Friday, April 30, 2010

Tuyên bố của nhà báo Bùi Tín nhân ngày 30-4-2010 --- VOA- Bùi Tín Blog

Gần đây Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân ở Hà Nội đã mở hội nghị để viết lại tài liệu lịch sử về ngày 30-4-1975,
với ý định được tuyên bố là «thuật lại thật chính xác những gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy tại Dinh Độc lập giữa Sài Gòn»’.

Thật đáng tiếc là tài liệu được tạo nên có một số điều sai sự thật.

Là một người chứng kiến tại chỗ, tôi buộc lòng phải lên tiếng, không hề vì động cơ cá nhân.

Tôi giữ thái độ trung thực, tôn trọng sự thật đúng như nó có, không tô vẽ gì thêm - không tự vẽ thêm râu ria - cũng không để ai khác nhận vơ những điều chính tôi đã phát biểu.

Trong tài liệu nói trên của Bộ Tổng tham mưu, không hề nói gì đến chuyện tôi, Bùi Tín, lúc ấy là Thượng tá QĐND, cũng là cán bộ cao cấp duy nhất chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh vào buổi trưa và xế chiều ngày 30-4-1975 tại «Dinh Độc Lập».

Tôi không hề mảy may có ý tranh dành tiếng tăm hay vinh dự gì trong thời điểm lịch sử này.

Biết bao liệt sỹ của 2 bên đã nằm xuống, trong đó có nhiều bạn thân, đồng đội, anh em, con cháu trong dòng họ của tôi. Việc tranh dành công trạng là điều tôi coi là xấu xa đáng sỉ nhục.

Nhưng lịch sử là lịch sử. Sự thật lịch sử cần tôn trọng tuyệt đối. Nói sai lịch sử về một số chi tiết có thể gây nghi ngờ về nhiều điều lớn hơn.

Do có những nhận định mang tính chất bôi xấu, vu cáo là tôi đã tự nhận là người nhận đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, thậm chí cho là tôi không hề có mặt ngày 30-4 ở Dinh Độc Lập, nên tôi thấy cần nói rõ sự thật chân thực là như sau:

-Tôi đến Dinh Độc lập cùng Trung tá Nguyễn Trần Thiết - phóng viên ban biên tập quân sự của báo QĐND - lúc 12 giờ rưỡi trưa ngày 30-4-1975, sau khi đoàn cơ giới của Lữ đoàn xe tăng 202 của Quân đoàn 2 đột nhập vào trong sân;

-Tôi và Trung tá Thiết ra ngoài cổng Dinh hỏi chuyện vài thanh niên cưỡi xe gắn máy đang tò mò xúm quanh mấy xe tăng, rồi vội vào cùng đi khắp các tầng, các phòng của dinh Độc Lập. Xong chúng tôi tìm ngay chỗ ngồi viết bài tường thuật để gửi gấp về Hà Nội, vì biết rằng ngoài tòa soạn đang mong chờ cho số báo in ngay tối nay.

-Tôi đang viết bài thì Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn 202 và Trung tá Nguyễn Văn Hân, trưởng Ban Bảo vệ của Quân đoàn 2, cùng đến yêu cầu tôi vào gặp nội các Dương Văn Minh. Tôi từ chối việc này, vì tôi không được giao trách nhiệm, lại đang chăm chú lo viết bài báo. Tôi trả lời 2 trung tá: «Các anh nên đưa 1, 2 người ra đài phát thanh để công bố tin toàn thắng đi, nên làm gấp để cả nước và thế giới biết». Sau này gặp lại anh Tùng, tôi mới biết 2 anh trung tá ấy cùng nghĩ rằng cấp trung tá chỉ là cán bộ trung cấp, nên việc làm không đủ giá trị theo quân phong quân kỷ. Họ cần ý kiến một cán bộ cao cấp, mà lúc ấy không có một ai khác là tôi, họ biết tôi là cấp thượng tá, là phó tổng biên tập báo QĐND.

[Cần nói rõ thêm để các bạn ở ngoài quân đội biết là giữa Trung tá và Thượng tá là khác không chỉ một cấp, mà khác hẳn một bậc. Cán bộ sơ cấp từ Thiếu uý lên Đại úy là bậc Sơ cấp, từ Thiếu tá và Trung tá là bậc Trung cấp, từ Thượng tá lên cấp Tướng là bậc Cao cấp. Phân biệt 3 cấp ấy rất rõ, khác hẳn nhau, từ bếp ăn, phòng ngủ, nhà ở, quân phục, tiền lương, sổ mua hàng, lớp học, trường học, hội nghị, tài liệu đều phân biệt rõ.]

