Sunday, May 20, 2012

Thời của côn đồ?

Huỳnh Ngọc Chênh
Xem ba clip ghi lại cảnh đánh hai nhà báo, đánh một người dân đến nay chưa biết tên và đánh người phụ nữ là chị Ngô Thị Ánh trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang thì không ai không cho rằng đó là hành động côn đồ, đánh người để thỏa mãn thú tính. Nhưng đau đớn thay hành động côn đồ đó lại không phải do bọn côn đồ xã hội đen thứ thiệt gây ra mà lại được thực hiện có tổ chức bởi các nhân viên công lực mang sắc phục công an và dân phòng đang thi hành công vụ.
Đau đớn hơn nữa là cấp trên của các nhân viên côn đồ đó không những mặc nhiên chấp nhận các hành vi côn đồ mà còn ra sức dung túng bao che khi sự việc vỡ lở ra. Hai người dân thường bị đánh công khai trên video clip nhưng mãi đến nay gần một tháng trôi qua vẫn không thấy chính quyền Hưng yên nói năng gì tới và các cơ quan chức năng không hề nghĩ đến chuyện truy tìm các hung thủ để xử lý, để làm trong sạch bộ máy công quyền như hô hào của đảng qua nghị quyết 4.
Ngay cả với nạn nhân là hai nhà báo có cả đơn thư khiếu kiện nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy có cơ quan trách nhiệm nào hứa sẽ truy tìm ra các thủ phạm để khởi tố ngoài việc xin "thông cảm" một cách tùy tiện của ông Giám đốc công an Hưng Yên là thủ trưởng cao nhất của các nhân viên côn đồ tại địa phương nầy.
Trước đó nữa, bọn "côn đồ" vào phá sập nhà anh Đoàn Văn Vươn, vơ vét của cải và cả tôm cá trong đầm của anh Vươn, sự việc đã qua gần 5 tháng rồi mà công an Hải Phòng vẫn chưa điều tra ra thủ phạm.
Trước xa hơn nữa, bọn côn đồ đã ngang nhiên đe dọa và hành hung ông Hoàng Minh Chính, TS Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và nhiều người khác nhưng vẫn luôn được dung túng, bao che.
Mới đây nhất là một nhóm côn đồ ngang nhiên xông vào cơ quan công quyền đến tận phòng làm việc của TS Nguyễn Xuân Diện quậy phá và ra áp lực buộc TS phải gỡ bỏ một bài viết trên blog của mình một cách phi lí. Suốt trong mấy tiếng đồng hồ xảy ra chuyện quậy phá như thế, dù đã được nhiều lần gọi báo nhưng công an không hề xuất hiện kịp thời để can thiệp. Chờ khi những tên côn đồ quậy phá ra về, công an mới có mặt.
Những tên có hành vi côn đồ bất chấp luật pháp nầy xưng danh là thương binh nhưng không ai tin chúng là thương binh vì những thương binh chân chính, những người từng là chiến sĩ quân đội nhân dân thì không thể nào có những hành vi côn đồ như vậy được.
clip_image002
Thế nhưng vô cùng đớn đau là có hai tờ báo lề đảng đã không những xác nhận những kẻ có hành vi côn đồ đó là thương binh mà còn công khai kích động, tuyên dương những người sai trái đó. Hai bài viết trên hai tờ báo đó đã thay trắng đổi đen một cách trắng trợn, bịa đặt ra chuyện "Ủng hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung". Dư luận chân chính đã bùng lên phê phán nội dung hai bài báo. J. B. Nguyễn Hữu Vinh gọi đó là "Tận cùng của sự bỉ ổi, hèn hạ và đê tiện".
Cũng theo hai bài báo đó, "Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Đống Đa và Công an phường Trung Liệt khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc trên, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để xử lý nghiêm minh trước pháp luật". Nghĩa là công an không "khẩn trương" vào cuộc để điều tra hành vi của bọn côn đồ quậy phá cơ quan nhà nước mà điều tra việc nhân viên Viện Hán Nôm "hành hung" những kẻ vào quậy phá!!! Tại sao người dân lành, nhà báo bị đánh đập dã man lại không thấy ai khẩn trương vào cuộc điều tra? Trong khi với bọn côn đồ, chỉ mới nghe chúng hô lên bị đánh là khẩn trương vào cuộc???
Một trong hai bài báo trên viết: "Thời gian vừa qua trên trang blog cá nhân của ông Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng quản lý thư viện Viện Hán nôm đã đăng tải những bài viết kêu gọi người dân và các Việt kiều ký tên vào thư phản đối chính phủ Nhật Bản viện trợ xây nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam và dự định ngày 21-5-2012 sẽ chính thức gửi bức thư này đến Thủ tướng Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Tòa Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội cũng như một số cơ quan công tư tại Nhật Bản.
Khi biết được vấn đề này, ngày 18-5-2012 một số thương binh nặng của TP Hà Nội gồm có ông Hoàng Đức Đồng, Nguyễn Sĩ Duyên, Nguyễn Tất Hùng, Chu Vinh Quang, Nguyễn Vinh Công và Quản Văn Khang đã cùng đến Viện Hán Nôm để yêu cầu ông Diện ngừng ngay những hoạt động đó lại".
Đến lúc phải sử dụng những kẻ như vậy để giải quyết công việc đất nước rồi hay sao?
Hôm nay họ xông vào Viện Hán Nôm để truy bức TS Nguyễn Xuân Diện rút lại bài phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hành vi phạm pháp đó được tuyên dương thì ngày mai, nếu có một vị dân biểu nào phản đối nhà máy điện hạt nhân thì không lý gì họ không xông vào tận Quốc hội truy bức vị dân biểu đó phải rút lại lời phản đối. Rồi mai kia, bọn người ấy lại sợ gì mà không xông vào cả mọi nơi... Sao mà giống cái thời mạt Lê, tàn Trịnh quá như thế này!
Thời của côn đồ rồi sao?
clip_image003
H. N. C.

