Vào đêm Chủ Nhật 15 tháng 8, 2010 vừa qua, Bút Nhóm Lửa Việt (BNLV) đã tưng bừng tổ chức buổi văn nghệ gây quỹ “Cho Em Ngày Mai” tại thành phố Tampa, tiểu bang Florida.
Từ cả 2 tuần trước đó, tất số vé đã được bán hết. Giờ chót, nhiều vị ân nhân đã gọi đến hỏi mua …và khi biết rằng vé đã hết thì họ đã sốt sắng xin ủng hộ.
Chương trình văn nghệ đã có được sự góp mặt của các ca sĩ lừng danh như Khánh Ly, Don Hồ, Mai Thiên Vân, vv. Ngoài ra còn có các tiết mục đặc sắc khác do các anh chị em trong BNLV đóng góp.
Theo như ghi nhận thì đêm gây quỹ này đã thành công mỹ mãn. Số tiền thu được trên 100 ngàn Mỹ kim.

Trong dịp này Nhóm Phóng Viên Hoa Lan có hân hạnh được tiếp chuyện cùng linh mục Nguyễn Hoài Chương để tìm hiểu thêm về các hoạt động của nhóm thiện nguyện.


PV: Xin linh mục cho biết vai trò của mình trong BNLV

LM NHC: À, tôi là thành viên sáng lập và đã từng là giám đốc điều hành của Bút Nhóm. Hiện thời tôi đóng vai trò cố vấn cho nhóm.
PV: Linh mục có thể cho biết về bối cảnh thành lập và mục đích hoạt động của BNLV
LM NHC: Thật sự lúc đầu chúng tôi là một nhóm anh em trẻ cùng ngồi lại với nhau . Cùng chia sẽ những trăn trở về đất nước, quê hương và con người Việt Nam. Sau đó thì BNLV được chính thức thành lập vào năm 1983 tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và chú trọng vào các sinh hoạt giới trẻ và từ thiện tại Hoa Kỳ. Ngoài ra chúng tôi cũng khuyến khích các anh chị em trẻ tình nguyện về làm việc tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Vào thời điểm 1988, 1989 khi đồng bào tại các trại tị nạn bị cưỡng bách hồi hương thì chúng tôi đã liên kết với các sinh viên, các hội đoàn lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Bản thân gia đình chúng tôi đã cay đắng từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để lánh nạn CS vào năm 1954 và sau đó một lần nữa vào năm 1975, tôi thấu hiểu và thông cảm hoàn cảnh đau khổ của những đồng bào này.
Hồi hương tức là đưa họ trở về con đường không lối thoát. Số đông trong những người này sẽ phải gánh chịu những sự trả thù đê hèn của nhà cầm quyền nên chúng tôi cương quyết chống.
PV: Vào lúc nào thì BNLV bắt đầu có những công tác từ thiện tại Việt Nam?
LM NHC: Hoạt động của chúng tôi luôn hướng về đồng bào. Sau khi các trại tị nạn đóng cửa, phần lớn bà con đã được đi định cư, tất nhiên một số bị cưỡng bách hồi hương, thì chúng tôi cùng ngồi lại để tìm cho mình một môi trường sinh hoạt mới.
Hoàn cảnh đất nước sau đó đã thay đổi, nói theo báo chí trong nước thì giai đoạn 1990 là thời kỳ “đổi mới kinh tế theo định hướng XHCN”. Người Việt hải ngoại có thể đi đi về về thăm lại gia đình, bà con, quê quán. Chúng tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để đến những thay đổi toàn diện tại Việt Nam phải được bắt đầu bằng việc từ thiện.
Tất nhiên, lúc đầu khi dò dẫm bước vào môi trường Việt Nam, anh em chúng tôi đã vô cùng bỡ ngỡ và khó chịu về những thủ tục rườm rà, những nghi ngại, những soi mói… của nhà cầm quyền các tỉnh lỵ, địa phương. Nhưng sau đó thì quen dần.
PV: Linh mục nói “quen dần” có nghĩa là sao?
LM NHC: (cười)… Quen dần có nghĩa là chúng tôi biết được thêm về những “mánh lới” làm việc trong một guồng máy độc đảng. Đôi khi để cho họ quen dần và tin tưởng, chúng tôi đã thực hiện những công việc thật nhỏ ở các địa phương xa, thiếu thốn đủ mọi phương tiện: y tế, giáo dục, vv. Chúng tôi cũng chú ý đến lãnh vực xã hội. Nhưng chú tâm chính là những em nhỏ không có điều kiện tài chánh để thực hiện những cuộc giải phẩu thật đơn giản nhằm vá những đôi môi bị dị dạng, còn gọi là bị “sứt môi”. Nhìn những em nhỏ này thật là tội nghiệp. Nhà cầm quyền, không quan tâm đến những vấn đề này. Có lẽ họ quá bận bịu để lo việc khác…
Trong khi đó thì một số đông các trẻ em khác bị thất học. Lên tám lên chin đã phải vất vả đói no kiếm cơm, kiếm áo.
