này đã được Leon Trotsky báo trước từ năm 1939, trong một bài đả kích Stalin. Trotsky viết, “Khi một chế độ chính trị và xã hội tới gian đoạn gây ra những mâu thuẫn không thể giải được...thì phương pháp đàn áp cũng có thể kéo dài chế độ một thời gian, nhưng trên đường dài thì chính guồng máy để trấn áp dân cũng bắt đầu rạn nứt và sụp đổ.” Trotsky viết câu này nhân vụ Stalin trừng trị hai giám đốc mật vụ Yagoda và Yeshov. Hơn một năm sau, Tháng Tám năm 1940 Trotsky bị một thủ hạ của Stalin giết bằng chiếc búa đập vào đầu trong khi ông đang ngồi viết, ở thành phố Mexico.

Khi chế độ đi tới giai đoạn sơ cứng và thối nát, những người lãnh đạo Cộng Sản không có phương cách nào khác ngoài đường lối cũ, là mở một chiến dịch chính trị rộng lớn trên toàn quốc. Tập Cận Bình đã phát động việc chống tham nhũng rộng lớn để trì hoãn tình trạng đảng Cộng Sản tan rã từ bên trong, giống như đã xẩy ra tại Liên Xô. Trong chiến dịch này, Tập Cận Bình sẽ tìm cách giảm bớt quyền hành của các địa phương, đặt tay chân vào các địa vị quan trọng. Tập Cận Bình đang đưa 200 “quan chức tiến bộ” về trung ương và các tỉnh giữ các chức vụ trọng yếu, họ đều từ tỉnh Triết Giang, căn cứ địa của ông ta.

Nhưng Tập Cận Bình cần nhớ lời khuyên về chống tham nhũng của Trần Vân (Chen Yun), một quốc lão thời Đặng Tiểu Bình. Trần Vân nhận xét, “Chống tham nhũng ít quá thì hại nước. Chống tham nhũng nhiều quá thì hại đảng.” Muốn thoát khỏi thế lưỡng nan này, chỉ còn một đường thoát, là dân chủ hóa.

Chế độ dân chủ tự do nuôi sẵn một cơ chế phản hồi (feedback). Nhà nước không cần “mở chiến dịch phê bình” mà công việc phê bình được thể hiện tự nhiên và thường xuyên qua một quốc hội độc lập, qua các cơ sở truyền thông tự do. Thí dụ như cuộc bàn cãi về bản báo cáo CIA tra tấn đang diễn ra ở Mỹ. Cơ chế phản hồi này là khí cụ tốt nhất để kiềm chế các quan chức không cho lạm quyền, nhờ đó mà xã hội cũng như chế độ chính trị được ổn định và phát triển.