Ý thức đạo đức của Mỹ

Nguyễn Hưng Quốc
Trần Quang Thành
Hình: AP
Liên quan đến sự kiện nhà tranh đấu cho nhân quyền Trần Quang Thành xin lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 4 vừa qua, dư luận trên báo chí Mỹ vẫn còn tiếp tục ồn ào. Ồn ào không phải về chuyện chính quyền Trung Quốc trấn áp dân chúng nước họ. Chuyện đó thì ai cũng đã biết. Người ta chỉ ồn ào về cách hành xử của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thoạt đầu, khi hình ảnh Trần Quang Thành được chở đến bệnh viện ở Bắc Kinh với một khuôn mặt rạng rỡ tươi cười, ai cũng cho đó là một chiến thắng lớn lao của Mỹ: Họ vừa giúp đỡ được người rất cần giúp vừa bảo vệ được quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, trước hết, là bảo vệ sự thành công của cuộc hội nghị về chiến lược và kinh tế (Strategic and Economic Dialogue) giữa phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn đầu và giới lãnh đạo Bắc Kinh ngay sau đó. Người ta cho đó là một hành động quân bình giữa nguyên tắc và chiến thuật, giữa đạo đức và chính trị, giữa các lợi ích chiến lược lâu dài và các quyền lợi kinh tế trước mắt.
Tuy nhiên, một thời gian ngắn, rất ngắn ngay sau đó, khi chứng kiến cảnh Trần Quang Thành, một người mù, bị vây hãm trong bệnh viện, còn gia đình thì bị đe dọa đến độ một người nổi tiếng gan dạ như ông bỗng dưng có những phản ứng hốt hoảng  đến độ sẵn sàng xin sang Mỹ tị nạn, giới bình luận lại thay đổi ý kiến. Người ta bắt đầu quay sang phê phán chính phủ Mỹ. Sự phê phán tập trung chủ yếu vào hai điểm: Thứ nhất, chính phủ, đặc biệt Bộ Ngoại giao đã quá hấp tấp trong việc giải quyết trường hợp của Trần Quang Thành: Họ muốn dọn dẹp hết tất cả các gai góc có thể án ngữ con đường đến dự hội nghị của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Trung Quốc. Thứ hai, họ có vẻ cả tin đối với sự hứa hẹn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc bảo đảm an toàn cho Trần Quang Thành. Nhân đó, người ta cũng phanh phui ra hai sự kiện: một, trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao vốn không có ai nằm trong Bộ Chính trị, có một vị thế rất yếu; và hai, trong quá khứ, không phải một lần mà là nhiều lần, một số cam kết của Bộ Ngoại giao đã trở thành vô hiệu chỉ vì sau đó, chúng bị Bộ Chính trị bác bỏ một cách không thương tiếc. Bởi vậy, nghe lời hứa hẹn của một nhân viên nào đó trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dù là cấp Thứ trưởng, chẳng khác gì việc bán lúa giống cho con buôn chỉ vì một lời hứa hẹn hão huyền.
Chúng ta hoàn toàn không biết cuối cùng vấn đề Trần Quang Thành sẽ được giải quyết ra sao. Ông sẽ được sang Mỹ du học và sẽ ở lại luôn hay ông sẽ bị làm khó dễ, cuối cùng tiếp tục làm một nạn nhân thê thảm của một chế độ độc tài và tàn bạo?
Đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, điều khiến tôi phân vân là tại sao giới phóng viên và bình luận viên chính trị lại quan tâm đến một người mù ở một đất nước xa xôi như Trần Quang Thành đến độ quay sang phê phán chính phủ của họ một cách gay gắt như vậy? Tại sao họ đòi hỏi chính phủ Mỹ phải cứng rắn, sẵn sàng chấp nhận cả sự hy sinh một số quyền lợi kinh tế, để bảo vệ cho một con người tàn tật như vị luật sư chân đất mù lòa kia? Và tại sao chính phủ Mỹ có vẻ lo lắng trước những sự phê phán ấy đến thế? Lo lắng nên họ thường xuyên cải chính và đính chính. Lo lắng nên họ tìm mọi cách để chứng tỏ là họ quan tâm đến số phận của Trần Quang Thành. Là họ không bỏ rơi ông. Không lừa dối ông. Không quay lưng lại với ông sau khi ông đồng ý vào bệnh viện ở Bắc Kinh.
