Trong công viên sau nhà tôi có một đàn quạ bắt đầu đến chiếm ngụ từ khoảng một tháng nay. Ðảng quạ này có tới ba bốn chục con lớn, tụ tập dưới gốc và trong các tàn cây ở góc phía Ðông công viên này, suốt ngày khai hội, thảo luận, bay qua bay lại gọi nhau rối rít.
Có một cây cao lớn um tùm, họ coi đó như giang sơn của loài quạ. Tôi không ganh tị, ghen ghét với họ, vì quạ cũng cần đất sống như người. Nhưng một điều tôi chắc chắn bất đồng ý kiến với các ông bà quạ đen này, là họ không những chiếm đất sống mà còn phá hoại cuộc sống của nhiều loài chim chóc khác. Ðàn quạ bay sớn sác, ồn ào tới ngọn cây lớn này, nhưng không để làm tổ cư ngụ lâu dài đâu. Ðộng cơ chính của họ là để đi tìm tổ chim, tổ các loài chim nhỏ hơn. Nghề của các ông bà này là, ngoài việc đi mót ăn, lượm nhặt đồ ăn rơi vãi do loài người bỏ đi, họ chuyên tìm bắt chim non và ăn trộm trứng chim. Từ khi đàn quạ tới chiếm lĩnh khu “Biển Ðông” sau nhà tôi, các loài chim khác trốn đi hết.
Khu vườn sau căn nhà tôi ở dần dần không còn bóng con chim nhỏ nào lai vãng nữa. Trước đây, mỗi buổi sáng tôi có thể rắc hạt cho bầy chim sẻ bay nhào tới ăn. Hoặc đứng ngắm các loài chim tới sinh hoạt, mỗi loài mang một điệu hót, một phong thái bay, chuyền riêng. Có những đôi chim ngói, lúc nào cũng đi cặp với nhau vào lúc xế trưa, lẫm chẫm như đôi vợ chồng trẻ dò từng bước trên bãi cỏ, chân bước, đầu lắc lư, mắt dò tìm. Có những con chim bụng vàng, những con chim cổ xanh, cổ đỏ, những cô cậu chim sâu chuyền cành rất lẹ, cứ y như làm xiếc biểu diễn cho mình coi. Ðẹp nhất là những chú chim hút mật (hummingbird) đập cánh bay tại chỗ trông như con chuồn chuồn. Các cô chú chim bé tí tẹo này, ở vùng này thuộc giống Anna, có thể đập cánh mỗi phút 60 lần, nếu bay lui, và trên 75 lần nếu bay tới. Ðang vỗ cánh giữa trời các cô bỗng vọt lên bay mất hút. Rồi thoáng một cái cô bỗng vụt bay trở lại, tiếp tục đập cánh ở yên một chỗ giữa không trung, cứ y như đùa.
Thế mà từ một tuần nay, không còn bóng dáng con chim hút mật nào nữa. Các con chim ngói cũng biến mất. Ðến chim sẻ mà cũng kéo nhau đi tị nạn! Tất cả chỉ vì đám quạ ồn ào, độc ác, đã tới đây trấn lột, đàn áp, đe dọa đám chim non. Tôi hoàn toàn không đồng ý với chủ trương, chính sách của mấy ông bà quạ này. Họ phá vỡ khung cảnh sống bình an của bao nhiêu loài chim và của riêng tôi, một người cư ngụ hợp pháp trong căn nhà của mình.
Cũng giống như vậy, tôi không thể nào đồng ý với chính sách của các ông bà công an ở Việt Nam khi họ phá vỡ những trang mạng như Bô Xít, Lề Bên Trái, Ôsin, X-Cafe, vân vân. Mình không thể nói chuyện với quạ được. Nhưng công an cũng là người, có thể nói phải trái với nhau. Một bài tuần trước trong mục này viết tựa đề “Ông Vũ Hải Triều sẽ hối lỗi.” Ý kiến chính trong đó là: Hành động phá hoại các trang mạng, các blog, mà ông tướng công an Vũ Hải Triều khoe, đang phá hoại cả tương lai nước Việt Nam. Công việc đàn áp này làm cho đời sống tinh thần của đồng bào ta nghèo nàn hơn, đơn điệu hơn, không khí tri thức của cả một dân tộc bị phá hoại, bị thiêu đốt. Những nhà báo chủ trương những mạng và blog đó là những người yêu nước, người con người mà óc suy nghĩ cùng tình cảm bén nhậy nhất nước. Những mạng và blog của họ chỉ giãi bày tấm lòng ưu tư về sự an nguy, tồn tại của của dân tộc. Ðó là nơi trao đổi những mối lo âu về tương lai, nêu rõ những cái sai sót, nhầm lẫn trong hiện tại để cùng nhau sửa chữa. Ðó là những người muốn giúp nước, cứu nước. Thế mà họ bị phá.