Hệ thống ăn cắp sinh văn hóa ăn cắp 
Ngô Nhân Dụng
Nhà văn Sławomir Mrożek ở Ba Lan thời còn cộng sản có lần kể chuyện mấy đứa trẻ chơi tuyết. Chúng đắp một đống tuyết, rồi nặn một tảng tuyết lớn đặt lên trên, rồi vo một quả bong bóng tuyết đặt trên cùng. Buổi tối, bố mẹ lũ trẻ bị công an khu vực gọi tới “làm việc.” Ðồng chí bí thư nghiêm khắc cảnh cáo họ đã để cho con cái phản động, nói xấu tổ quốc xã hội chủ nghĩa!
Bố mẹ lũ trẻ không hiểu gì cả. Ông bí thư xã hỏi: Chúng nó bầy ra trò đắp tuyết để làm cái gì? Thưa, trẻ con chơi làm thằng người bằng tuyết! Nói láo! Không thể bịt mắt được nhân dân đâu nhé! Bọn phản động vừa mới rỉ tai nhau trong nhà thờ, nói rằng chế độ này là một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, lại ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác! Mấy người đang âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân! Về bảo con phá ngay cái đống tuyết xuyên tạc vai trò lãnh đạo của đảng tiền phong của giai cấp công nhân, nếu không nhân dân sẽ trừng trị!
Các ông bố bà mẹ thành khẩn nhận lỗi không biết dậy con. Lập tức về nhà bắt lũ trẻ thi hành chỉ thị của ông bí thư, phá bỏ cái đài kỷ niệm ba thằng ăn cắp.
Sáng hôm sau, chỗ nào cũng thấy những hình người tuyết mọc lên. Bọn trẻ khắp làng đã lén cha mẹ thức suốt đêm chơi tuyết.
Sławomir Mrożek sống trong lòng chế độ cộng sản. Truyện ngụ ngôn của ông mô tả cơ cấu hệ thống chính quyền xã hội chủ nghĩa: Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác!
Chế độ ăn cắp có hệ thống gọi là “đạo tặc chế” (kleptocratie)! Trong bài trước, mục này đã giải thích mánh khóe làm cách nào người ta đem tiền bán dầu lửa của PetroVietnam (tức là của tất cả mọi người dân Việt) tuồn qua một ngân hàng, từ đó chuyển sang những doanh nghiệp nhà nước, rồi cuối cùng chúng biến mất! Không thấy đồng tiền nào chạy ngược chiều trở lại túi thằng dân hết! Trong khi tiền chạy lòng vòng làm xiếc như vậy, chúng lần lượt rớt vào túi bọn chúng: Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, trên đầu một thằng ăn cắp khác! Việt Cộng chỉ sao chép bài bản của Cộng Sản Trung Quốc.
Ngày Thứ Hai, 27 Tháng Bảy năm 2015, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại mất 8.5%, số tụt giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2007 đến nay. Tân Hoa Xã nói hai phần ba các cổ phiếu công ty tụt giá đến giới hạn 10%, phải ngưng mua bán, trong đó có các đại công ty của nhà nước như China Unicom, Bank of Communications, và PetroChina; cùng hai công ty chứng khoán Citic và Haitong. Nếu không có giới hạn 10% này thì không biết giá còn xuống đến bao nhiêu! Ngày Thứ Ba, 28 Tháng Bảy, thị trường lại tụt thêm gần 2% nữa.
Thế nào đảng Cộng Sản cũng sẽ đem thêm tiền ra “cứu giá” cổ phiếu. Tiền của một tỷ người dân sẽ được đổ ra bảo vệ giá trị cổ phần các công ty nhà nước! Trong ba tuần qua họ đã dùng 800 tỷ đô la Mỹ, giúp thị trường lên giá 20%. Nhiều đại gia thấy giá lên như thế đủ cao rồi bèn bán cổ phiếu để thu lời, cho nên giá lại xuống. Mỗi lần thị trường lên hay xuống là hàng tỷ đô la được chuyển từ túi người này sang túi người khác. Trong một bài trước, mục này đã giải thích giới tài phiệt xã hội chủ nghĩa làm cách nào chuyển hàng tỉ đô la từ túi các nhà đầu tư lẻ ngây thơ vào túi các quan lớn, qua hệ thống tài chính xam xám, không ai kiểm soát. Công tác chữa cháy thị trường là một cơ hội bằng vàng cho các đại gia tài chánh chuyển tiền công vào túi mình. Vẫn một cảnh tượng quen thuộc của “nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác!
Những thằng ăn cắp ngồi trên cùng mới có khả năng huy động tiền của PetroVietnam, PetroChina hay Nhân Dân Ngân Hàng. Nhưng trong hệ thống đạo tặc chế thì bất cứ một “công dân hiền lành” nào cũng được đào luyện dần dần biến thành đạo tặc. Bởi vì họ sống trong nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa!
Phải kể hầu quý vị chuyện một công dân hiền lành ở bên Tàu là họa sĩ Tiêu Nguyên (Xiao Yuan). Tiêu Nguyên là họa sĩ, làm quản thủ mỹ thuật trong thư viện của Học Viện Mỹ Thuật Quảng Châu, cho đến khi về hưu năm 2010. Thư viện treo nhiều tranh, ông từng là tác giả nhiều sách về mỹ thuật Trung Hoa. Nếu không sống dưới chế độ cộng sản thì chắc suốt đời ông vẫn chỉ là một quản thủ thư viện, một nhà nghiên cứu hiền lành, lương thiện.
Cuối Tháng Bảy 2015, Tiêu Nguyên mới bị kéo ra tòa, cung khai sự nghiệp ăn cắp tranh từ thư viện trong ba năm trời, ăn cắp ngay trước mắt mọi người.