Tôi đã nhìn thấy những hình ảnh trong những chuyến công tác tại Kiên Giang, Hải Dương, Hòa Bình, vv. Đặc biệt khi tiếp xúc với các quan chức tại những nơi này…tôi thấy họ có một đời sống hoàn toàn tách biệt và xa lạ với hoàn cảnh của đại đa số người dân.
PV: Linh mục muốn nói tách biệt và xa lạ qua hình ảnh nào?
LM NHC: (cười)… Không biết tôi có nên nói rõ ra hay không. Chị thông cảm là tôi còn ước mong về tham gia nhiều công tác tại Việt Nam… Tuy nhiên có lẽ bà con trong và ngoài nước đều có thể tìm thấy những tương phản giàu nghèo này qua các bài báo, bài viết, hình ảnh được chuyền đi bằng nhiều phương tiện khác nhau.
PV: Có một số những ý kiến cho rằng làm từ thiện tại một nước như Việt Nam là góp phần làm lợi cho nhà cầm quyền, linh mục nghĩ sao về ý kiến này?
LM NHC: Thật sự, mỗi người đều có quyền có những ý kiến theo nhận xét của mình. Người thì chống, người thì ủng hộ. Nhưng phải nói rằng, sống trong một xã hội tự do như Hoa Kỳ, chúng ta mới cảm thấy những giá trị tự do được trân quý như thế nào. Tự do phát biểu, là một nhức nhối hay nói tiếng Mỹ là “sensitive” trong một nước độc đảng.
Là một linh mục, tôi chú tâm nhiều hơn đến khía cạnh từ thiện của công việc mình làm. Những tổ chức từ thiện sẽ là những đầu cầu tốt đẹp để thay đổi xã hội. Chị nghĩ xem, nếu chúng ta tiếp tục đưa ra những vấn đề xã hội mà đáng lẽ những người lãnh đạo phải giải quyết nhưng lại chẳng lo được mà phải tiếp tục nhờ vào những tổ chức, chính phủ bên ngoài thì người dân trong nước họ sẽ nghĩ gì? Các bạn trẻ trong nước sẽ nghĩ gì? Đây là một điều then chốt.
PV: Hiện thời BNLV đặt trọng tâm hoạt động của mình ở môi trường nào? Hải ngoại hay tại VN?
LM NHC: Thưa chị, chúng tôi nghĩa rằng cả hai môi trường đều có tầm quan trọng ngang nhau. Môi trường sinh hoạt hải ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng giúp cho chúng tôi có điều kiện và phương tiện thực hiện những công tác tại Việt Nam. Cụ thể là mỗi dịp hè , BNLV đều có tổ chức một trại hè cho các bạn trẻ. Qua các trại hè này, các bạn được sinh hoạt, vui chơi ca hát, học biết về bác ái, nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi đã có những buổi hội thảo để các bạn trẻ biết rằng: bác ái phải đi đôi với công bằng. Nói rộng hơn là ngoài việc làm từ thiện, họ phải có bổn phận đấu tranh cho công lý. Chỉ có công lý mới chấm dứt được cái tình trạng lòng vòng, vì thiếu công lý và công bằng thì đói nghèo xuất hiện, đói nghèo xuất hiện thì lại phải có những người, như chúng tôi, làm việc từ thiện…
Còn tại Việt Nam thì mục đích trước mắt của chúng tôi là làm sao tạo được một số những trạm y tế lưu động, mà tiếng Anh gọi là “mobile clinic” để có thể giúp cho nhiều bệnh nhân tại nhiều nơi xa xôi hẻo lánh.
Nhân đây tôi cũng xin thay mặt anh em trong BNLV chân thành cảm ơn quý vị ân nhân gần xa đã nhiệt tâm yềm trợ chúng tôi trong suốt bao nhiêu năm qua. Con đường công lý và hòa bình còn rất dài, mong rằng quý ân nhân vẫn tiếp tục đồng hành với anh em LV.
PV: Linh mục có nhiều cơ hội về Việt Nam, vậy linh mục có nhận xét gì về tình hình tôn giáo, đặc biệt là Công giáo?
LM NHC: Tôi không dám lạm bàn về lãnh vực này vì nó cũng…”sensitive” như câu chuyện ở trên. Nhận xét ngắn của tôi là tình hình có khả quan hơn những năm đầu sau 1975. Tuy nhiên đó là một nhận xét tổng quát. Tôi biết rằng vẫn có những khó khăn, nan giải và thử thách cho tất cả các tôn giáo. Trong đó chúng ta phải kể đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thầy Quảng Độ, Linh mục Nguyễn văn Lý, Linh mục Giải, Linh mục Lợi, vv. Các vị mục sư đang rao giảng lời Chúa khắp nơi… và gần đây nhất là trường hợp của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Tóm lại, có thay đổi nhưng chưa…khá lắm. Có lẽ với thời gian và áp lực từ quốc tế, may ra Việt Nam mới có thay đổi thực sự.