- PSN - 18.5.2010 | Nguyên Dân
Theo dõi và tìm hiểu về tin tức quê nhà từ mấy năm qua, nhiều tin đem đến cho tôi cảm thấy vui, và cũng quá nhiều tin nghe qua cảm thấy đau lòng, thất vọng. Việt Nam, một đất nước đã trên ba mươi năm được gọi là “giải phóng”, đã yên bình, vậy mà người dân nghèo nàn cơ cực. Đó là tin ghi nhận từ nước ngoài. Còn tin từ trong nước thì: Việt Nam đã phát triển nhiều, người dân đã có ấm no, bây giờ thi nhau để hưởng thụ, để làm giàu.
Mấy người bạn về Việt Nam (mỗi năm) ung đúc:
- Anh thử về Việt Nam một lần cho biết. Tha hồ mà ăn chơi, hưởng thụ. Việt Nam bây giờ thay đổi nhiều, cởi mở hơn, khắm khá hơn, đẹp đẽ hơn, không như những ngày lầm than cơ cực như thời 10 năm trước đổi mới nữa đâu.Về Việt Nam mà vui chơi…
Qua 13 giờ 40 phút, trên một thân tàu với chỗ ngồi vừa đủ chật để xoay trở thân mình và ngã lưng ngủ chập chờn khi mỏi mệt, chuyến phi cơ China Airline đến Đài Bắc. Trên 300 hành khách, đa số là dân Châu Á, và đông nhất là Việt Nam.
Phi trường Taipei trong buổi bình minh lành lạnh. Cái lạnh tương đương với Cali của Hoa Kỳ. Không khí thoáng mát. Hít thở và cảm thấy khá thoải mái trong người. Thời gian cũng không có nhiều để thư thả ngắm nhìn. Cũng tất bật và vội vàng theo dòng người, cùng những thủ tục kiểm soát để chuyển đi một chuyến bay khác.
Việt Nam Airline, với những người cùng quê hương xứ sở.
Tiếp viên hàng không Việt Nam, đã từ lâu - từ sau 1975 - được tiếng là “thiếu nụ cười”. Lần về thăm quê hương tôi cũng có ý mua vé đi Việt Nam Airline cho biết. Dẫu sau thì cùng chung là Việt Nam thì đi hàng không Việt Nam cũng là nghĩa cử đóng góp cho đất nước của mình.
Qua những phút ban đầu gặp gở, tôi để ý và có nhận xét rằng: quả các anh chị của Việt Nam Airline hơi khó. Khó có nghĩa là cẩn thận và theo nguyên tắc, qui củ hẵng hòi thì cũng là đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, không hẵng vậy. Khó ở đây là tạo ra nhiêu khê, nhiều rắc rối để “người ta” (hành khách) phải e dè ngán ngại các nhân viên.
Kiểm soát giấy tờ, các anh, chị khá là cẩn thận, đến độ chậm chạp. Kiểm soát hành lý, theo qui định không sai chạy một ly. Các hảng hàng không khác thì không thấy, riêng hàng không Việt Nam thì qui định hành lý xách tay là kích cỡ của một cái khung (hộp) khối chữ nhật. Lớn hơn là bị chận lại không cho qua – đi qua theo một lối khác, và rồi cũng “lọt”, vẫn cho đi.
Một người cùng đi chung khá lanh lợi, lão luyện. Anh đã đi máy bay hà rằm, đi khắp các hảng Airline quốc tế, với cái va ly kéo, gọn, vừa, là hành lý xách tay anh đi khắp các nơi không bị chận. Khi qua ngõ Việt Nam là anh bị chận lại không cho qua.
- Hành lý này quá cỡ qui định, phải được ký gởi. Một anh nhân viên Việt Nam Airline phán rất là rõ. Mọi người lần lượt qua đi, anh ở lại, được mời qua một quầy khác chờ lệnh.
Anh cự nự, anh phản đối, anh nói đã đi nhiều hảng hàng không, không bao giờ bị rắc rối như vậy, cũng với cái va ly xách tay này. Hàng không Việt Nam lại qui định khó khăn thế?
Mặc cho anh phân trần phản đối (thái độ không xin xỏ, năn nỉ), người nhân viên vẫn lạnh lùng: Yêu cầu anh cho kiện hành lý qua phòng bên chờ giải quyết. Một vài anh khác đồng cảnh cũng theo anh.
Sau đó, trước giờ phi cơ cất cánh, các anh cũng có mặt để cùng đi. Hỏi ra, mỗi người mất 10 đô la – không phải đóng phạt sai qui định, mà là tiền phải quấy và thông cảm. Các anh thông cảm hay hàng không Việt Nam thông cảm thì không rõ.
Đoàn người lần lượt lên cửa phi cơ. Tại mỗi cửa bên lối đi, các cô tiếp viên mặc áo dài đỏ thẫm đứng để soát vé và hướng dẫn. Vẫn gương mặt điềm tĩnh, uy nghiêm không có nụ cười. Các tiếp viên làm việc như người máy. Đúng ra, các “người máy” thỉnh thoảng cũng cười, nhưng cười với mấy người khác như: Mỹ, Đại hàn, Mã lai, Nhật…
Một anh bạn Việt kiều Mỹ, lịch lãm, tỏ ta đây là kẻ “ga lăng” cầm chiếc vé vừa đưa vừa nhoẻn miệng cười - cười cầu duyên? – Anh thất vọng, ngẩn tò te vì bộ mặt (khả ái) khá nghiêm nghị, không cười, chỉ hất hàm: ông đi theo lối này. Anh tức, thốt một câu (có lẽ) chỉ có mình tôi đi sau nghe: Địt mẹ.. chảnh.
Khá chật vật giữa hai hàng ghế, tôi tìm số ghế cho mình. Và cũng vất vả để đưa, nhét túi hành lý vào một khoang hộc trên một bệ cao.
- Bác bỏ hành lý nhanh lên, bao người đang chờ. Một cô tiếp viên vừa nói và cũng giúp tôi giữ cái hộc cho khỏi bật lên.
- Cám ơn cô. Cô yên lặng bỏ đi.
Ngồi vào ghế, yên vị, tôi cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng. Khỏe cái thân khi vừa trải qua những giây phút chật vật. Những người khác còn đang tiếp tục chen chúc, bận rộn. Tôi có cơ hội ngắm nhìn, quan sát mấy “cô nàng”.
Tiếp viên Việt Nam Airline cũng trẻ đẹp – đây là điều hẵng nhiên, đâu cũng thế. Chiếc áo dài màu đỏ thẫm cũng làm nỗi bật giữa mọi người. Huy hiệu là hình đóa hoa sen (chỉ với đường nét đơn điệu). Hoa sen tượng trưng cho tinh khiết, thanh nhã. Một hình ảnh mà từ xưa nay ở Việt Nam ta là tượng trưng cho Phật giáo. Bây giờ, có thêm hàng không Việt Nam dùng hình ảnh hoa sen, có lẽ cũng là nói lên trong sạch thanh cao. “Trong đồng gì đẹp bằng sen…” Bài học thuộc lòng cho bất cứ ai… mãi đến bây giờ, tôi vẫn không quên. Nhìn đóa sen, tôi y như rằng (phải) nhớ đến quê hương, vì quê tôi là… Đồng Tháp.
Ngày trước - trước 1975. Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Airline của Nam Việt Nam là áo dài xanh (xanh lá cây) và con rồng vàng trên ve cổ áo. Cũng tha thướt, cũng duyên dáng, và nhìn cũng nổi chẳng thua gì hình ảnh của bây giờ. Màu xanh của dịu dàng tươi thắm, màu xanh của thanh bình, yên vui, dầu rằng quê hương đất nước đang thời loạn lạc chiến tranh. Và con rồng vàng nho nhỏ hai bên ve cổ áo dài đã là nổi bật. Đẹp… đẹp làm sao! Vậy mà yểu mệnh. Bây giờ, nhớ lại, chỉ còn là hình ảnh và nét đẹp của một thời.
Hôm nay, chiếc áo dài màu đỏ thẫm với đóa sen. Hai hình ảnh với hai màu sắc khá là tương phản, nó đang hiện diện đi khắp nơi khắp chốn giữa thời bình. Ôi! dẫu gì cũng là vẻ đẹp. Tôi hân hoan mong tìm nét đẹp, nét duyên dáng của các Airline Stewardess của đất nước quê hương mình.
Sắp tới giờ phi cơ cất cánh, các tiếp viên đều chỉnh tề từng vị trí trong việc phục vụ, lưu ý, nhắc nhở các hành khách trên tàu. Cô tiếp viên ngồi trước mặt chúng tôi trông khả ái lắm. Nàng đẹp, nàng trẻ, nàng cũng duyên qua chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Có điều ra vẻ khá nghiêm trang, nghiêm nghị. Vẻ mặt trang trọng, không có nét cười, nàng ngồi vào ghế ở một mé cửa (qua lại) cài thắt dây an toàn, đăm chiêu nhìn thẳng về phía mọi người. Ước gì nàng tươi vui lên thì đẹp và tạo cảm tình biết mấy.
Tự dưng tôi liên nghĩ đến vẻ nghiêm trang của người Cộng sản – đúng ra là nghiêm nghị - Mấy anh Cộng sản lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trọng trước mọi vấn đề. Và vì thế mà tư cách lúc nào cũng cố tỏ ra là nghiêm nghị. Nghiêm nghị để cho người ta nể vì? Thường là như vậy, và đã trở thành cái thói, cái tật trước mọi vấn đề, trước bất kỳ ai. Nghiêm nghị cũng để chứng tỏ là “ta đây” hay lắm, giỏi lắm, quan trọng lắm, trước những cái mà cảm thấy là mình còn dở, còn dốt. (Việc này, nếu có dịp sẽ phân tích, nói đến, khá dài dòng).
Âm thanh cũng được phát ra dặn dò (theo qui tắc) những gì cần giữ, cần làm, cần tuân theo khi trên phi cơ. Sau đó thì… ai nấy bình thường.
Máy bay boing 737, loại trung bình, có thể chở trên 300 hành khách, nhưng hôm nay, chuyến từ Taipei về Sài gòn hành khách độ khoảng phân nữa. Đa số chỗ ngồi còn trống.
Hàng không Việt Nam, đường bay quốc tế, bình thường nghe nói cũng ít người đi vì sức cạnh tranh còn thua kém. Ngoại trừ đường bay quốc nội thì tha hồ độc quyền. Thời gian này, kinh tế khó khăn, hành khách lại càng ít. Vì thế, hôm nay rộng, càng thoải mái. Có một số ngã ghế thay vì ngồi lại nằm. Các tiếp viên cũng không nói gì.
Đa số hành khách là Việt kiều – Việt kiều Đài Loan và Việt kiều Mỹ - Những người Việt Nam xa quê hương đất nước, gặp nhau cũng cảm thấy vui. Ngồi bên nhau làm quen và bắt chuyện thăm hỏi thân mật.
Riêng các tiếp viên thì hầu như đa số (đối với hành khách đồng hương) vẫn có khoảng cách. Nếu có gì thì hỏi, được trả lời, và rồi… hết chuyện.
Bao nhiêu năm xa cách quê hương, bao nhiêu năm xa vắng người cùng một nước, những tưởng gặp nhau là tình cảm dạt dào, là cởi mở, là săn đón, là thiết thân, là trao nhau những thân thiện chân tình… Nhưng mà không khí (thân quen) cảm thông nhau đang như có gì giữ ý, giữ kẻ và gượng gạo.
Máy bay cất cánh, an toàn, hướng về phía Nam, bay về mảnh đất hình cong chữ S quê nhà. Lòng tôi cảm thấy nôn nao rạo rực.
Thời gian chờ đợi, cũng là cơ hội để làm quen và nói chuyện cùng nhau. Anh chị, cô cậu xa nhà bao lâu? Có thường về Việt Nam không? Quê hương mình bây giờ ra sao so với trước? Không khí trong khung cảnh chật của con tàu cũng cởi mở vui vui. Các tiếp viên vẫn qua lại, lui tới, gương mặt vẫn bình thản ít nói, ít cười. Đa số là dân Bắc.
Một anh (cũng là Việt kiều Mỹ) muốn làm quen, gợi chuyện:
- Cô ơi, miền Bắc bây giờ so với miền Nam phát triển lắm không cô? Nơi đâu là vui đẹp nhất?
- Ông về đi thì biết. Bây giờ, ở đâu cũng đẹp, cũng phát triển nhiều so với trước.
- Cô vào làm việc đã lâu chưa cô? Và xin lỗi, tôi hơi tò mò, xin vào làm tiếp viên hàng không có khó lắm không cô? Một bà ngồi kế bên hỏi.
- Cũng không khó lắm đâu bác ạ, nhưng cần có sự quen biết giới thiệu. Cũng cần khá ngoại hình và ngoại ngữ. Cháu mới vào làm việc cho hàng không được 2 năm.
Cũng có cởi mở chuyện trò đấy! Người con gái quê hương! Tôi nghe mà thấy mừng thầm.
Một cô già hơn (có lẻ là “sếp”) vừa đi tới:
- Loan, đi lo công việc, không phải tiếp xúc lắm thế. Giọng chua như giấm.
Cô tiếp viên Loan lịch sự chào và đi. Tôi nhìn theo có phần tiếc nuối. Câu hỏi lởn vởn trong đầu. Đồng hương gặp nhau mà sao không cần thì giờ để cùng nhau chia sẻ - một ít phút cùng thăm hỏi chuyện trò?
Tôi đi lavatory, đứng vào hàng get line chờ đợi. Thời gian chờ khoảng 10 phút, tôi chứng kiến chính cô nàng vừa ra lệnh: “đi lo công việc, không phải tiếp xúc nhiều” lại đang búa xua nói chuyện với với một ông hành khách Đại Hàn và một thanh niên Mỹ. Nói cởi mở, nói không thấy dứt.
Có chăng là mặc cảm hay kỳ thị? Lại một câu hỏi. Hỏi thầm.
Một anh bạn, qua kinh nghiệm đã nói: Các tiếp viên hàng không Việt Nam hách cũng có mà mặc cảm cũng có. Hách vì nghĩ ta đây hơn người. Tiếp viên ở trên mây, trên trời mà! Mấy ai được vậy? Và cũng mặc cảm (tự ti) đối với Việt kiều – đa số là thành phần (cả con cháu) trước đây là thua cuộc, chẳng ra gì, bây giờ là làm nên danh phận. Những thành đạt này, so với dân Bắc (Xã hội chủ nghĩa) họ kém thua xa – xa mọi mặt - Tiếp xúc với Việt kiều, dẫu sao cũng thấy ngỡ ngàng. Khó mà vênh váo. Khó mà kênh kiệu.
Tôi nhớ trước đây - thời gian sau 1975 – cũng có gặp, có tiếp xúc dân Bắc vào Nam. Đi đâu cũng nghe lời khoe khoang, khoác lác, kênh kiệu là hay, là giỏi, là hơn hẳn mọi người. Giọng điệu tự hào, cao ngạo một cách mù quáng, trơ trẽn không biết ngượng. Chả lẽ bây giờ, sau hơn 30 năm, đám con cháu của hạng “đỉnh cao trí tuệ” này, trong tư duy lại chưa có gì thay đổi?
Tránh. Không nên tiếp xúc chuyện trò thân mật với Việt kiều về nước với mục đích, lý do gì? Sợ biết sự thật? Sợ tuyên truyền? Sợ diễn biến hòa bình? Hay sợ có được học hỏi để mở mang tầm nhìn và kiến thức?
Loài đà điểu có cái tính trời cho gặp bất trắc là chui đầu vào cát, không còn biết và thấy chi hết để chứng tỏ là mình khôn khéo, an toàn?
Sài gòn khói, Sài gòn bụi, và Sài gòn lái xe loạn xà ngầu.
Quê hương ta đây rồi! Chiếc máy bay nghiêng cánh, lướt một khoảng rộng qua vùng Cát Lái, Thủ Thiêm, Hóc Môn, Gò Vấp… và hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Những phút giây ngắn ngủi, những hình ảnh lướt nhanh san sát qua ô cửa phi cơ. Nhìn mà nôn nao, nhìn mà rơi nước mắt.
Hình ảnh của quê hương mến yêu. Dù rằng bây giờ đã thay đổi, dù rằng hôm nay đã lạ lùng. Nếu không có một vài hình ảnh của thiên nhiên: con sông uốn lượn, ngọn núi, thế đồi,… tôi có thể lầm tưởng đến một vùng nào xa lạ. Rõ là Sài gòn đã thay đổi, thay đổi quá nhiều.
Ba mươi lăm năm, một đất nước thay chủ đổi ngôi. 35 năm, một quảng đời mất mát, và 35 năm Sài gòn biến dạng không ngừng…
Sau hơn một giờ làm thủ tục nhập cảnh, một hình thức kiểm tra và kiểm soát cũng khá là bề bộn nhiêu khê của hải quan. Người người thì đông, như dòng nước lũ tuông đổ vì cùng một lúc có 3 chuyến bay hạ cánh. Hơn 10 hàng get line chờ đợi - chờ đợi mỗi dãy một hàng dài. Vậy mà những “con rùa” hải quan vẫn dậm chân đều bước. Thủ tục giấy tờ cũng khá kỹ không thua gì Hoa Kỳ xét tra khủng bố.
Từ vài năm gần đây, người ta nói hải quan tại Tân Sơn Nhất của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thay đổi và tiến bộ, không có vòi vĩnh tiền bạc, không hạch sách tra vấn khó khăn. Có lẽ cũng là tiến bộ thật, vì tôi không thấy ai đúc lót tiền. Nhưng chắc chỉ một phần. Dù sao đã có tiến bộ là mừng.
Hai vợ chồng Việt kiều Mỹ trình giấy trước tôi (cách 5 người), tự nãy giờ (hơn 20 phút) vẫn chưa xong. Nhân viên Công an hải quan hết lật cái này, xem cái khác, hỏi han mọi lẽ kể cả điện thoại liên lạc đâu đó. Mọi người chờ mà sốt ruột. Sau cùng, bà vợ được cho qua và ông chồng đi theo một Công an về hướng khác.
Thật ái ngại vô cùng. Kiểm soát kiểu này tôi cũng cảm thấy lo. Bao nhiêu năm viết lách tầm phào, không biết mình có phải lọt vào “tầm ngắm”?
Tiếp tục người kế tiếp 1, 2, 3, 4, 5. Cũng may là tốc độ nhanh hơn. Tới tôi. Cảm thấy hơi lo, hồi hộp.
Lật, xem giấy tờ, ghi chép, đánh vào computer, nhìn mặt mũi và hỏi han đôi lời. Mọi thứ đều suông sẻ. Vẫn nét mặt nghiêm trang. Ước gì có nét tươi vui cho người đối diện đỡ khổ.
- OK, về quê hương vui vẻ. Hú hồn, mô Phật! Tôi cám ơn và lẹ làng xếp giấy tờ cho vào túi, quảy túi xách đi ra.
Sài gòn khá là nóng. Vả lại, từ vùng xứ lạnh đi về, cái nóng của Sài gòn lại cảm thấy nóng thêm. Chiếc taxi rời khỏi phi trường chở tôi đi một vòng (theo yêu cầu) để tôi nhìn ngắm Sài gòn ngày trở lại.
Quả là đông, so với trước thì có thể nói là gấp đôi, gấp ba nhân số. Sài gòn phát triển? Có phát triển thật sự với những dãy nhà cao tầng san sát, rải rác từng khu, từng vùng, bung rộng ngoại thành theo lối kiến trúc nhiều kiểu đẹp đẽ, lộng lẫy. Tuy nhiên, bên cạnh và ngay bên dưới những cái nguy nga, lộng lẫy, đồ sộ, vẫn còn không ít những căn nhà sập xệ, những “ổ chuột” bên kênh rạch dòng nước đen ngòm.
Còn đâu là “hòn ngọc viễn đông” của thời xưa cũ! Còn đâu dáng dấp những tà áo phất phơ bay dưới những hàng sao, hàng me tàng cao râm mát khi gió về từng đám lá rụng rơi lả tả. Sài gòn bao đời thật sự không có mùa thu lá vàng (vì ở vùng nhiệt đới), nhưng vẫn lá rơi ngập đường, vươn vải, lất phất - một hình ảnh đẹp như thơ. Sài gòn thoáng, mát, không nồng nặc, oi bức như bây giờ. Qua các đường phố, đường nào cũng vậy, có nhiều đường trở thành đại lộ khang trang và đẹp - như một đoạn của Nguyễn thị Minh Khai (cái tên của chế độ tô vẽ tự hào) thay thế Hồng Thập Tự - vẫn còn rất nhiều đường nhỏ và quá là chật. Và đâu đâu đều tấp nập xe đủ loại, nhiều nhất gắn máy hai bánh. Không thấy bóng dáng chiếc xích lô - một hình ảnh đặc trưng, thanh lịch giờ đã không còn – Sài gòn lái xe, mạnh ai nấy chạy, nấy lao, lách, rất đúng nghĩa là “loạn xà ngầu”, thấy mà thót tim, chóng mặt. Vậy mà cũng ít gây tai nạn. Hai xe chạy vun vút, cảm tưởng như có thể đâm vào nhau, khi tới gần thì rất nhanh cả hai đều “lách”, lách sang hướng nào lách được là cứ lách, cứ đi.
Xe cộ hầu như chạy không theo luật lệ thông thường mà theo lối phản ứng tự nhiên, theo phản xạ. Phải chăng nhờ vậy mà tránh được tai nạn? Người ta nói, lỡ khi có tai nạn thì cự, cãi, mạnh được yếu thua?
Lâu lâu mới thấy vài chú cảnh sát giao thông. Lượng xe chạy đông và “loạn” như vầy, nếu ở Mỹ, chắc phải hằng trăm cảnh sát giao thông cho mỗi khoảng đường. Sài gòn, còn thiếu kém, thì làm sao có đủ? Người ta (cũng nói) cảnh sát giao thông đứng là đứng cho có vẻ, phạt thì cũng phạt, nhưng phạt để “làm tiền”?
Sài gòn bụi? Bụi thì khỏi phải nói. Các công trình gọi là thi công làm đường đầy dẫy khắp nơi và không bao giờ dứt. Đa số dân đi xe đều bịt khẩu trang đủ thứ, đủ kiểu. Người giàu thì khẩu trang đẹp, người khá, khẩu trang bình thường. Người không khá thì khăn trùm cả mặt, cột túm phía sau, chỉ chừa hai con mắt đeo kính râm giống như điệp viên.
Hòa chung với bụi là khói, khói từ hàng ngàn ống “pô” tự do mà phun, mà xả. Xin đừng cho là nói xấu, xuyên tạc, có ác ý. Những hình ảnh trên internet nói về Sài gòn đã được thấy nhiều. Bây giờ có dịp về, chứng kiến thấy đúng là như vậy.
Thật ra, vài tiếng đồng hồ dạo quanh Sài gòn của ngày đầu trở về, tôi chưa dám nói và chưa có cảm nhận đúng về khói và bụi. Nhưng qua tuần thứ hai, có hai ngày dạo chơi Sài gòn, tôi cùng mấy đứa cháu, cũng như anh bạn chở đi nhiều nơi, càng thấy rõ, và chứng kiến khá đủ về Sài gòn. Một thành phố bây giờ đã đổi khác. Cũng đúng thôi, vì Sài gòn bây giờ là thành phố Hồ chí Minh, phải được “thay đổi” theo đúng cung cách danh xưng của nó.
Muốn tránh, muốn thoát (ngột ngạt), họa chăng nên vào một quán cà phê đâu đó. Cà phê giải khát và ăn uống khắp nơi. Vào quán cà phê thì… mát hơn và đỡ bụi.
Vườn sinh thái miền Tây, và cà phê võng.
Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ruộng lúa phì nhiêu còn có những vùng với vườn cây ăn trái. Dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu đa số là vườn. Hầu hết các loại cây ăn trái và hoa kiễng là ở vùng này. Tỉnh nào cũng có, quận huyện nào cũng có nhiều loại cây trái nổi tiếng, đặc trưng khắp bốn mùa, mùa nào loại đó. Bây giờ, bà con mình lợi dụng “du lịch” để phát triển đời sống có khá hơn.
Đi đâu cũng là vườn. Vườn với 5, 10, 15, 20 mẫu. Cũng có vườn với một vài công, và cũng thấy vườn với một khoảnh đất nhỏ cạnh bên nhà. Người ta trồng nhãn, xoài, quít, cam, bưởi, sầu riêng, mận, thanh long, chôm chôm, măng cụt… Trồng cây truyền thống và cả cây nhập từ ngoài.
Một mãnh đất nhỏ, đầu thừa đuôi thẹo, trước chẳng để làm gì, thì bây giờ là đầy hoa kiễng. Có thể đúng với câu “tấc đất tấc vàng”.
- Kế hoạch do nhờ chế độ mà nên chăng? Một đất nước giàu đẹp nhờ ơn… Tôi đặt câu hỏi và bỏ lỡ một phần với hai anh bạn khá thân, sau 50 năm gặp lại trong một bàn tiệc dưới một gốc xoài trái oằn sai.
- Anh bạn thứ nhất: Cũng có thể là đúng. Nhờ chế độ (khốn khổ) nên gia đình tao gom góp có được bao nhiêu đất để ráng làm ruộng làm vườn, và bây giờ có ăn, có xài, có cả dư lo cho con đi học. Cũng giống như nhờ cải tạo lâu năm, mà mầy mới được đi Mỹ, khá ra.
- Thằng bạn thứ hai (bỏ dở thi tú tài, theo cách mạng vào bưng, là cán bộ có chút lương tâm, về hưu vui thú cùng hoa kiễng): Không phải là nhờ, mà rút kinh nghiệm từ bao nỗi cùng cực, người ta đã cố vươn lên.
Hai câu trả lời, chẳng đâu vào đâu, càng thêm khó hiểu. Thôi bỏ qua những chuyện “tào lao”, mình uống cho vui, mừng ngày gặp lại.
Năm mươi năm xa cách, mỗi đứa một con đường. Hồi đó là rất thân, bây giờ còn sống, còn gặp lại, mừng uống với nhau hớp rượu dưới tàng cây quê nhà, quả là điều diễm phúc. Hơn hai giờ nơi vườn cây khá là mát, một cuộc hội ngộ tuyệt vời.
Vườn cây sinh thái! Khung cảnh đại để như vậy được gọi là khu vườn sinh thái. Nhà nhà có được một miếng vườn thoáng mát, có cây ăn trái sum xuê, là tạo nên một miếng “vườn sinh thái” để mời gọi khách đến viếng, đến chơi. Mà thường là khách từ xa – dân du lịch.
Trong cái nóng của mùa khô, trong cái mịt mùng bụi, khói và quá ồn ào nơi đô thị, nhiều người, nếu có thời gian rãnh, muốn đi chơi, muốn giải trí, muốn thoải mái thanh thản là rủ nhau đi về vùng sinh thái - đầy dẫy khắp miền Tây. Nơi đây, muốn nhậu, muốn thưởng thức thức ăn vườn hoặc chợ đều có. Rượu mạnh, rượu yếu, nước mắt quê hương hay nước cất xứ ngoài cũng không thiếu. Vườn sinh thái, tùy nơi, có thể cung cấp và phục vụ mọi thứ ăn chơi.
Vườn sinh thái được cọng thêm “cà phe võng”. Chiếc võng đong đưa, chiếc võng ngồi đâu đít đưa con, đưa em, đưa cháu của thời thuở xa xưa đã đi vào tình tự bao đời, vào câu hò, câu thơ, vào lời ca tiếng nhạc.
Nếu đã như vây, vẫn là văn hóa tốt. Bây giờ chiếc võng được dùng trong quán cà phê, nơi vườn sinh thái. Chiếc võng để nằm ngồi đong đưa qua làn gió mát, để chuyện trò, để thưởng thức cái êm ả của miền quê. Và cũng có thể, chiếc võng để đôi tình nhân nằm kề nhau tâm sự. Vừa nói, vừa ăn, vừa trao nhau yêu thương nồng ấm trong những chòi lá không có vách che, mái lá (hoặc đưng, tranh, lác) buông phủ vừa đủ để che chắn gió tạt, mưa sa, tầm nhìn soi mói.
Vườn sinh thái có hết, vừa phục vụ, cung phụng (theo nhu cầu), và cũng là cách kiếm tiền để nâng cao mực sống. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kênh rạch miền Tây từ lâu nỗi tiếng là khoang hòa, hiếu khách, là mời gọi, thì bây giờ tư thế vẫn hơn. Người ta từ khắp các nơi - cả các nước - vẫn đến vui chơi tấp nập.
Cám ơn những giọt phù sa mầu mỡ, cám ơn từng cơn lũ tràn bờ, đem đến cho miền Tây đất đai trù phú. Và hôm nay, bao vườn sinh thái xinh tươi đang góp phần nuôi sống người dân quê hương tôi.
Những căn nhà nghỉ
Người người đến, cũng cần nơi ở và nghỉ. Những dãy nhà gọi là “khu nhà trọ” được xây dựng khắp nơi. Đây là những “khách sạn” miệt vườn, cũng đầy đủ tiện nghi – tùy theo nơi chỗ và cách trưng bày. Bốn mươi, năm mươi, sáu, bẩy mươi ngàn cho một ngày đêm. Thậm chí phòng nghỉ vẫn phục vụ cho khách chỉ cần một vài giờ nghỉ ngơi, thư giản.
Ai là khách trọ? Đủ hạng, đủ thành phần: già trẻ, bé lớn, trai gái. Lữ khách đường xa về miền Tây hôm nay tha hồ đi, tha hồ chơi, tha hồ thưởng thức hương vị ruộng đồng. Khách say, khách xỉn, khách quá chén, khách lỡ đường sẽ không còn sợ bơ vơ lạc lõng. Miễn là khách còn trong mình giữ được một ít đồ giá trị hoặc tiền.. Quê hương miền Tây, những con người hiếu khách sẽ phục vụ quí vị tới bến.
Không có ngôi nhà tranh nho nhỏ, không còn những chòi lá ven đường – có chăng là chòi tranh, chòi lá làm cảnh ở nhà hàng - Một vùng quê hương, đi qua không thể ai cho rằng có người còn nghèo, còn khổ.
Tôi cầm cái máy ảnh (loại bỏ túi) đi tìm chụp mấy cây cầu tre, cầu khỉ, những căn nhà lá ven sông để ghi lại hình ảnh ngày xưa. Đứa cháu (chạy xe ôm đi cùng) nói: - Bây giờ cậu đi tìm mấy thứ đó là khó lắm đấy. Đâu đâu cũng là nhà ngói, nhà gạch, tệ lắm cũng nhà tole. Cầu khỉ, cầu tre làm gì còn nữa. Mọi vật đã đổi thay rồi. Không hẵng là người ta hết nghèo khổ, vả lại còn nhiều, nhưng mấy cái nhà lá, nhà tranh không được phép tồn tại, dù vẫn có người nghèo đến mức ăn hôm nay, ngày mai chưa biết lấy gì ăn. Đau bệnh không có tiền mua thuốc. Có nhiều người như vậy, nhưng họ vẫn ở nơi nhà ngói, nhà tole. Nhà do chế độ ban phát trong từng khu dân sinh. Nhà do đồng tiền nhận lãnh từ qui hoạch, từ giải tỏa được bồi thường. Từ chính sách và đường lối “đô thị hóa nông thôn”. Từ những sáng kiến “đem đất đổi vàng”, làm giàu ba năm, năm năm, rồi sau đó làm kẻ ở nhà cao cửa rộng mà không có gạo nấu.
Một đất nước tự hào là dân giàu, dân ấm no, hạnh phúc? Một quê làng không còn nhà tranh, nhà lá, nhà lụp xụp, thì ai dám bảo người dân vẫn còn nghèo? Ruộng đồng thẳng tắp lúa vàng, vườn cây sai quả tốt tươi. Bảo sao quê hương không vươn lên phát triển?
Thằng cháu chở tôi đi thăm một gia đình nghèo. Nó bảo: nếu muốn tìm hiểu, muốn biết người nghèo thì tôi giới thiệu với cậu.
Trong một căn nhà gạch, mái tole, nền gạch bóng loáng, một bà cụ ngồi vo gạo, lựa từng hạt đất, hạt sạn…
- Chào cụ, cụ chuẩn bị nấu cơm chiều?
Bà nhướng cặp mắt đổ ghèn, tèm lem, nhỏ xíu: - Mấy cậu là ai?
Thằng cháu vội vàng: - Khỏe không bà Bảy? Cháu là thằng Cam, bạn của anh Thân ghé thăm cụ. Và đây là câu Út từ xa về, có ý định đến thăm cụ.
- Ồ, thằng Cam, lâu quá con mới tới. Chào cậu! Đâu có cơm chiều, sáng giờ không có gạo, con Tư mới tìm đâu được ít lon đem về. Gạo ở đâu mà lộn đất nhiều quá, lượm không xuể, lại tôi cũng không thấy đường mà lựa.
Khoảng hai lon gạo trong cái nồi gan ướt nhẹp lẫn đất và thóc, có cả cứt chuột, cứt gián, bà cụ bỏ ra ngoài một số, trong nồi cũng còn nhiều. Bà cụ tiếp:
- Nó nói gạo người ta cho, gạo vét kho, đem về ăn đỡ.
Xoay quanh câu chuyện, được biết: Bà cụ có bốn người con: hai trai, hai gái. Ông nhà chết sau giải phóng - chết vì bệnh - một đứa gái lớn chết vì chiến tranh. Đứa kế lấy Đại Hàn theo chồng, biệt tích. Hai đứa con trai: một theo Việt cọng, một đi lính Việt Nam Cộng Hòa. Hoàn cảnh trớ trêu, tên theo Việt cộng là anh lớn, theo Việt cộng vì lý tưởng cách mạng do lời khuyên dụ. Gia đình nghèo làm thuê ở mướn, đi cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng con người. Có thành tích, nhiều chiến công, lên làm đến chức xã đội trưởng. Nhưng số phận không may, hy sinh trước ngày giải phóng.
Đứa em kế có học, hoảng sợ trước cái chết của người anh. Anh không đi cách mạng để giải phóng, để báo thù mà lại đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường hai năm, vừa lên thiếu úy thì cũng lại hy sinh, để lại một vợ, một con.
Sau giải phóng, bà được giúp đỡ chu cấp theo chính sách gia đình liệt sĩ, nhưng rồi lại bị thu hồi, tước mất mọi quyền lợi vì có đứa con là sĩ quan ngụy. Đặc ân cho bà còn được giữ lại ngôi nhà “tình nghĩa”. Đứa con dâu, lòng dạ sắc son chung thủy, ở vậy thờ chồng, nuôi mẹ chồng và con. Hoàn cảnh đơn chiếc khó khăn, từ hơn mười năm nay, cuộc sống chạy ăn từng bữa.
Một chuyện thương tâm, cảm động. Một hoàn cảnh quá éo le, và cũng là đặc biệt. Tôi cảm thấy thương bà, thương cho hoàn cảnh. Tôi cho bà 500 ngàn đồng. Bà thật bất ngờ, không tin là sự thật. Bà rơi lệ, cám ơn mà nói chẳng thành lời. Bà chắp tay xá lạy, lạy Phật trời giúp gặp người nhân ái.
Quê hương làng mạc không có ngôi nhà lá, không có túp lều tranh, không có hình ảnh thôn xóm nghèo nàn. Lộ làng đều trải đá, tráng nhựa bằng phẳng. Sông sâu, kênh rạch tấp nập ghe tàu. Nhà nhà đều khang trang với điện đường giăng mắc. Vậy mà không thiếu những gia đình không có gạo ăn, phải ăn gạo mót, gạo đất cát, gạo cứt chuột. Quê hương tôi, vùng đồng bằng sông Cửu, lúa làm ra đem bán khắp năm châu. Vậy mà bà mẹ “liệt sĩ” nuôi con đi lính cụ Hồ, hy sinh vì cách mạng giải phóng quê hương, ngày ngày chờ từng hạt gạo đổ, chờ từng cuộc lạc quyên bố thí để được sống qua ngày.
Ai có thể nhìn thấy được thảm cảnh? Nếu không chịu khó đi sâu vào đời sống người dân nơi từng ngỏ ngách?
Thăm “đảo Đài Loan, Hàn Quốc”.
Hai làng Tân Lộc (Tân Lộc đông và Tân Lộc tây) là một dãy cù lao nằm trên sông Hậu, giữa hai huyện Thốt Nốt (Hậu giang) và Lai Vung (Đồng Tháp), từ lâu nổi tiếng là “đất lành chim đậu”, vì là vùng trù phú nước bạc phù sa. Người ta đến đây khai khẩn lập nghiệp tự bao đời (hàng trăm năm) khá là phát triển. Nguồn lợi chủ yếu là làm rẫy, làm ruộng, làm vườn và giăng bắt tôm cá.
Thời chiến tranh chống Pháp, nơi đây cũng là nơi đùm bọc che chở những người con yêu nước. Cho đến những năm tháng về sau (thập niêm 1940-50) quốc cộng chiến tranh, vẫn thường là nơi cho người dân từ Lai Vung hoặc Thốt Nốt, Ô Môn qua đấy mà tạm thời lánh nạn tản cư.
Thuở nhỏ (1950), cũng đã đôi ba lần, tôi cùng gia đình đến cù lao Tân Lộc để tản cư vài tuần lễ, một tháng thì về. Thuở là học sinh, tôi vẫn thích qua cù lao Tân Lộc. Thật thú vị vô cùng được qua đấy vui chơi, ăn trái cây (mận là chủ yếu), và xem lễ cúng đình (Tân Đông), đông và vui thì phải nói. Thời gian lớn lên, tôi ít có dịp về Tân Lộc. Và nhất là từ khi định cư xứ người, tôi chưa một lần về.
Bây giờ, cù lao Tân Lộc là một địa danh nổi tiếng - tiếng vang ra cả nước ngoài - người ta đặt cho là: hòn “đảo Đài Loan” của Việt Nam.
Nghe qua cũng thấy hãnh diện, mà suy nghĩ lại thấy đau lòng. Còn nếu đến thăm thì sao? Về quê hương lần này, tôi quyết đến thăm để tìm hiểu.
Bây giờ thì một số người (và gia đình) tôi có quen biết trước đây đã không còn, nếu có còn thì cũng tứ tán thất lạc. Tuy nhiên, có được cái may mắn là tôi tình cờ quen được một anh (bà con ruột với chị sui của người chị). Anh là con cháu sau này của làng Tân Lộc đông, làm ăn nên nổi, quen biết nhiều nên anh khá rành mọi sự. Chủ yếu của tôi là tìm thăm, và cũng để tìm hiểu một số gia đình có con gã chồng Đài Loan, Hàn Quốc.
Tôi được anh giới thiệu, có hai gia đình được đến thăm và tiếp xúc.
Gia đình thứ nhất: nhà khang trang, đẹp, rộng. Quanh vườn, cây ăn trái sum xuê nhiều thứ. Gia chủ khoảng trên dưới bảy mươi, tiếp khách lịch thiệp và niềm nỡ.
Chỉ là những cốc nước trà đạm bạc, nhưng câu chuyện khá thân tình. Người miền Tây thì tôi đã rõ, không cầu kỳ, không khách sáo, và nhất là thật lòng, thật dạ một khi được giới thiệu quen thân.
Anh cho biết, trước năm 1975 gia đình anh khá lắm. Vườn ruộng không nhiều nhưng nhờ buôn bán kinh doanh, năm đứa con (3 trai 2 gái) ăn học không phải lo lắng gì.
Thế nhưng, từ sau 1975 thì suy sụp. Qua một lần đổi tiền, một lần đánh tư sản, và qua thêm một lần vào hợp tác xã đưa tư liệu (máy móc) hợp tác làm ăn trong tập đoàn, gia đình anh trở nên trắng tay. Con cái lang bạt khắp nơi đi làm thuê ở mướn.
Sau, lại sanh thêm hai đứa gái. “Nhất con nhì của”, tại cái số nó vậy mình cũng chẳng đặng đừng. Nếu quan niệm cho rằng “trời sanh voi sanh cỏ”, nói là để an ủi, chứ thật tình nhiều khi hết cách. Voi cứ sanh mà cỏ ngày càng kiệt quệ.
Ngày hay tin đứa con gái áp út đi làm mướn ở Sài gòn sắp lấy chồng Đài Loan, tôi như người sa xuống vực. Đất trời sụp đổ, quay cuồng. Tôi không giận, mà đau – đau đớn vô cùng – Làm cha mẹ sinh ra con, để bây giờ con phải liều thân đi gánh vác. (Gả chồng Đài Loan chẳng khác nào đưa con đi cống sứ?) Nó nói nhận lấy chồng Đài Loan là để mong chút hy vọng có tiền lo trả nợ, lo cho gia đình. Dù muốn dù không, trước một sự việc như đã rồi. Tôi thì đang ốm đau, bất lực. Tôi muốn chết, nhưng làm sao mà chết, và chết có ý nghĩa gì? Vợ tôi, mấy đứa con, bà con khuyên giãi. Thôi thì đành.
Vận rủi lại là vận may, đứa con gặp phải một thằng chồng và gia đình không ác đức. Gia đình chồng nó (mẹ chồng chết) chỉ có 2 đứa con trai. Thằng này lớn tuổi, chết vợ, một đám con thiếu người chăm sóc, muốn thay đổi cuộc đời, tìm con gái Việt Nam để cưới. Về gia đình chồng cũng không khác gì đi ở đợ (ở đợ, luôn cả bán thân) đêm ngày cơ cực, nhưng được cái là chồng cho tiền gởi về giúp gia đình. Những đồng tiền của con: những giọt mồ hôi, nước mắt, những tiếng nấc tủi hờn, biết đâu có cả máu? Nó gởi về cho gia đình tôi giúp cơn túng quẩn nghèo ngặt.
Năm năm, mười năm, và bây giờ vợ chồng tôi như có hơi tiếp sức để gầy dựng lại cơ ngơi. Thoát đói, thoát chết và trở nên khắm khá…
Bao nhiêu đây cũng đủ cho tôi thấu hiểu được một hoàn cảnh. Tôi cám ơn nhiều và từ giả ông anh - một con người cần cảm thông, trân quí.
Gia đình thứ hai: Gặp mặt cả hai anh chị chủ nhà, còn trẻ, khoảng trên dưới sáu mươi. Anh chồng ra dáng khỏe mạnh - mạnh người, mạnh rượu.
Hai anh chị cũng mừng vui tiếp đãi. Không đãi trà mà rượu - rượu mạnh nước ngoài:
- Anh, Việt kiều về, uống rượu mạnh đúng hơn, phải hôn? Đừng từ chối, chẳng mấy khi mới gặp Việt kiều, mà nhất là Việt kiều Mỹ. Anh đon đả, anh tâng bốc, nhưng anh cũng thật lòng.
- Cám ơn anh chị nhiều, được anh chị đón tiếp đã là mừng lắm rồi. Nếu anh muốn rượu cũng được, nhưng về quê hương, rượu đế hoặc rượu thuốc (có lẽ) thích hơn. Nhưng xin phép, tôi chỉ uống cho có tình với gia đình anh chị, chứ thật lòng tôi uống không được nhiều.
- Vậy thì cũng được. Thôi thì mình dùng rượu thuốc, có sẵn trong nhà.
Hũ rượu thuốc được bà nhà bưng ra - rượu tắc kè ngâm thuốc bắc…
Nhất quá tam, sau ba cốc (uống ngọt sớt), rượu vào lời ra, anh chủ nhà tâm sự:
- Thú thật với anh, như anh Thanh (anh đi theo tôi) cũng biết, con gái tôi gả cho Đại Hàn là chính do tôi kiếm người môi giới. Gia đình sau bao năm làm ăn thất bại: anh nghĩ coi, ruộng thì không có đất, vườn thì chỉ vài công, trồng thứ gì cũng thất, cũng lỗ, buôn bán cũng không được, gia đình chỉ còn cách là phân tán đi làm mướn. Tôi thấy người ta, nhất là ở đây, cái xứ cù lao này, lấy chồng Đài Loan có tiền, cha mẹ ở nhà khá giả. Tôi có đứa con gái cũng mặn mà, lại học giỏi. Vừa tốt nghiệp lớp 12 là tôi lo kiếm chỗ để gả nước ngoài. Thử thời vận phải đánh liều. Mà đem con đánh liều, liều thân là cả một sự đau lòng. Có mối rồi (nhờ người quen lo giúp) tôi trăn trở, tôi nghĩ suy. Ba đêm liền tôi không ngủ được. Ai lại đi bắt con mình phải hy sinh. Mình là một thằng súc sanh vô đạo? Mối là một người Hàn quốc. Hàn quốc ác cũng ác, độc cũng độc không thua gì đám Đài Loan. Con mình lỡ số không may thì chắc tôi chỉ có chết.
Đêm thứ tư cũng không ngủ được. Tôi tiều tụy héo gầy, cặp mắt hốc hác chỏm lơ. Bà xã và đứa con gái tưởng tôi bệnh, lo lắng hỏi han.
- Ba không sao, vì lo lắng mà bị khó ngủ.
Con tôi là một đứa chí hiếu - hiếu để với cha mẹ và rất mực thương em. Ngoài việc học là lo đi làm thêm (mọi thứ công việc ai thuê mướn) để mà phụ giúp gia đình, lo cho các em.
Ăn cơm vừa xong, tôi chỉ ăn được một chén. Ngồi uống tách trà do đứa con mang tới, tôi nắm lấy tay con:
- Con ngồi xuống đây, ba muốn nói với con. Đứa con gái hơi tỏ vẻ ngạc nhiên, vâng lời ngồi xuống ghế. Tôi quỳ xuống, chắp tay hướng về con.
Tôi chưa xá, thì đứa con đâm hoảng, quỳ xuống mà đỡ lấy hai tay tôi. Mẹ nó cũng hoảng hốt không kém, chạy tới ôm tôi, đỡ dậy:
- Trời ơi! Ông làm gì vậy hở ông? Mặt bà tái nhợt, run rẩy.
- Ba muốn lạy con trước khi ba yêu cầu con một việc.
- Trời ơi! Việc gì? Ba làm con lo sợ quá. Cả mẹ và con đều tỏ ra run sợ. Ba đứa nhỏ đằng kia cũng đang lơ láo chẳng biết chuyện gì.
- Việc là… ba muốn con đi lấy chồng. (Lại càng chẳng ai hiểu gì cả, cả mẹ lẫn con.)
- Ba muốn con đi lấy chồng nước ngoài… người Hàn quốc…
Gia đình như đang cơn địa chấn. Đất trời sụp đổ, căn nhà chao đảo. Không một ai nói được thành lời. Tôi gục đầu đau đớn, thổn thức… Từng tiếng nấc, nghèn nghẹn trong lòng.
- Trời ơi! Bộ ông muốn giết con mình? Tại sao ông có ý nghĩ như thế? Bà xã vừa nói, vừa khóc – ôm mặt khóc.
Đứa con gái im lặng. Bầu không khí tiếp tục vẫn là lặng yên, mỗi người một vị thế: buồn bã, khổ đau…
Đứa con gái, sau khi dọn dẹp xong, hai đứa em đi coi ti vi ở bên xóm, một đứa học bài. Con gái đến bên tôi, cầm tay tôi mà nhỏ nhẹ:
- Ba nói phải đó ba. Con đồng ý, nếu có chỗ con sẽ xin đi lấy chồng người nước ngoài - lấy ai cũng được.
Bà nhà tôi thì cũng im lặng …miễn cưỡng. Tôi cảm thấy thương con đứt ruột. Một nỗi hối hận, xót xa.
- Người ta nói đời người có mạng số (ông tiếp). Số mạng gia đình tôi, số mạng con tôi… tôi là kẻ sắp bày – con người bất lực, con người đánh liều, và con người cũng phải nhận lãnh mọi trả giá.
Con tôi lấy chồng rồi, tôi như kẻ hóa điên. Và từ đó, tôi bắt đầu uống rượu - uống ngày, uống đêm, uống say, uống xỉn. Và tôi trở nên là kẻ bất trí, bất trị, bất kham. Chẳng ai thích, chẳng ai thương, và chẳng ai chịu nỗi. Ngoại trừ vợ và các con tôi. Nhiều lúc tôi cũng thấy tôi là thằng khốn nạn.
Con tôi có tiền gởi về. Tôi cũng không tìm biết là con sướng hay khổ, hạnh phúc hay bị đọa đày, miễn là con còn được sống. Đến nay, vừa đúng 5 năm, con tôi vẫn còn sống, có chồng có con và có 2 lần về thăm vợ chồng tôi. Con nói: ba má yên tâm, lo giữ gìn sức khỏe, lo nuôi dạy các em. Hy vọng gia đình mình sẽ hết cơ khổ…
Câu chuyện kể, cảm động, độc đáo và thú vị. Một người đàn ông còn khỏe mạnh, uống rượu không thấy say, cũng không tỏ vẻ gì là con người mất lý trí. Anh rất bình thường, khôn khéo, lịch thiệp. Tôi cũng uống theo anh - những giọt rượu nồng cay, lâng lâng nóng bừng chạy khắp cùng cơ thể. Cùng hòa chung chảy tràn trong cuộc sống, như uống từng giọt lệ cuộc đời.
Tôi hỏi: - Trước khi anh có ý định cho con đi lấy chồng nước ngoài, anh có tin tức, có biết gì về một số sự việc không may – mà được gọi là thảm cảnh - người con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan không?
- Có, tôi có biết, có nghe. Có nghe về chuyện cha Hùng (Công giáo) ở Đài Loan cứu giúp một số người con gái bất hạnh bị bạc đãi, bị đánh đập, hành hạ, và cả bị chết. Tôi có biết và nhiều bà con xã Tân Lộc này có biết – qua các đài nước ngoài. Tuy nhiên, có khổ mà cũng có sướng, có bất hạnh mà cũng có khá nhiều người sinh sống được, có tiền gởi về. May vẫn là nhiều hơn rủi. Bằng chứng hiện nay anh thấy đó, đa số nhà cửa khá giả, cuộc sống đỡ cơ cực, đỡ nghèo, là hầu hết các gia đình có con lấy chồng Đài Loan, Hàn quốc.
Một liều, ba bẩy cũng liều. Liều thân để may ra được thoát, được sống, còn hơn cứ phải đói, phải nghèo, rồi cũng chết. Biết chết mà cũng liều, và bây giờ trở nên khắm khá.
Uống cạn thêm một ly rượu nữa – ly rượu thuốc thứ mấy rồi tôi cũng không nhớ - bình rượu thuốc gần 2 lít cũng sắp cạn. Tôi cũng cảm thấy thấm và say. Say tình, say nghĩa, say sưa nghe câu chuyện kể, và cảm phục cho thứ lý luận không thể cho là sai: “Liều, liều mà may ra còn đỡ khổ, cuộc đời có khá hơn, còn cứ sợ, sợ chết, sợ khổ, mà cuộc đời vẫn không hề hết khổ”.
Cù lao Tân Lộc, được biết có khoảng trên 2.500 cô gái đi lấy chồng Đài Loan, Hàn quốc. Một vùng đất chỉ có hai làng mà số con gái đi lấy chồng ngoại là như thế. Nổi tiếng là phải.
Tôi không có thời giờ đi thăm nhiều hơn nữa, chỉ có thể đi qua và quan sát một số nhà hai bên đường, len lỏi theo từng con hẻm lớn nhỏ ngoằn ngoèo luồn lách. Nhà cửa có chỗ chen chúc, có chỗ thưa, rộng, nhưng hầu hết ít có ai nghèo. Cũng tiếc là không được đến gia đinh có con lấy chồng nước ngoài mà chẳng gặp may. Không biết có không?
Thật sự không phải ai cũng đều là may mắn. Những hoàn cảnh thương tâm vẫn có. Bao nhiêu nước mắt cũng đã tuông đổ vì cảnh mất con, vùi tăm, biệt tích. Dù vậy, vẫn cứ ước, cứ mơ. Vẫn cứ đi.
Người ta (theo thống kê) cho biết tỷ lệ bất hạnh là 15%. Những hoàn cảnh con gặp phải cảnh đọa đày, khổ ải đưa đến thương tâm chết chóc khoảng 3%. Dù tỷ lệ là bao nhiêu, nhưng mà là cả một nỗi đau thương, thảm cảnh cho quê hương đất nước mình. Từ xưa nay không bao giờ có. Cả thế giới cũng không.
Nơi hải ngoại, người ta cũng đã biết nhiều: Việt Nam là thảm cảnh - cảnh lấy chồng ngoại, cảnh xuất khẩu lao động. Chỉ vì đồng tiền, chỉ vì cuộc sống, mà bao con người Việt Nam bị hành hạ bạc đãi. Thân đi lao động, đi làm dâu, đâu là vinh sang? Đâu là hãnh diện? Những con người bị đối xử chẳng khác con vật. Thảm cảnh này, ai gây? Ai tạo? Không phải người cha nát rượu. Không phải những đứa con ham muốn, đua đòi.
Giã từ làng Tân Lộc, giã từ những gia đình có con gả nước ngoài, chia tay những kẻ làm cha mẹ yên hưởng nhờ con, tôi với tâm trạng bềnh bồng như lạc vào cõi mộng. Một vùng quê hương như không là thực - ốc đảo Đài Loan.
Vùng quê hương sau trên năm mươi năm, giờ trở dậy - một “Phù Đổng” vươn vai? Không có mái lá nghèo nàn, mái tranh lụp xụp. Không còn cảnh trên bờ, dưới lạch, từng bếp lửa nấu ăn, từng nhóm người tản cư lánh nạn của thời giặc giã chiến tranh xưa cũ.
Tân Lộc bây giờ, được mệnh danh là đảo ngọc, cù lao đô la, là niềm kiêu hãnh, là tự hào. Nhờ được “giải phóng” mà nên? Cũng đúng?
5/10.
Nguyên Dân.
Nguyên Dân.
No comments:
Post a Comment