Ngay sau đó, Trung tá Bùi Văn Tùng đưa ông Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn để loan tin đầu hàng trong vòng nửa tiếng rồi cùng trở về dinh Độc Lập, chờ cấp trên vào; họ chờ nhất là Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II. Tôi cũng đã viết gần xong bài báo. Tôi còn nhớ Trung tá Thiết mở hộc bàn giấy của tổng thống lấy ra tờ giấy cứng in Thực đơn của Tổng thống trưa 30-4-1975, trên đó có 2 món chính là: «gân bò hầm sâm» và «cá thu kho mía», đưa cho tôi xem để ghi thêm trong bài báo cho sinh động.

Hai Trung tá Tùng và Hân lại khẩn khoản nói với tôi: họ đang ngồi chờ trong kia, chừng 30 người, các ông tướng chưa ai vô, anh vào gặp họ đi, để họ chờ lâu không tiện.

Anh Thiết bàn với tôi: «Anh vào gặp họ đi, ta cùng vào rồi sẽ viết thêm vài chi tiết, sau ta sẽ vào trại Davis – Tân Sơn Nhất, nhờ tổ thông tin đánh bài báo ra Tổng cục chính trị».

Trung tá Hân dẫn 2 chúng tôi vào phòng họp lớn. Anh Hân, trên cương vị trưởng ban bảo vệ Quân đoàn hiện là người sắp xếp trật tự của dinh Độc Lập. Anh vào trước, báo tin: «Tất cả đứng dậy! Sắp có một cán bộ cao cấp QĐND vào gặp các ông!»

Tôi và anh Thiết bước vào. Phòng khách rộng lớn, ghế ngồi lót dạ đỏ, trên bàn có những cốc nước và mấy hộp hạt đào lộn hột. Anh Thiết ghi tên suốt lượt cả 28 người có mặt, từ các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền đến các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Hữu Hạnh, Bùi Hòe Thực, ông Diệp, ông Trường v...v...

Vừa lúc ấy, Trung tá Hân đón tổ quay phim Quân giải phóng (có 2 người) vào. Ông Minh bước tới trước, nói chậm rải:-«Thưa quý ông! Chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền».

Tôi đáp ngay: «Các ông còn có gì mà bàn giao; không thể bàn giao khi trong tay không còn có gì!»

Tôi không nói gì đến chuyện đầu hàng vì 2 Trung tá Tùng và Hân đã cho tôi biết ông Minh vừa tuyên bố đầu hàng ở đài phát thanh. Ý tôi muốn nói là không thể có chuyện bàn giao chính quyền, vì tình hình đã ngả ngũ xong xuôi.

Tôi thấy các ông Minh, Mẫu, Huyền, Hảo, Có …đều buồn. Ông Minh cúi hẳn đầu, tôi thấy cằm ông lún phún râu, đường gân 2 bên má co giật nhẹ. Tôi liền an ủi: «Hôm nay là ngày vui. Hòa bình đã đến. Cuộc chiến tranh đã kết thúc. Chỉ có người Mỹ là thua. Tất cả người Việt nam ta là người chiến thắng».

Tôi thấy một số vị gật gật đầu, ông Mẫu nở nụ cười vui vẻ, tán đồng. Tôi liền thêm: «Bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều có thể coi ngày hôm nay là ngày vui lớn của mình».

Sau đó tôi mời mọi người ngồi, uống nước, trò chuyện thân mật. Tôi hỏi chuyện ông Minh, sức khỏe ra sao, ngày ông chơi mấy «sét» tennis ? Collection phong lan của ông có bao nhiêu giò rồi? có những loại hiếm quý nào? Ông trả lời hết, vui vẻ, tự nhiên …

Tôi quay sang ông Mẫu hỏi ông từ giã miền Bắc từ hồi nào? Ông còn nhớ gì về vùng quê Chèm Vẽ…nay Cầu lớn Thăng Long qua gần đấy; tôi hỏi về trường Luật ông đang dạy, tôi cũng hỏi ông: Sao tóc ông đẹp, dài vậy, tôi nghe có hồi ông cắt tó phản đối chính quyền ? ông cười, đó là chuyện 2 năm trước, ông luôn mê say với sinh viên trẻ ngành Luật…