Tại sao?
Thật ra, với người Mỹ cũng như chính phủ Mỹ, chuyện của ông Trần Quang Thành không phải là chuyện của một cá nhân. Ông không phải là công dân Mỹ. Chính phủ Mỹ không có trách nhiệm gì với ông cả. Vấn đề ở đây là nguyên tắc. Nguyên tắc ấy có thể tóm gọn vào một điểm: bảo vệ con người. Điểm ấy lại bao gồm hai khía cạnh chính: Một, tất cả các chính quyền chà đạp lên con người đều bị phê phán; và hai, bất cứ người nào cần được giúp đỡ, người ấy phải được giúp đỡ. Chà đạp lên người khác là có tội. Quay lưng lại với nạn nhân đang trong thế cùng cũng là một cái tội. Tội với lương tâm. Và tội với nguyên tắc nhân quyền vốn được xem là nền tảng của mọi chế độ dân chủ.
Lợi ích có thể hy sinh, nhưng nguyên tắc thì phải được bảo vệ. Nếu không, niềm tự hào của Mỹ sẽ bị sụp đổ.
Gần đây, chúng ta hay nói đến vai trò của cái gọi là quyền lực mềm (soft power) của các siêu cường quốc. Cốt lõi của cái gọi là quyền lực mềm ấy chính là một bảng giá trị chung, có tính chất phổ quát, dựa trên sự tôn trọng nhân quyền. Cái gọi là nhân quyền ấy không phải là một ý niệm trừu tượng, có thể đồng nhất với quốc gia và có thể dễ dàng bị hy sinh cho các quyền lợi được gọi là thuộc về quốc gia. Tôn trọng nhân quyền, thật ra, là tôn trọng quyền sống một cách tự do và đầy phẩm giá của từng cá nhân cụ thể. Ông Trần Quang Thành chỉ là một ví dụ điển hình.
Chúng ta sẽ hiểu hơn về nguyên tắc này khi nghe lại lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Osama bin Laden bị giết chết. Ngày ấy, Tổng thống Obama cùng với bộ tham mưu của ông ngồi trong phòng Cảnh huống  (Situation Room) trong Nhà Trắng, qua hệ thống vệ tinh, chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc tấn công. Đến lúc nhận được tin bin Laden đã bị giết chết với hình ảnh thật rõ ràng, dĩ nhiên mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Thứ nhất, sứ mệnh của họ đã hoàn tất. Thứ hai, những người lính biệt động được gửi đến Pakistan làm cái công việc cực kỳ nguy hiểm và đầy bất trắc ấy đã trở về căn cứ một cách an toàn. Thứ ba, cuộc săn lùng kéo dài cả mười năm vô cùng tốn kém đã kết thúc. Thứ tư, kẻ thù của nước Mỹ và cũng là biểu tượng của phong trào khủng bộ toàn cầu đã bị tiêu diệt. Bin Laden chết, đó là một thắng lợi thuộc loại lớn nhất của nước Mỹ và đặc biệt của Tổng thống Obama, một thắng lợi mà vị tổng thống tiền nhiệm, George W. Bush từng mơ ước, mơ ước từng ngày từng đêm, nhưng vẫn không thực hiện được.
Ai cũng dễ dàng đoán được niềm vui của Tổng thống Obama lớn lao đến độ nào.
Tuy nhiên, như lời ông kể, lúc ấy, ông không hề đứng dậy đập tay vào người khác để bày tỏ sự mừng rỡ như cái cách thức hành xử quen thuộc của người Mỹ (high-five). Ông nói: “Bạn phải luôn luôn tự kiềm chế [khi chứng kiến] cái chết, bất kể là cái chết của ai.” (regardless of who it is, you always have to be sober about death.)
Tôn trọng nhân quyền là tôn trọng mọi người. Ngay cả với những người đã chết. Dù đó là kẻ thù của mình.


No comments:

Post a Comment