Mạng Internet là phương tiện tốt nhất hiện nay để trao đổi hiểu biết, quan điểm, sáng kiến. Trao đổi tự do là phương pháp tốt nhất để một xã hội tiến bộ. Phá mạng lưới là ngăn cản không cho xã hội tiến tới. Nếu ông Vũ Hải Triều biện minh rằng việc phá mạng của ông chỉ cốt ngăn ngừa những cái xấu, những thứ thông tin có hại cho xã hội, thì xin ông biết cho rằng ý kiến đó đã chứng tỏ sai lầm tự căn bản. Cái thời mà một guồng máy nhà nước tự mình quyết định những gì là xấu, là tốt cho một xã hội, rồi bắt cả xã hội phải nghe theo, thời đó đã qua rồi. Ðó là chủ trương của các ông Stalin, Mao Trạch Ðông, và những học trò của họ, từ Kim Nhật Thành tới Pol Pot. Sau bao năm thi hành chính sách đó, hai ông Xít, Mao đã làm cho các nước Nga và Trung Hoa chậm tiến hàng 50, 70 năm so với các nước khác - chưa kể đã giết chết hàng chục triệu người. Muốn kiểm soát đời sống dân chúng, chế độ độc tài của các ông Mao, Xít phải tận dụng hai phương tiện: Bạo lực và dối trá. Họ làm cho đời sống văn hóa của dân tộc họ bị thui chột khi cấm đoán không cho ai nghĩ khác đảng cộng sản, không cho ai nói khác đảng cộng sản. Ðó là điều chúng ta đều không muốn tái diễn trên đất nước chúng ta.
Công an bắt các nhà báo tự do làm blog, làm mạng phải im lặng. Hậu quả là trên mạng Internet của nước ta sẽ chỉ còn những người chấp nhận bịt bớt một bên mắt, đút nút một lỗ tai, rón rén, chăm chú đi đúng trên lề đường do nhà nước chỉ định! Ðọc những bài trên các mạng còn lại, ai nói đến chính trị thì cũng chỉ toàn những giọng điệu dè dặt, nói xa nói gần, nói bóng gió mà không ai dám nói thẳng. Nói đến ngoại xâm nhưng không dám gọi tên Trung Quốc; chỉ dám nói bóng gió, “những chiếc tầu lạ” hoặc “kẻ bành trướng xấu xa đó.” Cả nước Việt Nam chỉ cho toàn những người rụt rè nhút nhát, sợ hãi được sống, y như ông Nguyễn Tuân ngày xưa hay sao?
Thanh niên đều muốn sống có lý tưởng, nhưng không ai được phép đi qua lề bên trái nên chen chân trên lề phải chật hẹp! Có những thanh niên 20 tuổi viết than thở trên mạng Tuyên Quang, rằng “chúng ta đã quá yếu, cố gắng xây dựng một hình tượng Vàng Anh để rồi bị sụp đổ!” Anh thương tiếc hình tượng cô gái sụp đổ ấy! Hình ảnh cô do đám con cháu các cụ, các ông bà lớn dựng lên. Có lúc họ muốn cô trở thành thần tượng cho mọi thanh niên con cháu Lạc Hồng! Còn những hình tượng đấu tranh của Lê Thị Công nhân, Phạm Hồng Sơn, Lê Trí Tuệ, các bạn trẻ trong nước đa số không hề biết đến vì không được phép biết! Thế hệ thanh niên mới lớn lên, vào mạng sẽ chỉ còn thấy những trò giải trí rẻ tiền, thi đua hoa hậu, phê bình phim Hàn Quốc, tài tử Hồng Kông; đi đâu cũng chỉ thấy blog của những cậu ấm cô chiêu phô bầy quần áo, thân thể, và khoe nhau thành tích ăn chơi, tiêu xài tiền bạc. Cả nước như vậy, các thế hệ trẻ sẽ đi về đâu?
Ðó là lý do chúng ta bất đồng ý kiến với ông Tướng Vũ Hải Triều và bộ phận kỹ thuật của công an, những người đi tiêu diệt các mạng cùng blog trong nước. Họ cũng phá hoại các mạng bên ngoài, từ Da Mầu đến Ðàn Chim Việt, Người Việt Online, vân vân. Cho nên khi Ðào Hiếu cho mạng Lề Bên Trái hồi sinh, ai cũng vui mừng. Ðến lúc được bạn bè trong nước cho biết tin nhà văn bị tông xe, đưa tin ngay để chia sẻ nỗi buồn của độc giả, an ủi các nhà văn khác cũng đang bị công an đàn áp.