Một lát sau, ông Nguyễn Văn Hảo yêu cầu gặp riêng tôi. Tôi cùng ông ngồi cạnh chiếc bàn con bên cửa sổ lớn nhìn xuống sân trước, ông nói: «Tôi là Nguyễn Văn Hảo, giáo sư, phó thủ tướng đặc trách kinh tế, xin báo với riêng ông một tin quan trọng: bọn này đã giữ lại trong kho Ngân khố quốc gia hơn 16 tấn vàng, không cho họ mang ra khỏi nước, mong quý ông báo ra Hà Nội cho người vô nhận…»

Tôi hỏi kỹ lại và tối đó tôi điện ngay cho Thiếu tướng Lê Quang Đạo phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Ngày 2-5 Hà Nội cho chuyên cơ IL 18 vào Sàigòn nhận đủ hơn 16 tấn vàng ấy.

Đêm ấy, tôi gửi bài báo «Sài Gòn 30-4: Trong ánh chớp của lịch sử» in trên số báo QĐND ra sáng 1-5-1975, do tổ thông tin của Đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng trong Ban Liên hợp 2 bên trong trại Davis – Tân Sơn Nhất chuyển bằng tín hiệu morse. Đây là bài báo duy nhất gửi được từ Sài Gòn, vì bưu điện bị đóng cửa liền 2 ngày. Fax, điện thoại viễn liên, điện báo đều tắc. Do chuyển bằng morse, tên 2 món trong thực đơn của tổng thống bị sai, «cá thu kho mía» thành «cá thu kho giá» và «gân bò hầm sâm» thành «gan bò hầm sâm»!

Sáng 1-5 tôi gặp các phóng viên Boris Galash (Tây Đức) và Tiziano Terzani (Ý) và nhận chuyển giúp 2 bài báo ngày 30-4 của họ qua con đường Thông tấn xã Viêt Nam ở Hà Nội. Họ mừng rỡ vô cùng vì đó là điều họ lo, sốt ruột nhất. Bài báo đến được Berlin, Bonn và Roma.

Những sự việc trên đây tôi ghi lại thật đúng với thực tế lịch sử.

Trong tài liệu chính thức của bộ Tổng tham mưu, các câu nói của tôi trên đây được đặt trong miệngTrung tá Bùi Văn Tùng (!). Tôi khá thân với anh Tùng, từng ghé thăm 2 vợ chồng anh. Tôi tin là anh Tùng sẽ có thể đến lúc không ngại gì nói rõ sự thật đầy đủ.

Có những nhân chứng còn sống, về những lời nói của tôi trưa hôm ấy, như các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Hữu Hạnh, các ông Diệp, Trường (tôi không nhớ họ)… cũng như tổ phim Giải phóng hay nhà báo Nguyễn Trần Thiết rất ngay thật thẳng tính.

Sự thật là hoàn cảnh ngẫu nhiên đưa đẩy để tôi là cán bộ cấp cao duy nhất của QĐND có mặt tại dinh Độc Lập trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 16 giờ chiều 30-4-1975 để chứng kiến và chút ít tham gia sự kiện lịch sử này.

Vị tướng đầu tiên tôi gặp lúc đã xế chiều ở Dinh Độc lập là Thiếu tướng Nam Long, phái viên của bộ Tổng tham mưu, tôi cùng tướng Nam Long chụp chung ảnh kỷ niệm. Tối mịt Thiếu tướng Nguyễn Hữu An mới đến, khi quanh sân anh em nổi lửa nấu cơm, mỳ ăn liền.

Sở dĩ một số báo nước ngoài cứ nói phóng lên là tôi là người nhận đầu hàng của tướng Minh là vì tướng Trần Văn Trà chủ tịch ủy ban Quân quản Sài Gòn hồi tháng 9-1975 có lần giới thiệu tôi với các nhà báo Nhật, Pháp, Thái lan, Hoa Kỳ … rằng : đây là nhà báo, sỹ quan cao cấp nhất chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Rõ ràng «chứng kiến » và «nhận» là 2 điều khác nhau.

