Saturday, May 22, 2010

Văn học và chiến tranh xâm lược

Văn học và chiến tranh xâm lược

Trước năm 1975, văn học miền Bắc là một nền văn học đầy tiếng súng. Tất cả nỗ lực đều dồn vào chiến tranh và văn học trở thành những cổ võ cho mặt trận. Văn chương là để viết về những anh hùng và trong xã hôi ấy hình như có rất nhiều “anh hùng”, mà hành động của họ dường như chỉ thích hợp với những chuyện phong thần...
Sau năm 1975, chiến tranh vẫn còn âm hưởng nhưng văn học càng về sau thì nhiều đề tài xen kẽ hơn và đến thời đổi mới thì chủ đề ấy xem ra không còn vị trí độc tôn nữa. Ở thời kỳ kinh tế thị trường, những đề tài như tính dục hay bạo lưc xã hôi đen xem ra hấp dẫn hơn những hình tượng anh hùng nhàm chán của thời xa xưa.
Nhưng như vậy không phải là đường tự do, ai muốn đi đâu thì đi, mà vẫn có một con đường được tuyên huấn chỉ định. Tất cả phải đi vào lề bên phải và ai mon men ra khỏi phạm vi ấy thì sẽ bị biện pháp ngay. Có thể bằng biện pháp hành chánh, tịch thu sách, cấm viết trên các tờ báo hoặc nếu trầm trọng thì có thể bị tù đày, giam cứu…
Hiện nay, tình trạng Trung Quốc ức chế Việt Nam trên mọi phương diện, kể cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự đã thành bức xúc cho những người còn nghĩ đến tương lai của đất nước dân tộc. Thế mà, cả cái hội nhà văn và cả những đội ngũ trí thức của Đảng cứ câm miệng hến. Tôi đọc một bài viết của Nguyễn Hoàng Văn bàn phiếm về truyện trên mà vừa bật cười vừa buồn bã. ”Tiên sinh tại đào”:
“... Nhà thơ Bùi Minh Quốc thắc mắc tại sao ông Hữu Thỉnh và các nhà văn do ông quản lý vẫn chưa lên tiếng trong vấn đề Hoàng Sa –Trường Sa.
Hẳn nhà thơ Bùi Minh Quốc còn nhớ Hội Nhà Văn của cái thời sôi nổi năm 1999 khi khối NATO oanh tạc Belgrad để buộc Serbia phải rút quân ra khỏi Kosovo. Lúc đó dưới sự chỉ huy của cây sáo trưởng Ban Văn Hóa Tư Tưởng Trung Ương, hội phản đối rất nhịp nhàng, rất bài bản lớp lang và rất quyết liệt, quyết liệt đến độ có nhiều hôi viên đòi thành lập đoàn chí nguyện quân cho họ góp máu với Serbia. Trong đó, tiên sinh “thổi“ hăng nhất tôi nhớ không lầm là nhà thơ Nguyễn Duy.
Hôm nay thì khác, ban hợp xướng “Hướng về Trường Sa- Hoàng Sa” không dấy lên từ những cây sáo trưởng ở những ban bệ thiên đình mà từ những nhà thơ, nhà văn, những nhà báo tự do đơn độc “ ở ngoài xã hôi. Yêu nhân loại theo chỉ thị của hệ thống chính trị cầm quyền khác với yêu nước bằng trái tim đơn độc của mình nên, tới đây, có thể mượn đoạn kết một câu trong chuyện người thổi sáo : Thế là tiên sinh tại đào!...”
Có trường hợp, nhà văn không tại đào nhưng lại phạm… trường quy. Tập truyện ngắn Rồng Đá của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai bị thu hồi vì có truyện ngắn “động chạm” tới cuộc chiến ở biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1979 (“Chú Mìn Phủ và Tôi”) và hai truyện ngắn khác nữa liên quan tới cuộc chiến vừa qua với Hoa Ky (“Âm Bản Chiến Tranh” và “Vị Phồn Thực”). Tác giả truyện ngắn gây ra nông nỗi trên đã giãi bày:
“Truyện ngắn ”Chú Mìn Phủ và Tôi” đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979). Nó là một cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả hai dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra là cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được. Những thàm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm khốc liệt hơn cả những gì mà tôi mô tả. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử...”
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng có nhận xét khi trả lời cuộc phỏng vấn về hiện tượng cuốn sách này :
“Đứng ở góc độ tôi là một người đọc và là một người làm phê bình văn học thì tôi thấy đây là một cách viết mà nó tiếp tục thì mạch viết đã được khơi mở trong thời kỳ đổi mới tức là nói về chiến tranh một cách đầy đủ và toàn diện, nói về những cái đau thương mất mát những mặt tối mặt khuất để cho bức tranh hiện thực chiến tranh được sâu rộng hơn toàn diện hơn. Một mặt nữa các nhà văn viết về chiến tranh, viết về thân phận con người. Thì tôi thấy cái đó là cái bình thường thôi không có gì cả. Nhưng sự quy kết và đánh giá đây thì tôi thấy là hơi bất thường...”
Và Phạm Xuân Nguyên nói về cái “bất thường“ ấy: ”một cái nghịch lý là đứng về mặt chủ trương đường lối và những cái khác thì Việt Nam rất đề cao cái sự tự do dân chủ cho người viết đều khuyến khích người viết là khai thác hiện thực và ngay gần đây nhất là nghị quyết 23 của Đảng CSVN về văn học nghệ thuật cũng nói như vậy, nhưng đứng về mặt thực hành và đưa vào thực tế thì lại có những biểu hiện những hành động đi ngược lại...”
Cấm nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Hoa ở biên giới năm 1979 nhưng lại cho phổ biến một tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc là "Ma Chiến Hữu” của Mạc Ngôn? Đó có phải là sự xâm lăng của văn hóa Tàu hay không? Trong blogger Hải Phòng, Hà Hiền viết:
“đừng nói “Ma Chiến Hữu” chỉ là một tác phẩm văn học mà dễ dãi trong việc lưu hành. Đừng nói là sự kiểm duyệt chỉ có ở các chế độ độc tài. Đừng nói là người dịch chỉ biết đó là tác phẩm văn học thì dịch. Tư cách là người Việt Nam cần phải cao hơn tư cách của một dịch giả trong khi tiếp cận những vấn đề có thể đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc...”
“Ma Chiến Hữu” (nguyên tác Chiến Hữu Trùng Phùng) là một tiểu thuyết của Mạc Ngôn viết về những người lính Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược vào biên giới Việt Nam. Nhân vật chính là Tiền Anh Hào trong đội quân đi chinh phục bọn “man di” ở phương nam. Nghĩa của chữ “man di” cũng đủ nói lên cái tinh thần thực dân xâm lược của tác phẩm này. Mạc Ngôn mở đầu tiểu thuyết với sự hội ngộ giữa Triệu Kim, là tiểu đội phó trong thời chiến tranh và nay là một thượng úy, là người kể chuyện còn sống trên dương thế và Tiền Anh Hào một hồn ma là thượng sĩ của quân giải phóng Trung Quốc bị tử trận tai biên giới Việt Trung. Hai người là bạn thân với nhau từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo ở miền nam Trung Hoa, cùng nhập ngũ và ở chung một đơn vị, thậm chí cùng yêu một cô gái. Hiện tại, hai người một sống một chết đã giở lại những ngày tháng chiến tranh mà ở đó thân phận con người chứa nhiều bi thảm ngậm ngùi. Cái phong cách mơ hồ nửa ảo nửa thực tạo nên một không khí u uẩn tương tự những truyện của Bồ Tùng Linh, khi ma và người cùng chung và chia sẻ với nhau những nỗi niềm. Kẻ thành ma như Tiền Anh Hào thì u uất đã đành nhưng những kẻ còn sống như Triệu Kim thì cô độc buồn chán có lúc như người rồ dại. Hay như Quách Kim Khố, trở về sau chiến tranh, bất đắc chí, say sưa, đánh chửi vợ con, quậy phá xóm làng.
Nhân vật Tiền Anh Hào, là một khuôn mặt đặc biệt của đội quân giải phóng Trung Quốc, khi tập luyện là một chiến sĩ có khả năng tưởng sẽ là một người có tiền đồ quân sự lẫy lừng nhưng đã tử trận ở trân chiến đầu tiên. Mà nguyên nhân cái chết chỉ là sự hèn nhát của viên tiểu đội trưởng chết nhát đã chổng mông lên cao vì sợ nên lộ mục tiêu cho những khẩu pháo tác xạ. Có một chút mỉa mai vì nguyên do này. Mạc Ngôn đã khôi hài hóa sự hy sinh của một chiến hữu của ông ta chăng? Thế mà có một văn nô Việt Nam người biên tập cuốn sách đã cho rằng là một tác phẩm có “một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng”.
Thậm chí, văn nô Đông La trong báo CAND thành phố HCM đã cực lực bênh vực cho sự xuất bản một cuốn sách vong bản này với luận điệu sặc mùi công an và tuyên giáo phải đạo:
“rất tiếc, trong thời gian qua có một số người vì bức xúc về những vấn đề ngoài văn chương đã không đánh giá tác phẩm đúng như nó vốn có, chỉ chú trọng nghĩa đen của vài chi tiết vài đoạn văn mà chúng chỉ là công việc bếp núc của nhà văn nhắm vẽ ra những sinh hoạt của các nhân vật, đã không đánh giá tác phẩm dưới con mắt của nhà phê bình đọc ra được tư tưởng chủ đạo của tác giả nằm sâu dưới bề mặt của các con chữ như đã phân tích trên đây nên đã phê phán dữ dội tác phẩm rồi từ góc nhìn của cá nhân chưa suy xét thấu đáo mọi phương diện khi bàn về lĩnh vực rất nhạy cảm và tối quan trọng là ngoại giao, cái lãnh vực mà mỗi cử chỉ, lời nói và hành động dù nhỏ cũng có khi ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng vạn, hàng triệu người đến hạnh phúc của cả dân tộc.”
 Có một nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo đã viết thư cho Mạc Ngôn để đề cập và phê phán về những cái mà văn nô Đông La của báo CAND gọi là “công việc bếp núc” :
“Điều làm chúng tôi kinh ngạc là chính phủ Việt Nam trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt nam giết hại hàng vạn dân lành, phá hủy hàng chục thành phố, thị trấn, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà... đã cho phép nhà xuất bản Văn Học dịch và in cuốn ma Chiến Hữu của ông ca ngợi lính Trung Quốc xâm lăng là những anh hùng. Trong khi đó chỉ vì một truyện ngắn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đề cập đến cuộc chiến Trung-Việt in trong cuốn truyện Rồng Đá (Vũ Ngọc Tiến & Lê Mai) mà nhà xuất bản Đà Nẵng bị tạm đóng cửa, ban lãnh đạo nhà xuất bản này bị cách chức.
Thưa ông Mạc Ngôn, là công dân của một đất nước bị Trung Quốc xâm lược năm 1979 gây vô vàn tội ác với đồng bào tôi mà tôi đã chứng kiến tận mắt, chúng tôi cực lực lên án cuốn sách Ma Chiến Hữu của ông và lên án những ai đã tiếp tay ông phổ biến cuốn sách này trên đất nước Việt Nam. Ông vốn là một nhà văn nước ngoài được tìm đọc nhiều ở nước chúng tôi. Nhưng bằng cuốn Ma Chiến Hữu dường như bút danh dễ mến Mạc Ngôn của ông đang biến thành Nhân Ngôn rồi đó thưa ông”.
Nhân ngôn là một loại thuốc độc. Thế mà những văn nô đã làm thành vị thuốc cho văn học Việt Nam. In cuốn sách của Mạc Ngôn trong đúng dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến phi nghĩa lý có phải là cả hệ thống văn học ở trong nuơc bị chính trị chi phối để biến quốc gia Việt Nam thành một chư hầu.
Văn nô Đông La của báo CAND chống đỡ bằng cách mang chuyện ngoại giao ra đe dọa những người phản đối. Những hành vi khiếp nhược bán nước nhường đất nhường biển bị ức hiếp mà không hề dám có phản ứng. Bao nhiêu tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ trong lãnh hải của mình bởi hải quân Trung Quốc ngang ngược mà chế độ Cộng sản Việt Nam lặng thinh. Đã vậy còn tôn vinh những tên xâm lược như Hứa Thế Hữu là những thiên tài quân sự và còn mang vòng hoa tưởng niệm đến đài tử sĩ của quân xâm lược để bày tỏ lòng biết ơn về chính sách phá tận giết tuyệt của bọn Hồng quân Trung Hoa gây ra bao nhiêu tội ác chiến tranh cho dân tộc chúng ta. Thế mà người chủ tịch nước Việt Nam còn rêu rao trên thế giới là Cuba và Việt Nam luân phiên thức ngủ để canh chừng hòa bình thế giới. Thật là nhục nhã cho dân tộc Việt Nam với những đấng tiền nhân từng Bình Nguyên Phạt Tống gìn giữ cõi bờ.  

Nguyễn Mạnh Trinh


==============


Từ biển khơi, những nghi ngại cùng những điều xác tín

Xin kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bài viết này với tất cả tình cảm
quý trọng và lời chúc trường thọ, nhân kỷ niệm 56 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.



  • PSN - 10.5.10 | André Menras Hồ Cương Quyết
    Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2010/05/tu-bien-khoi-nhung-nghi-ngai-cung-nhung.html#more

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng ông André Menras nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh : Pháp Luật TP.HCM
Tôi viết những dòng này trong tâm trạng vô cùng bức xúc sau khi đã đọc qua các trang tin tức hàng ngày trên báo Việt Nam.

Hôm nay là kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng có một tin khác trên báo Tuổi trẻ: “Chiều 7-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã ký văn bản gửi Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Ngoại giao phản đối việc Trung Quốc vi phạm các điều ước quốc tế và những ứng xử trên biển Đông”.

Đồng thời yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện phương tiện và ngư dân Quảng Ngãi bị giam giữ từ trước tới nay, đặc biệt đối với tàu đánh cá QNg-50281-TS của ông Đặng Tằm (37 tuổi) ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng 11 ngư dân đang đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc bắt giam giữ ngày 5-5… »
 

Tàu của ngư dân Lý Sơn neo đậu tại cảng chờ ra khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: Trí Tín

23 dân chài vừa được thả sau hơn một tháng bị giam giữ thì những người khác lại bị bắt giữ. Và cũng như những lần trước, một sự im lặng về phía nhà cầm quyền. Trừ 15 dòng trên báo Tuổi trẻ và 10 dòng trên báo Người lao động, tôi không tìm thấy gì trên các tờ báo khác (hoặc có thể do tôi chưa biết). Sự sống còn của 11 người đánh cá thật không quan trọng bằng giá vàng và thị trường bất động sản…

Cùng ngày 07/ 05/2010, tôi tìm đọc báo Quân đội nhân dân, hy vọng tìm thấy một phản ứng tích cực. Bài đầu trang là tấm ảnh đẹp của một chiếc tàu chiến Việt Nam, các chiến sĩ hải quân đang đứng nghiêm trong bộ quân phục trắng muốt: Tàu Hải quân Việt Nam lên đường tuần tra liên hợp với Hải quân Trung Quốc “Tàu HQ 261 và HQ 263 của Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã rời quân cảng Đà Nẵng lúc 4 giờ 30 phút chiều 7-5, để thực hiện chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 9 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc».

Tôi đã gửi đến ý kiến của mình trên mục “ý kiến bạn đọc” như sau:

“Các bạn của tôi đang đi về hướng Vịnh Bắc Bộ. Các bạn chắc hẳn sẽ đi gần Hoàng Sa, lãnh thổ của chúng ta, nơi mà có lẽ đội chiến thuyền của những binh sĩ TQ đang ở lậu tại Hoàng Sa và đợi các bạn. Xin các bạn chớ quên tranh thủ bỏ neo trên đảo Phú Lâm để đón những đồng bào thuyền chài của chúng ta đang bị những “anh lạ” giam giữ một cách “thân tình” và đưa họ trở về với gia đình của họ. Tôi hy vọng rằng chuyến trở về của họ sẽ không mất tiền và các bạn cũng sẽ mang những chiếc thuyền đánh cá của họ cũng như những chiếc thuyền mà các bạn TQ thân mến của chúng ta vẫn đang còn chiếm giữ. Thật đáng xấu hổ!”

Tôi đang tưởng tượng hình ảnh của những người thuyền chài bị giam giữ chật chội trong một căn phòng tồi tệ, bị ngược đãi bởi những kẻ giam giữ họ, bỏ đói và luôn bị xúc phạm tinh thần. Tôi đang tự hỏi họ sẽ nghĩ gì khi họ biết rằng, trong khi họ bị ngược đãi, giam cầm thì hải quân của họ đang thực thi một nhiệm vụ chung với Hải quân TQ chỉ cách đó vài cây số. Ắt họ sẽ nghĩ rằng: “Chúng ta đang là nạn nhân của một trò đùa thảm hại gì vậy?”. Tôi tưởng tượng đến suy nghĩ của những gia đình đang sống trong nỗi day dứt của các thuyền nhân bị bắt giữ, của bạn bè của họ, của số đông nhân dân đang nghèo nhưng vẫn rất tự hào về Đất Nước Việt Nam của họ: “Trong khi người ta tưởng niệm đến những liệt sĩ chết ở Trường Sa, người ta đang quên những người vẫn đang còn sống ở Hoàng Sa”. Thật lạ!

Bởi vì đúng là chúng ta đang nói về cuộc sống. Trong các bộ phận được thông tin rõ ràng của quân đội, của công an, của các ngành ngoại giao, của Đảng và của các cấp cao nhất của Chính quyền, người ta biết rất rõ số phận của những người bị bắt. Hôm Chủ nhật, ngày 02/05/2010, báo VietnamNet có đăng một cách rất chuyên nghiệp các phỏng vấn của 23 đồng bào của chúng ta vừa được thả. Xin trích dẫn ở đây:

“Mấy ngày đầu bị bắt giữ đưa về giam trên đảo Phú Lâm trong một căn phòng được canh giữ cẩn mật với 3 hàng rào bảo vệ. Mỗi ngày được cho ăn hai bữa cơm với đu đủ ướp muối. Có hôm may mắn được mấy bộ xương và đầu cá ăn thừa. Nói chung là họ cho chúng tôi ăn giống như heo. Nhưng cũng còn đỡ vì có đủ cơm ăn no những ngày đầu”.

“… tổng cộng 23 người chung phòng thì cơm không đủ ăn. Nhiều hôm bị bỏ đói, cũng may nhờ một số người xây dựng trên đảo Phú Lâm thấy thương tình nên cho ít cơm và muối. Nhưng cũng rất ít, và thỉnh thoảng họ thấy đói quá nên mới cho".

“… Cứ trông đến bữa là ăn nhưng cơm không đủ, lại ăn với đu đủ sống muối nên đa số anh em đều bị kiết và đau bụng".

“… Khi vừa đặt chân xuống tàu thì bị đánh tới tấp hơn 1 giờ đồng hồ. Cả 3 người trên tàu cứ thế đấm đá vào mặt, vào đầu đến khi tui ngất xỉu họ mới đưa về lại phòng giam chẳng nói một lời", Thuyền trưởng Tiêu Viết Là kinh hoàng nhớ lại”.

Những điều kiện giam giữ được tả trên gợi cho tôi nhớ những kỹ niệm buồn, những kỷ niệm của chiến tranh, của các “Trung tâm Cải huấn” của chính quyền Sài Gòn. Những cư xử giành cho những người thuyền chài bị bắt giữ không khác gì với những ngón đòn tra tấn mà những người “trật tự” của khám Chí Hòa đã dùng với tôi 40 năm trước. Tôi chắc chắn rằng những lời chứng đó đã làm rung động lòng và làm chảy nhiều nước mắt ở hàng vạn người tù chính trị của chế độ Mỹ - Sài Gòn hiện đang còn sống tại miền Nam Việt Nam. Họ hẳn đã thấy lại trong những lời chứng ấy và trong những khoảng im lặng ấy cái không khí khủng khiếp của nhà tù thời bấy giờ. Buồn và giận lẫn lộn, đan xen nhau, tôi thường tự nói với mình: nếu như sự tàn bạo ấy được dùng để đối xử với chỉ một người thuyền chài của Pháp, của Châu Âu hay của Bắc Mỹ bởi một loại hải quân lạ nào thì cả dân tộc của người bị ngược đãi ấy sẽ nổi dậy vì căm giận, tất cả báo chí quốc gia và quốc tế sẽ sục sôi. Người ta sẽ nói đến Khủng bố, đến sự Tàn bạo, đến Nhân quyền...

Và một loạt câu hỏi dồn dập trong óc tôi:

Lẽ nào nhân dân Pháp yêu nước hơn, đoàn kết hơn, nhạy cảm hơn nhân dân Việt Nam? Tôi không tin và lịch sử cũng đã chứng minh rằng không phải như vậy. Vậy thì, người Việt Nam lẽ nào để cho người ta dẫm đạp lên mình như vậy? Sao người ta có thể chịu đựng điều đó được khi mà từ trong da thịt của mình đã ngấm đậm những tàn ác của nhà tù chính trị của Chủ nghĩa tư bản, hoặc khi mình chính là con, là cháu của những người tù ấy? Sao có thể để cho mỗi ngày trong tai của ta cứ phải nghe những lời phản đối trong khi việc làm thực tế thì lại là hợp tác? Sao có thể chờ đợi một giải pháp đến từ một trọng tài quốc tế? Lẽ nào nỗi lo sợ và sự xấu hổ trong lòng của một đất nước vốn giàu truyền thống lại mạnh đến nỗi làm tê liệt tất cả những phản ứng cứng rắn và chân chính của những công dân đường phố? Lẽ nào nước Việt Nam là một nước mà nhân dân bị cấm phát biểu công khai quyền công dân của mình?

Hay là 35 năm của chế độ “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đánh mê lương tâm của nhân dân, đã ém nhẹm tất cả các thông tin, ngược đãi và cô lập những ai còn biết ngẩng cao đầu, xuyên tạc lịch sử, nịnh bợ “những giá trị” làm giàu cá nhân bằng mọi thủ đoạn, sự ích kỷ cá nhân và gia đình đến mức mà một bộ phận lớn của giới trẻ hiện nay không còn biết họ là ai, họ từ đâu đến và họ đi về tương lai mà không hề biết họ sẽ đến chân trời hạnh phúc nào? Lẽ nào sự phát triển của Việt Nam phải trả giá đắt như vậy, và trong điều kiện này, có thể nào nói đến phát triển hay không?

Thực chất của vấn đề thực thi chủ quyền lãnh thổ và hải phận phải chăng đã trở nên chủ yếu là vấn đề dân chủ chính trị nội bộ? Phải chăng tôi đang chứng kiến một cuộc đánh cướp tất cả những gì là hy sinh, là hy vọng lớn lao của thế hệ của tôi tại Việt Nam và trên toàn thế giới?

Tôi có phải là một người phản động khi đặt ra cho mình những câu hỏi này không? Tôi, một người chỉ sống bằng đồng lương hưu khiêm tốn của một anh giáo làng, không nhận của ai một đồng nào, không thuộc bất cứ một đảng nào, kể cả ở Pháp lẫn ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào khác ? Tôi, một người đã dùng cả đời mình để chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản dù nó tồn tại và đến từ bất cứ nước nào? Ai sẽ dám gán cho tôi cái tội danh phản động trong khi tôi có gan nói đến những sự kiện thực tế đang diễn ra hàng ngày, đang hàng ngày làm cho mình đau lòng, phẫn nộ? Đâu rồi, những kẻ phản động hôm nay, những kẻ miệng thì nói dân chủ mà lại đang bóp nghẹt dân chủ, những kẻ làm cho dân chúng tê liệt để dễ dàng trói chân tay họ hoặc để làm cho họ bị chặt mất những tài sản thiêng liêng của họ ?

Lẽ nào giấc mơ đẹp của năm tôi 20 tuổi đang trở thành ác mộng khi tôi 60? Nước mắt tôi tuôn trào khi tôi viết những dòng, những chữ đầy ắp tâm tình này. Nhưng đây là những dòng nước mắt chiến đấu. Tôi khóc như tôi đã từng thỉnh thoảng khóc khi còn ở trong nhà tù của chính quyền Saigon: tôi khóc mà răng nghiến chặt và nắm tay mạnh hơn!

Người ta cám ơn tôi thật tình về những gì tôi đã làm trong quá khứ. Tôi rất trân trọng và tin họ đã chân thành. Nhưng khi thời điểm đó qua đi, tôi không muốn bị nhốt trong quá khứ vinh quang dưới một lớp bụi của bảo tàng.

Món quà chính thức duy nhất mà tôi nhận được, chân tình và quý giá biết bao, là danh hiệu Công dân Việt Nam. Tôi xem quốc tịch Việt Nam mà Chủ tịch nước đã trao cho tôi là một món quà nặng nghĩa tình, ẩn chứa những cuộc chiến đấu trong suốt cuộc đời còn lại, và những hiểm nguy phải đối đầu để bảo vệ danh dự, tự hào và tình bạn cao cả. Nhưng nếu cứ điềm nhiên giữ những danh hiệu cao quý đó bằng cách “ngậm miệng, nhắm mắt, bịt tai” mình lại? Nhất định là không, vì như vậy nó sẽ mất hết ý nghĩa, hoặc nếu còn, thì đó chỉ là sự phản bội lại Tổ Quốc thứ 2 của tôi.

Trong khi vừa viết xong bài này ngay đúng ngày 7.5, chưa kịp gửi đi, tôi lại đọc tiếp 2 bài được dịch đăng trên 2 trang viet-studies và Bauxite Việt Nam, nội dung chỉ rõ lập trường hiếu chiến và đe dọa được đăng trên các báo chính thống của Trung Quốc. Một lần nữa, tôi khẳng định: Việt Nam không có gì tốt hơn để mong chờ từ thái độ cầu thị của giới cầm quyền Trung Quốc.

A.D. HCQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc khác với báo chí như thế nào?

2010-05-22
Quan sát các bài phát biểu của các viên chức ngoại giao Trung Quốc cùng với ngôn ngữ mà báo chí nước này đưa tin, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau rõ rệt.

AFP photo
Lực lượng đặc biệt hải quân Trung Quốc trên boong tàu chiến tên lửa hôm 13/04/2010
Trong ngoại giao, để đạt được mục đích, các viên chức Trung Quốc đã không thiếu những lời hoa mỹ nhằm thuyết phục các nước láng giềng nghe theo. Thế nhưng, có một ngôn ngữ khác mà báo chí Trung Quốc dành cho các nước trong khu vực, trái ngược hoàn toàn với ngôn ngữ hòa nhã vốn thường được các nhà ngoại giao nước này sử dụng.
Mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu thêm hai loại ngôn ngữ trái ngược nhau này.

Trung Quốc không có ý định xâm lược các nước khác?

Đầu năm nay, trong chuyến viếng thăm Ban Thư ký Asean ở Jakarta, nhân vật đứng đầu trong việc xây dựng các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã hết lời ca ngợi khối Asean. Trong một bài phát biểu, ông Đới Bỉnh Quốc ca ngợi Asean trong 10 năm qua như, Asean đã trở nên "ảnh hưởng nhiều hơn về chính trị, cạnh tranh hơn về kinh tế, và đóng vai trò quan trọng và duy nhất trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực”.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định rằng, Trung Quốc không bao giờ có ý định xâm lược các nước khác.
Hãy nhìn vào lịch sử của Trung Quốc. Trung Quốc có truyền thống và văn hóa xâm lược và mở rộng hay không? Tôi đã ghi nhận, rất nhiều người trên toàn thế giới nói "không".
Ông Đới Bỉnh Quốc
Ông nói: “Hãy nhìn vào lịch sử của Trung Quốc. Trung Quốc có truyền thống và văn hóa xâm lược và mở rộng hay không? Tôi đã ghi nhận, rất nhiều người trên toàn thế giới nói "không". Trung Quốc không muốn quyền bá chủ hoặc tìm kiếm mở rộng, ngay cả khi Trung Quốc mạnh nhất thế giới, với 30% GDP toàn cầu cách đây vài trăm năm.
Nhiều người trong số các bạn biết về các chuyến hải trình của Trịnh Hòa tới các vùng biển phương Tây. Dẫn đầu hạm đội mạnh nhất thế giới, Trịnh Hòa thực hiện bảy chuyến đi tới các vùng biển phương Tây, mang tới đó đồ sứ, tơ lụa và trà, chứ không phải chém giết, cướp bóc hay chủ nghĩa thực dân”.
Thế nhưng, trái ngược với những ngôn từ hoa mỹ của ông Đới Bỉnh Quốc sử dụng là giọng điệu kêu gọi chiến tranh của báo chí Trung Quốc. Trong những năm gần đây, báo chí nước này có những bài viết kêu gọi chính phủ Trung Quốc nên phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam và các nước trong khu vực, như báo Luận Đàn, Trung Quân Võng, Trung Hoa Võng (China.com), milchina.com và rất nhiều báo mạng khác.
Đáng chú ý nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đây là nhật báo có uy tín tại Trung Quốc, với lượng phát hành mỗi số gần 2 triệu bản và phóng viên có mặt hơn 60 nước trên thế giới. Báo này liên tục có các bài liên quan đến Biển Đông với luận điệu hoàn toàn trái ngược ngôn ngữ ngoại giao mà Trung Quốc thường hay sử dụng.
bauxite-vn-305.jpg
Bài dịch của GS Vũ Cao Đàm đăng trên mạng Bauxite Việt Nam, từ một bài báo của TQ với tựa đề “Trung Quốc phải dùng vũ lực để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói”
Chẳng hạn như, đầu tháng 7 năm ngoái, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có bài viết với tựa đề: “92% dân mạng Trung Quốc tán thành việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông”. Hơn 1 tháng sau, một bài báo khác đăng trên tờ báo này kêu gọi phát động cuộc chiến chống Việt Nam như: “Cuộc chiến ở Biển Đông: năm nguyên nhân lớn khiến Trung Quốc nên đánh cho Việt Nam tan tác”. Cuối tháng 10 năm ngoái, một bài báo khác trên tờ Hoàn Cầu có tựa đề: “Trung tướng Quân Giải phóng nói rất mạnh: ‘Đã chuẩn bị đánh ở Biển Đông rồi’”.
Mặc dù các trang mạng này cũng nhắc đến sự hiện diện của các nước khác trên Biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và kêu gọi Trung quốc “phải dùng ‘binh’ nếu dùng ‘lễ’ không mang hiệu quả”. Thế nhưng, với Việt Nam họ kêu gọi nên sử dụng vũ lực, vì theo báo chí Trung Quốc, các học giả nước này cho rằng Việt Nam là đối thủ nguy hiểm nhất và cũng là đối thủ khó giải quyết nhất trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính sách ngoại giao “hòa bình” của Trung Quốc?

Trong khi đó, đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI đưa tin về chính sách ngoại giao của nước này như sau: “Trước sau như một, Trung Quốc thi hành nguyên tắc độc lập tự chủ, không ký kết liên minh với bất cứ nước lớn hay tập đoàn quốc gia nào, không tổ chức và tham dự tập đoàn quân sự, không tham gia chạy đua vũ trang, không tiến hành khuếch trương quân sự.
Phản đối chủ nghĩa bá quyền, giữ gìn hòa bình thế giới, chủ trương các nước không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, giầu nghèo đều là thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế. Giữa các nước giải quyết các cuộc va chạm và tranh chấp thông qua hiệp thương hòa bình, không nên dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, không kiếm cớ can thiệp công việc nội bộ của nước khác.
Fact box
- Báo South China Morning tường trình, ngày 17-18/04/2010
- tàu chiến Trung Quốc chạy qua dãy đảo đầu tiên của Nhật, Đài Loan và Philippines để diễn tập cách phòng chống tàu ngầm.
Nguyện thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và cùng chung sống hòa bình.
Và ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã lặp lại chính sách ngoại giao của Trung Quốc như đài CRI đưa tin: “Hãy nhìn vào các chính sách cơ bản của Trung Quốc. Không tìm kiếm quyền bá chủ là chính sách quốc gia cơ bản của chúng tôi và sự lựa chọn chiến lược. Trung Quốc muốn tình hữu nghị, không phải quyền bá chủ. Trung Quốc luôn luôn theo đuổi chính sách láng giềng tốt và thân thiện.
Trung Quốc là đại diện cho sự bình đẳng giữa tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo và tôn trọng các quyền của người dân của họ, được lựa chọn con đường phát triển của họ một cách độc lập.
Chúng tôi sẽ tuân theo sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và tiến bộ chung. Sự ổn định lâu dài của Trung Quốc, phát triển và thịnh vượng đã được chứng minh là cơ hội cho các nước láng giềng, không phải là một thách thức, không phải là một thảm họa”.

Tàu Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum.
Tàu Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum.
Thế nhưng, ngày 14 tháng 5, mạng milchina.com đăng bài của Thượng tướng Trì Hạo Điền, nguyên phó Chủ tịch Quân ủy, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, với lời lẽ kêu gọi Trung Quốc nên phát động một cuộc chiến trong khu vực. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã dịch bài viết này, trong đó có đoạn ông Trì Hạo Điền viết như sau:
Để ngăn cản, làm chậm thời gian bùng nổ cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, trước tiên phải đưa cuộc chiến ở eo biển Đài Loan lên mức ‘quyết chiến chiến lược đối xứng’, vừa là trình tự cá chết thì lưới cũng rách, nếu chúng ta không thắng được trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan thì hậu quả chiến bại còn thê thảm hơn cuộc chiến tranh Giáp Ngọ. Vì vậy không đánh thì thôi, đã đánh là phải tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế, điều này chỉ có chiến tranh hạt nhân mới làm tròn nhiệm vụ.
Cầu thiện được ác, đó là kết cục cuối cùng của chính sách hiện nay của chúng ta, cầu ác được thiện, chỉ có năng lực tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế thì mới giành được hòa bình, nếu không vấn đề eo biển Đài Loan kéo dài không quá 10 năm, trong 10 năm tất có đại chiến”.
Vì vậy không đánh thì thôi, đã đánh là phải tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế, điều này chỉ có chiến tranh hạt nhân mới làm tròn nhiệm vụ.
Thượng tướng Trì Hạo Điền
Hay các bài viết với những ngôn từ hiếu chiến đã được đăng trên báo tiếng Trung có tựa đề “Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa” và “Trung Quốc phải dùng vũ lực để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói”, do GS Vũ Cao Đàm dịch, mà chúng ta có thể tìm thấy trên các tờ báo mạng, đủ để thấy sự mâu thuẫn giữa ngôn ngữ ngoại giao và báo chí của Trung Quốc như thế nào.
Liệu các nước trong khu vực có còn tin vào những ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, mâu thuẫn với luận điệu báo chí và hành động thực tế của Trung Quốc, hay đã đến lúc các nước nhàm chán vì phải nghe những ngôn từ ngoại giao này?

1 comment: