Wednesday, April 28, 2010

Ai được giải phóng? Tuesday, April 27, 2010 - www.nguoi-viet.com - Ngô Nhân Dụng


Ngô Nhân Dụng
Một bức hình mới được truyền tay trên Internet trong ngày hôm qua; hình chụp một tấm biểu ngữ đỏ treo trên bao lơn một tòa nhà ở Hà Nội theo kiến trúc mới mẻ;
phía dưới thấy tấm biển quảng cáo của một “Công ty Bảo hiểm Nhân thọ lớn nhất...” Biểu ngữ này có hai hàng chữ mầu vàng, nói về hai ngày kỷ niệm, 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5. Lý do khiến tấm hình được mọi người gửi cho nhau qua mạng lưới là nội dung của nó không bình thường. Hàng dưới chào mừng ngày quốc tế lao động, còn hàng trên của tấm biểu ngữ viết: “Chào Mừng Ngày Giải Phóng Thủ Ðô 30-4”.
Chắc tấm biểu ngữ này được treo ở Hà Nội, và người viết biểu ngữ đã viết nhầm. Bình thường thì bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản vẫn gọi 30 Tháng Tư là Ngày Giải Phóng, nhưng nơi được giải phóng là Sài Gòn chứ không phải Hà Nội. Mà hiện nay thì Sài Gòn không được coi là thủ đô của nữa. Giờ này ai muốn biến Sài Gòn thành thủ đô thì khó sống!
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận được bức hình trên, mọi người lại nhận được bức hình thứ hai qua email. Hình này chụp cảnh hai thanh niên đứng trong bao lơn kéo tấm biểu ngữ trên, đang gấp lại được gần một nửa, vẫn còn nhìn thấy các chữ “Ngày giải phóng thủ đô 30-4”.
Coi hai bức hình, phải đoán là cùng một người chụp! Tức là một người nào đó ở Hà Nội biết tấm biểu ngữ sắp bị tháo gỡ, vội vã lấy máy đi chụp, trước và trong khi đang tháo! Và, cũng người Hà Nội này, đã gửi hình lên mạng lưới làm trò giải trí cho người Việt Nam khắp thế giới!
Phải tự hỏi tại sao người viết tấm biểu ngữ này lại nhầm, đổi Sài Gòn thành ra Hà Nội? Bà con có thể đoán người viết biểu ngữ cố ý chống Cộng, nói “Ngày 30 Tháng Tư chính là người Hà Nội được giải phóng, chứ không phải Sài Gòn.” Nhưng trò chơi chữ này rất nguy hiểm, khó giấu diếm và hình phạt sẽ rất nặng, chắc không ai dám chơi!
Cho nên, có thể giả thiết là người viết tấm biểu ngữ này chẳng còn nhớ ngày 30 Tháng Tư xẩy ra chuyện gì nữa! Lệnh trên bảo: “Ði trương biểu ngữ chào mừng ngày giải phóng 30 Tháng Tư nhé!” Cấp dưới, một bạn trẻ dưới 40, bèn viết đúng theo ý đó, nhưng viết đủ 4 chữ “giải phóng thủ đô.” Vì mấy chữ này nghe nó quen quen!
Nhưng 2 tấm hình được truyền đi là cơ hội cho nhiều người bàn luận. Một nhà báo cho là tấm biểu ngữ đó viết đúng sự thật. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, chính người dân Hà Nội được giải phóng! Người Hà Nội được giải phóng khỏi một tấn tuồng gian dối! Vì sau ngày 30 Tháng Tư đồng bào miền Bắc bắt đầu thấy được sự thực xã hội miền Nam đã sống như thế nào; bộ mặt gian trá của đảng Cộng Sản càng lộ rõ hơn.
Nói như vậy không phải là coi thường khả năng phán đoán chính trị của bà con miền Bắc. Thật ra, không cần phải chờ đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đồng bào ta mới biết cả chế độ Cộng Sản là “Một quả lừa vĩ đại trong lịch sử!”
Nhưng ngày 30 Tháng Tư năm 1975 vẫn đánh dấu một khúc quanh lịch sử, bởi vì sau ngày đó thì rất nhiều sự thật hiện rõ ra, hiện ra một cách tự nhiên, không cần ai xếp đặt cả. Những sự thật đó lớn quá, không thể che giấu được. Chúng khiến cho đảng Cộng Sản mất chủ động, lâm vào thế phải chống đỡ, ngày càng yếu đi.