Sau khi đăng bài trên, một độc giả đã viết email bổ túc và cải chính: “Xin thưa, bác Hiếu bị một thằng nhỏ đụng trên Ðà Lạt, khi ấy, bác đi bộ từ trong nhà hàng ra, với một đoàn người rất đông,... xui là một mình bác bị dính cú đụng trời giáng ấy (gãy xương bả vai, gãy xương đùi).”
Không biết ông bạn này “nắm vững thông tin cụ thể” hay mấy người bạn khác báo tin trước nói chính xác hơn! Nếu tin mới đúng, tin cũ sai thì đã nói oan cho công an! Dù sao, nghe tin Ðào Hiếu bị xe đụng như “trời giáng” thì độc giả vẫn buồn. Và thấy tiếc, tiếc cho một nhà văn phải án binh bất động. Dù bị ai đụng, một em bé vô tình hay guồng máy công an cố ý, thì nhà văn cũng phải nghỉ viết một thời gian. Mỗi nhà văn là một tài nguyên của một dân tộc. Một nhà văn nghỉ viết thì cả dân tộc bỏ phí mất một tài nguyên không sử dụng!
Ông bạn viết thư này nói rõ, “tôi chỉ góp ý chuyện Bác Ðào Hiếu bị đụng xe thôi.” Tức là ông không lạm bàn những ý khác trong bài Bình Luận trước. Chắc ông cũng biết ý kiến chính trong bài đó là: Công an không được tước bỏ quyền tự do của các nhà văn. Các mạng lưới độc lập phải được tự do. Ðó là bảo vệ tài nguyên của dân tộc. Nắm độc quyền chuyên chế về tư tưởng, về ngôn luận, ở bất cứ nước nào, cũng làm cho bao nhiêu tài hoa văn chương, nghệ thuật, triết lý, tư tưởng bị cạn kiệt, héo úa, hao mòn, phí phạm. Ở nước ta trong hơn nửa thế kỷ trước đã lâm vào cảnh đó rồi, bây giờ chúng ta không nên để hao phí những tài nguyên quý giá nữa!
Khi đàn quạ đen công an văn hóa còn bao phủ trên khung trời văn nghệ thì tất cả các giống chim đẹp đẽ biến mất. Loài quạ ăn thịt các loài chim khác, họ còn ăn chim non từ trong trứng, không cho ra đời. Thời xưa, khi Hữu Loan, Phùng Cung, Phan Khôi, Hoàng Cầm bị chế độ cộng sản cấm, muốn viết để kiếm ăn thì phải viết chui, đội tên khác, viết hời hợt, qua loa, không trao gửi được tâm não mình, thì lúc đó cả nước Việt Nam bị thiệt hại vì mất biết bao nhiêu tác phẩm.
Mỗi khi một nhà văn không được viết tự do là bao nhiêu tác phẩm không được thai nghén, không được ra đời. Giống như những trứng chim bị loài quạ ăn tươi nuốt sống. Làm sao chúng ta đo đếm được số tác phẩm đã bị mất, bị giết trước khi ra đời, cả trước khi thai nghén? Họ sẵn sang thủ tiêu thi sĩ. Hữu Loan kể ông đã suýt bị đảng cộng sản giết, chỉ vì làm thơ tình không đấu tranh giai cấp bằng sắt, máu; ông lại lấy con gái địa chủ, rút ra khỏi đảng. Một anh công an thú nhận chỉ vì yêu bài thơ Yên Mô của thi sĩ mà bỏ lệnh, không giết Hữu Loan. Vì quê anh ta ở Yên Mô. Nếu lần đó người công an được sai đi giết Hữu Loan mà không đọc thơ bao giờ, hoặc quê anh ở làng khác, thì tác giả Mầu Tím Hoa Sim đã chết từ lâu, không được sống thêm nửa thế kỷ nữa!
Vị độc giả gửi tin mới về vụ Ðào Hiếu bị đụng xe đã than: “Chẳng hiểu sao mấy anh chuyện gì cũng bẻ cong đi được!” Chắc vậy. Nhiều người ở Việt Nam nghe tin Ðào Hiếu bị nạn thì nghĩ ngay rằng chắc có “bàn ta lông lá” nào đó gây ra. Cũng như tới bây giờ người ta vẫn hỏi vì sao Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh bị tai nạn chết. Cũng như trong tuần này có tin nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị một xe máy chở hàng đụng ngã bất tỉnh, buổi chiều 15 tháng 9 khi ông đang đạp xe sau trận ốm dậy. Lập tức có người nhận xét: “Rất khả nghi vì bản dịch tiếng Anh cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn vừa được báo Người Việt xuất bản ở Cali. Không lẽ lại chỉ là ngẫu-nhiên? Gần như chắc chắn là có bàn tay của bọn ma bùn Công An rồi.”
