Wednesday, January 26, 2011

Đại hội xong rồi...thì sao?


Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã kết thúc được hơn một tuần. Nhìn lại, theo tôi, có một điều không-đáng-ngạc-nhiên và một điều rất đáng ngạc nhiên.
Chuyện không đáng ngạc nhiên là kết quả bầu cử trong đại hội. Trước, đã có tin đồn Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang sẽ là hai thế lực lớn trong đảng và trong chính quyền. Đại hội đã xác nhận điều đó. Kết quả bầu cử Bộ Chính trị được công bố vào buổi lễ bế mạc đại hội bao gồm 14 người theo thứ tự số phiếu được bầu:
1. Trương Tấn Sang
2. Phùng Quang Thanh
3. Nguyễn Tấn Dũng
4. Nguyễn Sinh Hùng
5. Lê Hồng Anh
6. Lê Thanh Hải
7. Tô Huy Rứa
8. Nguyễn Phú Trọng
9. Phạm Quang Nghị
10. Trần Đại Quang
11. Tòng Thị Phóng
12, Ngô Văn Dụ
13. Đinh Thế Huynh, và
14. Nguyễn Xuân Phúc.
Theo bản danh sách này, người được nhiều phiếu nhất là Trương Tấn Sang, thứ nhì là Phùng Quang Thanh và thứ ba là Nguyễn Tấn Dũng. Riêng Nguyễn Phú Trọng thì đứng hạng thứ tám; chỉ cao hơn một người duy nhất trong các ủy viên Bộ Chính trị khóa trước được tái cử: Phạm Quang Nghị (thứ 9). Năm người đứng cuối danh sách đều là các ủy viên mới. Tuy nhiên, mặc dù được số phiếu thấp như vậy, Nguyễn Phú Trọng vẫn là Tổng bí thư. Như đã được “cơ cấu” từ trước. Không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Chuyện đáng ngạc nhiên là không khí im ắng một cách kỳ lạ sau đại hội. Thường, sau mỗi kỳ đại hội hay bầu cử với những thay đổi quan trọng như vậy, người ta thấy báo chí Việt Nam làm ầm ĩ một thời gian khá lâu. Ầm ĩ về những thành quả của đại hội. Ầm ĩ về những gương mặt mới sau đại hội, nhất là gương mặt mới ấy lại là Tổng bí thư, người đóng vai trò đầu đàn, có quyền lực và ảnh hướng lớn nhất trong đảng. Cuối cùng, ầm ĩ về những hứa hẹn, về những viễn ảnh huy hoàng sắp tới.
Lần này thì không. Báo chí chỉ loan tin được một hai ngày, chủ yếu là tường thuật ngày cuối cùng của đại hội. Và tóm tắt tiểu sử của các ủy viên mới của Bộ Chính trị. Đâu đó, có một bài định ca tụng tân Tổng bí thư về việc ông lái xe gắn máy đi thăm thầy cũ; nhưng ngay sau đó, bị giới blogger quạt lại ngay: Nhảm nhí! Chuyện đó xảy ra cả mười năm rồi, lúc Nguyễn Phú Trọng còn làm bí thư Thành ủy Hà Nội chứ không phải sau khi ông mới lên làm Tổng bí thư.
Thế là im.
Sự im ắng như vậy rất đáng ngạc nhiên. Xin lưu ý là chưa bao giờ trong Bộ Chính trị lại có nhiều người từng công tác trong lãnh vực văn hóa tư tưởng như lần này. Tổng cộng có bốn người: Nguyễn Phú Trọng từng là Tổng biên tập tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa đang là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh hiện là Tổng Biên tập báo Nhân dân và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; và Phạm Quang Nghị từng là Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin. Trong Ban chấp hành Trung ương cũng có nhiều người từng hoạt động trong lãnh vực này, như: Trần Văn Hằng và Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Lực lượng tuyên truyền đông đảo như vậy mà sao không khí sau đại hội lại im ắng đến thế?