Năm 2003, Học Viện Mỹ Thuật bắt đầu đưa cả bộ tranh trong thư viện vào computer lưu trữ, cho giới nghiên cứu dễ tìm tòi. Khi tiến hành công việc “số hóa” (digitize), Tiêu Nguyên khám phá ra có nhiều bức treo trên tường là tranh giả. Có người treo tranh giả vô đó, tức là các bức tranh thật đã bị đánh tráo mất rồi. Khám phá ra tội trộm cắp ngay trong sở làm, Tiêu Nguyên lẳng lặng không nói gì với ai; vì đã thấy một cơ hội cho chính mình làm ăn. Sống trong một xã hội nhìn quanh thấy toàn bọn ăn cắp ngồi trên cao, mọi người không ai được tó giác mà còn phải vỗ tay hoan hô chúng, được dịp ăn cắp mà bỏ qua thì ngu dại quá!
Tiêu Nguyên đi mua những tờ giấy trắng cũ và cả loại mực cũ, càng cũ càng trông giống tranh cổ. Mỗi cuối tuần, ông mượn các bức tranh thật về nhà, sao chép tỉ mỉ. Cho đến khi bức tranh giả hoàn tất thì mang đến treo lên tường; chả ai biết gì cả. Làm ăn như vậy, tới năm 2006 Tiêu Nguyên phải ngưng, vì cả bộ sưu tập chuyển đi nơi khác. Tổng cộng Tiêu Nguyên đã ăn cắp được 143 bức tranh, bán 125 bức thu vào 34 triệu đồng nguyên (khoảng gần 6 triệu đô la Mỹ). Phần lớn tranh quý bán qua nhà đấu giá Trung Quốc Gia Ðức Phách Mại (China Guardian Auctions). Tranh đem bán được giá vì có tác phẩm của các họa sĩ nổi danh trong thế kỷ 20 như Tề Bạch Thạch (Qi Baishi), Trương Ðại Thiên (Zhang Daqian) Năm 2012 một bức tranh của Tề Bạch Thạch bán ở Bắc Kinh với giá 72 triệu nguyên! Những tranh cổ được giá là của họa sĩ Chu Ðáp đời Thanh (Zhu Da, 17;1626-1705).
Khi bị bắt, Tiêu Nguyên còn giữ 18 bức tranh quý, trị giá 77 triệu nguyên, gần 12 triệu rưỡi đô la. Chắc các bức tranh đó sẽ được trả lại cho Học Viện Mỹ Thuật Quảng Châu. Nhưng số phận chúng sau này sẽ ra sao, khó đoán được. Bởi vì những bức tranh Tiêu Nguyên vẽ giả đem treo trong thư viện sau đó vẫn có người đánh tráo bằng những bức tranh “giả hơn!” Ra trước tòa, Tiêu Nguyên khai ông nhìn thấy ngay là tranh giả, sao chép vụng về, xấu hơn tranh giả của ông nhiều! Tất nhiên khi nhìn thấy ông cũng không dám tố giác những tay ăn cắp kế nghiệp mình. Vì nếu mở cuộc điều tra thì người ta sẽ khám phá ra những bức tranh bị đánh tráo đem đi cũng là đồ giả, họ sẽ hỏi tới ông.
Hiện tượng này gọi là “lỗi hệ thống!” Ðảng Cộng Sản đặt trên hai hệ thống, tuyên truyền mê hoặc và bạo lực đàn áp. Ðó cũng là nghề chuyên môn của những tay lừa đảo và ăn cướp. Một thằng bịp bợm và ăn cướp rất khó đi tố giác một thằng cướp và bịp khác. Vì chính nó sẽ phải phơi bày tội lỗi của mình! Những anh tham nhũng ngập mặt không ai dám đụng tới vì chuyện đổ bể ra sẽ liên lụy rất nhiều người, cả guồng máy không chạy được nữa. Sự nghiệp ăn cắp của Tiêu Nguyên chỉ bị phát giác tại... Hương Cảng! Một cựu sinh viên Viện Mỹ Thuật Quảng Châu thấy một bức tranh cổ bày bán ở Hồng Kông có đóng dấu thư viện của trường mình, bèn đi báo cảnh sát. Báo chí loan tin, lúc đó cả làng mới biết!
Trong các thư viện và bảo tàng viện bên Tàu không biết có bao nhiêu ông Tiêu Nguyên! Viện bảo tàng tỉnh Hà Nam năm 2013 phát giác nhiều cổ vật là đồ giả, theo tin báo chí nhà nước! Năm ngoái, viện bảo tàng Lộc Thành, tỉnh Liêu Ninh (Lucheng; Liaoning) khám phá ra trong số 8 ngàn món trưng bày có một phần ba là đồ giả, phải tạm đóng cửa! Với nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển rực rỡ như thế, từ nay đi thăm các viện bảo tàng ở bên Tàu quý vị nên cẩn thận. Người Trung Hoa bây giờ chắc biết ơn Thống chế Tưởng Giới Thạch. Năm 1937, khi quân Nhật uy hiếp Bắc Kinh, ông đã cho di tản tất cả các đồ trân ngoạn trong cố cung nhà Thanh, chạy giặc tới đâu ông ôm theo tới đó, năm 1949 tất cả chuyển qua Ðài Loan. Nhờ thế, các thế hệ người Tàu sau này còn được ngắm những bức tranh cổ trân quý tại Cố Cung Bác Vật Viện. Nếu để lại trong lục địa, các vật quý đó chắc đã tiêu tán hết rồi!
Ăn cắp đồ cổ từ các đền chùa dễ hơn lấy từ các viện bảo tàng; và Việt Cộng không thua gì Trung Cộng. Có người khoe với tôi một pho tượng gỗ cổ, sau chuyến về thăm Việt Nam, cách đây hơn 30 năm. Chàng kể rằng một ông bí thư nào đó tiễn chân mình ra tận chân máy bay, lúc từ biệt mới nhét pho tượng vào túi xách tay của “Việt kiều yêu nước.” Ông bí thư nói nhỏ rằng pho tượng đó gốc ở chùa nào ra, nhưng không cho biết ông lấy lén lút hay công khai. Gần đây, chùa Kim Long ở Nha Trang vừa bị kẻ gian đánh cắp 39 tượng phật cổ. Hai anh ăn trộm này chắc không phải bí thư bí thiếc cái gì cả. Họ thuộc hàng ngũ thấp nhất, nằm dưới chân cả đám ba cấp bậc những thằng ăn cắp!

No comments:

Post a Comment