Nếu quả thật Ðào Hiếu chỉ bị đụng xe ở Ðà Lạt, thì cái tin được loan truyền trước đây không những đã bị bẻ cong, mà đúng ra là đã bẻ ngược. Tại sao? Tại sao người dân nghi ngờ bộ máy công an đến như vậy? Vì người Việt Nam nghe nhà nước nói cái gì, thì nghĩ ngay rằng sự thật phải ngược lại. Nhất là công an nhà nước. Bởi vì cả bộ máy chế độ là một màn dối trá. Như luật sư Trịnh Hội mới viết trên nhật báo Người Việt: “Một thể chế đang (nói) muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền ... (Nhưng) Họ có thể bắt người dân bất cứ lúc nào, tra khảo về bất kỳ vấn đề gì mà họ cảm thấy thích, và nếu cần họ có thể giam giữ vài tuần, vài tháng mà không cần trát tòa hay một lời định tội.” Có nên tin chế độ đó hay không?
Việt Nam là một xứ cái gì cũng bị đảo lộn, cái gì cũng dựng ngược hết! Mọi người phải tập cúi khom lưng, ngó đầu lên, nhìn ngược mọi bức tranh mới hiểu nó vẽ cái gì! Thí dụ, con người hiền lành như nhà thơ Hoàng Cầm mà lại làm thơ chống chế độ cộng sản hay sao? Có ai tin được hay không?
Gần đây nhà thơ Hoàng Hưng mới kể chuyện ông và Hoàng Cầm bị tù vào năm 1982, chỉ vì một tập thơ Về Kinh Bắc chép tay, không hề in ấn! Từ khi Hoàng Cầm hoàn thành Về Kinh Bắc (mùa Xuân 1960) cho đến tháng 8 năm 1982, đã có hàng trăm bản chép được lưu truyền, Hoàng Hưng không thấy ai phổ biến lệnh cấm dù chỉ là lệnh miệng. Nhưng công an đã sắp đạt, gài bẫy, để bắt cả hai thi sĩ vào Hỏa Lò. Họ muốn gán cho hai nhà thơ tội âm mưu phản động! Có nhiều người bạn của hai ông bị bắt buộc phải đóng vai “cá chìm” phản bội, giúp công an đánh lừa cho 2 ông nhà thơ sa vào bẫy.
Hoàng Hưng còn trẻ, bao nhiêu lần bị hỏi cung vẫn cương quyết không nhận tội “âm mưu, phản động, phổ biến thơ chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội.” Sau mấy tháng, một bữa, ông được đưa vào phòng thẩm vấn mà không ai tiếp, chỉ thấy trên bàn một bản tự khai, nhìn kỹ thấy chữ viết nắn nót của Hoàng Cầm thú nhận tất cả các tội mà công an muốn gán cho hai người! Trên đường về phòng giam, Hoàng Hưng lại được “bố trí” cho gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng. Xin nghe lời kể của nhà thơ: “Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: ‘Anh nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?’ Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Ðến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau.”
Chúng ta đều đau đớn. Hoàng Cầm đã bị giết! Một cách giết chết các thiên tài là làm cho họ cảm thấy nhục nhã với chính mình. Chế độ cộng sản không những bắt người ta phải tuân phục; họ còn muốn làm nhục nhà văn, hạ thấp phẩm giá nhà thơ. Họ có cả guồng máy, kỹ thuật để thi hành công tác đó. Họ muốn tiêu diệt trí thức, văn nghệ sĩ, để dễ cai trị quần chúng
Trong những năm mà Phùng Quán, Nguyễn Hữu Ðang, Trần Dần, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Ðức Thảo, Nguyễn Chí Thiện, Bùi Ngọc Tấn, vân vân, không được viết hay viết không được vì bị bắt chui vào rọ, thì nền văn học nước ta mất bao nhiêu tác phẩm? Chắc chắn chúng ta bị mất mát nhiều lắm! Bao nhiêu tài hoa, bao nhiêu bộ óc siêu việt bị làm cho tê liệt hoặc “vô dụng” dù thân thể còn được sống. Các bạn trẻ ở Việt Nam, các bạn có muốn dân tộc ta bị mất mát thêm một thế hệ văn chương nữa, để mở đầu thế kỷ 21 này hay không?
Cho nên, các vị công an đang làm công việc đàn áp mạng lưới của các nhà văn nhà báo tự do cần phải biết hối lỗi. Hối lỗi là một hành vi có tính thiêng liêng. Khi nói một người hối lỗi, chúng ta tin đó là một con người, như mình. Không những thế, đó là những con người có khả năng tiếp xúc với thế giới thiêng liêng cao hơn chính bản thân của họ. Xin chúc quý vị sớm biết ăn năn hối lỗi, sống xứng đáng con cháu Lạc Hồng.
No comments:
Post a Comment