Tuesday, December 6, 2011

Mỹ vay tiền Trung quốc - Nhưng ai là chủ?


Thấy hay nhất là câu : tác giả Paul R. La Monica nêu ra một câu ngạn ngữ xưa: Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng (If the bank lends you a thousand dollars, the bank owns you. But if the bank lends you a million dollars, you own the bank).
.

Cách đây mấy bữa, tôi có trao đổi với bạn hữu trên Facebook về tình hình kinh tế toàn cầu và chuyện Trung Quốc trong vòng một thập niên nữa có thể đuổi kịp Hoa Kỳ về tổng thu nhập nội địa (GDP).

Nói là có thể đuổi kịp về GDP thôi, chứ về thu nhập  trung bình  tính trên đầu người thì có lẽ một vạn mùa quýt nữa Trung Quốc cũng khó bắt kịp với số dân trên 1,3 tỷ người và hàng trăm triệu người ở vùng nông thôn và miền núi vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ.

Theo Quỹ Tiện tệ Quốc tế, thu nhập đầu người (GDP per capita) của Trung Quốc trong năm 2010 là 4.382 USD, so với của Mỹ là 47.284 USD. Hơn nữa, Hoa Kỳ là một quốc gia có các định chế dân chủ vững chắc, với một nền kinh tế năng động, sáng tạo và luôn tìm ra được chính sách thích ứng với hoàn cảnh, thậm chí với các cuộc khủng hoảng. Trong khi Trung Quốc duy trì một cơ chế kinh tế tư bản nửa vời, chịu áp lực chi phối quá mạnh mẽ bởi nhà nước độc quyền và vẫn còn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, bên cạnh nguy cơ bất ổn về chính trị xã hội luôn hiện hữu.


Trung Quốc hiện nay là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Trong bài “China: The new landlord of the U.S” trên CNNMoney, ngày 18 tháng 1 năm 2011, phân tích chủ đề này tác giả Paul R. La Monica cho biết Cục Ngân khố Hoa Kỳ thông báo Trung Quốc hiện sở hữu 895,6 tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ, có nghĩa là giảm từ 906,8 tỷ đô la so với một tháng trước đó và là sự suy giảm đầu tiên giá trị trái phiếu nợ của Trung Quốc kể từ tháng Sáu 2010. Trong một tháng mà giảm giá trị 11,2 tỷ đô la, quả là không nhỏ tý nào!

Trong cuộc mạn đàm trên Facebook tôi có nhắc lại nhận xét dí dỏm của một người bạn thân của tôi là Szymon Moldewhawer. Szymon Moldewhawer đã từng là  đại diện Văn phòng Thương mại của Mỹ tại Warsaw, Ba Lan.

Szymon Moldewhawer nói với tôi rằng, tớ đưa ra cho cậu một bức tranh đơn giản về chuyện nợ nần giữa Trung Quốc và Mỹ. Thế này nhé, một thằng Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, ví dụ 1 tỷ đô la. Nhưng hắn ta cóc thèm mang tiền từ Mỹ vào Trung Quốc mà lấy ngay tiền của Trung Quốc  qua các tác vụ tài chính từ khoản Trung Quốc cho Mỹ vay qua việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Nên nhớ rằng, chính phủ Mỹ khi phát hành trái phiếu không phải lấy tiền chỉ để chi dụng cho các nhu cầu nội địa, mà dành đến 60% cho đầu tư ở nước ngoài. Số tiền này mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc tiềm tàng. Bây giờ ta có một phép tính số học của học sinh cấp 1:
Ví dụ  Apple lấy tiền của Trung Quốc, tận dụng nhân công rẻ mạt của Trung Quốc, sản xuất ra một cái iPad cứ cho là 100 đô la chẳng hạn. Sản phẩm được xuất qua Mỹ và nhiều nước khác, bán với giá 500 đô la. Tiền lãi chảy hết vào túi  Mỹ.  Trung Quốc nghèo hơn, cho  Mỹ giàu hơn vay tiền, còn  Mỹ  kiếm lợi  ngay trên lưng thằng cho vay, tớ hỏi cậu ai khôn hơn ai? Đây là tớ chưa nói tới việc thằng đi vay lại là cái thằng in ra đồng tiền đó. Chỉ cần nó phá giá một tý thôi, giá trị trái phiếu có thể mất đi vài trăm triệu đô la, nếu không nói đến vài tỷ, trong chốc lát!

