Wednesday, January 19, 2011

Khi tướng Giáp thở dài ngay giữa Trung Nam Hải -- VOA -- Bùi Tín Blog

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi gặp mặt Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, 2008
Hình: Creative Commons - Ricardo Stuckert (PR/ABr/Brazil)Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi gặp mặt Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, 2008
Hôm nay, 25-8-2010, là sinh nhật lần thứ 99, bước vào tuổi 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nước, nhiều bài báo, luận văn, hồi ký được in ra, cùng tin tức về những cuộc thăm viếng, gửi lẵng hoa để chúc mừng đại thọ của ông.
Tôi gặp tướng Giáp từ rất lâu - hơn nửa thế kỷ trước, khi ông còn dạy sử ở trường Thăng Long Hà Nội, rồi hồi 1945 – 1946 khi ông làm Bộ trưởng Nội vụ, về sau gặp không biết bao lần trong các cuộc họp tổng kết, giao ban, nghe nói chuyện, lên lớp ở các trường quân sự… trên danh nghĩa là Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh suốt 30 năm. Gần gũi, thân mật, nhất là khi ông vào Sài Gòn sau ngày 30-4-75, chọn tôi là người lên chương trình, hướng dẫn ông thăm thú thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vừa im tiếng súng, trong suốt 2 ngày đầu tháng 5-1975. Ông hài lòng về cuộc quan sát, nhưng còn tiếc rẻ, là không được đứng ở vỉa hè uống nước sinh tố, không được vào chợ Bình Tây la cà xem hàng họ, hỏi thăm dân tình, vì luôn có cậu thiếu tá ban bảo vệ đi theo ngăn chặn, «để giữ an ninh tuyệt đối cho Đại tướng». Khi chia tay tôi, ông nói vui: « Cậu là nhà báo, sướng nhất đó, cậu tự do, mình thì bị cấm cản đủ thứ!».
Có một kỷ niệm nhỏ nhỏ, ít ai biết, có chút ý nghĩa thời sự, xin kể nhân dịp này. Ngày 8-5-1977 đoàn Quân sự cấp cao Việt Nam đang ở Bắc Kinh, tại nhà khách số 1, trong khu Trung Nam Hải, là khu vực lớn nhất, sang nhất của trung ương đảng CS Trung Quốc.
Đoàn quân sự VN hơn 20 người vừa đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungary… để cám ơn các nước, phát hàng ngàn Huân chương chiến công cho các cố vấn, chuyên gia, sỹ quan các nước từng giúp Việt Nam. Tôi được phân công làm tùy viên báo chí – thông tin cho tướng Giáp, giúp ông theo dõi thời cuộc, trả lời phỏng vấn, làm tin hoạt động của đoàn gửi về nước. Cứ sáng sớm, tôi là người đầu tiên đến phòng ông, báo cáo tin tức thu được trong đêm và ăn sáng riêng với ông.
Qua Berlin, cả đoàn vui đón Fidel Castro khi ông vừa đi một chuyến cực kỳ bí mật, sang Ethiopia và một số căn cứ mật trong rừng châu Phi, thăm hàng vạn binh sỹ Cuba tại đó. Ông ghé tai tướng Giáp, mắt nhấp nháy cười, kể cách nào đưa được quân Cuba sang châu Phi, trên các tàu chuyên chở dầu của Liên Xô, khi về ghé cảng châu Phi lấy nước ngọt… Cuộc gặp Fidel rất lạ, vui, tôi sẽ có dịp kể sau.
Ngày 1-5, đoàn ở Moscow, đúng ngày Quốc tế Lao động, có tuần hành lớn ở Hồng trường.
Tướng Giáp là khách nước ngoài duy nhất được mời lên đứng cạnh ông Leonid Brezhnev trên lăng Lenin. Tướng Giáp vui ở Moscow bao nhiêu thì ỉu xìu ở Bắc Kinh bấy nhiêu.
Đến Bắc Kinh, sát ngày 8-5 là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp cùng các tướng Lê Trọng Tấn, Đoàn Văn Cống, Lê Quang Hòa… đều nghĩ rằng Bộ Quốc phòng TQ ắt sẽ như mọi năm mở tiệc khoản đãi, chí ít cũng có đoàn đến chúc mừng hay đến tặng hoa kỷ niệm… Vậy mà không. Đến quá trưa, vẫn không có động tĩnh gì hết. Thế là đành ăn bữa cơm thường lệ rất muộn, tướng Giáp nâng cốc bia Thanh Đảo nhắc một câu đến chiến thắng Điện Biên cho có lệ, rồi ai nấy lặng lẽ về phòng riêng, băn khoăn ngẫm nghĩ. Mọi người còn như giữ lại tiếng thở dài thườn thượt của tướng Giáp cùng những cái lắc đầu trong yên lặng, sau lời nhắc đến Điện Biên Phủ không chút thích thú.
Sáng hôm sau, cuộc gặp chính thức giữa 2 đoàn diễn rất nhạt nhẽo và cuối cùng là thất vọng. Người đại diện Bộ quốc phòng Trung Quốc là tướng Trần Tích Liên lặng lẽ lắc đầu trước cả 3 đề nghị của phía Việt Nam:
- Viện trợ tiếp về vũ khí cho bộ binh, không quân, hải quân, những phụ tùng thay thế, đạn dược cho máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe tải quân sự;
-Nhận đào tạo giúp cho hơn 600 sỹ quan các loại tại các trường quân sự Trung Quốc như thời gian qua;
-Và cuối cùng là giúp cho việc vận tải quá cảnh hàng viện trợ quân sự từ Liên Xô sang Việt Nam được nhanh chóng an toàn.
Tướng Trần Tích Liên mặt sắt đen sì chỉ có một câu trả lới: «Chúng tôi không thể đáp ứng vì không còn điều kiện giúp đỡ và chi viện ai, vì cơ sở vật chất của nền quốc phòng Trung Quốc bị lũ 4 tên (Tứ nhân bang) phá hoài nặng nề, phải có thời gian để hồi phục».
Ngay sau đó biên giới phía Tây Nam từ Tây Ninh xuống Long An, Châu Đốc, Hà Tiên bị bọn Khơ me đỏ tấn công dữ dội bằng đại bác, súng cối, đại liên do Trung Quốc sản xuất và chúng chôn hàng triệu quả mìn cá nhân cũng do Trung Quốc sản xuất. Cố vấn quân sự Trung Quốc chỉ huy đến cấp tiểu đoàn…
Nhân mừng đại thọ của tướng Giáp, tôi nhắc đến một chuyện cũ về mối quan hệ Việt–Trung cho đến nay trở thành một vấn đề lớn phân hóa cả đảng Cộng sản và xã hội ta.
Tôi từng công khai tỏ ra thất vọng về tướng Giáp, ông đã không mảy may lên tiếng khi các sỹ quan thuộc cấp bị hãm hại: từ Thượng tướng Chu Văn Tấn, Trung tướng Đặng Kim Giang, Lê Liêm, đến các Đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Phạm Quế Dương, hay ông Hoàng Minh Chính bị lâm nạn. Vậy mà là một vị tướng có lòng nhân ái ư? Biết bao gia đình anh hùng, liệt sỹ, cựu chiến binh bị đối xử tàn tệ, ông lẳng lặng nhìn đi chỗ khác, ý thức công bằng xã hội có vẻ như rất mờ nhạt trong nhận thức của ông.
Tôi cũng hiểu cơ chế độc đảng đã là nguồn gốc của mọi bất công, và chính ông cũng từng là nạn nhân, từng bị nghi ngờ và hãm hại, nên ông cần giữ mình, theo phản ứng tự vệ của bản năng mọi sinh vật. Ông đã không tự vượt qua được chính mình.
Cuối đời, tướng Giáp đã có những việc làm đáng ghi nhận. Ông đã nhiều lần nêu rõ «Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng Cục II, T4», mới đây ông lên tiếng ca ngợi và bênh vực Trung tá Vũ Minh Ngọc «đã dũng cảm, ngay thẳng nói lên sự thật», ông cũng từng 3 lần lên tiếng phản đối và đòi chấm dứt ngay việc khai thác bauxite ở địa bàn chiến lược Tây nguyên.
Những lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là «chúng tôi sẽ thực hiện những ý kiến quý báu của Đại tướng» và lời của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: «Xin Đại tướng yên tâm, chúng tôi đang kiếm chỗ để đưa cậu ta (Nguyễn Chí Vịnh) đi rèn luyện» chẳng qua chỉ là những lời hứa cuội của những người nói đó, rồi quên đó, rồi làm những việc trái ngược.
Thành ra lời chúc của Thủ tướng, của ông Tổng bí thư ngày 25-8 này xét cho cùng chỉ là vuốt đuôi, là giả tạo, là một màn kịch vậy. Các vị hãy nghe tiếng thở dài ngày nào của tướng Giáp ở ngay giữa sào huyệt bành trướng ở Trung Nam Hải và ngẫm nghĩ…
VOA -- Bùi Tín Blog