Hay họ không có chuyện gì để nói với dân chúng sau khi đại hội kết thúc?
Mà không chừng đó là sự thật.
Ở các nước khác, sau mỗi kỳ bầu cử, khi những người lãnh đạo cao nhất được thay thế, không những giới quan sát chính trị mà cả quần chúng cũng tò mò nghe ngóng theo dõi tính cách cũng như các chính sách mới, những điều sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia cũng như đời sống của từng công dân cụ thể.
Ở Việt Nam thì khác. Đại hội xong, bầu bán xong, mọi thứ đều trở lại như cũ. Có lẽ không có ai, trừ những người trực tiếp liên hệ đến các cuộc bầu bán ấy, ví dụ những người thắng cử và những người thất cử, thực sự quan tâm. Mọi người đều biết, cuối cùng, không có gì thay đổi cả. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, người ta thường gọi tên các tân Tổng bí thư hay các Đại hội đảng như thế là Vũ Như Cẩn hay Nguyễn Y Vân.
Có lẽ lý do đơn giản là, trong lãnh vực chính trị, việc thay đổi nhân sự chưa đủ. Ở người lãnh đạo, có hai khía cạnh quan trọng nhất: tính cách và chính sách. Trong hai khía cạnh ấy, yếu tố quan trọng nhất là chính sách chứ không phải tính cách. Đã đành tính cách có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách, tuy nhiên, một chính sách ở tầm quốc gia thường được định hình từ nhiều yếu tố khác hơn là sở thích của người lãnh đạo. Những yếu tố ấy bao gồm triết lý lãnh đạo của đảng cầm quyền, thực lực mà người ta đang có, những tính toán lợi hại mang tính thuần lý và hoàn toàn duy lợi, vai trò của bộ tham mưu, và áp lực của các nhóm vận động hành lang từ quốc gia đến quốc tế, v.v...
Ở Việt Nam, trong các yếu tố kể trên, yếu tố quan trọng nhất là triết lý hay ý thức hệ của đảng cầm quyền. Không thể nào có được một chính sách có ý nghĩa cách mạng ra đời nếu ý thức hệ cộng sản không được thay đổi. Mọi chính sách mới, nếu có, dù xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí đến mấy, cũng đều có tính chất vá víu khi nền tảng ý thức hệ của chế độ vẫn còn nguyên vẹn. Kinh tế sẽ tiếp tục èo uột khi tiền bạc của chính phủ cứ đổ vào các thùng không đáy là công ty, xí nghiệp quốc doanh. Dân chủ tiếp tục chỉ là một lời hứa hão khi quyền tự do ngôn luận bị chà đạp. Tham nhũng cũng như khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục tăng vọt khi đảng tiếp tục nằm ngoài và nằm trên luật pháp, v.v...
Gắn liền với ý thức hệ, ở Việt Nam, còn có vấn đề cơ chế. Lâu nay, nhiều người đã từng phân tích và nhiều lãnh đạo đã từng than thở, là cơ chế chính quyền Việt Nam làm vô hiệu hóa mọi nỗ lực đổi mới đất nước. Trong cái gọi là cơ chế ấy, có nhiều vấn đề nổi bật như quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm (trong đó hầu hết những người có quyền lực cao nhất thì lại không phải chịu trách nhiệm gì cả!), và đặc biệt, quan hệ giữa đảng và chính quyền cũng như quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, v.v...
Ngày trước, Phạm Văn Đồng từng than thở là, với tư cách Thủ tướng, ông không có quyền gì trong bộ máy nhân sự của chính phủ, ngay ở cấp địa phương. Gần đây, Nguyễn Tấn Dũng cũng than thở tương tự. Cuối nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, có lẽ ông cũng lại than thở y như vậy nếu cái cơ chế ấy không thay đổi.
Nhưng cơ chế không thể thay đổi nếu ý thức hệ không thay đổi. Mà khi cơ chế và ý thức hệ không thay đổi thì những thay đổi về nhân sự chẳng có ý nghĩa gì cả.
Nó chỉ giống việc thay đổi diễn viên trong một màn kịch cũ.
Ở Việt Nam, đó lại là một màn kịch dở ẹc.
Nguyễn Hưng Blog

=====================

Lê Ðức Thúy ăn, cả nước nhục

Ngô Nhân Dụng
Ông Lê Ðức Thúy bỗng dưng nổi tiếng. Các tờ báo ở Úc Châu (Australia) đang nêu tên ông. Kể từ bây giờ khắp thế giới phải biết tên ông, và biết chuyện con ông đã được cấp học bổng đi dùi mài kinh sử ở Ðại Học Durham bên Anh Quốc. Nhiều người Việt Nam đang ở Úc cảm thấy nhục khi bạn bè hỏi về chuyện này.
Nhưng ở Việt Nam thì ông Lê Ðức Thúy đã nổi tiếng từ lâu. Năm 2006 ông đã nổi tiếng vì xin “trả lại” một ngôi nhà mặt tiền cho nhà nước, và được chấp thuận ngay. Ông có gốc lớn; từng là “trợ lý” cho Tổng Bí Thư Ðỗ Mười, trước khi lên làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam từ năm 1999, kế vị ông Nguyễn Tấn Dũng (chuyện có thật, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng từng làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa). Ðến năm 2007 ông mới mất chức thống đốc nhưng sang tháng 3 năm sau, ông lại được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, chức to hơn nhưng phần ăn uống bị giảm.
Ông Lê Ðức Thúy là một ủy viên Trung Ương Ðảng hai khóa, đến khóa 11 này thì ngưng, cho nên không bị sóng gió xô đẩy trong cuộc tranh hùng giữa Tư Sang và Ba Dũng trước đại hội đảng. Nhưng ông Thúy từng được hưởng rất nhiều quả thực trong thời gian ông Dũng làm thủ tướng. Ðầu năm 2005, theo một nghị định của chính phủ, ông được mua “hóa giá” một ngôi nhà trên đường Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Hóa giá là thủ đoạn biến của công thành của tư theo định hướng xã hội chủ nghĩa). Nhà mặt tiền, diện tích đất gần 80 mét vuông. Các thủ tục hành chính về nhà đất vốn rất rắc rối, phiền phức luôn luôn kéo dài (để cho các quan chức có đủ thời gian nhận quà bánh). Hiện nay hàng triệu người Việt Nam đã sống hàng chục năm trong ngôi nhà mình dựng lên nhưng vẫn không được “cấp sổ đỏ,” tức là chưa được nhà nước công nhận quyền sở hữu, nếu chưa làm đủ những “thủ tục đầu tiên.” Nhưng đối với ông Thúy thì thời gian hóa giá lại chạy quá nhanh. Ngôi nhà này thuộc sở hữu của chính phủ; cho nên trước hết “nhà nước” phải bàn giao căn nhà cho Sở Tài Nguyên Môi Trường Nhà Ðất Hà Nội; sau đó họ mới đem “hóa giá” cho ông Thúy. Từ lúc đầu cho đến khi ông Thúy được “cấp sổ đỏ” chỉ trong vòng 40 ngày. Không những nhanh, lại còn bán rẻ nữa. Giá trị thị trường ngôi nhà có thể lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng được định giá khoảng 600 triệu đồng; rồi lại được hưởng nhiều khoản miễn giảm cho nên ông Thúy chỉ phải móc túi trả 476 triệu đồng thôi. Tất cả đều theo định hướng xã hội chủ nghĩa cả.