Ông bạn tôi cười thích thú và thêm rằng, kinh doanh tiền tệ trên thế giới khó ai khôn ngoan và điếm đàng hơn tư bản Mỹ!

Không lâu sau cuộc chuyện trò trên đây, thực tế đã chứng minh điều người bạn tôi phác hoạ là đúng.
Vào tháng 10 năm ngoái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (The Federal Reserve System), viết tắt là Fed (cũng có thể hiểu tương tự như Ngân hàng trung ương) đã thông báo một chương trình có biệt hiệu là QE2.

Đây là chính sách được gọi là nới lỏng định lượng, trong đó Fed công bố kế hoạch mua lại 600 tỷ đô la trái phiếu kho bạc dài hạn từ tháng 10 năm 2010, nhằm mục đích cung cấp vốn mới, hỗ trợ nền kinh tế các khoản tín dụng rẻ.

Ngay sau khi Fed công bố, Trung Quốc đã cao giọng chỉ trích chương trình QE2 này.

Kế hoạch mua lại trái phiếu của Fed dẫn đến một đồng đô la yếu hơn, và lãi suất cao hơn, do đó làm giảm giá trị trái phiếu kho bạc mà Trung Quốc đang nắm giữ, như chúng ta đã thấy ở trên.

Trong ngày thứ Tư, 27 tháng 4 năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ấn định tỷ lệ lãi suất nằm trong khoảng 0 - 0,25 phần trăm và tuyên bố giữ nguyên quyết định mua lại trái phiếu với tổng số tiền 600 tỷ đô la.

Giám đốc Fed, ông Ben Bernanke, tại buổi họp báo cùng ngày cho biết Ủy ban Thị trường Mở đã có quyết định đầu tiên cho việc duy trì chính sách tái đầu tư các quỹ từ chứng khoán.

Sau cuộc họp hai ngày trước đó, Fed kết luận rằng, “sự phục hồi kinh tế Mỹ đang ở tốc độ vừa phải, và tình hình thị trường lao động cải thiện dần dần”; “Sự gia tăng lạm phát, đặc biệt là việc tăng giá nguyên liệu trong thời gian gần đây, có vẻ như là quá độ. Tình hình thị trường bất động sản vẫn còn yếu”.

Quyết định về tỷ lệ lãi suất trên phù hợp với những gì các nhà phân tích đã dự đoán, và không gây ra phản ứng nào lớn. Tuy nhiên sự chú ý của thị trường trong khi chờ quyết định của Fed đã tập trung vào cái khác, cụ thể là, điều gì tiếp theo chương trình mua lại trái phiếu mà trên thực tế là in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế 600 tỷ đô la.

Ông Bernanke nói thêm rằng, kết thúc chương trình mua lại trái phiếu dài hạn với giá trị 600 tỷ đô la vào tháng 6 này, Fed sẽ tiếp tục theo dõi khối lượng đầu tư vào trái phiếu kho bạc trong ánh sáng của các thông tin mới nhất, sẵn sàng điều chỉnh đầu tư trái phiếu ở mức tốt nhất nhằm bảo đảm việc làm tối đa trong nền kinh tế Hoa Kỳ và ổn định giá.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giám đốc Fed, Ben Bernanke, có mặt và kết thúc một cuộc họp báo.
Chưa biết phản ứng mới của Trung Quốc với quyết định mới của Fed. Tuy nhiên để ứng phó, Trung Quốc có thể phải bắt đầu bán trái phiếu nợ ra.

Ngoài ra, người ta cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa trái phiếu nợ của ngân hàng trung ương và có thể chuyển sang trái phiếu khu vực đồng euro, một ngoại tệ mạnh nhưng tính ổn định đang đặt trước nhiều dấu hỏi khi hàng loạt các nước khu vực đồng euro như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland… đang vật lộn với khủng hoảng nợ công.

Cũng có người tin rằng Trung Quốc đã sử dụng các đại lý tại Vương quốc Anh để vực giá trị kho bạc lên. Giá trị hàng hoá sẽ hiển thị trên các cổ phiếu của Vương quốc Anh, không phải của Trung Quốc.

Một câu đặt câu hỏi đặt ra là trong tương lai, nếu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc mới, thì Trung Quốc có tiếp tục mua nữa hay không?

Cái khổ nằm ở chỗ là Trung Quốc vẫn phải mua, vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng và lớn nhất của Trung Quốc, là “căn cứ địa” bảo đảm công việc làm cho hàng chục triệu, nếu không nó là hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc. Một biến động lớn trên thị trường lao động sẽ là một thảm hoạ cho ổn định xã hội, điều mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không bao giờ muốn xảy ra, bằng mọi giá.

Trong cuộc chơi khó khăn này, anh Mỹ có vẻ như được nước, tha hồ mè nheo, õng ẹo rằng, anh cho vay thì tôi mới có tiền trả hàng hoá, còn Trung Quốc dù rất khó chịu, phàn nàn anh Mỹ khôn thì vừa thôi, đừng quá đáng. Nhưng rồi cuối cùng Trung Quốc cũng phải đồng ý nếu cò kè được lãi suất cao hơn. Trừ phi anh Mỹ không muốn vay thêm!

Kiểu gì thì bác Sam nhà ta vẫn đứng ở thế lợi hơn.

Kết thúc bài báo đã dẫn trên CNNMoney, tác giả Paul R. La Monica nêu ra một câu ngạn ngữ xưa: “Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng” (If the bank lends you a thousand dollars, the bank owns you. But if the bank lends you a million dollars, you own the bank).

Nghe ra có vẻ diễu cợt và hài hước quá!

Chủ nghĩa Tư bản và
Cách bóc lột kiểu mới

Cách đây hơn mười năm, một thầy giáo của tôi nói rằng chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến một mức rất tinh vi. Nếu trước kia các chủ đồn điền phải dùng gậy ba-tong để bóc lột công nhân bản xứ, bây giờ việc bóc lột diễn ra ở tầm mức quốc gia. Ông lấy ví dụ thời những năm 70-80 Nhật đã mua rất nhiều tài sản ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ vì Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Thế rồi năm 1985 Mỹ đã buộc Nhật phải ký vào Plaza Accord để đồng Yen lên giá hơn 50% so với đồng USD trong hai năm sau đó. Điều này tương đương với tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã “bóc lột” Nhật một cách trắng trợn bằng cách “quịt” 50% số nợ với Nhật.

Hơn 20 năm sau, Trung Quốc đã thế chân Nhật trở thành “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Có điều những nỗ lực của Mỹ trong suốt giai đoạn 2000-2006 không làm Trung Quốc nhượng bộ và đồng yuan chỉ được thả lỏng một phần và cho lên giá từ từ so với USD trong 2 năm gần đây. Điều đáng nói là dù đồng yuan đã bắt đầu lên giá, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và những số liệu gần đây cho thấy gần như toàn bộ thâm hụt ngân sách của Mỹ đều được tài trợ từ nguồn này. Hiện tại dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã gần đạt 2 ngàn tỷ USD. Thử tưởng tượng nếu Mỹ thành công trong việc làm USD mất giá khoảng 50% so với đồng yuan như đã làm với Nhật năm 1985, số tiền Trung Quốc bị “quịt” sẽ tương đương với 10 năm GDP hiện tại của Việt nam.

Vậy tại sao Trung Quốc không chuyển dự trữ ngoại tệ của mình sang các đồng tiền khác hay vàng? Hay đơn giản hơn là ngừng không tăng dự trữ ngoại tệ nữa vì đã quá đủ để đảm bảo an toàn cho cán cân thanh toán? Vấn đề là bản thân Trung Quốc muốn giữ tỷ giá của đồng yuan với đồng USD cố định vì Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Theo cách nói của một số nhà kinh tế thì Trung Quốc đã “hối lộ” cho dân Mỹ thông qua chính sách tỷ giá để họ tiếp tục mua hàng của Trung Quốc. Cái lợi mà Trung Quốc được trong ván bài kinh tế này không phải là 2 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, mà Trung Quốc biết sẽ mất một phần trong tương lai. Mục tiêu của Trung Quốc chính là tăng trưởng kinh tế thông qua con đường xuất khẩu, đây là điều cần thiết để Trung Quốc giữ xã hội ổn định và là phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị khác. Có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận sẽ bị quịt nợ trong tương lai, hay nói cách khác sẵn sàng để Mỹ “bóc lột”.

Không chỉ bị “bóc lột” vì khoản cho vay của mình sẽ mất giá khi đồng yuan lên giá, người dân Trung Quốc hiện tại đang bị bóc lột trên một khía cạnh khác. Họ buộc phải giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm cá nhân vì chính sách quản lý vĩ mô méo mó của chính phủ Trung Quốc. Mỗi đô la thêm vào dự trữ ngoại tệ quốc gia đều có đóng góp của những công nhân Trung Quốc làm việc trong các xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đây có thể coi là một loại thuế trá hình đánh lên thu nhập của những người công nhân này và lên cả lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, mọi người dân Trung Quốc đều phải giảm tiêu dùng các loại hàng hóa nhập khẩu vì chính sách tỷ giá thấp của chính phủ. Họ đang bị “bóc lột” gián tiếp thông qua dự trữ ngoại tệ mà có lẽ nhiều người không biết và không đồng ý.

Năm 1985, Reagan và Volcker đã ép buộc thành công Nhật chấp nhận đồng Yen lên giá để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch của Mỹ và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Bush và Greenspan đã không làm được như vậy với Trung Quốc, để rồi cuộc khủng hoảng hiện tại nổ ra. Tất nhiên người Mỹ phải chịu hậu quả đầu tiên, nhưng không ai tiên liệu được cuộc khủng hoảng này sẽ dừng lại ở đâu. Nếu khoảng tháng 9-10/2008 “mắt bão” cuộc khủng hoảng nằm ở Mỹ thì hiện tại có vẻ nó đã chuyển sang các nước Đông Âu, và nhiều người dự báo nó sẽ đi dần sang phía Đông. Có thể Trung Quốc sẽ trắng tay trong ván bài kinh tế-chính trị vẫn “chơi” lâu nay. Ngược lại nếu Trung Quốc khéo léo và may mắn, họ sẽ xoay chuyển được global geopolitical landscape theo một hướng mới có lợi hơn cho mình. Đó có lẽ là bản chất dân tộc Trung Quốc, sẵn sằng nhin ăn nhịn mặc, bị bóc lột và khinh rẻ trong thời gian dài để vùng lên đúng lúc. Có điều chiến lược này rất rủi ro và người lãnh đạo phải sẵn sàng hy sinh lợi ích của cả dân tộc trong một (vài) thế hệ để có được cơ hội “thắng làm vua”...

Lê Giang 

Kinh tế Trung Quốc Xác To Bụng Xấu

 
Ngô Nhân Dụng
 
Ðồng bào biểu tình tuần hành tại Sài Gòn ngày Chủ Nhật vừa qua mang một khẩu hiệu rất gợi hình: Trung Quốc To Xác Xấu Bụng! Ðó là một cách dịch bằng hình ảnh rất cụ thể hai chữ Bá Quyền.

Bắt chước lối nói bình dân đó, có thể mô tả tình trạng kinh tế của Trung Quốc bằng một hình ảnh: Xác To, Bụng Xấu.

Xác To: Sản lượng kinh tế của Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trên thế giới, và trong vài ba thập niên nữa sẽ lên hàng thứ nhất. Một con số nổi bật là số dự trữ ngoại tệ. Vào Tháng Ba, số ngoại tệ dự trữ tại Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh (tên chính thức là Nhân Dân Ngân Hàng) đã lên tới 3,000 tỷ đô la Mỹ, tăng gần một phần tư trong 12 tháng.

Bụng Xấu: Kinh tế Trung Quốc đang bị một “mối họa tâm phúc,” tiếng ta gọi là đau bụng, một chứng đau bụng kinh niên, ngày càng trầm trọng thêm vì hệ thống tài chánh đang trên đường phá sản với những món nợ khổng lồ không thể thanh toán được! Tình cảnh này không khác gì những đại ngân hàng sụp đổ ở Mỹ vào năm 2007, sau khi cho vay để người ta mua nhà rồi con nợ không trả được. Năm 2008 Tổng Thống Gorges W. Bush đã phải bỏ ra 700 tỷ đô la để cứu, sau khi để cho một anh phá sản! Cơn sốt địa ốc và chứng khoán ở Trung Quốc trầm trọng không thua gì ở Mỹ bốn năm trước. Khi các ngân hàng lâm cảnh vỡ nợ, Hồ Cẩm Ðào hay Tập Cận Bình cũng sẽ phải cứu. Số nợ không đòi được của các ngân hàng thương mại Trung Quốc có thể lớn đến 1,200 tỷ đô la! Trong khi đó, số nợ của Ngân Hàng Nhân Dân cũng đang tăng lên chính vì muốn thu hút ngoại tệ vào trong tay! Tình trạng “nợ xấu” này là hậu quả của cơ cấu kinh tế mất cân bằng và việc cải tổ chính trị chậm chạp. Cho nên ông Ôn Gia Bảo đã phải báo động hai lần là nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ ngưng trệ!

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc là hình ảnh một anh to béo vạm vỡ nhưng ruột gan đầy bệnh tật!

Tại sao hệ thống ngân hàng Trung Quốc sinh ra chứng bệnh “Báng” đầy những nợ xấu trong bụng như thế? Nguyên do là chính sách của đảng Cộng Sản Trung Hoa dùng các ngân hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nuớc vay, gọi là “phát tiền” thì đúng hơn, vì các tiêu chuẩn thẩm định tín dụng thường được bỏ qua. Ðặc biệt từ năm 2008, một khối tiền khổng lồ được đổ ra để “kích thích kinh tế.” Chính quyền Trung Quốc không dùng số tiền đó vào việc kích thích người dân tiêu thụ nhưng họ đưa tiền cho các công ty quốc doanh đầu tư thêm, mà phần lớn các vụ đầu tư đó không có lợi. Hậu quả là tỷ lệ lạm phát ngày càng lên cao. Từ năm ngoái Bắc Kinh đã cố chặn bớt số tiền cho vay lại, bằng cách tăng lãi suất; bắt các ngân hàng thương mại phải giữ một số tiền dự trữ cao hơn, năm 2009 giữ 15%, năm nay tăng thành trên 20%.

Nhưng các đảng viên cao cấp đang điều khiển các ngân hàng của nhà nước đã có nhiều cách lách để vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp nhà nước vay tiền với lãi suất thấp do nhà nước ấn định. Một phương pháp là đi vòng quanh, dùng một con đường khác. Họ lập ra những “công ty tín thác” (trust companies), cũng có tiền vô tiền ra nhưng không bị kiểm soát chặt chẽ như các ngân hàng. Các công ty tín thác gọi vốn đầu tư của các đại gia, của các doanh nghiệp nhà nuớc dư tiền mặt, hứa hẹn suất lời cao. Sau đó họ đem tiền cho vay, với một lãi suất cao gấp bội, đưa tiền vào những dự án kinh doanh nhiều rủi ro hơn. Không ai kiểm tra để biết số nợ xấu của các công ty tín thác là bao nhiêu, vì họ không phải báo cáo như các ngân hàng. Theo tuần báo kinh tế Quan Sát ở Trung Quốc, tại thành phố Ôn Châu nổi tiếng là một trung tâm sản xuất đồng hồ, bật lửa và giầy dép cho cả thế giới, có 1000 công ty tín thác hoạt động như vậy. Họ cho chủ nhân các xí nghiệp tư vay với lãi suất cao tới 5% một tháng, tức gần 80% một năm, hàng chục lần lãi suất mà các xí nghiệp quốc doanh vay ngân hàng! Ði vay như vậy đầy rủi ro. Nếu có lúc nào thị trường thế giới ngưng lại không mua hàng nữa vì kinh tế các nơi bị suy thoái; hay vì bị hàng các nước khác, như Ấn Ðộ, Indonesia, Mã Lai cạnh tranh, thì các xí nghiệp tư trên sẽ khó trả được nợ. Số nợ xấu trên toàn quốc sẽ tăng vọt!