Văn kiện siêu thực, nhân sự lên gân, đe dọa

Đại hội XI đã xong công việc. Các văn kiện chính được thông qua dễ dàng, trôi chảy, không có thảo luận, tranh luận, 24 bài tham luận được đọc lên xuôi chiều buồn chán. Các vấn đề sinh động, gai góc, thú vị của đời sống chính trị - xã hội cũng như kinh tế - văn hóa của đất nước đều được tránh né kỹ, coi như không có gì cần bàn cãi trong 3 ngày liền.

Đó là 3 ngày siêu thực, với những dự thảo văn kiện siêu thực, 24 bản tham luận siêu thực, xa rời cuộc sống thật hiện nay, gắn với chủ nghĩa Marx- Lenin mơ hồ trừu tượng, với chủ nghĩa xã hội ảo mộng, với vô vàn con số, thống kê đẹp đẽ, bị điều kiện hóa thành ra méo mó không có thật,

Do không khí siêu thực của đại hội mà 1.377 đại biểu không hề phải mệt óc để đấu trí cố tìm ra những đề án, kiến nghị, biện pháp nhẳm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của nền kinh tế - tài chính của đất nước, cũng như vô vàn vấn đề xã hội - văn hóa vô cùng gay gắt khác. Một Đại hội không có giải pháp! Do đó nghị quyết chỉ chứa đựng toàn những lời kêu gọi, cổ vũ suông: ra sức, cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, thi đua, kiên định…cho năm năm tới.

