Thursday, January 13, 2011

Ngoại Trưởng Clinton khuyến cáo giới lãnh đạo Ả Rập sớm cải cách

DOHA, Qatar (AP) - Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton hôm Thứ Năm đưa ra lời cảnh cáo thẳng thừng với các nhà lãnh đạo Ả Rập rằng họ sẽ gặp phải tình trạng bất ổn, tinh thần quá khích và ngay cả các cuộc nổi dậy nếu không nhanh chóng có biện pháp đối phó tình trạng tài nguyên dầu hỏa và nước đang ngày càng cạn dần và đưa ra những biện pháp cải cách kinh tế và chính trị thật sự.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và thứ trưởng ngoại giao đặc trách vùng Trung Ðông, Jeffrey Feltman, đến hội nghị “Diễn đàn cho tương lai” họp tại Doha hôm Thứ Năm, 13 tháng 1, 2010. (Hình: Marwan Naamani/AFP/Getty Images)
Chấm dứt chuyến công du qua bốn quốc gia đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh Ba Tư với những lời phát biểu thẳng thừng hiếm thấy trong một cuộc họp về phát triển tại thủ đô Doha của Qatar, bà Clinton nói khu vực chính trị và kinh tế phải được mở ra cho thế hệ trẻ, phụ nữ và thành phần thiểu số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thế giới Ả Rập.
Nếu không có hành động này, bao gồm cả sự tôn trọng nhân quyền, cải thiện môi trường thương mại và việc chấm dứt tình trạng tham nhũng tràn lan, bà cho rằng thế hệ trẻ và những người khác sẽ trở nên quá khích và bạo động, đe dọa không chỉ sự ổn định và an ninh ở Trung Ðông mà còn đối với cả thế giới.
“Ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau, nền tảng của vùng này đang chìm xuống cát,” bà tuyên bố trong cuộc hội thảo mang tên Forum for the Future. “Khu vực Trung Ðông mới và năng động... cần có nền tảng chắc chắn hơn để có thể bắt rễ và phát triển.”
Bà Clinton đưa ra nhận định trên sau khi viếng thăm United Arab Emirates (UAE), Oman, Yemen và Qatar. Trong chuyến đi, tình trạng bạo động của dân chúng xảy ra và không có dấu hiệu sút giảm ở Tunisia và Algeria, cùng với tình hình căng thẳng ở Ai Cập sau khi có cuộc bầu cử bị coi là gian lận và cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon, cho thấy điều mà bà Clinton nói rằng có những chiều hướng đáng lo ngại ở Trung Ðông.
Bà Clinton cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trong vùng hãy nghe theo lời kêu gọi của dân chúng nhằm chấm dứt tình trạng tham nhũng tràn lan và tạo cho dân chúng một đời sống tốt đẹp hơn. 
(V.Giang)
www.nguoi-viet.com 

Kim Jong Il "sẽ làm tất cả để dân sống sung túc"

TTO - Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, tiết lộ lãnh đạo Kim Jong Il từng thừa nhận ông chưa hoàn thành nguyện ước của cha, Chủ tịch Kim Nhật Thành, về việc lo cho dân đầy đủ “cơm và canh thịt”.
Ông Kim Jong Il đi tìm hiểu bữa cơm của công nhân tại khu tổ hợp chế tạo máy Ryongsong - Ảnh: KCNA
Bài xã luận đăng hôm 8-1 gợi nhớ từ năm 1946, ông Kim Nhật Thành năm nào cũng nói chuyện về “cơm và canh thịt”. Nhưng 60 năm sau, CHDCND Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lương thực, thực phẩm viện trợ của quốc tế.
Nhật báo này dẫn lời ông Kim Jong Il trong một cuộc thị sát tình hình dân sinh hồi năm ngoái: “Giờ đây, đất nước chúng ta đã trở thành một nước mạnh về chính trị, quân sự và tư tưởng, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn nhiều thứ cho cuộc sống của người dân”. 
“Trong quá khứ, chủ tịch Kim Nhật Thành luôn ước mong dân no cơm ấm áo, được sống trong những căn nhà lợp ngói. Nhưng chúng ta chưa hoàn thành được tâm nguyện của Người. Tôi sẽ làm tất cả để nhân dân sống sung túc bằng cách nâng mức sống trong thời gian ngắn nhất có thể”, ông Kim nói.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc ông Kim thừa nhận các khó khăn về kinh tế là chưa từng có trước đó.
Ngày 12-1 vừa qua, Bình Nhưỡng đã chủ động liên hệ với Seoul để nối lại các mối quan hệ kinh doanh ở khu du lịch và khu công nghiệp chung tại biên giới sau khi Hàn Quốc đóng băng quan hệ thương mại hai miền vì vụ tàu Cheonan đắm và vụ pháo kích đảo Yeongpyeong.
PHAN ANH
Người dân CHDCND Triều Tiên từng trải qua nạn đói từ 1995 đến 1997, được gọi là “Tháng Ba gian khó” (Arduous March), thông tin trên nhiều tờ báo cho là có 300.000 đến 800.000 người chết mỗi năm vì đói kém và các loại bệnh dịch.
Từ năm 1997, chính quyền của tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt đầu viện trợ cho CHDCND Triều Tiên thông qua Chương trình lương thực thế giới với khoảng 700.000 tấn hàng hóa.
Hiện nay, Bình Nhưỡng vẫn cần nhận viện trợ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
(Nguồn: Wikipedia)

No comments:

Post a Comment