Nhưng các ngân hàng của nhà nước còn có nhiều cách khác để có thể tiếp tục cho vay thêm mà vẫn giữ đủ tiền dự trữ theo tỷ lệ 20% mà Ngân Hàng Trung Ương đòi hỏi. Họ đem “bán” các món nợ họ đã cho vay, các công ty tín thác do họ lập ra đứng ra mua. Thế là giảm bớt ngay con số nợ ghi trên sổ sách. Những công ty tín thác con mới gom các món nợ đã mua lại thành từng “bó” rồi chia mỗi bó thành nhiều “dụng cụ đầu tư” nhỏ, giống như các chứng khoán. Ngân hàng mẹ sẽ mua chứng khoán này rồi đem bán lại cho các thân chủ nào muốn được mức lời cao. So với lãi suất trả cho các món tiền ký thác trong ngân hàng thì những món “dụng cụ đầu tư” mới này hấp dẫn hơn nhiều! Công việc gom lại rồi phân chia ra này không khác gì việc các ngân hàng đầu tư ở Mỹ đã làm trong mấy năm trước 2007, họ cũng gom các món nợ địa ốc lại rồi chia ra các đơn vị nhỏ mà đem bán cho các nhà đầu tư khắp thế giới! Hậu quả khi giá nhà xuống đã gây ra cơn khủng hoảng tín dụng đến bây giờ vẫn chưa thuyên giảm.

Năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã cấm các ngân hàng và công ty tín thác của họ không được mua đi bán lại với nhau như thế nữa. Ngay lập tức, người ta thay đổi phương pháp. Một ngân hàng sẽ bán các món nợ mình làm chủ cho một ngân hàng khác, ngân hàng thứ hai này bán lại cho một công ty tín thác, rồi công ty tín thác mới gom các món nợ đó lại, chia thành nhiều đơn vị nhỏ bán lại cho ngân hàng thứ nhất. Cứ như vậy, lại tiếp tục vòng quay đưa các “dụng cụ đầu tư” mới tới cho các thân chủ y như hồi trước!

Thủ thuật mua đi bán lại này mang lại lợi lớn. Mỗi công ty tín thác chỉ cần làm công việc trên giấy tờ khi gom các món nợ lại rồi đem chia ra. Họ lấy công bằng một mức lời rất nhỏ, dưới 3%, nhưng nhờ khối lượng lớn nên cũng giầu to! Như công ty Anh Ðại Tín Thác (Yingda International Trust), trong năm 2009 chỉ lấy tiền hoa hồng và tiền công bằng 0.17% (17 phần 10 ngàn) trên số tiền 147 tỷ đồng Nguyên mà họ phụ trách. Nhưng họ đã kiếm được 240 triệu Nguyên (gần 40 triệu Mỹ kim), mà tất cả họ chỉ làm những công việc giấy tờ. Trong năm 2010, các công ty tín thác ở Trung Quốc đã hoán chuyển các món nợ trị giá trên 2,000 tỷ đồng nguyên, tương đương với hơn 300 tỷ Mỹ kim! Những việc ra tiền làm này được dành cho những người “quan hệ tốt” với ban giám đốc các ngân hàng. Chúng giúp các ngân hàng có thể cho vay thêm sau khi đã “bán” các món nợ cũ đi, giúp cho những người có “quan hệ tốt” được đầu tư thu lợi nhiều hơn; tất cả là những món lợi lớn lo cho các người biết đi đúng cửa!

Theo công ty Fitch, chuyên về thẩm định tín dụng (credit-rating) quốc tế thì trong 11 tháng đầu năm 2010 các ngân hàng đã chuyển được 2,500 tỷ đồng Nguyên qua các công ty tín thác. Ngân Hàng Nhân Dân thì cho con số chính thức, chỉ tới 1,600 tỷ Nguyên. Tương tự, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc báo cáo chỉ có 1.14% các món nợ của các ngân hàng là nợ xấu, nhưng Fitch kiểm tra kỹ hơn thì thấy tỷ lệ nợ xấu lên tới 6%, nếu tính đủ những món nợ mà các cơ quan chính quyền địa phương đi vay.

Tổng số vay nợ trong cả nước Trung Hoa là 48 ngàn tỷ đồng Nguyên trong năm 2010, nếu tính 6% nợ xấu thì cũng tới 2,900 tỷ Nguyên, tương đương với 1,200 tỷ đô la Mỹ, hơn một phần ba số ngoại tệ dự trữ! Công ty Fitch đã hạ thấp điểm tín nhiệm của Trung Quốc trong tháng trước; và đây là lần đầu tiên nước này bị hạ thấp điểm tín dụng kể từ năm 1999 đến nay. Theo phân tích của Fitch thì nếu chính phủ Bắc Kinh muốn đem tiền cứu các ngân hàng như chính phủ Mỹ đã làm năm 2008 thì số tiền chi ra sẽ lớn bằng 30% tổng sản lượng nội địa, tức là hơn 1,600 tỷ đô la Mỹ. Con số đó hơn gấp đôi số tiền 700 tỷ mà Tổng Thống Bush đã dùng để cứu các ngân hàng lớn, mà sau ba năm nhiều ngân hàng Mỹ đã hoàn trả lại, với tiền lãi đầy đủ, chỉ có một số nhỏ bị mất. Còn ở Trung Quốc, nếu nhà nước có đem tiền ra cứu các ngân hàng thì cũng khó đòi lại! Số dự trữ ngoại tệ trên 3,000 tỷ đô la sẽ hao mất một nửa khi tai nạn này xẩy ra!

Nhưng số tiền dự trữ đó, tự nó là một hiện tượng xấu, chính nó gây ra những tai nạn khác trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thu vào một số tiền khổng lồ như thế chỉ vì họ muốn giữ giá trị đồng Nguyên thấp, sợ nếu nó lên giá so với đô la Mỹ thì hàng xuất cảng của họ sẽ tăng giá, khó bán. Ngân Hàng Trung Ương mua các ngoại tệ đem vào nước Tầu, do các xí nghiệp của họ xuất cảng hoặc do các nhà đầu tư ngoại quốc đem vào. Khi đem tiền vào, người ta đem đổi, mua lấy nhân dân tệ mà dùng, nhiều người mua sẽ khiến đồng tiền nước Tầu lên giá. Ðể ngăn lại, hễ có đồng Mỹ kim, đồng Yen hay Euro nào qua cửa ải là Ngân Hàng Trung Ương mua vét cho hối suất không lên. Lấy tiền đâu để đi mua vét như vậy? Họ có thể vay trong công chúng, hoặc sử dụng quyền in đồng Nguyên để dùng, cứ mỗi đồng in ra lại ghi vào sổ sách như một món nợ mới!

Có hai hậu quả trong công việc in tiền để mua ngoại tệ này. Một là Ngân Hàng Nhân Dân “nêu gương xấu” chuyên làm ăn thua lỗ! Từ bao năm nay họ liên tiếp đem một đồng tiền đang trên đà lên giá (đồng Nguyên tăng giá gần 5% trong hai năm 2009, 2010) đổi lấy một đồng tiền đang dần dần xuống giá (Mỹ kim), cứ thế hết năm này sang năm khác. Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ Mỹ hãy giữ vững giá đồng đô la, nhưng Mỹ bỏ ngoài tai vì chính sách của họ là hạ giá đồng đô la để bớt nhập cảng, tăng xuất cảng! Có nhà kinh doanh nào dại dột cứ đem một món hàng đang lên giá đổi lấy một món hàng liên tục xuống giá, hết năm này sang năm khác hay không?