Sau phần thảo luận văn kiện siêu thực, xa lạ với cuộc sống xã hội, không hề gây nên một cảm hứng gì dù nhỏ nhất, phần nhân sự 3 ngày tiếp theo lại càng tẻ nhạt.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới 200 người, 175 ủy viên chính thức (khóa cũ là 160) và 25 dự khuyết (khóa cũ là 21), trong đó có chừng 20 % là người mới. Sau đó Ban Chấp hành Trung ương mới bầu ra Bộ Chính trị với 14 ủy viên (dự định bầu 19 uỷ viên nhưng không đủ số quá bán), sau đó bầu ra Tổng bí thư theo danh sách đề cử 3 người: Ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Phú Trọng trúng cử. Trước đó Đại hội có bỏ phiếu thăm dò, ông Trọng được 1.000 phiếu, ông Sang được 300 phiếu và ông Dũng được 200 phiếu.

Theo tiêu chuẩn đề ra, các ủy viên trung ương phải là những đảng viên thật sự ưu tú, tận tụy phục vụ nhân dân, trong sạch, có trí tuệ và tâm huyết, dấn thân cho đổi mới; không bầu những người giàu nhanh, có tài sản bất minh, những phần tử cơ hội, lý lịch có nghi vấn, không rõ ràng.

Những mảng đen trong các cuộc bầu nhân sự được dư luận sớm phát hiện là:

-Vì sao Nông Quốc Tuấn, con trai ông Nông Đức Mạnh, đã bị gạt ra khỏi danh sách đề cử tại Đại hội X năm 2006, nay lại chui được vào danh sách Đại hội XI mà không có một giải thích nào thỏa đáng về trình độ, khả năng, thành tích gì mới mẻ, đặc sắc…Cái thủ thuật đưa Tuấn về Bắc Giang rồi ép đảng bộ này bầu Tuấn làm Bí thư tỉnh ủy để “cơ cấu vào Trung ương” (theo thông lệ các bí thư tỉnh ủy phần lớn đều được “cơ cấu” vào trung ương), được coi là một cuộc nhảy dù phi pháp mang tính cưỡng bức từ trên cao nhất.

-Trường hợp ông Nguyễn Chí Vịnh vào Trung ương kỳ này cũng là một thách thức ngang ngược đối với cả một lớp đảng viên kỳ cựu, khá là đông đảo, từ nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị cũ, nhiều phó thủ tướng cũ, cho đến hàng chục đại tướng, thượng tướng, trung tướng cũ, mặc dù bản kết luận của Ủy ban điều tra liên ngành về Vụ án Tổng cục II vẫn chưa được đưa ra trình Trung ương và Đại hội. Ai cũng biết chỉ riêng cái việc của Vịnh dựng lên “Vụ T4” vu cáo hàng loạt lãnh đạo đảng như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Phạm Văn Đồng,Võ Thị Thắng…đều là cộng tác viên của CIA, cũng thừa đủ để khai trừ đảng và bị truy tố.

Bộ Chính trị mới có 9 người cũ, 5 người mới, lại không phải là những ngôi sao tài năng kinh tế - tài chính hay giáo dục - khoa học mà đất nước cần, lại thêm một trung tướng an ninh Trần Đại Quang, và thêm một tổng biên tập báo đảng đồng thời là chủ tịch Hội nhà báo, chuyên trách chăn dắt cai quản chặt chẽ báo chí là Đinh Thế Huynh, người vừa khẳng định “Việt Nam không chấp nhận đa đảng”.

Trong Trung ương mới có 1 Đại tướng bộ trưởng bộ Công an và 7 trung tướng thứ trưởng bộ công an, chưa kể 1 tướng công an lảm chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, và có đến 19 tướng lãnh của Quân đội Nhân dân.

Suốt 7 ngày nay, theo dõi đại hội, chỉ thấy đường lối chính sách siêu thực, như đi trên mây, cũng như vấn đề nhân sự cổ lỗ, lên gân, mang tinh thần gò ép, chuyên chính; không thấy đâu là quyết tâm đổi mới, con người đổi mới theo hướng dân chủ, cởi mở và hoà nhập, hướng theo nền kinh tế trí tuệ của thời đại mới.

Một thách thức nghiêm trọng mọi ngưởi Việt Nam yêu nước thật lòng, thương dân thật lòng, mọi trí thức dân tộc có tinh thần tự lực, tự cường, mọi đảng viên còn lương tâm trong sáng, chưa bị bả vật chất làm cho ủ tai mù mắt. Không một tấm lòng Việt Nam nào có thể làm ngơ trước những tai họa to lớn mả những văn kiện siêu thực quay lưng với cuộc sống, với nhân dân đang mang lại.

 
Bùi Tín Blog

No comments:

Post a Comment