Hồi 1989, khi tôi đưa nhà báo Mỹ Stanley Karnow đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà khách chính phủ (đường Ngô Quyền), ông Giáp giới thiệu với S. Karnow: Đại tá Bùi Tín là sỹ quan cao cấp nhất có mặt ở Dinh Độc Lập khi chính quyền của tướng Minh đầu hàng.

Từ đó, có thể có người hiểu sai, hiểu lầm cho rằng tôi là người nhận đầu hàng. Cũng có thể có người hiểu sai, cho rằng khi tôi nói «không còn gì để bàn giao» thì cũng có nghĩa là tôi đòi họ phải đầu hàng tôi!

Đã có bài báo tiếng Việt ở Pháp bịa ra rằng: Bùi Tín rút súng chĩa vào nội các Dương Văn Minh, hét mọi người phải giơ tay đầu hàng, rồi bắn loạn xạ lên trời để thị uy, làm phách…!

Tôi không bao giờ nhận một điều gì không phải của mình, không do mình làm.

Hơn nữa, sự có mặt của tôi ngày 30-4 -1975 ở Sài Gòn với hy vọng hòa giải và hòa hợp dân tộc trọn vẹn đã sớm tan thành mây khỏi, với chính sách thực tế của lãnh đạo CS là chiếm đóng, trả thù, đày đọa các viên chức, binh sỹ, đồng bào ruột thịt ở miền Nam, tịch thu quyền sống tự do, có nhân phẩm, nhân quyền của nhân dân cả nước suốt 35 năm nay. Gần 20 năm nay họ để cho bọn bành trướng uy hiếp, mua chuộc, để chúng lấn đất, lấn biển, lấn đảo, giết hại ngư dân ta…

Do tình hình đất nước nguy kịch như thế, đã 20 năm nay, tôi chỉ một điều tâm niệm là góp hết sức thực hiện đoàn kết thống nhất dân tộc, cùng toàn dân đấu tranh dành lại các quyền tự do dân chủ bị một chế độ độc đảng toàn trị tước đoạt hơn nửa thế kỷ nay.

 ========================

Chiến tranh Việt Nam kết thúc sau bắt tay giữa hai siêu cường?

2010-04-29
Chiến tranh Việt Nam đã lùi vào quá khứ 35 năm, thế nhưng trong những năm qua, rất nhiều người Việt và cả người Mỹ vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan tới cuộc chiến này.

Photo courtesy Nixonfoundation.org
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào năm 1972.
Để cùng nhau ôn lại lịch sử liên quan tới cuộc chiến, nhất là chuyến đi của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc cách nay gần 40 năm, nơi đó hai bên Mỹ - Trung đã ra Thông cáo Thượng Hải và rồi Hiệp định Paris được ký kết, dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam  và tiếp theo là sự sụp đổ của Sài Gòn 35 năm trước.

Quan điểm thay đổi

Như chúng ta đã biết, thuyết domino về Chủ nghĩa Cộng sản có từ thời Tổng thống Eisenhower. Thuyết này cho rằng khi phong trào cộng sản ở Trung Quốc thành công, nếu Hoa kỳ không can thiệp để phe cộng sản ở Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam, sẽ làm cho các nước Đông Dương khác rơi vào tay cộng sản, đe dọa các nước còn lại trong khu vực như: Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Úc...