Hậu quả thứ hai là chính sách in thêm tiền để thu mua ngoại tệ này góp phần sinh ra lạm phát. Muốn ngăn lạm phát phải tăng lãi suất. Nhưng mỗi lần tăng lãi suất thì chính Ngân Hàng Trung Ương này phải trả tiền lãi cao hơn trên những món nợ mà họ vay để lấy tiền đi mua ngoại tệ! Chính thức, tổng số nợ của nhà nước Trung Quốc chỉ lớn bằng 17% tổng sản lượng nội địa. Nhưng khi tính hết các số nợ không chính thức thì các công ty tài chánh quốc tế đoán tỷ lệ thật lên tới 160% GDP.

Cuối cùng thì ai sẽ trả các món nợ và tiền lãi cho Ngân Hàng Nhân Dân? Chính là Nhân Dân Trung Hoa! Dân chúng sẽ “đóng góp” vào việc trả nợ qua nhiều hình thức: Thuế má cao, lương bổng thấp, tiền lời rất thấp khi gửi ngân hàng (hiện nay lãi suất gửi đã là số âm khi tính tới lạm phát). Dân chúng bị ép, thắt lưng buộc bụng ra sao họ cũng phải chịu. Nhưng hiện tượng trên lại gây một hậu quả khó khăn cho chính đảng cầm quyền. Vì khi dân chúng bị lấy bớt tiền thì họ cũng bớt tiêu thụ! Có lúc trong tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc có tới 60% là do dân tiêu thụ; ngày nay tỷ lệ tiêu thụ chỉ còn là 36% GDP. Trong khi đó, đầu Tháng Ba năm nay chính ông Ôn Gia Bảo mới nói đảng Cộng Sản Trung Hoa đang chuyển hướng chính sách kinh tế, muốn dân chúng tiêu thụ nhiều hơn thay vì hoàn toàn tùy thuộc việc xuất cảng và bị tình hình kinh tế thế giới lôi cuốn!

Tóm lại, phải thấy là nền kinh tế Trung Quốc hiện mang hình ảnh một anh khổng lồ mà trong ruột gan đầy bệnh tật. Ai mang bệnh Báng thì biết, cái bụng cứ phì lên, trông thật là Xác To. Nhưng nhìn vào sâu mới thấy Bụng Xấu, rất xấu.

Ngô Nhân Dụng

Nỗi buồn ngày 5 tháng 6

Nguyễn Thị Từ Huy (BoxitVN) - Chú ơi, nhìn cháu nè! Nhìn cháu đi, chú ơi! Nhìn mắt cháu nè. Cháu buồn lắm. Cháu biết chú cũng buồn. Chú buồn lắm. 


Dầu mỏ Việt Nam ở Biển Đông : Mỹ mua, Tàu cướp

Sông Kôn (danlambao) - Những gì đã qua ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy : Mỹ đánh độc tài chứ không đi cướp lấy dầu mỏ như báo chí Việt Nam đưa tin. Ví dụ như ở Iraq, sau khi giải quyết xong chế độ độc tài của ông Hussein, Mỹ trao trả độc lập cho dân Iraq. Dân Iraq giờ đây tự do khai thác dầu mà bán , dân Iraq giờ được hưởng lợi từ nguồn dầu trên đất nước mình. 


Doanh nhân và lòng tự trọng công dân

Kim Hạnh (Báo Thanh Niên) - Những ngày này, đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao chuyện nhập siêu, thềm lục địa, “cắt cáp”... Lắng nghe và kết nối những câu chuyện cùng nỗi băn khoăn trong giới doanh nhân mới thấy rõ hơn những góc cạnh đan xen của mỗi vấn đề tựa hồ riêng lẻ ấy.


Tàu Trung Quốc tiến về Thái Bình Dương, Nhật Bản báo động

(Dân trí) - Một hạm đội hải quân thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến về Thái Bình Dương để tập trận. Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) được lệnh báo động, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đang theo dõi với lo ngại nghiêm trọng.


Sự kiện TQ phá cáp và việc khởi kiện ra toà án Quốc Tế

Xâm lấn lãnh hải, phá hoại tài sản của Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam : nhà nước Việt Nam dự định sẽ kiệnTrung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và toà án quốc tế.
Cướp đoạt tài sản ngư cụ của ngư dân: ngư dân cũng có quyền kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế.

1 comment: