Saturday, May 29, 2010

Những hình thức mua chuộc mới ....... VOA - Nguyễn Hưng Quốc Blog


Nói đến tham nhũng, chúng ta thường nghĩ đến những hình thức đưa tiền theo kiểu truyền thống. Đi đường phạm luật, bị công an thổi còi đòi phạt, bèn dúi vào tay họ ít tiền ư? Ừ, thì cũng là hối lộ. Nhưng đó chỉ là kiểu hối lộ cò con và cổ điển.

Làm giấy tờ để xuất ngoại hay mua bán nhà đất, muốn cho nhanh, lót tay một cán bộ nào đó ít tiền ư? Thì cũng là hối lộ. Nhưng kiểu hối lộ ấy quá bình thường, chẳng có gì đáng nói cả.

Ở Việt Nam, có những hình thức hối lộ đắt đỏ và tinh vi hơn nhiều. Thực chất là hối lộ nhưng chúng lại được nguỵ trang dưới những hình thức có vẻ tình nghĩa và “đậm đà bản sắc dân tộc” hơn, do đó, khó bị kết tội hơn.

Như hình thức quà cáp, chẳng hạn.

Quà cáp có nhiều kiểu. Ở đây, tôi chỉ nói đến quà cưới.

Cách đây mấy tuần, một người bạn của tôi từ Việt Nam sang, kể: anh mới dự đám cưới con trai của một người thân ở Hà Nội. Người thân của anh là một cán bộ cao cấp cấp bộ, lại là một bộ thuộc loại “ăn nên làm ra”, nghĩa là có nhiều tiền bạc (khác, chẳng hạn, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, vốn có một ngân sách khá eo hẹp và có rất ít dự án quốc tế!). Bạn có biết đám cưới ấy có bao nhiêu khách mời không? Theo lời người bạn tôi, có trên 3000 người! Số quà cưới trị giá bao nhiêu? Cả hàng mấy trăm tỉ đồng Việt Nam, tức là cả mấy triệu đô Mỹ. Quà, phố biến nhất là phong bì với vài ngàn đô. Nghe nói có người còn tặng cô dâu chú rể nguyên chiếc xe hơi hay cả căn hộ mới nữa.

Người ta cho đó là một cách bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của cấp dưới đối với lãnh đạo của mình. Nhưng thực ra, đó chỉ là một cách hối lộ.

Dù sao, chuyện trên, tôi chỉ nghe kể. Còn chuyện này thì tôi biết rõ hơn: Một người bạn khá thân của tôi, đang làm việc trong lãnh vực giáo dục ở Việt Nam, có đứa con trai du học tại Úc. Cháu có bạn gái, cũng là du học sinh. Đám cưới của cháu được tổ chức hai lần ở hai nơi: Úc và Việt Nam. Sau đám cưới ở Úc, nghe bạn tôi dự tính làm đám cưới ở Việt Nam, tôi thắc mắc: Đã có đầy đủ bố mẹ hai bên dự đám cưới ở Úc rồi, cần gì phải làm thêm đám cưới ở Việt Nam nữa cho tốn kém? Bạn tôi chỉ cười. Sau đó, đám cưới xong, bạn tôi tổng kết: Đám cưới ở Việt Nam có khoảng 1000 người đến dự. Tiền mừng đám cưới đủ để con trai anh trả gần hết một căn nhà ở Úc!

Khách đâu mà nhiều đến vậy? Tại sao người ta lại tặng quà nhiều đến vậy?

Thì toàn là cán bộ dưới quyền của anh. Các sinh viên cũ. Phụ huynh của các sinh viên hiện đang học. Rồi những người ít nhiều chịu ơn của anh từ trước đến nay.

Bạn tôi biện hộ: Ở Việt Nam, đó là phong tục. Không thể mời ít hơn được. Những người không được mời, nhất là thuộc cấp trong cơ quan, sẽ nghĩ là mình ghét bỏ họ. Họ sẽ vô cùng lo lắng và khổ sở. Thì mời. Người “được” mời sẽ sung sướng có được cơ hội để bày tỏ tình nghĩa của mình đối với cấp trên. Và cấp trên thì không phải áy náy là mình tham nhũng. Lợi cả đôi bên.

Đó là hình thức cấp dưới mua chuộc cấp trên. Chuyện ấy hầu như thời nào cũng có. Và ở đâu cũng có. Có điều, ở các nước Tây phương, mọi hình thức quà cáp mà giới lãnh đạo nhận được đều bị kiểm soát gắt gao. Lấy Mỹ làm ví dụ. Theo luật của Mỹ, Tổng thống và phó Tổng thống được quyền nhận quà từ các công dân của họ, nhưng mọi món quà trị giá trên 285 đô Mỹ đều phải khai báo. Trên thực tế, rất hiếm khi họ giữ lại các món quà ấy làm của riêng: phần lớn chúng được gửi vào Kho lưu trữ quốc gia (National Archives). Còn quà cáp từ ngoại quốc thì, thoạt đầu, tất cả đều phải được sự chấp thuận của Quốc Hội; sau, luật nới giãn hơn một tí: họ được nhận những món quà trị giá từ 335 đô trở xuống. Xin lưu ý: một, không khai báo, vì bất cứ lý do gì, đều bị xem là phạm pháp; hai, danh sách những người tặng quà và trị giá món quà của họ đều được công khai hoá để quần chúng có thể dễ dàng kiểm tra. Còn ở Việt Nam? Nhớ, cách đây năm mười năm gì đó, Đỗ Mười thú nhận là đã từng nhận một triệu đô la từ một công ty Hàn Quốc. Đó là chuyện được thú nhận. Còn những chuyện không được thú nhận thì sao? Chỉ cần theo dõi một ít vụ tham nhũng, như vụ Bùi Tiến Dũng và Huỳnh Ngọc Sĩ, được đăng tải trên báo chí là đã thấy ngợp rồi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ở Việt Nam không phải chỉ có cấp dưới mới mua chuộc cấp trên. Cấp trên, ngay cả cấp trên cực cao, cũng mua chuộc cấp dưới nữa.

Cao nhất là đảng và chính phủ.

Nhớ, lần về Việt Nam đầu tiên năm 1996, tôi nghe một người bạn vốn là giáo sư nổi tiếng khoe là anh sắp có một căn nhà mới. Nhà lầu đàng hoàng. Ở ngay mặt tiền. Hỏi chi tiết, anh cho biết là anh được nhà nước cấp một mảnh đất khá lớn. Không có tiền để xây, anh bán cho nhà thầu nửa miếng đất. Người ta sẽ xây hai ngôi nhà lầu; mỗi ngôi bốn tầng. Người ta sẽ giao cho anh hẳn một cái; cái kia người ta giữ. Như thế, chỉ chờ đợi mấy tháng, anh có nguyên một ngôi nhà lầu bốn tầng đồ sộ. Với nó, anh có thể an hưởng tuổi già: hai vợ chồng ở hai tầng trên; hai tầng dưới thì cho thuê. Khỏi phải lo lắng gì về tài chính nữa cả. Khoẻ!

Khi tôi hỏi: Tại sao anh được cấp đất như thế? Anh đáp: Tất cả các đảng viên có tuổi đều được cấp. Tuổi đảng và chức vụ càng cao, miếng đất càng lớn. Anh bình luận: Kể ra, đó cũng là một hình thức mua chuộc của đảng và nhà nước. Mua chuộc sự trung thành của các cán bộ và đảng viên.

Rồi chép miệng, anh nói tiếp: Biết thế, nhưng ai đủ can đảm từ chối một món quà lớn lao và quý báu như thế nhỉ?

Ừ, nghĩ coi, có mấy ai?


==================

Cuộc khủng hoảng lãnh tụ của Việt Nam và hệ quả xã hội của nó

Hoàng Giang
Chu trình một cuộc khủng hoảng kinh tế thường kéo dài khoảng độ dăm ba năm, hoặc cùng lắm đã xảy ra cho đến nay thì cũng chỉ độ mươi năm. Thế nhưng một cuộc khủng hoảng lãnh tụ xã hội (sau đây gọi tắt là khủng hoảng lãnh tụ) thường phải kéo dài đến hàng thế hệ, trong thực tiễn cho thấy có thể từ vài thập kỷ cho đến hàng thế kỷ và lâu hơn nữa. Nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của hai loại khủng hoảng nói trên thì có nhiều, nhưng nguyên nhân sâu xa của chúng đều bắt nguồn từ những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội nhất định nào đó, chỉ có khác là khủng hoảng kinh tế thì thường bùng nổ từ những tác nhân kinh tế - chính trị cụ thể nhất thời và được khắc phục tương đối nhanh chóng, còn khủng hoảng lãnh tụ thì diễn tiến âm ỉ từ những nguyên nhân chính trị - xã hội tiềm ẩn lâu dài của cả một thời kỳ và để lại nhiều hậu quả tai hại dai dẳng khó lòng khắc phục cho xã hội; mặt khác khủng hoảng kinh tế dù có tàn phá nền kinh tế xã hội đến đâu đi nữa thì sau đó cũng sẽ là một thời kỳ phát triển vũ bão cùng với những thành tựu kinh tế và khoa học kỹ thuật vượt trội hơn trước, còn sau khủng hoảng lãnh tụ thì có thể dẫn đến sự sụp đổ của một quốc gia, hoặc sự tiêu vong của một dân tộc, nếu con người có liên quan đến xã hội đó không đủ dũng cảm, không đủ sáng suốt, dẫn đến không biết cách xử lý mâu thuẫn và các tình huống được đặt ra.

Có thể nói, khủng hoảng lãnh tụ không những là hình thức biểu hiện cụ thể mà còn là hình thức biểu hiện cao nhất của sự khủng hoảng toàn diện về chính trị của một xã hội.
Phong trào nào lãnh tụ ấy.
Lãnh tụ xã hội là kết tinh của phong trào vận động lâu dài của xã hội.
Không có con đầu đàn thì không có một hoạt động bầy đàn nào có thể xảy ra ngoài những hoạt động rối loạn, tự phát của những cá thể ô hợp.
Sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của chúng ta bị chấm dứt một cách khiên cưỡng ở giai đoạn giải phóng dân tộc bởi chính những người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy, dẫn đến giai đoạn cách mạng dân chủ đáng lẽ ra phải được tiếp tục thực hiện thì lại bị xóa sổ. Sự kiện này khiến cho tính cách mạng và tính quần chúng của phong trào vận động xã hội tiếp theo sau đó không còn nữa. Một khi tính cách mạng và tính quần chúng của phong trào vận động xã hội không còn nữa thì quá trình hun đúc và sản sinh ra lãnh tụ cũng không còn nữa.
Cái được gọi là “công cuộc cách mạng” sau đó là một chọn lựa sai lầm. Đó chỉ là một xu thế ngộ nhận nhất thời đầy tính bốc đồng và duy ý chí bởi sự ngây ngất của hơi men chiến thắng trước đó mà không xuất phát từ nhu cầu và điều kiện cụ thể của xã hội và của quần chúng, nên cuộc vận động ấy chỉ sản sinh ra những lớp người lãnh đạo đáp ứng cho xu thế sai lầm ấy; lớp người lãnh đạo đó không hề đáp ứng cho chiều hướng của thời đại, của nhu cầu xã hội và của quần chúng đương thời. Đã gần một nửa thế kỷ trôi qua, lớp lãnh tụ cách mạng tiền bối hầu hết đã vắng bóng, số còn lại thì không còn đủ điều kiện để gánh vác vai trò lịch sử nữa, cuộc khủng hoảng lãnh tụ đã diễn tiến âm ỉ từ những nguyên nhân chính trị - xã hội tiềm ẩn lâu dài của cả một thời kỳ và cuộc khủng hoảng lãnh tụ của xã hội Việt Nam đã thực sự bắt đầu từ hàng vài thập kỷ qua, cụ thể là sau cái chết của Tổng bí thư Lê Duẩn, dù ông là một thủ lĩnh không hoàn thiện; ở ông đã bắt đầu có sự tha hóa rõ nét từ sau chiến thắng 1975. Cuộc khủng hoảng này đã và sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại khó lường cho xã hội.
Trong tự nhiên, nếu một cá thể nào đó khuất phục được các thủ lĩnh nhóm trong bầy đàn, cá thể đó sẽ là thủ lĩnh của cả đàn. Ngược lại, nếu muốn đánh gục được cả đàn thì chỉ cần đánh gục con đầu đàn là đã thành công trong bước cơ bản đầu tiên quan trọng nhất của âm mưu khuất phục. Trong xã hội loài ong, loài kiến và loài mối có một loài côn trùng ký sinh gọi là con “giả chúa”. Nếu con “giả chúa” đánh lừa được cả đàn để chiếm vai trò thủ lĩnh thì coi như cầm chắc cả đàn ấy sẽ bị tiêu diệt, trừ phi do sự nhạy bén của bản năng sinh tồn mách bảo, hay bằng cách nào đó mà cả bầy đàn được đánh động và chủ động loại trừ tên giả mạo gian ác, tức con “giả chúa” ấy thì mới cứu được số phận của cả đàn trước họa diệt vong. Lấy ví dụ từ tự nhiên để thấy vai trò và tác dụng của con đầu đàn và qua đó để thấy nguy cơ nào đang chờ đón một xã hội khi rơi vào tình trạng khủng hoảng lãnh tụ.
Để được bản năng sinh tồn mách bảo và để đến được quyết định giành lấy sự tồn tại trước hiểm họa diệt vong, trước đây ông cha ta đã phải trải qua hàng ngàn năm đau khổ khôn cùng của kiếp nô lệ dưới thời Bắc thuộc, hàng trăm năm quằn quại dưới thời thuộc Pháp và ngót nghét trên ba thập kỷ đổ máu dưới thời Mỹ xâm lược. Cái giá phải trả quá đắt và quá lâu dài! Đừng để xã hội lại rơi vào tình trạng bi đát đó một lần nữa, nếu không muốn rơi vào tình thế bị tàn sát đẫm máu như các dân tộc ở Tây Tạng và Tân Cương, hoặc chỉ sau một thời gian nhất định sẽ bị đồng hóa hoàn toàn như dân tộc Mãn Thanh.
Nguy cơ mất nước đã rõ mồn một. Cái họa diệt vong sẽ không còn là nguy cơ tiềm ẩn nếu để đất nước bị mất vào tay ngoại bang bởi cơn khủng hoảng lãnh tụ hiện nay mang lại. Kẻ thù đang tận dụng và đang khoét sâu căn bệnh xã hội hiểm nghèo đã sắp đến hồi nguy kịch này. Chúng ta phải tỉnh táo để ngăn chặn không cho căn bệnh hiểm nghèo này rơi vào hồi nguy kịch như mong muốn của kẻ thù.
Trang Bauxite Việt Nam ra mắt ngày 20/05/2010 có ghi:
Tình huống hiện nay chỉ cho phép nước ta lựa chọn cách ứng xử như thế nào mà thôi.
- Kịch bản 1: Hoặc là dấn thân đi vào hướng phát triển phồn vinh của dân chủ tự do, để có thực lực, có nhân cách và có tư cách trở thành một đối tác được tôn trọng của Trung Quốc và của cả thế giới?
- Kịch bản 2: Hay là chịu thúc thủ buông xuôi, mặc cho số phận đưa đẩy vào con đường của đổ vỡ do tham nhũng tha hóa bên trong, của quỳ gối lệ thuộc do bị o ép từ bên ngoài, như quá khứ mất nước của chính ta và như kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra?! Trong tình huống này, nếu được ban phát hòa bình và hữu nghị, thì đó sẽ chỉ là thứ hòa bình – hữu nghị dành cho thằng hầu hay kẻ làm đĩ!
- Không có kịch bản thứ ba! Càng không có một phép trời hay liên minh ý thức hệ nào có thể đẻ ra cho nước ta kịch bản thứ ba. Ta có ngậm miệng hay nhắm mắt, có van xin hay cố giữ hòa hiếu đến đâu đi nữa, cuộc sống khách quan chỉ dành cho nước ta hai kịch bản nói trên để lựa chọn mà thôi!”
“Cục diện thế giới “tranh tối tranh sáng” hiện nay tạo ra cho nước ta điều kiện có thể đóng vai trò tích cực trong nhiều vấn đề “nóng” của thế giới, mang lại cơ hội cho phép nước ta không phải lệ thuộc vào một ai để khẳng định mình, vừa là thời cơ vừa là đòi hỏi Đảng phải rũ bỏ mọi yếu kém của mình để tự thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ từ trên xuống và từ trong Đảng ra: Đổi mới thể chế chính trị của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc của đất nước. Đây chính là chiến trường mới vô tiền khoáng hậu của Đảng. Đất nước không có kịch bản thứ ba, nên Đảng cũng không có kịch bản thứ ba!”]
Song những nhận định trên của học giả Nguyễn Trung mà BVN nêu lên chỉ là phương hướng chứ chưa phải là những việc cụ thể cấp bách cần làm ngay không được chậm trễ, càng chậm trễ thì hậu quả xảy ra sẽ là tai họa khôn lường.
Trước tiên, những người có trách nhiệm và có tâm huyết trong Đảng và trong bộ máy cầm quyền hiện nay phải cùng với toàn dân nhanh chóng nhận diện cho bằng được những con “giả chúa” đang trà trộn trong hàng ngũ lãnh đạo và trong tất cả các cơ quan và các bộ phận đầu não của Đảng và chính quyền nhà nước, những kẻ đã trói tay và bịt mắt, bịt miệng xã hội qua chiêu bài hãy bám “lề phải” mà đi, những kẻ đã đàn áp, cấm đoán, truy tố những hành động của quần chúng phản đối nước ngoài xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc, những kẻ đã tiếp tay cho người nước ngoài xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam để họ chiếm đất và chiếm tài nguyên, chiếm các vị trí xung yếu của Việt Nam như cảng biển, đất biên giới, rừng đầu nguồn một cách lâu dài, những kẻ đã dùng phương tiện của Đảng và bộ máy cầm quyền để nói hộ và tuyên truyền thay cho quan điểm xâm lược của ngoại bang; tóm lại là những kẻ đã và đang trực tiếp tiến hành một cách lén lút, hay công khai, hoặc làm ngơ dung túng và ngầm cổ vũ những hành động sai trái, phản trắc nói trên.
Ngay trước mắt, ngay trong đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sắp tới cần phải có biện pháp cụ thể để phát hiện và loại trừ ngay bọn “giả chúa”, kể cả những hậu duệ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Trọng Thủy thuở nào đang trà trộn lẩn khuất trong hàng ngũ của chúng ta ra khỏi vị trí hiện nay của chúng, không để chúng tiếp tục nối giáo cho giặc, tiếp tục lũng đoạn nền chính trị nước nhà như vừa qua.
Nếu chậm trễ e rằng không kịp và sẽ không còn cơ hội nào nữa để hành động và sẽ phải trả một cái giá rất đắt không lường trước được.
Nếu chậm trễ e rằng sẽ phải ôm hận ngàn thu.
Hãy làm ngay những việc trên vì sự tồn vong của đất nước và tương lai muôn đời của con cháu!
Hãy làm ngay những việc trên, nếu không muốn trở thành tội đồ của lịch sử và lưu danh xấu muôn đời!
Một Đảng anh hùng, một đảng yêu nước không thể là cái nôi phát sinh và là nơi dung dưỡng những hành động ươn hèn và dã tâm bán nước!
Một dân tộc anh hùng không thể khoanh tay ngồi nhìn cái họa mất nước và nguy cơ diệt vong đang ngày càng đến gần!
Mỗi công dân yêu nước không thể mãi bàng quan trước vận mạng “ngàn cân treo sợi tóc” của Tổ quốc hiện nay!
Hãy luôn tỉnh táo và sẵn sàng hành động vì sự tồn vong của đất nước, của gia đình và của bản thân mỗi chúng ta!
HG

No comments:

Post a Comment