Nếu Trung Quốc không phải là nước cộng sản, chúng ta đã không có chiến tranh ở Triều Tiên. Nếu Trung Quốc không phải là nước cộng sản, chúng ta không có cuộc chiến ở Đông Dương.
Tổng thống Nixon
Ông Richard Nixon là người ủng hộ thuyết domino và là một trong những nhân vật nổi tiếng chống cộng. Đó là một trong những lý do ông được chọn làm ứng cử viên phó Tổng thống, đứng trong liên danh với ông Eisenhower, ứng cử viên Tổng thống, và liên danh này đã đắc cử.
Trong thập niên 50s, khi còn là Phó Tổng thống, ông Nixon đã từng lên tiếng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ, vì nước này là cộng sản. Ông đã nói: “Chúng ta có thể thấy Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản của tất cả mọi rắc rối của chúng ta ở châu Á. Nếu Trung Quốc không phải là nước cộng sản, chúng ta đã không có chiến tranh ở Triều Tiên. Nếu Trung Quốc không phải là nước cộng sản, chúng ta không có cuộc chiến ở Đông Dương”.
Thế nhưng, năm 1969, khi trở thành Tổng thống, ông Nixon đã thay đổi chính sách về cộng sản. Có lẽ do sức ép của người dân Mỹ muốn kết thúc chiến tranh Việt Nam, cũng như nhận thức của Hoa Kỳ về giá trị chiến lược trong việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, đã làm cho cho Tổng thống Nixon thay đổi. Trong một thông điệp gửi đến người dân Mỹ liên quan tới chiến tranh Việt Nam, ngày 7 tháng 4 năm 1971, Tổng thống Nixon đã nói:
Vấn đề rất đơn giản đó là như thế này: chúng ta sẽ rời khỏi Việt Nam theo cách mà - bởi những hành động của chính chúng ta - cố ý chuyển giao đất nước cho những người Cộng sản? Hay là chúng ta sẽ rời khỏi theo cách, cho người miền Nam Việt Nam một cơ hội hợp lý để tồn tại như là những người tự do? Kế hoạch của tôi sẽ chấm dứt sự tham gia của người Mỹ theo cách sẽ cung cấp cho miền Nam cơ hội đó. Và một kế hoạch khác sẽ kết thúc nó một cách vội vàng và trao chiến thắng cho những người Cộng sản”.
Và chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon năm 1972, đã giúp Hoa Kỳ chấm dứt sự tham gia trong chiến tranh Việt Nam, theo một trong hai cách mà Tổng thống Nixon đã đưa ra, cũng có thể không phải là cách mà Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ và nhiều người Việt mong đợi. Thế nhưng chuyến đi này của Tổng thống Nixon đã đã làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu cũng như lập ra một trật tự thế giới mới.




Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh hôm 25-2-1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh hôm 25-2-1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.

Trung - Mỹ bắt tay?

Cũng xin nhắc lại rằng, do có những mâu thuẫn với Liên Xô, một nước XHCN anh em của Trung Quốc, và nhất là sau lần đụng độ quân sự ở biên giới giữa hai nước hồi tháng 8 năm 1969, dẫn đến việc Liên Xô đưa ra các kế hoạch chi tiết cho một cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, nên Mao Trạch Đông lo ngại và muốn tìm một sự hòa giải với Hoa Kỳ để Trung Quốc rảnh tay mà đối phó với Liên Xô.
Phía Hoa Kỳ cũng muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, giúp kết thúc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến đã gây chia rẽ nước Mỹ, nên tháng 7 năm 1971, ông Nixon đã phái ông Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia, bí mật đến Trung Quốc để sắp xếp cho chuyến viếng thăm của Tổng thống Nixon đến nước này. Và rồi cả thế giới đã bị sốc khi biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ có ý định đến thăm Trung Quốc vào năm sau, 1972.


Là chúng ta sẽ rời khỏi theo cách, cho người miền Nam Việt Nam một cơ hội hợp lý để tồn tại như là những người tự do?
Tổng thống Nixon
Mặc dù Trung Quốc rất muốn thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ với lý do đã nêu trên, thế nhưng Trung Quốc cũng muốn ông Nixon phải bày tỏ trong tuyên bố của mình rằng, Tổng thống Hoa Kỳ “rất thèm” được đến thăm Trung Quốc, và rằng Trung Quốc rất “độ lượng” khi để ông Nixon đến thăm. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Nixon nói:
Tuyên bố bây giờ tôi phải đọc, đang được ban hành ở Bắc Kinh cũng như ở Hoa Kỳ rằng: Được biết Tổng thống Nixon đã bày tỏ mong muốn đến thăm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Chu Ân Lai, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mở lời mời Tổng thống Nixon đến thăm Trung Quốc vào một ngày thích hợp trước tháng 5 năm 1972. Tổng thống Nixon đã nhận lời với niềm hân hạnh”.