Ở đời phàm ăn miếng to quá và nuốt vội quá thì thế nào cũng bị nghẹn. Nhân lúc có bàn tay bên trong xùy cho báo chí tung tin vụ Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên bị tố về chuyện mua nhà hóa giá, người ta cũng đem ngôi nhà của ông Lê Ðức Thúy ra bàn. Nuốt chưa được hai năm, Lê Ðức Thúy phải nhả, xin trả lại ngôi nhà Lý Thái Tổ để dùng làm công sở như cũ! (Ông Hoàng Văn Nghiên vốn đã nổi tiếng ở Hà Nội ngang với ông Nguyễn Phú Trọng; qua câu đồng dao cũ: Giầu như Phú, Lú như Trọng, Lật lọng như Nghiên,...)
Nếu chỉ có chuyện nhà đất thì ông Ủy viên Trung Ương Ðảng Lê Ðức Thúy cũng chỉ nổi tiếng trong cái chuồng gà quanh quẩn ở Hà Nội mà thôi. Từ hôm Chủ Nhật vừa rồi, ông Thúy lại nổi danh quốc tế. Nhiều người biết tiếng ông, từ Úc qua Thụy Sĩ, qua Hồng Kông, chỉ vì vụ in tiền Việt Nam bên Úc. Báo chí bên đó đã nêu tên ông Thúy và con trai ông, trong lúc cảnh sát liên bang đang điều tra vụ hối lộ của công ty thuộc Ngân Hàng Trung Ương Úc.
Vụ này ở Việt Nam được gọi là vụ in tiền polymer. Năm 2007, có những lời tố cáo Lê Ðức Thúy đem in tiền bằng polymer vì con trai ông môi giới với nhà in Securency để nhận hoa hồng. Ngày 5 tháng 6, Phó Tổng Thanh Tra Lê Tiến Hào đã nêu danh Lê Ðức Minh, con trai Thống Ðốc Lê Ðức Thúy, làm việc cho công ty Banktech mà “công ty này tham gia quá trình thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị cho việc in tiền.” Nhưng đoàn thanh tra không “phát hiện hành vi tham nhũng nào cả.” Báo Tuổi Trẻ viết rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “đã yêu cầu thống đốc và các phó thống đốc đề cao tinh thần tự giác phê bình, tổ chức kiểm điểm... có hình thức xử lý nghiêm minh với các trường hợp sai phạm. Ðồng thời đề ra các biện pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục kịp thời, báo cáo kết quả lên” vân vân. Khi một ông thủ tướng cộng sản ra lệnh các quan “đề cao tự giác phê bình, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm minh, vân vân ” là coi như chìm xuồng rồi. Nhưng ở Úc, một nước tự do dân chủ cai trị bằng pháp luật thì không cho chìm xuồng dễ dàng như vậy.
Tại Úc cũng như ở Mỹ, có đạo luật cấm các doanh nghiệp không được hối lộ quan chức nước khác để được lợi thế trong việc cạnh tranh. Ðây cũng là một hệ quả của quy tắc tự do cạnh tranh mà WTO muốn các quốc gia phải bảo vệ. Cảnh Sát Liên Bang Úc đã điều tra coi công ty Securency có hối lộ ai ở Việt Nam không. Và bây giờ thì, như nhật báo Người Việt đã loan tin, báo chí bên đó họ loan tin có hối lộ thật!
Nếu cảnh sát Úc đưa vụ này ra tòa thì thế nào tòa án cũng mời ông Lê Ðức Thúy hoặc cả con trai ông qua Úc làm nhân chứng. Ðây sẽ là vụ vi phạm luật cấm hối lộ quan chức ngoại quốc đầu tiên được đem ra xử ở nước Úc. Vinh dự “tiến lên hàng đầu” này là thành tích riêng của cha con ông Lê Ðức Thúy mà cũng là một vinh dự chung cho cả nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Có thể so sánh nó “ngang tầm thời đại” với vụ Viện Công tố Ðịa Phương Tokyo, vào năm 2008, đã mời ông Huỳnh Ngọc Sỹ qua Nhật Bản làm chứng về vụ hối lộ của công ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (PCI); khi công ty PCI được trúng thầu tư vấn trong Dự án đại lộ Ðông Tây Sài Gòn. Ông Sỹ đã từ chối vinh dự đó. Tháng 12 năm 2008, chính phủ Nhật tuyên bố đình chỉ các dự án viện trợ ODA cho Việt Nam, một mối nhục có tầm cỡ quốc gia! Mất viện trợ thì Ðảng sẽ mất chỗ làm tiền, cho nên sang năm 2010 ông Sỹ được đưa ra tòa án ở Việt Nam, lãnh bản án chung thân. Phải coi ông Sỹ đã bị hy sinh, như nhiệm vụ của một đảng viên trung kiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đảng! Ông Nguyễn Phú Trọng từng đậu tiến sĩ triết học ở Liên Xô, chuyên ngành về Triết lý Xây dựng Ðảng; trong trong nhiệm kỳ của ông thế nào ông cũng chiếu cố tới công lao bảo vệ Ðảng của Huỳnh Ngọc Sỹ!
Nhưng số tiền ông Sỹ chấm mút chỉ có vài triệu đô la Mỹ, còn số tiền được báo chí Úc nói ông Lê Ðức Thúy được hưởng lên tới 15 triệu.
Theo các nhà báo lấy nguồn tin từ Cảnh Sát Liên Bang Úc thì người đứng tên nhận những món tiền này tên là Lương Ngọc Anh, và tiền được chuyển qua ngân hàng ở Thụy Sĩ và Hồng Kông. Làm thống đốc một Ngân Hàng Trung Ương thì ông Lê Ðức Thúy phải biết rằng những món tiền được chuyển qua ngân hàng, nhất là chuyển từ nước này sang nước khác, thế nào cũng có dấu vết trong máy vi tính.
Ngoài tội ăn hối lộ thiếu trình độ chuyên nghiệp để bị lộ, có lẽ đảng Cộng Sản Việt Nam còn phải xử lý nội bộ ông Lê Ðức Thúy về tội sơ suất trong nghiệp vụ đến nỗi “tiết lộ bí mật của Ðảng.” Vì ông đã để lại những dấu vết trên các trương mục ngân hàng! Nếu có ai rút tiền từ các trương mục đó đưa cho người khác, thế nào cũng còn dấu vết. Nếu điều tra tận cùng, thế nào người ta cũng biết món tiền 15 triệu Mỹ kim đó được chuyển tiếp sang những trương mục nào khác; tức là tiền bạc được dâng lên những cấp trên nào của ông Thúy, mỗi người bao nhiêu, cấp bậc nào được hưởng bao nhiêu! Tất cả các chứng cớ đó, sau này, khi nước Việt Nam có một chế độ dân chủ tự do, người ta có thể sẽ tìm ra. Danh tính của những người ăn hối lộ đó sẽ còn được lưu trữ trong máy điện thoán các ngân hàng, để lưu danh cho con cháu xem. Ðúng như câu ca: Trăm năm bia đá còn mòn - Ngàn năm bia điện vẫn còn trơ trơ! Xem trong vụ Huỳnh Ngọc Sỹ thì ta thấy trình độ nghiệp vụ của các đảng viên đã được nâng cao rất nhiều: Công ty PCI không ký ngân phiếu cho ông Sỹ. Ðại diện công ty phải đem phong bì đựng tiền, hàng trăm ngàn Mỹ kim tiền mặt, đem đến tận bàn giấy để nộp cho ông Sỹ. Cứ như thế, sau này họ không có bằng cớ nào trên máy điện toán cả! Có như vậy Huỳnh Ngọc Sỹ mới thật là một đảng viên chân chính!
Trong những ngày tháng tới, Cảnh Sát Liên Bang Úc có thể sẽ tiếp tục điều tra các nhà quản trị công ty Securency. Họ có thể sẽ mời các quan chức cộng sản Việt Nam sang làm chứng. Báo chí Úc sẽ tiếp tục loan tin từng bước kết quả cuộc điều tra. Dư luận bên Úc sẽ theo dõi chuyện này trong cả năm chưa chắc đã hết. Tuy nhiên, đảng Cộng Sản Việt Nam phải rút ra một bài học kinh nghiệm, không nên tái diễn một trò đã thử dùng trong vụ Huỳnh Ngọc Sỹ. Ðó là trò “dậy khôn” một chính phủ nước khác về cách “quản lý báo chí.”
Sau khi Nhật Bản mời ông Sỹ sang Nhật làm chứng, tháng 8 năm 2008, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam tên là Hồ Xuân Sơn tuyên bố trâng trâng rằng: “Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin, đăng bài về việc này.” Ông Hồ xuân Sơn không biết rằng ở một nước tự do như Nhật Bản, họ không có một chức quan cho ông Tô Huy Rứa hay Ðinh Thế Huynh, để được phép ra lệnh cho các báo phải nói gì! Ở Việt Nam, sau khi báo Tuổi Trẻ loan tin một đại biểu Quốc Hội yêu cầu “lập ủy ban điều tra vụ Vinashin,” chỉ cần ban Tuyên Huấn kêu các cán bộ làm báo đến “làm việc” một buổi, ngày hôm sau các báo loan tin ngược chiều lại, xóa hết những điều đăng hôm trước! Không nên có thêm một Hồ Xuân Sơn lên lớp dậy dân Úc Châu phải học tập đường lối chuyên chính vô học, bóp nghẹt báo chí! Cán bộ ăn cắp của công, trâng tráo đòi tiền hối lộ, để cả nước Nhật người ta biết, báo chí người ta yêu cầu đừng phí tiền đi viện trợ cho một đám tham quan ăn; đó đã là một mối nhục lớn. Lại còn mách nước chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách ngu dân bịt miệng báo chí, để cả nước người ta biết nhà báo nước mình không có tự do; lại càng nhục hơn nữa! Hai nỗi nhục này đến bao giờ mới rửa sạch?
Nhưng không biết đảng Cộng Sản Việt Nam có chịu rút lấy bài học kinh nghiệm trên đây mà thay đổi hay không. Người ta chỉ có thể tiếp nhận được bài học này mà thay đổi nếu họ cũng cảm thấy có một mối nhục thấm thía, lo lắng cho con cháu sau này sẽ bị nhục lây. Nếu người ta đã hít thở trong không khí “văn hóa mặt dầy” lâu năm thì có khi họ không còn biết thế nào là hổ thẹn nữa! Một người bạn mới gửi cho chúng tôi 10 chuyện lạ ở Việt Nam năm 2010. Xin kể lại hai chuyện đầu:
1. Một số quan chức ở tỉnh Bình Thuận giả danh “lâm tặc,” những kẻ đốn cây lậu, để được cấp đất rừng, gọi là đất “hoàn lương.” Ông Phan Dũng, giám đốc Sở Kế Hoạch Ðầu Tư tỉnh, cùng vợ là hai trong số các “lâm tặc” được cấp đất “hoàn lương” nhiều nhất.
2. Mừng đại lễ 1,000 năm Thăng Long, chính quyền quận Hà Ðông (thuộc Hà Nội) đã chặt toàn bộ cây xanh lâu năm ở hai bên quốc lộ 6 đoạn qua Hà Ðông để trồng mới 1,000 cây sao đen con với kinh phí 6 tỉ đồng. Ở đâu moi ra tiền là có mặt các chiến sĩ cộng sản!
Không có gì bảo đảm là các lãnh tụ cộng sản còn giữ được khả năng biết hổ thẹn (Tu Ố chi tâm), mà Mạnh Tử coi là đầu mối của đạo Nghĩa!

No comments:

Post a Comment