Thursday, March 3, 2011

Khi đường phố nổi giận chính đáng, nỗi sợ liền đổi ngôi

 
Bùi Tín : Ai sợ ai? luôn là câu hỏi về mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền.
Ở một nước dân chủ, văn minh, thượng tôn luật pháp, thì không ai phải sợ ai cả. Nhân dân tôn trọng chính quyền do mình bầu ra. Chính quyền phục vụ, bảo vệ nhân dân. Nhân dân cũng không sợ gì quân đội, công an và cảnh sát. Quân đội bảo vệ dân, cảnh sát công an giữ gìn trật tự an ninh cho toàn dân. Quan hệ thân thiện, tin cậy nhau.
Nhưng dưới chính quyền độc đoán, độc đảng, dưới chính quyền cảnh sát, dưới chế độ đàn áp mọi biểu hiện đối lập thì người dân thường luôn lo sợ, không yên, vì có thể bị triệu tập, quấy nhiễu, thậm chí bị tra tấn, tù đầy, thủ tiêu. Còn những kẻ cầm quyền, nắm luật pháp, tòa án trong tay, tự coi đứng ngoài pháp luật, tha hồ lộng hành, tác oai tác quái, coi nhân dân không ra gì. Họ hăm dọa, ra oai, đe nẹt người này, cảnh cáo bắt giam người khác, mặc sức vơ vét của dân, hà hiếp nhân dân, lại còn lên lớp đạo đức cho dân, tự cho là người cầm quyền hợp pháp, mãi mãi, suốt đời, còn truyền ngôi báu cho con cháu họ.
Tuổi thọ của các nhà độc tài, độc đoán, cảnh sát trị, gia đình trị, của chế độ đảng trị không kéo dài được lâu, nhất là giữa thời đại ngày nay, khi đã sang thế kỷ XXI.
Do đó mà có chuyện ly kỳ, thú vị, là nỗi sợ hãi có thể đổi ngôi. Từ nỗi lo sợ, sợ hãi của người dân đối với bộ máy cầm quyền hung bạo, bất nhân, nhân dân bị dồn vào đường cùng, vẫy gọi nhau vùng dậy, xua tan nỗi sợ, tạo nên thế mạnh trên đường phố.
Khi ấy bộ máy đàn áp sẽ cảm thấy bất lực, lạc lõng, cô đơn, thậm chí sẽ cảm thấy nguy khốn khi bị quần chúng lên án chỉ mặt. Họ bắt được một vài người, vài chục người, nhưng vài trăm, vài ngàn người xông tới thì sức đâu mà bắt, mà giữ, mà giam?
Bài học sốt dẻo của Tunisia tháng 1-2011 đã rõ, rồi bài học của Ai-cập tháng 2-2011 càng sáng tỏ, và bài học 10 ngày nay ở Lybia từ ngày 17-2, rõ thêm.
Mới thét ra lửa, nhân danh tổng thống, tổng tư lệnh, tổng chỉ huy hải lục không quân và cảnh sát, ra lệnh đàn áp, để rồi chỉ 2 tuần lễ sau, Ben Ali hoảng hốt, run sợ, cùng vợ thu vén của cải, vàng bạc châu báu, bỏ chạy như một tên tội phạm sang Saudi Arabia xin tỵ nạn, để bị truy nã là một tên tội phạm quốc tế. Nỗi sợ đã chuyển ngôi.
Ở Ai Cập cũng vậy, nhà độc tài Mubarak tại vị suốt hơn 40 năm cũng thét ra lửa, cũng nắm trọn quân đội, cảnh sát, tòa án trong tay, cấm báo chí tư nhân, thâm thù giới luật sư, ngự trị bằng luật khẩn trương, nghe tin quần chúng xuống đường ngày 25-2, liền ra lệnh đàn áp, nhưng quần chúng càng đổ ra đường đông thêm, vận động quân đội không bắn vào dân, thế là ngài tổng thống phát hoảng, run sợ, bỏ hết quyền hành, tháo chạy lấy thân.
Ở Lybia cũng thế. Tên độc tài hung dữ, xảo quyệt, đồng bóng, hoang dâm – từng cho bộ hạ đặt bom ở Cộng hòa liên bang Đức, đặt bom trên máy bay Boeing 707 của Hoa Kỳ, định hiếp dâm nữ phóng viên đài TF2 Pháp khi cô này đang phỏng vấn hắn hồi năm 2006 – nay đang trong thế tuyệt vọng, bị Liên Hiệp Quốc khai trừ, bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội diệt chủng, nhiều bộ trưởng, viên chức cấp cao, đại sứ … ly khai hàng loạt. Hiện Gadhafi cũng đang phát hoảng, run sợ, chỉ còn ra lệnh được cho lữ đoàn quân bảo vệ đặc biệt ăn lương cao, bọn này đang rã ngũ, bỏ súng dần trước cao trào nổi dậy tự quản của nhân dân.
Nỗi run sợ của những tên độc tài sa cơ đang nhân gấp bội: tài sản phi pháp của chúng bị phong toả, chúng khó thoát tội tử hình khi bị khởi tố và ra toà án.
Để cho nỗi lo sợ đổi ngôi, không phải là dễ dàng. Nhân dân quần chúng thoát khỏi sự lo sợ lưu cữu kéo dài, từ đó có tinh thần tự tin, dũng cảm nổi dậy bền bỉ, kiên cường đều phải trải qua quá trình vận động, giác ngộ, thức tỉnh kéo dài. Một số nhà báo Pháp, Đức, Nhật, Mỹ …đang ở Bắc Phi cho biết nhiều nhóm sinh viên ngành luật, xã hội học, tâm lý học, nhiều nhà văn cấp tiến đã đóng góp xuất sắc vào sự Thức tỉnh Hồi giáo – le Réveil Musulman – kỳ diệu này. Họ ra sức bác bỏ 2 điều ‘lý sự cùn’ của bọn độc tài và các nhóm Hồi giáo cực đoan là: văn minh phương Tây xung khắc với Hồi giáo như nước với lửa, và nguyên lý ‘chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm’, rằng phương Tây không được can thiệp vào các nước Hồi giáo.
Sự bác bỏ những lý sự cùn này không khó. Cần nói rõ con người là thống nhất. Màu da nào, tôn giáo nào, hễ là con người là yêu tự do, yêu dân chủ, có tự do dân chủ mới có bình đẳng, công bằng, phát triển. Dân chủ ra đời từ thời cổ xưa ở La Mã.
Thế giới là một cộng đồng có trách nhiệm với nhau trên toàn cầu. Do đó không những mọi người, mọi nước có quyền can thiệp mà còn có trách nhiệm, có nghĩa vụ can thiệp cứu giúp nhau khi cần. Đó là bản tính NGƯỜI. Anh thấy người bạn láng giềng của anh đánh đập tàn bạo con anh ta, giết vợ anh ta, anh nỡ nào để mặc, không can thiệp, đứng nhìn?
Bà Aung San Syu Ky đã có một cuốn sách bàn về Làm sao giải tỏa nỗi sợ cường quyền.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có bài giảng sâu sắc về căn nguyên nỗi sợ và làm sao từ bỏ được nó để luôn tự tin, tâm linh an lạc, thư thái, yêu đời.
Các sinh viên học sinh trí thức, giới luật gia và nhà văn Tunisia, Ai-cập còn cho biết đã 5, 6 năm nay họ lập ra những Nhóm điều tra, thu thập tài liệu, lập hồ sơ trên Net, những task force – nhóm chuyên trách về những vụ tham nhũng lớn nhỏ, những quan tham ô lại từng vùng, từng tỉnh, những tài sản bất minh của bọn có chức có quyền, những nhóm đặc quyền, gia đình, phe nhóm, tay chân của chúng, những biện pháp mua bán, sang nhượng, đút lót, hối lộ, những vụ chuyển ngân, rửa tiền, mua bán nhà đất bất minh, những cuộc đàn áp do ai ra lệnh, ai thực hiện, nạn nhân, tang chứng, những vụ xử án bất công, khủng bố, ai là quan tòa, tay chân cường quyền, chà đạp pháp luật?
Cuối cùng, đã có sự giải thích vì sao nhân dân xuống đường đông đảo. Chỉ là vì họ thấy sự nổi giận của đường phố là chính đáng, đã có sẵn trong lòng mỗi người dân. Giận dữ vì giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, cứ như bị kẻ cắp móc túi mỗi ngày. Giận dữ vì dân sống khổ mà quan chức, gia đình họ thì xa hoa, phè phỡn, hưởng lạc, hoang dâm vô độ. Giận dữ vì thất nghiệp, vì ốm đau không có bảo hiểm, bị hành hạ, vòi vĩnh, quấy nhiểu bởi chính quyền rữa nát. Giận dữ vì xã hội băng hoại, tương lai con cháu ta sẽ ra sao?
Cả một kho kinh nghiệm quý ở Bắc Phi. Hãy biết ghi nhận, tìm hiểu, ứng dụng có lựa chọn và sáng tạo.
Nguồn : Bùi Tín – VOA

Trung Quốc dọa trục xuất ký giả nước ngoài

Trung Quốc đang thay đổi cách thức các ký giả nước ngoài có thể làm việc tại Trung Quốc như thế nào và các phóng viên đang bị cảnh báo rằng họ có thể bị trục xuất nếu tìm cách tường thuật các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Peter Simpson từ Bắc Kinh, một số khu du lịch ở thủ đô và Thượng Hải nay đang áp dụng một số quy định hạn chế đối với những vùng nhây cảm như Tây Tạng.
Cảnh sát Trung Quốc ngăn chặn các phóng viên chụp hình một người đàn ông bị bắt ở Thượng Hải, ngày 27/2/2011
Hình: Reuters
Cảnh sát Trung Quốc ngăn chặn các phóng viên chụp hình một người đàn ông bị bắt ở Thượng Hải, ngày 27/2/2011

Tin liên hệ

Trong một cuộc họp báo căng thẳng hôm nay, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án một số ký giả là cố ý khích động rối ren trong khi tường thuật các cuộc biểu tình đòi dân chủ.
Bà cảnh báo rằng các ký giả bị cáo buộc là vi phạm những quy định có thể không được bảo về theo các luật lệ về truyền thông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Khương Du nói rằng các ký giả tôn trọng các quy định sẽ được luật pháp bảo vệ.
Bà cho biết không có luật lệ nào bảo vệ những ký giả gây ra điều mà bà mô tả là những sự xáo trộn.
Bà Khương Du lên tiếng sau khi cảnh sát Trung Quốc cảnh báo các ký giả nước ngoài trong tuần này phải tuân theo các hạn chế mới về việc tường thuật các cuộc tụ tập teho lời kêu gọi của một chiến dịch chống đối trên mạng, nếu họ không muốn vấp phải rủi ro bị hủy thị thực làm việc.
Hôm Chủ nhật tuần trước, hơn 16 ký giả đã bị đối xử thô bạo bởi công an mặc sắc phục và thường phục, trong đó một ký giả Mỹ đã phải nhập viên vì bị đả thương nặng.
Các ký giả đã đến một khu ở Bắc Kinh có tên la Vương Phủ tỉnh. Một chiến dịch trên mạng đã kêu gọi mọi người đến khu vực đó, và các địa điểm khác ở khắp Trung Quốc và những chiều chủ nhật để bầy tỏ sự ủng hộ cho các cuộc cách mạng đàng tràn qua Trung Đông, và mưu tìm công lý và cải cách ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như không có mấy người biểu tình xuất hiện hôm chủ nhật. Tại Vương Phủ Tỉnh, các ký giả thuật lại rằng họ đã nhìn thấy mấy chục nhân viên an ninh.
Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng cường an ninh để đáp lại những lời kêu gọi biểu tình. Một số thành phần bất đồng chính kiến cho hay họ đã bị các hạn chế mới đối với các hoạt động của họ.
Hôm nay, bà Khương Du nói đi nói lại nhiều lần rằng không có thay đổi trong các quy định về tường thuật tin tức đã được biến thành luật sau Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008.
Các quy định này cho phép phóng viên phỏng vấn dân chúng với điều kiện được họ đồng ý và cho phép các ký giả nước ngoài đi lại không cần có giấy phép, ngoại trừ đến các khu vực nhậy cảm như Tây Tạng.
Nhưng các giới chức an ninh đã nói với một số phóng viên nước ngoài rằng họ phải được phép chính thức để thực hiện các cuộc phỏng vấn hay tường thuật công khai tại nhiều khu vực.
Các ký giả được cho hay họ phải có giấy phép để tường thuật từ Vương Phủ Tỉnh, một con đường buôn bán rất đông du khách gần quảng trường Thiên An Môn.
Các giới chức nói với các ký giả nước ngoài rằng họ có thể tự do tường thuật ở bất cứ nơi nào khác của Trung Quốc, ngoại trừ các khu vực biểu tình, và nên lánh xa các khu vực đó.
Một số ký giả đã nộp đơn xin tường thuật từ các địa điểm biểu tình vào ngày chủ nhật tới đây, nhưng đã bị từ chối.
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, và các tổ chức truyền thông đã lên án các biện pháp hạn chế truyền thông.

Nhật Bản đuổi máy bay Trung Quốc
Đảo Senkaku/Điếu Ngư
Đảo Senkaku/Điếu Ngư
REUTERS/Kyodo
Mai Vân
Chính quyền Tokyo vào hôm nay (03/03/2011) lại bày tỏ nỗi lo ngại trước năng lực quân sự ngày lớn mạnh của Trung Quốc. Tuyên bố quan ngại này được đưa ra một ngày sau khi phi cơ Trung Quốc áp sát khu vực đảo Điếu Ngư/ Senkaku đang tranh chấp giữa hai bên và bị không quân Nhật Bản đuổi đi.
Theo lời xác nhận của ông Yukio Edano, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, hôm qua (02/03/11) Tokyo đã  điều hai chiến đấu cơ đến vùng đảo Senkaku để đuổi hai chiếc máy bay Trung Quốc đang áp sát khu vực, chỉ cách Senkaku khoảng 55 cây số.
Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, đây là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc đến sát gần quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản như thế. Hãng tin Kyodo cho biết là phi cơ Trung Quốc thuộc loại máy bay do thám và chống tầu ngầm Y-8, hai chiếc này đã đổi hướng bay xa khi phi cơ Nhật tiến đến gần.
Theo ông Yukio Edano, Tokyo không có ý định lên tiếng chính thức phản đối sự kiên máy bay Trung Quốc tiến gần đến vùng quần đảo tranh chấp vì lẽ hai chiếc phi cơ này ‘‘còn ở ngoài không phận Nhật Bản và không vi phạm luật quốc tế’’.
Dù sao thì phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cũng cho biết là Tokyo xem vấn đề hiện đại hoá quân đội Trung Quốc là một sự kiện đáng lo ngại, và Nhật Bản ‘‘sẽ theo dõi một cách chặt chẽ các động thái của quân đội Trung Quốc’’.
Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, vào năm ngoái, Lực lượng phòng vệ -tức là quân đội Nhật Bản, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 12, đã phải 48 lần điều động các chiến đấu cơ lên nhằm đối phó với những phi vụ áp sát không phận Nhật của máy bay quân sự.
Riêng về vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ hai nước trở nên cực kỳ căng thẳng vào tháng 4/2010 sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản ở khu vực này.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc khu có trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn trên biển Hoa Đông. Đảo này do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền.

No comments:

Post a Comment