Thông cáo Thượng Hải


Tổng thống Richard Nixon thăm quân đội Mỹ tại Việt Nam năm 1970. AFP PHOTO.
Tổng thống Richard Nixon thăm quân đội Mỹ tại Việt Nam năm 1970. AFP PHOTO.
Trước chuyến đi của Tổng thống Nixon là chuyến đi của ông Kissinger đến Trung Quốc vào mùa hè năm 1971, tại đó ông Kissinger cũng đã cùng với ông Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc, đưa ra bản thảo về Thông cáo Thượng Hải. Hai bên đã nhận ra rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhiều điểm không thể thỏa hiệp, cho nên Chu Ân Lai đề nghị lập một bản thông cáo không chính thức và hai bên chấp nhận những điểm bất đồng, mỗi bên nêu rõ quan điểm của mình trong các phần riêng biệt khi cần thiết.
Và sau đó, tuần lễ cuối cùng của tháng 2 năm 1972, một chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài một tuần của Tổng thống Nixon ở Trung Quốc. Vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm này, ngày 28 tháng 2, tại Thượng Hải, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ban hành một thông cáo chung, còn gọi là Thông cáo Thượng Hải.
Những điểm chính trong thông cáo Thượng Hải là, hai nước cam kết đi đến bình thường hóa, sẽ cùng nhau hợp tác trao đổi trên nhiều lĩnh vực, Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc và hai bên cam kết giải quyết vấn đề Đông Dương trong đó có chiến tranh Việt Nam.
Trong thông cáo cũng có một đoạn “ám chỉ” Liên Xô khi tuyên bố rằng, hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc “không nước nào được phép tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mỗi nước chống lại các nỗ lực của bất kỳ nước nào hoặc nhóm các nước khác nhằm thiết lập quyền bá chủ”.
Một trong những điểm chính đã nêu trong Thông cáo Thượng Hải là quan điểm của hai nước về sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Thông cáo nêu rõ, phía Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn “Đề nghị 7 điểm” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình đưa ra trong lần đàm phán ngày 1 tháng 7 năm 1971.
Trong “Đề nghị 7 điểm” này, bà Bình kêu gọi Mỹ đưa ra thời hạn rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi miền Nam và xóa bỏ chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Và rồi, như mọi người đều biết, Hiệp định Paris đã được ký gần một năm sau đó. Chiến tranh Việt Nam cũng đã kết thúc cách nay 35 năm, như là một thỏa thuận giữa các nước lớn với nhau. 

Hồi ức tuần lễ cuối cùng ở Sài Gòn, 30/4/1975 kết thúc chiến tranh VN

2008-04-30
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, cuộc chiến tranh VN kéo dài 21 năm đã kết thúc, hai triệu ngưới Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc thiệt mạng, bên cạnh đó là sự hy sinh của 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ, đồng minh chính yếu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
Download phần âm thanh này


Xe tăng quân đội miền Bắc tiến vào dinh Ðộc Lập trưa ngày 30-4-1975. AFP PHOTO
Tháng 3/75 sau khi ra lệnh rút quân khỏi Pleiku Kontum, một quyết định dẫn tới sự sụp đổ hỗn loạn ở vùng cao nguyên trung phần và các tỉnh phía bắc VNCH, chạy dài từ Huế vào tới Phan Rang,