Cảnh suy yếu của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra chậm chạp, tới nay vẫn chưa kết thúc; nhưng quá trình tàn lụi không có cách nào quay ngược lại được. Ai có thể bảo vệ một cái chủ nghĩa viển vông, không tưởng mà chính tại quê hương của nó người ta đã đem chôn? Ai có thể che đậy những tội ác trồng chất lâu hàng thế kỷ bằng cách cấm người ta nói? Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tình trạng suy nhược của đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu, vì môi trường khách quan ở Việt Nam và trên thế giới đã thay đổi mà họ không đủ sức ứng biến mà đối phó với đời sống phức tạp trong thời bình.
Khung cảnh khách quan đã thay đổi như thế nào? Ðất nước hòa bình và thống nhất khiến đảng Cộng Sản không còn sử dụng được các chiêu bài “yêu nước, cứu nước” mà ông Hồ Chí Minh và đồng đảng của ông vẫn sử dụng để khích động dân Việt Nam trong 30 năm trước đó. Nhiều thanh niên tin chiêu bài đó, cho nên chịu chết cho họ củng cố quyền hành. Nói như nhà văn Dương Thu Hương, đảng Cộng Sản Việt Nam đã “khai thác được cả một mỏ vàng ròng” là lòng yêu nước của người Việt Nam. Nhưng sau ngày 30 Tháng Tư 1975, chiêu bài “yêu nước, cứu nước” đó không còn hiệu nghiệm nữa.
Chính Dương Thu Hương, khi vào thăm Sài Gòn lần thứ nhất, đã ngạc nhiên khi thấy trong chế độ “tay sai tư bản Mỹ” ở đó người ta vẫn dịch Lev Tolstoi. Tchekov, Pasternak, những tác giả Nga, nước đứng đầu khối Cộng Sản - trong khi ở miền Bắc tất cả mọi thứ về nước Mỹ đều bị cấm đoán hoặc bị bôi nhọ. Cô cũng thấy những cuốn sách nghiên cứu chủ nghĩa Mác xít của các tác giả Hung, Tiệp được bầy bán trong tiệm sách và ngoài lề đường. Nhà văn đã chạm tay vào, đã được nếm hương vị một thứ mới lạ, là Suy Nghĩ Tự Do. Tất cả những người quen dùng đầu óc để suy nghĩ, quen sống với trái tim rung động, khi từ Bắc vào Nam sau năm 1975 đều trải qua một kinh nghiệm mới. Họ phải cảm thấy cuộc chiến tranh có một mầu sắc khác, một nguyên nhân khác. Cuộc chiến chấm dứt năm 1975 không phải là “Chống Mỹ Cứu Nước” như đảng Cộng Sản vẫn hô hoán. Ðó còn là một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Cuộc nội chiến biểu hiện cuộc tranh chấp giữa hai chủ trương quản trị xã hội loài người; hai hệ thống kinh tế, hai trào lưu triết học; hai đường lối liên minh ngoại giao của các dân tộc Á Phi, hoặc theo phe Cộng Sản, hoặc theo khối tư bản. Mối nghi ngờ đã nẩy mầm.
Năm 1975 mở đầu một giai đoạn mới trong cuộc chiến ý thức hệ, đã bắt đầu từ những năm 1930, nổ bùng lên năm 1945 và trở thành đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh Nam Bắc từ năm 1960 đến 1975, khi những đoàn bộ đội mở đường phía Tây Trường Sơn tiến vào miền Nam. Sau năm 1975, trên đồng bằng phía Ðông Trường Sơn một dòng lưu chuyển mới chạy từ Nam ra Bắc. Không những nhiều người mang về Bắc các xe gắn máy, radio, tủ lạnh, đồng hồ, có những anh bộ đội chỉ mang về cho con một hình búp bê nhựa rẻ triền; mà trong năm, mười năm sau đó đoàn người Bắc tiến này còn mang theo những mốt quần áo mới, những băng nhạc, sách vở, cách nói năng, nếp sống hàng ngày; họ đem về Bắc cả những tập tục, phong hóa thuần hậu của người miền Nam. Người miền Bắc bắt đầu tập nói giọng miền Nam, nhất là câu: “Nói dzậy mà không phải dzậy!” Các huyền thoại tan rã dần. Nhà văn bắt đầu ý thức mình và dân tộc mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo quốc tế.
“Quả bịp vĩ đại của Ðảng” bắt đầu nứt vỡ.
Không phải người dân miền Bắc nào vào Sài Gòn cũng bén nhậy như Dương Thu Hương. Phải đợi thời gian trôi qua, dần dần mọi người đều nhìn thấy những sự thật được phơi bầy. Chiến tranh chấm dứt, đảng Cộng Sản phải đóng vai trò quản lý một quốc gia trong thời bình. Và họ đã thất bại. Thất bại về kinh tế khiến hàng triệu người đói rách thiếu ăn. Những quyết định dại dột về ngoại giao đưa tới 2 cuộc chiến tranh ở Cam Pu Chia và biên giới Trung Quốc làm chết thêm hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam một cách vô ích. Chế độ độc tài chuyên chế khiến hàng triệu người liều mình bỏ nước ra đi, kể cả những người dân đã sống bao nhiêu năm trong chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xã hội ngày càng bất công, dân oan kêu khóc khắp nước. Những thất bại trên buộc đảng Cộng Sản lộ nguyên hình là một nhóm người không xứng đáng lãnh đạo một quốc gia trong thời đại mới.
Các “thiên đường mù” ở Nga và Ðông Âu tan vỡ năm 1990 là những cái đinh sau cùng đóng trên chiếc quan tài ý thức hệ Cộng Sản. Ðảng Cộng Sản bây giờ chỉ còn là một cái xác không hồn, được nhóm người lãnh đạo sử dụng để “chia quả thực” với nhau, trước khi giải tán. Mà sớm muộn thế nào rồi cũng sẽ giải tán.
Cho nên ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đảng Cộng Sản Việt Nam “đại thắng” trên mặt trận quân sự nhưng bắt đầu thua trên tất cả các mặt khác. Nhiều người Việt Nam bây giờ vẫn tranh đấu đòi xây dựng một chế độ dân chủ, đòi cho nước ta được sống tự do, kinh tế thị trường được phát triển và chủ quyền quốc gia được tôn trọng. Họ đang tiếp tục cuộc đấu tranh của những Nhượng Tống, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Huỳnh Phú Sổ, Phan Văn Hùm thời 1945, những người đã bị Cộng Sản sát hại. Ðảng Cộng Sản sẽ phải lùi bước để dân Việt Nam được sống tự do như các dân tộc văn minh khác.
Cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ cho nước Việt Nam bây giờ cũng chính là một hình thức tiếp tục cuộc chiến đấu của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trước khi họ phải buông súng ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Nhờ sự hy sinh của các chiến sĩ đó suốt thời chiến, miền Nam Việt Nam tồn tại được cho đến 1975, thay vì bị đảng Cộng Sản nuốt gọn từ 15 năm trước. Mười lăm năm lúc nào cũng bị Cộng Sản phá phách ám sát, phá hoại rồi gây chiến, tổng tấn công! Trong thời gian ngắn ngủi này người dân miền Nam chưa đủ thời giờ xây dựng một chế độ tự do dân chủ như lòng mong muốn. Nhưng cuộc sống ở miền Nam cũng đủ không khí tự do, đủ tinh thần nhân bản. Ðồng bào miền Nam đã bảo vệ được truyền thống đạo lý của tổ tiên, đồng thời biết tập thói quen tôn trọng luật pháp và tôn trọng nhân quyền của văn minh nhân loại. Chính nếp sống thuần hậu đó đã tạo được những nhân lành, những hạt giống chôn lấp dưới bề sâu xã hội miền Nam sau năm 1975. Chúng chỉ chờ ngày gặp mưa thuận gió hòa sẽ nẩy mầm rồi sinh hoa, kết trái. Khi đồng bào miền Bắc tiếp xúc được với nếp sống thuần hậu đó, những luống đất lành đã mở ra tiếp nhận. Nếu nói rằng đồng bào miền Bắc được “giải phóng” nhờ có ngày 30 Tháng Tư, điều này cũng đúng. Còn đối với những chiến sĩ Cộng Hòa đã hy sinh, phải khẳng định: Họ đã không hy sinh vô ích. Chính họ đã bảo vệ những hạt giống lành đó trong suốt những năm chiến tranh, để các thế hệ người Việt mai sau sẽ vun trồng. Nhờ thế, dân tộc Việt Nam sẽ được giải phóng!

 ======================

Bốn học giả Hoa Kỳ hội luận kỷ niệm 35 năm lưu vong của dân Việt
Wednesday, April 28, 2010

Hà Tường Cát/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Trong khuôn khổ các sinh hoạt đánh dấu 35 năm của người Việt lưu vong kéo dài suốt tháng 4 của Ban Tổ Chức Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen và Quốc Hận 30 tháng 4 Nam Cali, một buổi hội luận có tầm ý nghĩa đặc biệt với sự tham gia của 4 học giả giáo sư đại học Hoa Kỳ đã diễn ra hôm 28 tháng 4, năm 2010, tại hội trường Rose Center, thị xã Westminster, California, có nội dung làm sáng tỏ chính nghĩa cuộc chiến đấu gian khó và kiên cường trong nỗ lực ngăn chặn Cộng Sản thôn tính miền Nam Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.

Từ trái sang phải: Giáo Sư Mark Moyar, ký giả Sol Sander, Giáo Sư Andrew Wiest, Giáo Sư Bob Turner,
Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm và nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa. (Hình: HTC/Người Việt)
Ban tổ chức cuộc hội luận của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại gồm các ông Cao Xuân Vỹ, Lê Tinh Thông và Nguyễn Xuân Nghĩa còn có sự đóng góp của ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, từ miền Ðông đến. Mặc dầu đã ngoài 90 tuổi và sức khỏe giảm sút, cụ Cao Xuân Vỹ, một nhân vật trọng yếu trong chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, vẫn sáng suốt và đầy nghị lực khi trình bày những lời mở đầu cuộc hội luận.
Giáo Sư Lê Tinh Thông, giới thiệu bốn diễn giả và ca ngợi các vị này về sự nghiên cứu đóng góp làm sáng tỏ lịch sử một cách chính xác đúng đắn để xóa tan những xuyên tạc và ngộ nhận lâu dài về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng cho rằng cuộc hội luận không phải chỉ giới hạn trong mục tiêu đó mà còn nhằm rút ra những bài học ứng dụng cho hiện tại và tương lai. Mượn lời từ một châm ngôn ở trại tập trung diệt chủng Auschwitz của Ðức Quốc Xã, ông nói rằng, “kẻ nào quên quá khứ sẽ bị trừng phạt phải sống trở lại với quá khứ ấy.”
Trong chiều hướng ấy, vào phần cuối của buổi hội luận, Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm nhận định là 4 diễn giả đã trình bày được đầy đủ những dữ kiện lịch sử chiến tranh Việt Nam và giúp nói lên nhưng điều cần nói và muốn nói. Tiếp đó ông đề nghị nêu lên một số câu hỏi có tính cách thời sự hơn để bốn vị diễn giả lần lượt góp ý, bao gồm những vấn đề về quan hệ bang giao với Việt Nam, tương quan với Trung Quốc, vị trí và vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực Á Châu.

Cử tọa trong buổi hội luận. (Hình: HTC/Người Việt)


Trả lời phỏng vấn của Người Việt sau buổi hội luận, ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho là những đề tài do Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm nêu lên chứng tỏ là người Việt không chỉ nhìn về quá khứ mà còn quan tâm hướng đến tương lai. Theo ông toàn bộ những nội dung được đề cập trong cuộc hội luận này rất có giá trị cho sự hiểu biết của thế hệ trẻ và hy vọng tương lai sẽ có thể có những cuộc hội thảo đào sâu vào nội dung chi tiết hơn để mọi người cùng nhau trao đổi ý kiến, học hỏi và định hướng cho cuộc tranh đấu tự do dân chủ ở Việt Nam.
Bốn học giả và đề tài thuyết trình gồm:
Giáo Sư Mark Moyar, Ðại Học Thủ Quân Lục Chiến: “Vì sao Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Việt Nam.”
Ký giả kỳ cựu Sol Sanders: “Vài kỷ niệm riêng với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.”
Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest, Ðại Học Southern Mississippi: “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa.”
Giáo Sư Bob Turner, Ðại Học Virginia và Học Viện Hải Chiến: “Hậu quả của sự bỏ rơi Ðông Dương.”
Các diễn giả đều có cùng quan điểm là về chiến tranh Việt Nam nhiều sự kiện đã bị bóp méo, hiểu lầm và nhiều thực tế đã bị lãng quên, do đó trước hết nên trả lại sự thật cho lịch sử. Lý do và ý nghĩa can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam thập niên 1960 là đề mục được tất cả 4 diễn giả quan tâm. Theo Giáo Sư Mark Moyar, tại Hoa Kỳ đã có hai khuynh hướng trái ngược là cần phải sát cánh với chính quyền Ngô Ðình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chống Cộng Sản hay không can dự. Nhưng phân tích tình thế từ khi Cộng Sản chiếm lục địa Trung Hoa và ý đồ bành trướng trong khu vực, ông tin là sự can dự vào Việt Nam là cần thiết và chính đáng nhưng đáng tiếc là đã có những sai lầm về chiến lược và thiếu dứt khoát trong chủ trương qua các đời Tổng thống Mỹ.
Ký giả Sol Sanders nhắc lại một số kỷ niệm riêng và sự hiểu biết về Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho rằng ông Diệm là người có đủ khả năng đương đầu với Cộng Sản Bắc việt dù rằng ông cũng có một vài nhược điểm như quá chú ý vào những chi tiết nhỏ. Hai diễn giả đều đồng quan điểm là việc từ bỏ ủng hộ và thay đổi chính quyền Ngô Ðình Diệm là sai lầm đáng tiếc, và nếu không có sự kiện ấy “ngày nay chúng ta không phải ngồi nói chuyện về Việt Nam tại đây.”
Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest bác bỏ những đánh giá không đúng mức về quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cho rằng khi đưa quân đến Việt Nam, sai lầm lớn nhất là Hoa Kỳ muốn chủ động thay vì có sự cộng tác chặt chẽ giữa hai lực lượng bởi vì chỉ có quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới có thể giành chiến thắng.
Giáo Sư Robert Turner nêu lên những hậu quả tai hại khi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam như việc Liên Xô phát động các cuộc chiến nổi dậy ở Trung Mỹ và đem quân vào Afghanistan. Các diễn giả đưa ra nghi vấn là nếu trước kia Hoa Kỳ đã từng phải dùng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chặn Cộng Sản thì bây giờ với tương lai phát triển của Trung Quốc, liệu Hoa Kỳ có thể một lần nữa trở lại với tình thế ấy hay không. Ông Turner phàn nàn rằng nhiều người đã không chịu hiểu rằng Hoa Kỳ tham chiến để giúp Việt Nam tự vệ cũng là cùng một lý do như đã tham chiến tại Cao Ly nhằm bảo vệ tự do của con người và thực thi việc chống xâm lược như đã ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Những sai lầm từ Việt Nam sẽ còn có thể tác động lâu dài đến tương lai của các vấn đề thế giới mà Hoa Kỳ phải vất vả đương đầu.
Vào một ngày làm việc trong tuần, cuộc hội luận vẫn thu hút được một số cử tọa đông đảo hơn 200 người chăm chú theo dõi. Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt, ban tổ chức, các diễn giả và mọi người đã cùng nhau bước đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở kế cận hội trường. Theo lời Giáo Sư Lê Tinh Thông, ban tổ chức sẽ phát hành đĩa video ghi lại đầy đủ cuộc hội luận giá trị này. (HC)

No comments:

Post a Comment