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức

Ngày 21/4/1975 TT Nguyễn Văn Thiệu chịu áp lực từ nhiều phía và quyết định từ chức.
Ông nói: “Thưa đồng bào anh chị em chiến sĩ cán bộ các cấp, tôi tuyên bố từ chức tổng thống và theo hiến pháp phó tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhận chức tổng thống.”
Thưa đồng bào anh chị em chiến sĩ cán bộ các cấp, tôi tuyên bố từ chức tổng thống và theo hiến pháp phó tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhận chức tổng thống.
Khi nhà giáo Trần Văn Hương lên nắm giềng mối quốc gia, thì lúc đó 6 sư đoàn quân cộng sản Bắc Việt đang khép chặt vòng vây thủ đô Saigon, nơi có 3 triệu ngừơi sinh sống.
Làm thế nào cho dân được sống yên…làm thế nào cho máu đừng đổ thịt đừng rơi thì công của đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời, dầu thế nào tôi thiết nghĩ đất nước này không bao giờ quên công lao đó của đại tướng.
Tổng thống Trần Văn Hương
Nhận nhiệm vụ được 5 ngày, tới ngày 26/4 Ông Trần Văn Hương yêu cầu quốc hội tìm người thay thế mình, một người mà theo ông có đủ khả năng tìm giải pháp vãn hồi hoà bình hoà giải dân tộc.
Quốc hội ra nghị quyết chỉ định đại tướng Dương Văn Minh vào chức vụ tổng thống.
Chiều ngày 28/4/1975 Lễ Bàn Giao giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh được tổ chức tại Dinh Độc Lập.
Lời tổng thống Hương liên tục với tường thuật của phóng viên: “ …Làm thế nào cho dân được sống yên…làm thế nào cho máu đừng đổ thịt đừng rơi thì công của đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời, dầu thế nào tôi thiết nghĩ đất nước này không bao giờ quên công lao đó của đại tướng….(vỗ tay)….(tường thuật)
Sau khi nguyên tổng thống Trần Văn Hương đọc xong bài diễn văn trao nhiệm, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu tổng thống hai con rồng bay xuống…và thay thế bằng một huy hiệu tổng thống mới…với hình một hoa mai năm cánh…
Đây là phóng viên Hệ Thống Truyền Thanh VN, quí thính giả đang theo dõi trực tiếp truyền thanh lễ trao nhiệm chức tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu đại tướng Dương Văn Minh…
…Làm thế nào cho dân được sống yên…làm thế nào cho máu đừng đổ thịt đừng rơi thì công của đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời, dầu thế nào tôi thiết nghĩ đất nước này không bao giờ quên công lao đó của đại tướng….
Thưa quí thính vào lúc này bên ngoài dinh Dộc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước… ”
Những lời quí thính giả vừa nghe là của phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ Thống Truyền Thanh VN. Như một sự tình cờ, phóng viên này đang làm việc cho Đài Á Châu Tự Do. Anh chính là Nam Nguyên của Ban Việt Ngữ.
Nam Nguyên: “Vâng ngaỳ ấy tôi còn trẻ lắm 29 tuổi, bây giờ nghe lại hết sức xúc động. Không ngờ còn có người giữ được những đoạn băng đáng lẽ đã đi vào quên lãng.”
Thưa quí thính giả cho đến 30 năm sau, vẫn chưa có lời giải đáp là tại sao Nam Việt Nam lại tan rã nhanh chóng như vậy. Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích thời cuộc, thì kể từ lúc tổng thống Thiệu từ chức ngày 21/4 và vội vã ra đi 2 ngày sau đó, sự kiện chế độ VNCH cáo chung chỉ còn là vấn đề thủ tục.

Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng

Đại Tướng Dương Văn Minh được xem là người thích hợp nhất để nhận trách nhiệm ra lệnh đầu hàng. Mời quí vị nghe lại tuyên bố của tổng thống Dương Văn Minh được phát đi trên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/4/1975:
“Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam…vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó."
Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự…tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào…”
Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam…vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng...
Tổng thống Dương Văn Minh
Sau khi Đài Phát Thanh Saigon lập lại nhiều lần lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng như nhật lệnh tương tự của thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người được bổ nhiệm làm phụ tá cho tổng tham mưu trưởng sau cùng là Trung Tướng Vĩnh Lộc. Quân đội đã thi hành lệnh giao nạp vũ khí cho những người chủ mới của đất nước.

Xe tăng quân đội miền Bắc tiến vào dinh độc lập

Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam…vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó.
Xe Tăng Cộng Sản Bắc Việt tiến vào khuôn viên Dinh Độc Lập lúc 10g45 phút sáng ngày 30/4, đánh dấu sự cáo chung của chế độ VNCH. Một chế độ được xây dựng bởi những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Chế độ ấy trải qua hai nền cộng hoà tồn tại được 21 năm.
Cuộc chiến quốc cộng huynh đệ tương tàn làm thiệt mạng hơn hai triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Phía đồng minh của VNCH, 58 ngàn quân nhân Mỹ tử trận cùng hàng ngàn binh sĩ của các nước Nam Hàn, Thái Lan, Úc và Tân Tây Lan.
Thưa quí thính giả, cũng là một tình cờ lịch sử, khi cờ Mặt Trận Giải Phóng đã tung bay trên Dinh Độc Lập, thì các đại diện chính trị của bên cộng sản chưa vào Saigon để tiếp nhận chính quyền.
Do vậy Đại tá Bùi Tín, một nhà báo quân đội BV đi theo cánh quân làm phóng sự, lúc đó đã được bộ đội uỷ quyền vào dinh gặp chính quyền Dương Văn Minh. Ông Bùi Tín hiện nay tỵ nạn chính trị ở Pháp. Từ Paris ông Bùi Tín kể lại giây phút lịch sử khi ông giáp mặt ông Dương Văn Minh:
“ Tôi là người đầu tiên tiếp xúc, ông Dương Văn Minh và tất cả đứng dậy…ông Minh nói là chúng tôi chờ quí vị tới từ sáng nay, đặng chuyển giao chính quyền… tôi có trả lời rằng là, tất cả chính quyền các ông không còn nữa qua cuộc tấn công của chúng tôi…cho nên không thể bàn giao cái gì đã không còn nữa…”

Ðại sứ Marin không muốn rời Sài Gòn

Vào những thời khắc sau cùng của chế độ VNCH, chuyện gì xảy ra ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ? Câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với ông Robert Funsett, người vào thời điểm đó đang là Người Phát Ngôn cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông Funsett kể lại với Ban Việt Ngữ chúng tôi như sau. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ðúng giờ này, tức là vào chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, giờ Washington, Sài Gòn bắt đầu sụp đổ. Từ Trung Tâm Ðiều Hành ở Bộ Ngoại Giao, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Phillip Habib và tôi nói chuyện lần cuối cùng với ông Ðại Sứ Graham Martin.
Ðại Sứ Martin không muốn rời Việt Nam, vì ông ta muốn kéo dài thì giờ để có thể cứu thêm những người khác. Cuối cùng, chúng tôi phải chỉ thị bắt ông đại sứ phải rời nhiệm sở. Ông đại sứ Martin nói chuyện với chúng tôi và tôi còn nhớ là ông ta bảo là sẽ lên sân thượng của Tòa Ðại Sứ, dùng trực thăng để ra hạm đội, và chúng tôi nói lời từ giã với nhau.
Không đầy một giờ đồng hồ sau đó, đại sứ Martin gọi điện lại báo đã ra tới hạm đội bình yên.
Người VN đã phải trả giá cho chiến thắng 30/4/75 bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Nhiều gia đình người dân miền Nam theo lời ông Kiệt, rơi vào hoàn cảnh có ngừơi thân vừa ở phía bên này, vừa ở phiá bên kia. 30/4 khi nhắc lại, vẫn theo ông Kiệt có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Quan điểm của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng nhà nước CHXHCN Việt Nam, vào thời điểm tháng Tư năm 75 là người phụ trách thành uỷ Saigon cùng với ông Mai Chí Thọ. Tháng Tư năm nay ông Võ Văn Kiệt khi trả lời báo chí nhà nước, đã nhận định về quyết định gọi là sáng suốt của ông Dương Văn Minh.
Chúng tôi xin trích dẫn báo Quốc Tế, ông Võ Văn Kiệt cho rằng đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông Minh có thể đoán được sự thất thủ của Saigon.
Theo ông Võ Văn Kiệt, giả dụ ông Minh để cho các tướng lãnh dưới quyền tử thủ thì quân Bắc Việt sẽ vẫn chiến thắng, nhưng Saigon khó mà nguyên vẹn, chưa kể biết bao sinh mạng và tài sản của ngừơi dân nữa. Nhà cựu lãnh đạo của chính phủ Hà Nội nhấn mạnh rằng, không thể quên vai trò của đại tướng Dương Văn Minh trong việc giữ cho Saigon được nguyên vẹn.
Thưa quí thính giả lần đầu tiên, một cựu lãnh đạo cộng sản nói rằng, người VN đã phải trả giá cho chiến thắng 30/4/75 bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Nhiều gia đình người dân miền Nam theo lời ông Kiệt, rơi vào hoàn cảnh có ngừơi thân vừa ở phía bên này, vừa ở phiá bên kia. 30/4 khi nhắc lại, vẫn theo ông Kiệt có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.
Ông Kiệt cho rằng đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt còn nói là ông muốn lưu ý mọi người rằng, làm được một chiến thắng kỳ vỹ như 30/4/1975 mà say sưa, như tự mãn nguyện thì cũng đã từng phải trả giá. Theo ông thế giới đã đi rất xa, Việt Nam phải nhanh chân chứ đừng tự ru ngủ mình để rồi sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.
© 2005 Radio Free Asia
 

No comments:

Post a Comment